Hậu đi những bước khó nhọc, đôi chân run rẩy lúc nào cũng muốn quỵ xuống. Tuy thế, Hậu vẫn tự nhủ vẫn phải giữ vững tinh thần để hy sinh cho đảng trong những ngày dài sắp tới, trước mắt là thời gian nằm tạm ở ngục Hỏa Lò, chờ ra trước hội đồng Đề Hình lãnh án.
Cái tên Hỏa Lò thật ra đã ám ảnh Hậu từ khi từ giả Hải Ninh. Bao nhiêu đồng chí đi trước đã đếm tháng ngày nhọc nhằn trong đó. Mới đây, vụ án Quốc Dân đảng hồi đầu tháng 7, càng làm cho cái tên Hỏa Lò được nhắc đi nhắc lại nhiều hơn trên báo chí cũng như truyền miệng trong giới những người quan tâm đến thời cuộc.
Từ cổng chính nằm trên đường Rue de la Prison, tức phố Hỏa Lò, cai tù dẫn Hậu băng qua 3 lớp cổng sắt, rẽ trái để tới khu dành cho nữ can phạm. Đó là một dãy nhà tương đối nhỏ so với khu đàn ông và tầng lầu phía trên nữ tù là phòng giam dành riêng cho tội nhân ngừơi Pháp.
Trời cuối năm bắt đầu thấy gió heo may, sức nóng đã giảm dần mặc dầu buồng giam chật chội. Nhiều người vẫn lầm tưởng là nhà giam này nóng bức lắm nên mới có cái biệt danh là Hỏa Lò. Thật ra thì danh xưng Hỏa Lò không xuất phát từ nhiệt độ thời tiết, mà vì nhà tù được xây dựng trên mảnh đất cũ của làng Phụ Khánh, một làng chuyên sống bằng nghề nặn hỏa lò, tức là làm những cái bếp bằng đất nun đốt, đốt bằng than đá để sắc thuốc Bắc hay đun nước pha trà. Chung quanh nhà tù Hỏa Lò có xây bức tường cao hơn 5 thước, toàn bằng đá xanh, trong phạm vi ngăn bởi hai con phố lớn là Boulevard Rollandes (sau này đổi thành Hai Bà Trưng) và Boulevard Carreau (Lý Thường Kiệt), nằm ở phía đông thành Hà Nội. Ai đi ngang qua khu vực này, nhìn bức tường đá xanh quanh năm lạnh lùng, lại thêm tiếng gào thét rên xiết của tù nhân bên trong vọng ra, đều không khỏi cảm thấy rờn rợn kinh sợ. Chính vì vậy, đi tù Hỏa Lò, đôi khi cũng được gọi là “tống vào Nhà Đá”!
Ngục thất Hỏa Lò (Maison Centrale) cũng như Tòa Án Hà Nội ( Palais de Justice) được Thực Dân Pháp xây dựng năm 1906 cùng với Sở Liêm Phóng Đông Dương (Sureté Générale) cách đó không xa, là ba cơ quan nòng cốt để phục vụ nhu cầu đàn áp người bản xứ, nhằm duy trì chế độ thực dân lâu dài trên đất An Nam.
Lúc Hậu đặt chân vào khu nữ tù Hỏa Lò thì tội nhân bị nhốt trong đó phần đông đều là thường phạm. Những khuôn mặt dữ dằn chuyên trộm cắp, đánh nhau, đĩ điếm, buôn lậu v.v nói chung là tù hình sự đã thành án hoặc đang chờ phiên xử. Duy nhất chỉ có một chính trị phạm, cũng là người tù nổi tiếng nhất của nhà giam phụ nữ, là chị NguyễnThị Thuyết, đảng viên Quốc Dân Đảng, bị bắt trong cuộc bố ráp mới đây tại Hà Nội. Chị được dân chúng Hà thành dành sự chú ý đặc biệt vì chị là đảng viên phụ nữ đầu tiên của Quốc Dân Đảng bị mật thám bắt mà lại bắt vì tội mang đến ba khẩu súng và hơn một trăm viên đạn trong người! Tin ấy lúc vừa loan ra, đã làm nhiều người giật mình khiếp vía và hết lòng ngưỡng phục chị. Với tội trạng ấy, chị biết trước mình sẽ bị đánh đập tra khảo đến cỡ nào!
Lùi lại tháng 4 năm 1929, sau khi đảng bị thất thoát quá nhiều nhân sự, Nguyễn Thái Học triệu tập hội nghị toàn quốc tại Bắc Ninh – gọi là hội nghị Lạc Đạo, vì diễn ra ở gần nhà ga Lạc Đạo – chỉ thị phải huy động lực lược phụ nữ làm công tác liên lạc để tránh sự chú ý của mật thám. Cô Giang, cô Bắc, cô Tình, cô Tâm, cô Chính và hàng loạt phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả các em học sinh, đều lũ lượt lao vào các công việc khẩn cấp của Đảng. Hội nghị này cũng là dịp để tổng bộ bổ sung thêm nhân sự vì hàng loạt đảng viên nòng cốt của Đảng bị bắt từ sau Tết Nguyên Đán. Ký Con Đặng Trần Nghiệp, Xuân Tùng, Nguyễn Văn Chấn và thầy giáo Vũ Văn Giản tức Vũ Hồng Khanh trở thành ủy viên trung ương tại hội nghị này.
Sau đó một tháng, tức tháng 5/1929, tình hình càng bi đát trước màng lưới khủng bố tòan diện của Sở Liêm Phóng. Nguyễn Thái Học lại triệu tập hội nghị bất thường lần thứ 2 tại Bắc Ninh – gọi là hội nghị Đức Hiệp vì diễn ra ở làng Đức Hiệp – để công bố một quyết định quan trọng là thành lập Tổng Bộ Chiến Tranh, chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Muốn tổng khởi nghĩa thì công tác phải thực hịên cấp thiết là chuyển vận vũ khí, song song với việc tuyên truyền vận động quần chúng cũng như các đơn vị binh lính ở các đồn trại do Pháp chỉ huy. Chị Nguyễn Thị Thuyết là một trong những đảng viên lãnh công việc tiếp tế vũ khí cho Tổng Bộ để Tổng Bộ phân phối đi các nơi.
Chị vốn gốc người huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định, đã lập gia đình, đời sống vật chất khá giả. Nhưng vì nặng lòng yêu nước, chị bí mật tham gia Quốc Dân Đảng từ đầu năm 1928. Có nghĩa là chị chỉ mới hoạt động cho đảng được hơn một năm thì bị bắt, mà oái oăm thay, chị bị bắt không phải vì bất cẩn hoặc vì công việc bị lộ dọc đường.Chị bị bắt ngay tại cơ quan được coi là an toàn của Đảng tại Hà Nội.
Nhìn một cách riêng lẻ, thì việc chị Thuyết bị bắt có thể gọi là xui xẻo. Nhưng nếu quan sát một cách toàn diện thì chuyện đó sớm muộn gì cũng phải xẩy ra, giống như bàn cờ domino, một quân đổ thì sẽ kéo theo hàng loạt quân bài khác ngã theo. Nếu 1928 là năm phát triển rực rỡ của Quốc Dân Đảng, thì bước sang 1929 chính là thời kỳ bi thảm của tổ chức này.
