Đèn Không Hắt Bóng

Lời Bạt

IU. KRILIN

Những cuốn sách nói về các bác sĩ bây giờ được viết ra rất nhiều.

Mặt khác, các bác sĩ viết văn cũng không phải là hiếm hoi gì: thời nào cũng có những trường hợp như thế. Rabelais, Schiller, Conan Doyle, Chekhov, Bulgakov, Kobo Abe - và còn phải thêm rất nhiều nữa thì mới có được một danh sách có thể tạm coi là đầy đủ. Nhưng tất cả những tác giả này hầu như không bao giờ viết về các bác sĩ. May ra trong các truyện của Conan Doyle về Sherlock Holmes chỉ có nhân vật Watson là bác sĩ, hay như trong một số truyện của Chekhov như Con choi choi, Ionych, Phẫu thuật...

Bây giờ thì các bác sĩ càng ngày càng hay viết về công việc của họ, về những vấn đề của họ, trong đó nhiều khi ta thấy được cô đặc lại những nỗi đau và những tai họa, những niềm hy vọng và những mối mâu thuẫn của thế giới xung quanh. Nhưng bây giờ tất cả những chuyện đó không phải chỉ thu hút sự quan tâm của những người thầy thuốc. Nền văn minh của thế kỷ XX đã tạo ra một tình huống như thế nào mà con người không thể nào tự thể hiện bản thân, thể hiện những ước vọng, những nỗi đau, những niềm tin của mình trong cuộc sống vô công rồi nghề được. Bây giờ nghề nghiệp, công việc chính là cái nhân tố làm cho con người tự bộc lộ, cái chất xúc tác duy nhất làm cho con người “hiện hình”. Không có những nhân vật “kỵ sĩ” suốt đời chỉ biết cưỡi ngựa, yêu đương và chém giết. Cũng không còn những nhân vật “thượng lưu” sống nhàn hạ bên ngoài lao động, bên ngoài sự xây dựng sáng tạo. Và con người thừa bây giờ là con người không làm cái công việc mà mình đã được đào tạo ra để làm hoặc là làm cái công việc ấy một cách kém cỏi, vô trách nhiệm. Lẽ tự nhiên là những nhân vật trung tâm của văn học ngày nay phải được thể hiện trong nhiều công việc lao động hằng ngày của họ.

Cái thể loại đã nảy sinh trong văn học cách đây ít lâu dưới danh hiệu “tiểu thuyết sản xuất” và chưa chi đã đủ thì giờ để mất hết uy tín do cái tính chất sơ lược và cái dụng ý dạy đời của nó, mãi cho đến nay mới vươn lên được tới cái nấc cao hơn trên con đường phát triển hình trôn ốc. Bây giờ chúng ta đọc nghiến ngấu những cuốn tiểu thuyết “sản xuất” lôi cuốn độc giả vào những con đường lắt léo tinh vi nhất của nghề nghiệp chuyên môn mà vẫn không thấy chối. Ngay trong truyện trinh thám hiện đại cũng có thể gặp đề tài “sản xuất”. Chẳng hạn gần đây tôi được đọc một truyện trinh thám Mỹ trong đó đề tài “sản xuất” lại chính là ngành y học, và nó đã làm cho tôi rất thích thú chính vì cái đặc trưng ấy. Dĩ nhiên trong những cuốn sách của các tác giả nước ngoài, ngoài những cảm xúc của con người, ta bao giờ cũng thích thú với những màu sắc sinh hoạt riêng của cái đất nước được miêu tả, những phong tục tập quán, những mối quan hệ giữa người và người. Và nước Nhật nói riêng lại có một cái gì đặc biệt thú vị - đó là một đất nước mà mọi thứ hình như phải khác lạ: ở đấy người ta làm việc một cách khác, suy nghĩ, đau khổ và thể hiện nỗi đau khổ của mình một cách khác. Thường thường vẫn thế: nhìn từ xa có nhiều cái có vẻ như khác lạ. Thêm vào đó lại có những quan niệm cổ truyền về cái tâm lý “bí ẩn” của người phương đông, về kiểu tư duy và hành vi “Nhật Bản”. Và khi đọc một cuốn tiểu thuyết Nhật về nghề thầy thuốc, tôi, một thầy thuốc, khao khát muốn biết trước tiên: ở Nhật Bản một người thầy thuốc thể nghiệm như thế nào những gì làm thành niềm vui và tấn bi kịch của công việc chữa bệnh? Bởi vì dù là ở Nhật Bản, người thầy thuốc cũng phải tìm cách giảm nhẹ sự đau đớn, duy trì sự sống của con người, duy trì khả năng lao động của họ, và cuối cùng phải tồn tại, và đôi khi chỉ đơn thuần chứng kiến sự hấp hối, quan sát những sự đau khổ kéo dài hay thậm chí càng ngày càng tăng. Vì tính cho cùng, đến một lúc nào đó y học cũng phải lùi bước: thiên nhiên - một môi trường mà trong đó mọi vật đều phải có lúc chết “ý này chẳng có gì độc đáo” - sẽ lấy lại quyền lực của nó và giành được phần thắng...

