Tin tức truyền vào Biện Kinh, Thái Tông nghe tin, nổi giận nói: "Tên giặc nô xấu xa sống buông thả nơi biên giới thích gây hấn, trẫm phải thân chinh mới được. Do đó hạ chiếu cho mọi người biết. Bọn Tống Kỳ tâu rằng: "Bọn Liêu xâm phạm biên cương, tướng soái ta rất đông, đâu cần bệ hạ đích thân mạo hiểm nơi mũi tên hòn đạn, làm tổn uy phong. Chỉ cần sai đại tướng đi đánh cũng đủ rồi". Vua ý chưa quyết. Trương Tề Hiền cũng ra sức can rằng: "Nếu khiến xa giá đi nữa, tất khiến bá tánh cực khổ, mong bệ hạ suy nghĩ". Vua chuẩn tấu liền phong Tào Bân làm U Châu đạo hành doanh tiền mã bộ quân thủy lục đô bộ xứ, và bọn Chiêu Thảo sứ Phan Nhân Mĩ, Hô Diên Tán, Cao Hoài Đức làm phó, dẫn quân 15 vạn, chinh thảo Đại Liêu.
Bọn Tào Bân nhận mệnh, phân khiến chư tướng, ngay hôm đó vào từ biệt Thái Tôn. Thái Tông nói rằng: "Phan Nhân Mĩ nên dẫn quân tới Vân Châu, Sóc Châu trước, còn các khanh thì với thanh thế của 10 vạn quân, thẳng đánh U Châu, và nên thận trọng tiến từ từ, không nên tham lợi. Họ nghe đại quân ta tới, tất dẫn quân để cứu Phạm Dương, không rảnh tới cứu Sơn Hậu vậy". Bọn Bân thụ mệnh ra đi.
Đại quân rời khỏi Biện Kinh. Phan Nhân Mĩ, Dương Nghiệp, Cao Hoài Đức dẫn ba vạn quân nhắm Hoàn Châu tiến phát; Tào Bân, Hô Diên Tán nhằm Tân Thành tiến phát. Lúc này đang là cuối mùa xuân, chỉ thấy:
Lộ thượng tàn hoa tùy mã túc,
Trung Nguyên phi nhứ điểm xuân san.
(Trên đường lá rụng theo chân ngựa,
Tơ rơi từng đoá xuân Trung Nguyên).
Quân Tào Bân đến cách Tân Thành 50 dặm hạ trại. Liêu tướng giữ Tân Thành là Hà Tư nghe tin quân Tống kéo đến, liền lên ngựa ra thành nghênh địch. Hai bên dàn trận, Tào Bân khôi giáp chỉnh tề, tinh thần hăng hái, đứng ở dưới cửa cờ, nói với Liêu tướng rằng: "Chúa ta nhân minh anh võ, nhất thống thiên hạ, sao không mau hàng, để được phú quý”. Hà Tư giận nói: "Mi vô cớ dẫn quân vào nước ta, nếu thắng được ngọn đao trong tay ta, thì ta đầu hàng". Tào Bân hỏi chư tướng rằng: "Ai dám ra bắt tên giặc này cho ta?" Liền có một tướng ứng tiếng mà ra, chính là Hô Diên Tán, múa thương tế ngựa vào đâm Hà Tư. Hà Tư cũng vỗ ngựa múa đao đón đánh. Hai bên reo hò, hai tướng đánh hơn 30 hiệp. Hà Tư đuối sức liền quay ngựa bỏ chạy. Hô Diên Tán hăng hái đuổi theo, đâm một nhát vào lưng, Tư chết lăn xuống ngựa, quân Liêu đều bỏ trốn. Tào Bân liền xua hậu quân, thừa thế lấy được Tân Thành.
