Dấu binh lửa

NGƯỜI GIỮ CỬA THỦ ĐÔ

Chúng tôi không hiểu người dân Sài Gòn quan niệm thế nào về hoạt động phá hoại của Việt cộng? Những vụ giật mìn, ám sát, khủng bố, súng nổ đầu xa lộ, phía bót quận 8... Có đủ cho người vùng Sài Gòn, Gia Định những ý niệm về chiến tranh, thứ chiến tranh phá hoại, không quy ước. Hay vụ nổ làm sập ngôi nhà đường Nguyễn Cư Trinh, người chết do mìn gài trước Tòa Đại sứ Mỹ cũng chỉ gây nên thắc mắc nhỏ... Việt cộng đã làm như thế nào để xem được những khối nổ kia? Tai ương chiến tranh đặt ngang điệp vụ của loại phim trinh thám. Người Sài Gòn có bao giờ biết, mỗi hoạt động phá hoại là kết qủa của một công trình nội, ngoại tiếp tay phối hợp với nhau thật tỉ mỉ và chính xác. Người dân ở Thủ đô có bao giờ biết mỗi lần biểu tình xuống đường lựu đạn chất nổ được đưa vào Thủ đô nhiều hơn, Việt cộng xích gần về phía Nhà Bè - xa lộ - phi trường Tân Sơn Nhất thêm một chút nữa... Một vụ tự thiêu, họp báo là du kích đặc công tiện dịp có mặt tại Sài Gòn với chất nổ đã gắn ngòi. Chung quanh Thủ đô có trung đoàn 165 A gồm những đơn vị đặc công, chuyên cận chiến trong thành phố. Tiểu đoàn 6 trung đoàn này xuất phát từ mật khu Lý Văn Mạnh hoạt động từ Bà Hom, Bà Quẹo (phần lớn của tiểu đoàn này bị tiểu đoàn 2 Dù đánh tan đầu năm 1967 tại ấp Vĩnh Hạnh). Tiểu đoàn này đưa một đại đội vào sát vùng hoạt động của chúng tôi để điều nghiên, thám sát, phối hợp với ba trung đội du kích ở các xã Bình trị Đông, Phú Lâm, Phú Thọ Hòa. Du kích ở đâu? Chính là dân chúng ở đây sau khi trốn ra bưng học tập trở về sống như người thường. Họ cung cấp tin tức và khả năng của các đơn vị giữ Thủ đô; dẫn đường lực lượng chính qui tấn công vào Sài Gòn; cầm chân quân đội Cộng hòa khi các đơn vị này rút đi. Những vụ pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất là kết quả cụ thể của phối hợp du kích địa phương và chính qui. Để đối phó lại, những hoạt động trên, ta có những đơn vị chủ lực và địa phương quân, những đơn vị tổng trừ bị trấn giữ, lục soát tảo thanh chung quanh ven đô. Nhưng hoạt động chính để bảo vệ Thủ đô thật sự nằm trên vai những người lính không đồng phục, không qui chế, không quân số... Những người lính từ lũy tre, sinh và sống trên đồng ruộng. Người lính Nghĩa Quân, kẻ nhận diện được mỗi du kích, biết tên Thảo chỉ huy du kích vùng Vĩnh Lộc con ai? Lấy ai? Trốn ở đâu? Người đối đầu với Việt cộng chính là những người lính, ngày gối đầu trên đôi dép ngủ dưới hàng cây bên đường làng, đêm họ tập họp lại thành tiểu đội, trung đội nếu cần, và đấy là nông thôn vùng lên, dành lấy quyền sống, làm người tự do không cần tuyên ngôn, không hội thảo, xuống đường. Anh Ba đi Nghĩa Quân từ năm 1962, một khẩu súng, vài trái lựu đạn, thế là anh mang lên mình bản án tử hình của Việt cộng -Làm tay sai cho Mỹ giết hại đồng bào - Với số lương 1.200 đồng mỗi tháng!

 Tôi biết anh từ năm 1964, lúc Sài Gòn hỗn loạn hơn bao giờ hết giữa hai phe tôn giáo. Việt cộng ngưng hẳn hoạt động lớn, dồn lực định đánh về Thủ đô, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích thường xuyên. Áp lực địch đè nặng trên vùng này, anh theo đơn vị chúng tôi để chỉ dẫn từng địa thế, nhận diện những người tình nghi.

 - Đằng sau cái nhà vuông có con đường, tụi nó hay gài mìn, thiếu uý coi chừng!

 - Trong bản đồ tôi không thấy gì cả!

 - Đường xe bò đi, bản đồ đâu có ghi. Nhà bà già sát bên quán nước trong ấp Vĩnh Hạnh có đứa con thoát ly!

