Đế thiên đế thích

Chương bốn

NÚI BAKHENG

Sáng hôm sau, 24.1., anh H. và tôi mướn xe lô đi Đế Thiên Đế Thích (năm đồng một ngày). Hai anh Th. và T. đi sau. Hẹn đợi nhau ở Srah-Srang.

Chúng tôi định đi Angkor Thom trước, coi hết những đền trong vòng nhỏ và vòng lớn rồi cuối cùng mới đi coi đền Angkor Vat.

Qua cửa Angkor Vat tôi thấy vài người chỉ dẫn quần áo chỉnh tề đợi du khách ở trước nhà cho mướn voi. Chúng tôi đi thẳng đến núi Bakheng, cách cửa tây đền Angkor Vat độ 1500 thước và cửa nam thành Angkor Thom độ 500 thước.

Trước khi ngắm một cảnh bao la tôi thường tìm chỗ nào cao để coi toàn thể cảnh đó đã. Cách Siemreap mười cây số về phía Bắc có núi Chrom cao trên trăm thước, đứng trên ngọn có thể bao quát gần hết miền mà người Miên xưa đã lựa để dựng kinh đô. Tôi tiếc không có thì giờ leo lên núi đó nhưng cũng không ân hận mấy vì đã lên núi Bakheng.

Nghe nói xưa núi này cao và lớn, người Miên đục ra lấy đá để xây vài ngôi đền tại Đế Thiên (Angkor Thom) cho nên nay chỉ còn cao độ sáu chục thước. Chỉ có một lối lên, trông xuống con đường nhựa nối Angkor Vat và Angkor Thom. Lối đó dốc, không xây bực, đá thường lăn ở dưới chân, cho nên lên đã mệt, xuống lại khó. Tôi gắng lắm mới khỏi nghỉ ở lưng núi. Lên tới ngọn, đầu tôi choáng váng, nhưng nhờ không khí trong và mát, chỉ nghỉ vài phút sau đã hết mệt.

Nhưng tôi còn phải leo nữa vì đó chỉ mới là cái sân rộng mỗi chiều độ trăm mét. Giữa sân là một mái ngói nhỏ che một phiến đá có đục lõm xuống thành hình một bàn chân dài độ hai thước. Người Miên bảo đó là một bàn chân Phật, còn một bàn chân nữa ở núi Kulen (1) tức núi Phật tổ. Những người lên núi Kulen rồi nói chuyện rằng hai bàn chân đó tuy lớn như nhau, nhưng ngón chân bàn này hướng về một phía thì ngón bàn kia hướng ngược lại, thành thử không biết Phật đứng cách nào. Xét như vậy cũng tỉ mỉ quá.

Cuối sân là một cái tháp mà muốn lên ngọn phải trèo lên năm thang đá nữa, thang dưới 10 bực, thang kế 9 bực, cứ mỗi thang rút đi một bực, thang cuối chỉ còn 6 bực. Mỗi bực cao 20 phân, rộng 20 phân; đặt dọc bàn chân không được, phải đặt ngang, tay bấu lấy bực trên cho khỏi ngã. Người Miên nói nhà kiến trúc chủ ý làm như vậy người đi xuống phải đi ngang không quay lưng vào đền thờ Phật. Đó chỉ là một lối giảng. Theo tôi, những bực hẹp và cao đó có một tác dụng kiến trúc: kể cả năm thang cao chỉ có tám thước thôi, nhưng ở xa nhìn thấy thang dựng dứng lên, lại gần phải ngửa mặt lên mới thấy bực chót thành thử thang có vẻ cao lớn, làm cho ta ngộp.

Tháp ở trên núi tựa tháp Chàm, xây bằng sa thạch trên nền đá ong. Bốn mặt quay ra bốn phương, đều chạm trổ.

Đứng dưới chân tháp, nhìn chung quanh, ta thấy một biển cây gợn sóng; phía nam hiện lên một cánh cò trắng, tức nhà hàng Grand Hôtel, phía tây hồ Barai loang loáng tựa lưỡi gươm; phía bắc núi Chrom nhô lên thành một đảo con, và ở chân trời xa tít, chạy một dãy núi xanh biếc: núi Kulen.

Ở dưới chân ta ẩn hiện một dòng nước xinh xinh, uốn khúc ôm những búp sen của đền Angkor Vat. Ta tưởng như đứng trên một núi non bộ vĩ đại, ngắm một vườn thượng uyển mênh mông còn ngủ trong ánh vàng và gió hiu hiu của buổi sớm.

