Hôm sau, mười vị đại thần vào bái biệt Chơn Tông. Chơn Tông nói: "Các khanh đi chuyến này là vì sự yên ổn của xã tắc mà tính vậy, nên phải cẩn thận mà làm". Bọn Bát Vương lĩnh mệnh ra khỏi triều, rời kinh thành hướng Tam quan tiến phát. Sai thám mã báo trước với Lục sứ. Lục sứ sai Mạnh Lương, Tiêu Tán đón ở giữa đường. Ngày kia, Bát Vương cùng chúng nhân đi gần đến Lương môn quan. Một cánh quân mã cản đường, thì ra là bọn Mạnh Lương, Tiêu Tán, cao giọng kêu rằng: “Người đến có phải là Bát điện hạ không?"
Bát Vương tiến tới trước nói: "Là ai cản đường? Mau về báo cho Quận mã biết". Mạnh Lương lập tức xuống ngựa, sụp lạy bên đường nói: "Nay đại nhân tôi sai khiến, lệnh tiểu nhân đợi ở đây đã nhiều ngày rồi". Bát Vương liền cùng các quan thẳng đến Tam quan. Lại thấy một cánh quân kéo đến, thì ra Lục sứ thân ra nghênh tiếp. Bát Vương gặp Lục sứ, hết sức vui mừng, cùng sánh ngựa vào trong trướng. Mười vị đại thần phân ngôi thứ ngồi xuống, rồi sai bày tiệc rượu sẵn sàng, các quan cùng nâng ly mà uống.
Rượu đến nửa chừng, Lục sứ đứng lên hỏi rằng: "Không biết Bát điện hạ cùng chư công đến đây có cao kiến gì?" Bát Vương nói: "Lần này đến đây muốn cùng Quận mã thương nghị một việc lớn. Gần đây do thánh thượng muốn bình định Bắc Phiên, không ngờ tên gian thần Vương Khâm sau khi lĩnh chỉ đi gặp Tiêu hậu, muốn họ dâng nạp bản đồ và hộ tịch của chín Châu, để tắt can qua. Tiêu hậu dâng biểu nói là: phải có thập đại triều thần đến Cửu Long phi hổ cốc mới có thể lập giao ước. Thánh mệnh đã xuống, sai bọn ta đi đến đó. Ta nghĩ đây ắt là gian kế của Vương Khâm. Nếu chỉ có bọn ta đến đó có khác nào đưa dê vào miệng cọp, làm sao có thể an toàn? Nên nay đến đây để mượn binh trợ giúp, để phá mẹo của người Phiên". Lục sứ đáp rằng: "Hôm trước hạ quan chính muốn bắt tên giặc này để trừ hậu hoạn, không ngờ hắn đi theo hướng Hoàng Hà. Nay nếu đã dùng mưu gian này, muốn lừa đại thần Trung Quốc, tiểu nhân đương nhiên phải ứng phó, quyết lấy được bản đồ và hộ tịch của quân man di mà về”. Bát Vương nghe xong vô cùng mừng rỡ, nói: "Có ông sắp xếp, thật là phúc của thánh thượng vậy”. Hôm đó, các quan vui vẻ rồi nghỉ.
Hôm sau, Lục sứ triệu bọn Mạnh Lương, Nhạc Thắng Tiêu Tán, Lâm Thiết Thương, Tống Thiết Bổng, Thiệu Thiết Kỳ, Đổng thiết cổ, Khưu Trân, Vương Kỳ, Mạnh Đắc, Trần Lâm, Sài Cảm, Lang Thiên, Lang Vạn, Trương Cái, Lưu Siêu, Lý Ngọc... hơn 20 người vào dặn dò rằng: "Chuyến đi này ắt phải động can qua, bọn các ngươi phải dụng tâm, bảo vệ triều thần đi đến đó". Nhạc Thắng nói: "Lời của đại nhân tuy đúng, nhưng nếu như Bắc Phiên nhận ra được chúng ta, hoài nghi mà không đến đầu hàng, há không làm lỡ việc lớn ư?” Lục sứ nói: "Ta có mẹo dạy cho ngươi: Mỗi người gánh một cái rương đều giả dạng làm bọn tùy tùng đi theo. Trong rương giấu binh khí, phía trên để mũ quan, y phục. Lại dùng ống trúc có hai đoạn, đoạn trên đựng nước, đoạn dưới giấu thiết bổng. Người Phiên nếu có hỏi, thì nói là đem theo nước để uống. Nếu vô sự thì không nói gì, nếu có gì bất trắc, thì gặp việc cơ biến mà dùng . Bọn Nhạc Thắng chịu kế rồi lui.
