Trừ những việc nói trên ra, sự tập trung chú ý của tôi đều đặt hết vào cuộc phỏng vấn sắp tới.
Ông Larry rất tinh tế trong việc dẫn dắt câu chuyện, có lẽ đó là đặc trưng của nghề luật sư, làm tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng và thoải mái. Chúng tôi, lúc thì nói đến cuộc sống ở trường, tinh thần học tập, còn đệm những ca khúc thú vị vào các câu chuyện trong nhà trường, lúc thì nói đến “đội bay thứ 14 nổi tiếng của tướng Chinnator trong Thế chiến II và đường bay nguy hiểm từ Hymalaya đến Ấn Độ”. Nói hết câu chuyện này, tôi chợt nghĩ tới một vấn đề, “Hoa Kỳ là một quốc gia rất coi trọng luật pháp, Trung Quốc là nước đang hoàn thiện pháp chế, không biết trong thời kỳ hiện đại của Trung Quốc, mối giao lưu này có tác dụng như thế nào?” Larry ngừng một lát, hình như cảm thấy bất ngờ, nhưng có lẽ vì nói đến nghề nghiệp của mình, ông càng lộ rõ vẻ thích thú.
Sau này, đối với luật pháp Trung Quốc, ông thực sự có cách nhìn rất sắc sảo. Ông cho rằng, tập trung hoàn chỉnh hệ thống luật pháp là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện hiện đại hoá Trung Quốc.
Gần 30 phút phỏng vấn trực tiếp qua đi rất nhanh. Tôi không cách nào phán đoán được cuối cùng đã để lại cho ông ấn tượng gì. Căn cứ vào thời gian nói chuyện dài ngắn, không làm người ta mấy lạc quan - thời gian nói chuyện của tôi khoảng nửa tiếng nhưng thời gian nói chuyện của hai bạn khác trái lại là 40 phút và gần một tiếng đồng hồ. Còn hai bạn nữa, một người nói nửa tiếng, người khác nói chỉ khoảng 20 phút.
Sau này, ông Larry nói, ấn tượng thứ nhất về tôi trong lần phỏng vấn trực tiếp là thấy rất đặc biệt và ngay lập tức gây được sự chú ý của ông. Nhưng ngay trong ngày phỏng vấn đó, bất kể là trong quá trình nói chuyện hay sau khi kết thúc, ông không hề để lộ ra ấn tượng đó.
Sau ngày phỏng vấn, chúng tôi vội vàng quay về Thanh Thành, suốt ngày luyện tập theo khẩu lệnh của chỉ huy, đến tối mọi người lại tụ tập nhau kể chuyện tiếu lâm. Khoảng thời gian đó rất vui vẻ, tôi quên đi rất nhanh cuộc gặp gỡ với người Mỹ.
TRỞ THÀNH NGƯỜI GẶP VẬN MAY
Hạ tuần tháng tám tôi lên năm thứ hai cao trung. Cuộc sống nội trú ở trường như đồng hồ đã lên hết giây cót, cứ đều đều chuyển động. Một ngày cuối tháng 11, Hiệu trưởng Ân gọi tôi lên Văn phòng. Ông trao cho tôi một lá thư chuyển bằng đường hàng không từ Mỹ gửi đến, trên phong bì mấy hàng chữ có màu đỏ đập vào mắt tôi:
Chủ tịch Simms, Hội giao lưu các trường Trung học Washington - Bắc Kinh…
Tôi vô cùng hồi hộp, tim đập thình thịch và đã đoán ra, đó là thư mời đi thăm Hoa Kỳ. Thật không dám tin, tôi đã thực sự trở thành lucky guy (người gặp may mắn)!
Sau buổi phỏng vấn trực tiếp, ngài Simms đã nói với tất cả chúng tôi: “Các bạn đều rất xuất sắc, lúc này tôi không thể quyết định được. Sau khi quyết định xong, tôi sẽ gửi ngay thư mời”.
Mấy tháng trôi qua, tôi đã bắt đầu quên đi thì thần may mắn đã bay đến đậu trên vai tôi. Không những thế, lúc đầu Larry vốn chỉ cho trường chúng tôi một chỉ tiêu thăm Hoa Kỳ, nay lại tăng thêm thành hai, Âu Bằng lớp cao trung 3 lọt vào chỉ tiêu này, trở thành một người may mắn nữa.
