Thanh-Xuân thủng-thẳng mở cung tên, cặp kiếm để tại một góc sân, rồi day lại ngó cha đương đứng với Hoàng-tử và các quan Hộ-giá.
Thanh-Nhân khoát tay ra lịnh cho con khởi cuộc biểu-diễn.
Thanh-Xuân mạnh dạn đi ra giữa sân, đứng ngó bốn phía rồi bái tổ đi một đường quyền đẹp như phụng múa, tấn lẹ-làng như chớp nhoáng, thối vững chắc như vách thành, không có điểm nào sống-sít mà chê dược.
Hà-Khâm với Đại-Chí xin diễn thêm một đường nữa, Thanh-Xuân vưng lời tập một thiệu khác càng hay thêm, làm cho khán-giả thảy đều mê-mết.
Tập quyền rồi tập dượt đoản côn và đại đao. Lê-Đại-Chí là người thành thiệt, nên công-nhận tập thứ nào cũng thành-thục, không có chỗ chê.
Bây giờ mới tới phi-kiếm và xạ tiễn. Võ-Nhàn đã có dạy trồng hai cây chuối, một cây cách hơn 100 thước, còn một cây xa lối 300 thước.
Thanh-Xuân cầm song kiếm dượt một hồi xem ngoạn mục rồi đương múa mà tình-cờ phóng hai cây kiếm liên-tiếp, cả hai cây đều ghim vào thân cây chuối cách nhau không tới nửa gang. Tướng-sĩ phục tài quá, không thể nín nữa được nên đồng óng tiếng khen hay.
Thanh-Xuân vẫn bình-tĩnh như thường, lấy cây cung cầm tay, đeo ống tên sau lưng, rồi đi qua đi lại trong sân. Tình cờ vừa đi vừa rút tên lấp vào cung mà bắn cây chuối xa hơn 300 thước. Bắn không cần nhắm đích, bắn như vậy 5 lần, 5 mũi tên đều ghim vào cây chuối, xê-xích với nhau chừng một phân.
Công-chúng rộ lên khen một lần nữa.
Võ-Nhàn bước ra sân hỏi tứ phía coi có ai muốn bắn tên hoặc phi kiếm thử hay không. Bốn phía đều nín êm, không ai dám kình nghề với Thanh-Xuân.
Công-chúng mới ó lên la lớn: “Đỗ Nương-nương vô-địch ! Đỗ Nương-nương vô-dịch”.
Cuộc biểu-diễn chấm dứt. Thanh-Xuân lại rút hai cây kiếm với 5 mũi tên rồi cùng cha với Hoàng-Tử và các quan trở về. Tướng-sĩ đi theo sau cả ngàn hoan-hô vang dội. Ăn cơm chiều rồi, Minh-Giám với Võ-Nhàn đưa Thanh-Xuân cùng sáu thân-hào xuống thuyền mà về Ba Giồng.
Đỗ Nương-nương đã về ba Giồng mấy bữa rồi mà cuộc diễn võ của nàng vẫn còn được người ta bàn-tán luôn luôn. Người cảm mến hơn hết là Hoàng-Tử Nguyễn Phước-Ánh, cảm thấy phận gái mà luyện tập dày công, mến tài phi-phàm về môn bắn cung phóng kiếm. Về Hoàng-Cung, Hoàng-Tử thuật cuộc diễn võ cho Định-Vựơng nghe, ngài tán tụng tài của Đỗ Nương-nương không ngớt, nói rằng nàng đó ra trận giết tướng địch dễ như trở bàn tay, lẹ như nháy con mắt.
Lê-Đại-Chí với Hồ-Văn-Lân nói chuyện với nhau lại mơ ước Định-Vương nạp Đỗ-Thanh-Xuân vào cung, làm như vậy nhà vua có nhơn-tài phò-trợ tận tâm, mà thần dân Gia-Định cũng sẽ phơi gan cứu quốc. Hai người mơ-ước nhưng không dám nói ra vì nhận thấy Hà-Khâm với Trương-Hậu bắt đầu đề-nghị cử-chỉ của Đỗ-Thanh-Nhân có ẩn ý gì nên mới qui tụ tướng-sĩ đến cả ngàn ở đất Ba Giồng, thật có lòng cứu nước phò vua hay là thừa loạn tính xưng vương Gia-Định. Đặt hiệu nghĩa binh Đông-Sơn thì đã ló mòi soán-đoạt, muốn phản Triều-đình cũng như bọn Tây-Sơn ngoài Qui-Nhơn. Vậy phải lưu tâm ngó chừng, không nên tin lắm.
Định-Vương nghe lời châm chích như vậy trong lòng phát nghi, thầm nghĩ Thanh-Nhân đánh bại Tây-Sơn nghinh-giá về thành rồi thì lật-đật lo hiệu-triệu dân-chúng nhập ngũ đầu quân rồi lại cho con diễn võ dương oai đặng làm cho thiên-hạ khiếp sợ. Cử-chỉ ấy có thể là sự biểu-lộ tấm lòng thành thiệt quyết phò vua giúp nước mà cũng có thể là những mưu-kế gian hùng sắp-đặt để mượn oai tín của nhà vua mà bành-trướng thế-lực thâu-phục nhơn-tâm để đoạt sơn-hà tranh vương-bá.
Quả thiệt ngay hay là phải nghi gian ?
Lẽ ngay với lẽ gian đồng nhau, không thể phân biệt được, bởi vậy Định-Vương lưỡng-lự không dám tin là cũng chưa dám nghi.
Giữa lúc Định-Vương nghe lời sàm-tấu không phân chơn giả được, nên lo-ngại đêm ngày, thì Thanh-Nhân không dè miệng lằn lưỡi mối[1] bày chuyện làm cho ly-gián quân thần, nên cứ hăng-hái tập tướng mộ binh, để gây cho được một lực lượng hùng cường đủ sức phá giặc.
Một buổi sớm mai, tướng-sĩ đương luyện-tập tại võ-trường, có một nên quân thú lại đồn Cá Trê, ngoài Nhà Bè, hào-hển chạy về báo tin hồi gần sáng có lối 10 chiếc thuyền lớn nhỏ chở binh lúc-ngúc ở ngoài cửa Cần-Giờ từ từ đi vô.