Hôm ấy, Bát Vương từ biệt Lục sứ, cùng các quan rời khỏi Tam quan, hướng về Cửu Long phi hổ cốc mà tiến phát. Lúc ấy trời vào đầu đông, gió rét cắt mặt, tiếng hồng nhạn bi thương. Mười vị đại thần ngồi trên ngựa, nhìn ra hai bên chỉ thấy đầy xác người và xương trắng, gươm gãy giáo rời vô số. Bát Vương than rằng: "Thuở trước Hán, Châu đánh nhau ở đây, khiến cho lê dân gan óc lầy đất". Người xem ai cũng thảm thiết. Có thơ vịnh:
Lưỡng ngạn do tồn chiến huyết hồng,
Đương niên hào kiệt tổng thành không.
Hành nhân vu thử trọng sai vấn,
Trù trướng tây phong tịch chiêu trung.
(Hai bờ như vẫn máu trận sôi,
Năm xưa hào kiệt cũng là thôi.
Người đi qua đó như còn hỏi,
Lặng lẽ gió lùa nắng ngả soi).
Lúc này, tin tức đã truyền đến Bắc Phiên. Tiêu hậu sai Gia Luật Học Cổ làm Hành danh tổng quản, dẫn 1 vạn tinh binh, tới trước để đợi. Học Cổ lĩnh mệnh, dẫn quân đến Cửu Long phi hổ cốc, đóng trại ở hướng chính Bắc. Hôm sau, thân đến trong cốc, dạo xem một vòng, về trong quân nói với Nha tướng là Tạ Lưu, Vương Mãnh rằng: "Ta xem nơi ấy, bốn phía đều là đường cùng, duy phía Đông có một bãi đất bằng phẳng, có thể chứa được năm, sáu trăm người. Có thể bày yến tiệc ở đó, để đợi họ đến, rồi từ đó hành động” . Tạ Lưu nói: "Kế của Tổng quản rất hay". Chưa dứt lời, người vào báo rằng: "Mười vị đại thần triều đình đã tới”. Học Cổ dặn dò quân mã lui tránh ra xa, tự dẫn quân tới trước nghênh tiếp. Bát Vương ngồi trên ngựa cùng Học Cổ thi lễ nói rằng: "Chúa ngươi tự nghị muốn dâng bản đồ hộ tịch của chín Châu, tướng quân nghĩ như thế nào?" Học Cổ ứng đáp: "Trước trận không phải là nơi để nghị hòa, ngày mai nên ở trong quân mà định đoạt". Bát Vương ưng thuận rồi lui, đóng doanh lũy nơi hướng chính Nam.
Học Cổ về đến trong trướng, triệu Tạ, Trương đến thương nghị rằng: "Ngày mai ta sẽ học theo chuyện Sở Bá Vương đãi yến Cao Tổ ở hội Hồng Môn, múa kiếm đấu võ ngay trong tiệc quyết lấy thắng thua, hai ngươi nên dụng tâm mà lập công”. Tạ Lưu nói: "Xin đem hết sở học bình sinh của tiểu nhân mà lập công, nhất định hoàn thành mưu kế của Tổng quản". Học Cổ lại triệu Thái úy Hàn Quân Bật vào nói: "Ông dẫn 1 vạn tinh binh mai phục nơi cốc khẩu, chờ khi có biến động, lập tức đem quân vây chặt lấy đại thần nhà tống”.
Quân Bật lĩnh kế làm theo. Học Cổ sắp đặt xong, một mặt sai người đến cốc khẩu chuẩn bị yến tiệc, rồi sai quân Phiên mang thư đến dinh Tống, gặp Bát Vương nói: "Tổng quản có lệnh mời liệt vị đại thần gặp mặt bàn về hòa ước quy hàng vào ngày mai và không được mang một tấc vũ khí nào tương kiến". Bát Vương nhận thư xem xong, liền hồi thư cho lính Phiên, chuyện không có gì đáng nói. Khấu Chuẩn vào nói: "Chuyến đi này nếu không nhờ điện hạ liệu việc trước, mang theo thuộc hạ của Quận mã cùng đến, họ quyết không có thiện ý". Bát Vương nói: "Nay tuy phó hẹn, xem hắn bàn nghị thế nào?”. Mọi người liền lui về nghỉ.