THÀNH ANGKOR THOM

Chúng tôi xuống núi, vừa lên xe ngồi được một chút đã thấy cửa nam thành Angkor Thom thăm thẳm ở trước mặt. Cửa cao hơn mười thước, xây trong một bức tường, trên có vị Phật Avalokitecvara.

Thành này vuông vắn, mỗi chiều dài 3.000 thước chung quanh có hào rộng chừng 100 thước, đầy lục bình. Sau hào là một bức tường cao chừng tám, chín thước. Bốn cửa chính hướng về bốn phương đông, tây, nam, bắc. Phía đông có thêm một cửa nữa. Trong thành là cả một khu rừng thưa chứa không biết bao nhiêu phế tích.

Chú thích:

(1) Trong những tên Cao Miên, chữ u đọc như chữ u Việt, không phải chữ u Pháp; vần ai, ei đọc như ay, ây Việt.

 

ĐỀN BAYON

Ở cửa nam vào, chúng tôi lại thẳng đến Bayon thờ Phật Avalokitecvara bốn mặt, một ngôi đền cực kỳ vĩ đại, tân kỳ. Khắp thế giới có lẽ không đâu có một kiến trúc phảng phất như vậy.

Hồi trước, Pierre Loti phải chém phá những gai góc, dây leo, len lỏi mới vô được đền vì “rừng ôm chặt lấy nó ở khắp phía, bóp nghẹt nó, nghiến nát nó; những cây đa chễm chệ ngồi trên nóc tháp như ngồi trên bệ, đã hoàn thành công việc tàn phá”.

Một cái bệ không cao, một chiều 160 thước, một chiều 140 thước. Trên bệ là ba dãy phòng bao bọc chung quanh. Dãy ở ngoài đã bị thời gian tàn phá, chỉ trơ những cột đá cao độ hai thước và vài bức tường chạm đủ các hình sinh hoạt thời xưa của người Miên đời các vị vua chúa, các ông lục, quan lại, dân chúng, lính tráng.

Dãy ở giữa còn được gần như nguyên vẹn, có nóc bằng đá – toàn bằng sa thạch – chia ra từng phòng nho nhỏ chừng hai thước một chiều. Trên tường cũng chạm trổ như dãy ngoài: có những hình voi, xe ngựa kỳ dị, những đầu búi tóc đủ kiểu, những bộ mặt hung dữ, những chiếc xiêm lạ lùng, những vị thần nghiêm trang, hiền từ. Đi trong dãy phòng đó, luôn luôn ta phải bước lên, thụt xuống, vì có chỗ cao, chỗ thấp. Không khí nặng nề, khó thở, ẩm thấp, lạnh lẽo, mà ánh sáng thì xám xám, đùng đục. Tôi hơi rùng mình, tưởng như ở đây còn vướng chút hồn của người xưa mà hình ảnh chập chờn trên tường đá.

Qua một lối đi nữa, ta vô dãy sau cùng, lại càng thấy rùng rợn hơn. Ta vội vã bước vào sâu để tìm chút ánh sáng ấm áp, vàng vàng ở trong cùng kia, trong khoảng sân hẹp dưới hàng trăm cặp mắt của Phật Avalokitecvara. Ở đây có 50 cái tháp (°), cái nào cũng cao trên mười thước. Có 172 mặt người (tức 43 đầu Phật mỗi đầu có 4 mặt) lớn hai, ba thước, cái ở trên cao, cái ở dưới thấp, cái sáng một nữa, cái sáng một góc, cái sáng cả, cái tối cả, hướng đủ bốn phương trời, và cái nào cũng có cặp mắt hiền từ, cũng có nụ cười khoan hoà, mỉa mai và bí mật.

Nhưng phải tới đây một đêm trăng mới thấy được cái vô cùng thần diệu, cái vô cùng kỳ dị của cảnh, thấy được cái tài tưởng tượng và sáng tác không tiền khoáng hậu của nghệ sĩ. Ta sẽ thấy dưới ánh trăng huyền ảo có cặp mắt long lanh như cười loài người khờ dại; có cặp mắt ươn ướt như khóc nhân thế trầm luân; có cặp môi như trêu cợt mỉa mai; có cặp môi như mấy máy muốn nói; có nụ cười từ bi, có nét mặt vỗ về; lại có cặp mắt như động lòng nhắm lại, có vẻ mặt như thương tâm mà quay đi. Trăm bảy mươi hai mặt cùng một khuôn mà trăm bảy mươi hai vẻ! Quả thực là một thế giới kỳ dị trong thần thoại do những sinh vật hoàn toàn khác chúng ta dựng nên.