Và đây, trước mắt tôi là cuốn tiểu thuyết “Vô ảnh đăng” kể lại cuộc sống của những người thầy thuốc Nhật làm việc trong một bệnh viện tư. Tác giả cuốn tiểu thuyết, Watanabe Junichi, với tư cách một người thầy thuốc - là bạn đồng nghiệp của tôi. Hơn nữa, là bạn đồng nghiệp hai lần, vì ông cũng là một người thầy thuốc viết văn. Nhưng trước khi đọc cuốn tiểu thuyết tôi cố ý không tìm hiểu về tiểu sử của tác giả: tôi muốn suy nghĩ về những điều đã đọc chỉ trên cơ sở của văn bản mà thôi. Trong cuốn tiểu thuyết có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực y học thuần túy cũng như những lĩnh vực của y học ngoại vi: chữa bệnh như thế nào, người thầy thuốc phải xử sự ra sao khi việc điều trị trở nên hoàn toàn vô ích; lao động của người thầy thuốc được đền bù như thế nào, và có thái độ như thế nào đối với viện phí của một bệnh nhân nghèo không có tiền trả viện phí; phải làm như thế nào để giữ kín những điều bí mật về bệnh tật của những người đã tự giao phó cho người thầy thuốc... Cả một loạt những vấn đề chung, có tính chất nhân loại thuần túy.

Trung tâm của câu chuyện được kể trong tiểu thuyết là một nhà phẫu thuật có tài và là một con người thông minh - đó là bác sĩ Naoe, đang mắc một bệnh không thể nào chữa được. Nhưng chỉ một mình ông biết bệnh của mình. Và chỉ có một mình ông quyết định số phận của mình. Bây giờ phải làm thế nào; nhẫn nhục đợi chết hay tìm cách tự chữa bằng ảo giác, bằng những cố gắng thảm hại nhằm tự khuây khỏa để đừng nghĩ đến cái chết sắp tới? Hay là cố gắng đừng suy nghĩ, đi tìm sự quên lãng trong những khoái cảm tình dục, dìm nỗi buồn trong rượu mạnh, trong tình yêu xác thịt, trong cuộc vật lộn với bệnh tật của người khác, để rồi đến khi sự kết thúc đã đến gần thì chủ động tự kết liễu những nỗi đau khổ của mình và bằng cách đó tự cứu mình lần cuối cùng? Đó là một trong những tuyến tự sự của cuốn tiểu thuyết. Tính chất tàn nhẫn của nó được làm dịu bớt đi bằng một phương thức mà ta còn có thể gặp trong truyện trinh thám: người đọc không biết những nguyên nhân thật đã gây thành cơn bão trong tâm hồn bác sĩ Naoe.

Do tính quyết liệt phũ phàng của mối mâu thuẫn, nhân vật chính đôi khi giống như một nhân vật siêu nhân “superman”. Nhưng tính chất “siêu nhân” này một khi là hậu quả của bệnh tật, có thể cắt nghĩa được và tha thứ được. Đây không phải là cái “chủ nghĩa anh hùng sinh hoạt” mà ta có thể gặp trong một số tác phẩm văn học, được coi là gắn bó hoàn toàn với nghề nghiệp của người bác sĩ phẫu thuật, khi mà bản thân cái nghề này được đề cao lên một cách giả tạo chỉ vì công việc của chúng tôi gắn liền với cái chết và cái sống, với máu xương của con người. Ở đây, cái tính chất “siêu nhân” ấy sẽ trở thành ghê tởm.