Hôm sau, Gia Luật Học Cổ đến cốc khẩu đón đợi, nhìn xa thấy bụi bay mù mịt. Các quan Tống cưỡi ngựa đến nơi. Khi đến gần, Học Cổ thấy không có quân mã đi theo, trong bụng mừng thầm, liền mời mọi người vào trong cốc, ra mắt nhau xong, Học Cổ cung kính mời mười vị đại thần theo ngôi thứ mà ngồi. Bát Vương nói: "Tiêu Nương nương chịu quy thuận Thiên triều, sẽ không mất ngôi vị làm chủ một nước, thật là phúc lớn của nhân dân vậy”. Học Cổ cười nói: "Nương nương tôi vốn có ý này, xin hãy uống rượu đã, rồi từ từ bàn tính" rồi lệnh Phiên quan dâng tiệc, nhạc công tấu khúc.
Hôm ấy, trước trướng nhạc tấu vang lừng, các quan Nam-Bắc gặp gỡ uống rượu. Bấy giờ, Sài phò mã ngồi ở mé trái bàn tiệc, Gia Luật Học Cổ nhận ra được, liền hỏi: "Vị này có phải là Sài tiên sinh không?”. Sài Ngọc nghe thấy liền ứng tiếng đáp: "Chính là học sinh, tướng quân có lời dạy gì?" Học Cổ nói: "Ta nhớ năm trước có dâng "Thiên tự đồ Phiên gia" vào thiên triều, bị ông sửa chữ "Thiên” thành chữ "Vị", Tiêu hậu nổi giận mà động can qua, hôm nay mới được gặp mặt vậy!" Sài Ngọc nói: "Ngươi nói sai rồi! Chúa thượng ta ứng thiên thiện nhân, chỉ trong vài năm, khắc phục quần hùng, tạo nên sự thịnh vượng của việc thống nhất. Duy Bắc Phiên các ngươi, do cách Trung Quốc quá xa, chưa rảnh mà chinh thảo, mới để cho vua tôi ngươi nhiều lần giết hại dân lành chấn động hoàng uy. Thiên môn trận bị phá, Bắc kị quay giáo mà trốn, lúc đó nếu chúa ta thẳng tiến đến U Châu, gặp chúa ngươi đòi bản đồ và hộ tịch mà về, nhưng vì bọn ta không nỡ để quân dân phải rơi vào vòng chiến tranh nữa, mới khuyên ban sư. Nếu Tiêu hậu biết đạo lí thuận nghịch, không theo lời mê hoặc của cuồng phu, hết lòng quy thuận, thì có thể giữ lấy nước. Nếu không, đường đường Trung Quốc ta, sĩ mã tinh cường, lại chịu để cho ngoại cảnh xưng "Cô" sao! Việc sửa "Thiên tự đồ” đúng là do ta làm. Việc đã xa xưa, sao lại nhắc đến nữa!".
Gia Luật Học Cổ bị sang thuyết cho một hồi, hơi có vẻ khó chịu. Lại hỏi Khấu Chuẩn ngồi ở mé phải chính tiệc rằng: "Tôi nhớ vào những năm niên hiệu Hàm Bình tiến cống trướng ấm bằng da và gấm vóc, bị ông dìm đi không tấu, dẫn đến hai bên đánh nhau, đó là cách đại thần giúp vua chăng?" Khấu Chuẩn lớn tiếng nói rằng: "Chúa thượng ta bàn việc trị nước không có ngày rảnh, làm sao có lòng dùng cẩm trưởng của ngươi để vui chơi. Hôm nay vốn để cùng nước các ngươi kết hòa ước, lấy văn tự của chín Châu để đem dâng, hà tất đem chuyện cũ ra nói ư?" Học Cổ nói: "Văn tự ngày khác giao cắt chưa muộn, xin hãy xem Phiên quan múa kiếm trước trướng, để ta uống rượu mua vui". Bát Vương nói: "Đã hẹn không cho đem binh khí theo. Đây đâu phải là trên tiệc Hồng Môn, đâu cần phải múa kiếm?" Chưa dứt lời, Tạ Lưu đã ứng tiếng mà ra, tay cầm trường kiếm múa ở trước tiệc. Bát Vương thấy việc không ổn, liền gọi: "Những kẻ tùy tùng ở đâu?" Mạnh Lương giận dữ tiến tới trước nói: "Quân Bắc biết múa kiếm, Trung Quốc ta lại không có tráng sĩ ư? Ta cũng múa kiếm đối lại, để giúp vui trước tiệc" nói xong, múa kiếm bén cùng Tạ Lưu thi múa.
