Lục sứ nói: "Đây là mệnh vua, là việc tốt ân diệu, hà tất nói đến chuyện ly biệt? Có thể đem những người thuộc quân bản bộ các ngươi mà tình nguyện đi theo tới nơi nhậm chức thì hãy mang theo cùng đi, có người không muốn đi, thì đem thưởng cho nhiều vàng bạc để về quê sinh sống. Nhưng sau khi phó nhiệm, mỗi người nên cố gắng biểu hiện lòng trung với nước nhà, thi triển tài năng, mới không uổng là trượng phu sống trên đời này. Nên đi ngay, đừng chậm trễ". Nhạc Thắng nghe xong, đều đến bái biệt, đi đến nhiệm sở. Trong đó quân sĩ tình nguyện đi theo, ngay hôm đó đều cùng đi, kẻ không theo thì về quê khoảng một nửa. Chỉ còn lại Mạnh Lương, Tiêu Tán, Trần Lâm, Sài Cảm, Lang Thiên, Lang Vạn tất cả sáu người, ở lại chờ sau khi Lục sứ rời kinh thì mới khởi hành. Mạnh Lương nói: "Nay mọi người đã ai nấy đi phó nhiệm, còn có thủ quân ở trại Tam quan chưa biết tin tức, đại nhân nên sai người đến báo". Lục sứ nghe theo, lập tức kêu Trần Lâm, Sài Cảm, Lang Thiên, Lang Vạn tới trại Tam quan điều quân trấn giữ về và đem toàn bộ tích lũy về trong phủ. Bọn Trần Lâm lĩnh mệnh mà đi, chuyện không có gì đáng nói.
Lúc ấy trời vào tháng 9, mây trời trong xanh. Đêm đó Lục sứ đi dạo, đến dưới đình tản bộ, ngước nhìn lên thấy sao sáng đầy trời, nhớ đến các thuộc hạ, miệng ngâm một đoạn bài từ dài:
Thảm kết thu âm, tây phong tống ti ti lộ thấp. Ngưng vọng nhãn, chinh hồng kỉ tự. Mộ đầu sa tích. Dục vãng hương quan hà xứ thị, thủy vân hào đãng liên Nam-Bắc. Đãn tu mi, nhất mạt hữu vô trung, dao sơn sắc Thiên nhai lộ giang thượng khách. Tình họa dĩ đoạn, đầu ưng bạch. Không tạo thủ hưng thán, mộ. niên ly cách. Dục đãi vong ưu trừ thị tửu, nại truyền tận hà tằng tiêu đắc. Tiện vãn Tương giang thủy nhập tôn lôi, nhiễu hung ức.
(Bóng thu thê thảm, gió tây thổi từng sợi tơ trời. Chăm mắt nhìn xa, vài hàng nhạn lược. Chiều về bãi cát. Muốn về quê hương đâu tá, nước mây mênh mông liền trời đất. Thế mà râu tóc chẳng còn gì như màu núi xa. Đường góc trời, khách long đong; tình đã dứt, đã sớm bạc. Gãi đầu suông than thở, năm tàn xa cách. Muốn quên sầu ngoài mượn rượu mà vẫn chẳng hết sầu. Cũng muốn kéo nước sông Tương vào chén uống để tưới đẫm tấm lòng).
Lục sứ ngâm xong, vào phòng phía Tây, vừa muốn cởi áo đi ngủ, chợt ngoài cửa nổi một trận gió, thấp thoáng thấy có một người đứng ở dưới cửa sổ. Lục sứ liền dậy nhìn xem, thì hóa ra là cha mình Dương Nghiệp. Lục sứ thất kinh sụp lạy nói: "Đại nhân mất đã lâu, vì sao đến đây?" Nghiệp nói: "Mi hãy đứng lên đừng lạy nữa, ta nay có chuyện nói cho nghe. Nay Ngọc Đế thương ta trung nghĩa, nên phong cho làm thần rất uy vọng, cũng đã không còn gì đáng ân hận nữa. Chỉ là hài cốt của ta không nơi nương tựa, nay phải sai người lấy về mà mai táng, đừng để hồn phách phải phiêu bạt".
Lục sứ nói: "Mười mấy năm trước, đã sai Mạnh Lương vào U Châu, lấy hài cốt về mai táng rồi, cha vì sao lại nói như vậy?” Nghiệp nói: "Mi nào biết Tiêu hậu gian trá? Diên Lăng lang biết rõ, mi nay có thể hỏi lại cặn kẽ".
