Đời tư Mao Trạch Đông

Chương 20

Docsach24.com
âm Khắc thuật lại cho tôi những sự kiện xảy ra trong khi tôi vắng mặt đi học.

Mao giận dữ về những đề nghị cho là xúc phạm ông trong Đại hội đảng lần thứ VIII: kêu gọi một sự lãnh đạo tập thể, tuyên bố Trung Quốc sẽ xoá bỏ tệ sùng bái cá nhân, gạch bỏ một điều trong hiến pháp, trong đó những lời nói của Chủ tịch dẫn lối chỉ đường cho nhà nước nhân dân, và chỉ trích “sự phiêu lưu” của Mao. Ông cho rằng, nhiều cán bộ cao cấp của đảng quá bảo thủ và nhút nhát trong việc áp dụng những thay đồi có tính cách mạng. Trong kỳ họp thứ hai của Ban chấp hành trung ương khoá VIII giữa tháng 11, ông vẫn chưa nguôi. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc đấu tranh giai cấp và công bố ý định của ông sẽ phát động một chiến dịch làm trong sạch đảng, nhằm loại bỏ “chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa quan liêu” ra khỏi đảng.

Ngay sau cuộc họp tháng 11, Lâm Khắc kể, trong ba tháng liền Mao suốt ngày nằm trên giường, một hiện tượng thường thấy ở Mao mỗi khi gặp một xung đột chính trị hóc búa. Ông chỉ rời khỏi giường khi đi tắm hoặc đi đọc diễn văn ở đâu đó. Mao lợi dụng trạng thái mệt mỏi này để sắp đặt kế hoạch cho những bước đi chính trị tiếp theo.

Bài phát biểu của Mao trong ngày 27-2-1957 một phần nằm trong chiến lược. Ông rời khỏi giường đến nói chuyện ở Hội nghị Tối cao của quốc hội ông làm chủ toạ với tư cách Chủ tịch nước. Thành phần tham gia hội nghị không chỉ có các thành viên của Bộ chính trị, các quan chức cao cấp trong quân đội, những đại diện cao cấp của chính phủ, còn có những người đứng đầu cái gọi là “các đảng phái dân chủ”. Trong bài phát biểu, ông lên án gay gắt thói quan liêu trong đảng, kêu gọi đảng viên của “các đảng phái dân chủ” hãy vạch những sai lầm của đảng cộng sản và đưa ra những đề nghị cải cách. Ông coi cuộc cách mạng đã thắng lợi, chủ nghĩa xã hội đã thành công và tuyên bố thời kỳ đấu tranh giai cấp đã qua. Mặc dù vẫn còn bọn phản cách mạng, nhưng chỉ là thiểu số – như những đám cỏ dại trong cánh đồng lúa – nên chúng không thể làm gì được. Những mâu thuẫn trong xã hội hiện nay “không mang bản chất đối kháng”, chủ yếu là những mâu thuẫn nội bộ có thề giải quyết bằng những biện pháp thích hợp.

Bài phát biểu đóng vai trò tối quan trọng trong chiến lược làm trong sạch đảng của Mao sắp tới. Phong trào làm trong sạch đảng chẳng có gì mới đối với đảng cộng sản. Năm 1942, Mao đã phát động phong trào này lần đầu ở Diên An. Nhưng lần này nó sẽ không chỉ giới hạn trong nội bộ đảng. Mao chằng còn tin vào việc đảng tự làm trong sạch. Ông muốn tất cả quần chúng, nhất là giới trí thức trong những đảng gọi là dân chủ cũng tham gia vào việc góp ý phê bình đảng. Một cách làm rất khác thường, bởi vì đảng cộng sản, một tổ chức chặt chẽ về nội bộ, bí mật và đầy quyền lực mà những thành phần ngoài đảng chưa bao giờ dám hé răng phê bình. Ai dám cả gan phê bình, người đó sẽ phải tính đến việc bị chụp mũ phản cách mạng như hàng trăm nghìn tấm gương khác.

Hơn thế nữa, Mao chẳng tin giới trí thức Trung Hoa một chút nào. Tuy nhiên, vẫn công khai nói ông muốn hợp tác và tận dụng kiến thức của họ, song vẫn nghi ngờ lòng trung thành. Những trí thức phải nghiên cứu đường lối của đảng. Việc cải tạo trí thức Trung Quốc đã được bắt đầu ngay sau khi giải phóng. Những trí thức cứng đầu hoặc những người đã học khoa lý luận không chịu học tập cải tạo sẽ bị công kích.

