Đêm dậy thì

Bàn tay mưa

Tôi mở tung hai cánh cửa sổ. Cây lá bên ngoài vẫn bất tỉnh. Trời vẫn không một ngọn gió. Từ nhiều ngày nay, trời bỗng nóng kinh khủng. Cứ mỗi lần xế trưa là đất lại như muốn sôi lên. Và tôi, tôi cũng vậy, cũng như đất, tôi cũng đang muốn sôi lên đây. Không thể chịu nổi nữa.

Tôi đẩy hai cánh cửa sổ thêm một lần nữa. "Pán tiêu… pán pò lơ!" Lại cái tiếng rao khó chịu của lão Tàu già bán bánh tiêu bánh bò. Vậy mà đã gần 4 giờ chiều rồi. Hôm nào cũng vậy, cứ khoảng 4 giờ là lão Tàu này đi qua cửa sổ phòng tôi, đều đặn như một cái máy. Một cái máy hết sức khó chịu. Tôi càng khó chịu hơn nữa vì tiếng rao của lão cũng in hệt cái giọng líu la líu lo của lão Tàu mập vẫn thường đến với mẹ tôi buổi tối. Chắc ngày trước lão cũng đi bán bánh tiêu bánh bò như lão Tàu lỡ cỡ này. Nhưng bây giờ thì lão đã lịch sự, bóng bẩy với chiếc bụng phệ, với bộ râu cá chốt, với chiếc Falcon bóng loáng để cung phụng mẹ tôi. Tôi bỗng nhớ Bạch nôn nao. Bạch cũng vậy. Cũng một bộ râu nhưng rậm rạp như rừng và mạnh mẽ như sức sống. Nhưng tôi mất Bạch rồi. Bạch vừa tuột khỏi tay tôi để tới với một đứa khác. Nó xinh đẹp và dễ dạy hơn tôi, chắc thế.

Tôi biết Bạch không chỉ đi với một mình tôi, nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn ghen. Mới hôm kia, trông thấy Bạch đi với nó ở một chỗ đông, đầu tôi ù đi và tôi bỗng trở nên xa với tôi ngày thường hàng vạn dặm. Tôi lao người tới nó, túm lấy nó, la hét đánh xé. Nhưng rồi chính tôi lại là người đau nhất. Bạch giữ tôi lại, dúi tôi xuống đường: "Cô làm gì vậy. Đồ điên. Tôi không tha thứ cho cô được nữa rồi. Quá lắm". Rồi chiếc Floride của Bạch chở đứa con gái lao đi.

Đồ điên! Thế là hết.

Hình như không khí vừa chuyển động. Một chút gió không biết từ đâu tạt vào mặt tôi nhưng không mát mẻ gì mà lại càng nóng thêm. Tôi vuốt mắt, cả người hâm hấp.

Tôi là một đứa trẻ không biết bố là ai. Mẹ tôi đã gần bốn mươi, nhưng bà vẫn còn đủ nhan sắc để say đắm những ông lỡ cỡ, goá vợ, hoặc vợ ở nhà đã khô héo. Tôi thấy nhiều người tìm tới với mẹ tôi lắm, nhưng dai dẳng nhất trong những ngày gần đây là lão Tàu mập. Tuổi thơ của tôi nói không hết, nhưng nhắc lại làm gì. Đáng kể và quan trọng nhất là những ngày tôi yêu Bạch. Hình như Bạch sinh ra là để cho đàn bà yêu. Có thật thế không?

Bạch có một vẻ đẹp khác lạ, chàng giàu có, duyên dáng và đa tình. Chàng không hề yêu một mình ai nhưng hình như cũng không muốn bỏ ai. Tôi không thể hiểu nổi Bạch nhưng tôi đã yêu chàng, yêu chàng trên hết.

Nhưng cớ sao tôi đã làm nhục Bạch? Tôi đã đau đớn biết bao vì hành vi đó, nhưng nghĩ tới Bạch ham vui, đào kép, tôi lại muốn điên lên. Bây giờ chàng đã xa tôi rồi, chàng không tha thứ cho tôi nữa, nhưng tôi vẫn ghen kinh khủng.

Hình như mẹ tôi vừa đi đâu về. Tôi nghe tiếng bà ho ở ngoài cửa. Đúng vậy, tiếng bà mắng chị Hai: "Nhà cửa bê bối thế này đây hả Hai, a, té ra mày bận trai gái với thằng Sáu Sốp phơ phải không?"

Tôi bưng tai, mẹ tôi vẫn lối nói đó. Mỗi khi bực tức bà van la hét um nhà. Tôi thường đóng cửa phòng lại mặc bà chửi đến mỏi miệng thì thôi.

"Mày làm gì trong đó, Phương?"

"Con không làm gì cả". Tôi nói.

Mẹ tôi lại hỏi:

"Mày ăn cơm chưa? Trời nóng quá. Sắp mưa đấy mà".