Tôi xin bỏ qua cái phần hơi cường điệu trong cách miêu tả cuộc đời tư bác sĩ Naoe, vì tôi tự thấy mình không có quyền phán xét về tính chất cần thiết của mô-típ này. Có lẽ đối với tác giả những câu chuyện như vậy có những lý do nhất định. Song tôi xin dành cho người đọc cái quyền tự suy xét về phần này.

Vậy thì, xin bàn về cuốn tiểu thuyết xét trong toàn bộ của nó.

***

Trước mắt chúng ta là cái thế giới của những người thầy thuốc Nhật Bản, và chúng ta thấy rõ họ cảm thụ như thế nào về bệnh tật và về bệnh nhân, đối với họ thế nào là lòng từ bi - lòng từ bi nhân loại và lòng từ bi nghề nghiệp. (Phải, ở những người thầy thuốc - may thay hay rủi thay thì tôi cũng không biết - lòng từ bi không chỉ có một cách lý giải, mặc dù điều này nghe rất phi lý: nó có hai cách định nghĩa, hai định ngữ khác nhau). Bác sĩ Watanabe đã thử dùng những phương tiện nghệ thuật để giải quyết vấn đề đạo đức học, chính cái đạo đức học được gọi là y đạo. Nhưng thực ra đạo đức học chỉ có một: khác với lòng từ bi, nó không có hai cách định nghĩa. Trong y học, cái luân lý chung của những mối quan hệ giữa người và người được thể hiện trong cách người thầy thuốc làm tròn bổn phận nghề nghiệp của mình. Chính vì vậy mà ở ta nhiều thầy thuốc thay danh từ “đạo đức của lương y” bằng danh từ “y đạo” hay “nghiệp đạo”, với cái nghĩa là lý thuyết về bổn phận nghề nghiệp, về hành vi nghề nghiệp. Một trong những tuyến tự sự của cuốn tiểu thuyết là số phận của một ông già bị ung thư không còn chữa được nữa. Mọi người đều thấy rõ rằng không có phẫu thuật nào có thể cứu ông ta được. Mổ ra và khâu lại - đó là tất cả những gì mà người bác sĩ có thể làm được trong trường hợp này. Dĩ nhiên những bệnh nhân như vậy không nên mổ, vì phẫu thuật chỉ làm cho họ phải chịu thêm những nỗi đau đớn không cần thiết. Nhưng có những tình huống mà những nỗi đau tinh thần vượt xa những nỗi đau thể xác. Nếu bệnh nhân nhận thức được rằng bệnh mình mỗi ngày một nặng và cái chết không thể nào tránh khỏi trong khi người đó tha thiết muốn sống, thì đành phải làm cuộc phẫu thuật hoàn toàn vô ích đó.

Tôi không biết là gọi cách lừa dối này là “sự dối trá thiêng liêng” thì có đúng hay không. Tôi không thích cái danh từ này, nhưng chắc chắn là sự dối trá mà người thầy thuốc phải dùng trong những trường hợp như vậy ít nhất cũng có một lý do chính đáng là nó giảm bớt những nỗi đau khổ của tinh thần. Quy tắc này không thuộc loại quy tắc phổ quát. Dĩ nhiên là người thầy thuốc phải thấy, phải hiểu và phải đánh giá đúng cái tính cách, cái tâm lý và cách suy nghĩ của từng bệnh nhân.

