Đời tư Mao Trạch Đông

Chương 19

Docsach24.com
iang Thanh đã làm hỏng hết kế hoạch của tôi. Lần này bà ốm thật.

Trong lần kiểm tra thường kỳ ở Bắc Đới Hà mẫu xét nghiệm bệnh phẩm tế bào âm đạo Giang Thanh có dấu hiệu dương tính. Để xác định kết quả xét nghiệm, các bác sĩ riêng của Giang Thanh, Lâm Kiều Trí và Dư Ái Phong đã gửi lam kính chứa bệnh phẩm tới hai nhà bệnh lý học giỏi nhất trong nước, Lương Bá Cường ở Học viện Y học Tôn Dật Tiên tại Quảng Châu và Hồ Trịnh Tường ở trường Đại học Tổng hợp Y khoa Bắc Kinh. Cả hai đều đi đến kết luận giống nhau: bệnh phẩm dương tính. Xét nghiệm cho thấy bệnh ung thư cổ tử cung đang ở thời kỳ đầu, chưa có di căn và người ta cho rằng có nhiều khả năng chữa được.

Nhưng Giang Thanh lại là vợ của Mao, để thật chắc chắn, bác sĩ Dư Ái Phong đem tiêu bản bệnh phẩm khác bay sang Liên Xô để kiểm tra lại. Ở đó người ta cũng xác nhận kết quả xét nghiệm đúng như vậy. Phó Liêm Chương, người liên hệ với các bác sĩ, đã viết một bản báo cáo cho Mao.

Mao triệu tập một cuộc họp với các bác sĩ. Nữ bác sĩ chuyên khoa sản phụ Lâm Kiều Trí, người đã lấy bệnh phẩm, đề nghị đưa Giang Thanh sang Liên Xô chữa bằng phương pháp trị xạ Cobalt 60. Các bệnh viện ở Trung Quốc vẫn thường trị xạ bằng tia Radium, nhưng chưa có máy điều trị bằng tia Cobalt 60. Các bác sĩ Nga tin rằng trị xạ bằng Cobalt 60 có kết quả khả quan hơn tia Radium. Lời đề nghị của bác sĩ Lâm không chí căn cứ vào sự thận trọng nghề nghiệp, bà còn muốn bảo vệ mình và những đồng nghiệp. Chẳng có bác sĩ Trung Quốc nào muốn nhận trách nhiệm về mình nếu dự đoán điều trị lạc quan bị thất bại.

Mao nói: “Các đồng chí là người quyết định. Khi người ta ốm, người ta phải nghe theo lời khuyên của bác sĩ”. Vậy là đề nghị của bác sĩ Lâm đã được chấp thuận. Giang Thanh sẽ phải sang Liên Xô với sự tháp tùng của bác sĩ Dư Ái Phong.

Giang Thanh lờ mờ nhận ra có điều gì không ổn, thế nhưng bà vẫn không hay biết tí gì về bệnh tình của mình. Mao muốn các bác sĩ nói chuyện thẳng thắn với bà. Ông mời tất cả chúng tôi tới dùng cơm.

Khi biết được sự thật. Giang Thanh rất bồn chồn, cho tới khi các bác sĩ nhiều lần khẳng định, việc chữa bệnh bằng phương pháp chiếu xạ này sẽ làm bà khỏi hẳn, lúc đó mới yên tâm. Vài ngày sau, Giang Thanh bay sang Liên Xô.

Lúc đó, đầu tháng 11. Bây giờ tôi phải tích cực hơn chuyện xin thuyên chuyển.

Có hai khoá học bổ mà tôi quan tâm: Các thể bệnh vùng nhiệt đới và cách điều trị, khoá học tại Anh. Khoá phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Bắc Kinh. Tại đó, tôi sẽ học một khoá do nhà phẫu thuật thần kinh nổi tiếng nhất Liên Xô, Ruschinski hướng dẫn. Lúc đó ông đang làm việc tại Trung Quốc. Những bác sĩ trưởng khoa thần kinh có tiếng nhất ở trong nước đều tham dự khoá học này. Sau khoá học, bệnh viện Bắc Kinh muốn thành lập một viện nghiên cứu về tâm-thần kinh.