Tướng Lê-Văn-Quân thủ đồn Cá Trê, triệt lại hỏi binh của ai, chở đi đâu. Người ta trả lời rằng binh tướng phò Đông-Cung vào Gia-Định hiệp với Hoàng-Thượng. Ông Quân không tin, buộc phải đậu lại mà chờ lịnh, nếu cãi lời thì trên đồn bắn xả. Ông Quân dạy phải chạy về thành báo tin cho Tổng Chỉ-Huy hay vì không biết phải binh Tây-Sơn giả mạo hay không.
Thanh-Nhân hay tin trọng-hệ như vầy liền dạy đánh trống gom binh-tướng vào thành, sai Nguyễn-Lượng chọn 100 binh cung nỏ lập tức đem ra đồn Cá Trê tiếp với Lê-Văn-Quân rồi đại binh sẽ theo sau liền.
Binh-sĩ nghe báo-động lật-đật nai nịt gọn gàng, lấy binh-khí cầm tay đặng chờ tướng lãnh phân đội ngũ thì sẵn sàng đặng nghinh địch.
Trong Hoàng-Cung thấy xao-xuyến, Định-Vương sai Hà-Văn-Lân lại Bộ Chỉ-Huy hỏi coi có việc chi.
Minh-Giám theo Hồ-Văn-Lân lại Hoàng-Cung tâu cho Chúa hay có cả chục chiếc thuyền chở binh vào tới Nhà Bè. Đồn chận lại tra vấn thì dưới thuyền nói rằng binh-sĩ phò Đông-Cung vào Gia-Định tìm Chúa. Không biết thiệt giả lẽ nào nên Tổng Chỉ-Huy sắp đặt phân binh nghinh địch.
Định-Vương nói trước khi ngài xuống thuyền vào
Minh-Giám tâu rằng bọn Tây-Sơn có thể mạo xưng binh của Đông-Cung đặng vào thành. Nếu mình tin lời để cho chúng thâm-nhập thì mắc mưu của chúng. Định-Vương phái Hồ-Văn-Lân theo Thanh-Nhân ra Nhà Bè xem-xét, nếu quả thiệt có Đông-Cung Dương rồi sẽ cho vào.
Minh-Giám với Hồ-Văn-Lân trở lại Bộ Chỉ-Huy mà chuyển đạt ý của Chúa cho Thanh-Nhân biết. Thanh-Nhân định kéo ba đại-đội gồm 500 binh mà đi với Hà-Văn-Lân, còn số binh dư, kể đến cả ngàn thì giao cho Võ-Nhàn với Minh-Giám điều khiển mà thủ-thành và phò giá. Binh-tướng rần-rộ mở cửa thành ra đi, mọi người đều hăng-hái, cương quyết chiến-đấu, không nhút-nhát lo sợ chút nào.
Ra tới đồn Cá Trê, Thanh-Nhân thấy chiến-thuyền đậu một dọc dựa mé sông, đếm hơn 10 chiếc, có binh cung nỏ của Nguyễn-Lượng đã ra tới trước, nên dàn ngay một đạo chiến-thuyền mà gìn-giữ, không cho binh lạ đổ bộ công đồn. Thanh-Nhân ra lịnh dừng binh, dàn đội ngũ gây thành mặt trận rồi cùng với Hồ-Văn-Lân đi lại mé sông tỏ lời xin Đông-Cung yết kiến.
Đông-Cung Dương ở trong chiếc thuyền thứ ba, bước ra đứng trước mũi. Hồ-Văn-Lân nhìn xem quả thiệt Đông-Cung. không còn nghi-ngờ gì nữa, mới bàn tính với Thanh-Nhân đặng cho đoàn thuyền vào sông Bến Nghé. Thanh-Nhân chịu cho Đông-Cung tấn binh nhưng dặn tới Bến-Nghé thì Đông-Cung nhập thành, còn tướng-sĩ phải ở ngoài chờ lịnh, không được vào thành liền.
Đoàn chiến-thuyền của Đông-Cung kéo neo mà đi, Thanh-Nhân đi với Nguyễn-Lượng cũng rút binh trở về. Đi dọc đường Hồ-Văn-Lân mới cắt nghĩa cho Thanh-Nhân hiểu Nguyễn-Phước-Dương là cháu kêu Định-Vương bằng chú, cũng như Hoàng-tử Ánh. Khi chạy ra Quảng-Nam, Định-Vương chấp thuận lời của đình-thần tâu, nên phong Dương làm Đông-Cung và giao quyền điều khiển binh-đội cùng tướng lãnh mà chống với giặc, rồi Định-Vương mới xuống thuyền vào
Thanh-Nhân vui mừng mà nói: “Binh của tôi bây giờ đã được vài ngàn rồi. Nếu binh của Đông-Cung có tới vài ngàn nữa, hai đạo binh chung sức thành một lực-lượng khá mạnh. Dầu Tây-Sơn đem 10 ngàn binh vào đánh với ta không dễ gì mà thắng ta nổi. Nhưng không biết Đông-Cung có tướng cao-tài, có binh thiện-chiến, binh tướng có tinh-thần chiến-đấu mạnh-mẽ hay không. Nếu đạo binh của Đông-Cung không háo-chiến, không cảm-tử, thì dầu được mấy ngàn cũng vô ích”.
Hồ-Văn-Lân nói: “Khi Chúa-Thượng cùng cung quyến ra Quảng-Nam thì chỉ có vài toán quân nhỏ hộ-tống mà thôi. Binh của Triều-đình với các tướng lãnh đều ở lại đặng giữ-gìn Thuận-Hóa. Không biết binh Đông-Cung đem vào đây là binh Triều hay là binh mới chiêu mộ ở vùng Quảng-Nam. Để Đông-Cung vào yết kiến Hoàng-Thượng rồi sẽ biết”.