Hôm sau, kéo quân tiến đến Phi Hồ lãnh. Tướng giữ là Lữ Hành Đức biết quân Tống đã đến, liền cùng thương nghị với bọn Chiêu an sứ Đại Bàng Dực rằng: "Quân Tống thế to, khó có thể nghênh địch, chi bằng giải giáp quy hàng, để tránh khổ cho quân sĩ". Bọn Bàng Dực nói: "Quân Tống từ xa đến, tất sẽ mệt mỏi, chính là lúc ta phá được, sao lại nghĩ đến việc uốn gối hàng”. Nói rồi dẫn quân ra nghênh địch. Từ xa thấy quân Tống kéo đến đầy chất cả núi, Bàng Dực liền lệnh quân sĩ giữ vững thế trận, rồi vỗ ngựa ra trước, mắng lớn rằng: "Bọn tham lam kia, vào sâu nước ta thì ta sẽ giết các ngươi không còn manh giáp". Trong trận, Hô Diên Tán vác giáo ra trận. Đại Bàng Dực múa búa đón đánh. Hai ngựa giao nhau, đánh hơn 50 hiệp. Tán liền bỏ giả thua bỏ chạy vào trong trận. Bàng Dực tế ngựa đuổi theo, Tán lạnh lùng nhìn chờ cho khi đến gần, quát to một tiếng, Bàng Dực không kịp trở tay, bị Tán bắt sống trên ngựa. Quân Tống ập vào, quân giặc đầu hàng vô số. Tào Bân đem Bàng Dực chém ở dưới thành để làm hiệu lệnh.
Hôm sau, Lữ Hành Đức dâng ải xin hàng. Quân Tống lại xuống Phi Hồ lãnh, thẳng tiến đến vây Linh Khưu. Liêu tướng giữ Linh Khưu là Hồ Đạt dẫn quân nghênh chiến. Tống tướng Hô Diên Tán tế ngựa ra mắng rằng: "Tướng kia, mau xuống ngựa quy hàng, ta tha chết cho, nếu không hãy nhìn những tướng hôm trước, làm gương!". Đạt giận nói: "Đồ thất phu ngông cuồng, để tao bắt mày nạp cho chúa ta". Liền múa đao xông thẳng vào trận quân Tống. Hô Diên Tán múa thương đánh lại. Hai tướng đánh hơn trăm hiệp, bất phân thắng bại.
Tán nghĩ thầm: "Tên giặc này sức mạnh hơn người, phải dùng mẹo mới thắng được. Liền quay ngựa vòng theo trận mà chạy. Hồ Đạt vỗ ngựa đuổi theo, chuyển qua đông lũy, Tán đặt ngang trường thương, rút kim tiên ra, chờ ngựa tướng địch vừa tới. Hô Diên Tán trợn mắt giơ roi, đánh vào đầu "Bốp" một tiếng, Hồ Đạt tiêu đời, chết dưới ngọn roi.
Tào Bân xua quân đánh giết, quân địch thua to, Bân thừa thế lấy luôn Linh Khưu, thu được hàng quân 5000 người, trâu, ngựa, quân nhu vô số. Tào Bân nói với Tán: "Các trận gần đây, tướng quân lập rất nhiều công, ta thật không sánh bằng”. Tán nói: "Đó đều là do nguyên soái diệu toán, tiểu tướng nào có công gì?”. Bân rất phục và sai người báo tiệp với Thái Tôn. Thái Tông thất kinh: "Hắn sao lại có thể tiến quân nhanh vậy được”. Liền sai sứ đem chỉ tới Linh Khưu, lệnh Bân đợi quân của Nhân Mĩ đến, rồi cùng tiến binh, mới có thể thắng giặc được. Tào Bân được chỉ, đang trầm ngâm chợt nghe báo: "Đại quân của Phan Chiêu Thảo đã ra khỏi Hùng Châu, nên cấp tốc đến cùng hội quân với nguyên soái. Bân mừng rỡ liền sai kị quân nghênh đợi.
Vài ngày sau, Nhân Mĩ đến Linh Khưu, vào gặp Tào Bân, cho biết đã thắng được các châu Hoàn, Sóc...., hàng được bọn Thích sử Triệu Sản Chương, Tiết độ phó sứ Triệu Hy Hiền... mười mấy người. Bân nói: "Đó đều do công của Phan Chiêu Thảo mà được vậy. Nay chúa thượng có chỉ, đợi đến đủ thì xuất phát, chúng ta nên chỉnh đốn quân rồi tiến". Nhân Mĩ theo lời, lập tức dẫn quân hướng theo Trác Châu mà đi.
Đây nói về bọn Gia Luật Hưu Ca đóng quân ở Vân Châu, nghe được quân Tống đã tiến đến Trác Châu, liền hạ lệnh cho các quân tiến gấp, đến phía Nam thành Trác Châu hạ trại, cách trại Tống chỉ năm dặm đường. Hưu Ca triệu Gia Luật Sa và nói: "Quân Tống vào sâu trong đất ta, thế tất lặn lội đường xa. Ngươi dẫn hai vạn quân mã đóng ở thành phía Nam, đóng cửa mà thủ. Chờ cho quân địch mỏi mệt, xuất quân khỏe mà đánh lấy".
