Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn

2: CHẨN ĐOÁN TÂM TRẠNG: KHỞI ĐẦU QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ

Có lẽ bạn đang tự hỏi liệu mình có thật sự đang bị trầm cảm hay không. Hãy cùng đọc tiếp và xem bạn đang đứng ở đâu. Bảng kiểm tra trầm cảm Burns (BDC – Burns Depression Checklist) (xem Bảng 2-1 ở trang bên) là một thang đo cảm xúc đáng tin cậy giúp phát hiện ra chứng trầm cảm và đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của nó. Bạn chỉ cần vài phút để hoàn thành bảng câu hỏi đơn giản này. Sau khi bạn hoàn tất bảng BDC, tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc kết quả một cách đơn giản, dựa vào tổng điểm của bạn. Rồi bạn sẽ lập tức biết được rằng mình có đang bị trầm cảm hay không, và nếu có, thì nghiêm trọng đến mức nào. Tôi cũng sẽ đưa ra vài hướng dẫn quan trọng để giúp bạn xác định được rằng bạn có thể tự chữa lành tâm trạng u buồn của mình một cách an toàn và hiệu quả hay không, hay là bạn đang bị một chứng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng hơn cần đến sự can thiệp về chuyên môn bên cạnh sự nỗ lực của bản thân.

Khi bạn điền vào bảng câu hỏi, hãy đọc thật cẩn thận và đánh dấu √ vào ô vuông những gì bạn cảm thấy trong những ngày vừa qua.

Hãy chắc chắn rằng bạn đánh dấu vào một câu trả lời cho mỗi câu hỏi trong tổng số 25 mục.

Nếu bạn không chắc về câu trả lời, hãy cố gắng đoán. Đừng bỏ qua bất kỳ câu hỏi nào. Cho dù kết quả như thế nào đi nữa thì đây là bước đầu tiên trong quá trình cải thiện tâm trạng của bạn.

Bảng 2-1. Bảng kiểm tra trầm cảm Burns*
 *Bản quyền © 1984 của bác sĩ David D. Burns (Bản đã chỉnh sửa, 1996)

Hướng dẫn: Đánh dấu √ để biểu thị bạn đã trải qua mỗi triệu chứng như thế nào trong suốt tuần lễ vừa qua, bao gồm cả ngày hôm nay. Vui lòng trả lời toàn bộ 25 câu.

0 - Không hề.

1 - Có chút chút.

2 - Vừa vừa.

3 - Nhiều.

4 - Rất nhiều

Suy nghĩ và cảm giác

1 Cảm thấy buồn bã.

 

 

 

 

 

2 Cảm thấy không vui.

 

 

 

 

 

3 Muốn khóc.

 

 

 

 

 

4 Cảm thấy chán nản.

 

 

 

 

 

5 Cảm thấy vô vọng.

 

 

 

 

 

6 Lòng tự trọng thấp.

 

 

 

 

 

7 Cảm thấy vô dụng hoặc kém cỏi.

 

 

 

 

 

8 Tội lỗi hoặc xấu hổ.

 

 

 

 

 

9 Tự chỉ trích hoặc trách móc bản thân

 

 

 

 

 

10 Khó đưa ra quyết định

 

 

 

 

 

Hoạt động và các mối quan hệ cá nhân

11 Mất hứng thú với gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp

 

 

 

 

 

12 Cô đơn

 

 

 

 

 

13 Dành ít thời gian hơn cho gia đình hoặc bạn bè

 

 

 

 

 

14 Mất động lực

 

 

 

 

 

15 Mất hứng thú trong công việc hoặc các hoạt động khác

 

 

 

 

 

16 Né tránh công việc hoặc các hoạt động khác

 

 

 

 

 

17 Mất niềm vui hoặc sự thỏa mãn trong cuộc sống

 

 

 

 

 

Các triệu chứng về thể chất

18 Cảm thấy mệt mỏi

 

 

 

 

 

19 Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều

 

 

 

 

 

20 Tăng hoặc giảm sự thèm ăn

 

 

 

 

 

21 Mất hứng thú với tình dục

 

 

 

 

 

22 Lo lắng về sức khỏe của bản thân

 

 

 

 

 

Thôi thúc muốn tự sát **

23 Bạn có suy nghĩ đến việc tự sát hay không?

 

 

 

 

 

24 Bạn có muốn kết thúc cuộc sống của mình không?

 

 

 

 

 

25 Bạn có kế hoạch làm hại bản thân mình không?

 

 

 

 

 

Vui lòng tổng kết điểm từ mục số 1 đến số 25 tại đây ->

 

** Người có ý muốn tự sát nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Giải thích Bảng kiểm tra trầm cảm Burns.

Bây giờ bạn đã hoàn thành bài kiểm tra, cộng điểm cho từng mục trong 25 mục và có tổng điểm. Vì số điểm cao nhất cho từng triệu chứng trong tổng cộng 25 triệu chứng là 4, số điểm cao nhất cho toàn bài sẽ là 100.