Binh rút về tới Bến-Nghé, Thanh-Nhân dàn ra dọc theo mé sông dạy Nguyễn-Lượng với các tướng điều khiển, dặn hễ thuyền tới thì để cho Đông-Cung với các quan tùy-tùng lên bờ đặng vào thành, còn binh-sĩ thì để ở dưới thuyền, đừng cho đổ bộ. Sắp đặt xong rồi, Thanh-Nhân với Hồ-Văn-Lân vào thành yết kiến Định-Vương và tâu mọi việc cho Chúa nghe. Định-Vương hay Đông-Cung vào, lại có binh theo, thì lộ sắc vui mừng. Ngài chấp thuận hễ thuyền vô tới thì cho Đông-Cung Dương vào với bộ-hạ nhập thành, còn binh-sĩ thì tạm để dưới thuyền rồi sẽ liệu mà xử-dụng[2] tùy số nhiều-hay ít. Thanh-Nhân dạy Võ-Nhàn ra bến hiệp với Nguyễn-Lượng mà điều-khiển mấy đội ở ngoài thành.
Minh-Giám muốn cho Đông-Cung nhập thành, thấy nghĩa-binh Đông-Sơn hùng-tráng, chỉnh-tề, mới dạy chư-tướng gom hết số binh còn lại trong thành, mọi người đều phải nai-nịt như xuất trận và phải có binh-khí tùy thân cho sẵn-sàng.
Gần nửa chiều, đoàn thuyền của Đông-Cung mới tới bến. Đông-Cung lên bờ với năm, sáu thuộc tướng. Thanh-Nhân, Minh-Giám với Trương-Hậu, Hà-Khâm chực sẵn tại bến mà tiếp rước đặng đưa vào thành.
Đông-Cung thấy binh Đông-Sơn dàn dọc theo mé sông, tưởng Định-Vương dạy dàn binh nghinh tiếp nên ngó mà cười. Đến cửa thành thấy cờ có đề bốn chữ “Nghĩa-binh Đông-Sơn” thì lấy làm kỳ. Chừng nhập thành lại thấy binh đông cả ngàn, hàng-ngũ chỉnh-tề, bộ tướng hùng-vĩ.
Đưa đến Hoàng-Cung, Thanh-Nhân với Minh-Giám để cho Trương-Hậu với Hà-Khâm đem Đông-Cung vào yết-kiến Định-Vương, hai người dắt nhau về Bộ Chỉ-huy mà nghỉ.
Ban tối, Hồ-Văn-Lân lại Bộ Chỉ-huy cho Thanh-Nhân với Minh-Giám hay rằng, số binh dưới thuyền được ba ngàn.
Binh ấy là binh của Lý-Tài, chư-tướng cũng vậy, chớ Đông-Cung không có gì hết. Lý-Tài là Người khách Trung-Hoa, cựu tướng của nhà Minh. Khi nhà Thanh dứt nhà Minh, Lý-Tài bèn trốn qua ở vùng Bình-Định, Quảng-Ngãi. Chừng Tây-Sơn dấy loạn, anh ta hàng-phục Tây-Sơn và kéo phe đảng ra đánh Quảng-Nam. Sau nầy anh ta phản Tây-Sơn đem hết bổn bộ binh theo phò Đông-Cung vào đây.
Thanh-Nhân châu mày hỏi:
- Tại sao ông được biết rõ như vậy ?
- Hồi chiều Đông-Cung tỏ thiệt với Hoàng-Thượng, có tôi ở đó, nên tôi mới hiểu chớ.
- Nếu vậy thì có Lý-Tài vào đây ?
- Năm người theo Đông-Cung mà nhập thành hồi chiều, người lớn tuổi hơn hết đi khít một bên Đông-Cung đó là Lý-Tài. Còn bốn người kia là thuộc tướng của anh ta.
- Binh tướng như vậy, nay ở bên nây, mai nhảy qua theo bên kia, phản bội không chừng, thì lào sao mà dám tin cậy.
- Bởi vậy tôi mới lật-đật cho ông hay. Mà còn việc nầy nữa: Từ hồi chiều, Đông-Cung với Lý-Tài rúng ép quá nên Định-Vương đã nhường ngôi cho Đông-Cung, ngài lãnh ngôi Thái-Thượng-Hoàng, cũng thư ông hàm, không có quyền-hành chi hết. Lý-Tài với bộ-tướng tôn Đông-Cung Dương lên ngôi Chúa, xưng hiệu Tân-Chánh Vương liền. Tân-Chánh Vương cử Lý-Tài làm Đại Nguyên-Soái. Còn 4 bộ-tướng của Lý-Tài thì được phong chức Chưởng-Cơ. Bọn Lý-Tài nài xin cho có chức tước đặng đủ oai quyền mà bắt dân đi lính, lập thành binh đội để đem ra ngoài đánh dẹp Tây-Sơn mà khắc phục kinh-thành Thuận-Hóa.
Minh-Giám chắc lưỡi mà than: “Chí lớn quá ! Nhưng chắc thành-công được hay không ? Tôi sợ không lấy nhơn-nghĩa mà khuyến-dụ dân, lại dùng cường-quyền mà rúng ép dân, làm cho lòng dân đã không cảm mến mà còn oán thù, thì khó mà nên việc lớn được. Đương lúc non sông xao-xuyến, quốc-gia nguy nan, lòng người phân-vân, việc nước rắc-rối, nếu muốn bình-định sơn-hà đặt an bá-tánh, điều cần là phải chinh-phục nhơn tâm. Mà muốn chinh-phục nhơn-tâm thì phải vừa có tài vừa có đức, vừa mạnh-mẽ, vừa khôn-ngoan đức tài đi đôi, mạnh khôn gồm đủ, làm cho thiên-hạ kính-mến quí trọng, họ hăng-hái qui-phục, thành tâm phò-trì thì mới mong cử đồ đại-sự. Bọn Lý-Tài ở ngoài kia, cũng như bọn Huỳnh-Tấn với Dương-Ngạn-Địch ở trong nầy hồi trước, là bọn người Tàu mất nước, trốn qua xin tá-túc với Chúa ta. Bình-thường chúng dùng gian dối làm kế sinh nhai, khi ly-loạn chúng theo ngụy-tặc đặng cướp giựt. Chúng không có tài, không có đức. Dân ta không phải chung một chủng-tộc với chúng, thế thì làm sao mà chúng chinh phục được nhơn-tâm. Nước ta không phải là quê-hương của chúng, chắc gì chúng thành thiệt yêu thương đất nước nầy nên gắng công bình-định cho quốc thới dân an. Chúng thấy nước đục vội-vã thả câu. Thả bên phía Tây-Sơn kiếm chút đỉnh cá rồi, có vốn chúng mới xây qua phía bên nây tưởng có lẽ sẽ câu được cá lớn. Chúng theo phò Đông-Cung chắc-chắn chúng cầu danh xạ lợi, chớ đâu phải chúng quyết cứu dân giúp nước. Lý-Tài đòi cho được chức đại Nguyên-Soái còn bộ-hạ của nó đều được chức Chưởng-Cơ, bấy nhiêu đó đủ thấy chí-hướng của bọn đó rồi. Còn tính dùng oai-quyền đặng ép buộc dân chúng phải cầm gươm đao mà theo mình, làm như vậy thiệt là thất sách, thất sách nặng, đã vô-ích mà sợ còn gây họa nữa. Đông-Cung lên ngôi Tân-Chánh Vương không thấy cái họa đó hay sao ?”