Gia Luật Sa y lệnh làm. Hưu Ca lại nói với Hoa Thắng: "Người hãy dẫn một vạn bộ binh, đóng ở noi hiểm yếu ở Linh Khưu, mai phục trong rừng, để chận đường tiếp lương của quân Tống". Hoa Thắng lĩnh mẹo mà làm. Hưu Ca sắp đặt xong, vào đêm liền sai khinh kỵ lẽn vào trại Tống quấy phá, vào ban ngày thì dùng quân tinh nhuệ để phô trương thanh thế.
Lúc ấy, Tào Bân đốc chư tướng đến dưới thành thách đánh, quân Liêu án doanh bất xuất. Quân Tống thấy quân Liêu tinh nhuệ, không dám khinh suất tiến đánh, vào đêm thì lại luôn lo lắng. Liên tục như vậy suốt mười mấy ngày, trong quân lương hưởng gần hết. Sai người do thám, thì được báo: "Gần đây lương thảo nhiều lần bị quan Liêu cướp không thể mang đến đây được". Tào Bân thất kinh, cùng bàn với bọn Phan Nhân Mĩ rằng: “ Chúng ta vào sâu trong đất giặc, nếu không có lương thực mà để quân Liêu biết được, ra quân đón đánh thì là ta tự chuốc lấy thất bại đó. Chi bằng rút vây lui về Hùng Châu, đợi khi quân lương đầy đủ, mới tiến đánh".
Nhân Mĩ tán thành lời này, liền hạ lệnh đem quân mã lui về Hùng Châu, sai người vào Biện Kinh tâu báo, xin viện lương thảo. Thái Tông nghe tấu, thất kinh nói: "Sao lại có chuyện giặc ở trước mặt, lại lui quân để xin viện quân lương? Thật là thất sách vậy!". Liền gấp sai sứ ngăn lại bọn Tào Bân, lệnh phải dẫn quân theo Bạch Câu Hà mà tiến. Sứ giả lĩnh mệnh, tức tốc tới Hùng Châu gặp Bân, truyền bảo sắc mệnh. Bọn Bân nghe mệnh, cùng chư tướng thương nghị việc tiến quân. Nhân Mĩ nói: "Thế giặc đang mạnh, ta lại không thuộc địa lý, không bằng hãy ở Hùng Châu mà đợi đó chính là thượng sách vậy!".
Cao Hoài Đức nói: "Nếu ở đây không đi, khiến quân địch biết được ta hết lương, thừa thế đến đánh, thì ra sẽ bất lợi. Chi bằng ta ra tay trước tiến đánh, hoặc có thể thắng được". Bân thấy mọi người bàn tán xôn xao, bất đắc dĩ hạ lệnh quân sĩ mang theo lương thực mà tiến. Đến gần Trác Châu, Gia Luật Hưu Ca nghe quân Tống lại đến, sai người báo cho bọn Gia Luật Sa thừa cơ mà xuất binh. Lại sai Gia Luật Na dẫn bộ binh 1 vạn, mai phục trong rừng đợi địch. Hưu Ca sắp đặt xong, tự mình cùng Gia Luật Hề Đệ dẫn quân mạnh ra Kỳ Câu quan nghênh địch.
Gần đến giữa trưa, quân Tống đã đi một ngày một đêm, lại gặp lúc tháng hè, người ngựa đều đã khát, lại gặp quân mã Gia Luật Hưu Ca đồng loạt dàn ra, uy thế cực mạnh, quân Tống hơi có vẻ hoảng sợ. Nam tướng Cao Hoài Đức ra ngựa trước tiên, mắng lớn: "Liêu tướng mau hàng, ta tha chết cho!" Gia Luật Hề Đệ nổi giận, bay ngựa múa búa, tới chém Cao Hoài Đức. Cao Hoài Đức vác thương đến đánh, hai ngựa giao nhau, đánh vừa được năm hồi, Hề Đệ quay ngựa bỏ chạy, Hoài Đức vỗ ngựa đuổi theo. Tào Bân xua trung quân tiến lên, Gia Luật Hưu Ca đón lấy giao phong, vừa đánh vừa chạy.
