Giống như nhiều tổ chức cơ cấu của nhà nước Hoa Kỳ như Nhà Trắng, Quốc hội, Toà án Tối cao đặt tại Washinhton cũng quy định một ngày để công chúng vào tham quan tự do. Trong ngày tham quan đó, các vị thẩm phán cao cấp tự mình xuất hiện tiếp đón những người tham quan bình thường, bao gồm cả thanh thiếu niên, học sinh đồng thời thông qua các loại sự việc cụ thể giảng giải cho họ hiểu Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ.
Ngày hôm ấy, một trong số học sinh Trung Quốc chúng tôi và một vài người trong số các ông chủ người Mỹ, dưới sự hướng dẫn của ngài Larry, đi tham quan Toà án Tối cao, gặp ngài Antone Kennedy, một thẩm phán cao cấp. Ông đã nhiều lần thăm Trung Quốc, cho nên đối với ông, việc học sinh Trung Quốc thảo luận pháp luật Hoa Kỳ cũng rất lý thú. Hôm ấy, thẩm phán Kennedy đang giảng cho mọi người về một vụ án gây tranh luận trong xã hội: một việc khám xét có khả năng liên quan đến việc xâm phạm quyền của con người. Sự kiện này làm cho nội bộ Toà án Tối cao ý kiến không nhất trí. Quá trình tóm tắt sự việc đó như sau. Một chiếc ô tô đang chạy, vi phạm pháp luật, bị cảnh sát phát hiện. Cảnh sát lập tức truy đuổi, chặn chiếc xe đó lại và yêu cầu tất cả hành khách trên xe xuống hết để kiểm tra và có 3 người trong số họ tìm được trên người có vật cấm. Vị thẩm phán đề xuất với mọi người là: người cảnh sát này có được quyền như vậy không?
Trong không khí rất nghiêm trang đó, tôi dũng cảm đứng lên với giọng bình tĩnh nói: “Tôi cho rằng cách làm của người cảnh sát đó là sai”, tiếp theo, tôi bắt đầu trình bày rất mạch lạc quan điểm của mình: trong sự kiện này, người phạm luật không phải là tất cả các hành khách mà chỉ là người lái xe. Lái xe vi phạm luật thì phải trừng phạt theo pháp luật quy định, nhưng tất cả các hành khách không có sai phạm. Không có lý do nào để bắt tất cả phải cùng lái xe chịu chung hình phạt đó, dù chỉ là xuống xe để kiểm tra. Thẩm phán Kennedy đầu tiên rất ngạc nhiên, đến lúc nghe tôi trình bày, vẻ mặt giãn ra vui vẻ. Đợi tôi nói hết quan điểm của mình, vị thẩm phán không nén xúc động, giơ cả hai tay lên tán thưởng: “Great! (Rất giỏi!) Cách nhìn của tôi cũng giống như em. Chúng ta không thể vì người cảnh sát này khám được vật cấm mà có thể công nhận sự kiểm tra vi phạm pháp luật đó. Đây là điều khoản Hiến pháp của chúng ta để bảo vệ những công dân Hoa Kỳ không phải chịu bất cứ sự kiểm tra phi lý nào”.
Cuộc tham quan kết thúc, thẩm phán Kennedy vui vẻ chụp ảnh với chúng tôi và trên bức ảnh đó ông tự tay ký tên của mình rồi trao cho tôi làm kỷ niệm. Sau sự việc đó, ngài Larry lúc viết thư giới thiệu tôi du học tiếp mới nói với tôi: “Phát biểu của em làm cho tất cả những người dự họp đều ngạc nhiên, kể cả tôi, - một chuyên gia luật pháp và là một luật sư lâu năm trong nghề. Là vì xuất phát điểm của việc thảo luận vấn đề này là Tu chính án thứ 4 trong Hiến pháp Hoa Kỳ, đó là một điều khoản Hiến pháp để bảo vệ công dân Hoa Kỳ không phải chịu sự kiểm tra phi pháp, nhưng trong khi em chưa hiểu gì về Tu chính án, chỉ dựa vào năng lực tư duy lô gíc mà rút ra kết luận chính xác”.