Tôi báo cho Mao biết cả hai khoá học bổ túc. Mao hỏi:

- Thế có nghĩa là đồng chí muốn đi chứ gì?

Tôi đáp:

- Vâng, nếu Chủ tịch cho phép.

Ông hỏi với vẻ tư lự:

- Y học nhiệt đới à? Cái đó chẳng liên quan gì tới tôi.

Qua những lời nói này của Mao, tôi cảm nhận, Mao cho việc tôi đi chỉ là tạm thời. Ông muốn tôi sẽ quay lại.

- Nếu thực sự muốn đi, đồng chí hãy học ngay ở Bắc Kinh. Sau này còn có thể giúp tôi được tốt hơn nữa.

Bởi vì Mao ca cẩm nhiều nhất về chứng suy nhược thần kinh, nên việc học bồ túc thần kinh học sẽ thực sự giúp tôi điều trị cho ông nhiều hơn.

- Nếu Chủ tịch đồng ý, tôi sẽ thu xếp việc này với Bộ y tế.

Tôi vẫn nuôi ý định từ bỏ Nhóm Một vĩnh viễn, tuy nhiên phải làm từng bước. Bộ y tế có trách nhiệm phân công công tác cho các bác sĩ.

Mao hỏi:

- Ai sẽ thay thế khi đồng chí vắng mặt.

Tôi cũng đã nghĩ tới điều này. Tôi muốn bàn giao việc này cho bác sĩ Biện Thế Cường. Ông là bác sĩ nội khoa ở bệnh viện Bắc Kinh, trẻ hơn tôi khoảng 5 tuổi, tốt nghiệp một trường Đại học danh tiếng ở Nam Kinh.

Mao nói:

- Tôi không biết đồng chí ấy. Đồng chí muốn đi hẳn, nếu đồng chí ấy nhận việc này à?

Tôi cam đoan với Mao, tôi sẽ trở lại nếu Mao muốn.

- Đồng chí hãy nói lại với đồng chí Phó Liêm Chương tạm thời tôi không cần người thay thế. Chúng ta sẽ quyết định vấn đề này sau.

Phó Liêm Chương vui mừng trước sự ra đi của tôi. Ông ta chẳng bao giờ muốn tôi làm bác sĩ riêng cho Mao. Bất chấp sự phản đối của Mao, ông ta vẫn cử bác sĩ Biện làm người kế nhiệm tôi. Biện chuyển ngay về Trung Nam Hải. Còn tôi, từ giữa tháng 11, bắt đầu đi học.

Thế là tôi lại được tự do! Tôi rất thích khoá học, thời khoá biểu lúc nào cũng kín mít, như bị hút chặt vào lớp học mới này. Được làm việc chung với các bác sĩ khác, tôi cảm thấy thật hào hứng. Tôi thường làm việc đến hai, ba giờ sáng, mặc dù vậy tôi vẫn cảm thấy sung sức và thoải mái hơn ở Trung Nam Hải, nơi tôi phải cộng tác với những “đồng nghiệp” như Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều. Phó giám đốc bệnh viện Bắc Kinh đề nghị tôi ở lại làm việc sau khoá học, hứa sẽ dành cho tôi một chỗ trong khoa thần kinh.

Công việc mới của tôi làm cho Lý Liên mừng rỡ và trở lại vẻ tươi tắn bấy lâu nay không thấy. Công việc mới vẫn không dành cho chúng tôi nhiều thời gian để gần gũi nhau, nhưng ít ra, cuộc sống cũng trở lại bình thường. Cha mẹ Lý Liên rời Nam Kinh đến Bắc Kinh ở với mẹ tôi, Lý Liên và hai con sống trong khu nhà cũ của gia đình tôi. Cha mẹ nàng rất vui khi được sống chung với chúng tôi. Trước đây ít lâu, người ta đã trả lại quyền công dân cho ông bà, khi các nhà chức trách ở Nam Kinh được biết, tôi là bác sĩ của một cán bộ cao cấp ở Bắc Kinh. Ông bà lại được liệt vào tầng lớp dân nghèo thành thị. Cả hai bây giờ cũng cảm thấy được tự do, rất quan tâm chăm sóc hai đứa cháu ngoại.

