Cõ lẽ vì tôi quen dùng tiêu chuẩn quá cầu toàn để yêu cầu Đình Nhi, nên đối với sự già dặn của cháu, tôi còn xa mới bằng sự nhạy cảm của cô chủ nhiệm lớp. Cô giáo Trương Huệ Cầm vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa là giáo viên môn Chính trị của Đình Nhi, trong chuyến thăm gia đình tôi trước ngày khai giảng, lần đầu tiên tiếp xúc với Đình Nhi, cô khen: “Ái chà! Cô bé thật là tinh ý quá!”
Cô giáo Trương có tấm lòng cởi mở, tính tình thẳng thắn, chuyên môn giỏi. Lúc Đình Nhi vừa nhập học, cô giáo cũng vừa được trường “kéo” từ nơi khác về và giao luôn trọng trách trên. Sau ba năm, cô đã đưa được cả lớp 53 học sinh vào các trường đại học trọng điểm, trong đó có một tốp vào Trường Bắc Đại và Phúc Đán. Lớp còn có một người đỗ thứ hai môn Văn kỳ thi cao trung tỉnh Tứ Xuyên và Lưu Diệc Đình được Trường Đại học Harvard cấp học bổng nhận học.
Cô giáo Trương lần đầu làm chủ nhiệm lớp cao trung, lúc mới đến nhận nhiệm vụ này chưa có mấy kinh nghiệm, nhưng cô đã có ý thức nghiên cứu tâm lý học sinh của cô. Cô biết sâu sắc rằng đối với lứa tuổi này, lực hút của sự tín nhiệm so với quyền uy mạnh gấp bội. Do vậy, cô coi việc kết bạn với cán bộ học sinh là quan trọng hàng đầu. Cô cần một lứa học sinh gắn bó chặt chẽ, học tập và đạo đức tốt, đồng tâm hiệp lực xây dựng lớp thành “cái nôi nhân tài”. Mỗi lần gặp Đình Nhi cô đều trao đổi những điều mà cô đang rất quan tâm. Đình Nhi làm cán bộ nhiều năm, lại là một đứa trẻ có thói quen quan sát, suy nghĩ và tổng kết kinh nghiệm, nên lớp triển khai bất cứ công tác nào đều có ngay biện pháp giải quyết. Cháu rất nhiệt tình trao đổi tình hình, đề xuất kiến nghị với cô giáo. Các cuộc trao đổi đó đều rất tâm đầu ý hợp.
Nói chuyện xong với Đình Nhi, cô giáo Trương cho chúng tôi biết: “Trước khi đến thăm nhà ông bà, Hiệu trưởng và các thầy giáo giới thiệu với tôi là Lưu Diệc Đình học tập và phẩm hạnh tốt, thông minh, thẳng thắn hay giúp bạn, khả năng hoạt động ngoại khoá xuất sắc, có thể chọn làm cán bộ học sinh. Hôm nay, được gặp và nói chuyện với em, tôi còn phát hiện em còn chín chắn hơn rất nhiều bạn cùng lứa tuổi. Tốc độ lý giải các vấn đề phức tạp và độ sâu suy nghĩ đều vượt rất xa các bạn cùng trang lứa. Sự giáo dục của gia đình, của ông bà đã để lại cho tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc. Tôi đã quyết định đưa Đình Nhi là số một trong những học sinh được đề cử bầu chọn cán bộ lớp. Tương lai cô bé thật là sáng sủa.”
Thái độ của cô giáo Trương đã tạo ảnh hưởng tích cực đối với Đình Nhi. Đình Nhi thường nói: “Dùng tâm thì được tâm, dùng tình thì tình lại!”