Nói xong, hóa một cơn gió mát đi mất. Lục sứ ngơ ngẩn hồi lâu giống như mơ mà không phải mơ, lúc bấy giờ khoảng vào canh hai.
Chờ đến sáng rõ, vào gặp Lệnh Bà, thưa lại mọi chuyện. Lệnh Bà nói: Đó là cha mi hiển linh đến mà báo cho biết vậy". Lục sứ nói: "Có thể hỏi tứ ca, liền biết rõ đầu đuôi". Lệnh Bà gọi Diên Lăng vào hỏi rằng: "Đêm qua, Lục lang gặp cha, nói rằng hài cốt vẫn còn đâu đó, có việc này không?" Diên Lăng thất kinh nói: "Mẫu thân không nói, con cũng đang muốn thương nghị việc này.
Từ khi bị quân Bắc bắt đi, vài hôm sau, Phiên kị mang được thủ cấp của cha con về đến. Tiêu hậu cùng quần thần thương nghị, chính vì sợ người Nam đến lấy trộm, nên lấy kẻ giả mạo giấu ở Hồng Dương động, còn xác thật thì để ở Vọng Hương đài. Hài cốt mà Mạnh Lương năm xưa trộm được là giả vậy, trừ ra ở trên đài mới là thủ cấp thật của cha. Hôm nay Lục đệ biết được việc này, không phải là cha hiển linh sao?" Lệnh Bà nói: "Nay Bắc Phiên đã quy thuận; sai người tới mà lấy về, đâu có gì là khó!" Lục sứ nói: "Nếu sai người lấy, thì sẽ lại là giả mà thôi. Vì cha con là người mà Bắc Phiên sợ nhất, xem cha như thần uy vọng, sao chịu đưa cho mang về? Chi bằng cũng vẫn sai Mạnh Lương đến lấy trộm, ắt có thể được vậy”. Diên Lăng nói: "Em nói rất phải".
Lục sứ lập tức triệu Mạnh Lương vào trong phủ, nói rằng: "Có một việc rất quan trọng, nhờ mi đi làm, cần phải hết sức". Mạnh Lương nói: "Đại nhân sai khiến, cho dù vào nơi dầu sôi lửa bỏng, đâu dám chối từ!” Lục sứ nói: "Ta biết nếu mi đi, đủ để thành việc. Nay có hài cốt thật của Dương Lệnh Công giấu ở Vọng hương đài, hãy bí mật đến lấy về, đó là công lớn của mi vậy". Mạnh Lương ứng tiếng nói: "Vào thời ly loạn mà còn lấy được, huống chi giờ thiên hạ đã thống nhất, chắc không khó lấy” Lục sứ nói: "Lời mi nói tuy đúng, ngặt nỗi người Phiên phòng thủ nghiêm mật, cũng phải nên cẩn thận". Mạnh Lương nói: "Người Phiên ăn không nổi được búa của tôi đâu, đại nhân đừng lo". Nói xong, lập tức đi.
Vừa lúc đó, Tiêu Tán nghe thấy mọi người trong phủ xì xào bàn tán, như có gì đang thương nghị vậy, liền hỏi tả hữu rằng: "Đại nhân lại có việc gì?" Tả hữu đáp rằng: "Sáng sớm dặn dò Mạnh Lương đi đến Vọng hương đài ở U Châu để lấy hài cốt thật của Lệnh Công về, nên nay thương nghị việc mai táng". Tiêu Tán nghe xong, đi ra ngoài phủ nghĩ thầm: "Mạnh Lương đã nhiều lần làm việc cho đại nhân, ta ở dưới trướng nhiều năm, chưa có được chút công lao gì, chi bằng theo sau đuổi đến, lấy về trước, há không phải là công của ta sao?" Liền sửa soạn đầy đủ theo hướng U Châu đi gấp. Lúc ấy ở Dương phủ không người nào biết cả.