Lùi trở lại hồi đầu năm, để trả đũa cho cái chết của tên mộ phu đắc lực René Bazin, mật thám Pháp và tay sai đã giăng mẻ lưới qui mô, bắt giữ hơn 200 yếu nhân của Quốc Dân đảng và đóng cửa cơ quan kinh tài công khai là khách sạn Việt Nam ở phố Hàng Bông Đệm. Lúc ấy, sau một năm thành hình VNQDĐ đã bố trí được nhiều cơ sở bí mật dùng làm tụ điểm gặp gở để sinh hoạt, nằm rải rác khắp Hà thành. Nhiều nhất là ở khu Khâm Thiên, Nam Đồng và phố Hàng Giấy. Một trong những cơ quan đầu não là căn nhà số 9 Ngô Thanh Giám, nơi Nguyễn Thái Học cùng các ủy viên trung ương thường hay lui tới để bàn định kế hoạch sau khi khách sạn Việt Nam bị giải tán. Địa chỉ này được coi là trọng yếu và an toàn, mật thám chưa hề biết đến trong vụ càn quét toàn diện hồi tháng 2.
Nhưng điều bất hạnh không ngờ cho Quốc Dân Đảng là đảng trưởng Nguyễn Thái HỌc tinh dùng một đảng viên tuổi mới 20, tên là Nguyễn Văn Kinh, giao cho nhiệm vụ liên lạc viên, cho gã gần gũi và biết quá nhiều tin tức về sự đi lại của đảng trưởng cũng như các ủy viên trung ương. Hàng loat yếu nhân đã vào tù từ đầu năm, giờ đây chung quanh Nguyễn Thái Học chỉ còn lại Nguyễn Khắc Nhu cùng một số các đồng chí khác hết sức quan trọng cho sự sống còn của Đảng. Ấy thế mà lại bị kẻ phản bội tay trong bán đứng! Kẻ phản bội ấy chính là Nguyễn Văn Kinh.
Kinh vốn là người phủ Lạng Thương, một trong những cái nôi cách mạng đã sinh sản ra Nguyễn Khắc Nhu và 3 chị em cô Bắc, cô Giang, cô Tình. Tuổi trẻ hăng say và nhanh nhẹn. Kinh gia nhập Quốc Dân Đảng, giữ nhiệm vụ thông tin cho tổng bộ.
Đầu tháng 6, Kinh bị mật thám bắt khi đang công tác tại Hà Nội. Đích thân thanh tra Brides thẩm vấn và tra khảo vì hắn biết Kinh thường có dịp kề cận đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Brides áp dụng đòn phép cũ: Đánh đập trước rồi hứa hẹn sau. Kinh trẻ người non dạ, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần ái quốc, nên yếu lòng nhận lời bán đứng tổng bộ Quốc Dân Đảng cho địch.
Kinh khai ra một số địa chỉ mà Nguyễn Thái Học thường xuyên lui tới, từ Thái Nguyên, Bắc Ninh cho đến Hà Nội. Mật thám trả tự do cho Kinh rồi lập tức mở cuộc lục soát tất cả những địa điểm Kinh mật báo, chẳng hạn như nhà Phó Lý Quang, nhà Quản Khê, nhà cụ Nguyễn Tiến Nguyên ở Bắc Ninh, nhà chị Lê Thị Thăng ở Gia Lam, toàn những nơi Nguyễn Thái Học hay dừng chân làm việc. Nhờ may mắn và nhờ sự canh gát của các đồng chí, Nguyển Thái Học mấy lần thoát hiểm trong gang tấc. Ấy vậy mà tổng bộ vẫn chưa nghi ngờ Nguyễn Văn Kinh, vẫn cho đi bên cạnh đảng trưởng.
Thấy có thể tiếp tục khai thác được, giữa tháng 8, mật thám lại lôi cổ Kinh vào nhà giam, đánh cho một trận nhừ tử. Chịu đòn không nổi, Kinh lại báo cho thực dân biết một địa chỉ rất quan trọng của đảng. Đó là căn nhà số 9 Ngõ Thanh Giám Hà Nội, nơi Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Thị Giang và nhiều khuôn mặt lớn của Quốc Dân Đảng thường dùng làm chỗ hội họp và tiếp nhận vũ khí. Được bản tin quí giá ấy, mật thám huy động lực lượng đến bao vây ngay. Rất may là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thị Giang lại vừa lên đường đi công tác ở vùng biên giới Ai Lao, nên lại thoát nạn một lần nữa. Tuy nhiên, các đồng chí còn lại đều bị bắt hết, trong đó có Nguyễn Văn Viên, người chủ mưu và tham dự cuộc ám sát tên mộ phu René Bazin hơn nữa năm về trước, gây ra bao nhiêu điêu đứng cho đảng từ đó đến nay. Mật thám cũng tịch thu mất 650 đồng tiền cũ của Quốc Dân đảng tại cơ quan này.
Cơ quan Thanh Giám bị lộ rồi, mật thám gài người bố trí chặc chẽ chung quanh, hy vọng bắt thêm nhiều nhân vật vẫn hay lui tới chốn này. Chị Thuyết ở xa, không biết cơ quan của đãng nằm trong tay địch. Chiều hôm ấy, chị xách cái giỏ đựng súng đạn, thản nhiên mang đến cho cơ quan. Công việc này chị tự nguyện đảm nhận đã 3 tháng nay, từ sau hội nghị tòan quốc hồi tháng 5 ở Bắc Ninh khi Nguyễn Thái Học công bố quyết định thành lập bộ chiến tranh để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Vốn là người lịch duyệt trên đường thương mại, lại là vợ của một ông chánh tổng, chị Thuyết thường hay phiêu bạt nay đây mai đó, buôn thuốc phiện lậu để lấy tiền mua súng đạn cho đảng. Thời gian khẩn cấp, chị đôn đáo làm nhiệm vụ, ít khi chị ghé về nhà, nghỉ ngơi bên cạnh chồng con được vài ngày.
Hôm nay không may, chị mang vũ khí đến cơ quan mà không bịết cơ quan đang bị phục kích. Chị vừa bước vào thì chúng lao ra tóm ngay. Trong giỏ của chị lúc ấy có 3 khẩu súng, mấy băng đạn và hơn một trăm đồng. Chị là nữ đảng viên đầu tiên của Quốc Dân Đảng bị sa lưới mật thám Pháp và lãnh án 5 năm tù về tội “tiếp tế vũ khí cho loạn đảng”.
Nằm trong Hỏa Lò, chị ôm mối hận ngút trời khi biết đảng bị kẻ nội tuyến phản bội. Cơ quan bị tiết lộ, hàng loạt đồng chí bị bắt, kế hoạch lớn phải ngưng trệ, lại thêm tin Nguyễn Văn Viên đã xé áo kết thành giây, thắt cổ tự tử trong tù, chị nghiếng răng tự hẹn lòng mình khi mãn hạn tù, đích thân chị sẽ thanh toán thằng “ranh con Nguyễn Văn Kinh”.
