Đỗ nương nương báo oán

Chương IV. ĐÔNG-SƠN CỨU QUỐC

Đỗ-Thanh-Nhân đã có tài, có chí, có thế-lực, mà còn làm Chánh Hội-Trưởng cho “Ba Giồng Đồng-Chí Hội”, người có thêm oai-quyền nữa, bởi vậy hễ ra lịnh thì cả thảy nhơn-viên trong hội, bây giờ kể đến số ngàn, ai ai cũng phải tuân theo mà làm, không dám cãi lẽ, mà cũng không dám giảng-giải.

Trần-Minh-Giám là một nhà nho học hoạt bát, có mưu có trí, lại có nhiều sáng-kiến hay. Ông phụ-trách với Thanh-Nhân, ông tận tâm tiếp giúp, ông lại có tài coi người không sai. Được đàm-luận với văn-nhơn võ-sĩ ở xa mới đến xin nhập hội, trong vài ngày thì ông đã biết rõ tánh tình của mỗi người, ông cho Thanh-Nhân biết Võ-Nhàn tuy trẻ tuổi, song có đởm-lược, lại có dạ trung-thành, có tánh chánh-trực. Ông cho Võ-Nhàn hơn Lê-Văn-Quân xa, người ấy nên đại dụng.

Thanh-Nhân nghe lời mới phân võ-sĩ cho đi ở đủ ba giồng đặng rèn tập võ-nghệ cho hội-viên. Người định: Võ Nhàn, Nguyễn-Lượng, Trần-Hạo với Cao-Liêm phải ở giồng Thuộc-Nhiêu, vì giồng nầy có tới bốn võ-trường. Giồng Trấn-Định có ba võ-trường nên giao cho Lê-Văn-Quân, Lý-Thiện với Phan-Đình-Trụ tập luyện. Còn giồng Cánh-Én nhỏ, lại ít dân, nên lập có hai võ-trường, thì giao cho Lưu-Bạch-Khuê với Thái-Hồng-Tâm chăm-nom.

Văn-nhơn cũng chia đi mấy giồng đặng huấn-luyện tinh-thần. Thuộc-Nhiêu đã có Chánh, Phó Hội-Trưởng nên phụ thêm Phạm-Háo-Nghĩa mà thôi. Lê-Thứ-Tiên với Dương-Trung-Cự thì đi Trấn-Định, còn Huỳnh-Thiên-Hộ với Triệu-Bá-Vạn thì đi Cánh Én.

Tuy cắt phần cho mỗi người như vậy song vài ba ngày thì có Thanh-Nhân cỡi ngựa đến viếng một lần. Vì ở trên sốt-sắng chăm-nom nên ở dưới tập luyện hẳn-hòi, không dám bê-trễ.

Trong mấy tháng thì đã thấy đất Ba Giồng tạo sẵn cả ngàn người có thể làm chiến-sĩ ra trận vững-vàng, vừa có tinh-thần chiến-đấu thiệt cao, vừa hiểu binh-pháp công thủ rành-rẽ. Về binh-khí thì mọi người đều biết đùng đoản đao cả thảy, nhưng có tập riêng hai trăm người chuyên-môn bắn tên với một trăm người phóng lao.

Một bữa có người lên Phan-Yên Trấn dọ-thám trở về cho hay rằng Chúa Nguyễn Định-Vương đã dùng thuyền do đường biển vào tới Sài-gòn hôm đầu tháng. Chúa đem theo có một hoàng-tử lối 13 tuổi, có bốn quan với một chục lính thị-vệ hộ giá mà thôi. Hiện giờ Chúa ở trong thành Sài-gòn có quan Trấn phò-trì, nhưng binh Phan-Trấn bị tuyển đi tùng-chinh với quan Lưu Thú Long-Hồ hết nhiều, bây giờ trong thành còn lại ít chục lính canh tuần cầm chừng vậy thôi.

Thanh-Nhân với Minh-Giám nghe báo như vậy thì kinh-tâm biết Thuận-Hóa đã thất thủ, binh Triều đã tiêu tan, nên Chúa mới vượt biển vào Nam lánh nạn.