Nạn nhân gần đây nhất của những vụ công kích đó là nhà văn Hồ Phong. Hồ Phong, đã thẳng thắn phê bình việc kiểm duyệt, cả gan trình bày với Bộ văn hoá những đề nghị có tinh chất xây dựng. Dĩ nhiên, ông chỉ thổ lộ những chỉ trích gay gắt nhất qua thư từ trong phạm vi bạn bè thân thiết. Trong số đó, có người trung thành với đảng đã nộp những bức thư của ông cho chính quyền. Do những điều tâm sự Hồ dại dột viết ra chỉ có tính chất riêng tư này, năm 1955 ông bị tống tù với danh nghĩa thủ lĩnh của một “tố chức bí mật chống đảng’. Hồ Phong bị bắt không làm cho giới trí thức im lặng, họ càng lên tiếng phê phán công khai trên diễn đàn, chứ không chỉ trong những bức thư bày tỏ trong phạm vi bạn bè.

Chiến thuật của Mao khởi xướng tranh luận trong giới trí thức, cho phép “trăm hoa đua nở và trăm nhà đua tiếng”, chấp nhận sự mạo hiểm, bởi vì chỉ có ít người thực sự “phản cách mạng” và những người gan dạ như Hồ Phong sẽ chẳng bao giờ lên tiếng được nữa. Những trí thức khác sẽ chỉ phê phán những cá nhân mà Mao chủ tâm cải tạo.

Mao có lý do tin tưởng “chiến thuật mạo hiểm” của ông sẽ thành công. Bởi vì, ngay cả trong những cuộc họp với các đại diện của “các đảng dân chủ”, ông luôn luôn ngập trong những lời xu nịnh thấp hèn – tôi đã chứng kiến trong chuyến du lịch hè năm 1956, khi ông gặp giới lãnh đạo đảng các tỉnh. Sau khi Hồ Phong bị bịt miệng, người ta phỏng đoán, những trí thức trung thành còn lại sẽ đi theo đường lối của Mao.

Trong Hội nghị Tối cao, Mao đã tự phê bình sự yếu kém về lãnh đạo của chính mình, liên quan tới sự xuống dốc của nền kinh tế nước nhà. Trương Thế Trung liền đỡ lời, bênh vực vị Chủ tịch. Trước đây, Trương Thế Trung, tướng của Quốc dân đảng, người đứng đầu trong cuộc đàm phán giữa những người cộng sản và những người quốc gia năm 1945. Năm 1949, do Chu Ân Lai lôi kéo, Trương đã chạy sang hàng ngũ cộng sản, từ đó trở đi, trở thành một đối thủ lừng lẫy của kẻ thù cũ.

Trương nói trong hội nghị: “Tôi thường so sánh Chủ tịch với Tưởng Giới Thạch”. Tưởng Giới Thạch lúc nào cũng đổ lỗi cho người khác, mỗi khi việc gì bị thất bại. Không bao giờ ông ta nhận trách nhiệm về mình. Ngược lại không bao giờ Mao Chủ tịch đổ lỗi cho người khác. “Thật là một trời một vực! Thật đáng kính phục!”

Phong trào phê và tự phê bình do Mao khởi xướng cứ ì ra. Hầu hết các trí thức không dám mở miệng. Tính cách cai trị của Mao cũng như vầng hào quang huyền bí của quyền lực, sự bất khả xâm phạm bao quanh, đã khiến cho ngay cả những kẻ to gan nhất và những người trung thực nhất cũng phải kính cẩn trước ông. Những thú nhận mà Mao cố gợi được ở người đối thoại trong những cuộc nói chuyện riêng tư chỉ là những lời xin lỗi đáng thương vì trước đây họ đã ngờ vực ông. Trước công luận cũng như trong phạm vi cá nhân, chẳng bao giờ Mao khuyến khích những người bất đồng chính kiến nói lên sự thật, tại sao ông lại tin được nhân dân ủng hộ hết lòng.

Khi các trí thức vẫn giữ thái độ im lặng, một lần nữa, Mao lại rời khỏi giường, bước lên bục diễn thuyết. Trong Hội nghị Tuyên huấn toàn quốc của đảng cộng sản về công tác tuyên truyền diễn ra từ ngày 6 đến 13-3-1957, với sự tham dự của các cán bộ lãnh đạo đảng, những “nhân tố dân chủ” ngoài đảng, Mao nhắc lại những câu quan trọng của bài phát biểu tháng hai của ông và cổ động cho phong trào “Trăm hoa đua nở”. Ông kêu gọi “các lực lượng dân chủ” đừng ngần ngại phê bình. Các báo chí tường thuật lại những luận điểm của ông, những người lãnh đạo đảng bộ địa phương trong toàn quốc đã hưởng ứng trào lưu, càng yêu đảng bao nhiều, càng phải thằng thắn phê bình đảng bấy nhiêu.