Nhưng chị Thuyết không phải ra tay. Các đồng chí ở ngoài đã nhanh chóng nhận ra kẻ nội thù. Điều ấy không khó, bởi hễ mỗi lần Kinh bị bắt thì ngay sau đó cơ quan của Tổng Bộ hoặc tư gia của đảng viên bị lục xét. Mật thám Pháp hình như cũng không còn khai thác Nguyễn Văn Kinh gì được nữa, bởi mọi điều Kinh biết, Kinh đã tiết lộ hết rồi! Nhốt Kinh tốn cơm vô ích, chúng liền thả cho Kinh về lần thứ hai. Kinh vẫn thản nhiên tìm gặp các đồng chí vì tin rằng chưa ai biết mình phạm kỷ luật đảng. Tổng bộ họp bí mật, tuyên án tử hình Nguyễn Văn Kinh và giao cho Ký con Đặng Trần Nghiệp thi hành. Ngày 06 tháng 10, Ký Con nhắn người thân rủ Kinh đi xem hát ở Phố Khâm Thiên. Kinh mừng lắm, vì gã vốn quí Ký Con. Hai người hẹn gặp nhau buổi chiều lúc nhá nhem tối trước chuồng voi trong sở thú. Kinh hân hoan đạp xe đến, ngồi chờ trên ghế đá. Một lúc sau, Ký Con cũng từ con Đường Thành Digue Parreau đạp xe tới. Đường Thành cùng với Đường Cổ Ngư là hai con đường nổi tiếng chuyên dành cho xe kéo đưa khách thượng lưu đi hóng mát hoặc ô tô của dân Tây chạy qua chạy lại để khoe khoang vẻ đài các của mình.
Thấy Kinh ngồi chờ sẳn, Ký Con dựng xe ở gốc cây rồi rút súng lục bắn vào đầu Kinh hai phát. Kinh gục xuống chết tại chỗ. Ký Con thản nhiên gắn bản án vào ngực Kinh rồi mới lên xe đạp về!
Kinh chết rồi, mật thám biết ngay là gã bị Quốc Dân Đảng trừng trị. Chúng nghe gà hóa cuốc nên bắt ngay Nguyễn Đức Lung chỉ vì Lung có biệt danh là Ký Cao mà chúng lầm tưởng là Ký Con!
Xử tử Kinh xong, tổng bộ tìm cách báo cho chị Thuyết biết. Bấy giờ chị mới nguôi đi mối hận trong lòng.
Chung đụng với tù nhân, chị Thuyết là một người có phong độ kẻ cả, thẳng thắn và can đảm. Lại hay giúp đở bạn tù nên ai cũng nể. Càng nể hơn khi họ biết chị là chính trị phạm, tham gia cách mạng chống Pháp. Vì chị ở tuổi trung niên, lại là vợ Chánh Tổng, nên ai cũng gọi là bà “Chánh Toại”. Thậm chí những cô gái ít tuổi hơn đều kêu chị bằng “mẹ” và mọi bất hòa trong nhà giam đều giao cho chị đứng ra phân xử hoặc giảng hòa. Chị Thuyết cũng lợi dụng sự thân thiện của mình với bạn tù để giảng cho họ nghe về nỗi nhục mất nước của người Việt Nam và kêu gọi mọi người hễ có cơ hội thì tham gia công cuộc đấu tranh giành độc lập.
Hôm ấy, cai tù đẩy Hậu vào, vài người xông ra hỏi ngay:
- Bị bắt vì tội gì đấy?
Toàn thân Hậu còn đang tê buốt, lại muốn để cho bọn tay sai thực dân nghe thấy, nên Hậu khinh khỉnh đáp:
- Chả có tội gì cả!
Ma cũ thường bắt nạt ma mới, nhất là trong nhà tù. Đám thường phạm chung quanh đều ngứa mắt vì thái độ của Hậu, có đứa toan nhảy vào tát cho Hậu mấy cái để thị oai, nhưng chị Thuyết kịp thời ngăn lại ngay. Nhìn Hậu ủ rũ như đứa ốm đói, với những vết thương còn hiện rõ trên thân thể, chị biết ngay Hậu không phải là tù hình sự. Kinh nghiệm bản thân cho chị biết, tù thường phạm không bị tra tấn đánh đập như thế này. Bất quá khi bị bắt, đội xếp hoặc cai tù chỉ tát cho mấy tát rồi bỏ mặc trong nhà giam. Chỉ có tội phạm chính trị mới phải kinh qua những nhục hình ác độc của mật thám Pháp. Vì vậy, chị tiến lại hỏi Hậu:
- Tôi đóan không lầm thì cô tham gia chống chính quyền Bảo Hộ?
Hậu giật mình ngước nhìn chị bằng ánh mắt dịu dàng nhưng không đáp. Nguyên tắc bí mật Hậu luôn tôn trọng. Nhưng nghĩ thêm một chút thì Hậu chợt nhớ ra mình in truyền đơn chống Pháp bị bắt quả tang, lại thêm cả nắm cờ búa liềm của Liên Xô thì còn giấu làm gì nữa. Giấu là khi tông tích chưa bại lộ để ra tòa còn có thể chối cãi. Chứ trường hợp của Hậu và Kiệt thì đã rõ như ban ngày, che đậy làm sao đuợc! Hậu toan lên tiếng thì chị Thuyết tiếp:
- Quốc Dân Đảng hay Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội?
Hậu càng sửng sốt hơn và chỉ trong khoảnh khắc thấy lòng mình ấm lại vì ít ra trong chốn lao tù cũng có người hiểu mình. Hậu mơ hồ đoán chị Thuyết cũng là người cùng đoàn thể nên hân hoan đáp:
- Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội giải tán rồi còn đâu! Bây giờ là Đông Dương Cộng Sản Đảng.
Chị Thuyết gật đầu nói:
- Tôi biết! Tôi là đảng viên Quốc Dân Đảng, mới bị bắt dạo tháng 8.
Hậu ngắt lời:
- Như vậy chị đây chắc là chị Chánh Toại?
Chị Thuyết mĩm cười hỏi lại:
- Sao cô biết?
Nhớ lời kể của Lê Tiến, Hậu đáp:
- Dạo chị bị bắt, em có nghe người ta nhắc đến nhiều. Cả báo cũng đăng nữa. Chị tiếp tế vũ khí cho Quốc Dân Đảng! Em phục chị lắm! Chả phải riêng em, ai nghe tin cũng phục chị!
Chị Thuyết hãnh diện gật đầu, Hậu nói nhỏ:
- Bị bắt quả tang đang tiếp tế súng đạn! Em thì bị bắt quả tang đang in cả đống truyền đơn, thành ra chị em mình hết đàng chối!
Từ đó, một Quốc, một Cộng, chị em kết thân với nhau bằng một sợi giây căn bản là chung cùng lý tưởng chống Pháp. Cách mạng quốc gia hay quốc tế, cách mạng tư sản hay cách mạng vô sản, tất cả những lý thuyết ấy giờ đây đều không đáng nghĩ đến mà chỉ tập trung một hướng duy nhất là đuổi thực dân, giành độc lập. Chị Thuyết săn sóc vết thương và xoa dầu chửa bệnh cho Hậu rất tận tình, mặc dầu chính chị vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Chị an ủi Hậu:
- Cô biết không? Tôi bị hỏi cung một tháng bên sở Liêm Phóng. Chúng nó tra tấn đủ trò. Chắc cô cũng đã nếm mùi, tôi chả phải kể.Thằng Tây lai nó bảo tôi “Mày đã biết cái đòn lộn mề gà của tao chưa?”.
