Trong kỳ nghỉ hè năm thứ hai cao trung, thống nhất sắp xếp ở lại trường, học bù nửa tháng. Để tranh thủ thời gian, tôi đến Cửa hàng sách ngoại văn mua cho Đình Nhi một quyển sách mở rộng lượng từ vựng để Đình Nhi đọc trước.
Trung tuần tháng 7, Đình Nhi nghỉ hè, tự đến Cửa hàng Sách ngoại văn mua mấy loại giáo trình, băng TOEFL tốt nhất mà cháu đã nhìn thấy, tranh thủ từng giây phút để học. Cháu dùng thời gian 15 ngày để mở rộng từ đơn, đến Trung tâm Du học nước ngoài của Trường đại học Tứ Xuyên tham gia buổi thi thử TOEFL - lúc ghi tên lần trước, tôi cũng ghi luôn tên cho Đình Nhi học lớp phụ đạo thi TOEFL. Phương pháp của lớp này chỉ có một cách là dùng đề thi TOEFL mấy lần trước để thi thử. Đó là một lớp phụ đạo mà chúng tôi rất cần.
Lần thi thử thứ nhất kết thúc, Đình Nhi ngăn tôi lại hỏi:
Ba đoán điểm của con đi?
570.- Tôi cố ý nói thấp đi một chút.
A! Sai rồi. 613 điểm cơ!
Tiếp đó Đình Nhi đưa cho tôi tờ giấy báo điểm, lòng tôi dâng lên một niềm vui khó tả. Lúc này khả năng đi học của Đình Nhi tôi bắt đầu có phần nào tin tưởng.
Lần thi thử này Đình Nhi còn thú vị phát hiện ra mình còn một “vũ khí bí mật” nữa - đối với những từ còn chưa nắm vững, cháu có thể căn cứ vào ngữ cảnh câu văn, mười phần cũng đoán được tám chín. Đó là do thu hoạch được từ lần thăm Hoa Kỳ về.
Trong thời gian thăm Hoa Kỳ, hàng ngày Đình Nhi đều ham mê sử dụng tiếng Anh theo kiểu Mỹ. Cháu là “người có chí”, dù đi tham quan, phỏng vấn rất khẩn trương, vẫn luôn chú ý nâng cao năng lực nói tiếng Anh - Mỹ của mình. Chỉ một tháng ngắn ngủi, cháu không chỉ quen thuộc với giọng Anh - Mỹ mà còn học được rất nhiều phương thức biểu đạt đặc hữu tiếng Anh - Mỹ, vô tình rất có lợi cho cuộc thi TOEFL.
Cuộc thi lần thứ hai, Đình Nhi được 620 điểm, hai lần tiếp theo đều được 630 điểm (điểm tối đa là 677 điểm). Từ đây đến ngày thi TOEFL còn không đến 20 ngày. Kết quả này càng làm cho Đình Nhi tăng thêm lòng tự tin.
Tôi đã phân tích tỉ mỉ số điểm Đình Nhi đạt được trong các lần thi thử TOEFL này, tôi phát hiện cháu mạnh nhất là phần thứ nhất: bài nghe hiểu, sai rất ít. Phần thứ hai là kết cấu biểu đạt bằng văn bản. Số điểm của phần này chiếm hơn một nửa số điểm của toàn bộ bài thi TOEFL. Đình Nhi mất điểm phần lớn là ở đây. Nhưng nói chung, mất điểm là không đáng kể. Nếu chú trọng đột phá vào những tri thức có liên quan, có thể tiến tới giảm nhẹ được việc mất điểm. Phần thi thứ ba - đọc hiểu và phân tích là chỗ mạnh nhất của Đình Nhi. Nhưng Lý Hưởng, người sắp tốt nghiệp Bắc Đại nói với Đình Nhi, điểm thi chính thức nói chung thông thường thấp hơn thi thử khoảng 10 – 30 điểm. Đình Nhi muốn đạt 640 điểm như ngài Larry mong muốn, cần phải cố gắng hơn nữa. Vấn đề đầu tiên Đình Nhi phát hiện là giáo trình TOEFL hiện Đình Nhi có trong tay, kém tính thực dụng, giảng từ, ngữ pháp nhiều, nhưng đối với vấn đề “thực tế” trong TOEFL thì còn giảng rất ít. Thực chất của việc học ngoại ngữ trong thực tiễn cần coi trọng mặt lý luận, TOEFL lại càng phải như vậy. Dùng những giáo tài này chuẩn bị thi TOEFL sao có được hiệu quả.