Tôi vẫn giữ căn hộ ở Trung Nam Hải, mặc dù chúng tôi rất ít khi ở đó. La Đạo Nhương, người tạm thời giữ chức chỉ huy lực lượng an ninh sau khi Uông Đông Hưng bị cách chức, đã cho phép tôi chuyển đồ văn phòng về bệnh viện, tuy nhiên ông không muốn tôi xa hẳn Mao để sau này tôi có thể dễ dàng trở lại. Trước tôi đã có ba người làm bác sĩ riêng cho Mao bị cách chức. Nếu để tôi đi hẳn, La sợ sẽ gặp khó khăn, nhỡ ra sau này Mao muốn tôi quay về.

Tôi lao vào học đến nỗi chẳng hay biết gì những biến cố chính trị đang xảy ra ở Trung Quốc. Mãi lâu sau tôi mới hay, Mao đã bắt đầu phát động phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”.

Tôi cũng được biết, trong một bài phát biểu ngày 27-2-1957, Mao đã kêu gọi trí thức và đảng viên của “các đảng dân chủ” hãy vạch những sai lầm của đảng. Trong khoá học, chúng tôi cũng được phép phê bình những sai sót của đảng bộ của chúng tôi. Các cuộc họp đã được triệu tập trong bệnh viện để làm việc này. Tôi đang phải bù đầu vào việc học hành, nên chẳng có thời gian tham dự các cuộc họp. Những biến cố chính trị có vẻ xa lạ như một cuộc chiến tranh ở nơi nào đó xa xôi, chẳng có ai ép chúng tôi phải tham gia các cuộc họp.

Mùa xuân 1957, tôi vẫn tập trung học và cảm thấy hạnh phúc khi lại được trở về môi trường cũ của mình.

Sau đó, ngày 4-5-1957, Lý Ẩm Kiều tới bệnh viện gặp tôi.

- Chủ tịch bị cảm lạnh và muốn gặp đồng chí.

Thế là tôi bị gọi về, nhưng tôi không muốn.

Tôi bảo với Lý, bây giờ bác sĩ Biện Thế Cường có nhiệm vụ chăm sóc Chủ tịch cơ mà.

Lý kể lại rằng, sau khi tôi đi, Mao đã gặp bác sĩ Biện khoảng hai lần, nhưng Mao không thể hoà hợp với ông ta. Để làm quen, Mao đã mời người bác sĩ trẻ này tham dự một buổi khiêu vũ, ông cho rằng bầu không khí đông vui sẽ làm Biện tự nhiên hơn.

Mặc dù vậy, ông ta vẫn phát run lên trước sự có mặt của Mao. Mao không thể chịu được ông ta hơn. Sau khi từ Quảng Châu trở về Mao không có bác sĩ nữa. Giang Thanh cũng từ Liên Xô trở về. Lý Ẩm Kiều bảo cả hai người đều muốn tôi coi sóc sức khỏe.

- Nếu Chủ tịch đã gọi, đồng chí không được từ chối.

Tôi đang làm việc trong bệnh viện. Theo nội quy, nếu muốn đi đâu, tôi phải xin phép, chỉ có bí thư đảng uỷ bệnh viện biết tôi là bác sĩ riêng Chủ tịch. Vì lý do an ninh, chức vụ của tôi được giữ kín. Người ta sợ rằng những kẻ mưu sát có thể đầu độc Mao và thông qua tôi để làm việc này. Nếu đi không xin phép mà tự ý đi, tôi sẽ bị khiển trách vì vi phạm nội quy, mang tiếng xấu.

Lý nói:

- Cấp trên của đồng chí đã biết chuyện này rồi!

Sau khi Uông Đông Hưng bị cách chức, một ông Vương Kính Tiên nào đó phụ trách việc bảo đảm an ninh cho Mao. Ông này cũng đã thu xếp để tôi trở về và uỷ nhiệm cho Lý Ẩm Kiều đi đón. Một chiếc xe đang chờ bên ngoài.