Hậu trả lời:
- Nó treo ngược chị lên chứ gì?
- Thì thế! Rồi cứ roi nó quất túi búi vào bụng vào lưng mình! Tôi tưởng tôi bị bán thân bất toại rồi. May mà giời thương! Chỉ còn cánh tay trái chưa cử động lại được như cũ!
Rồi chị khuyên Hậu nên vận động, đi tới đi lui, moi việc ra mà làm, đừng ngồi một chỗ để tránh bị phù thủng. Chị Thuyết và những bạn tù lâu năm, có thân nhân thăm viếng hàng tháng, đồng tình nhường bớt miếng ăn manh áo cho Hậu, khiến cô hết sức cảm động. Cô lại càng mừng hơn khi biết chị Thuyết cung cấp vũ khí cho Quốc Dân Đảng, bị bắt quả tang mà bị tù có 5 năm. Như thế thì cái tội in truyền đơn của cô chắc không đến nỗi bắt cô chết gục trong tù. Thằng Tây dù sao cũng nới tay với phụ nữ.
Bạn tù ở chung phòng không phải ai cũng có thiện cảm với Hậu. Họ cảm phục chị Thuyết vì ở cương vị vợ của một ông chánh tổng hét ra lửa, được hưởng nhiều đặc lợi của Tây mà vẫn cầm súng chống Tây bất chấp nguy hiểm. Họ cũng nể nang Hậu vì dám đi làm cách mạng, nhưng khi biết Hậu là cộng sản thì nhiều người tỏ ra e dè bởi hai tiếng cộng sản lúc ấy còn chứa đựng một cái gì rất mờ ám, đồng nghĩa với sắt thép, không có tình cảm gia đình và con người. Thời ấy chưa có đấu tố, chưa có cải cách ruộng đất vì cộng sản chưa nắm được chánh quyền. Nhưng chỉ cần nghe đồn cộng sản chủ trương vô gia đình và vô tôn giáo là họ đã thấy rùng rợn rồi. Hậu và các đồng chí của Hậu thời ấy cũng biết thái độ của đại đa số quần chúng đối với cộng sản như thế nào và Hậu rất bực mình vì họ không nhìn ra cái hay cái đẹp của cộng sản trong mục tiêu chống Pháp. Bao nhiêu thế hệ đã hy sinh cho cái lý tưởng cao cả ấy!
Nhưng họ chết đi là may! Bởi nếu sống đến ngày cộng sản chiến thắng, họ sẽ phải não nề chứng kiến cuộc cách mạng của họ hoàn toàn bị phản bội!
Cùng bị giam chung với Hậu, cũng có vài tù nhân theo đạo Thiên Chúa. Nhóm người này thì lại càng xa lánh Hậu một cách triệt để hơn bởi vì trong cách nhìn của họ, cộng sản đồng nghĩa với ma quỉ, chủ trương vô thần, không tin có Thượng Đế. Thậm chí họ không muốn đến gần Hậu, không dám ngồi ăn chung bàn với Hậu vì sợ gần gũi như thế thì có tội với Chúa. Bản thân họ là những tội phạm hình sự. Vậy mà họ vẫn cảm thấy họ phạm tội gì đi chăng nữa thì cũng vẫn dễ được Chúa tha thứ hơn là kết thân với Cộng sản vô thần!
Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam, sau bao nhiêu bách hại của các vua triều Nguyễn, tính đến nay, 1929, vẫn có đến một triệu hai trăm ngàn tín đồ. Do ảnh hưởng, hay đúng hơn là mệnh lệnh của Đức Giáo Hoàng Pio Xl, người công giáo mặc nhiên phải coi cộng sản là kẻ thù. Một người không thể vừa là giáo dân vừa là cộng sản, bởi hai thứ ấy bất khả dung hợp.
Riêng chị Thuyết không cần nghĩ xa. Chị biết Hậu mang lý tưởng đuổi ngoại xâm là chị cảm thấy gần gũi ngay. Huống chi Tổng Bộ Quốc Dân Đảng và nhất là đảng trưởng Nguyễn Thái Học cũng chỉ nhắm một kẻ thù duy nhất là Tây, chứ chưa hề dạy chị phải căm thù các đảng phái khác, trong đó có cộng sản.
Tháng ngày gần gũi, chị em kể cho nhau nghe những kinh nghiệm hoạt động, vừa gian nan vừa sôi nổi. Nhưng dĩ nhiên chỉ kể những gì công khai hóa, nghĩa là những chi tiết mà mọi người đã biết, đồng thời cẩn trọng tránh nhắc đến bất cứ bí mật nào của đảng mình, Hậu có lúc cười buồn bảo:
- Chị còn làm được nhiều việc lớn, chẳng hạn như tiếp tế vũ khí đạn dược. Còn em chỉ nấu cơm gánh nước, chưa làm đuợc việc gì thì bị bắt!
Chị Thuyết an ủi:
- Cô còn trẻ mà lo gì! Đường còn dài, chỉ cần giữ gìn sức khỏe và giữ vững tinh thần, rồi sẽ có ngày chị em mình cùng cầm súng đánh Tây, giành độc lập cho nước nhà!
Rồi đến ngày mùng 5, tù nhân được phép ra thăm thân nhân. Hậu hoàn toàn không một chút hy vọng gì là cha mẹ cô đã biết cô ở đây. Nhưng thật bất ngờ, Hậu cũng được gọi tên ra khu tiếp tân. Đó là hai căn buồng nhỏ ở hai bên cổng chính trông ra phố Hỏa Lò, Hậu mím môi để khỏi òa lên khóc khi nhìn thấy bà Lương đứng bên kia song sắt, tay xách một cái giỏ khá nặng. Xa mẹ chưa đến một năm mà thấy mẹ già xọm hẳn đi. Hậu giơ tay vẫy rồi nghẹn ngào gọi lớn:
- Mẹ ơi! Mẹ có được khỏe không?
Bà Lương sụt sùi mãi mới trả lời được:
- Biết con còn sống là mẹ mừng rồi!
Hậu nhìn mẹ, lòng dâng trào xúc cảm nhưng vẫn nghĩ ngay đến Duyên và chi bộ Hải Ninh:
- Mẹ đi một mình hở mẹ? Bố con với các em con vẫn khỏe mạnh đấy chứ mẹ?
Bà Lương gạt nước mắt đáp:
- Ừ! Mẹ đi một mình. Cả nhà vẫn bình thường. Con cố gắng giữ gìn sức khỏe, đừng bận lòng lo nghĩ về bố mẹ và các em ở nhà.
Trong khi hai mẹ con nói chuyện thì giám thị đổ tung cái giỏ của bà Lương, khám xét tỉ mỉ từng chút trước khi trao lại cho Hậu. Hai bộ quần áo, lọ muối vừng, bánh kẹo và thuốc men. Hậu hơi thất vọng vì Duyên không đi chung với bà Lương. Cô nhắc:
- Mẹ ơi! Tháng sau mẹ bảo Duyên nó lên thăm con, mẹ khỏi phải lặn lội đường xá xa xôi!