Hồ-Văn-Lân thở dài mà đáp:
- Có lẽ không thấy. Mà chánh Tân-Chánh Vương phong quyền tước cho chúng nó đó chớ ai...
- Còn Chúa Định-Vương, sao Chúa không cản ?
- Ngài đã chịu lãnh ngôi Thái-Thượng Hoàng, còn quyền-hành gì đâu mà cản được. Huống chi về quân sự thì từ khi còn ở Quảng-Nam Chúa đã giao hết cho Đông-Cung chấp-chưởng. Bây giờ Chúa có quyền đâu mà can-thìệp.
Minh-Giám chắc lưỡi lắc đầu mà nói: “Hư rồi !... Hư hết !... Còn gì mà mong tính đại-cuộc, mong được thành-công”. Thanh-Nhân ngồi êm mà nghe hai người nói chuyện, nhưng trong lòng hừng-hực chịu không nổi, nên bực hỏi lớn: “Lý-Tài làm Đại Nguyên-Soái còn tôi đây làm cái gì ? Tôi làm lính cho nó hay sao ?”.
Hai người kia lặng thinh.
Thanh-Nhân nói tiếp: “Tôi biết có Chúa Định-Vương mà thôi, chớ tôi không biết có Đông-Cung hay Tây-Cung nào hết. Ai muốn làm Tân-Chánh Vương, ai muốn làm đại Nguyên-Soái thì đi chỗ khác mà làm. Thành nầy trước kia Tây-Sơn đã chiếm-cứ. Nghĩa-binh Đông-Sơn đoạt lại được thì nghĩa-binh Đông-Sơn làm chủ. Nếu Đông-Sơn rước Chúa Định-Vương về đây, ấy là vì Đông-Sơn nghĩ tình tôi chúa, nên cho Chúa tạm-trú cho an-thân vậy thôi. Chúa chịu nhượng ngôi, nhượng quyền cho người khác cái đó tự ý Chúa. Đông-Sơn không phép cản, còn nếu Chúa muốn nhượng luôn thành-trì nầy nữa, thì cái đó không thể được vì Chúa không có quyền giao thành của Đông-Sơn cho người khác. Ai muốn tranh thành nầy thì phải chiến cho bại nghĩa-binh Đông-Sơn rồi mới đoạt thành mà ở. Ông Hồ làm ơn về tâu cho Chúa Định-Vương biết rằng tôi thành tâm phò Chúa, chết sống không màng, nhưng ngoài Chúa ra thì tôi không cần biết ai khác. Tôi không thèm biết Tân-Chánh Vương hay Đại Nguyên-Soái nào hết”.
Thanh-Nhân nói dứt lời liền bước ra ngoài kêu Trần-Hạo mà dạy phải cắt người lập tức đi ra các đồn gom nghĩa-binh về thành hết, về nội trong đêm nay, bỏ đồn trống không cần giữ nưa.
Hồ-Văn-Lân thành-thật mến tài đức của các tướng chỉ-huy nghĩa-binh Đông-Sơn, nghe Thanh-Nhân nói cương-quyết quá thi châu mày lo-ngại. Chừng Thanh-Nhân ra ngoài rồi, Hồ Hộ-giá mới nói với Minh-Giám:
- Theo lời Đỗ Chỉ-Huy nói đó, tôi sợ không tránh khỏi xung đột.
- Ổng nòi trúng lý, chớ có phải nói ngang tàng đâu. Nếu cần phải xung-đột thì thối-thác sao được. Tướng-sĩ Đông-Sơn bao giờ chịu để cho ai lấn-lướt.
- Nếu xung-đột thì nguy to, ông nghĩ coi: Bên Tây-Sơn ba anh em Nhạc, Lữ, Huệ đều một lòng một dạ, trên dạy dưới vâng, không chống cự cãi lẽ. Bên mình, binh Đông-Sơn quyết đánh dẹp Tây-Sơn, bây giờ Đông-Cung đem binh Lý-Tài vào đây cũng nói quyết đánh dẹp Tây-Sơn. Chưa thấy giặc mà Đông-Sơn với Lý-Tài ghìm nhau, đánh nhau, cả hai đều giảm sức hết, rồi chừng Tây-Sơn vào còn sức đâu mà chống cự. Mình xung-đột với nhau, bấy nhiêu đó đủ cho Tây-Sơn thắng-lợi, còn đủ cho mình chết hết. Ông không thấy hay sao ?
- Tôi thấy lắm chớ. Nhưng chết thì chịu chớ biết làm sao bây giờ. Ông muốn khỏi chết thì ông phải tâu rõ tình hình cho Chúa Định-Vương biết mà sửa chữa. Nếu Chúa không chịu hòa-giải thì Chúa cũng phải nguy với mình.
- Nghĩa-binh Đông-Sơn chịu nhượng-bộ một chút có lẽ êm được.