Để không phụ sự tín nhiệm của cô giáo Trương, trong các mặt học tập, công tác và sinh hoạt, Đình Nhi càng đòi hỏi mình phải nghiêm khắc hơn, trong quá trình thực hiện ước mơ của mình, tính chủ động và năng lực tự khép mình vào kỷ luật luôn được nâng cao, độ khắc khổ có lúc làm các thầy giáo rất cảm động. Ngày lễ 1-5 khi học năm thứ hai cao trung, nhà trường cho nghỉ 3 ngày, đối với những cô cậu nội trú lâu ngày ở trường, đây rõ ràng là một cơ hội rất hiếm được tự do, về nhà, ăn ngon, có ti-vi xem suốt ngày, bố mẹ và người thân luôn bên cạnh. Các thầy cô giáo đều lo lắng bọn trẻ “lạc bất tư thục” (ý nói: ở nhà vui quá không muốn về trường). Nhưng Đình Nhi và Lý Hải Bối đã hẹn nhau chỉ ở nhà một đêm là lập tức trở lại trường. Cô giáo Trương hỏi: “Vì sao trở lại trường sớm thế?” Đình Nhi và Lý Hải Bôi đều nói: “Ở đâu không có ti-vi, không bị quấy rầy, hơn nữa có vấn đề gì là hỏi được thầy cô”. Cô giáo Trương nhìn hai đứa trẻ rất ngoan và hiểu biết, tràn đầy niềm vui, dù cho dịp lễ này đến với cô cũng chẳng thảnh thơi gì.
Trước một tập thể học sinh ưu tú như vậy, cô giáo Trương rất chú trọng làm sao cho đội ngũ học sinh ưu tú ấy giúp đỡ cổ vũ lẫn nhau mà không loại trừ nhau. Cô căn cứ vào đặc điểm tính cách và thành tích học tập của học sinh, tính toán kỹ trong việc sắp xếp chỗ ngồi, yêu cầu rõ ràng những học sinh khá giúp đỡ học sinh kém vươn lên. Về mặt này, Đình Nhi làm cô giáo rất vui lòng: một nữ sinh trong thời gian ngồi chung bàn với Đình Nhi, thành tích học tập đã có rất nhiều tiến bộ. Cô giáo Trương nhiều lần nói đến sự việc này với tôi và lần nào cũng nói với vẻ mặt cười vui rạng rỡ. Đình Nhi cho rằng mình cũng thu hoạch được rất nhiều, cô bạn cùng bàn này đã làm cho các bạn trước kia tiếp xúc chưa được nhiều, nay tình bạn càng gắn chặt và càng hiểu biết nhau hơn.
Cùng sống với Đình Nhi như người bạn tri kỷ, không phải chỉ có cô giáo chủ nhiệm, có thể nói mỗi thầy, cô giáo dạy Đình Nhi đều là “thầy giỏi, bạn hiền” của cháu. Các thầy cô đều giúp đỡ Đình Nhi thực hiện thói quen tốt là “quyết tìm hiểu đến ngọn nguồn tri thức, không bỏ qua một nghi vấn nào”. Cô giáo Trương phân tích: “Lưu Diệc Đình mong muốn thầy cô giáo và bố mẹ biết được những suy nghĩ thực sự của mình. Em nhìn vấn đề một cách biện chứng, rất thích giao du với người lớn nên rất nhiều kiến nghị và giải pháp tốt đã được tiếp nhận. Điều này làm cho Đình Nhi phát triển, trưởng thành lành mạnh, trong sáng. Tiềm lực của em cũng được phát huy mạnh mẽ.”
Trong tập thể này còn có một vài giáo viên trung học nước ngoài. Đình Nhi và số thầy cô dạy ngoại ngữ đó xây dựng được tình cảm giao hảo hữu nghị. Trước khi Đình Nhi thăm Mỹ, Antony và vợ giảng dạy, sau khi họ về nước, hai thanh niên người Anh, một người cũng là Antony và người kia là Lawlose đến dạy thay. Hai giáo viên này tính cách khác lạ nhưng giúp đỡ Đình Nhi hết sức vô tư. Đình Nhi không chỉ học tập tiếng Anh chính gốc và tìm hiểu văn hoá phương Tây mà còn học ở họ những phẩm chất tốt đẹp nữa.
ĐÌNH NHI TỰ KỂ LÀM SAO HỌC GIỎI TIẾNG ANH
Lên cao trung, Đình Nhi học rất tự giác, không phải nhắc nhở câu nào. Cháu học rất chăm chỉ và rất coi trọng phương pháp học tập cho nên các môn học đều đạt thành tích tốt. Nhưng trong các bức thư độc giả gửi đến, mọi người đều đặc biệt thích thú kinh nghiệm học ngoại ngữ của Đình Nhi. Nhân đây, chúng tôi cũng giới thiệu với độc giả bài tổng kết "Những cảm nhận tâm đắc về học tiếng Anh" của Đình Nhi theo yêu cầu của thầy hiệu trưởng và cũng từ bài viết đó, chúng ta có thể thấy sự nỗ lực của Đình Nhi với các môn học khác.