Bà Lương gật đầu rồi cúi xuống. Bà đang đau đớn xé ruột vì Duyên cũng đã bỏ đi từ tháng nay. Nhà bây giờ chỉ còn thui thủi hai ông bà già và thằng Út Hoàn. Tân chết rồi, chả nói làm gì. Hậu trốn đi làm bà lúc tỉnh lúc mê hơn nữa năm nay vì tưởng Hậu cũng đã chết. Nay được tin Hậu vẫn còn sống, dù đang ở tù, niềm vui trong lòng bà cũng bùng lên được đôi chút nhưng lại tắt ngay vì Duyên đã từ giã lên đường. Bây giờ nghe Hậu nhắc đến Duyên, bà càng tủi thân nhưng không dám nói cho Hậu biết. Gia đình bà từ một năm nay, đời sống kinh tế xuống dốc lắm, song song với sự sa sút về mặt tinh thần khởi sự từ cái chết của Tân. Hậu bỏ đi, nhà bà mất đi một công lao động chủ lực. Lại thêm bà vì héo hắt tâm can, chả muốn làm lụng gì, cứ nay ốm mai đau, nói năng lẩn thẩn. Hơn lúc nào hết, Duyên thấy rõ mình bây giờ là trụ cột chống đỡ mái nhà này, vì vậy, tuy hăng say nhiệm vụ Đảng mà Duyên không hề sơ sót mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Duyên muốn kéo cái gia đình mình trở lại cuộc sống bình thường, hy vọng thời gian sẽ giúp mẹ Duyên quên dần sự mất mát bi thương.
Nhưng rồi một hôm, cách nay chừng một tháng, Duyên đang thăm vườn ngô ngoài đồng thì Quảng từ tỉnh xuống tìm. Từ ngày Hậu đi, Duyên thay chị làm bí thư, cũng đã mấy lần lên gặp Quảng nhận công tác, hoặc có khi chính Quảng lặn lội xuống tìm Duyên. Hiệu thuốc lào của Quảng là cơ quan giao liên của tỉnh bộ, có nhiệm vụ tiếp nhận các đảng viên thoát ly, đưa xuống Hà Nội hoặc các thành phố lớn như Hải Phòng. Quảng cũng có đàn em lo việc thông tin liên lạc, nhưng khi cần ban bố một chỉ thị quan trọng thì đích thân Quảng sẽ tự đảm trách cho chắc chắn. Chẳng hạn như hôm nay Quảng phải gặp riêng Duyên, bí thư chi bộ Hải Ninh, không thể nhắn qua người khác được.
Quảng mặc bộ quần áo cũ bằng vải thô, đi chân đất, đầu đội nón rách, gánh đôi quang gánh giả làm người đi bán củ nâu. Hai cái thúng của Quảng để mỗi bên lưng lửng một phần ba, để gánh cho nhẹ và nếu chẳng may gặp mật thám theo dõi, thì Quảng có thể quăng luôn mà tháo chạy thoát thân.
Từ trên mặt đê theo triền dốc thoai thoải xuống, Quảng bước trên con đường chính chạy giữa cánh đồng làng, dừng lại bên cạnh ruộng ngô của Duyên. Mồ hôi ướt đầm đìa, ông đặt quanh gánh, ngồi nghỉ chân trên một mô đất thấp, phanh cúc áo ngực và tay phải cầm nón quạt mồ hôi lia lịa. Từ tỉnh về Hải Ninh, ông dự trù sẽ đến thẳng nhà Duyên, làm bộ mời mua củ nâu để ra ám hiệu gặp riêng Duyên. Nhưng may quá, vừa tới đây thì thấy thấp thóang bóng con gái đứng trong đám ruộng ngô, ông biết chắc đó là Duyên vì ông đã từng gặp Hậu ở đây một đôi lần trước khi Hậu thoát ly.
Ông quăng cái nón xuống chân vói tay lấy cái điếu cày ngắn ông mang theo, để trong thúng đựng củ nâu. Ông moi cái hộp thuốc lào loại hảo hạng, viên một bi nhét vào nõ và bật diêm, nghiêng đầu rít. Nước trong điếu đã đổ gần hết trong thúng, nên ông thấy khói thuốc khô rang, nóng rát cả cuống họng. Ông ngữa mặt nhả khói và ho lên mấy tiếng. Duyên từ trong ruộng ngô chui ra, ngơ ngác nhìn đăm đăm một hồi mới nhận ra Quảng, cô đưa mắt nhìn quanh, yên lòng khi không thấy ai bên cạnh. Những nông dân lao động rãi rác trên cánh đồng bao la, người gần nhất cũng phải cách chỗ cô cả mấy trăm thước, không ai tài nào nghe được tiếng nói của Quảng và Duyên. Dù vậy Duyên vẫn ngồi thụp xuống, khuất trong luống ngô sát lề đường cho kín đáo. Duyên mặc váy, cho nên cô phải lấy cái nón úp lên đầu gối cho đỡ ngượng trước mặt Quảng. Cô hăm hở hỏi:
- Anh xuống bao giờ thế? Chắc lại có công tác đột xúât?
Quảng gật đầu:
- Vâng. Tôi cũng vừa xuống đến nơi. May quá, gặp chị ở đây, tôi khỏi vào làng. Cuối năm mà giời còn nóng quá nhỉ!
Vừa nói, Quảng vừa đứng dậy tiến gần tới Duyên hơn để khỏi phải nói lớn. Ông vốn trọng nguyên tắc của Đảng, nên dù Duyên chỉ đáng tuổi con ông, ông vẫn gọi bằng chị. Ông ngồi bệt xuống bãi cỏ, ngay trước mặt Duyên và mở đầu bằng câu thăm hỏi thường lệ:
- Hải Ninh công tác vẫn tôt đấy chứ?
Duyên hãnh diện đáp:
- Vâng! Mọi mặt đều tốt cả! Tinh thần chị em rất cao!
Duyên nói thế cũng theo thói quen thôi chứ mấy tháng nay, Hải Ninh có công tác gì đâu! Chi bộ thì vẫn họp tối thiểu một tháng một lần để cùng nhau thảo luận những đề tài rất cũ, nhưng công tác cụ thể thì chả có gì ngoài việc rãi truyền đơn ngày Quốc Tế Lao Động và Cách Mạng Tháng Mười của Liên Bang Xô Viết.
Quảng cười hiền hòa:
- Vâng! Tỉnh bộ bao giờ cũng đánh giá cao Hải Ninh!
Dù biết đó là những lời sáo ngữ, Duyên vẫn thấy vui. Cô nói:
- Cảm ơn anh có lời động viên. Dưới này chị em chúng tôi lúc nào cũng cố gắng! Học tập và thảo luận đều, đúng như chỉ thị của Tỉnh Bộ.
Im lặng một chút, Quảng thay đổi đề tài:
- Hôm nay tôi xuống đây gặp chị để phổ biến một chỉ thị mới của Tỉnh Bộ. Rất khẩn trương!
Duyên mở to mắt, hồi hộp hỏi:
- Chỉ thị gì đấy anh?
Quảng nói chậm từng chữ:
- Đoàn thể cần chị thoát ly ngay ……
Duyên giật mình ngắt lời:
- Ngày là bao giờ?
Quảng nghiêm nghị nói:
- Sáng mai, chị đi được không?