- Nghĩa-binh Đông-Sơn vì nghĩa-vụ công-dân, vì danh-dự xứ sở, nên hiệp nhau lập thành lực-lượng đề cứu dâu giúp nước. Vì nghĩa-vụ, nhứt là vì danh-dự đó không bao giờ nghĩa-binh chịu nhượng bộ đâu. Thà chết chớ chịu quật-hạ người khác sao được. Ông về cắt nghĩa rõ cho Hoàng-Thượng nghe. Chúng tôi đã quyết-định làm đầu con gà, chớ không chịu làm đít con trâu.
- Để về tôi tâu thử, coi Hoàng-Thượng liệu lẽ nào.
Hồ-Văn-Lân đứng đậy từ Minh-Giám mà về.
Cách một hồi, Thanh-Nhân ở ngoài bước vô nói với Minh-Giám:
- Tôi đã ra lịnh gom hết binh tướng các đồn về lập tức, về nội đêm nay phải chiến với bọn nầy cho chúng nó biết mặt Đông-Sơn.
- Nghe ông Hồ-Văn-Lân nói chuyện hồi nãy, tôi đã nhận thấy Chúa Định-Vương nhu-nhược, quen để cho tả hữu cướp quyền, còn Đông-Cung Dương thiếu sáng-suốt nên tín-nhiệm một tướng cướp ngoại bang đến nỗi giao tất cả binh-quyền cho nó làm không biết. Nếu Lý-Tài bình loạn Tây-Sơn được, ai dám chắc nó không thừa oai thế mà tiếm vị đoạt ngôi. Nếu Lý-Tài không chống nổi với Tây-Sơn, tôi sợ e Chúa phải chịu họa chung với nó. Tôi cũng nhận thấy ông Hồ-Văn-Lân bất mãn về sự Chúa thối-vị và nhường ngôi cho Tân-Chánh Vương, mà ông cũng bất bình về sự Tân-Chánh Vương lật-đật phong quyền tước cho bọn Lý-Tài, không quan-sát tình-hình cho châu-đáo. Có lẽ Tân-Chánh Vương thấy Lý-Tài có mấy ngàn binh nên mau mau níu nó mà nương dựa. Đương chơi-vơi giữa dòng, gặp thứ gì cũng quơ níu, không cần chọn lựa. Lại chuyện truyền ngôi phong tướng chắc đã sắp đặt trước rồi mới vào đây. Tôi thấy đại họa sắp tới trong một ngày gần đây. Nếu mình qui-phục họ thì mình sẽ chết chung với họ, chết mà không danh-dự chi hết. Theo tôi thì mình nên ly tán trước thì tốt hơn.
- Tôi đã có nói hồi nãy, tôi không qui phục ai hết. Tôi sẽ đánh. Tôi đã sắp-đặt rồi. Sáng mai tôi tâu cho Chúa Định-Vương biết, tôi không nhìn nhận Chúa nào khác, tôi không chịu ở dưới quyền người nào khác, tôi sẽ đuổi Tân-Chánh Vương với bộ-hạ ra khỏi thành của tôi. Nếu muốn có chỗ dung thân thì đi kiếm Tây-Sơn mà đánh rồi chiếm đất đoạt thành mà ở. Tôi không bằng lòng cho ở trong thành của tôi. Nếu quyết ở đây thì phải đánh nghĩa-binh Đông-Sơn cho tiêu-tan hết rồi đoạt thành mà ở.
- Tôi có dặn ông Hồ-Văn-Lân về chuyển đạt ý của chúng ta y như lời ông nói nãy giờ đó, tâu ngay cho Chúa Định-Vương biết trước, đừng giấu chi hết. Đợi coi Chúa xử trí lẽ nào rồi sẽ hay.
- Chúa xuôi-xị mà xử giống gì. Theo tôi thì phải nói bọn đó đi chỗ khác. Nếu chúng chống cự thì đánh đuổi.
- Tôi hiệp ý với ông về sự cương-quyết kháng cự. Đông-Sơn phải đưa tay trợn mắt là vì tới đây người ta không thèm kể tới Đông-Sơn, đoạt ngôi phong tướng tự-do coi như đất nước của họ, thành-trì của họ, chúng ta là trâu ngựa của họ nên họ muốn làm gì thì họ làm. Chúng ta phải trợn mắt đập bàn cho họ kinh tâm, hết dám khinh-thị nhơn-dân Gia-Định, nghĩa-sĩ Ba Giồng nữa vậy thôi. Tuy tôi đã có dặn ông Hồ-Văn-Lân tâu cho Chúa Định-Vương biết rằng chúng ta bất bình nên quyết chống cự, tuy ông đã có sắp-đặt hệ-thống để khai chiến, tuy sáng mai vào chầu Chúa Định-Vương, dầu có mặt Tân-Chánh Vương với bọn Lý-Tài, ông cứ kháng cự không cho nhập thành, nếu phải chiến đấu, Đông-Sơn cũng không nhượng bộ, song phải đợi coi Chúa Định-Vương với Tân-Chánh Vương xử trí cách nào rồi tôi sẽ liệu chước hòa-giải, cho khỏi chiến đấu.
- Hòa giải rồi bọn mình phải làm tay sai cho chú khách Lý-Tài đó hay sao ?
- Không mà. Làm tay sai sao được. Mình phải cao hơn, ít nữa cũng tương-đương với Lý-Tài chớ. Ông khỏi lo, để đó mặc tôi liệu cho. Tôi phải đòi quyền tổng Chỉ-Huy về mình, binh-đội của Lý-Tài mình được xử dụng. Nếu họ không chịu, họ định hai đạo binh riêng biệt, ai chỉ-huy binh nấy, không ai dưới quyền ai thì tôi làm bộ bất mãn, rồi giận nên bỏ hết, rút nghĩa-binh Đông-Sơn trở về Ba Giồng an-dưỡng nhuệ-khí và biệt-lập căn-cứ mà chờ vận hội xuôi thuận sẽ diệu-võ dương-oai, phất cờ hồi trống, kéo ra chiến-trường thâu-hoạch đại nghiệp.
- Không đánh, lại trở về Ba Giồng, thì còn gì thinh-danh ? Người ta sẽ chê nghĩa-binh Đông-Sơn khiếp nhược, ai thèm kính mến phục-tùng mình nữa ?