Những cảm nhận tâm đắc về học tiếng Anh
Tiếng Anh là một môn học được mọi người rất coi trọng. Trong thời kỳ trung học tạo dựng được một nền tảng tiếng Anh tốt là điều ước muốn chung của chúng tôi. Làm sao để học tốt tiếng Anh? Thầy giáo thường nói: "Dù chúng ta cặm cụi kéo xe, vẫn phải ngẩng đầu nhìn đường". Dưới đây, với sự giúp đỡ hết lòng của thầy giáo và các bạn, tôi đã tìm ra con đường, nên viết lại để mọi người cùng tham khảo.
1Tố chất tâm lý ảnh hưởng đến hiệu quả học tập
Cổ nhân nói: "Hai bên đánh nhau, người có dũng khí sẽ thắng"; câu nói này cốt nhấn mạnh yếu tố tâm lý tốt sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đến hiệu quả. Điều này với cách nhìn của tâm lý học hiện đại dũng rất tương hợp. Bạn có thể phát hiện thấy, mặc dù mọi người đều học trong cùng một phòng học, chịu sự giáo huấn của cùng một thầy giáo, thậm chí trí tuệ cũng gần giống nhau, nhưng hiệu quả học tập lại rất khác nhau. Những người "rơi xuống yếu kém" chính là do tố chất tâm lý khác thường gây nên.
Làm thế nào để điều chỉnh trạng thái tâm lý của mình được?
Đầu tiên cần phải giữ vững thái độ ổn định và tích cực đối với ngoại ngữ trong một thời gian dài. Ở đây có thể phải quy tụ vào hai chữ “hằng tâm” (bền chí). Có điều đó sẽ như tằm ăn lá dâu, từng miếng, từng miếng một, bền bỉ cho đến khi đạt mục tiêu.
Sau là, còn phải có năng lực tự khép mình vào một kỷ luật nhất định. Đến thời điểm ôn tập mà không ôn tập, để quên quy luật đã vô tình nuốt đi một phần thành quả ghi nhớ của bạn. Hoạt động ngoại khoá bị thiếu, không thu xếp bù lại, lỗ hổng càng lớn thêm. Cho nên cần phải có năng lực tự khép mình vào quy luật, bắt buộc mình phải vận động theo nguyên tắc khoa học.
2. Nhìn, viết, đọc, nghe thuộc. Luyện tập đều sẽ đạt được hiệu quả cao
Nói chung, mọi người học tiếng Anh đều có những biện pháp của riêng mình, có người chỉ thích luôn miệng đọc to, có người chỉ thích vùi đầu xem bài, có người không viết thì không nhớ được, có người không nghe thì không học được gì. Những phương pháp đó tuy đều có một tác dụng nhất định nhưng khoa học ghi nhớ qua những thực nghiệm đã chứng minh rất chính xác: vận dụng tổng hợp mắt, tai, miệng, lưỡi mới có thể lưu giữ nhanh và sâu những ấn tượng không thể phai mờ trong vỏ não. Học ngoại ngữ đặc biệt phải vận dụng tổng hợp mọi loại cảm quan, nếu không sẽ làm cho môn học trở thành “ngoại ngữ tàn phế”, ví như “ngoại ngữ câm”, mắt nhìn mà miệng không nói được, hoặc “ngoại ngữ điếc”, mới nghe đã phát hoảng, hai tai ù đặc.