Nhưng khi phê bình chỉ được nêu ra một cách chung chung, rất hời hợt và nhẹ nhàng. Trong một cuộc mít tinh tại quảng trường Thiên An Môn cuối tháng 4, Mao lại khuyến khích mọi người hãy phê bình đảng.

Cuối cùng những người dân chủ đã hưởng ứng đề nghị của ông, những tiếng nói phê bình ngày tăng lên.

Lúc đó, đầu tháng 5, thời điểm tôi trở lại với Mao. Dần dần, “những sai lầm” của đảng bị lên án càng ngày càng gay gắt, thậm chí người ta còn đặt vấn đề về quyền lãnh đạo của đảng. Không chỉ từng cá nhân đảng viên, mà toàn đảng bị công kích. Bỗng nhiên có tiếng nói, đảng cộng sản không thể độc quyền lãnh đạo, quyền lực phải được chia sẻ. Một số người đòi chế độ đa đảng hoặc nguyên tắc lãnh đạo luân chuyển, mỗi đảng đều có cơ hội lãnh đạo, thậm chí một vài kẻ lộn xộn còn đòi “các đảng dân chủ” phải có quân đội riêng.

Cuối cùng, ngay cả sự lãnh đạo của Mao cũng bị lên án cực lực. Người ta so sánh đảng cộng sản với một ngôi chùa đạo Phật, sư tổ (tức là Mao) “đọc kinh”, còn các sư sãi (các cán bộ đảng) tụng theo. Thậm chí một vài người còn phàn nàn, họ chỉ được phép phê bình các sư sãi chứ không được phê bình thượng toạ.

Dĩ nhiên, Mao bị “sốc”, ông không hề có chủ ý đem mình ra để người ta phê phán, hoặc để cho toàn thể bộ máy đảng bị công kích. Từ trước tới nay ông chỉ quen với những lời xu nịnh, chẳng hề biết các nhà trí thức bất mãn đến mức độ nào.

Giữa tháng 5, cuộc phê bình đạt tới tột đỉnh. Tư tưởng chống đảng của quần chúng ở Trung Quốc đã biến thành một cơn sóng lớn dữ dội. Ngay cả những thành viên của chính phủ, những người được coi là thủ lĩnh của “những đảng dân chủ” mà ý kiến của họ thường xuyên được chính phủ tham khảo, cũng lên tiếng phê bình. Tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng do Đặng Tước làm tổng biên tập được Hồ Kiều Mục, bạn tôi, cục phó Cục Tuyên truyền, kiểm duyệt cũng bị phê bình.

Về cơ bản. Mao đã tính sai. Ông chán ngán nằm lì trên giường và dưỡng bệnh cảm của ông, vì nó tôi lại bị triệu tới.

Bực tức trước những công kích ngày càng tăng, Mao soát lại chiến lược và lập kế hoạch trả đũa.

Ngày 15 tháng 5, vài ngày sau khi tôi trở lại, Mao viết một bài với tiêu đề “Sự biến hoá của vạn vật”. Bài này được lưu hành bí mật trong phạm các cán bộ cao cấp của đảng. Sau đó chiến dịch làm trong sạch đảng được chuyên hướng. Mao lập kế hoạch giáng trả những kẻ đã lớn tiếng phê bình ông. Các báo chỉ vẫn tiếp tục đăng những ý kiến phê bình, nhưng đồng thời đăng cả những bài cảm tình với đảng và những bài công kích “những phần tử khuynh hữu”.

Mao nói: “Trước hết, chúng ta phải nhử rắn rết bò ra khỏi hang sau đó mới đánh chúng. Chiến lược của tôi, trước tiên chúng ta hãy để cỏ dại mọc lên, rồi bứng từng cụm một làm phân bón”.

Trí thức vẫn tiếp tục được khuyến khích phê bình, nhưng các cán bộ cao cấp của đảng được đánh động và hiểu rằng, đòn phản công nhằm vào trí thức sắp được tung ra.