Bác sĩ Naoe tiến hành một cuộc phẫu thuật vô ích. Và theo tôi - nếu xét trên quan điểm y học - ông làm như vậy là đúng, mặc dầu một bác sĩ khác của bệnh viện là Kobashi, một con người nhiệt thành, cao thượng, nhưng thiển cận, rất lấy làm công phẫn. Người thầy thuốc trẻ này chỉ thấy được rằng phẫu thuật đó là một sự lừa dối. Anh ta đau khổ vì phải tham dự vào một sự lừa dối. Anh ta tỏ ra quá cương trực trong cách xử sự của mình. Cách nhìn nhận sự việc của anh giống như một tia sáng chiếu vào một căn phòng tối đầy bụi qua một khe hở nhỏ. Tia sáng ấy không thể đi vòng qua một vật chướng ngại, nó chiếu vào bất cứ vật nào nằm trên đường đi của nó và chỉ làm thành một vệt sáng nhỏ không làm cho người ta thấy được những vật ở xung quanh, những vật không ở trên con đường thẳng tắp của nó. Bác sĩ Kobashi là một người thầy thuốc yếu về nghiệp vụ: anh ta không biết những quy tắc xử sự mà nghề nghiệp của anh ta đòi hỏi. Vì tính cương trực của nó, trí tuệ của anh cách xa sự hoàn thiện đến nỗi một chân lý đơn giản như là nhu cầu được nâng đỡ về tinh thần anh cũng không hiểu nổi. Chúng tôi, những người thầy thuốc, có ý thức rằng có rất nhiều điều chúng tôi chưa biết được, cho nên bao giờ, ngay trong những tình huống tuyệt vọng nhất, chúng tôi cũng tiếp tục vật lộn đến cùng với cái chết.

Nhưng trước mặt mỗi người thầy thuốc, một cách cụ thể hay trừu tượng, thỉnh thoảng vẫn có thể hiện ra một câu hỏi bi đát: phải xử sự như thế nào với một bệnh nhân không phương cứu chữa, một bệnh nhân đang đi dần đến cái chết? Câu hỏi này hiện ra một cách không sao tránh khỏi khi người ta đứng trước những nỗi đau khổ trầm trọng. Đối với người thầy thuốc câu trả lời rất rõ: người thầy thuốc phải chữa bệnh cho đến khoảnh khắc cuối cùng. Anh ta được đào tạo chỉ để làm việc ấy, anh ta có tư cách chuyên nghiệp chỉ trong việc chữa bệnh mà thôi. Và anh ta tuyệt đối không có quyền có một hành động nào đi theo một hướng khác. Vấn đề nên để cho một con người đau khổ một cách vô hy vọng sống tiếp hay không, không thuộc thẩm quyền của người thầy thuốc. Người thầy thuốc không phải là thượng đế và cũng không phải là người thay quyền thiên nhiên trên thế gian. Tất cả các phản xạ của anh ta đều hướng tới nhiệm vụ duy trì sự sống.

Ở nước ta, vấn đề ấy được giải quyết như vậy, còn ở một đất nước không giống với nước ta trên nhiều phương diện thì vấn đề ấy có được đặt ra không, và nếu có, thì nó được giải quyết ra sao?

Bác sĩ Naoe chữa bệnh cho tất cả mọi người, mãi cho đến khi cái chết kết thúc mọi khả năng chữa chạy, và không bao giờ lùi bước. Nhưng bản thân ông lại lâm bệnh...

Ông biết hết về bản thân cũng như về cái bệnh của ông. Ông hiểu cái gì đang đợi mình và bao giờ nó đến. Và chắc hẳn biết được bao giờ mình sẽ chết là điều khủng khiếp nhất. Biết ngày tận số của mình. Tất cả chúng ta đều biết rốt cuộc cái gì đang đợi ta. Chúng ta chỉ không biết cái đó sẽ xảy ra như thế nào và vào lúc nào. Và cái hình phạt khủng khiếp nhất mà xã hội loài người đã nghĩ ra được, cái biện pháp cao nhất mà con người có thể dùng để trừng trị đồng loại là cho hắn biết ngày giờ và cách chết. Người bị xử tử biết cái chết của mình sẽ đến lúc nào và như thế nào.

Bác sĩ Naoe được đặt vào địa vị của người biết. Ông biết rõ mình sẽ chết như thế nào và vào lúc nào.

Trong khi chờ đợi, người thầy thuốc ấy tự giải khuây bằng những “cảm giác mạnh”. Và khi cảm thấy cái chết đã đến gần... ông đã giải quyết vấn đề của mình một cách khá triệt để - ông ta tự kết liễu đời mình.