3. Từ đơn “sống” và từ đơn “chết”
Chúng ta thường nghe ai đó hùng hồn: chỉ cần đọc một hơi là đọc thuộc quyển từ điển mười mấy nghìn, thậm chí mấy vạn từ, cho rằng như thế có thể giải quyết một cách dễ dàng vấn đề số lượng từ đơn. Nhưng thật không may là những người làm như thế phần lớn đều thất bại. Đọc thuộc nhiều lần từ đơn vẫn chưa “cắm rễ” được vào não, nếu không quên ngay thì cũng sẽ trộn lẫn thành một mớ hổ lốn. Là vì cái mà họ học thuộc đều là những từ đơn “chết” đã thoát ly ra khỏi câu và bài khoá. Đại não khó có được một ấn tượng gì khi ghi nhớ theo kiểu này. Nhà tâm lý học nổi tiếng Ibeanhouse đã từng lấy bản thân mình làm thực nghiệm đối chiếu, kết quả ghi nhớ 18 âm tiết không có ý nghĩa phải mất 80 lần. Không những thế, chỉ cần học đơn độc từ “chết” sẽ rất khó nắm vững cách dùng linh hoạt của nó trong câu, do vậy dù có nhớ được một số từ “chết”, những từ ấy cũng chỉ thuộc vào lớp “nhân sĩ vô tích sự” mà thôi.
Làm thế nào để từ “chết” hồi sinh?
Biện pháp của tôi là học thuộc bài khoá. Bài khoá không chỉ hạn chế trong sách giáo khoa, có thể là bản thảo bài giảng, bình luận tin tức tản văn… Tóm lại, là những bài văn có thể đem những từ đơn lạnh lẽo biến thành những câu chuyện sinh động. Trong quá trình học thuộc những đoạn văn hoàn chỉnh, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ không ngừng kích hoạt những từ đơn được ghi nhớ lại, cách dùng của nó cũng tự nhiên đi vào cốt tuỷ. Trên thực tế, những từ đi vào cốt tuỷ này sẽ hình thành “ngữ cảm”: rất quan trọng trong việc học ngoại ngữ.
4. Bố trí khoảng cách ôn tập hợp lý, có thể tiết kiệm được thời gian. Nâng cao hiệu suất.
Tiếng Anh, một môn học có lượng ghi nhớ rất lớn, ghi nhớ hữu hiệu là một vấn đề then chốt. Nhà khoa học nổi tiếng Mao Dĩ Thanh là một người ghi nhớ rất siêu việt. Người ta hỏi ông về bí quyết ghi nhớ, câu trả lời của ông là: “Lặp lại! Lặp lại! Lặp lại!”
Lặp lại được người ta xem là bà mẹ của sự học tập. Không lặp lại, tri thức nhớ được theo thời gian sẽ bị chi phối theo “hiệu suất quên”, không bao lâu sẽ chỉ còn lại “cơm thừa canh cặn” mà thôi. Các nhà tâm lý học phát hiện: thời gian giữa hai lần ôn tập, dù ít nhất cũng không được dưới 30 phút, nhưng phải ít hơn 16 tiếng đồng hồ. Là vì trong tình huống khi ta vừa nhớ chắc được một loạt từ đơn, nếu trong 30 phút đã bắt đầu ôn, không những không nâng cao được hiệu quả ghi nhớ, trái lại còn hình thành sự quấy nhiễu đối với quá trình sinh lý củng cố nội dung ghi nhớ vốn có của đại não, thật là lợi bất cập hại; còn nếu sau 16 tiếng đồng hồ mới ôn tập thì số từ bị bỏ quên tương đối nhiều, gây uổng phí công sức.
5. Coi tiếng Anh là một môn văn hoá để học tập
Giống như không hiểu văn hoá Trung Quốc, không lý giải được các câu “trung dugn chi đạo” (đạo trung dung), “mạc thủ thành quy” (khư khư giữ lấy lề thói cũ), không nắm thường thức văn hoá phương Tây rất khó giải thích thế nào là “This is my Waterloo!” (ám chỉ một lần thất bại cay đắng của ai đó); “lobbyist” (người vận động hành lang) là loại người nào (ở đây ám chỉ các nhân sĩ hoạt động bên ngoài nghị viện có tác động tới các chính sách của nghị viện), những người này trước đây là các chính khách hay luật sư.
Do đó, nếu muốn học sâu, rộng tiếng Anh cần phải xem tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ mà phải nhận thức đây là một bộ môn văn hoá! Theo tôi nghĩ, trên quan điểm này mà xét, việc học tiếng Anh là một công việc có sức hấp dẫn kỳ lạ.