Tiếng thì thầm than trách bắt đầu gợn sóng. Hơn khi nào hết, lúc này đám trẻ bắt đầu nhớ ba má, nhớ khung cảnh ấm cúng gia đình. Chúng hối hận đã một lần bất tuân phục để rồi đánh mất tất cả tình thương gia đình, những trò chơi say sưa trên bãi, những bữa ăn ngon lành thịnh soạn…
Bé Hùng nhớ tới người mẹ thân yêu nhất đời. Giờ phút này phải chăng má nó đang buồn sầu, khóc lóc, đi tìm kiếm nó cuống cuồng trên bãi biển? Nó hối hận, nó sợ hãi và đôi dòng lệ đang từ từ lăn trên đôi má. Và nó cũng bắt đầu nghe thấy những tiếng sụt sịt của thằng Minh, thằng Toàn và cả thằng Hoà sún nữa, ngồi gần bên nó.
Nhìn thấy tinh thần bộ tham mưu đang xuống dốc không thắng, thuyền trưởng bối rối, lo âu, nhưng rồi trong chốc lát lại trấn tĩnh được. Và thế là một lần nữa lãnh tụ bọn oắt hịch tướng sĩ:
- Tụi bay làm gì thế? Chưa gì đã dúm lại với nhau cả đống vậy? Trông không khá tí nào cả! Than van khóc lóc lúc này không ích lợi gì ráo trọi. Cuộc đời cần phải có sóng gió mới le chứ! Tụi bay còn nhớ thằng Tintin đã mạo hiểm phiêu lưu thế nào chưa? Đã bao lần đắm tầu, bị bắt, bị rượt đuổi trong các chuyến phiêu lưu ở Conggo, ở Ả Rập và nhất là ở hòn đảo đen, thế mà nó đâu có ớn, có khóc lóc hèn yếu như tụi mày đâu? Nhờ nó nhanh trí, gan dạ, bình tĩnh và cương quyết xoay sở mà rồi trong tất cả những giờ phút gian nguy, nó đã thoát nạn hết. Nó chì hết chỗ chê. Tụi bay chỉ đáng xách quần thủng đít cho thằng nhóc đó. Thôi bây giờ tao đề nghị tụi bay, mình nên tổ chức cái gì chơi cho quên buồn, chờ đến sáng mai sẽ kiếm cách về nhà. Được không?
Bị chạm tự ái, thằng Toàn gồng lên, gạt nước mắt và ra vẻ cương quyết:
- Anh Thành nói trúng đó. Khóc lóc tỏ ra chúng ta yếu đuối lắm. Đề nghị anh Thành tổ chức chơi “tay trắng tay đen” đi!
- Hay là nhảy cừu đi!
- Không được, thằng Phát gạt đi, tụi mình nên chơi trò “nhạc trưởng”!
- Ở đó mà chơi, thằng Dũng còn căm tức Thành Cồ, không lo tìm cách về nhà ngay đêm nay đi, còn ngồi đây mà bầy với vẻ cho chốc nữa sóng biển vồ ráo trọi à?
Thành Cồ tức lắm, nhưng nó dằn lòng:
- Thôi tốt hơn tụi mình ngồi gần lại nhau cho nó ấm, rồi kể chuyện chơi. Tụi mình đứa nào cũng có truyện kể hết. Không gì đẹp hơn, lý thú hơn là quây quần bên nhau nghe kể truyện. Lần lượt đứa nào cũng phải kể. Đứa nào kể hay nhất, ngày mai Chủ Nhật tao sẽ thưởng một cây kẹo loại chì nhất, ngon tuyệt cú mèo!
Như một luồng gió ấm áp quét sạch mây mù, tụi nhóc tán thành sáng kiến của Thành Cồ. Đứa nào đứa nấy bóp trán kiếm truyện ra kể. Đấu trường đã mở rộng cửa, tụi nhóc hăng hái bước vào như những dũng sĩ, nhất là khi chúng tưởng tượng ra cây kẹo mạch nha ngon tuyệt của Thành Cồ treo cho giải thưởng kể truyện hay nhất. Thành Cồ đi vào màn xách động:
- Toàn lém, mày bắt đầu đi chứ! Mày kể truyện chì một cây kia mà!