Tôi nghe tiếng khuy áo bà tung mạnh, rồi tiếng quạt trần quay vù vù. Tôi nghĩ tới chiếc bụng mỡ nhễ nhại của lão Tàu và đôi ngực đồ sộ của mẹ tôi. Tởm quá. Tôi thầm nói và đẩy thêm cánh cửa ra. Cánh cửa đã mở hết cỡ, không nhúc nhích. "Pán tiêu… pán bò đây lớ". Lão Tàu bán bánh bò vẫn còn ở đó, ngoài cửa sổ.

"Ra mà ăn cơm, Phương".

Tôi đi ra mẹ tôi đã ngồi vào bàn, bà đang gắp một cọng rau. Cọng rau xanh mát trên đôi môi đỏ chót. Tôi khó chịu quay mặt đi. Tôi ngồi vào bàn. Chị Hai bật ngọn điện và mẹ tôi bảo: "Tắt đi, con khỉ, nóng thấy bà nội". Một lát bà nhìn tôi:

"Mày thất tình đấy hả, Phương?"

Tôi xới một bát cơm. Mẹ tôi lừ lừ:

"Gắng lên con ạ, mới mười tám tuổi đầu, uổng đời lắm. Hừ, tao biết lâu nay mày chẳng học hành gì hết. Mày theo thằng Bạch, rồi bây giờ lại nhì nhằng với thằng Tâm phải không? Mày đừng có mởn với cái chú chú cháu cháu của nó. Nó ngủ cả với mẹ mày được đấy con ạ".

Tôi lạ gì điều đó. Chú Tâm năm nay hai tám tuổi, giàu có và muốn làm ra vẻ nghĩa hiệp không thì chú mất công chú chú cháu cháu với tôi làm gì. Chưa biết chú ấy thèm khát tôi hay mẹ tôi nhiều hơn?

"Mày câm rồi sao Phương? Ừ, mắt đỏ hoe thế kia, khóc hả. Bị thằng nào bỏ rơi. Giờ tao còn đủ sức cho mày ăn học, mày không lo, sau này lại trách tao bỏ bê, khổ thôi con ạ".

Đâu phải bây giờ mẹ mới bỏ bê tôi. Mẹ bỏ bê tôi mười tám năm nay rồi đó. Tôi nói thầm và nuốt một miếng cơm chồng lên nỗi u uất. Mẹ tôi chỉ ăn được một bát cơm, bà buông đũa xuống, phanh cả ngực ra: "Nóng ơi là nóng, chết chết. Mưa đi ông ạ".

Không biết ông trời có nghe tiếng mẹ tôi nói không mà ông vẫn đứng im.

Bây giờ Bạch đang làm gì, nghĩ tới tôi hay một cô gái nào khác? Chiếc Floride đỏ, căn nhà sang trọng và những buổi chiều rực rỡ ở bờ sông ở nhà hàng, bây giờ trở lại đày đoạ tôi thê thảm. Bữa cơm rồi cũng xong. Mẹ tôi nằm trên chiếc đi-văng, dáng sốt ruột: "Nó hẹn 7 giờ. Bây giờ kém mười rồi đây, bậy quá".

Nó hẹn đúng là lão Tàu mập.

Tiếng líu lo của lão Tàu, tiếng kéo ghế. Tiếng mẹ tôi than nóng.

Tôi nằm vùi xuống giường, một giọt nước mắt tràn ra má: Bạch, Bạch. Tôi không thể mất Bạch, tôi yêu Bạch, yêu cả cái đa tình của Bạch mà… Hãy thiêu tôi đi, tôi đóng cửa sổ và lim dim trong không khí nóng bỏng.

Trời vẫn chưa mưa, oi bức càng ngày càng khó chịu. Buổi chiều ấy mẹ tôi và tôi lại cãi nhau một trận: "Mày điên rồi. Nóng quá, mày điên rồi". Mẹ tôi la lên: "Mày có chịu đi học lại không? "Tôi không đi". Hét lớn được, tôi bả hơi hơn, và mặc áo đi ra khỏi nhà.

Ra khỏi nhà dễ chịu hơn thật. Tôi ghé qua nhà Châu, nó đang sửa soạn đi ciné với ba mẹ nó. Tôi bỏ về, chưa biết đi đâu thì có tiếng gọi:

"Phương".

Chú Tâm dừng xe lại: "Lên đây chú chở về". Không biết đi đâu và cũng không biết làm gì, tôi mở cửa xe leo lên ngồi cạnh Tâm: "Đi đâu về đó?" "Đi chơi lan man vậy thôi". "Có mẹ ở nhà không?" Tôi cáu kỉnh: "Chú hỏi làm gì". Chú cười hề hề:

"Hỏi cho biết, bây giờ cháu muốn về chưa?"