- Ông ta có quyền.

Mỗi người đều có quyền giải quyết theo ý mình. Có lẽ cũng vì thế mà thà đừng biết, đừng hiểu còn hơn.

Vấn đề có nên sống tiếp hay không, nếu ANH mắc một bệnh không hy vọng cứu chữa, thì không phải người thầy thuốc mà chỉ có ANH mới giải quyết được. (Mỗi người đều có quyền giải quyết, nhưng chỉ cho riêng mình mà thôi). Người thầy thuốc phải hỗ trợ cho sức lực của bệnh nhân, và nếu cần giả dối thì đành phải giả dối. Nhưng chỉ có chính ANH, nếu anh biết được hay đoán ra được, mới có thể lựa chọn bất cứ cách giải quyết nào mà anh có thể chấp nhận được. Nếu anh đủ sức lựa chọn.

Cái vấn đề muôn thuở này đã được nhân vật chính của cuốn sách, Naoe, một người Nhật Bản, vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ, giải quyết như vậy. Và một trong những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết “Gia đình Thibault” của R.M. du Gard - một người Âu, một bác sĩ Pháp bị bệnh - Antoine Thibault, cũng đã giải quyết vấn đề đúng như vậy... Cũng trong một cảnh huống tương tự, nhà văn Nikolai Ostrovsky hay là nhân vật chính của “Truyện kể năm mới” của Dudintsev lại có một thái độ khác.

Tuy vậy, không thể không kể đến những điều kiện xã hội, vì những điều kiện xã hội khác nhau làm nảy sinh những vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cách thiết lập và tổ chức y tế trong xã hội kinh doanh tư nhân và trong xã hội xã hội chủ nghĩa không thể không khác nhau.

Trong cuốn tiểu thuyết “Vô ảnh đăng” ta thấy miêu tả công việc chữa bệnh trong một bệnh viện tư, nơi mà bệnh nhân phải trả viện phí, chứ không phải là một bệnh viện Nhà nước, trong đó vấn đề thanh toán, các chi phí mang một tính chất khác hẳn. Một tình huống xung đột kiểu như vậy - tình huống của bệnh nhân trong một bệnh viện tư - là một chuyện xa lạ đối với người bệnh nhân Xô Viết. Nếu họ biết chăng cũng chỉ là nghe nói. Ở nước ta khi một bệnh nhân xuất hiện trong một cơ quan y tế không hề nảy sinh vấn đề gì thuộc lĩnh vực vật chất - tài chính. Bệnh nhân có tiền hay không có tiền - điều đó tuyệt nhiên không có gì đáng quan tâm đối với người thầy thuốc. Thậm chí nó cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với các nhân viên hành chính của bệnh viện, mặc dầu những con người cùng làm việc trong một bệnh viện có thể rất khác nhau. Vấn đề viện phí không được đặt ra không phải vì những quan niệm đạo đức nào đấy, mà chính là do những điều kiện xã hội của một nước xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, người thầy thuốc khi đứng trước một bệnh nhân có bổn phận phải có thái độ phi xã hội. Cách diễn đạt này cần hiểu cho đúng. Bệnh nhân có thể là một gã say rượu, một tên lưu manh, một tên kẻ cướp, có thể là một người không có chút tài sản, hay ngược lại, là một người có cấp bậc, có uy thế - đối với người thầy thuốc điều đó không có ý nghĩa gì. Nếu đã có đau ốm, đã có chẩn bệnh, thì tất phải có cách điều trị thích ứng, và ở đây tuyệt nhiên không có vấn đề nhận điều trị hay không nhận điều trị.