(Điểm này biểu thị mức trầm cảm nặng nhất.) Vì số điểm thấp nhất cho từng câu là 0, tổng điểm thấp nhất cho toàn bài sẽ là 0. (Điểm này cho thấy bạn hoàn toàn không có triệu chứng của trầm cảm.)

Bảng 2-2. Giải thích Bảng kiểm tra trầm cảm

 Tổng điểm

Mức độ trầm cảm *

0-5

Không trần cảm

6-10

Bình thường nhưng không vui

11-25

Trầm cảm nhẹ

26-50

Trầm cảm mức độ trung bình

51-75

Trầm cảm nặng

76-100

Trầm cảm nghiêm trọng

*Người liên tục có tổng điểm trên 10 có thể cần được điều trị bởi các chuyên gia. Người có cảm giác muốn tự sát cần tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần để được tư vấn ngay lập tức.

Bây giờ bạn có thể đánh giá chứng trầm cảm của mình theo Bảng 2-2. Như bạn có thể thấy, điểm càng cao thì mức độ trầm cảm càng nghiêm trọng. Ngược lại, điểm càng thấp thì tâm trạng của bạn càng tốt.

Mặc dù bảng BDC không khó hoặc không mất nhiều thời gian để hoàn thành và tính điểm, nhưng đừng để sự đơn giản của nó đánh lừa bạn. Bạn vừa học cách dùng một công cụ hết sức hoàn mỹ để phát hiện và đo mức độ nghiêm trọng của chứng trầm cảm.

Các nghiên cứu cho thấy bảng BDC có độ chính xác và tin cậy cao.

Những nghiên cứu trong nhiều môi trường khác nhau, chẳng hạn như trong phòng cấp cứu của bệnh viện tâm thần, đã chứng tỏ rằng các công cụ dạng này thật sự nắm bắt những triệu chứng của bệnh trầm cảm với xác suất cao hơn nhiều so với các cuộc hỏi đáp nghiêm túc được thực hiện bởi những bác sĩ lâm sàng giàu kinh nghiệm.

Bạn cũng hoàn toàn có thể dùng bảng BDC để giám sát sự tiến bộ của bản thân. Trong công việc chữa bệnh của mình, tôi nhấn mạnh rằng mỗi bệnh nhân phải tự điền vào bảng kiểm tra giữa các lần điều trị và báo cáo số điểm cho tôi vào đầu đợt điều trị kế tiếp. Sự thay đổi điểm số cho tôi biết bệnh nhân đang tiến triển tốt hay xấu, hay giậm chân tại chỗ.

Khi bạn áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau trong quyển sách này để tự giúp mình, hãy làm bài kiểm tra BDC theo định kỳ để đánh giá mức tiến triển của mình một cách khách quan. Tôi đề nghị thực hiện ít nhất một tuần một lần. Giống như bạn thường xuyên cân trọng lượng cơ thể khi đang thực hiện chế độ ăn kiêng vậy. Bạn sẽ nhận ra rằng các chương trong quyển sách này tập trung vào các triệu chứng khác nhau của bệnh trầm cảm. Khi bạn học cách đối phó với các triệu chứng này, bạn sẽ thấy rằng tổng số điểm của mình bắt đầu giảm dần. Điều này chứng tỏ bạn đang tiến bộ.

Khi điểm của bạn thấp hơn 10, bạn sẽ ở mức độ được xem là bình thường. Khi điểm dưới 5, bạn sẽ cảm thấy đặc biệt phấn chấn. Lý tưởng nhất mà nói thì tôi muốn thấy bạn đạt điểm dưới 5 trong phần lớn thời gian. Đây là một mục tiêu trong quá trình điều trị của bạn.

Có an toàn không khi những người bị trầm cảm cố gắng tự giúp bản thân bằng cách sử dụng những nguyên tắc và phương pháp đưa ra trong quyển sách này? Câu trả lời là – chắc chắn an toàn!

Đó là bởi chính quyết định quan trọng cố gắng tự giúp bản thân là chìa khóa để giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn trong thời gian nhanh nhất có thể, cho dù tình trạng rối loạn cảm xúc của bạn có nghiêm trọng đến mức nào đi nữa.