Thanh-Nhân liền sai người đi mời các võ-sĩ, các chủ xóm và các người có học-thức đến nhóm đặng nghị-sự.

Tối lại các người ấy đều đến đủ mặt. Thanh-Nhân đem tin mới nghe mà nói lại cho cử-tọa biết, rồi đề-nghị chọn lối 500 người cường-tráng đã được huấn-luyện thành-thục, phân làm đội ngũ rồi đem vô thành Sài-gòn xin hộ-giá Định-Vương. Các võ-sĩ đều hiệp ý đồng tình, nói rằng hội lập với mục-đích an dân cứu nước, đây là một dịp tốt cho hội đạt được mục-đích rất vẻ-vang.

Minh-Giám không ngăn cản, nhưng ông dè-dặt, ông khuyên phải sắp-đặt cho kỹ-lưỡng, vì đi xuất binh lần đầu cần phải thận-trọng, không nên hốt-tốc. Ông xin để cho ông lên Phan-Trấn quan-sát tình-hình và hỏi thăm lin-lức lại cho chắc-chắn. Ở nhà cứ tuyển binh cử tướng cho sẵn, tập luyện thêm cho tinh-tấn, nhưng phải chờ ông về rồi sẽ đem binh đi.

Thanh-Nhân biết Minh-Giám là người vừa cẩn-thận, vừa sáng-suốt, nên chấp-thuận đề-nghị của ông, cho dọn một chiếc thuyền rồi khuya sai người đưa ông đi.

Thanh Nhân ở nhà cùng với Võ-Nhàn và Lê-Văn-Quân đi đến các võ-trường chọn lựa những người trai trẻ mạnh-mẽ, tập luyện đã thành-thục, lập sổ biên tên 450 người, rồi chọn thêm 50 người giỏi nữa cho đủ số 500. Người nào được chọn rồi thì giao cho võ-sĩ huấn-luyện đặc-biệt thêm nữa, ung-đúc cho thành 500 binh tinh-nhuệ, có linh-thần mạnh-mẽ, có can-đảm đầy đủ, dám xung-phong hãm trận đặng làm rực rỡ cho đất Ba Giồng.

Số binh 450 thì phân làm ba đội, mỗi đội 150 người, Thanh-Nhân định:

- Võ-Nhàn chỉ huy đội thứ nhứt với Trần-Hạo phụ-trách;

- Lê-Văn-Quân chỉ-huy đội thứ nhì với Phan-Đình Trụ phụ-trách;

- Lưu-Bạch-Khuê chỉ-huy đội thứ ba với Thái-Hồng-Tâm phụ-trách.

Còn 50 binh bắn cung tên thì giao cho Nguyễn-Lượng chỉ huy.

Nguyễn-Lượng đi tiên-phong.

Đội thứ Nhứt là trung-quân có Thanh-Nhân theo nắm quyền Tổng chỉ-huy.

Đội thứ nhì làm tả-dực.

Đội thứ ba làm hữu-dực.

Còn bao nhiêu hội-viên khác thì giao cho Cao-Liêm với Lý-Thiện phân thành đội ngũ làm binh trừ bị, nếu có cách dùng sẽ cho hay đặng đưa lên tiếp-viện.

Bên phe văn thì định Phạm-Háo-Nghĩa với Lê-Thứ-Tiên theo Tổng Chỉ-huy làm Tham-tá quân-sự. Còn Dương-Trung-Cự, Huỳnh-Thiên-Hà và Triệu-Bá-Vạn thì lãnh phận-sự tiếp lương-thực.

Mấy ông chủ xóm lãnh qui-tụ gạo và nuối mắm lại, phải kiếm thuyền cho sẵn dặng vận-tải binh-lính và lương-thực.

Công việc sắp đặt xong rồi. Những người được cắt đi lên Sài-gòn phò Chúa Nguyễn thảy đều vui lòng hăng-hái muốn đi liền. Nhưng ông Minh-Giám bặt tin, trông hết sức không thấy ông trở về nói coi tình-hình thể nào đặng có dấy binh.