Làm thế nào đây? Đình Nhi suy nghĩ thấy cần phải thay tài liệu mới, nhưng ở đâu có loại giáo tài này, có lẽ phải cầu cứu học sinh giỏi Lý Hưởng ở Bắc Đại. Lý Hưởng nói, ở Bắc Kinh có thể mua được tài liệu tốt về TOEFL, rất nhiều học sinh Bắc Đại đều sử dụng loại tài liệu này. Mẹ liền điện thoại đi Bắc Kinh nhờ một người bạn thân – Lý Tô Phần giúp cho việc này.
Bà Lý mau nhanh chóng mua được các loại giáo tài cần thiết, hoả tốc gửi ngay cho. Trong lúc chờ đợi tài liệu mới, Đình Nhi tranh thủ từng phút dùng tài liệu cũ mở rộng lượng từ vựng. Hơn một tuần sau, tài liệu TOEFL cùng với 20 đĩa kèm theo đã gửi về.
Lúc này, như được chắp cánh, Đình Nhi đẩy nhanh tiến độ học tập. Sau khi lớp cao trung năm thứ ba khai giảng, Đình Nhi muốn xin nghỉ hai tháng để tự học tiếng Anh, mẹ cháu gặp lãnh đạo nhà trường mấy lần nhưng chưa được phê chuẩn. Ý kiến của nhà trường chủ yếu là sợ “xôi hỏng bỏng không” và cũng không muốn mất đi một “hạt giống trạng nguyên”, vốn nằm trong kế hoạch đột phá vào Bắc Đại, nhưng ban giám hiệu cuối cùng cũng đã chấp thuận, một tuần lễ trước khi thi còn cho phép Đình Nhi không phải lên lớp.
Giáo viên chủ nhiệm lớp Trương Huệ Cầm trong thời kỳ này đặc biệt ủng hộ Đình Nhi: cho phép cháu mỗi tối tự học lên phòng nghỉ giáo viên chuẩn bị thi TOEFL, cô còn nhờ các thầy giáo khác giup đỡ kinh nghiệm quý báu cho cháu. Đình Nhi nắm vững tất cả thời gian có thể được, dù chỉ 5, hay 3 phút cũng cầm tài liệu thi TOEFL lên xem, đeo tai nghe một đoạn. Tự học ban đêm là một khoảng thời gian đáng quý. Đình Nhi ngồi bên bàn làm việc của cô giáo Trương, tranh thủ để học để luyện và thành tích tốt nhất khi tự mình làm bài thi thử: cuối cùng đạt 670 điểm.
MỌI VIỆC CẦN BẢO HIỂM, LẤY MƯỜI THẮNG MỘT
Chẳng bao lâu đã tới hạ tuần tháng 10. Căn cứ vào thực lực của mình, Đình Nhi có thể tham chiến được rồi.
Trước khi thi, tôi đưa chau đi xem phòng thi. Thí sinh tham gia kỳ thi này lên tới năm sáu ngàn người, ngồi đầy Hội trường lớn Trường Đại học Tứ xuyên. Đại đa số đều đã tốt nghiệp chính quy hoặc tuổi đã lớn, Đình Nhi dường như là người ít tuổi nhất trong số đó, nên rất được chú ý. Bên cạnh chúng tôi là một nghiên cứu sinh Trường Đại học Tứ Xuyên, mày râu nhẵn nhụi, có vẻ lão luyện. Anh ta phát hiện Đình Nhi là lớp “hậu sinh”, tò mò nói chuyện với cháu một lúc, rồi quay sang hỏi tôi: “Con gai bác bé thế này đi ra nước ngoài, bác có yên tâm không?” Tôi vừa cười vừa gật đầu: “Em cũng cố gắng được, cần phải thích ứng mà!”
Ngày đi thi, mẹ cùng với Đình Nhi đến Trung tâm thi TOEFL, cốt tránh cho cháu gặp sự cố trên đường để đến nới thi được thuận lợi. Gia đình chúng tôi có thói quen các việc quan trọng đều phải có thêm “bảo hiểm”.
Nhưng hôm thi kết thúc, tin tức Đình Nhi mang về không được tốt lắm. Cháu ấm ức bĩu môi nói: “Xúi quẩy quá. Trình tự kỳ thi này khác xa với kỳ thi thử. Báo hại con, mấy đề mở đầu làm không tốt. Lúc làm phần thứ hai, tư tưởng chuẩn bị một chút cũng không có”.
Nhiều năm nay, sau khi thi xong một môn Đình Nhi vẫn hay phàn nàn, mình làm không tốt, đề này làm không lý tưởng, đề kia có thể làm sai. Chúng tôi đều hiểu, đây là biểu hiện làm việc gì cũng muốn hoàn mỹ của Đình Nhi. Phần lớn các trường hợp trên khi đã có kết quả vẫn luôn đạt tốt. Vì thế lần này chúng tôi cũng quen với lối nói đó.