Ta thẫn thờ trước cảnh và tự hỏi: Làm sao họ chở được cả những núi đá đó qua biết bao rừng sâu, đồng lầy từ dãy núi Kulen tới đây; rồi dùng vôi cát gì để gắn mà trải mấy trăm năm không đổ, không hề dùng máy đóng cừ mà nền dưới sức nặng thế kia vẫn không sụt; họ mài làm sao, xếp làm sao mà nhiều chỗ hai phiến đá khít nhau đến nỗi ta lầm là một phiến; và đục chạm làm sao mà nét đều, sắc như vậy; trăm mặt Phật giống nhau như vậy?

Tất cả các du khách đều ca tụng kiến trúc ngôi đến này. Doudart de Lagrée bảo nó là “thần tiên, lạ lùng”, Tissandart khen nó là độc nhật trên thế giới. Và Pierre Loti viết: “Tôi ngửng đầu lên nhìn những tháp dựng đứng ở trên cao, chìm trong cảnh xanh tươi đó, và thình lình tôi rùng mình, sợ sệt – một nỗi sợ mà tôi chưa từng biết – khi tôi thấy một nét mỉm cười lạnh lẽo rơi từ trên cao xuống tôi… rồi lại có một nét mỉm cười nữa ở đằng kia, trên một mảnh tường khác… rồi ba, rồi năm, rồi mười cái mỉm cười, đâu cũng có; tôi bị giám sát ở khắp nơi”.

Theo các nhà khảo cổ thì vua Jayavarman VII mới đầu cất ngôi đền này theo kiểu đền Ta Prohm hay Banteai Kdei để thờ Phật, sau sửa đổi nhiều lần, dựng lại trên nền cũ, xây thêm phòng, thêm hành lang, tháp, nên đền thiếu tính cách thuần nhất, chật chội, có nhiều mực cao thấp khác nhau. Trên ngọn tháp tại trung tâm đền là tượng của vua Jayavarman VII, vị Phật vương, nghĩa là một vị Phật đầu thai xuống làm vua.

Ngồi nghỉ ở sân đền, ngắm các mặt Phật hồi lâu, chúng tôi lui ra, lòng hoang mang, óc vơ vẩn. Xuống khỏi bệ đá, dẫm lên lá rụng của rừng thưa, nghe tiếng xào xạc dưới chân, tiếng rào rào trên đầu, chúng tôi tưởng như tiếng của nghìn xưa đưa lại.

ĐỀN BAPOUN

Chúng tôi thơ thẫn lại Bapoun. Ở đây không khí dễ thở hơn. Một lối đi rộng trên 10 thước, dài trên 200 thước làm toàn bằng những phiến đá lớn, bắt trên những cột cao hơn một thước, tựa như một chiếc cầu, nên thực đồ sộ, còn cao hơn đền Bayon; nếu xây cất ở một khoảng trống thì vẻ oai nghiêm tăng lên nhiều.

Cuối lối đi là một toà ba từng, nhiều chỗ đá nứt, nền đã sụp. Trên tường cao nhất là một ngôi đền cũng chạm trổ, cũng có những dãy phòng ở chung quanh. Chúng tôi không vào, ngồi ở ngoài ngắm rừng. Sau khi nhìn những toà đá đồ sộ ở Bayon, tôi cho mắt nghỉ ngơi trên những chòm lá xanh non run rẩy trong gió ở dưới chân tôi.

BỆ VOI ĐỀN PHIMÉANAKAS

Ở Bayon xuống, chúng tôi lại “Bệ nhà vua” cũng gọi là “Bệ voi” vì bức tường bằng đá cao độ bốn thước, bao bọc bệ, có đục những hình voi lớn bằng voi thực, con thì nhổ sen, con thì khiêng kiệu. Bệ rộng khoảng 200 thước, dài 300 thước. Có hai bực lên, ở giữa bệ có đền hệt như Bapoun, nhưng nhỏ hơn. Đền đó là đền Phiméanakas. Chu Đạt Quan trong tập du ký bảo đền này có cái tháp bằng vàng, chỗ nghỉ ngơi của nhà vua. Dân chúng thời đó tin rằng trong đền có hồn một con rắn chín đầu làm chủ cả non sông, cứ đêm đêm nó hiện hình thành một người đàn bà rất đẹp; nhà vua đúng canh một phải tới tháp ân ái với nó trước, rồi mới tới phiên hoàng hậu hoặc các cung phi tần. Nếu nó hiện lên mà vua không tới thì thế nào nhà vua cũng gặp tai vạ; nếu nó bỗng nhiên không hiện lên nữa là số mạng nhà vua sắp hết.