Câu hỏi làm Duyên choáng váng, cô phân vân nhìn xuống chân, bàn tay lơ đãng nhổ những bông cỏ may bám vào gấu váy. Chẳng phải Duyên ngại thoát ly. Đã theo cách mạng thì biết trước sẽ có ngày bỏ nhà lo việc nước như Hậu. Nhưng mẹ Duyên lúc này yếu sức mà Duyên thì lại nặng tình gia đình hơn Hậu. Chẳng biết bà Lương mắc bệnh gì mà cứ dai dẳng nằm ho sù sụ, biếng ăn, khó ngủ, toàn thân sa sút thấy rõ. Ông Lương sắc bao nhiêu thuốc cũng không trị dứt. Duyên thì đoán chắc mẹ mình chẳng có bệnh gì ngoài sự dằn vặt nhớ thương Tân và Hậu. Bây giờ nếu Duyên lại đi thì mẹ cô sẽ ra sao? Đến héo mòn mà chết mất thôi! Cô ngẫng lên dè dặt nói:
- Hỏi anh cái này. Chi bộ Hải Ninh cử người nào thoát ly cũng được, hay cứ nhất định phải là tôi?
Quảng nhìn Duyên hơi thất vọng. Cái thái độ nhiệt tình của Hậu trước đây mới đúng là người làm cách mệnh. Còn Duyên, đoàn thể cần đến mà lưỡng lự thì không xứng đáng là một đảng viên chứ nói chi đến bí thư chi bộ!
Duyên cũng nhận ra ngay ánh mắt không vui của Quảng, lòng giằng co áy náy, cô vội phân trần:
- Mẹ tôi đang ốm. Ốm từ ngày chị Hậu tôi ra đi! Phần nhớ anh Tân tôi, phần thương chi Hậu! Giá anh cho tôi thư thêm một thời gian nữa thì tiện cho tôi hơn!
Một người cộng sản đúng nghĩa thì không được quyền nói như thế, bởi như thế thì vẫn còn hữu khuynh, vẫn còn biểu lộ tình cảm tiểu tư sản hèn yếu.
Duyên cũng biết vậy, biết mình còn lấn cấn chuyện gia đình. Nhưng những ngày ở bên mẹ sau khi Hậu giả vờ tự tử, Duyên mới hiểu được lòng mẹ thương con đến mức nào. Từ những cúng kiến, lên đồng, rồi những huy động xóm làng đi tìm xác Hậu, những đêm trăn trở đầy nước mắt và tiếng thở dài bất tận, khiến Duyên nhiều phen phải mủi lòng khóc theo và đã toan cho mẹ biết là Hậu chưa chết! Duyên nhớ có đêm trăng mờ, Duyên đã ngủ được một giấc dài lắm, tình cờ thức giấc vẫn còn thấy mẹ mình thơ thẩn ngoài hiên. Duyên vội chạy ra đở mẹ vào nằm chung với mình. Bà lương òa lên khóc lớn và bảo:
- Mẹ nhớ cái Hậu quá! Chả ngủ được!
Rồi bà sụt sùi kể:
- Dạo ấy, nó xin mẹ có mỗi cái áo dài nhưng mà mẹ không cho! Bây giờ nghĩ lại, mẹ thấy bứt rứt lắm! Con có muốn may sắm gì thì cứ cho mẹ biết! Mẹ không tiếc!
Duyên úp mặt vào vai mẹ để khỏi khóc thành tiếng. Khác với Tây phương, người mẹ Việt Nam thương con thường ít tỏ bằng lời. Chẳng những thế, nhiều bà hễ mở miệng ra là mắng con, quanh năm không đuợc một câu nói dịu dàng. Nhưng khi hữu sự mới thấy lòng thương con thâm sâu không bờ bến.
Nằm một chốc, Duyên tưởng mẹ đã ngủ rồi thì bà kể:
- Năm ngoái, năm kia, mẹ chỉ mong cái Hậu với con lập gia đình. Nhưng bây giờ thì khác. Hôm nọ bà Khán Huân gặp mẹ, có ý đánh tiếng hỏi con cho cháu bà ấy. Nhưng mẹ bảo để thư thả, nhà bây giờ neo người quá!
Duyên càng cảm động hơn. Đó chính là những sợi giây tình cảm giữ chân Duyên lại, ít nhất trong lúc bà Lương còn đang chữa bệnh chưa lành.
Quảng lại cầm cái điếu lên, lấy thuốc lào nhét vào nõ. Nhưng chợt nhớ ra nước trong cái điếu đã cạn khô, Quảng đứng dậy nhìn quanh rồi bước lại một vũng nước trâu đằm bên kia đường, vụt tay múc nước đổ vào điếu. Ông trở lại chỗ cũ, đủng đỉnh châm lửa hút. Rít xong hơi thuốc lào dài, ông mới bảo:
- Nhẽ ra thì tôi không tiết lộ cái tin này, vì nó phạm nguyên tắc bí mật. Nhưng chị đã bảo thế thì tôi đành nói thật.
Ông dừng lại, Duyên mở to mắt nhìn ông chờ đợi. Quảng thở dài rồi bảo:
- Chị Hậu bị bắt rồi!
Duyên hoảng hốt kêu lên:
- Bị bắt rồi! Bao giờ?
- Mới hôm kia!
- Chị tôi bị bắt ở đâu?
Quảng chậm rãi giải thích:
-Tôi chỉ được Thành Bộ Hà Nội thông báo là chị Hậu đã bị bắt. Chính vì thế hôm nay tôi phải về đây gặp chị ngay. Có hai việc cần phải trao đổi. Thứ nhất, chị phải thoát ly càng sớm càng tốt, vì chỉ nay mai mật thám có thể sẽ đến lục xét nhà chị. Chị không ở Hải Ninh được nữa. Thế nào cũng bị bắt. Thứ hai, chị về họp chi bộ ngay tối nay hay ngày mai, tuyệt đối đừng cho chi bộ biết tin là chị Hậu đã bị bắt. Chỉ nói rằng chi bộ cần cảnh giác, vì đang bị theo dõi. Tạm ngưng hoạt động một thời gian. Hay nói đúng hơn là chuyển hướng công tác, tránh hội họp, tránh gặp riêng nhau, không vận động tuyên truyền với bất cứ người nào khả nghi vì có thể bị gài vào tròng. Chắc chắn là mật thám sẽ chỉ thị lý trưởng và trương tuần theo dõi các đồng chí Hải Ninh! Phải hết sức đề phòng để tránh bị bắt …
Duyên lặng người ngồi im, cố mím môi để nước mắt khỏi trào ra. Anh Tân cô chưa làm được việc gì, chỉ lang thang ra biên giới rồi chết. Chị Hậu cô cũng chưa làm được gì, chỉ mới lên thành phố có nửa năm rồi bị bắt. Bị bắt thì cũng kể như chết, hoặc có khi còn khổ hơn là chết! Duyên đã nhớ lại cả mấy tháng trời mẹ cô vật vờ chết đi sống lại khi Hậu báo tin tự tử. Duyên trở thành điểm tựa của gia đình, là niềm an ủi cần thiết của bà Lương. Mẫu tử tình thâm, mẹ con càng ngày càng gắn bó hơn vì chỉ còn mình Duyên bên cạnh. Nhiều đêm bà bắt Duyên sang ngủ chung, xoa đầu Duyên như thuở còn con nít! Có khi trong giấc mơ, bà kêu tên Hậu, tên Tân, làm Duyên cảm thấy buốt nhói như có mũi dao nhọn đâm thẳng vào tim. Rồi bà giật mình choàng dậy, ôm ghì lấy Duyên và bảo:
- Con đừng đi đâu nhé con! Mẹ chỉ còn mình con với thằng Hoàn ….