- Ông là võ-tướng, ông chỉ tập cái “cang” mà thôi, ông không chịu học, cái “nhu”. Muốn ra mặt vĩ-nhơn phải gồm đủ “cang” với “nhu” mới gây đại nghiệp đuợc. Gặp lúc cứng thì phải cứng-khừ[3], gặp hồi phải mềm thì mềm-mỏng. Đó là đạo của người quân-tử. Ông đừng tưởng tôi sợ thua nên không dám chiến với lính của Lý-Tài. Mình hai ngàn, chúng nó ba ngàn, nhưng mình có tinh-thần mạnh, mình có thể nào thua được mà tôi sợ. Nhưng tôi không muốn chiến với Lý-Tài, lại tính rút nghĩa-binh của mình về Ba Giồng, ấy là vì tôi nhận thấy chìến-đấu, dầu mình thắng mình cũng phạm đại-nghĩa, hạng sĩ-phu có kiến-thức họ sẽ chê cười mình rồi thinh-danh nghĩa-binh của mình sẽ bị lem-ố. Còn rút binh về Ba Giồng, mình có lợi nhiều, ấy là tránh khỏi chết chung với hạng người bất tài, vô trí, mù quáng, nhu-nhược, đúc tinh-thần đặng chờ cơ-hội mà cử đồ đại-sự.
- Tại sao đánh mà phạm đại-nghĩa ?
- Đông-Cung Dương là cháu kêu Chúa Định-Vương bằng chú, nghĩa là cũng thuộc dòng tôn thất. Định-Vương đã lập ông Hoàng Dương làm Đông-Cung thì bây giờ cũng có quyền nhường ngôi Chúa cho Đông-Cung. Còn ông Hoàng Dương đã làm Đông-Cung, bây giờ được Chúa truyền ngôi, thì ngài tức-vị xưng là Tân-Chánh Vương. Truyền ngôi với nối ngôi đều hợp-pháp, chớ có phải soán-đoạt hay sao mà mình bất-bình, không chịu tùng-phục Tân-Chánh Vương. Còn Tân-Chánh Vương đã nắm quyền làm Chúa, thì tự-nhiên ngài đủ điều kiện mà tuyển tướng phong quan đặng lập Triều-đình. Ngài cử Lý-Tài làm Soái và phong chức cho các bộ-tướng của Lý-Tài, việc ngài làm thì hợp-pháp, có chỗ nào sái đâu mà mình trách được. Nếu mình chống với Tân-Chánh Vương mà khai chiến với bọn Lý-Tài, thì mình mang tiếng phản bội với Chúa và phiến-loạn trong nước. Té ra Đông-Sơn của mình đây cũng như Tây-Sơn ngoài kia, hai nhóm đều là cường-khấu như nhau. Dầu mình chiến với Lý-Tài mà thắng thì danh nghĩa cũng yếu mất, mình cũng là hạng người tranh quyền cướp lợi, làm sao được thiên hạ mến yêu kính-phục nữa. Mục-đích của nghĩa-binh Đông-Sơn là “cứu dân giúp nước”. Nhờ cái mục-đích cao quí đó, nên thiên-hạ mới phục-tùng. Nếu mình bỏ chánh-nghĩa, thì nhơn-lâm ly-tán, nghĩa-binh sẽ rời-rã. Thà là mình bước về Ba Giồng mà tu-dưỡng tinh-thần với nhuệ-khí để cho binh Tây-Sơn vào, Lý-Tài nó chiến với Tây-Sơn thử coi. Ở ngoài kia không chống nổi mới chạy vào đây. Bây giờ có tài phép nào mà thắng được. Tôi đoán chắc trong một ngày gần đây Tây-Sơn sẽ quét sạch đạo binh của Lý-Tài, dầu có chúng ta ở đó, chúng ta cũng không thể cứu nổi. Vậy chúng ta nên lui bước mà gây thêm lực-lượng cho đầy đủ, kiến-trúc căn-cứ cho vững chắc rồi ngồi xem thời-cuộc. Lưỡng hổ tranh-đấu tắc hữu nhứt thương. Hai bên đánh nhau phải có một bên thắng một bên bại. Phần thắng chắc về Tây-Sơn rồi. Hễ thắng thì chúng nó ơ-hờ. Mình thừa thế đánh một trận thì thành-công mỹ-mãn. Mình làm chủ tình-hình vì hai bên đều yếu hết.
- Ví như Lý-Tài thắng rồi liệu làm sao ?
- Cái đó không chắc. Nhưng gặp trường-hợp như vậy thì mình chờ xem, chờ như Lý-Tài hại dân hay hiếp Chúa thì mình cậy cớ đó mà phất cờ nghĩa-binh diệt-trừ tàn bạo, muôn dân đều theo, dầu một trăm thằng Lý-Tài cũng không cự với mình nổi. Mình xuất binh hữu danh, chánh-nghĩa, khỏi mang tiếng phản-bội hay phiến-loạn.
- Được… May có ông cắt nghĩa, tôi mới thấy chỗ quấy phải, dại khôn. Nếu không có ông tôi nóng, tôi làm liều thì phải mang tiếng mà còn hư việc nữa.
- Nếu bây giờ mình đánh với Lý-Tài, dầu mình thắng nó đi nữa, chừng Tây-Sơn vào mình chắc thắng luôn Tây-Sơn hay không ? Không chắc. Như mình thua, thành mất, binh tan, thì dễ gì mà gây lực-lượng lại được.
- Mưu của ông thiệt cao. Tôi sẽ làm theo.
- Mai ông khởi đầu chống-cự đi, rồi tôi liệu mà hòa giải.
Bàn luận rồi hai người mới phân tay đi nghỉ.
Bữa sau, vừa tảng sáng, mấy tướng thủ đồn ngoài vào trình diện với Bộ Chỉ-Huy và cho hay lính các đồn đã rút về đủ hết.
Thanh-Nhân với Minh-Giám căn dặn chư tướng phải cẩn-mật đề-phòng, hễ thấy binh dưới thuyền toan đổ-bộ công thành thì đâu đó phải sẵn-sàng đối-phó, đối-phó chớp-nháng và mạnh-mẽ.