Larry cho rằng quan điểm thảo luận mà tôi trình bày chí ít cũng bằng trình độ sinh viên năm thứ hai Trường Đại học luật chuyên khoa Hoa Kỳ. Hơn nữa Larry còn nói, tiếng Anh của tôi sử dụng chặt chẽ, tư duy sắc sảo, sự biểu đạt rõ ràng và lưu loát, bình tĩnh, dũng cảm, từng câu đều có điểm trúng huyệt chắc như đinh đóng cột đã để lại cho ông những ấn tượng sâu sắc.
ĐÁNH MỘT TRẬN THẮNG ĐẸP Ở ĐÀI TRUYỀN HÌNH HOA KỲ
Washington tháng 2, trời rét căm căm. Mấy học sinh Trung Quốc chúng tôi đã thấy quen thuộc hơn một ít đối với thành phố, phong tục, tập quán và con người ở đất nước này.
Gần tối, đêm 13 tháng 2, thầy phụ trách Đoàn – Dương Tiểu Hồng đột nhiên nhận được một cú điện thoại ngắn gọn: 9 giờ 20 phút sáng ngày mai, Đài Truyền hình Hoa Kỳ C-SPAN mời chúng tôi tham gia tiết mục phỏng vấn trực tiếp, hỏi chúng tôi có nhận lời mời đến dự hay không.
Đài truyền hình Hoa Kỳ C-SPAN rất hiện đại, phủ sóng khắp nước Mỹ. Các tiết mục của Đài từ lâu đã nổi tiếng vì có tính chính trị cực mạnh. Lời mời này, đối với chúng tôi, những người mới đến Hoa Kỳ 20 ngày, rõ ràng là một khó khăn. Thầy Dương Tiểu Hồng đến chưng cầu ý kiến, mọi người đều thấy đây là một thách thức, đương nhiên không muốn lùi bước.
Sáng sớm ngày 14 tháng 2, người dẫn chương trình còn chưa đến, 4 học sinh Trung Quốc chúng tôi đã ngồi rất nghiêm chỉnh ở phòng phỏng vấn trực tiếp. Người phụ trách hoá trang của Đài truyền hình nói với chúng tôi, buổi phỏng vấn truyền hình trực tiếp của Đài thường được bố trí vào “thời điểm vàng”, vì người Mỹ có thói quen, ngày chủ nhật buổi sáng ngủ muộn, khi vừa mở mắt dậy, liền bật ti0vi xem thời sự, nên C-SPAN bố trí tiết mục hay nhất vào thời điểm đó.
Bắt đầu làm việ, sau lời khai mạc ngắn gọn của người dẫn chương trình và lời chào hỏi hữu nghị, đường dây điện thoại nóng với khán giả được nối, điện thoại các nơi trên đất nước Hoa Kỳ gọi về làm cho đèn tín hiệu trong phòng truyền trực tiếp nhấp nháy liên tục, không khí hiện trường đột nhiên sôi động, căng thẳng.
Tuy trước đây, bản thân tôi chưa bao giờ trải qua tiết mục truyền hình trực tiếp của Hoa Kỳ, nhưng cũng đã được nghe nói tới. Trong các buổi như thế, dù là Tổng thống cũng bị những người dẫn chương trình và phóng viên đôi lúc làm cho lúng túng. Từ Nixon đến Bill Clinton đều gặp phải trường hợp này. Ta có thể thấy gai góc trong những câu hỏi đặt ra.
Người dẫn chương trình C-SPAN như một sinh viên trẻ, anh ta đối với chúng tôi thân thiện, còn về những người gọi đường dây nóng sẽ hỏi những vấn đề gì thì khó mà dự kiến được. Giống như mỗi lần bước vào phòng thi, tôi hít thở hai lần thật sâu, chuẩn bị nghênh đón thách thức đó.