Trong trường hợp nào thì bạn nên tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia? Nếu điểm số của bạn trong khoảng từ 0 đến 5, thì bạn hẳn đang cảm thấy vui vẻ lắm rồi. Đây là mức điểm bình thường, và đa số mọi người đạt mức điểm thấp như thế này sẽ cảm thấy mãn nguyện.

Nếu điểm số của bạn ở giữa 6 và 10, thì đây vẫn là mức bình thường, nhưng bạn có thể đang ngấp nghé ngưỡng “buồn bã”. Tình huống vẫn có thể được cải thiện, bằng cách “lên dây cót” tinh thần, nếu bạn muốn. Các kỹ thuật trị liệu nhận thức trong sách hết sức hữu ích cho các trường hợp này. Tất cả chúng ta đều bị các vấn đề của cuộc sống thường nhật đeo bám, và sự thay đổi về quan điểm có thể tạo ra sự khác biệt lớn về cảm xúc.

Nếu điểm của bạn trong khoảng 11 đến 25, thì chứng trầm cảm của bạn ở mức nhẹ và chưa đến mức báo động, ít nhất là tại thời điểm này. Chắc chắn bạn sẽ muốn giải quyết vấn đề này và bạn có thể tự đạt được sự tiến bộ đáng kể. Các nỗ lực tự giúp mình một cách có hệ thống được đưa ra trong sách, cùng với việc thường xuyên trò chuyện thẳng thắn với những người bạn đáng tin cậy, có thể rất hữu ích. Nhưng nếu điểm số của bạn giữ nguyên ở mức này trong nhiều tuần, thì bạn nên cân nhắc đến việc tiếp nhận sự điều trị chuyên nghiệp. Sự hỗ trợ của nhà trị liệu hoặc phương thuốc chống suy nhược có thể giúp tăng đáng kể tốc độ hồi phục của bạn.

Một vài trường hợp trầm cảm gai góc nhất mà tôi từng điều trị lại là những người có mức điểm số thuộc giai đoạn nhẹ. Thường thì những người này đã bị trầm cảm nhẹ trong nhiều năm, đôi khi là gần hết quãng thời gian sống của họ. Hiện nay, chứng trầm cảm nhẹ lặp đi lặp lại được gọi là “trầm cảm mãn tính”. Mặc dù đây có vẻ là một thuật ngữ to tát, nhưng ý nghĩa của nó rất đơn giản. Nó có nghĩa là, “con người này gần như lúc nào cũng u sầu và tiêu cực”.

Hẳn là bạn có biết một ai đó giống như vậy, và chính bản thân bạn có thể bị dính lời nguyền của chủ nghĩa bi quan. May thay, những phương pháp đã được chứng tỏ là hữu ích đối với các chứng trầm cảm nặng trong sách cũng rất có ích đối với các chứng trầm cảm nhẹ mãn tính.

Nếu điểm số của bạn trong khoảng 26 đến 50, thì tức là bạn đang bị trầm cảm mức độ trung bình. Nhưng đừng bị lừa bởi chữ “trung bình”. Mức điểm trong khoảng này có thể biểu thị cảm giác giày vò mãnh liệt. Đa số chúng ta cảm thấy chán nản trong những khoảng thời gian ngắn, nhưng thường thì ta sẽ vượt qua được. Nếu điểm số của bạn duy trì ở mức này lâu hơn hai tuần, thì chắc chắn bạn nên tìm kiếm sự điều trị từ các chuyên gia.

Nếu điểm số của bạn trên 50, nó cho thấy chứng trầm cảm của bạn ở mức nghiêm trọng hoặc hết sức nghiêm trọng. Mức độ giày vò này gần như không thể chịu đựng được, đặc biệt là khi điểm số của bạn vượt ngưỡng 75. Tâm trạng của bạn có khuynh hướng khó chịu dữ dội và khá nguy hiểm bởi cảm giác tuyệt vọng có thể kích thích ý muốn tự sát.

May thay, tiên lượng điều trị thành công là rất cao. Trên thực tế, đôi khi các chứng trầm cảm nặng nhất lại có kết quả nhanh nhất. Nhưng việc cố gắng tự điều trị chứng trầm cảm nặng không phải là lựa chọn sáng suốt. Sự tư vấn của các chuyên gia là hết sức cần thiết. Hãy tìm kiếm một chuyên gia giỏi và đáng tin cậy.