Thanh-Nhân nóng-nảy mà chờ đến nửa tháng cũng chưa thấy Minh-Giám về, mới cậy một ông già bơi xuồng đi kiếm, ông già đi biệt gần 10 bữa nữa. Ở nhà ai cũng bôn-chôn lo-ngại không hiểu đường sá trắc-trở thế nào mà ai đi cũng biệt mất, không về được.

Có ngưòi xúi Thanh-Nhân chở binh đi càn, không cần đợi ông Minh-Giám. Thanh-Nhân lưỡng-lự không chịu đi, một là biết ông Minh-Giám thận-trọng, nếu ông không về chắc là có việc gì rắc-rối xảy ra, hai nữa mới xuất binh lần đầu phải có mục-đích rõ-rệt, hễ đi thì phải thành-công rõ-ràng cho người Ba Giồng khỏi thất vọng.

Một đêm, ông Minh-Giám về tới một lượt với ông già đi ngựa. Thanh-Nhân, Phạm-Háo-Nghĩa với Võ-Nhàn nghe ông Minh-Giám về thì lật đật mở cửa tiếp ông mà hỏi liền coi ông lên Phan-Trấn ở làm chi lâu quá để anh em ở nhà trông đợi muốn mòn hơi.

Minh-Giám vô nhà chưa kịp ngồi, thì nói: “Nguy rồi ! Nguy to ! Tôi lên tới Sài-gòn ở ít bữa được nghe tin-tức chắc-chắn rồi tôi sửa soạn trở về. Kế nghe thêm tin khác đồn đãi rằng đại binh Tây-Sơn đi đường biển đã vào cửa Cần-Giờ rồi. Thiệt quả quan quân trong thành xao-xuyến mà thường-dân ở ngoài cũng lo sợ nên nhiều người bỏ nhà cửa, dắt vợ con đi trốn. Nghe thấy như vậy, tôi phải rán ở lại mà xem cho rõ tình-hình thế nào đặng lo mưu thiết kế mà cứu Chúa giải nguy”.

Thanh-Nhân nóng-nảy liền hỏi:

- Phải có Chúa vào Sài-gòn thiệt hay không ? Ông gồi đây, ngồi thuật rõ công chuyện cho anh em tôi nghe.

- Có Chúa Định-Vương vô thiệt, vô đã gần hai tháng rồi.

- Có binh đội theo hộ-giá đông hay không ?

- Không có binh theo. Đi vô với một chiếc thuyền mà thôi, bởi vậy khi mới vô tới thì giấu, không dám cho dân ngoài thành biết. Tôi lên tới Sài-gòn, tôi kiếm mấy ông già đặng làm quen mà hỏi thăm. Mấy ông nói Chúa vô hồi nào không ai biết được. May trong thành có một ông đội lâu lâu hay ra ngoài kiếm chỗ ăn nhậu chơi. Nhờ ông đội đó khi quá chén rồi, ông vui miệng nói lậu ra nên gần hai tháng nay người ta mới được biết Thuận-Hóa thất thủ, bị binh Chúa Trịnh chiếm. Chúa Nguyễn phải ra Quảng-Nam lánh nạn. Binh Tây-Sơn trong Quảng-Ngãi kéo ra tới ranh Quảng-Nam mà binh Trịnh cũng vô tới đèo Hải-Vân rồi nữa, Chúa sợ bị kẹt mới xuống một chiếc thuyền chạy vào đây, chỉ đem theo có mười tên lính thị-vệ với một người là Hoàng-Tử Nguyễn-Phước-Ánh mới 13 tuổi, hai ông quan võ, một ông tên Trương-Hậu, một ông tên Hồ-Văn-Lân và hai ông quan văn, một ông tên Lê-Đại-Chí, một ông tên Hà-Khâm. Tuy nghe rõ như vậy, biết binh triều ngoài Thuận-Hóa đã tan rã rồi, song chưa biết đạo binh Gia-Định của mình thắng bại lẽ nào. Chúa đã vào đây, sao đạo binh mình không trở về mà hộ giá. Tôi tính ráng ở lại vài bữa nữa đặng hỏi thăm chuyện đó.