Tôi định đi báo cáo lãnh đạo. Lý Ẩm Kiều không chịu, bảo:

- Muộn rồi. Chúng ta đừng để Chủ tịch phải chờ. Đồng chí cứ đến gặp Chủ tịch trước rồi báo cho bệnh viện sau cũng được.

Vậy là tôi chưa bao giờ thực sự thoát khỏi Nhóm Một, chẳng qua Bộ y tế mượn tôi một thời gian. Cuộc sống của tôi vẫn bị phòng an ninh hoàn toàn kiểm soát. Tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Với chiếc ca-táp đựng thuốc và dụng cụ cấp cứu trong tay, tôi trở về Trung Nam Hải.

Mao nằm trên giường trông xanh xao, mệt mỏi. Ông bảo tôi ngồi cạnh ông. Một vệ sĩ mang trà lại. Tôi hỏi ông cảm thấy trong người thế nào, ông đáp:

- Không được khỏe. Tôi bị cảm.

Suốt hơn hai tháng nay, ngay sau khi đọc báo cáo chính trị ngày 27-2 ông bị cảm và ho, ăn không ngon miệng.

Mao để tôi khám bệnh. Bệnh tình của ông không trầm trọng, chỉ bị cảm nặng. Tôi muốn dùng xirô trị ho và thuốc chống táo bón để điều trị cho ông.

- Được rồi, tôi sẽ dùng những thuốc này.

Mao nói tiếp:

- Đồng chí ghi đơn thuốc, cách sử dụng cho nhân viên an ninh sẽ đi lĩnh, không cần phải đến, tôi tự uống được.

Tôi đồng ý với ông và muốn cáo từ.

Mao bảo tôi: “Hãy cứ ngồi đây một lúc nữa đã”. Tôi ngồi lại.

Ông cười và hỏi còn nhớ lại sự việc ở Bắc Đới Hà, khi ông mất bình tĩnh:

- Làm việc cho tôi chằng dễ chịu chút nào phải không? Đồng chí muốn bỏ hẳn chỗ này à? Nhưng tôi vẫn chưa có bác sĩ mới. Tôi đề nghị với đồng chí một thoả thuận quân tử hai bên cùng có lợi. Đồng chí trở lại làm việc, tôi biết, ở đây đồng chí cũng chẳng có gì nhiều để làm. Chúng tôi sẽ kiếm thêm việc gì khác cho đồng chí. Tôi nhớ tới bộ trưởng y tế dưới chế độ Quốc dân đảng – ông Chu Nghị Xuân gì đó. Tôi không nhớ rõ nữa, ông ta đã đạt học vị tiến sĩ của Đức bằng công trình nghiên cứu buồng trứng của thỏ. Đồng chí cũng có thể nghiên cứu trong thời gian rỗi. Có thể, đồng chí kiếm vài con vật, mua trang thiết bị và mở một phòng nghiên cứu thí nghiệm. Tôi sẽ bỏ tiền túi ra đài thọ tất cả, chứ không phải tiền của chính phủ đâu. Đồng chí nghĩ thế nào?

Theo tôi, việc mở một phòng thí nghiệm súc vật ở Trung Nam Hải không tiện lắm. Tôi sẽ bị phê phán gay gắt, bởi vì trong phạm vi Trung Nam Hài không được phép chứa súc vật, kể cả chó hoặc mèo.

Lực lượng an ninh và y tế sợ thú vật có thể mang bệnh và truyền cho Mao hoặc những nhà lãnh đạo đảng khác. Sau này Giang Thanh cũng có lần gây ra một vụ náo động, khi bà mua một con khỉ con để nuôi.

Tôi nói:

- Nếu tôi không có gì làm, có lẽ tôi có thể đọc nhiều sách hơn.

Ông suy nghĩ về đề nghị này một lát, rồi nói:

- Được đấy. Nhưng chỉ như vậy cũng chưa đủ. Học phải đi đôi với hành. Vậy thì chúng ta thống nhất thế này: đồng chí đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho tôi còn việc đồng chí muốn sử dụng thời gian rảnh rồi còn lại như thế nào ta sẽ thảo luận sau.

Đó chẳng phải một thoả thuận hai bên cùng có lợi, chỉ là một mệnh lệnh được đưa ra một cách lịch sự của vị Chủ tịch đảng.

