Lễ giáng sinh và tết Nguyên đán náo nhiệt vui vẻ đã nhanh chóng trôi đi. Từ sau khi Diêu Tố Vân bị ông già mặc áo mưa ép phải nộp tập bản đồ ấy, Tư Dao và mấy người bạn không biết nên tiếp tục điều tra ra sao nữa.
Tư Dao ngồi trên ghế ngoài hành lang phòng khám của bệnh viện, đang nghĩ lan man: chẳng lẽ là hết cách, đành phải bó tay?
Thường Uyển đang ngồi trong phòng khám. Gần đây cô hay bị ra mồ hôi trộm, hồi hộp, mất ngủ, toàn thân đều rấm rứt. Cô đi khám bệnh, Tư Dao đã chủ động đi cùng, cũng là một cách để đền đáp lần trước Thường Uyển đã giúp mình.
Ít hôm nay, vì sự an toàn, cả hai luôn ở bên nhau như hình với bóng. Bà giiafở căn nhà bên cạnh cũng lấy làm lạ, và hỏi xem có phải anh chàng ở cùng số nhà đã chuyển đi và đổi chỗ cho cô gái này không. Tư Dao đành giải thích là Thường Uyển đến ở tạm và ngủ ở căn phòng của anh bạn hàng xóm.
Nhìn bệnh nhân và nhân viên bệnh viện ra ra vào vào, Tư Dao thầm nghĩ, giả sử hôm đó Diêu Tố Vân nhất quyết không đưa tập bản đồ cho ông già nọ, thì chẳng rõ sẽ xảy ra hậu quả kinh khủng ra sao.
Cô chợt cảm nhận, thực ra đã có một số đầu mối về ông già mặc áo mưa, sao không sớm quy nạp lại? Có một điều rất rõ nét: Trần Kỳ Lân đã nói anh ta và Thôn quái dị có khúc mắc từ rất lâu; anh ta cố đoạt lấy tấm bản đồ,chứng tỏ anh ta có rất nhiều quan hệ đan xen rối rắm với thôn quái dị. Những điều kỳ quái của Thôn quái dị, nhất định phải có nguyên nhân, chắc chắn là dính dáng với "Đau thương đến chết".
Cô lấy di động ra, gọi cho Diêu Tố Vân.
Tố Vân đành phải hoãn cuộc gặp với hai vị chuyên gia, cô nghĩ đi nghĩ lại mãi, vẫn thấy ức. Nhận được điện thoại của Tư Dao, Tố Vân xin lỗi rối rít. Tư Dao vội nói: "Cậu đừng nên thế này, chuyện đó đâu thể trách cậu? Tôi phải tự trách mình vì đã làm liên lụy đến cậu mới phải! Chuyện tối hôm đó xảy ra ở nhà cậu thật đáng sợ! Chúng ta vẫn còn có dịp để tìm ra sự thật kia mà... Này, cậu có quen nhà chuyên môn nào rất am hiểu về các thông tin kỳ dị lạ lùng ở các địa phương không? Mình vừa chợt nghĩ ra, chúng ta có thể bằng cách này để tìm ra nhân vật mặc áo mưa đó là ai, Thôn quái dị ở trong tập bản đồ ấy là như thế nào, và cả những điều kỳ dị mà mình đã từng chứng kiến nữa. Chắc chắn sẽ có thể giải thích những yếu tố lạ lùng trong đó".
"Ý cậu là, tìm gặp một nhà phong tục học sao?"
"Đúng, đúng, đúng! Nhà phong tục học. Mình nghĩ mãi mà không sao nghĩ ra cái danh từ này".
"Được,mình sẽ hỏi giúp cậu. Ngay sau đây sẽ hỏi". Tố Vân lẩm bẩm, có thế mà mình chẳng nghĩ ra!
Bước ra khỏi phòng khám, Thường UYển nói cho Tư Dao biết kết luận của bác sĩ là thể lực cô vẫn bình thường. Bác sĩ kê đơn cho cô mua một vài loại thuốc bổ và dặn dò cô chịu khó nghỉ ngơi.
Lúc này máy di động của Tư Dao đổ chuông. Tố Vân gọi.
"Mình đã hỏi vài người, họ đều nói mình nên đi gặp một chuyên gia về phong tục học của Viện khoa học xã hội tỉnh Phúc Kiến. Đó là ông Cố Trân một người rất am hiểu về văn hóa phong tục dân gian".