Tôi nghĩ tới khuôn mặt của mẹ tôi, và cuộc gặp gỡ của chú Tâm. Chị chị em em, rồi giỡn hớt. Tôi chán lắm rồi. Tôi nhìn khuôn mặt nghiêng của chú Tâm, chú ấy còn trẻ thế tại sao lại mê mẹ mình được… Hay là giữa chú ấy với mẹ mình không có gì hết như chú vẫn thường nói? Mẹ tôi vẫn bảo: Nó còn nhỏ nhưng nó tốt lắm, nó không lợi dụng đâu. Tôi biết mẹ tôi thì còn ai lợi dụng được nữa. Tôi thấy chú Tâm không quẹo xe về lối nhà, tôi hỏi: Chú đi đâu?

"Phương có muốn đi chơi không? Về bây giờ nóng chết".

Nóng thật. Tôi gật đầu. Về nhà bây giờ thật nóng chết người được. Rồi lão Tàu tới, rồi mẹ tôi, hai căn phòng sát vách. Tôi chịu gì nổi. Tôi nói:

"Chú cho Phương đi chơi đi".

"Được rồi, đã đi với chú thì không được đòi về nghe".

Chú Tâm hí hửng lái xe cho tôi đi. Câu nói của chú làm tôi chột dạ. Tôi chưa bao giờ đi chơi với chú Tâm thế này, tôi cũng chưa hiểu gì về chú. Nhưng tôi cần giải buồn. Tại sao tôi cứ giam mình trong căn phòng tối?

Chú Tâm đã khéo léo dẫn tôi vào câu chuyện. Chú Tâm đưa tôi vào một nhà hàng ở Chợ Lớn, vừa đặt người ngồi xuống tôi bỗng giật nẩy mình. Bạch đang ngồi với một cô gái ở bàn bên cạnh. Nét ngạc nhiên sững sờ còn đọng trên khuôn mặt chàng. Chàng đã thấy tôi bước trên xe hơi xuống, chàng đã nhìn thấy chú Tâm đưa tôi vào. Chàng đã nhìn và chàng ghen tức. Tôi ngồi sượng sùng trong khi Tâm thì lăng xăng. Bạch gắp thức ăn cho cô gái, Chú Tâm cũng gắp thức ăn cho tôi.

Hình như Bạch vẫn nhìn lén về phía tôi và khuôn mặt chàng tối lại. Để cho biết, Bạch đang cúi thấp đầu và cô gái rì rầm bên tai, lả lơi… À, ăn nhằm gì tôi cũng đang đi với một người đàn ông, chú Tâm cũng có xe hơi, cũng giàu sang, chiếc Taunus của chú Tâm còn đẹp hơn xe Bạch, chú Tâm còn bảnh trai hơn Bạch. Tôi có ý nghĩ là tôi sẽ bắt bồ với chú Tâm, sẽ bắt cho được, để Bạch biết rằng tôi không chết vì Bạch mà vẫn sống nhăn, vẫn có tình có tiền. Còn lão tình nhân của mẹ tôi nữa, lão Tàu phệ dường như đã ngỏ ý muốn lấy mẹ tôi, cưới hỏi đàng hoàng. Lão goá vợ, không con, lão lại còn cả một gia tài đồ sộ. Trong câu chuyện cãi vã buổi chiều mẹ tôi cũng có nói đến là lão Tàu muốn lấy bà; tôi lại cầu mong bà lấy lão cho xong chuyện.

Không biết tôi đã nói chuyện thân mật với chú Tâm đến độ nào mà chú ấy quàng tay qua vai tôi. Tôi ngượng ngùng gỡ bàn tay chú ra, và vô tình tôi nhìn thấy nơi cổ tay chú Tâm có một điểm son. Một nốt ruồi son, như Bạch cũng có một nốt ruồi như thế giữa lòng tay mà tôi tin dị đoan là nốt ruồi chỉ định đường đào hoa. Tâm hồn tôi thật lạ. Khi ngồi trước mặt Bạch, nhìn Bạch lả lơi, tôi không buồn phiền gì. Nhưng khi Bạch dìu cô gái nọ ra xe, tôi bỗng thấy ngẩn ngơ muốn khóc…

Sau bữa cơm, chú Tâm đề nghị chạy một vòng lên xa lộ dạo mát. Tôi không phản đối. Hình ảnh Bạch và cô gái đã làm lòng tôi bời bời tủi nhục. Bạch đã khinh tôi chăng? Nhưng dù đi bên Tâm, đóng trò thương yêu với Tâm, tôi vẫn không ngớt nghĩ tới Bạch tôi vẫn yêu chàng… Tôi sợ phải về nhà, phải ngồi một mình với hình ảnh Bạch.

Bây giờ chú Tâm chỉ cần nắm lấy tay tôi, nhìn vào mắt tôi là tôi có thể ngã vào lòng chú, như trăm ngàn cặp yêu đương khác trên những chiếc xe hơi, hay xa lộ. Nhưng không, chú Tâm đi dạo một vòng, rồi đưa tôi về nhà. Mẹ tôi vẫn chưa về. Tôi vén màn cửa nhìn chiếc xe của chú Tâm lao vào đêm tối. Tôi lại cô đơn, lại bơ vơ muốn khóc. Ngọn đèn đường bỗng lu đi, buồn bã.