Sự khác nhau về điều kiện xã hội cũng lộ rõ trong vấn đề người mắc bệnh không có hy vọng cứu chữa. Hình như trong một bệnh viện tư như đã được Watanabe miêu tả ít khi có thể có được một bệnh nhân ngay từ đầu đã được xác định là không có hy vọng cứu chữa. Thế nhưng vẫn có một bệnh nhân như thế được đưa vào nằm... Chừng nào người ta còn tiếp máu cho ông ta, ông ta còn sống, thôi tiếp máu là ông ta chết. Dĩ nhiên trường hợp này không thể gọi là điều trị được, mà chỉ là một quá trình cố trì hoãn cái chết. Ở đây người được tiếp máu như vậy là một người không có tài sản, không biết lấy gì để trả chi phí cho bệnh viện. Viện phí của ông ta do Nhà nước trả. Nhà nước trả viện phí cho bệnh nhân cùng khổ ấy, nhưng đồng thời cơ quan hữu trách gửi cho bệnh viện một bức thư phỏng vấn, yêu cầu cho biết triển vọng điều trị bệnh nhân, cho biết bệnh của ông ta có phải là không thể cứu chữa không. Nếu bệnh viện trả lời câu hỏi sau này một cách khẳng định, thì tiền mua máu để tiếp cho bệnh nhân lập tức bị cắt, và bệnh nhân đành phải chịu chết.

Có thể tưởng chừng như mọi việc đều hoàn toàn hợp lý, hay ít nhất cũng là có thể giải thích được về phương diện lô-gíc: máu rất đắt, tiêu phí máu cho một bệnh nhân vô hy vọng như vậy trong khi đang có rất nhiều người khác cần đến là điều khó chấp nhận, không phải chỉ vì giá máu. Trả tiền trợ cấp cho một quá trình điều trị hoàn toàn không có triển vọng, trước sau cũng không thể đưa đến kết quả nào khác hơn là cái chết của bệnh nhân, quả là phi lý, nhất là trong trường hợp này, việc kéo dài sự sống chẳng qua chỉ là kéo dài một tình trạng đau khổ nặng nề...

Và thế là ta lại trở về với cái vấn đề ban nãy, vẫn cái vấn đề ấy.

Đối với quan điểm nhân đạo xã hội chủ nghĩa, dù trong trường hợp nào chăng nữa thì những điều suy xét trên quan điểm của tính hợp lý thực dụng tuyệt nhiên không có quyền được đưa vào lĩnh vực trị bệnh cứu người. Ở đây chỉ có một giải pháp duy nhất: chữa bệnh, chữa nữa, chữa mãi. Chừng nào còn chữa được thì phải chữa cho đến hơi thở cuối cùng, phải tiếp vào đến giọt máu cuối cùng. Chỉ trong một mối quan hệ như thế thì người bệnh mới có thể hoàn toàn tin tưởng người thầy thuốc.

Một xã hội mà còn phải lựa chọn xem trong trường hợp nào nên chữa, trong trường hợp nào thì không - một xã hội như thế thì chính bản thân nó cũng mắc bệnh nặng nề.

Thật là cay đắng khi mà người thầy thuốc phải từ bỏ cái nghiệp vụ trực tiếp của mình vì tình trạng tổ chức phi lý của xã hội. Anh ta phải thích nghi với hoàn cảnh, bất chấp bổn phận của mình, bất chấp quyền lợi bệnh nhân.

***

Tôi muốn được nhắc lại: trong khi đọc cuốn tiểu thuyết của Watanabe, tôi cứ chờ gặp đủ những chuyện bất ngờ, trong đó có cả những thứ y học phi thường, những cách chữa bệnh kỳ lạ.

Nhưng trên những trang sách ta chỉ thấy một nền y học hết sức bình thường được xác lập trên cơ sở của những thành tựu của nền văn minh toàn nhân loại hiện đại. Và các nhân vật đều là những người thầy thuốc cũng sống với những niềm lo âu y hệt như các bạn đồng nghiệp của chúng ta ở đây, hơn nữa cũng lại tư duy chẳng khác gì chúng ta và xử sự y hệt như chúng ta khi đứng trước nỗi đau khổ của con người.

Cuốn tiểu thuyết “Vô ảnh đăng” đem lại niềm vui cho chúng ta bằng cách khẳng định một lần nữa: những con người thông minh, những con người trí thức bao giờ cũng giống nhau, dù họ sống ở xứ sở nào. Họ đều hiểu sâu sắc rằng trên cõi đời này hãy còn không ít những điều xấu xa. Và cuối cùng, nó khẳng định một lần nữa rằng có nhiều điều nhất định phải thay đổi để hướng tới cái thiện, tới lòng nhân ái và tới tính người chân chính.


Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com