Những câu hỏi của công chúng Mỹ không hề kiêng dè bất cứ thứ gì, quả nhiên là danh bất hư truyền. Mới bắt đầu đã có khán giả hỏi, suy nghĩ của chúng tôi đối với những sự việc rắc rối của bản thân nước Mỹ: “Các bạn đối với những chuyện tình lãng mạn của Tổng thống Clinton như thế nào?”
Một vị khán giả khác quan tâm đến tình hình vùng vịnh sau cuộc chiến hỏi: “Các bạn nhận thấy quan hệ sắp tới giữa Mỹ và Iraq như thế nào?” Chúng tôi thường trả lời hết sức thoải mái đối với các câu hỏi đó.
Một khán giả điện từ Tennessee tới, đầu tiên anh ta dùng giọng Trung Quốc không được thành thạo lắm mở đầu “Chào bạn!”, nhưng vấn đề anh ta nêu ra có đôi chút châm ngòi: “Năm năm trước tôi đã đến Trung Quốc và đã học được một môn võ thuật của Trung Quốc. Tôi rất quan tâm đến sự phát triển nhân quyền của Trung Quốc. Tôi muốn nhờ một bạn học sinh Trung Quốc có hiểu biết về môn võ thuật nói cho biết cách nhìn của bạn ấy về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc?” Trong phòng truyền hình trực tiếp, mọi ánh mắt đều nhìn về phía Âu Bằng. Âu Bằng trả lời rất trầm tĩnh: “Mọi người đều biết, Trung Quốc là một nước dân số đông và có một lịch sử lâu đời. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, nhân quyền của chúng tôi tiến những bước rất dài. Mỗi quốc gia đều có những đặc điểm khác nhau của riêng mình. Tình hình nhân quyền của chúng tôi cũng đang theo sự phát triển của nền kinh tế không ngừng được cải thiện. Tôi tin tưởng với sự nỗ lực không mệt mỏi, vấn đề nhân quyền của nước chúng tôi sẽ tiến tới hoàn thiện”.
Tất cả nhân viên Đài truyền hình có mặt trong phòng đều vỗ tay hoan nghênh câu trả lời đó của Âu Bằng. Họ không biết rằng gia đình nơi Âu Bằng được gửi trọ trong thời gian tham quan Hoa Kỳ, thường thường có những cuộc gặp gỡ với các chính khách. Trong những lần gặp gỡ đó, vấn đề Âu Bằng phải trả lời nhiều nhất là vấn đề nhân quyền Trung Quốc.
Lúc cuộc phỏng vấn kết thúc, người dẫn chương trình nêu một vấn đề chung cho chúng tôi, kế hoạch tương lại làm gì? Có nghĩ đến việc sang Hoa Kỳ học đại học hay không?
Các bạn tôi đều nói rằng, trong tương lai hy vọng được đưa sang Hoa Kỳ học đại học. Lúc người dẫn chương trình hỏi tôi, tôi bình tĩnh trả lời: “Tôi chưa chuẩn bị sang Hoa Kỳ học đại học. Là vì tôi cho rằng, một người cần phải học tốt nền văn hoá của nước mình trước tiên, sau đó mới đi học tập nền văn hoá của nước khác. Tôidự định sau này sẽ hoạt động kinh tế. Nhưng làm kinh tế quyết không phải muốn kiếm thật nhiều tiền cho mình mà là vì Tổ quốc tôi còn có rất nhiều người cần giúp đỡ. Ví như những vùng nghèo khổ, còn có rất nhiều trẻ em nghèo, không có tiền nên không thể đi học. Tôi hy vọng bản thân trong tương lai có năng lực giúp đỡ họ.”
Những lời nói trên đều là những lời chân thực, là vì, từ trước tới nay, tôi chưa hề nghĩ đến việc trực tiếp sang Hoa Kỳ học hệ chính quy, mà có ý định đến giai đoạn nghiên cứu sinh, thi vào danh sách du học sinh của nhà nước. Lúc ấy tôi cũng chưa hề biết được, nửa năm sau ngài Larry giới thiệu trực tiếp và đề nghị tôi được hưởng học bổng trả theo chỉ tiêu đại học Hoa Kỳ, có thể thực hiện sớm ý định sang Hoa Kỳ của mình trước 4 năm trong kế hoạch của cuộc đời.