Sau khi thăm Hoa Kỳ về, tôi mới được biết quá trình chọn được tôi trong số 5 ứng viên. Thông qua những buổi phỏng vấn trực tiếp ngày ấy, cả 5 chúng tôi đều để lại một ấn tượng sâu sắc đối với Larry về trình độ tiếng Anh, ông cảm thấy bất ngờ ngoài dự kiến của mình. Trước đây, hoặc ít hoặc nhiều, ông đã coi tỉnh Tứ Xuyên chuyên sản xuất gấu mèo nổi tiếng là một nơi hoang vu, nghèo đói, khép kín và lạc hậu. Lần nói chuyện trực tiếp này, thành kiến đó của ông đã tiêu tan. Qua 5 người chúng tôi, ông không chỉ tìm hiểu thực lực đã có của học sinh trường chúng tôi, mà còn thấy rõ sự chân thành và công bằng của Ban lãnh đạo Trường Chuyên ngữ Thành Đô. Với tập quán làm việc thận trọng không bỏ qua một sự việc nhỏ nào, Larry căn cứ vào đối tượng buổi phỏng vấn xếp thứ tự 5 người chúng tôi từ trên xuống. Tôi được xếp thứ nhất, Lý Bối Hải xếp thứ hai. Đến thời điểm cần quyết định, Larry và Ban lãnh đạo ngồi lại cùng nhau thương lượng, cuối cùng người được chọn đi Hoa Kỳ là ai, ông hoàn toàn yên tâm nói: “Mỗi học sinh đều rất giỏi, ngoài dự kiến của tôi, mời các ông chọn một người”.
Mấy vị lãnh đạo từ chối. Nguyên nhân của việc này (đấy là do tôi suy đoán) là đối với học sinh tự tay các thầy cô bồi dưỡng, họ đều nắm rõ thực lực của mỗi người. Họ rất muốn mỗi học sinh đều có cơ hội đi tham quan, nay tự tay xoá tên 4 học sinh kia, các thầy cô không thể dằn lòng làm việc đó. Họ đề nghị ông Larry quyết định. Thế là Larry không thể từ chối, ông rút quyển ghi chép ra, chỉ vào tên tôi được xếp vị trí thứ nhất nói:
Như vậy để Yiting Liu (Lưu Diệc Đình) đi nhé?
Nói đến trường hợp của Âu Bằng cũng đầy kịch tính. Lúc Larry đến Thành Đô để thực hiện cuộc phỏng vấn, có mang theo cậu con trai đang học lớp cao trung. Khi Larry bận làm việc với chúng tôi, không có thời gian chăm sóc con, bèn nhờ lãnh đạo nhà trường bố trí một học sinh nam lớp cao trung 3 đi theo con trai ông tham quan thành phố Thành Đô. Âu Bằng thường ngày học rất xuất sắc liền được chọn làm người cùng đi với cậu ta.
Âu Bằng đi với con trai của Larry suốt 7 tiếng đồng hồ. Do anh nói tiếng Anh lưu loát, tri thức hiểu biết rộng, cử chỉ dịu dàng nên con trai ông Larry cảm thấy như tìm được bạn cố tri nơi đất khách. Cảm giác này cũng gián tiếp tác động đến ngài Larry. Rồi quyết định cuối cùng như chúng ta được biết: đã có sự thay đổi mang lại niềm vui đến cho mọi người.
HÃY ĐỂ CHO ÔNG NGƯỜI MỸ TÌM HIỂU CÀNG NHIỀU VỀ TRUNG QUỐC
Trong thời gian đến thăm Hoa Kỳ, tôi rất ngạc nhiên là không ít người Mỹ thiếu hiểu biết về Trung Quốc. Ấn tượng của nhiều người Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cố nhiên chỉ là những bộ phim của Trương Nghệ Mưu quay với bối cảnh Trung Quốc cũ. Cũng không trách được. Đối với họ, trong đầu chỉ chứa đầy những tin tức như thế thì cách nhìn cũng hình thành từ đấy. Có người Hoa Kỳ nhìn thấy bộ trang phục thường ngày tôi mặc trên người, tò mò hỏi: “Lúc ở Trung Quốc cũng mặc những bộ quần áo này à?” Có lẽ họ cho rằng ở Trung Quốc tôi mặc áo dài vạt trước ngắn với tay áo hình móng ngựa, thậm chí còn bó chân mới phù hợp với ấn tượng của họ.