Toàn lém ngồi thẳng người dậy ra vẻ ta đây, khí thế dâng lên ào ào, như chàng hiệp sĩ cưỡi ngựa đang phi nước đại vào đấu trường.
- Đâu có ớn, cái gì chứ kể truyện là nghề của em mà. Em xin kể một câu truyện về ông già Noel.
- Không được, Thành Cồ át giọng, tụi mình đang đói bụng thấy mồ, rét run cầm cập mà kể truyện ông già Noel làm sao được! Yếu quá, phải kể truyện gì gây cấn cho ấm lòng lên chứ!
- Nhưng em cho rằng nó hay thì sao? Toàn lém sừng sổ, ấp úng đáp lại.
- Thôi đi, dẹp chuyện ông già Noel lại, Thành Cồ tỉnh bơ trả lời. Kể truyện khác hào hứng hơn, nếu không thì nghỉ đi!
Toàn lém hờn mát:
- Em chỉ biết có thế thôi. Ai có truyện hay hơn thì cứ kể đi!
Con nhà Dũng chờ nước đục thả câu:
- Tao đã bảo dẹp đi, về nhà ngủ còn sướng hơn.
Thành Cồ cương quyết:
- Đứa nào nhớ nhà thì lo mà về đi. Thằng nào phá đám, tao uýnh thấy mồ bây giờ!
- Em xung phong. Hoà sún hắng giọng. Em xin kể truyện một ông già gân không thể ngồi dựa lưng suốt hai mươi năm trường.
Lời dạo đầu câu truyện có vẻ bất ngờ, kỳ khôi, ăn khách làm gia tăng óc tò mò của tụi nhỏ.
Sau khi ưỡn ngực lấy hơi, Hoà sún tiếp:
- Ông già này là thợ máy trên con tầu Hùng Phong đang chạy trong vùng biển lạnh Bắc Cực. Vào một buổi sáng kia, con tầu mắc kẹt giữa những tảng băng lớn không đi ra cũng không đi vô được. Nơi đây là quê hương của cá voi, và sống trên những miền giá băng này là từng đàn gấu trắng. Một ngày kia ông già gân đi lang thang, bất chợt gặp năm con gấu trắng. Ông hoảng sợ định bỏ chạy thì năm con gấu nầy gật đầu chào ông. Ông dừng lại. Năm con gấu tiến tới, quỳ, nằm xuống chân ông, đưa lưỡi ra liếm chân tay ông. Ông già gân tưởng mình đang sống trong giấc mơ thần thoại. Chúng ngoan ngoãn bước theo chân ông trở về tầu. Và chỉ khi ông bước lên tầu rồi, chúng mới trở lại. Rồi sáng hôm sau, ông cũng gặp được những con gấu trắng khác và chúng đối xử với ông như năm chú gấu hôm qua. Và từ đó từng đoàn gấu trắng hàng ngày kéo tới đây đông hơn chơi với ông. Các bạn đồng nghiệp thầm khen ông già gân có biệt tài lôi cuốn loài gấu và họ còn nói thêm rằng hình như ông có một loại nước bọt đặc biệt ông phun ra mỗi lần gặp đàn gấu. Mười ngày sau đó, băng đá tan dần. Con tầu có thể lên đường. Đoàn gấu than khóc và tiễn chân ông ra mãi tận biển xa. Ba năm sau đó, lúc ông có dịp trở lại, ông và đoàn thủy thủ gặp thấy một chú gấu đen. Ông muốn tỏ ra tài lôi cuốn loài vật của mình, ông đánh cá với đoàn thủy thủ là ông sẽ chơi giỡn với con gấu này. Ông lên bờ, tiến gần lại phía con gấu, ông phun lên mặt nó một ít nước miếng. Thay vì mừng đón ông, chú gấu đen chồm lên định vồ lấy ông. Thế là ông già gân cao bay xa chạy về tầu. Chú gấu đuổi theo. Ông già leo lên cột buồm. Chú gấu nằm lì dưới chân cột buồm, gầm thét mấy ngày liền như muốn đớp cho bằng được kẻ thù của nó. Ông già nhịn đói nhịn khát ôm cột buồm suốt mấy ngày trời. Từ đó về sau ông già không ngồi tựa lưng được nữa.
Tụi nhỏ thở dài nhẹ nhõm, khoan khoái, vỗ tay tán thưởng Hoà sún hết chỗ chê.