- Nếu nghe chắc có chúa vô Sài gòn thiệt thì ông về cho hay liền, đặng tôi đem binh hộ-giá chớ ở lại làm chi ?

- Không được. Tôi muốn biết coi đạo binh Gia-Định còn hay cũng đã tan rã như binh triều. Nghe binh Tây-Sơn ra tới Quảng-Nam, tôi sợ binh mình đã rã rồi, nên chúng mới thong-thả mà tung-hoành như vậy. Nếu đạo binh của Gia-Định không còn mà Chúa đã vào đây, thì cho khỏi Tây-Sơn cử đại binh tràn vào chiếm đất và bắt Chúa. Binh Ba Gồng mới được năm bảy trăm hoặc một ngàn, dầu anh-dõng cho mấy đi nữa nếu phải chiến với cả muôn binh Tây-Sơn, thì hộ giá đã không thành-công, mà mình còn bị hại nữa. Muốn làm đại-sự, phải xem thời thế. Nếu chắc nên mới làm chớ thấy hư mà làm liều, thì ai gọi là tài trí.

- Cám ơn ông. Ông dạy tôi một bài học khôn quí giá lắm. Tôi quen tánh háo thắng nên không nghĩ kịp. Mà ông ở lại ông nghe người ta đồn binh Tây-Sơn vào, vậy mà có vào thiệt hay không ?

- Có vào rồi.

- Nếu vậy thì đạo binh của cụ Lưu-Thú Long-Hồ tiêu-tan rồi.

- Không ai biết được. Nghe binh Tây-Sơn sắp vào lại thấy trong thành xôn-xao tôi về không được. Mà về làm gì ? Đem binh của mình chống nổi với đại binh của Tây-Sơn hay sao ? Rất đổi với 5.000 binh Gia-Định mà quan Lưu-Thú Long-Hồ không ngăn chúng được, binh Ba Giồng ít quá, đem lên thì đút thịt cho cọp chớ lợi ích gì. Nghĩ như vậy tôi nấn-ná ở lại Sài-gòn có ý muốn xem coi mấy quan hộ-giá của Chúa họ sắp-đặt hệ-thống phòng-thủ thế nào và lực-lượng của Tây-sơn mạnh hay yếu. Một buổi sớm mai, người ta nói rùm quan quân đã rút đi hết bỏ thành trống trơn. Thường-dân áp nhau vào kho xúc lúa đem về ăn. Tôi theo họ vô thành, thiệt quả không còn ai hết, quân lính cũng không có một người ở lại giữ mấy kho.

- Tiền bạc lúa gạo đều bỏ hết hay sao ?

- Bỏ hết.

- Chúa đi ngả nào ?

- Các quan hộ giá đưa đi ban dêm không ai hay, nên không biết đi đâu.

- Phải tôi hay kịp, tôi đem binh lên nghinh-giá đưa về đây thì xong quá.

- Đất Ba Giồng không có đồn lũy thành-trì, làm sao ngăn giặc được mà rước về đây? Đem thịt về nhà đặng nhử hay sao ? Tôi có nghĩ tới việc đó, nhưng thấy có chỗ bất lợi nên tôi không dám thực-hành. Thành bỏ ngày trước thì qua ngày sau thuyền của Tây-Sơn nối đuôi vào cặp bến. Thiên-hạ đi coi dập-dều. Tôi xen với thiên-hạ xuống bến coi chơi. Tôi đếm cả thảy 25 chiếc thuyền, có 5 chiếc thiệt lớn, còn bao nhiêu thì vừa vừa chớ không lớn lắm.

- Tới 25 chiếc thuyền chắc họ chở tới bốn năm ngàn binh.