Mao nói: “Tôi muốn dựa vào các đảng dân chủ để đưa đảng cộng sản đi theo con đường đúng đắn. Nhưng tôi không ngờ họ lại có thể thay đổi đến như vậy”. Mao bực nhất với các thành viên của Liên minh Dân chủ, một liên minh được một nhóm trí thức thành lập trong những năm 40. Liên minh này đã vận động những người cộng sản và người quốc gia thoả hiệp. Mao chì chiết: “Chúng nó, một lũ cướp và đĩ điếm”. Theo nhận định của Mao việc Khrushchev chống lại Stalin vào tháng 2-1956 và cuộc nối dậy ở Hungary cuối năm ấy đã gây nên một làn sóng chống cộng lan rộng khắp thế giới. Nhiều người Trung Quốc, kể cả các cán bộ đảng cũng như thường dân, dưới con mắt của Mao họ là những kẻ đầu đất đã chịu ảnh hướng của làn sóng này.

Ông nổi đoá với Hồ Kiều Mục, vì ông ta hình như chẳng chịu làm gì để chấm dứt việc phê bình đảng trên báo Nhân dân. “Nếu đồng chí không nắm được tờ báo này, đồng chí hãy từ chức để cho người khác làm”. Ông quát tháo, ra lệnh cho Hồ chuẩn bị công kích lại bọn hữu khuynh.

Ngày 8-6-1957, trên Nhân dân Nhật báo đã xuất hiện dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự chuyển hướng của chiến dịch làm trong sạch đảng. Bài xã luận do Mao viết với tiêu đề “Để làm gì?” đã quả quyết rằng có một nhóm nhỏ đang âm mưu lật đổ chính phủ xã hội chủ nghĩa. Bài này kêu gọi quần chúng hãy giáng trả nhóm người đó.

Ngày 19-6-1957, Nhân dân Nhật báo đăng lời phát biểu của Mao “Về phương pháp giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn trong nhân dân”. Đó là bản sao bài phát biểu phê bình đảng của Mao trong Hội nghị cấp cao nhà nước hồi tháng hai và được sửa đổi đôi chút. Thực ra, bài viết này có khác cơ bản với nguyên bản trong đó việc phê bình không bị hạn chế. Mao ra sức kêu gọi đề cao tự do ngôn luận và để cho trăm hoa đua nở.

Ngược lại, trong bài phát biểu được đăng báo ngày 19-6-1957, Mao đã đề ra 6 tiêu chuẩn phê bình được coi là hợp lệ: phải góp phần đoàn kết, không được gây chia rẽ, khuyến khích công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố nền chuyên chính dân chủ của nhân dân, bảo dám sự lãnh đạo của đảng cộng sản và khuyến khích sự đoàn kết của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Nếu Mao đã cảm thấy bị phản bội khi giới trí thức lớn tiếng phê bình, bây giờ giới trí thức lại cảm thấy cay đắng khi bị ông ruồng bỏ. Mao luôn khuyến khích họ phê bình. Thông điệp của ông được đăng trên tất cả các báo ở Trung Quốc và phân phát tới từng cơ sở sản xuất kêu gọi họ phê và tự phê bình. Thế mà giờ đây lại trở mặt.

Mao biết giới trí thức đã nhận ra họ bị mắc lừa. Sau khi bản sao bài phát biểu của ông được đăng báo ngày 19-6-1957, ông nói với tôi:

- Bây giờ một số người hữu khuynh quả quyết, tôi đã hối thúc họ tham gia phong trào Trăm hoa đua nở, khuyến khích họ phê bình đảng vô điều kiện và bây giờ lại trả thù họ. Nhưng ngay từ đầu tôi đã cảnh cáo họ, đừng có trêu ngươi. Tôi đã khuyên họ đóng góp và ủng hộ đảng cộng sản. Một số người đã nghe lời tôi, nhưng chỉ rất ít thôi.

Cho tới nay, tôi mới biết khi đó Mao đã giả dối. Chiến lược của ông, lợi dụng những phê bình của tầng lớp trí thức để chọi lại những đối thủ của ông trong đảng. Nhưng không ngờ mũi dùi phê bình đó lại chĩa vào chính ông.

Khoảng cuối tháng 6, vài tuần sau khi tôi trở lại, Vương Kính Tiên, người chỉ huy mới của Ban an ninh, yêu cầu tôi thu xếp đồ đạc. Mao sẽ rời Bắc Kinh đi đến một nơi nào chưa rõ. Thời kỳ Trăm hoa đua nở đã qua. Chiến dịch chống bọn hữu khuynh của Mao bắt đầu.