Dù cho bạn tiếp nhận liệu pháp tâm lý hay các phương thuốc chống suy nhược, tôi tin rằng bạn vẫn nhận được lợi ích to lớn khi áp dụng những gì tôi hướng dẫn. Các nghiên cứu của tôi cho thấy tinh thần tự nỗ lực giúp gia tăng tốc độ hồi phục rất nhiều, ngay cả khi người bệnh tiếp nhận sự điều trị chuyên khoa.

Bên cạnh việc đánh giá tổng điểm của bạn theo bảng BDC, hãy chắc chắn rằng bạn hết sức chú ý đến mục 23, 24 và 25. Các mục này đưa ra câu hỏi về cảm giác, thôi thúc và kế hoạch tự sát.

Nếu bạn ghi điểm trong bất kỳ mục nào trong số đó, thì tôi nghiêm túc đề nghị bạn hãy lập tức tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia.

Nhiều người mắc chứng trầm cảm ghi điểm ở mục 23, nhưng không có điểm nào ở mục 24 và 25. Thường thì điều này có nghĩa là họ có suy nghĩ đến việc tự sát, kiểu như “Tốt nhất là mình nên chết đi cho rồi,” nhưng không có ý định hay thôi thúc và kế hoạch tự sát nào. Suy nghĩ này khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu bạn ghi điểm ở mục 24 hay 25, thì đây là hồi chuông cảnh báo. Hãy đi điều trị ngay lập tức!

Tôi có cung cấp các phương pháp hiệu quả trong việc đánh giá và xoay chuyển ý muốn tự sát trong chương sau, nhưng bạn phải nhờ chuyên gia tư vấn khi ý nghĩ tự sát bắt đầu trở thành một thôi thúc hay một phương án lựa chọn cần thiết. Niềm tin rằng bạn thật vô vọng chính là lý do để bạn phải đi điều trị, chứ không phải ý nghĩ tự sát. Phần lớn những người trầm cảm nặng tin tưởng triệt để rằng trường hợp của họ là vô phương cứu chữa. Ảo tưởng tiêu cực này hoàn toàn là một triệu chứng của bệnh trầm cảm, chứ không phải là sự thật. Cảm thấy tuyệt vọng là một bằng chứng rõ ràng rằng thật ra bạn không phải như vậy!

Xem xét mục 22 cũng rất quan trọng. Mục này hỏi về việc gần đây bạn có thường lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình hay không. Bạn có bị những cơn đau, sốt, sụt cân một cách không lý giải được, hay những triệu chứng bệnh lý khác hay không? Nếu có, bạn nên tìm đến sự tư vấn y khoa, bao gồm tiền sử bệnh án, xét nghiệm y khoa tổng quát và các kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Nhiều khả năng bác sĩ sẽ cho bạn biết là sức khỏe của bạn hoàn toàn ổn. Như vậy có nghĩa là các triệu chứng gây khó chịu về thể chất có liên quan đến trạng thái cảm xúc của bạn. Trầm cảm có thể mô phỏng một loạt các chứng rối loạn y khoa, bởi sự thay đổi tâm trạng thường tạo ra nhiều triệu chứng khó đoán về thể chất.

Để liệt kê vài ví dụ điển hình thì các triệu chứng bao gồm táo bón, tiêu chảy, các cơn đau, mất ngủ hay khuynh hướng ngủ quá nhiều, cảm giác mỏi mệt, mất hứng thú tình dục, đau đầu nhẹ, run và tê liệt. Khi chứng trầm cảm được cải thiện, các triệu chứng này cũng sẽ mất đi. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng ở giai đoạn đầu, nhiều căn bệnh có thể ngụy trang thành chứng trầm cảm, và một đợt xét nghiệm y khoa có thể giúp chẩn đoán sớm (và cứu bạn khỏi) chứng rối loạn trong các bộ phận cơ thể.

Có nhiều triệu chứng biểu thị – nhưng không chứng tỏ – sự tồn tại của một chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, và nó đòi hỏi sự tư vấn và điều trị từ chuyên gia sức khỏe tâm thần, bên cạnh chương trình tự phát triển bản thân trong quyển sách này.

Một vài triệu chứng chính bao gồm: tin rằng mọi người đang âm mưu hãm hại hoặc giết chết bạn; một trải nghiệm kỳ lạ mà người bình thường không thể hiểu được; tin rằng có một thế lực bên ngoài đang khống chế tâm trí hay cơ thể bạn; cảm thấy người khác có thể nghe hoặc nhìn thấu suy nghĩ của bạn; nghe thấy âm thanh từ bên ngoài; nhìn thấy những thứ không có thật; và tự nghe thấy những thông điệp nói về mình khi đang xem ti-vi hay nghe radio.