Chẳng ai dám cả gan cưỡng lại Mao. Lời nói của ông là pháp lệnh. Nếu tôi từ chối, tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được một công việc nào khác. Cả vợ tôi chắc chắn cũng sẽ bị sa thải. Thậm chí tôi có thể bị bắt giam, bị tra tấn.

Một lúc sau, Mao nhắc lại với tôi:

- Đã có lần tôi hỏi đồng chí có muốn làm thư ký cho tôi hay không, nhưng đồng chí đã từ chối. Trong thời cận đại ở Trung Quốc, có rất nhiều chính trị gia nối tiếng, họ bắt đầu cũng làm nghề bác sĩ sau đó chuyển sang nghiệp chính trị, ví dụ như Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn và Quách Mạc Nhược. Nghề bác sĩ tuy danh giá, nhưng người ta không nhất thiết phải đóng khung trong đó. Tham dự vào cả các ngành khoa học xã hội cũng chẳng sao.

Mao có thể ép tôi làm bác sĩ cho ông, nhưng ông không thể thuyết phục tôi làm thư ký. Tôi là một bác sĩ y khoa, chứ không phải là một chính trị gia, không bao giờ muốn dính líu vào việc tranh giành quyền lực chính trị.

Mao hỏi:

- Đồng chí vẫn không muốn làm thư ký riêng cho tôi phải không? Thôi được. Thế thì đồng chí chỉ làm bác sĩ cho tôi vậy. Nhưng chúng ta phải thông cảm với nhau, học hỏi lẫn nhau. Không cần là thư ký của tôi, đồng chí vẫn có thể đọc những Bản tin Nội bộ. Như vậy chúng ta dễ trao đổi và hoà thuận với nhau hơn.

Tôi vô cùng thất vọng. Khi làm việc ở Bắc Kinh tôi tưởng cuối cùng đã yên thân và muốn bằng mọi giá phải ở lại đó. Khi làm việc với Mao, tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp các bạn đồng nghiệp.

Lòng trung thành đối với Mao, có nghĩa chỉ làm việc trong phạm vi những người thân tín. Ý nghĩ sẽ lại phải làm việc với Diệp Tử Long và những người khác trong Nhóm Một khiến tôi rùng mình. Thế nhưng tôi vẫn phải lệ thuộc vào Mao, chẳng còn cách nào khác.

Mao nói:

- Tôi sẽ thực sự rời chức Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân.

Ý định từ chức chủ tịch tuy vẫn còn giữ kín, nhưng bây giờ mới được quyết định dứt khoát. Ông nói tiếp:

- Ban trị sự Trung ương đã đệ trình các cán bộ cao cấp của đảng và chính phủ một bản tham khảo ý kiến. Diệp Tử Long, Lý Ẩm Kiều và một vài người khác trong Nhóm Một hoàn toàn không tán thành. Theo tôi, từ chức có lợi cho sức khỏe. Nhưng họ không hiểu vấn đề, họ sợ sẽ bị mất quyền lợi khi tôi không còn là Chủ tịch nước nữa. Họ nghĩ, làm việc cho Chủ tịch danh giá hơn.

Đến giờ tôi mới biết. Mao không chỉ phải chịu đựng bệnh cảm lạnh. Trong sáu tháng tôi vắng mặt, biết bao biến cố chính trị lớn lao đã xảy ra. Tôi mải mê với công việc của bệnh viện, đến nỗi không nhận ra điều đó. Bây giờ tôi lại bị chìm ngập trong bầu không khí chính trị.

Tôi chẳng bao giờ quay trở lại bệnh viện Bắc Kinh được nữa, cũng không thể tự đến để lấy những đồ đạc lặt vặt, cũng chẳng giải thích được với đồng nghiệp tại sao tôi bỏ học giữa chừng. Tôi gọi điện báo cho bí thư đảng bệnh viện thông báo việc Mao ra lệnh cho tôi quay trở lại. Một nhân viên an ninh Trung Nam Hải đã đến lấy đồ hộ tôi. Ngay trong đêm hôm đó. tôi đã lại ở Trung Nam Hải, không thể thoát khỏi Nhóm Một. Lần này hết lối thoát.