Không biết một sức mạnh nào đã giục được tôi tới nhà Bạch, can đảm bấm chuông nhà chàng. Bạch ra. Bạch nhìn tôi sửng sốt, ngạc nhiên. Căn nhà của Bạch không có chi thay đổi hết. Tôi hy vọng nó sẽ nhắc nhở cho Bạch lại những kỷ niệm mà nguôi đi chăng? Như buổi sáng mai, tôi đã từng đứng nơi khung cửa sổ này nhìn những bông hoa vừa hé nụ. Hay thi nhau đếm những búp hoa non. Và những buổi chiều, căn phòng khách giam kín tiếng nhạc, tôi và Bạch đi những bước valse thật cổ điển, hay những điệu tango, rộn ràng hơn thì twist. Bây giờ tất cả như xa vời, nhưng khuôn ảnh tôi, Nguyệt và Đào vẫn còn đó trên tường. Tại sao Bạch không cất đi. Câu chuyện cũng chẳng có gì đặc biệt, bởi chúng tôi đã vô cùng khách sáo. Và khi tôi đứng ở cửa sổ, nhìn lại những bông hoa cằn cỗi vì sức nóng của những ngày chuyển giông, chàng bỗng nói cho tôi biết là chàng sắp lấy vợ. Người đó là cô gái tôi đã từng tát vào mặt nàng. Tôi đã tát được cô ta nhưng tôi đã không thắng cô ta… Bạch không nhắc gì chuyện cũ hết. Rồi thôi, tôi chẳng có lý do gì để đến nhà Bạch sau lần đó nữa…

Và tôi đã thường tới chú Tâm luôn luôn, tới nhà và đi chơi khắp cùng với chú. Ngồi xe với Tâm, tôi thường nghĩ tới những đêm dựa đầu trên vai Bạch và chàng lái xe chạy khắp ngả đường; nói chuyện yêu đương hết sức lẩm cẩm rồi trở về. Bây giờ chú Tâm cũng thế, nhưng tôi hầu như hết mọi xúc động.

Chú Tâm cũng có nhiều bạn gái, cũng như Bạch nhưng tôi không lấy làm quan trọng nữa, bởi vì đi với chú, tình tự với chú mà tôi chỉ thấy dối gạt, xót xa. Tôi đã bắt đầu thay đổi tâm tình, tôi ít nóng giận với mẹ tôi, ít cãi cọ lớn. Tôi bỏ nhà thường xuyên, hết đi chơi với tụi bạn lại đi chơi với chú Tâm.

Rất nhiều buổi tối tôi tới và Tâm bận tiếp bạn gái. Tôi lẳng lặng đi. Tâm dường như hết sức lạ lùng về trường hợp tôi. Tâm thường nói: "Các cô thấy chú mê Phương đều ghen tức, mà chú mê Phương thật rồi".

Tôi bỗng nghĩ lẩm cẩm biết đâu trong những cô bạn gái đó đối với Tâm chẳng như tôi đối với Bạch, rồi một ngày nào đó sẽ xé áo tôi ở ngoài đường. Tôi vừa chua chát vừa khoái chí đem điều đó ra nói với Tâm thì Tâm cười ngất: "Chú chả thề non hẹn biển với cô nào thế, trừ ra cháu, nếu cháu muốn".

Và trong tuần lễ đó, tôi nhận được thiệp cưới của Bạch.

Tôi xới thêm một bát cơm nữa. Tôi ăn không biết ngon. Mẹ tôi cũng bưng bát cơm. Hình như mẹ tôi đang nghĩ điều gì. Thỉnh thoảng bà nhìn tôi một cái rồi lặng thinh. Độ này mẹ tôi ít nói hơn trước, tôi cũng không có gì để cãi lẫy với bà. Từ ngày nghe tin Bạch lấy vợ, tôi mới thấy thấm thía cái buồn khổ, cô đơn của tôi. Tôi không nguôi được Bạch. Tôi bắt đầu ở nhà, nằm buồn một mình trong phòng, tôi xa lánh bạn bè và cũng ít đi với chú Tâm nữa. Lâu lắm tôi mới gặp chú ngoài phố khi tôi đi mua đồ dùng hoặc không biết làm gì, tôi tới thăm chú vài phút rồi về ngay. Tôi không cần tìm hiểu chú có đểu hay không đểu. Tôi bỏ học luôn, trường tư đi hay không đi chả để ý. Tôi bỏ học cũng là chuyện thường… Tôi gầy đi trông thấy. Nhưng không biết sao mẹ tôi thì… béo ra thêm nữa. Thời tiết làm tôi khó chịu hơn, trời chỉ nổi một vài tiếng sấm vào giữa đêm, hay có khi tôi nghe lầm, tiếng súng mà tôi tưởng lầm chăng? "Lâu lắm trời chưa mưa. Mùa nóng bức thế này con gầy đi, Phương ạ".