Chú thích:

(°) Có tài liệu cho rằng ở Bayon có tất cả 54 cái tháp; tên gọi và cách lý giải về vị Avalokitecvara cũng có sự khác biệt (Xem http://vi.wikipedia.org/wiki/Bayonhttp://www.thuvienhoasen.org/angkor-dauanphatgiao.htm).

BỆ VUA HỦI

Chúng tôi không vào Phiméanakas, qua bệ bên cạnh, “bệ Vua hủi”. Bệ này không có gì đặc sắc, ngoài cái tượng Vua hủi. Vua hủi ngồi một chân xếp bằng, chân kia đầu gối đưa lên, thân thể loã lồ - trong nghệ thuật Cao Miên không thấy có một tượng thứ hai như vậy – nhưng không có cơ quan sinh dục. Người ta vẫn chưa biết tượng đó là vua nào hay thần nào. Có người bảo là thần Civa, có người coi chữ khắc trên bệ lại bảo là thần chết Pharmarâja. Lại có thuyết bảo là vua Jayavarman VII (coi phụ lục) (°)

Theo ông Coedès, tác giả cuốn Pour mieux comprendre Angkor thì bệ vua hủi này hồi xưa là nơi hoả thiêu các người chết trong hoàng tộc, cho nên mới dựng tượng thần chết ở đó. Thuyết ông không phải là vô lý. Hiện nay ở Nam Vang và Bangkok, những nơi để hoả thiêu các ông vua đều ở phía bắc cung điện, thì bệ Vua hủi này cũng ở phía bắc cung điện vua Miên thời xưa (1).

Trước mặt bệ Voi và bệ Vua hủi là một cái [sân] (°°) hình chữ nhật, dài 550 thước, rộng 200 thước, nay dọn trống. Chu Đạt Quan chép rằng: “Sân đó chứa hàng ngàn người, dâng đèn kết hoa và đêm đêm người Miên đốt pháo bông cho nhà vua ngắm. Cứ mỗi tháng có có một cuộc lễ. Tháng chín bá tánh mọi nơi họp ở đó, tháng năm người ta chở tất cả các tượng Phật về đây tắm rửa trước mặt nhà vua. Mỗi khi nhà vua ra ngoài thành thì kỵ binh, cờ quạt, đội nhạc dẫn đường, rồi tới cung nữ bưng những đồ vàng đồ bạc, kế đó là xe ngựa, xe dê thùng và gọng chạm bạc. Bá quan cưỡi voi che lọng. Phía sau là hoàng gia, cuối cùng là vua cưỡi voi mà ngà đều bọc vàng. Cán lọng cũng bằng vàng. Một đội kỵ binh hộ vệ nhà vua”.

Chú thích:

(1) Tượng vua Hủi đã giúp Pierre Benoit tưởng tượng một truyện nhan đề là Le roi Lépreux (Albin Michel) nữa tình ái, nữa mạo hiểm, khung cảnh là Đế Thiên Đế Thích, nhưng không liên quan gì tới cổ sử Cao Miên cả.

(°) Có thể xem hình ảnh và một cách lý giải về tượng Vua hủi tại http://blog.360.yahoo.com/blog-z31WN...eec-?cq=1&p=58

(°°) Chữ trong dấu ngoặc đứng do Goldfish ghi thêm.

 

 

CỬA KHẢI HOÀN

Ở bệ Vua hủi, chúng tôi tiến lại cửa Khải hoàn. Cửa này cũng như cửa nam thành Angkor Thom, nhưng hai bên thêm hai dãy thần ngồi ôm con Naga, mỗi bên 54 vị lớn hơn người thực cách nhau độ hai thước, coi cũng có vẻ hùng vĩ. Con Naga (°) thuộc loại rắn hổ mang Ấn Độ (cobra) nhiều đầu; theo thần thoại Miên, nó là thần nước, lấy đầu che đức Phật khi ngài ngồi thiền định.

Chú thích:

(°) Các bạn có thể xem tượng con Naga và tìm hiểu thêm về con vật này tại http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2005/08/3B9E14A6/