Nhưng chúng tôi cũng không dám chủ quan. Lần này vốn là một cuộc thi quan trọng, thi không tốt thì toàn bộ kế hoạch sẽ bị phá sản. Chúng tôi thà tin rằng, kỳ thi TOEFL này không tốt chứ không thể lạc quan mù quáng, xây dựng kế hoạch trên cát.
Thành tích của kỳ thi TOEFL lần này sớm nhất cũng phải đến tháng 12 mới có thể thông qua điện thoại vượt đại dương gửi đến. Lần thi TOEFL tiếp theo là sau hơn hai tháng nhưng thời hạn ghi tên chỉ sau 4 ngày nữa. Nếu thật sự lần này thi không tốt thì phải quyết định ngay có cần phải thi một lần nữa hay không.
Con định thế nào? – tôi hỏi
Tháng Giêng thi lại lần nữa đi, ba ạ! – Đình Nhi do dự trả lời.
Tôi biết cháu do dự là vì sao rồi, phí ghi tên thi TOEFL mỗi lần là 665 nhân dân tệ. Đình Nhi là người con ngoan, cháu muốn thi lại lần nữa nhưng lại không muốn ba mẹ vì mình mà tốn tiền vào những việc không cần thiết.
Được, ba sẽ đi ghi tên dự thi cho con. – Tôi cười đồng ý. Dù cho mẹ nói rằng không cần thiết nhưng vẫn ủng hộ Đình Nhi, chuẩn bị kỹ “lấy mười thắng một”.
Những ngày chờ đợi thành tích thi TOEFL, Lưu Diệc Đình đã phải trải qua hai tháng rất bận rộn, gian khổ nhất từ trước tới nay. Mỗi ngày sau khi hoàn thành tất cả nhiệm vụ bắt buộc của nhà trường, những giây phút ngắn ngủi còn lại giữa giờ học, sau khi ăn cơm, đêm khuya sau hiệu lệnh đi ngủ… Tất cả đều tập trung cho việc xin du học.
Rất nhiều loại biểu mẫu, từng bài Essay (làm văn, tuỳ bút). Bài này cần 5.000 chữ, bài kia cần 300 chữ, các loại yêu cầu thay đổi bất thường. Từng câu từng chữ đều suy đi nghĩ lại, cân nhắc đạt đến chuẩn mực mới thôi. Ví như: “Giá thử bạn viết một tự truyện dài 300 trang, xin giao nộp trang 277”; “Giá thử bạn làm một nhân viên tuyển sinh cần đòi hỏi một vấn đề gì đó, bạn hỏi vấn đề gì? Tự trả lời, số chữ không hạn chế”; “Bạn đối với triển vọng cuộc sống năm thứ nhất đại học. Làm thế nào để nhà trường biết đến sự tồn tại của bạn?”; “Thảo luận về một vấn đề, một địa phương, trong nước và nước ngoài mà theo bạn là quan trọng và đáng quan tâm…”
Nhà trường hy vọng thông qua việc nêu lên rất nhiều loại vấn đề để đạt được mục đích là dùng các loại phương thức về thành tích, số điểm, tư liệu khách quan khác để tìm hiểu được bạn. Vào những ngày đó thường đến 3,4 giờ sáng Đình Nhi mới đi ngủ, có lúc mệt quá nước mắt nhỏ trên máy tính, nhưng đến sáng mẹ vừa gọi dậy, cháu liền dậy ngay để đến lớp tự học. Cứ như thế, cháu cắn răng chịu đựng, không chỉ hoàn thành kế hoạch xin du học mà còn đạt thành tích tối ưu trong học tập, khi thi hết lớp cao trung và trong kỳ thi đại học vẫn xếp hàng đầu. Điều vui mừng hơn nữa là, thành tích thi TOEFL ở Hoa Kỳ báo về đạt 640 điểm, đủ theo yêu cầu cần thiết. Giúp Đình Nhi kiểm tra lại điểm thi TOEFL là người cậu họ đang là nghiên cứu sinh ở Hoa Kỳ. Trung tâm phục vụ thi cử về giáo dục EST thuộc cơ quan tổ chức thi TOEFL mở một đường dây điện thoại chuyên về kiểm tra và trả lời thông tin về vấn đề này.
Qua điện thoại đường dài quốc tế mất 10 đô-la, có thể biết được kết quả sớm. Gần đến lúc trả lời qua điện thoại, người cậu họ liền nối với EST vừa hỏi, điện thoại đã vang lên 640 điểm làm Đình Nhi vui mừng khôn tả.