Quân Tống đã vào quan khẩu, chợt trong rừng một tiếng pháo nổ vang, phục quân của Gia Luật Na xô ra, cắt quân Tống làm hai khúc. Tào Bân thất kinh, quay ngựa chạy trở về. Quân Phiên vạn nỏ cùng bắn, con ngựa mà Bân cưỡi bị trúng tên mà ngã. Đang lúc nguy cấp, Hô Diên Tán bay ngựa xông tới, kêu to: "Chủ tướng hãy theo tôi xông ra". Tán đi trước, Bân theo sau, cố chết đánh ra khỏi vòng vây. Lúc này quân của Gia Luật Sa ập vào sau trận của Phan Nhân Mĩ đem quân Nhân Mĩ vây ở giữa. Cao Hoài Lượng cố chết đánh mà không lui giặc được.
Tán bảo vệ Bân chạy về tận nhà, thấy phía Nam sát khí ngút trời, liền nói với Bân rằng: "Đó tất là quân Tống bị vây, để tôi đến đó mà cứu". Liền quay ngựa mà tiến, vừa gặp Phan Nhân Mĩ mũ rớt đâu mất bơ phờ chạy đến. Tán giết tan quân đuổi theo, bảo vệ Nhân Mĩ về. Hoài Lượng cùng Gia Luật Sa đại chiến, sau lưng lại không có quân mã tiếp ứng, bị Gia Luật Sa đuổi đến quan khẩu, một đao chém chết. Bên đây Cao Hoài Đức xông vào vây đến cứu. Gia Luật Hưu Ca xua quân Liêu đuổi theo đánh. Hoài Đức giáp, áo đều nhuộm đầy máu, quân đi theo đều bị giết sạch. Bộ binh của Gia Luật Sa đều lại kéo đến, tên bắn như châu chấu. Hoài Đức vai bị trúng tên, rút ra máu phọt lai láng rồi lại đánh tiếp, tay chém quân phiên vài chục tên, thấy thế nguy dần ép gần, liệu không thể lui được liền nghĩ thầm: "Ta là đại tướng của Trung Quốc, không thể để quân địch làm nhục" nghĩ rồi liền tự vẫn chết trên lưng ngựa. Đáng thương Cao Hoài Đức huynh đệ hai người, bị chết vì nạn.
Tịnh Hiên đọc đến đây có thơ than:
Huyết chiến đương niên báo chủ trung,
Trảm kiên nhập trận kỉ thiên trùng.
Anh hùng công tích kim hà tại,
Hồi thủ trầm ngâm tịch chiếu trung.
(Năm xưa huyết chiến tỏ lòng trung,
Chém gan xông trận mấy muôn trùng.
Công tích anh hùng nay đâu tá?
Quay đầu im ắng bóng tà rung).
Sau khi anh em họ Cao tử trận, bọn Gia Luật Hưu Ca hợp binh làm một, thừa thế truy đuổi. Lại gặp lúc mưa hè xối xả. Quân Tống hàng ngũ tán loạn. Hô Diên Tán bảo vệ Tào Bân, Phan Nhân Mĩ chạy đến Mã Hà, nghe hậu quân báo: "Anh em Cao Hoài Đức hai người đều chết ở trong trận rồi". Bọn Bân đều vô cùng thương cảm. Chợt nghe pháo nổ vang trời, truy binh của Gia Luật Hưu Ca lại đuổi đến. Tào Bân không dám ngưng lại suốt đêm vượt sông mà chạy. Liêu binh đuổi kịp đến, quân Tống bị giết và chết chìm vô số. Bọn Hưu Ca thấy quân Tống đã vượt sông mà chạy, cũng thu quân về trại. Hôm sau, trên sông thây nổi đầy lên, khiến nước sông cũng không chảy được khôi giáp, quân nhu vứt lại dưới Kỳ Câu quan, chất đống như núi.
Bọn Tào Bân lui giữ Tân Thành, kiểm điểm lại quân số, thấy bị bắt mất hơn 6 vạn người, liền sai người về Biện Kinh, dâng biểu thỉnh tội. Thái Tông nghe tấu thất kinh nói: "Đó chính là lỗi suy nghĩ không chu đáo của quả nhân vậy". Liền hạ chiếu sai sứ truyền bọn Tào Bân ban sư. Sứ thần lĩnh chỉ tới Tân Thành tuyên triệu.
Bọn Tào Bân được chỉ, sai phó tướng là Chu Tín thủ Tân Thành, tự mình dẫn đại quân về Biện Kinh, triều kiến Thái Tông lạy phục dưới thềm. Thái Tông an ủi nói: "Không biết địa thế, trúng phải mẹo của giặc, các khanh về sau nên lấy đó làm bài học". Bân tạ ơn lui ra. Vua hạ chiếu lệnh Hô Diên Tán ra đóng Đình Châu, Điền Trọng tiến ra đóng Linh Khưu, để phòng quân Liêu kéo vào. Bọn Tán lĩnh mệnh mà đi, chuyện không có gì đáng nói.