Ra khỏi ga tàu hoả, ông Cố Trân đến thẳng phòng làm việc. Phòng làm việc là nhà của ông, tàu hỏa, ô tô cũng là phòng làm việc của ông. Quanh năm ông đi khắp các địa phương để sưu tầm dân ca, thu thập tài liệu cho các tác phẩm dài hơi rất công phu "Tổng quan về văn hoá phong tục dân gian Phúc Kiến".
Chuyến đi lên phía bắc tỉnh nhà lần này, ông Trân đã có được thu hoạch không ngờ. Không những ông đã viếng thăm được người tổ chức ra "Hội trống chiến thắng" của thị trấn Hiệp Dương, mà còn ngẫu nhiên phát hiện ra ở xã nọ thuộc huyện Thiệu Vũ có một thể loại kịch địa phương chưa từng được nhắc đến; nghe nói nó còn xuất hiện sớm hơn kịch Tứ Bình (1) hơn 100 năm. Xem ra, ông đã không uổng phí bao năm tâm huyết gắn bó với các cơ sở; ông chỉ dùng "đôi chân" của ông mà đã tạo nên danh tiếng,luôn luôn có người các địa phương chủ động liên hệ với ông, cung cấp cho ông đủ các loại thông tin: bổ ích và vô bổ nữa.
***************
(1) Kịch hát dân gian Trung Quốc, xuất hiện vào những năm Gia Tĩnh (trước và sau n ăm 1541) thời Minh
***************
Vị trưởng phòng nhìn thấy bóng ông, vội rảo bước đến nói: "Có một nghiên cứu viên về địa phương chí ở thư viện Giang Kinh gọi điện đến, nói rất muốn trao đổi với anh một vấn đề quan trọng. Tôi nói là anh đi vắng chưa rõ hôm nào mới về. Thế là từ hôm đó ngày nào họ cũng gọi điện hỏi... Anh chuẩn bị mà tiếp họ, chắc hôm nay cũng không ngoại lệ đâu".
Ông Trân vào phòng làm việc, vừa ngồi xuống ghế thì chuông điện thoại reo vang.
"Chào bác Cố Trân. Tôi là Diêu Tố Vân, nghiên cứu viên chuyên sâu của thư viện thành phố Giang Kinh, gần đây luôn rất mong được gặp bác, xin bác chỉ bảo cho một vấn đề. Lúc này bác có thì giờ không ạ?"
"Vâng, cô cứ nói đi!"
"Phiền bác chờ một chút, tôi sẽ nối máy của một cô bạn, để chúng ra sẽ mở "hội nghị điện thoại ba bên", được chứ ạ?"
Ông Trân hơi lấy làm lạ, nhưng vẫn nói : "Được".
Máy của Tư Dao đã được Tố Vân kết nối. Cô chào hỏi ông, rồi nói ngắn gọn về những điều tai nghe mắt thấy ở Thôn quái dị, những bộ hài cốt lộ thiên, những bia mộ không chữ, những mâu thuẫn trong dân, hành vi kỳ cục của vị chủ cửa hàng cháo, tập bản đồ vẽ tay, ông già mặc áo mưa... Cuối cùng, cô kể về chuỗi sự việc "Đau thương đến chết" mà mình gặp trong chuyến đi chơi núi Vũ Di. Tố Vân cũng kể lại sự việc ông già đã đe doạ mình rồi lấy mất tập bản đồ ra sao...
Ông Trân ghi nhanh những từ ngữ quan trọng hết sức ly kỳ. Ông cố lục trí nhớ để tìm những mẩu chuyện quen thuộc, kể cả những thông tin vụn vặt nhất, nhưng khó có thể liên kết mọi chi tiết thành một chuỗi.
Ông suy nghĩ rất lâu, lâu đến nỗi hai cô gái nghĩ rằng ông đang ngủ gật! Cuối cùng ông nói: "Vì đặc điểm địa hình, nên hai vùng bắc và tây Phúc Kiến có một số thôn xóm tương đối khép kín. Tuy nhiên dân ở đó đều rất nhiệt tình và có thể nói là hiếu khách. Những việc mà cô trải qua quả là hiếm thấy.
