Ghềnh đá cheo leo

Chương 9

Từng giờ phút thấp thỏm, khiếp nhược kế tiếp nhau uy hiếp Thanh Hải. Không một bóng người còn lại trong làng. Nhà cửa mở toang. Gia đình bỏ ngỏ. Tất cả đã ở ngoài bãi hoặc trên biển nước mênh mông. Các con thuyền lướt sóng mau lẹ, giao nhau chạy về mọi hướng. Các bà mẹ rũ rượi mệt nhoài vẫn rền vang tiếng khóc bi ai.

Tất cả đều xúc động và thương tâm trước niềm đau tê tái của Ngọc Hạnh. Các bà thay đổi nhau an ủi nàng:

- Thôi khóc làm gì nhiều. Chúng tôi cùng chung số phận bất hạnh như chị, nhưng chắc chắn chị khổ đau hơn chúng tôi. Những tai họa ấy thường xuyên đe doạ dân chài lưới này. Nếu biển cả đem lại cơm cháo cho chúng tôi thì cũng chính biển cả là kẻ thù của chúng tôi. Trước đây và sau này, biển cả còn tiếp tục bắt chộp con cái chúng tôi. Chúng tôi vẫn dạy để con cái chúng tôi một ngày kia sẽ vượt thắng biển cả. Chúng tôi đã quen nhìn con chúng tôi tung mình vào sóng gió. Chúng tôi chào đời, sinh sống và chết đi trong cuộc chiến đấu với đại dương. Nhưng còn chị, chúng tôi hiểu chị, chúng tôi thương chị chưa quen với thử thách của đại dương. Chị khổ đau hơn ai hết trong lúc này. Tại sao chị lại đến ở đây? Tại sao gió biển lại thổi chị phiêu bạt đến nơi này giữa chúng tôi?

Còn các ông, các ông không ưa than van khóc lóc. Các ông tìm cách trấn an nàng:

- Chị cứ bình tĩnh, hoàn cảnh như thế này, dầu kinh hãi mấy cũng chưa phải là tuyệt vọng đâu. Sóng biển không đến nỗi hung bạo tàn nhẫn quá mức như mọi người tưởng. Không lẽ bao nhiêu thuyền bè, tầu buồm lại không nhìn thấy chiếc thuyền chúng nó ra mãi tít ngoài khơi. Có thể tụi nó trôi dạt vào chỗ nào đây. Tụi nhỏ nó đâu có tài giỏi chèo chống gì đâu!

Niềm hy vọng cuối cùng vẫn còn leo loét chập chờn.

*

Từng con thuyền trở về, chở theo niềm thất vọng mới. Không một tin tức gieo vui. Tất cả vẫn trong một tình trạng não nề lúc trước. Họ căm tức nguyền rủa như những lần ra đi suốt ngày để rồi lúc tối trở về với con thuyền trống rỗng. Mọi người vẫn chờ đợi, chờ đợi cho tới chiếc thuyền cuối cùng của ông Trọng, ba của thằng Thành Cồ. Ông là một tay ngư phủ lão thành, gan dạ, tài khéo dám đương đầu với mọi sóng biển. Ông là niềm hy vọng cuối cùng của dân làng. Vừa thấy chiếc thuyền ông trở về, mọi người xô tới:

- Bác Trọng ơi, có thấy gì không?

- Chúng nó đâu cả rồi?

Mặt mũi thảm não, ông lắc đầu lia lịa. Cha của thằng Toàn, thằng Minh, thằng Hoà… chạy tới. Họ quây quần với nhau tìm kiếm kế hoạch. Cha thằng Thắng mở đầu:

- Tôi đi khắp cả phía bờ bên kia, thế mà vẫn không thấy bóng dáng đứa nào cả.

- Tôi cũng thế, chèo tuốt ra giữa dòng cũng chẳng hơn gì.

- Theo tôi, cha thằng Toàn lập nghiêm, chúng ta phải tính lại kỹ hơn. Hồi xẩm tối, tôi có thấy lửa cháy ở tận ngoài xa, có lẽ là chỗ ghềnh đá, chỗ mà thỉnh thoảng chúng ta lại ăn trưa ở đó.

- Nếu vậy, có thể lũ nhỏ khi ra khỏi vịnh nước đã bị gió thổi về phía ấy. Và khi chiếc thuyền trôi tới đó, đập vào ghềnh đá vỡ toang ra, và chúng nó đã nổi lửa đốt các mảnh thuyền đó để ra dấu hiệu cầu cứu.