Trước tiên hãy nói về Mạnh Lương đi suốt ngày đêm đến U Châu thành. Vào lúc gần hoàng hôn, giả dạng người Phiên, vào đến cửa đài, gặp ngay năm, sáu tên quân canh giữ hỏi rằng: "Mi là ai, dám đến đây đi lại lung tung, có phải là tế tác không?” Lương nói: "Ngày trước thiên tử Trung Quốc thả vua tôi Bắc Phiên về nước, sai sĩ tết bọn ta ở nơi biên giới hộ tống. Nay việc đã xong, tới đây dạo chơi chốc lát, sao gọi là tế tác!” Quân canh giữ tin lời, nên không đề phòng, trời màn đêm buông xuống, Mạnh Lương lén đi lên trên đài, quả nhiên thấy một tráp hương đựng hài cốt ở đó. Lương nghĩ thầm rằng: "Năm trước trộm được quả nhiên không giống với cái này, hôm nay lấy được, ắt là thật vậy".
Liền cởi tay nãi ra, dùng tráp gỗ gói lại, cõng xuống đài. Không ngờ Tiêu Tán theo sau đến nơi, lên tới tầng giữa của đài, tay đụng phải chân của Mạnh Lương, quát rằng: "Ai ở trên đài làm bậy?" Mạnh Lương trong lúc hoảng hốt không nhận ra giọng nói, ngỡ rằng người Phiên đến bắt, tay trái rút búa bén ra giáng xuống một nhát, trúng ngay đỉnh đầu Tiêu Tán, thế là khoảnh khắc mất mạng. Bên đây Mạnh Lương chạy rời khỏi đài, không thấy động tĩnh gì. Mạnh Lương nghĩ thầm rằng: "Nếu kẻ đó là quân canh giữ đến bắt thì đâu chỉ có một người? Việc này rất đáng nghi" Liền bước tới gần, dưới ánh sao đêm nhìn xem, thất kinh nói: "Đây không phải là Tiêu Tán sao?" Lật ngược lại nhìn kĩ, quả đúng không sai.
Mạnh Lương ngửa mặt lên trời khóc mà nói rằng: vốn vì đại nhân hoàn thành công việc, nào ngờ giết lầm lẫn nhau. Cho dù có được hài cốt, cũng khó mà chuộc được tội này". Nói xong, đi ra ngoài thành, đã là canh hai. Vừa gặp quân tuần cảnh rung chuông đi tới, Mạnh Lương bắt lấy nói: "Mi là quân tuần ở nơi nào?” Quân tuần đáp: "Tôi không phải người Phiên, vốn lại lính già đóng lại đây, không thể về quê, lưu lạc nơi đất Bắc, xung vào chức tuần canh này". Mạnh Lương nói: "Đó là phúc của đại nhân ta vậy". Liền nói: "Ta có một tay nải, nhờ ngươi mang đến Vô nịnh phủ ở thành Biện Kinh, gặp Dương Lục sứ, ắt sẽ được hậu tạ". Quân tuần nói: "Tôi vốn quen với Dương tướng quân, xin cung kính mang đi”, rồi lại hỏi ông là người nào, Mạnh Lương nói: "Đừng hỏi tên họ, tới trong phủ sẽ được rõ”.
Liền cởi tay nãi, giao cho quân tuần, dặn dò cẩn thận, đừng có lỡ việc. Rồi quay về chỗ cũ, cõng Tiêu Tán ra ngoài sườn thành, rút đao đeo bên người ra, kêu to mấy tiếng: "Tiêu Tán! Tiêu Tán! Là ta hại ông rồi, xin xuống theo dưới đất vậy". Rồi tự vẫn mà chết. Đáng thương tráng sĩ Tam quan, cả hai đều chết ở sườn thành đất Bắc. Đời sau có thơ khen Mạnh Lương rằng:
Anh hùng tái hạ lập công thì,
Bách chiến Phiên linh độn mạc chi.
Kim mật thành âu quy chủ mệnh,
Hành nhân đáo thử lệ chiêm y.
(Dưới trại anh hùng lập chiến công,
Trăm trận quân Phiên đuổi đến cùng.
Nay bao thành quách thu về hết,
Người qua bao xiết lệ đoanh tròng).
Lại có thơ khen Tiêu Tán rằng:
Thất mã nam quan dũng tự nhiên,
Trảm kiên đột trận cảm đương tiên.
Thái bình vị hứa anh hùng kiến,
Chí sử thân hài tuất bắc biên.
(Vó ngựa ải nam dũng vốn nòi,
Lớn gan xông trận ở đầu thôi.
Thái bình chưa để anh hùng hưởng,
Đến nỗi xương tàn gởi Bắc rồi).
Lúc ấy quân tuần nhận lấy tay nải, nửa sợ nửa nghi, đành đem giấu. Sáng hôm sau, lén ra thành phía Nam, hướng về Biện Kinh mà đi.