- Không có đông dữ vậy. Tôi coi cả thảy chừng một ngàn, hoặc một ngàn hai là nhiều, chớ không có nhiều hơn, bởi vì có nhiều chiếc thuyền trống-trơn, không có binh-lính.

- Nếu vậy thì mình đánh được.

- Phải. Tôi thấy có thể đánh được. Nếu mình toàn-thắng, mình khắc-phục được thành Sài Gòn, mình tìm Chúa mà nghinh-giá thì oai-danh lừng-lẫy, chừng đó mình có đủ phương-tiện mà chiêu tập tướng-sĩ cả đất Gia-Định để cử-đồ đại-sự.

- Hay lắm ! Hay lắm ! Ở nhà tôi đã chọn 500 binh hùng-tráng tinh-nhuệ, phân làm ba đại-đội với một tiểu-đội cung tên. Đội ngũ đã sắp rồi, chỉ-huy đã định xong, lương thuyền đã có sẵn. Ngày mai khởi-hành liền cũng được.

- Khoan ! Để tôi nói rõ tình-thế của giặc cho ông biết rồi chúng ta sẽ định mưu công phá. Tôi ở trển mấy bữa rày, tôi dọ chắc Nguyễn-Lữ, là em Chúa Tây-Sơn Nguyễn-Nhạc cầm binh xâm-lăng Gia-Định. Đến đây Lữ hay thành Sài-gòn bỏ trống, liền cho đổ bộ năm sáu trăm binh vào chiếm thành-trì. Lữ cũng lên thành mà ở. Số binh còn lại, tôi coi cũng lối năm sáu trăm, thì ở dưới thuyền mà canh giữ. Từ bến đi lên thành thì xa xa.

- Vậy thì mình phân binh vài đại đội đánh đốt thuyền, còn vài đại-đội phục-kích chận đánh binh trên thành ra tiếp-viện, làm như vậy chắc sẽ thắng.

- Tôi cũng nghĩ như ông vậy. Nhưng tôi có ý chờ xem coi chúng chiếm thành rồi chúng có phân binh đi tìm bắt Chúa hay không. Té ra bữa sau chúng êm ru đến trưa thấy binh-lính xúc lúa trên kho vác xuống dưới thuyền, không đề phòng chi hết. Chừng đó tôi mới hiểu Tây-Sơn thấy quan Lưu-Thú Long-Hồ huy-động toàn-lực đem ra đàng ngoài, chúng chắc Gia-Định không còn binh-lính gì nữa mà phòng-bị. Chúng mới đem chừng một ngàn binh vào chiếm thành mà đoạt lương-thực vậy thôi, nên chúng không thèm truy-tầm Chúa ta, cần lo xúc lúa mà chở về. Tôi nhận thấy rõ-ràng binh-đội Tây-Sơn vào đây cố tâm đoạt bạc tiền lúa gạo chớ không có tinh-thần chiến-đấu. Chúng hẫng-hờ lắm, bởi vậy tôi bươn-bả trở về cho mấy ông hay đặng đem binh hùng-tráng, cương-quyết của mình lên mà tấn công thình-linh chắc sẽ toàn thắng.

Thanh-Nhân day lại cậy Phạm-Háo-Nghĩa viết giấy cho mấy ông chủ xóm xin dọn lương thuyền cho sẵn đặng ngày mai tấn binh.

Minh-Giám cản mà nói: “Không được. Xuất binh phải có cờ hiệu, lại phải chọn ngày tốt kỉnh-cáo Thiên Địa, làm lễ tế cờ rồi mới khởi-hành. Sáng mai nhằm ngày mùng 5 không tốt. Vậy nên dời qua mùng 6 rồi sẽ tấn binh. Triển lại một ngày thì có đủ thì-giờ may cờ cho mỗi đội. Còn muốn chắc thắng thì nên đem thêm binh, thêm chừng 300 để ở sau làm binh trừ-bị đặng nếu cần dùng thì binh ấy sẽ xông vào tiếp hoặc mình dùng để làm nghi binh hò hét và hồi trống trợ oai”.