Mặt trời mọc một lát thì Hồ-Văn-Lân cho hay chúa Thái-Thượng Hoàng đòi Thanh-Nhân với Minh-Giám đến Hoàng-Cung nghị-sự. Minh-Giám hỏi có tâu trước cho Chúa biết ý định của tướng-sĩ Đông-Sơn rồi hay chưa. Hồ-Văn-Lân nói hồi hôm về đã có tâu rành-rẽ rồi, lúc tâu có Tân-Chánh Vương ngồi đó. Hai chúa hay nghĩa-binh Đông-Sơn bất bình về sự truyền ngôi phong tướng thì lộ sắc lo-ngại.
Hai Chúa bối rối muốn tìm chước để vỗ-về mọi người, làm cho trong ấm ngoài êm, trên dưới một lòng một trí mà chung lo việc lớn. Không hiểu hai Chúa định chước thế nào mà sáng nay đã triệu hai ông lãnh-đạo nghĩa-binh Đông-Sơn.
Thanh-Nhân với Minh-Giám sửa áo bịt khăn đi theo Hồ-Văn-Lân. Có mấy tướng Đông-Sơn đứng ngoài sân lóng-nhóng dòm chừng chờ hiệu-lịnh đăng lập tức huy-động.
Thanh-Nhân với Minh-Giám mạnh mẽ bước vào Hoàng-Cung bái-yết hai Chúa.
Thái-Thượng Hoàng nói với Tân-Chánh Vương: “Hai ông đây là Tổng Chỉ-Huy và Tham-Mưu Trưởng cầm đầu đạo nghĩa-binh Đông-Sơn. Đạo binh nầy có công lớn với Trièu-đình vì đã phá tan đạo binh của Nguyễn-Lữ, đốt hết chiến thuyền của giặc, khắc phục được thành-trì rồi nghinh-giá trở về thành mà phò tá”.
Thái-Thượng Hoàng day qua nói với hai lãnh-tụ Đông-Sơn: “Ta công nhận hai người có công lớn với Triều-đình. Hôm nọ ta có hứa chừng sơn-hà bình-định rồi ta sẽ phong tước gia quyền cho xứng đáng. Hôm nay Tân-Chánh Vương là cháu ta, đem binh vào đây thành lập căn-cứ rồi tấn-công Tây Sơn. Ta nhường ngôi Chúa cho Tân-Chánh Vương để rộng quyền tổ-chức binh-bị. Sao ta nghe nghĩa-binh Đông-Sơn lại tỏ ý bất bình, không chịu phục-tùng Tân-Chánh Vương, cũng không chịu cho binh triều nhập thành, có phải vậy hay không ?
Thanh-Nhân đáp: “Tâu Hoàng-Thượng, thiệt quả có như vậy. Anh em nghĩa-binh Đông-Sơn đánh đuổi Tây-Sơn mà đoạt lại thành nầy nên họ mới nói thành nầy là thành riêng của họ, phải để riêng cho họ gìn-giữ, không được cho kẻ khác chen vào. Còn nghĩa-binh Đông-Sơn nghinh-giá Hoàng-Thượng về thành mà phò-tá thì chỉ biết một mình Hoàng-Thượng mà thôi, chớ không cần biết ai nữa. Anh em đều cương quyết chống giữ thành-trì. Binh dưới thuyền nếu muốn đoạt thành thì phải đánh bại nghĩa-binh Đông-Sơn rồi mới chiếm thành được”.
Thái-Thượng Hoàng nói: “Nếu đánh nhau thì thành nồi da xáo thịt, gà một chuồng lại đá nhau, không đoàn-kết mà còn thù-hềm, thì làm sao chống với giặc Tây-Sơn cho nổi”.
Thanh-Nhân đáp: “Tâu Hoàng-Thượng, đất Gia-Định rộng lớn gồm nhiều trấn khác chớ không phải có một trấn nầy. Nếu binh của Tân-Chánh Vương thành-thiệt muốn có một căn cứ đặng đánh với Tây-Sơn thì lên thủ Trấn-Biên mà ngăn đường bộ hoặc ra thủ Thất Kỳ Giang mà ngăn đường biển, hễ Tây-Sơn vào thì chận đánh liền. Ở Phan-Trấn đã có nghĩa-binh Đông-Sơn giữ rồi, cầm gì mà phải tranh giành ở đây nữa”.
Tân-Chánh Vương nói: “Sái-gòn là thủ-đô đất Gia-Định. Chúa vào thì phải ở đây chớ đi đóng binh trấn khác sao được”.
Thanh-Nhân cương-quyết nói: “Ở đây thì phải xung-đột. Nghĩa-binh Đông-Sơn nhứt định không chịu chung chạ với đạo binh nào khác, mà cũng không chịu tùng quyền người không phải là tướng lãnh của họ, nhứt là người ấy không thuộc một chưởng-tộc với họ”.
Tân-Chánh Vương cười mà hỏi: “Họ không bằng lòng cho Lý-Tài làm Đại Nguyên-Soái phải hôn ? Họ quấy lắm. Lý-Tài là một cựu đại-tướng của Trung-Quốc, lão-luyện về cách điều binh khiển tướng, võ-nghệ cao, kinh-nghiệm nhiều. Người đó đáng làm Nguyên-Soái, vì vậy nên ta mới chọn mà giao binh-quyền. Nếu họ không biết nên không chịu tùng-phục Lý-Tài thì họ chọn người của họ mà cử làm Nguyên-Soái chỉ-huy họ, có khó gì đâu. Hai đạo binh có hai Nguyên-Soái riêng, bên nào điều khiển binh bên nấy cũng dược”.