Do vậy, tôi muốn những người dân Hoa Kỳ tôi có dịp tiếp xúc, tìm hiểu được càng nhiều về một Trung Quốc chân thực. Lúc ấy, những món quà mà mẹ tôi tìm chọn cho đã có chỗ sử dụng.
Món quà mà tôi tặng cho ông chủ nhà Taylor là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ thêu truyền thống của Tứ Xuyên: bức “Mèo vờn bọ ngựa” thêu hai mặt. Cũng hay là vợ chồng ông rất thích mèo, lúc tôi vừa đem bức tranh lồng kính có hai mặt thêu, đặt lên giá, cả nhà ông Taylor đều tò mò xúm quanh, lật đi lật lại xem con mèo rất sống động với những sợi len nhiều màu sắc được thêu hai mặt như thế nào? Nhân dịp đó, tôi giới thiệu cho họ biết 4 địa phương thêu nổi tiếng của Trung Quốc, nơi hội tụ rất nhiều nghệ nhân thủ công điêu luyện: Bắc Kinh, Tô Châu, Thục (Tứ Xuyên) và Tương (Hồ Nam).
Món quà tặng nhà trường, nơi đón tiếp tôi, là bộ tranh màu minh hoạ một câu chuyện dân gian Trung Quốc tuyệt đẹp. Bộ tranh này ngoài kỹ thuật sử dụng thủ pháp Trung Quốc có phiên âm tiếng Hán, lớp Trung văn của nhà trường hiểu câu chuyện đó và từ nội dung câu chuyện, hiểu được lịch sử lâu đời và nền văn hoá Trung Quốc. Tôi dùng những bức tranh cắt mang theo tổ chức một buổi giới thiệu về phong tục dân gian Trung Quốc như làm vằn thắn, bánh trôi, hàm ý sâu sắc của chữ “phúc” viết ngược để học sinh Hoa Kỳ cảm nhận được tâm nguyện hướng về một cuộc sống tốt đẹp, những thuần phong, mỹ tục đầy tình cảm thú vị của nhân dân Trung Quốc.
Tôi còn mang một ít tặng phẩm nhỏ khác như khay bằng trúc đan, dùng lối vẽ “quốc hoạ” (lối vẽ bằng bút nho Trung Quốc) vẽ gấu hoặc tùng, hoạ lên trên mặt khay, quạt hoa khắc chìm bằng gỗ thơm có thể gắn vào bệ quạt để trang trí; hộp cỏ bện đựng đồ trang điểm nhỏ nhắn xinh xắn bên ngoài có dán những bức tranh bằng thân cây lúa mạch rất tinh xảo. Tôi đem chúng tặng các thầy cô giáo và các bạn ở trường học Hoa Kỳ. Có những gia đình tha thiết mời chúng tôi đến chơi nhà.
Loại tặng phẩm khiến tôi bỏ nhiều công sức và cũng tâm đắc nhất là một bàn tính bằng ngọc tặng ngài Larry. Tặng bàn tính ngọc là ý mẹ tôi. Mẹ nói: “Ngọc là tượng trưng cho phẩm chất tinh thần của người Trung Quốc, bàn tính là tiêu biểu tuyệt vời cho nền văn minh cổ xưa của người Trung Hoa, hơn nữa đối với sự phát triển của nền kinh tế cổ đại Trung Quốc, bàn tính cũng đã đóng góp không nhỏ. Nó đã dùng một phương thức hết sức đơn giản để giải quyết vấn đề số học rất phức tạp và là biểu hiện rõ ràng trí tuệ của người Trung Quốc. Con đã biết sử dụng bàn tính, đến lúc ấy con có thể thực hành để ông ấy xem đấy.”