Giọng nói ngọt ngào của mẹ tôi thật đột ngột hết sức! Lâu lắm rồi, từ chín, mười năm nay, tôi chưa nghe mẹ tôi hỏi tôi một câu săn sóc như thế. Thuở nhỏ có một lần tôi bị thương hàn, mẹ tôi đưa tôi vào nhà thương, cho tới khi tôi về chỉ có một mình chị người làm săn sóc. Mẹ coi sự đau ốm của tôi như hành tội bà. Tôi đã từng khóc ngất vì những tiếng nguyền rủa. Nhưng hồi bé kia, năm tôi lên mười lăm, cách cư xử của bà khác hẳn… Tôi không hiểu mẹ tôi đã nghĩ gì khi nói câu đó. Tôi gầy thật, khi soi gương tôi cũng nhìn thấy.

Tôi nhai lười biếng những hạt cơm đang ngồm ngoàm trong miệng. Mẹ tôi lại nói:

"Không thích ăn nữa thì thôi, lát sai con Hai nó mua phở mà ăn con ạ". Tôi ngẩng đầu lên, nhìn vào mặt mẹ tôi, tôi bỗng dạ một tiếng hiền lành có lẽ chưa bao giờ tôi hiền lành đến thế. Mẹ tôi cũng nhìn tôi sửng sốt.

"Con lớn thật rồi Phương ạ, bởi vậy mẹ quyết định lấy chồng, mẹ làm lại cuộc đời. Con có tin không?"

Trong thâm tâm tôi vẫn ao ước mẹ tôi lấy lão Tàu mập, nhưng khi mẹ tôi nói tới tiếng lấy chồng, tôi bỗng nổi sùng:

"Con tưởng mẹ lấy chồng lâu rồi chứ".

Tôi nói thản nhiên. Tôi cố giấu sự nổi sùng của tôi.

Mẹ tôi lắc đầu cười chua chát:

"Mày vẫn cái giọng đó. Mày nói mỉa giỏi lắm".

Tôi ân hận:

"Con không định nói thế, mẹ đừng để ý".

"Mày đã nói ra rồi, tao hiểu là mày khinh tao, tao không lo lắng đầy đủ cho mày, tao đã từng bất nhân. Nhưng tao thương mày, tại mày không muốn thấy tao thương mày đó thôi. Tại mày giống… mày lầm lì, mày giống…"

"Tôi giống ba tôi chứ gì? May cho tôi quá".

Không hiểu sao tôi vừa ân hận tôi lại nổi sùng ngay, tôi cười lạt.

Mẹ tôi như cũng không cố gắng được:

"Mày khinh tao đấy phải không? Hừ, cho mày khinh. Từ lâu tao chỉ lấy tiền chứ không lấy ai hết. Bây giờ mày tưởng tao khoái lấy chồng sao, tao cũng chỉ lấy tiền, lấy tiền để nuôi mày, lấy tiền để…"

Tôi thấy tởm. Tôi kêu:

"Thôi, con xin mẹ".

"Nhưng mày biết hết rồi, mày khinh tao…"

Khuôn mặt mẹ tôi thuỗn ra, bao nhiêu đanh đá hằng ngày như tan hết. Đôi môi tím ngắt của mẹ tôi mím chặt, đôi môi đó là một sự thật thê thảm, đôi môi mà hằng ngày vẫn được quét lên một lớp son tươi, bây giờ là những chịu đựng, những câm nín.

Mẹ tôi thường kể lại với mọi người rằng chính cha tôi đã làm tan nát đời bà. Cha tôi, một kẻ vô danh nào đó, tướng cướp? Sở Khanh? Lính thổ? Bây giờ tôi cũng không cần biết làm gì. Đã mười tám năm tôi chịu làm một đứa con hoang, như mẹ tôi đã mười mấy năm trời lăn lóc. Tôi đã làm một món nợ đeo đẳng suốt đời bà… Lý do nào tôi nguyền rủa mẹ tôi, nguyền rủa tôi mãi, chúng tôi cùng đáng nguyền rủa hết. Tôi nói:

"Mẹ biết thương con, lý nào con lại không thương mẹ. Con cũng muốn mẹ có một đời sống ngăn nắp, đàng hoàng hơn".

"Con oán mẹ không?"

"Không, con không oán ai hết".

"Chuyện cũng cần phải dẹp bỏ hết. Mẹ muốn nói với con một chuyện. Con thấy lão Tàu mập chứ?"

"Dạ thấy".

"Lão ta muốn lấy mẹ".