Mấy người bàn tính với nhau nghĩ vì mình chống với Tây-Sơn thì nên lấy hiệu Đông-Sơn. Còn binh Ba Giồng là binh tình-nguyện an dân cứu nước, chớ không phải binh của Triều-đình, bởi vậy cờ hiệu nên đề chữ “Đông-Sơn nghĩa binh”.

Về việc thêm binh dự-phòng, thì lập một đại đội thứ tư, cũng 150 người, giao cho một mình Lý-Thiện chỉ-huy, để Cao-Liêm ở nhà phòng-thủ Ba Giồng với số binh còn lại. Cũng thêm 150 binh bắn tên và cũmg giao luôn cho Nguyễn-Lượng điều khiển.

Sáng bữa sau, người lo may cờ hiệu, người đi truyền rao cho mấy chủ xóm với các chỉ-huy đặng sắp-đặt trước cho hoàn-bị, sớm mơi mùng 6 các đội phải dẫn binh tề-tựu tại bến Trấn-Định làm lễ tế cờ rồi khởi-hành. Lại có lịnh dặn các chủ xóm và các chỉ-huy ở giồng Trấn-Định phải coi gom tàu dừa với tàu cau khô mà chở theo một vài thuyền đầy, để dùng thử kế hỏa-công.

Khuya mùng 6, tướng-sĩ các đội đều thức dậy sớm nấu cơn ăn no rồi tảng-sáng phát cờ gióng trống kéo nhau ra bến Trấn-Định. Tổng Chỉ-huy Đỗ-Thanh-Nhân với Tham-Mưu Trưởng Trần-Minh-Giám với Đỗ-Thanh-Xuân đã tới trước từ hồi khuya, ba người đến duyệt binh đội, thấy cờ xí trang-hoàng, tướng-sĩ lẫm-liệt, binh-khí cụ bị, lương thực đầy đủ thì đắc-chí, dùng lời cứng-cỏi mà nâng cao tinh-thần cho chiến tướng.

Trâu heo tế Thiên Địa, người ta xẻ mà phân phát cho các đội rồi đánh trống kéo binh xuống thuyền mà đi. Đỗ-Thanh-Xuân ra đây tiễn-hành tướng-sĩ, đứng ngó theo cho tới đoàn thuyền khuất dạng rồi mới trở về.

Nước lớn đầy sông, thuyền đi một dọc gần 40 chiếc, cờ phất hùng-vĩ tướng-sĩ hân-hoan, mới xuất binh mà lớn nhỏ đều tươi cười dường như đã thắng trận khải-hoàn, đó là một bằng-cớ mọi người đều cương-quyết tranh hùng, đều chắc chắn sẽ chiến-thắng nên vui mà hy-sinh để an dân cứu nước, để làm cho nức danh nổi tiếng Ba Giồng, để làm cho rực-rỡ hào-khí Gia-Định.

Nhờ gió thuận nước xuôi nên mới nửa chiều thì đoàn thuyền Đông-Sơn đã tới Chợ Đệm. Tổng Chỉ-huy ra lịnh phải đậu hết lại cho chiến-sĩ nấu cơm ăn.

Thanh-Nhân với Minh-Giám lên bờ rồi sai người đi kêu Chỉ-huy trưởng các đội tựu lại mà nghe huấn lịnh.

Bộ Tham-Mưu đã viết huấn-lịnh rành-rẽ trước rồi. Chừng các Chỉ-huy trưởng nhóm đủ mặt, Thanh-Nhân mới đọc:

1.- Ăn cơm rồi phải đợi mặt trời lặn, các thuyền chở chiến-sĩ và chở tàu cau, tàu dừa sẽ nhổ sào đi vô vàm Rạch Ong, còn các thuyền chở lương-thực thì đậu tại đây đợi sáng mai rồi sẽ vô sau;

2.- Tới Rạch Ong phải đậu lại chờ trăng lặn sẽ cho chiến-sĩ lên bờ, sắp hàng ngũ riêng từ đội. Lẳng-lặng không được nói chuyện;