Mẹ tôi đã tìm mấy ngày ở Thành Đô mà không tìm được bàn tính ngọc, lúc đó định thay thế bằng bàn gỗ nhưng e sơ sài quá. Mẹ lại chạy đi tìm một ngày nữa, kết quả tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm du lịch, mua được bàn tính ngọc cỡ trung rất vừa ý. mẹ rất phấn khởi, viết hai câu đối trên hộp bàn tính để lúc tặng dịch cho ngài Larry nghe:
Cổ hữu toán bàn khởi Hoa Hạ
Kim hữu điện não huệ toàn cầu.
(Thời xưa, bàn tính có đầu tiên ở Hoa Hạ
Ngày nay, máy tính có mặt trên khắp toàn cầu)
(Hoa Hạ: Tên gọi nước Trung Hoa cổ)
Lúc tôi đem tặng ngài Larry bàn tính ngọc, vừa phiên dịch đôi câu đối vừa biểu diễn bàn tính khiến ông Larry tỏ vẻ vô cùng thích thú và kinh ngạc.
Ngoài việc dùng quà tặng để giới thiệu truyền thống văn hoá Trung Quốc, tôi còn chú trọng giới thiệu với người dân Hoa Kỳ tình hình Trung Quốc hiện nay và sự thay đổi của Trung Quốc sau cải cách mở cửa.
Lúc có người hỏi về quê hương, tôi liền lấy bưu thiếp mang theo từ Thành Đô và kể với họ, đây là thành phố nơi tôi ở. Dòng sông này có tên gọi là Phủ Nam, chúng tôi thường gọi là “dòng sông mẹ”. Dọc theo hai bờ sông là những vườn hoa rộng, các toà nhà đẹp, đã được tặng “Huy chương về công trình nhà ở của Liên Hiệp quốc”. Trong 20 năm lại đây, hầu như thành phố nào ở Trung Quốc cũng có những thay đổi lớn lao.
Cả nhà ông Taylor đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa đến Trung Quốc. Tôi nói với họ, một chính sách rất quan trọng hiện nay của Trung Quốc là hoan nghênh người nước ngoài đến đầu tư. Trung Quốc là một nước có tốc độ phát triển nhanh, có rất nhiều cơ hội kinh doanh. Giá nhân công ở Trung Quốc rất rẻ, thậm chí những nhân tài có trình độ cao, được đào tạo tốt, thù lao cũng thấp hơn ở Hoa Kỳ nhiều.
Tôi còn nói với ông về sự tiến bộ của nền pháp chế Trung Quốc, tình hình môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi với kinh doanh của người nước ngoài. Tôi còn giới thiệu với ông sự thành công của những xí nghiệp phương Tây ở Trung Quốc. Có một lần tôi nói tới công ty P&G của Hoa Kỳ cũng là Công ty Bảo Khiết sản xuất dầu gội đầu làm tóc nhẹ và mềm nổi tiếng Trung Quốc, vừa hay người Tổng Giám đốc của Công ty đó là bạn của ông.
Ông Taylor tìm hiểu ngày càng nhiều tình hình Trung Quốc. Có lần ông hỏi tôi: “Cháu là một học sinh trung học, làm sao biết được nhiều tình hình như thế?” Tôi trả lời ông là, một mặt từ trong sách giáo khoa Trung Quốc tôi đã học được những kiến thức cơ bản, mặt khác xuất phát từ hiểu biết cá nhân, hàng ngày đều chú ý đến những tin tức như thế; có lúc còn mua sách báo liên quan để đọc nữa. Thời gian lâu dần, sự hiểu biết càng nhiều thêm… Ông Taylor nửa đùa nửa thật cười nói, học sinh trung học như cháu về sau ứng cử tổng thống được. Tôi nói với ông, ở Trung Quốc học sinh trung học giống như tôi rất nhiều. Họ quan tâm đến tiền đồ và vận mệnh quốc gia. Ví như bạn học của tôi cũng đều như vậy.
Lúc tôi sắp rời Hoa Kỳ, ông Taylor nói với tôi, sắp tới ông cũng dự định sang Trung Quốc đầu tư trên thị trường rộng lớn đầy cơ hội kinh doanh này. Vì vậy, ông rất mong con của ông học tốt môn Trung văn.