Tôi nghĩ tới lão Tàu mập với chiếc bụng nặng nề rồi nhìn mẹ tôi, mẹ tôi tuy béo tốt nhưng vẻ già nua không còn che đậy được nữa. Còn gì hơn, tôi cũng sẽ thay đổi cuộc sống, mẹ tôi sẽ phải lo cho tôi hoàn tất hơn. Tôi nghĩ tới một gia đình. Ừ thì bố ghẻ, có sao đâu. Tôi không làm gì chạm tới ai hết, và ông ta lấy mẹ tôi, phải có bổn phận với mẹ tôi. Mẹ tôi chắc đã suy tính ghê lắm. Tôi nghĩ tới chiếc xe hơi của lão, một ngôi nhà đồ sộ… Tôi sẽ may sắm, tôi sẽ đi học bằng xe nhà. Mỗi Chủ nhật tôi đi sắm đồ với mẹ tôi. Lão Tàu mập có vẻ ăn xài rộng rãi lắm và si mê mẹ tôi, và tôi sẽ làm thân với lão, lão không con. Tôi không có gì lo sợ hết. Tụi bạn thường khinh rẻ tôi, con nhà nghèo. Bây giờ tôi sẽ đổi trường, tôi sẽ thay đổi hết… Lòng tôi chớm lên một hy vọng về tương lai; nhờ mẹ tôi đã không còn cách xa tôi nữa. Giọng mẹ tôi đều đều xúc động. "Con đã lớn rồi, con cần phải học hành. Mẹ sẽ lo cho con đầy đủ. Mẹ sắm sửa cho con. Con cũng phải cố gắng nghe không?"

Mẹ tôi lại nói tiếp:

"Mẹ không nói ra nhưng lâu nay mẹ biết sự liên lạc của con với thằng Bạch và chú Tâm. Từ nay, con phải dứt bỏ hết. Con đi học lại đàng hoàng, con phải khá hơn mẹ".

Tôi muốn nói cho mẹ tôi biết là Bạch đã bỏ rơi tôi và tôi với chú Tâm chưa có gì với nhau hết. Nhưng nói với mẹ, mẹ cũng không tin. Tôi chỉ đáp nhỏ:

"Con sẽ nghe lời mẹ hết".

Mẹ tôi đứng dậy, vuốt tóc tôi:

"Bây giờ con đi nghỉ đi. Lát nữa mẹ phải đi, mình phải sang gấp cái nhà, mẹ muốn có một món tiền sắm sửa cho con ngay".

Mẹ tôi đi vào phòng, tôi nhìn theo dáng đi của mẹ tôi. Bao năm trời tôi mới nhìn ra nổi người mẹ.

Chỉ còn vài hôm nữa mẹ tôi dọn xuống Chợ Lớn. Căn nhà đã sang xong, chờ chúng tôi đi là chủ mới dọn đến. Như lời hứa, mẹ tôi đi sắm cho tôi rất nhiều quần áo, đồ dùng. Nhưng tới khi mẹ tôi mang về hai chiếc va-li lớn mới tinh, nói để dành cho tôi thì tôi chưng hửng. Tôi như từ trên trời rớt xuống. Mẹ tôi bảo đã biên thư gửi tôi ra ngoài Nha Trang ở với ông cậu. Ông cậu này tôi chưa một lần nào gặp và tôi cũng không biết đến… Tôi không chịu, mẹ tôi dỗ dành, năn nỉ mãi, tôi cũng năn nỉ lại. Cuối cùng tôi lặng thinh, chưa nói gì hết.

Tôi bỗng thấy yêu mến căn nhà của tôi ở suốt mười năm. Từ một mái tranh, bây giờ được xây chữa dần lại đẹp đẽ. Tôi không thể bỏ nó để đi đến một thành phố xa lạ, một gia đình tôi chưa hề biết. Mùa mưa dường như lại sắp bắt đầu rồi. Đêm hôm qua, đang ngủ, tôi bỗng choàng dậy và nghe một vài tiếng giông, nhìn thấy những ánh chớp. Tôi cầu mong một trận mưa lớn, nhưng mưa vẫn chưa đến.

Hình như mẹ tôi vừa đi chợ về. Tiếng gọi chị Hai, tiếng đồ đạc va chạm. Chắc mẹ tôi lại mua cho tôi một món đồ mới nữa đây, và lát nữa mẹ tôi sẽ ôm lấy tôi mà khóc, mà dỗ dành. Đúng vậy, mẹ tôi vào buồng, ngồi xuống bên tôi, bàn tay mẹ tôi đặt lên trán tôi:

"Con làm sao thế hở Phương, con mệt à?"

"Không, con không mệt".

"Con ra xem quà đi, mẹ mua cho con một cái áo kim tuyến đẹp lắm".

Một cái áo kim tuyến đẹp mà làm gì ở cái thành phố buồn thảm đó?

Tôi muốn oà lên khóc, mẹ tôi lại dỗ dành:

"Ra ngoài đó ở với cậu mợ, mẹ sẽ gửi tiền ra cho con ăn học. Cậu mợ sẽ thương con lắm". Tôi không tin cậu mợ tôi sẽ thương tôi hay sẽ bắt tôi làm lụng như đầy tớ không công. Tôi đã từng thấy hoàn cảnh con Hồng, bạn cùng lớp với tôi. Nó ở với ông chú cực như chó. Tôi nói:

"Mẹ cho con ở đây, con đi học, con sẽ thi đỗ".

"Mẹ không muốn xa con, nhưng con phải có người kèm. Mẹ nghĩ cậu con có thể giúp đỡ con được".

"Nhưng con không muốn đi".