Hôm phỏng vấn trên truyền hình, tôi cũng không biết con gái của ngài Taylor là Janes ngồi trước màn hình ti-vi, khi cô nghe câu trả lời của tôi, cô rất cảm động. Khi trở về nhà, cô Janes ôm chầm lấy tôi: “Thanh niên Trung Quốc thật phi thường! Vào độ tuổi như thế này, trẻ em của chúng tôi ở đây, chỉ biết ăn sô-cô-la và kem, các bạn, trái lại đã biết suy nghĩ đến những vấn đề của quốc gia, suy nghĩ đến trách nhiệm của mình với nhân loại…”
Người vui mừng nhất đối với thành công của buổi phỏng vấn này có lẽ là ngài Larry. Khi người dẫn chương trình Đài C-SPAN vừa nói lời “Chào tạm biệt!”, ông ngồi ngay bên ngoài phòng truyền hình trực tiếp đã đứng lên hô thật to: “Rất giỏi! Rất giỏi! Tôi tự hào về sự tuyển chọn của mình”.
Tôi nghĩ rằng ngài Larry không chỉ tự hào vì ông đã tuyển chọn học sinh trung học của Trung Quốc, nhưng càng tự hào hơn vì ông đã chọn đúng sự nghiệp của mình là củng cố tình thân thiện, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung - Mỹ.
HỌC SINH MỸ “HỌC LÀM THEO KIỂU LÔI PHONG”
Theo sự bố trí của ngài Larry, ngày thứ hai sau khi đến Washington, tôi và Âu Bằng lần lượt đến thăm trường Saint Louis và Landtane. Hai trường Hoa Kỳ này đều là trường trung học hàng đầu của đặc khu thủ đô Washington. Thứ bậc của các trường đó ở Washington đại để sánh ngang với các trường trung học nổi tiếng thuộc Trường Bắc Đại ở Bắc Kinh - Trường Thanh Hoa và 4 trường trung học của Bắc Kinh. Dụng ý của ông Larry là làm cho chúng tôi quen thuộc khuôn viên của nhà trường để bắt đầu tìm hiểu Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ có thời gian gần một tháng học tập sinh hoạt giống như học sinh ở đất nước mình tham quan.
Trường Saint Louis nơi tôi học, để bồi dưỡng tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm với xã hội, có một lịch trình giảng dạy bắt buộc mỗi học sinh phải hoàn thành kế hoạch chuyên môn do tự mình xây dựng. Tên gọi của loại kế hoạch chuyên môn này là “Kế hoạch phục vụ vùng”. Mục tiêu là bồi dưỡng học sinh thành công dân có đầy đủ trách nhiệm với vùng mình sống và toàn xã hội, đồng thời làm cho học sinh hiểu được đúng đắn những người đang chung sống chung với họ trên thế giới này, đặc biệt là những người có khó khăn đang cần được giúp đỡ, từ đó mà trưởng thành và có được nhiều tình thương yêu hơn nữa. Kế hoạch này tôi gọi là “Hoạt động học tập theo gương Lôi Phong” của học sinh Hoa Kỳ. Trường Saint Louis đã quy định những biện pháp hết sức chặt chẽ cho kế hoạch này, khi chấp hành cũng rất nghiêm túc.
Học sinh trung học của Trung Quốc cũng phải học tập Lôi Phong: giúp đỡ người già và người tàn tật, tuyên truyền bảo vệ môi trường. Nhưng tính tuỳ tiện còn tương đối phổ biến, thiếu những quy định cụ thể, ví như làm thế nào, làm cái gì, làm bao nhiêu thời gian. Làm xong ai đánh giá hiệu quả. Tất cả đều không có kế hoạch bố trí chặt chẽ, cũng không có một chương trình cố định.