3.- Đội thứ nhì, dưới quyền chỉ-huy của tướng Lê-Văn-Quân, mỗi chiến-sĩ giắt đoản đao vào lưng, ôm một bó lá dừa, lá cau khô và lặng-lẽ bò qua Bến Nghé, chỗ đoàn thuyền Tây-Sơn đậu;

4.- Tướng Nguyễn-Lượng giao 80 binh thiện xạ cung tên cho tướng Phan-Đình-Trụ chỉ huy, dẫn theo đội binh thứ nhì của tướng Lê-Văn-Quân mà trợ chiến;

5.- Đội thứ ba, dưới quyền chỉ-huy của tướng Lưu-Bạch-Khuê kéo qua ẩn núp ngoài thành Sài-gòn, núp phía Tây Bắc, hễ thấy ở Bến Nghé phát hỏa, binh trong thành kéo ra tiếp viện thì chờ binh ấy ra khỏi cửa rồi ứng lên hò hét xung-phong vào thành mà chiếm đoạt và bắt hết quan quân trong thành;

6.- Đội thứ nhứt, dưới quyền chỉ-huy của tướng Võ-Nhàn, ẩn núp dọc theo đường từ cửa thành xuống mé sông Bến Nghé. Tướng Nguyễn-Lượng dẫn 120 binh thiện-xạ cung lên theo tiếp ứng với đội thứ nhứt chận đánh binh trong thành ra, hoặc xuống bến tiếp đội thứ nhì, nếu binh giặc kháng-cự mạnh-mẽ;

7.- Đổi thứ tư, dưới quyền chỉ-huy của tướng Lý-Thiện, theo sau đội thứ nhứt nhưng không tham-chiến, cứ án binh đợi lịnh của Tổng Chỉ-Huy xử-dụng[1];

8.- Tướng Trần-Hạo theo sát cánh Tổng Chỉ-Huy để liên-lạc với các đội mà truyền lịnh gấp;

9.- Đội thứ nhì hễ tới bến rồi thì phóng hỏa đốt thuyền. Hễ binh giặc dưới thuyền huy động thì đội cung tên bắn xả xuống. Nếu binh giặc lên bờ được thì đội thứ nhì với đội cung tên phân nhau: tốp xung-phong chận đánh, tốp phóng hỏa đốt hết thuyền; nếu cần thì Tổng Chỉ-Huy sẽ sai đội thứ tư ứng tiếp;

10.-Đội thứ nhứt và đội thứ ba, hễ không thấy dưới bến phát hỏa thì coi chừng hành-động đã dạy trong 2 khoản 5 và 6;

11.-Từ cấp chỉ-huy xuống binh lính cả thảy đều phải hăng-hái chiến-đấu. Gặp giặc nếu không có lịnh dạy mà thối lui thì bị xử trảm:

12.-Ai không tuân y theo các huấn lịnh nầy cũng bi xử trảm.

Đọc dứt rồi, Thanh-Nhân hỏi các tướng-lãnh có ai muốn bàn cãi khoản nào hay không. Không ai dám cãi nên Thanh-Nhân dạy ai về đội nấy mà truyền lịnh lại cho sĩ-tốt biết.

Ăn cơm xong rồi thì mặt trời cũmg vừa chen lặn. Các thuyền chở chiến-sĩ nhổ sào đi trước. Mấy thuyền chở bổi[2] để dùng đánh hỏa-công tiếp-tục theo sau.

Đoàn thuyền vô tới xóm Bình-Đông thì đã tối lâu rồi nhưng trăng mùng 6 lờ-mờ nên thủy-thủ thấy mà chèo-chống. Thuyền đi từ-từ, chiến-sĩ im-lìm, xóm nhà ở hai bên rạch không ai hay gì hết.

Đi tới vàm Rạch Ong, thuyền đậu một dọc dựa mé rạch cho chiến-sĩ ôm binh khí lên bờ mà sắp thành đội ngũ, rồi ngồi êm mà đợi trăng lặn sẽ lén tiến đến mục-tiêu đã chỉ trong huấn-lịnh.