"Nghe mẹ, bây giờ đang mùa nóng, về Nha Trang có biển, mát lắm. Con về sớm để kịp nghỉ hè".

Nghỉ hè. Hai chữ của mẹ tôi dùng quyến rũ quá. Giá như bình thường mẹ tôi cho tôi đi nghỉ hè một vài tuần như thế, tôi sẽ sung sướng biết bao. Đằng này không phải thế. Mẹ tôi muốn tống cổ tôi đi. Tôi lặng thinh. Mẹ tôi định nói thêm thì có tiếng lão Tàu mập léo xéo ở ngoài.

Tôi nằm úp mặt vào vách. Mẹ tôi đùa với tôi một câu rồi đi ra. Tôi nghe tiếng mẹ tôi nói chuyện với lão Tàu mập, hình như họ bàn về tôi. Tôi lắng tai nghe: "Căn nhà này đã sang xong rồi, vài hôm nữa dọn về dưới Chợ Lớn hẳn. Tôi định cho con Phương nó về Nha Trang, về dưới chỉ có hai đứa mình". Giọng lão Tàu mập líu la líu lo, như tỏ vẻ vui mừng. Tôi nghe lập bập tiếng lão nói: Con nhỏ, con nhỏ, và những tràng tiếng khác dài hơn, nhưng tôi không hiểu thấu. Tôi bỗng tức giận tràn hông, con nhỏ. Đồ đạo đức giả, lão đã từng ngủ với mấy con nhỏ như tôi rồi, đồ tồi.

Cả mẹ tôi nữa, bà muốn tống cổ tôi đi để rảnh chân du dương với lão. Mẹ tôi sẽ gửi tôi ra đó và không bao giờ ngó lại nữa hết. Tôi sẽ sống ở thành phố đó, ăn nhờ ở chực, không thể được. "Pánh tiêu… pánh pò" - lão Tàu rao bánh lại tới ngoài cửa sổ. Và tôi lại như muốn sôi lên. Tôi đứng dậy mò ra ngoài. Mẹ tôi ngồi trang điểm trước bàn phấn, còn lão Tàu mập đứng cạnh, một tay xoa nhẹ trên chiếc gáy đầy thịt của mẹ tôi. Tôi nhìn thấy mẹ tôi trong gương rạng rỡ. Lão Tàu quay lại nhe răng cười với tôi. Tôi giương mắt nhìn. Mẹ tôi thấy tôi thì nói:

"Con có đi chơi đâu không, con nên ra phố mua thêm đồ dùng đi. Con thích gì cứ mua. Mẹ để riêng cho con năm ngàn đó". Mẹ tôi chỉ số tiền để trên mặt bàn phấn, cạnh ống son đỏ chói. Mẹ tôi đưa lọ nước hoa: "Của ổng mua cho con đó". Tôi chỉ đứng sững không nói năng. Trời vẫn nóng vần vũ. Nóng muốn chết. Tôi nghe tiếng rao "Pánh tiêu, pánh pò…" tiếng rao đi dần qua, rồi mang xa mất hút. Tôi nhìn lão Tàu mập, tiếng rao hàng nhắc đi nhắc lại trong đầu tôi đánh nhịp với tiếng đồng hồ tích tắc. Mẹ tôi lại nói:

"Con nhỏ này ra Nha Trang chắc sẽ hạp lắm. À, sẵn xe hơi của ổng, để mẹ biểu ổng đưa ra phố luôn nghe con".

Lão Tàu mập lại nói một tràng với mẹ tôi. Mẹ tôi gật gật đầu cười, lão cũng cười. Tôi hiểu tiếng được tiếng không. Nhưng tôi lại sắp khởi sự điên rồi đây. Tôi nói:

"Mẹ cất tiền đi, con không đi đâu hết".

Mẹ tôi bỏ cái bông phấn xuống, nhìn tôi, thoáng ngạc nhiên rồi bà cười:

"Mẹ đã nói với con hết lời, tại sao con còn cãi. Con phải đi".

Ba tiếng sau cùng của mẹ tôi làm tôi nổi đoá. Tôi không còn giữ gìn nữa:

"Hừ, mẹ nói lo cho tôi, mẹ lo cái gì? Mẹ muốn tống cổ tôi đi cho rảnh để mẹ du dương với lão ta phải không? Ra Nha Trang để tôi đi ở đợ sao? Tôi không đi đâu hết".

Mẹ tôi ôm đầu:

"Mày bảo sao, trời ơi, mày chửi tao phải không?"

Tôi nói sôi nổi như không được nói không được tức giận thì tôi chẳng còn dịp nào để giận để nói nữa. Tôi sẵn đà:

"Tôi nói cho mẹ biết. Tôi ở đây".

"Tao bán cái nhà này rồi".