Tào Bân từ khi xuất sư, không lập được công, buồn bã không vui, do đó dâng biểu xin từ bỏ binh quyền. Thái Tông chuẩn tấu, liền giáng Bân làm Thích sử Phòng Châu. Lại truy niệm công của Cao Hoài Đức, nên phong cho hai em của Đức là Cao Lân, Cao Phương chức Đoàn Luyện Sứ Đại Châu. Tào Bân đã thụ mệnh ngay hôm đó đi đến Phòng Châu. Từ đó đóng cửa đọc sách, không tiếp bất cứ người nào.
Ở đây nói đến Gia Luật Hưu Ca đại thắng quân Tống liền sai người báo tiệp với Tiêu hậu và xin cử binh nam hạ. Tiêu hậu được báo mừng rỡ, liền sai sứ mang chỉ đến Trác Châu, ngăn cản mà rằng: "Nên đợi mùa thu trời mát, ngựa béo, sau đó mới tiến binh". Hưu Ca được chỉ liền án binh bất động. Biên cương báo về kinh sư, cho biết quân Liêu đã lưu lại ở Vân Châu, sẽ sắp mang quân tiến đánh. Thái Tông được báo, cùng quần thần thương nghị cách chống cự. Bát Vương tâu rằng: "Quân Liêu thế rất hung hãn, bệ hạ chỉ cần sắc lệnh biên tướng chỉnh sửa khí giới, tùy cơ mà đánh khiến quân địch mệt mỏi mà lui thì nạn ở biên cương tự dập tắt vậy". Thái Tông nghe theo, liền hạ chiếu truyền dụ cho các tướng soái nơi biên ải, chuyện không có gì đáng kể.
Một ngày, Thái Tông tọa triều trên điện, cùng thị thần nói rằng: "Ngày tiên đế còn sống, có lập một hương nguyện ở Ngũ Đài Sơn mà chưa trả được. Trước lúc băng hà, dặn trẫm đích thân đến trả. Nay nhân lúc việc nước nhàn rỗi, nên chuẩn bị xa giá một chuyến, các khanh hãy thay trẫm chuẩn bị". Lời ngọc thốt ra, Khấu Chuẩn bước ra tâu: "Mặc dù tiên đế có mệnh như vậy, nhưng nay việc gốc thì nên gấp còn việc ngọn thì nên hoãn. Gần đây Trung Quốc đánh nhau với quân Liêu, suốt năm binh mã không ngừng nghỉ, vả lại Ngũ Đài Sơn lại là biên giới với Liêu, bọn Gia Luật Hưu Ca đang đóng trọng binh tại các châu Vân, Sóc... Nếu như bệ hạ xa giá mà đi quân địch dò biết, đem quân đến cản người ta, lúc ấy ai giúp bệ hạ được đây? Chẳng thà hoãn lại vài năm, đợi lúc biên cương yên bình, cũng là chưa muộn, lúc này quyết không nên đi vậy". Thái Tông im lặng không nói. Phan Nhân Mĩ lại tâu: "Thần cử một người theo bệ hạ đi tuyệt đối không xảy ra sai sót". Thái Tông hỏi rằng cử ai. Phan Nhân Mĩ nói: "Trưởng tử của Đại Châu Thích sử Dương Nghiệp là Dương Uyên Bình, người này văn võ song toàn, kẻ địch đều sợ, nếu bảo vệ xa giá mà đi thì sẽ vững như thái sơn". Thái Tông vui mừng, liền hạ chiếu phong Dương Uyên Bình làm hộ giá đại tướng quân, mang cấm quân 2 vạn đi đến Ngũ Đài Sơn. Uyên Bình được chỉ, liền chuẩn bị nhung ngũ đợi hầu. Vài ngày sau, Thái Tông xa giá rời Biện Kinh, ba quân hướng theo Thái Nguyên tiến phát. Lúc ấy đang là mùa thu, chỉ thấy:
Lạc diệp tiêu tiêu phong tợ lãnh,
Nhạn thanh bi thiết khách tinh cô.
(Lá rụng tơi bời gió lạnh thay,
Nhạn kêu bi thiết một thân ai).
Muốn biết việc gì xảy ra, xin xem hồi sau.