Binh tướng Tây-Sơn vào chiếm thành Sài-gòn thong-thả như đi chơi. Mấy bữa rồi không thấy một tên lính. Mở kho xúc lúa vác xuống thuyền, nhơn dân không dám nói tiếng gì. Thấy tình cảnh như vậy thì khinh rẻ người Gia-Định nên chức việc lòi thói hống-hách, còn binh-sĩ thì có ý ơ-hờ, không lo sợ việc chi hết.

Sẵn có lúa nhiều, mấy bữa rồi phải xúc đem xuống thuyền hàng ngày mà chưa hết. Chiều bữa đó cũng như chiều mấy bữa trước, binh-sĩ ở dưới thuyền ăn cơm no rồi nằm phơi bụng hát lý nghe chơi cho vui. Thuyền đậu sát mé sông, nước lớn chảy vô lờ-đờ, Ngọn gió phát lai rai, ánh trăng lu chấp-chóa, binh-sĩ nằm chơi một hồi rồi ngủ hết. Lúc trăng chen lặn, tư bề im-lìm, chỉ nghe trong xóm là có tiếng chó sủa từng hồi xen với tiếng gà gáy từng chập.

Trong các thuyền binh lính đương ngon giấc, người ngồi canh nhắm mắt thả hồn đi chơi. Thình-lình mỗi chiếc thuyền đều có năm bảy người vào nhảy xuống nổi lửa đốt buồm cháy tưng-bừng. Trên mé sông lại có nhiều người đứng la hét vang rân. Binh lính Tây-Sơn giựt mình mở mắt thấy lửa cháy thuyền, lại nghe tiếng la vang thì mất vía mất hồn, một phần nhào xuống sông mà lội, một phần sợ quá cử động không được, nên đứng trơ trơ để cho chúng trói.

Quan quân trong thành thấy dưới bến lửa cháy đỏ trời, biết có nguy biến, nên mở cửa thành dẫn vài trăm binh ra tiếp cứu. Tốp lính nầy đi được một khúc đường thì bị đội binh thứ nhứt của Võ-Nhàn phục-kích sẵn nên xông ra chém giết làm cho quân-đội Tây-Sơn điên-đảo, một phần bị thương nằm than khóc, một phần tìm đường mà chạy đặng thoát thân.

Trong lúc ấy đội thứ ba của Lưu-Bạch-Khuê, núp phía Tây-Bắc, ó lên kéo vào thành rượt bắt quan quân còn sót trong thành, nhưng chỉ bắt được có 7 tên lính mà thôi, còn bao nhiêu thì họ mở cửa hướng Bắc mà chạy hết. Trời tối lại đường sá không quen, nên theo họ không kịp mà bắt.

Thanh-Nhân với Minh-Giám thấy binh Đông-Sơn thắng lợi toàn-diện thì vui lòng thỏa chí vô cùng.

Thanh-Nhân biểu Minh-Giám với Võ-Nhàn vào thành tiếp với Lưu-Bạch-Khuê tìm bắt tướng-soái Tây-Sơn, còn mình với Trần-Hạo gom đội thứ nhứt dắt xuống mé sông quan sát tình-hình, để cho Nguyễn-Lượng cùng đội binh cung tiễn kiếm chiến-sĩ bị thương, bất luận bên nào, cứ cõng hết vào thành đặng kêu lương-y cho thuốc.

Xuống tới bến, Thanh-Nhân thấy nhiều chiếc thuyền còn đương cháy, Phan-Đình-Trụ cùng đội cung tiễn gom giữ tù-binh bắt được cả trăm, còn Lê-Văn-Quân thì đương lăng-xăng kêu gọi binh bổn đội gom lại một chỗ đặng kiểm-điểm.

[1] Nay viết là sử dụng

[2] vật dễ cháy để mồi lửa như rơm, lá khô... thí dụ: dồn bổi đốt nhà