"Bán mặc kệ, tôi ở đây. Tôi ở trong cái nhà này. Tôi không cần". Mẹ tôi vụt đứng dậy, tôi tưởng mẹ tôi sẽ tát vào mặt tôi, nhưng không, mẹ tôi chỉ cầm vai lão mập: "Anh tránh ra đi, anh về đi, lát nữa tôi… tôi…, con này nó điên rồi". Lão Tàu mập ngơ ngác không hiểu. Miệng lão líu lo líu la hỏi… Tôi cầm ly nước của mẹ tôi uống còn dở trong tay và nhìn mẹ tôi cố giải thích cho lão hiểu. Mẹ tôi vừa bảo tôi điên. Bạch cũng vậy, chàng bảo tôi là đồ điên. Tôi điên, tôi điên. Phải, tôi điên rồi đây. Lão Tàu nhìn mẹ tôi, rồi nhìn qua tôi. Tôi đưa ly nước lên, rồi nhìn qua tôi. Tôi đưa ly nước lên, rồi không biết để làm gì, tôi quất vào mặt lão. Hình như tôi nghe thấy tiếng thủy tinh vỡ. Hình như tôi trông thấy máu chảy. Nhưng tôi không rõ gì nữa, ngoài việc biết rằng tôi đang ôm mặt chạy ra ngõ. Tiếng rao "Pánh tiêu pánh pò... ơ". Lão Tàu mập. Bạch. Mẹ tôi rồi Tâm, chú Tâm. Tôi cắm đầu chạy.

Chú Tâm quàng tay qua vai tôi, dìu tôi xuống giường:

"Đừng sợ, có chuyện gì thế?"

Tôi không trả lời mà chỉ ôm mặt khóc mùi mẫn. Tôi đã chạy một mạch từ nhà ra, gieo mình trong tắc-xi, để tới đây, qua bao trụ đèn, bao nhiêu phố, bao nhiêu người. Thật đúng tôi là một con điên. Khi chú Tâm mở cửa, tôi ngã ngay vào lòng chú. Bây giờ tôi chỉ biết khóc, khóc cho hả giận, cho hả tức, cho vơi nỗi sợ hãi, tủi nhục.

Tôi đã ném cái ly vào mặt lão Tàu, tôi đã phá mẹ tôi. Nhưng tôi thất bại. Có thể bây giờ mẹ tôi đang băng bó cho lão, đang nguyền rủa tôi cho lão vui lòng. Cũng có thể mẹ tôi nguyền rủa căm hận tôi thật, đồ con mất dạy. Tôi không còn hy vọng gì nữa. Thế là hết.

Đầu óc tôi tê rần và cứng như đá. Nước mắt tôi cứ tiếp tục trào ra. Tâm lau nước mắt cho tôi và hỏi han vỗ về. Tâm nói gì tôi cũng gật, gật mà không nghe gì hết. Cuối cùng tôi nghe thấy tiếng Tâm cười: "Phương thật trẻ con hết sức".

Tiếng cười của Tâm làm tôi ngơ ngác. Tôi mới là đồ điên, Bạch bảo tôi điên, mẹ tôi bảo tôi điên, còn chú Tâm lại bảo tôi là trẻ con. Thế là thế nào? Tôi đã mất tất cả. Tôi chỉ còn chú Tâm, chỉ có chú Tâm thôi. Bàn tay Tâm đang vuốt ve mái tóc tôi, an ủi tôi. Và như một người tới tận đỉnh tuyệt vọng, tôi oằn người lên, co quắp ôm lấy chú Tâm. Tôi muốn quên, quên hết.

"Phương không sợ gì chứ?"

"Không".

"Phương tin là chú yêu Phương thật tình chứ?"

"Không cần".

Chú Tâm vẫn tiếp tục thì thầm bên tai tôi gì đó nhưng tôi không nghe nữa. Có tiếng gì chuyển động ào ào trong người tôi, chung quanh tôi, cùng khắp. Rồi một cơn gió lạnh đâu đó bỗng ùa vào phòng. A. Đúng là mưa. Cơn mưa đã tới. Mưa. Mưa rồi. Mưa ào ào, vần vũ. Mưa từ ngoài trời, mưa ùa vào. Mưa luồn hàng trăm ngàn bàn tay vào trong áo tôi. Mưa xoa nắn khắp cùng người tôi, mưa chôn vùi tôi. Mưa đóng sập hai cánh cửa sổ lại và mưa bỗng đạp tung hai cánh cửa lớn ra.

Một tiếng kêu thất thanh vang lên. Tôi mở bừng mắt. Mẹ tôi. Đúng là mẹ tôi. Bà hiện ra không biết từ lúc nào và đứng sững giữa gian phòng, trước mặt tôi, trước mặt Tâm, mặt mũi đầm đìa nước, bà nhào lại phía tôi:

"Con, Phương. Trời ơi, con tôi".

Hình như tôi vừa bất tỉnh trong tay mẹ tôi, nhưng sao đầu óc tôi bỗng sáng suốt quá. Tôi nghe rõ tiếng mưa ào ào bên ngoài. Và khi hai cánh cửa sổ được mở ra trở lại, tôi còn nghe rõ tiếng khóc của mẹ tôi và cả tiếng nức nở của chính tôi nữa, đang xô đẩy và tan loãng trong mưa.