Gia Luật Học Cổ thấy Mạnh Lương chí khí hiên ngang, tự nghĩ người này ắt phải là đại tướng, không thể đấu lại được liền nói: "Múa kiếm không có gì vui, hãy xem bắn tên làm vui vậy” Mạnh Lương nói: "Muốn phi ngựa bắn, xuyên dương bắn, tùy ý muốn các ngươi" Tạ Lưu nói: "Phi ngựa bắn liễu, là chuyện thường gặp, nay cần phải bắn theo cách mới lạ". Mạnh Lương nói: "Sao gọi là mới lạ?" Tạ Lưu nói: "Đem một người sống treo lên trụ, bắn liền ba phát, người tránh được mới là tay giỏi"
Mạnh Lương nghe xong, cười thầm nói: "Tên giặc này muốn ám hại ta, hãy giết hắn trước, để nhụt nhuệ khí Bắc Phiên" liền trả lời: "Ai bắn trước? Tạ Lưu nói: "Tôi bắn trước". Mạnh Lương thản nhiên nhận lời tự sai người trói trên lên trụ, kêu rằng: "Cho người mặc ý bắn liền ba phát". Bọn Bát Vương nhìn thấy ai cũng có sắc sợ. Tạ Lưu rời tiệc đứng cách một khoảng xa, tay giương cung cứng, bắn đi một phát, bị Mạnh Lương dùng tay gạt ra. Tạ Lưu hoảng sợ, lại bắn một phát, muốn bắn vào bụng, không ngờ Mạnh Lương có hộ tâm kính, bắn không vào. Mười vị đại thần đều vỗ tay khen ngợi. Chúng nhân cởi trói. Mạnh Lương nói: “Hãy mượn mi để ta thử tên". Tạ Lưu không còn cách nào khác, cũng đành trói treo lên trụ. Mạnh Lương kéo căng cung, đặt tên bắn đi, cố ý bắn không trúng Phiên quan. Tạ Lưu nghĩ thầm: “Người này chỉ giỏi múa kiếm, không biết bắn tên" Liền nói: "Mặc sức người bắn tiếp hai mũi”. Mạnh Lương bắn ngay một phát, tin ngay cổ họng. Tạ Lưu ứng tiếng dây cung bật mà chết tươi. Chính là:
Vô năng Phiên sĩ đồ thi dũng,
Kim nhật tu khiếu tiễn hạ vong.
(Thiếu tài kẻ sĩ uổng công lớn,
Ngày nay đành rống chết dưới tên).
Gia Luật Học Cổ thấy Tạ Lưu thất thủ, giận dữ nói: "Đến để giảng hòa, sao có thể giết nhau!” Quát rằng: "Chúng nhân hãy bắt lấy!" Chỉ thấy năm, sáu trăm Phiên kị ào đến trước tiệc, hăng hái xông vào. Bọn Nhạc Thắng, Tiêu Tán hết sức giận dữ, ai nấy mở rương ra, ống tre ra lấy ra trường thương, đoản kiếm, đồng loạt đánh vào. Gia Luật Học Cổ biết là đã có phòng bị, tự bỏ trốn trước. Quân Phiên bị quân Tống giết chết một nửa. Mạnh Lương vội bảo vệ quan triều ra cửa cốc, chợt vang lên vài tiếng pháo, phục quan quân của Hàn Quân Bật đồng loạt xô ra, vây chặt lấy cốc khẩu. Nhạc Thắng e quân Bắc vây nhốt lại, nên gắng sức xông ra. Nhưng sao cản được Phiên kị bắn tên, đá như mưa, nên đều không thể đến gần. Phía sau lại là đường cùng, bốn phía vách núi thì dựng đứng. Chính là:
Hổ lạc thâm khanh vô kế xuất,
Long đọa thiết võng trí mưu sơ.
(Cọp rơi xuống bẫy mong gì thoát,
Rồng lọt lưới đồng biết kém tài).
Muốn biết chuyện gì xảy ra, xem hồi sau sẽ rõ.