Duyên trào nước mắt và hứa với mẹ trong niềm xúc động bao la:
- Con không đi đâu cả! Mẹ cũng đừng gả chồng cho con!
Rõ ràng so với Hậu thì Duyên yếu mềm lắm, thậm chí có lúc đã thấy ân hận rằng theo cách mạng là chọn lầm đường. Con đường ấy không có chỗ đứng cho những kẻ nặng tình cảm cá nhân như Duyên. Cái hăng say buổi đầu đã giảm đi quá nhiều làm cô lo sợ cái giây phút phải chia tay cha mẹ.
Nhưng cứ như Quảng vừa nói thì Duyên không thể ở lại được nữa, dù thương cha mẹ đến đâu cũng đành phải chia tay. Ở lại là chọn con đường vào tù. Quảng toan lên tiếng cắt nghĩa tiếp thì từ phía xa, trên con đường độc đạo, có một bóng người đàn ông vai vác cày, tay giắt trâu tiến về phía Quảng và Duyên. Duyên vội nhỏm dậy, khom người lủi nhanh vào sâu trong ruộng ngô. Quảng vẫn ngồi yên chỗ cũ, đội nón lên và lom khom cúi xuống thúng củ nâu. Chờ người vác cày đi qua khá xa, ông mới ho mấy tiếng làm hiệu, gọi Duyên quay ra để nói cho xong câu chuyện.
Duyên trở lại, mệt mỏi ngồi xuống chỗ cũ và hỏi:
- Còn gì nữa không anh?
Quảng phân trần:
- Sở dĩ tôi đề nghị chị thoát ly ngay là vì muốn bảo vệ chị, không để lọt vào tay địch! Chị thu xếp đi, sáng mai hoặc chậm lắm, sáng ngày kia, chị lên tỉnh gặp tôi. Chưa biết chừng chốc nữa chị về, mật thám đã cho người ở nhà chị rồi đấy! Chị Hậu bị bắt hôm kia. Lắm khi chỉ một ngày là có tin về đến làng! Đám mật thám bây giờ chúng nó quỉ lắm
Duyên hững hờ hỏi:
- Tôi đi Hà Nội hở anh?
Quảng nghiêm trang đáp:
- Trước mắt, Thành Bộ Hà Nội sẽ cho người xuống đón chị. Bố trí công tác cụ thể thì tùy các đồng chí ấy. Ở Hà Nội, Hải Phòng, cũng có thể ra tận Hòn Gai. Chữa biết thế nào!
Quảng nhón người dậy rồi bổng đưa tay vỗ lên trán rồi bảo:
- Tí nữa thì quên! Tôi dặn chị cái này quan trọng. Ngày mai chị lên tỉnh, chớ có lại hiệu thuốc lào như cũ. Chị Hậu bị bắt rồi, tôi không ở đấy được nữa. Nguy hiểm lắm. Chị lên tỉnh, cứ đi bộ theo con phố ấy, nhưng qua hiệu thuốc lào, đến số nhà 87, cửa hiệu bán gạo Thịnh Ký. Sẽ có người chờ chị ở đấy. Nhớ hộ tôi là không tạt vào hiệu thuốc lào. Tôi giao cho người ta rồi! Cơ quan Tỉnh Bộ bây giờ là Thịnh Ký, số nhà 87. Chị nhớ lấy!
Duyên gật đầu đáp:
- Tôi nhớ rồi. Hiệu bán gạo Thịnh Ký, số nhà 87.
Rồi Duyên uể oải đứng dậy, đội nón lên và bảo:
- Vâng! Thế thì ngày mai …. Chắc chắn hơn là ngày kia, tôi sẽ gặp anh. Ngày mai sợ không kịp, vì tối nay tôi còn phải họp chi bộ.
Nghe nói đến chi bộ, Quảng tha thiết dặn thêm:
- Chị đi là một chuyện. Nhưng cần nhất là chị phải sắp xếp công việc của chi bộ. Dặn các đồng chí ấy phải hết sức cảnh giác trong giai đoạn này! Tôi nhắc lại: Tạm thời ngưng tất cả, tránh không hội họp gì cả! Cần nhất là động viên các đồng chí ấy giữ vững tinh thần, dù trong bất cứ tình trạng hoàn cảnh nào!
Duyện gật đầu, lặp lại câu nói mỗi khi nhận công tác:
- Tôi nhớ rồi! Tỉnh bộ cứ tin tưởng ở chúng tôi!
Quảng đội nón, đứng dậy và gánh hai cái thúng nhẹ tênh quay lên dốc đê. Nhưng mới được mấy bước, Quảng quay lại bảo:
- Quên. Chị lấy một cái tên mới. Tên cũ ở làng không dùng được nữa vì rất dễ bị lộ. Chị lấy tên gì cho tôi biết ngay để tôi bảo với người trên Thành Bộ ngày mai xuống đón chị.
Duyên đang nghĩ đến cảnh chia ly với gia đình và làng cũ, nên đáp:
- Tôi lấy tên là Ly. Từ nay anh cứ gọi tôi là Ly.
Quảng hài lòng gật đầu:
- Tôi nhớ rồi! Tên đẹp đấy! Nhưng làm cách mạng thì cần cương quyết chớ không cần tên đẹp!
Rồi Quảng thoan thắt bước đi dưới ánh nắng xiên của buổi xế trưa.
Duyên cũng bước nhanh vào cổng làng. Nhưng thay vì về nhà, cô chạy sang tìm Nhâm, bảo Nhâm đi thông báo cho tất cả các đồng chí trong chi bộ tối nay họp phiên họp bất thường để Duyên phổ biến chỉ thị của Quảng, đồng thời từ biệt chị em lên đường. Bố mẹ Nhâm nhờ tiền chứa bạc và cho vay lãi cắt cổ, vừa tậu thêm được một căn nhà nhỏ ở sát cánh đồng làng, mua lại của một người thua bạc. Bố mẹ Nhâm dự định làm của hồi môn cho Nhâm mai say khi lấy chồng. Căn nhà ấy hiện chưa có người ở, vườn đất chung quanh, ngoài cây ăn trái xum xuê, còn có sẳn những luống lang và dàn đậu đũa chạy thẳng tới hàng rào tre sau nhà. Ngày ngày Nhâm thường ra chăm sóc hoặc múc nước dưới ao lên tưới. Những buổi họp gần đây của chi bộ Hải Ninh thường được triệu tập trong căn nhà trống này mà chẳng ai để ý bởi dân làng đều biết Nhâm bây giờ là chủ. Hai bên hông nhà và vườn sau, có nhiều bụi rậm, nhiều lối thoát quanh co dẫn ra cánh đồng làng hoặc thông sang vườn nhà hàng xóm. Giả như có bị phát hiện thì các cô cũng có thể chạy trốn dễ dàng.
Lúc Duyên đến, Nhâm đang luộc ngô trong bếp. Trên nhà tiếng nói ồn ào của hai bàn chắn ăn thua khá lớn. Để tránh mất thì giờ thảo luận trong buổi họp, Duyên dặn Nhâm trước:
- Tỉnh bộ vừa yêu cầu mình thoát ly ……..