Minh-Giám thấy Thái-Thượng Hoàng lo ngại, sợ hai đạo binh xung đột rồi lại thấy Tân-Chánh Vương hòa-nhã, muốn nhượng-bộ cho êm, đã chịu cho Đông-Sơn cử một Nguyên-Soái riêng, không tùng quyền với Lý-Tài, như vậy thì thinh-danh của nghĩa-binh Đông-Sơn vẹn toàn, hào khí của đất nước Gia-Định rực-rỡ. Được hãnh diện với bọn Lý-Tài rồi, ông nghĩ không nên khiêu-khích quá mà làm mất ý bề trên, ông mới tính dung-hòa để vừa lòng Chúa, mà cũng để bước tránh tai-họa, ông mới chen vô tâu với Tân-Chánh Vương: “Nghĩa-binh Đông-Sơn của chúng tôi lập ra với mục-đích cứu dân giúp nước. Chúng tôi hăng-hái làm nghĩa-vụ để đạt cho được mục-đích đó không màng lợi-lộc, không ham tước-quyền. Nay Hoàng-Thượng tỏ ý muốn cho nghĩa-binh Đông-Sơn cử một vị Nguyên-Soái để điều-khiển cũng như đạo binh của Hoàng-Thượng. Đã mang cái danh nghĩa-binh, tướng-sĩ lớn nhỏ yêu nhau, kính nhau cũng như anh em một nhà, hễ hữu sự thì bàn tính với nhau, không cần Nguyên-Soái. Không có Nguyên-Soái mà chúng tôi cũng đã chiến-thắng được, không đợi phải mang chức tước rổn-rảng mới thắng trận. Hồi nãy Hoàng-Thượng nói: Phan-Trấn là thủ-đô của dất Gia-Định. Làm Chúa phải ngự thủ-đô. Binh tướng Triều-đình phải luôn luôn một bên Chúa. Hoàng-Thượng phán như vậy là hợp lý. Không dám trái ý Hoàng-Thượng, nếu phản-kháng té ra phản Chúa, vì vậy chỉ vì cớ đó mà thôi, chúng tôi phải ép bụng, dâng thành Sài-gòn của chúng tôi để Hoàng-Thượng làm căn-cứ, chúng tôi sẽ rút về đất Ba Giồng rồì tản-mác lo làm ruộng, câu cá mà nuôi sống…”
Thái-Thượng Hoàng nghe nói như vậy bèn chận hỏi:
- Giải-tán nghĩa-binh Đông-Sơn, rồi chừng có giặc mới làm sao ?
- Tâu Hoàng-Thượng, có khó gì đâu. Tướng-sĩ đã luyện-tập rồi, hễ hữu-sự thì tướng-sĩ ôm nhung y, cầm binh-khí ra đi liền, có sao đâu mà sợ.
- Thành nầy rộng lớn. Vậy hai đạo binh ở hết trong thành được, cần gì phải dời một đạo về Ba Giồng.
- Tôi thấy ở chung không tiện. Hai đạo binh đối diện với nhau, tướng bất đồng chưởng, binh bất đồng tâm. Hai đạo binh như vậy ở chung một chỗ tự-nhiên phải xung-đột, dầu làm thế nào cũng không tránh khỏi. Mình với mình xung-đột thì lợi cho bên địch, còn hại cho bên mình. Vậy nên chúng tôi vì nước nhà nhà tránh sự xung-đột đó, chớ không có ý chi khác”.
Tân-Chánh Vương không thấy nổi mưu-mô sâu-sắc của Minh-Giám, nghe xin rút nghĩa-binh Đông-Sơn về Ba Giồng thì mừng nên nói: “Ông tính như vậy thì vẹn-toàn. Nghĩa-binh hễ cần dùng thì tựu họp, hết cần dùng thì giải tán. Duy có binh chánh-qui mới ở thường-xuyên”.
Minh-Giám chúm-chím cười mà đáp: “Vậy chúng tôi nghiêng mình từ-biệt hai Chúa đặng ra sắp đặt rút binh đi cho sớm”.
Minh-Giám với Thanh-Nhân bái hai Chúa mà lui ra. Lê-Đại-Chí đứng chực ngoài cửa thấy Minh-Giám đi ra thì theo mà ra sân rồi níu ông đứng lại mà nòi nhỏ: “Ông ác quá ! Ông kiếm bề thoát thân, còn ông bỏ bọn tôi cho chúng làm thịt hay sao ?”
Mình-Giám châu mày dụ dự một chút rồi đáp:
- Vì sợ ở đây rồi mang tiếng loạn-thần tặc-tử, nên chúng tôi phải dời nghĩa-binh Đông-Sơn đi chỗ khác, chớ có mưu-kế gì đâu. Từ nay hai chúa với đình-thần có sẵn binh triều hộ-vệ, dưới quyền thống-lãnh của Đại Nguyên-Soái là một cựu đại-tướng của Trung-Hoa lão-luyện binh-pháp thì mấy ông còn lo sợ nỗi gì ?
- Lão-luyện binh-pháp sao lại bỏ chiến-địa mà vào đây ?
- Việc đó ông bạn hỏi Chúa Tân-Chánh Vương, chớ tôi có biết đâu mà hỏi tôi. Chúng tôi phải sắp đặt đặng cho nghĩa-binh đi gấp. Vậy nhơn dịp gặp nhau đây, chúng tôi có lời cáo-biệt ông. Xin ông nói giùm lại với ông Hồ-Văn-Lân, chúng tôi cũng có gởi lời chào ông. Có lẽ chúng ta cũng còn dịp khác gặp nhau nữa.
Thanh-Nhân trở lại từ-biệt ông Đại-Chí rồi cùng ông Minh-Giám đi về bộ Chỉ-Huy nhóm các tướng lãnh cho hay ý định của mình, dặn dạy sĩ tốt nấu cơm ăn sớm rồi phân từng đại-đội đạp đường bộ xuống Vũng-Gù mà về Ba Giồng.
Háo-Nghĩa coi về lương-thực, nghe nói binh Đông-Sơn phải đi bộ mà về, biết đi đường phải kiếm thuyền mà qua hai sông lớn, binh đông tự nhiên phải mất nhiều ngày giờ, mau lắm là chiều bữa sau mới tới Ba Giồng được, bởi vậy người phát gạo cho mỗi đội đem theo nấu ăn dọc đường.
[1] miệng con thằn lằn, lưỡi con rắn mố. Thằn lằn, rắn mối là hai loài bò sát: lời nói hạ cấp. thêu dệt, vu khống để gieo oan.
[2] Hiện nay viết là sử dụng
[3] lối nói của miền Nam. Cứng khừ, cứng ngắt: thật cứng