Nhưng ở trường Saint Louis, thực hiện kế hoạch vùng là một tiêu chuẩn cần thiết, một thành tích của học sinh đưa ghi vào hồ sơ của họ, phương thức tổ chức chặt chẽ. Trong con mắt hiệu trưởng và thầy giáo, hoạt động phục vụ vùng cũng giống như các môn học tiếng Anh, Thể dục, Số học, Vật lý, Hoá học không có gì khác nhau. Một môn học quan trọng nếu học không tốt có thể ảnh hưởng đến việc học sinh đó được nhận vào một trường đại học nổi tiếng, còn nếu không hoàn thành đúng thời gian quy định nhiệm vụ phục vụ của mình thì cũng phải nếm “quả đắng”.
Trước khi tôi đến thăm Trường Saint Louis, kế hoạch phục vụ vùng của họ triển khai được 10 năm. Nội dung hoạt động là do tổ chức quyền lực cao nhất của nhà trường, Hội đồng Quản trị nhà trường và các nhân viên quản lý khác, cha mẹ học sinh, thầy giáo, học sinh cùng nhau quy định.
Học sinh từ lớp 9 đến lớp 11 mỗi năm yêu cầu thực hiện các hoạt động phục vụ vùng không ít hơn 20 giờ. Thời gian 3 năm cộng lại đối với nhiệm vụ này không ít hơn 60 giờ. Mỗi học sinh sau khi hoàn thành kế hoạch hoạt động phục vụ vùng phải viết một bản luận văn tổng kết những hoạt động tâm đắc nhất, lúc hoạt động phục vụ vùng đã được 40 giờ, học sinh cần phải viết một bài dài 3 trang có đóng dấu nhà trường hoặc trong cuộc họp tổng kết năm học lên trình bày từ 3 đến 5 phút.
Mỗi học sinh Trường Saint Louis, sau khi được vào lớp 9, việc đầu tiên phải làm là ký tên vào bản quy ước có đầy đủ các điều khoản với người phụ trách hoạt động vùng của mình. Trong quy ước đó, quy định tỉ mỉ và rõ ràng nội dung hoạt động và nghĩa vụ các học sinh phải gánh vác, số lượng công việc, thời gian hoàn thành, biện pháp kiểm tra.
Tôi phát hiện thấy người Mỹ có tài về xây dựng hợp đồng và ký kết các hiệp định. Đối với mỗi một sự việc mà họ cho là quan trọng, hầu như đều có một lực thúc đẩy từ hợp đồng, hơn nữa họ còn thiết kế các điều khoản hết sức chặt chẽ. Một bản ký kết phục vụ vùng nho nhỏ cũng biểu hiện rõ rệt đặc điểm ấy.
Nếu một học sinh nào trong 3 năm còn nợ, không hoàn thành được nhiệm vụ hoạt động vùng đã quy định thì 5 tháng trước khi tốt nghiệp lớp 12, bạn phải trả nợ. Nếu không, đừng mong gì tấm bằng tốt nghiệp cao trung.
Hậu quả này sẽ nghiêm trọng hơn, vì tại Hoa Kỳ, nếu không có bằng tốt nghiệp cao trung sẽ không có một trường đại học nào nhận bạn vào học hết.
Đương nhiên, không có một học sinh nào của Trường Saint Louis sau khi trong 6, 7 năm ném mười mấy vạn đô-la vào học phí lại dám mạo hiểm không có trong tay tấm bằng tốt nghiệp.
Học sinh Saint Louis đối với hoạt động phục vụ vùng từ trước tới nay thực hiện rất chu đáo, đầy đủ từng điều khoản nhỏ nhất. Nhưng tuyệt đại đa số học sinh không phải vì sợ các quy định, quy ước mà vì đối với bản thân họ, hoạt động này có niềm vui thích sâu sắc. Họ nói, con người phải sống có ý nghĩa. Nếu do sự nỗ lực của bạn mà làm cho cuộc sống của người khác tốt đẹp lên, chính việc đó là một cảm giác rất “độc” đấy.