Nhâm sửng sốt ngắt lời:
- Chị Hậu mới đi, bây giờ cậu lại cũng đi nốt ư? Sao không cử người khác? Thiếu gì đứa đang muốn thoát ly! Cái Nhu, cái Đoan. Đứa nào cũng mong đi!
Duyên gật đầu, nhấn mạnh:
- Nhưng Tỉnh Bộ chọn mình, mình phải chấp hành. Tối nay họp chi bộ, mình sẽ đề nghị bồ thay mình làm bí thư, lãnh đạo chi bộ.
Nhâm lắc đầu lia lịa:
- Không được đâu Duyên ơi! Chọn người khác đi.Mình tự thấy chưa đủ khả năng. Với lại hoàn cảnh nhà mình, cậu biết rồi. Người ra người vào tấp nập, nguy hiểm lắm, không có lợi cho đoàn thể!
Duyên cương quyết:
- Mình đã nghĩ kỹ rồi. Lãnh đạo chi bộ thì không ai bằng cậu! Thôi, mình không có nhiều thì giờ. Cứ nghe mình. Mình biết cậu làm được!
Nhâm chẳng biết nói sao, đành miễn cưỡng chấp nhận. Duyên đứng dậy từ giã. Cô vòng ra sau bếp, vạch hàng rào dâm bụt chui ra đường. Nhâm cũng tắt bếp, chạy vội đi thông báo buổi họp bất thường lúc 7 giờ tối tại căn nhà mới của Nhâm tại bìa làng.
Tối hôm sau, cơm nước xong. Duyên thu dọn mọi việc từ nhà trên xuống nhà bếp, vừa làm vừa sụt sùi ngấn lệ. Trăng thượng tuần chiếu ánh sáng mờ nhạt trên những khóm cây đang nhuốm lạnh hơi sương. Ông Lương đang ngồi uống trà ở gian giữa. Bà Lương đã vào buồng nghỉ sớm vì lúc này bà hay đau lưng. Thằng Hoàn cũng đã xuống ao rửa chân rồi lên phòng riêng ở đầu nhà phía bên kia. Xong hết việc nhà, Duyên mới đi tắm rồi vào bên giường mẹ và nói nhỏ:
- Mẹ còn thức không mẹ?
Trong mùng, bà Lương ngóc đầu dậy đáp:
- Còn! Gì đấy con?
Duyên đã chuẩn bị trước, mạnh dạn nói:
- Mời mẹ ra ngoài, con có chuyện cần thưa với bố mẹ!
Bà Lương ngơ ngác không hiểu gì, vì chưa bao giờ Duyên nói với bà bằng giọng nghiêm trang như vậy. Bà ngồi bật dậy và chỉ trong khoảnh khắc bà hoảng hốt nảy ra một ý tưởng ghê gớm trong đầu: Hay là con của bà chửa hoang, bây giờ lại thú tội với bố mẹ? Bà nghĩ thế vì gần đây, bà hay bắt gặp Duyên nói chuyện với thằng Kết bên kia bờ ao! Nếu quả thật như thế thì nhà bà hết phúc rồi, nhất là thằng Kết là con nhà cùng đinh!
Bà quơ chân tìm guốc rồi lết nhanh ra nhà ngoài, kéo ghế ngồi đối diện với ông Lương, Duyên khép cửa chính,hạ cửa sổ, đóng luôn cánh cửa ăn thông với buồng thằng em. Bà Lương hồi hộp theo dõi từng động tác của Duyên, lòng hoang mang như lửa đốt. Duyên tiến lại, đứng ở đầu bàn, khoanh tay nhắc lại:
- Con có chuyện muốn bẩm với bố mẹ ….
Ông Lương bình thản châm lửa đốt thuốc hút. Nhưng bà dằn không được, gay gắt ngắt lời:
- Chuyện gì? Mày đổ đốn ra rồi phải không? Con kia!
Ông Lương giơ bàn tay ngăn lại:
- Thì bà cứ để cho con nó nói cái đã!
Ông lúc này đổi hẳn tánh nết, trở nên dịu dàng hơn bà Lương rất nhiều. Duyên ngước nhìn bố thầm tỏ lời cám ơn rồi tiếp:
- Thưa mẹ không! Con không làm gì để bại hoại gia phong, xin bố mẹ cứ an lòng! Hôm nay con xin thưa với bố mẹ câu chuyện quan trọng hơn là: Chị Hậu con còn sống. Chị không chết …
Ông Lương vẫn ngồi yên,vì ông đã biết trước như thế. Nhưng bà Lương thì chồm đứng dậy, níu lấy cánh tay Duyên, giật mạnh kêu lên:
- Mày bảo sao, chị Hậu mày vẫn chưa chết ư?
Duyên dìu mẹ ngồi xuống rồi giải thích:
- Thưa mẹ chưa ….. chị Hậu con theo hội kín đánh Tây!
Bà Lương lại kêu lên:
- Ối giời ơi! Cái Hậu nó dám theo hội kín đánh Tây ư? Nó chưa chết thật à? Bây giờ nó ở đâu?
Duyên điềm tỉnh đáp:
- Vâng. Thưa mẹ, cả con nữa, con cũng vào hội kín chứ không phải riêng chị con. Ngày ấy, đoàn thể gọi đi thì chị con phải đi. Nhưng vì sợ liên lụy đến bố mẹ nên chị phải giả vờ tự tử để làng xã người ta khỏi điều tra lôi thôi, làm phiền đến bố mẹ!
Bà Lương hồi hộp nhắc lại:
- Cái Hậu nó còn sống ư? Thật ư? Thế bây giờ nó ở đâu?
Duyên chưa kịp trả lời thì bổng bà nhìn Duyên, uất ức mắng:
- Con phải gió này! Tiên sư bố mày! Thế tại sao bấy lâu nay mày không bảo cho tao biết, để tao khổ sở vất vả vì nó ….
Ông Lương lại chen vào:
- Bà cứ để cho con nó nói cái đã! Cái Hậu nó làm như thế là phải.Nó không giả chết thì nửa năm nay, lão Lý Bân có để cho nhà mình yên không?
Bà Lương không thèm để ý tới lời phân giải của chồng, bà nhắc lại:
- Tao hỏi mày, thế bây giờ cái Hậu nó ở đâu?
Trước giờ chia tay, Duyên không muốn biết tin cha mẹ đang ở tù nên cô đáp:
- Thưa mẹ! Con cũng không chị con đang ở đâu. Con chỉ biết chắc là chị con đang còn sống!
Bà Lương lại gắt:
- Làm sao mày biết nó còn sống? Ai báo tin này cho mày?
Duyên chưa kịp đáp thì ông Lương chen vào:
- Con nó nói thế thì bà hẵng cứ biết thế! Biết là cái Hậu chưa sao cả! Thế là đủ rồi! Con nó đang ở đâu thì từ từ rồi bà sẽ biết!
Bà Lương nghe lời chồng, không nói nữa, chỉ nâng vạt áo thấm nước mắt. Duyên lại hạ giọng nói nhỏ:
- Hôm nay con xin thưa thật với bố mẹ là dạo anh Tân con còn sống, anh con đưa chúng con vào Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội để là cách mệnh đánh Tây!