- Có thể, cha thằng Thành chen vào, lũ nhỏ đang trú ẩn ở đó chờ đợi chúng ta. Không rõ chúng có biết leo lên mấy thềm đá ở trên không? Nếu không, nước dâng lên cao sẽ quét sạch bọn chúng. Thằng Thành nhà tôi trèo leo giỏi lắm, tôi không ngại, tôi chỉ sợ cho mấy đứa kia thôi.

Và lúc này Ngọc Hạnh thảm thiết níu áo ông Trọng:

- Bác ơi, xin bác làm ơn cứu vớt tụi nó mau lên. Tội nghiệp thằng Hùng, người nó vừa yếu lại vừa nhỏ, làm sao thoát nạn đây? Xin bác mau mau tới cứu con tôi. Gia đình tôi chỉ còn mình nó là lẽ sống. Bác không giúp, tôi chết mất, bác ơi!

- Chị đừng hối thúc quá, tôi coi bé Hùng như con tôi. Con tôi sống thì thằng Hùng nhà chị sống, con tôi chết, nó cũng chết như vậy.

- Xin bác làm ơn lưu tâm đặc biệt tới cháu. Nó không có cha nó ở đây, bác ạ. Tôi nghe người ta ca tụng bác đã mấy lần can đảm cứu vớt những người đắm đuối xưa nay, xin bác tận tình giúp cho.

Các ông tiếp tục bàn thảo kế hoạch. Ông Trọng tỏ vẻ lo âu:

- Các ông có nghe thấy sóng gió mỗi ngày mỗi lớn dần không? Mực nước dâng lên cao thêm. Chúng ta phải ra tay lẹ lên trước khi sóng biếc nuốt trửng tụi nó.

Ngừng lại một lát, ông gọi các bà tới:

- Này bà Minh, bà Hoà, má thằng Thành đâu, các bà chạy về nhà đưa đồ ăn, đưa nước và quần áo thêm cho tụi nó chứ. Mau lên các bà. Chậm trễ là nguy to đó.

Các bà chạy rào rào về nhà vơ vét bánh trái, áo quần đưa ra thuyền. Ngọc Hạnh cũng vội vã chạy về gói cho con bộ đồ bằng nỉ và hai chiếc bánh nếp. Bà tất tưởi chạy tới gặp ông Trọng:

- Bác ơi, bác làm ơn trao cho bé Hùng dùm tôi với. Chắc lúc này nó đang lạnh run và đói khát lắm! Vạn sự nhờ bác cả. Ơn này tôi chẳng dám quên đâu.

Vừa vác buồm đặt xuống thuyền, cha thằng Toàn đã chửi bới:

- Khốn nạn, tụi bay làm khổ các ông. Đánh cá mệt đừ cả người suốt ngày rồi, đêm đến tụi bay cũng chẳng để cho các ông ngủ yên. Tụi bay sẽ thác với các ông.

- Các bác có thấy không, ông Trọng ấm ức hùa theo, tôi mới khổ chứ, chiếc thuyền tôi vừa đóng mới toanh thế mà cái thằng khốn kiếp rủ tụi nhỏ đi chơi. Thế là tiêu tan công lao của tôi mấy năm trời nay. Thằng chết trôi đó lát nữa về biết tay tôi. Tôi sẽ cho nó mềm đòn! Nó là thằng phá gia chi tử.

Bà Thành thương con, vừa đặt đồ ăn uống xuống thuyền vừa can ngăn chồng:

- Thôi mà, con nó trót dại. Oán hận đâu có ăn thua gì. Ông mau mau đi đi, kẻo tụi nó chết mất.

Má thằng Toàn nói theo:

- Bác ơi, mai mốt rồi hãy tính tội tụi nó, bây giờ xin bác hãy cứu vớt tụi nó đã. Tiền của ăn thua gì. Mạng sống tụi nó mới đáng quý chớ. Chúng tôi trao phó con cho bác đấy.

Hành trang và lương thực đã sẵn sàng. Đoàn người xuống thuyền, căng buồm. Ngọc Hạnh kêu gào theo:

- Các bác ơi, cho tôi đi với để lo cho bé Hùng!

Ông Trọng gạt đi:

- Chị cứ ở nhà, chúng tôi sẽ lo cho cháu. Chúng tôi coi nó như con cháu trong nhà mà. Thôi các bà ở nhà lo cầu nguyện và chuẩn bị đón rước chúng nó.

Ông Thanh đứng trên mũi thuyền và ra lệnh cho con thuyền nhổ cọc. Họ đẩy thuyền ra khơi. Cánh buồm gặp gió, phồng lên rẽ sóng, dìu con thuyền nhảy chập chờn trên sóng nước mênh mông.