"Chuyện về hài cốt lộ thiên, thì đây không phải là cách thiên táng đúng nghĩa của nó. Thiên táng là để xác lộ thiên nhằm dụ chim chóc đến rỉa xả, nhưng đây có lẽ chỉ là ném xác ra đồng rồi dựng tấm bia không chữ mà thôi. Việc ném xác như thến có ở nhiều nơi, nhưng với quy mô lớn như vậy thì tôi cho rằng đây là hiện tượng cá biệt. Xét từ góc độ tâm lý học quần thể, thì việc ném xác và dựng bia không chữ nói lên rằng người chết đã bị quần thể phủ định. Nói cách khác, những người còn sống cho rằng người chết không đáng được kỷ niệm, hoặc không đáng được hưởng hạnh phúc sau khi chết".
Là một người học rộng biết nhiều, nhưng nói đến đây ông Trân vẫn không tránh khỏi rùng mình. Ai cũng biết dân miền bắc Phúc Kiến vốn rất kính trọng người đã khuất cho nên việc phơi thây kiểu này dường như nói lên rằng người ta rất sợ hoặc rất phẫn nộ đối với người đã chết.
"Chuyện về hang quan tài treo mà cô vừa kể cũng rất đặc biệt. Ở miền tây Phúc Kiến có không ít quan tài treo nhưng phần nhiều đều đặt ở vách núi gần nước, đứng xa nhìn vào có thể thấy ngay. Một cách để giải thích là treo càng cao thì càng được gần thiên đường. Khi nước dâng lên quan tài hình thuyền có thể xuôi dòng mà đến thiên đường. Có một số nhà nghiên cứu đã liên hệ tập tục này với con thuyền vuông của Nô-ê (2) và nạn đại hồng thủy thời thượng cổ, cho rằng người xưa tin ở thuyết ngày tận thế sẽ là một trận đại hồng thủy. Bởi vậy, việc treo quan tài trong hang sâu là rất hiếm thấy. Còn về lời nguyền, thì tôi cũng biết ít nhiều sau mấy chục năm bôn ba khắp chốn, cũng nghe nói về lời nguyền và các hiện tượng kinh dị, nhưng chưa chứng kiến một lời nguyền nào trở thành hiện thực cả".
*************
(2). Nhân vật trong Kinh Thánh, chở thuyền cứu người và sinh vật khác thoát nạn đại hồng thủy
*************
Ông Trân ngừng một lát, ngẫm nghĩ xem những điều mình nói đã đủ nghiêm túc chặt chẽ chưa.Tư Dao hỏi: "Nhưng trong số các bạn tôi cùng vào hang, đã có quá nửa bị chết, nên khó mà bác bỏ lời nguyền đó. Như thế có thể coi là "thành hiện thực" chưa ạ?"
"Tôi cũng từng nghe kể chuyện về lời nguyền trở thành sự thật, nhưng những lời giải thích ấy đều không hợp lý. Tựa như cảnh sát phá án, dù giỏi giang đến mấy, tỷ mỉ đến mấy nhưng vẫn phải bó tay với một số vụ án, không thể tìm ra manh mối. Tôi tin rằng các việc cô gặp phải là rất khác thường,nhưng không có nghĩa đó là một "lời nguyền" nào đó thiêng liêng. Rất nhiều hiện tượng kỳ dị khó hiểu, nhưng thực chất lại là các hiện tượng tự nhiên hoặc do con người cố ý tạo nên".
"Liệu bác có thể liên kết Thôn quái dị và hang quan tài treo kỳ quái đáng sợ ấy với nhau không?" Tư Dao cũng hiểu nói thế này là làm khó cho ông Trân.
"Ngoài yếu tố khoảng cách địa lý khá gần, thì tôi chưa nghĩ ra nên liên kết chúng như thế nào... Quan tài treo là sự tôn trọng tuyệt đối dành cho người chết; khác xa với cách thiên táng. Nhưng có một điểm khá rõ nét là hang quan tài treo và Thôn quái dị đều có lịch sử lâu đời và rất nhiều mẩu chuyện dân gian. Dựa vào các tình tiết mà cô cho biết, tôi sẽ điều tra về mặt phong tục và lịch sử. Nếu có tiến triển gì, tôi sẽ thông báo với các vị".
Tư Dao và Tố Vân đồng thanh đáp : "Xin rất cảm ơn bác!"
"Nhưng trước hết hãy cho tôi biết vị trí cụ thể của hang quan tài treo và Thôn quái dị".
"Được ạ".Tư Dao nghĩ ngợi. "Tôi sẽ gửi cho bác bức thư điện tử đầu tiên mà tôi nhận được, nhưng bác tuyệt đối không nên vào hang quan tài đó, và càng không nên cho người dân Thôn quái dị biết bác đang rất muốn tìm hiểu về họ".