Các triệu chứng này không phải là một phần của bệnh trầm cảm, mà là biểu hiện của các chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Các biện pháp điều trị tâm thần là cần thiết. Thường thì những người có các triệu chứng này tin rằng họ không có gì bất thường cả, và có thể tiếp nhận lời đề nghị trị liệu tâm thần bằng sự dè dặt và chống đối đầy hoài nghi. Ngược lại, nếu bạn đang đeo mang nỗi sợ hãi sâu sắc rằng mình sẽ phát điên và trải qua những cơn hoảng loạn mà trong đó bạn đang mất kiểm soát hoặc rơi vào ngõ cụt, thì nhiều khả năng là bạn không bị rối loạn tâm thần đâu.

Đó chỉ là các triệu chứng đặc trưng của sự âu lo thông thường, một dạng rối loạn ít nghiêm trọng hơn nhiều.

Hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt mà có lẽ đã trở nên quen thuộc với bạn. Hưng cảm hoàn toàn tương phản với trầm cảm và đòi hỏi sự can thiệp nhanh chóng của bác sĩ tâm thần, người có thể kê đơn lithium. Lithium giúp ổn định những biến động mạnh của cảm xúc và cho phép bệnh nhân có được đời sống bình thường. Tuy nhiên, cho đến khi bắt đầu được trị liệu, chứng bệnh này có thể gây tổn hại về mặt cảm xúc. Triệu chứng của nó bao gồm cảm giác phấn chấn hoặc khó chịu bất thường kéo dài ít nhất là hai ngày, và nguyên nhân không phải vì thuốc hay đồ uống có cồn. Hành vi của bệnh nhân bị hưng cảm được miêu tả bằng những hành động bốc đồng phản ánh việc thiếu suy xét (ví dụ như vô trách nhiệm, tiêu xài quá mức) cùng thái độ tự tin thái quá. Chứng hưng cảm đi kèm với sự gia tăng hoạt động tình dục hoặc hung hãn; hiếu động thái quá, cơ thể vận động liên tục; các suy nghĩ chớp nhoáng; nói chuyện một cách hưng phấn và liên tục; và giảm nhu cầu ngủ.

Những người bị hưng cảm có ảo tưởng rằng họ đặc biệt mạnh mẽ và thông minh, và thường khẳng định mình sắp tạo ra một đột phá về triết học hoặc khoa học, hoặc một kế hoạch kiếm bộn tiền. Nhiều cá nhân nổi tiếng về khả năng sáng tạo đã mắc phải chứng bệnh này và xoay xở để khống chế nó bằng lithium. Bởi vì chứng bệnh này mang đến cảm giác quá hưng phấn, những cá nhân bị nó tấn công lần đầu thường không tin là mình cần được điều trị. Các triệu chứng ban đầu làm nạn nhân thấy phấn chấn đến nỗi không chấp nhận ý nghĩ rằng sự tự tin đột ngột và tinh thần hưng phấn của họ thực chất lại là biểu hiện của một căn bệnh gây hại.

Sau một thời gian, trạng thái phấn khích có thể leo thang thành cơn mê sảng mất kiểm soát khiến nạn nhân phải nhập viện, hoặc nó có thể đột ngột biến đổi thành một cơn trầm cảm bất lực khiến nạn nhân trở nên bất động và lãnh cảm. Tôi muốn bạn làm quen với các triệu chứng của hưng cảm bởi vì rất nhiều người trải qua giai đoạn trầm cảm nặng sẽ có những triệu chứng này vào một lúc nào đó. Khi điều này xảy ra, tính cách của người bệnh sẽ có sự chuyển biến lớn sau vài ngày hoặc vài tuần. Mặc dù liệu pháp tâm lý và các chương trình tự nỗ lực cứu giúp bản thân vô cùng hữu ích, nhưng đồng thời người bệnh vẫn cần được điều trị bằng lithium dưới sự giám sát y khoa để có được kết quả tốt. Với phương pháp điều trị như vậy, tiên lượng bệnh cho chứng hưng cảm là rất khả quan.

Cứ cho rằng bạn không có thôi thúc muốn tự sát, chứng ảo giác hoặc triệu chứng của hưng cảm. Thay vì nhăn nhó và cảm thấy bất hạnh, bây giờ bạn có thể hành động để cảm thấy vui vẻ hơn, bằng cách áp dụng các phương pháp được đưa ra trong quyển sách này. Bạn có thể bắt đầu tận hưởng cuộc sống và công việc, và sử dụng nguồn năng lượng được dùng để nuôi chứng trầm cảm trước đây cho một cuộc sống sáng tạo và năng động.