Hơn nửa tháng sau, tôi đến Trung tâm thi của Trường đại học Tứ Xuyên nhận thông báo thành tích thi TOEFL của Đình Nhi, nhân tiện hỏi luôn một thầy giáo của trung tâm: “Lần thi này của trung tâm có bao nhiêu người đạt số điểm 640?” – “Rất ít, chỉ một hay hai phần trăm là cùng” - thầy giáo trả lời.
Trong một tập thể đông học sinh tốt nghiệp chính quy và nghiên cứu sinh, Đình Nhi thi đạt thành tích như thế này thật là tuyệt vời.
Thầy giáo còn tò mò hỏi thêm: “Thế con bé của bác được bao nhiêu điểm?” – “640” – Tôi cười to đầy tự hào trả lời thầy.
Đại cục đã được định đoạt!
MỘT QUYẾT ĐỊNH RẤT ĐÁNG MỪNG
Theo thứ tự điền vào biểu mẫu của Đình Nhi, Trường Đại học Harvard vốn xếp sau cùng là vì biểu mẫu của Harvard rất nhiều. Họ yêu cầu và kiến nghị thí sinh cung cấp tài liệu đều vượt qua tất cả các trường khác. Các trường khác đặc biệt lưu ý: “không nên gửi cả bó giấy chứng nhận được thưởng”, “không gửi băng ghi âm, băng ghi hình”… Harvard, trái lại tiếp nhận tất cả các loại có thể chứng minh được năng lực của thí sinh.
Lúc ấy, đối với các trường trong mục tiêu đã chọn, công việc làm đơn bắt đầu hết sức bận rộn. Tốc độ vận chuyển của Đình Nhi đã từ xe chở hàng biến thành xe đua. Chỉ tính chuyện chạy thật nhanh chứ không thể dừng lại để xem phương hướng nữa. Thời gian hết hạn nộp biểu mẫu của Đại học Harvard khó có hy vọng điền kịp. Mẹ cháu vô cùng lo lắng hỏi Đình Nhi:
Có phải con quyết định không học Đại học Harvard nữa phải không?
Nếu con ghi tên vào Harvard, rất có khả năng con không được nhận vào học. Nhưng nếu con không ghi tên vào Harvard con sẽ ân hận suốt đời! - Đình Nhi nói.
Đã đành như thế, nhưng tại sao con không điền vào biểu mẫu?
Mẹ xem con còn có thời gian nào đâu! Đình Nhi ấm ức,- Mỗi tuần chỉ có tối thứ bảy về nhà con mới được dùng máy tính, dù không tắm không ngủ cũng không thể điền hết chừng ấy biểu mẫu! – Nói xong cháu vội vã đi ngay.
“Đúng thế!”, bây giờ quyết định thành bại không phải là sự quyết tâm mà là vấn đề thời gian. Xem ra, ba mẹ chỉ lo làm mọi việc sinh hoạt nhỏ nhất cho Đình Nhi, cũng không thể lo đủ, mà phải nghĩ ra một biện pháp khác giúp cháu chạy đến đích.
Nếu Đình Nhi có thể mỗi tối trở về nhà dùng được máy tính trong vòng mấy giờ, sáng sớm hôm sau lại đến trường kịp buổi tự học sáng, có lẽ sẽ giải quyết được vấn đề chăng? Nhà lại cách trường khá xa, dù đi xe đạp hoặc xe buýt, cũng phải mất hơn một giờ. Hơn nữa sau buổi tự học ban đêm của Đình Nhi, cũng không còn xe buýt nữa. Trong lúc mệt mỏi như thế, đi xe đạp về không an toàn. Mẹ đã nghĩ ra một phương án rất hay. Mỗi ngày mẹ dùng taxi đưa đón cháu, như thế hàng ngày Đình Nhi có thêm 4 giờ làm việc hữu hiệu, lại rất an toàn. Nghe nói vậy, cháu vui mừng reo lên: “Mẹ là một thiên tài!”
Mẹ nói: “Vậy con phải ghi tên vào Harvard!”
Đình Nhi cảm thấy cách làm của chúng tôi rất có lý, liền gật đầu đồng ý. Trước một quyết định trọng đại, dù không phải cháu tự quyết định nhưng cháu rất nhạy bén nắm lấy phương án đó và đã thực thi rất hoàn hảo. Đến như ngài Larry thường khen phán đoán của Đình Nhi vô cùng nhạy cảm và chuẩn xác.
Cứ như thế, các biểu mẫu khai của Harvard được hoàn thành rất sớm. Đối với Đình Nhi, xin vào Harvard thực sự là một quyết định vô cùng hạnh phúc.