 - Nó đi lâu chưa?

 - Đâu khoảng tháng tư năm ngoái, nó tên Long, có con chị thoát ly về rồi, về hôm tháng sáu.

 Đại khái như thế anh cho tôi biết từng chi tiết quí giá mà không một cơ quan tình báo nào có thể cung cấp. Năm 64, 65, 66... đơn vị tôi thay đổi từng vùng chiến thuật, bị thương, bị chết, mất tích. Những người lính dưới quyền tôi thay đổi hết, nhiều lính mới về, những khuôn mặt quá trẻ so với già cỗi tàn ác chiến tranh. Đơn vị tôi gặp đại nạn, tôi sau lần dưỡng thương, làm việc nhẹ, nay tiếp tục đo chân trên chiều dài quê hương. Bây giờ tôi ởđơn vị mới, trở lại vùng này gặp anh Ba. Anh nhận ra tôi trước.

 - Thiếu uý... A, Trung uý có nhớ tôi không? Tôi tưởng trung uý chết ở trận Đồng Xoài rồi chứ.

 - Không chết, chỉ bị thương thôi.

 - Mấy người lúc trước đi theo Trung uý đâu? Cái anh “tây lai” người nho nhỏ đấy.

 “Anh tây lai nhỏ”, tôi kêu một tiếng trong lòng, Thái, thằng nhỏ theo tôi trong suốt thời gian dài, ích kỷ, nông nổi và trẻ con, thằng bé thường thủ thỉ với tôi những câu chuyện vu vơ sau những tối đã đóng quân xong... Bỏ quê hương miền Bắc vào Nam đi lính, thích đội nón đỏ mặc đồ saut... Chết không được xác định.

 - Mấy người theo tôi chết hết cả rồi, bây giờ tôi đang ở tiểu đoàn mới. Còn anh... Có gì khác không?

 - Cám ơn Trung uý, bây giờ tôi được lên trung đội trưởng.

 Anh Ba bao giờ cũng vậy, sự gian khổ đến một lúc nào đấy không thể ảnh hưởng được trên anh; mặt anh không thể đen hơn, người không thể gầy hơn.

 - Anh Heo bây giờ thế nào? - Heo, người nghĩa quân từng hạ hàng chục Việt cộng bằng súng cá nhân, gã lì lợm có thể uống đến mười xị đế.

 - Heo nó bị thương một lần, Trung uý không biết đâu, khoảng tháng tám năm ngoái, cũng chiều chiều như thế này, tụi thằng Heo vừa đến ấp Vĩnh Tín thì bị đụng tụi nó. Ông quận đem quân lên bị đánh dội ra... Tụi thằng Heo có bảy thằng chết ba, bốn thằng bị thương cầm cự cho đến bốn giờ sáng!

 - Anh có bị một lần nào như thế không?

 - Có lai rai một lần ở Vĩnh Phước... - Anh bình thản nhắc lại đoạn thời gian và trận đánh. Vẫn là muôn ngàn trận đánh điển hình giữa nông dân và du kích, giữ từng tấc đất, từng bờ ruộng, không phi pháo yểm trợ. Chỉ có lòng yêu thôn xóm, một ý thức về bổn phận kèm thêm can đảm của con người muốn tồn tại. Đã bao lâu Việt cộng tối tăm hóa, ngu ngốc, hèn hạ, khêu gợi những bản năng căm thù, mặc cảm giai cấp và giòng giống để kéo dài chiến tranh, những người Việt Nam ở bên này không bị nung đỏ bởi hận thù, họ vẫn tiếp tục chiến đấu để làm sáng mắt người huynh đệ mù tối. Tôi chưa thấy trong lời nói của anh có dấu vết thù hận. Chỉ kiên nhẫn và chịu đựng.

 Tôi bắt tay anh, hẹn ngày mai gặp lại, anh ngồi xuống vệ đường nhìn ra vùng đồng ruộng. Có mơ ước gì không, người trung đội trưởng nghĩa quân, một tháng một ngàn bốn trăm đồng bạc, một bao gạo hai thùng dầu ăn?!! Anh có cái gì để đãi ngộ xứng đáng? Trên đầu chiếc phản lực bay vút đi như cánh chim. Anh có so sánh và tị hiềm nào không?

 Tôi biết rằng anh không biết thế nào là chủ nghĩa Cộng sản, nhưng anh tin chắc một điều, ngày nào vẫn còn loại người về ấp phát loa: “Đồng chí Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh... đã nói: Chúng ta phải quét Mỹ xâm lược ra khỏi thôn ấp”... Anh vẫn còn phải chiến đấu vì anh biết thằng Thảo, đội trưởng du kích đang ở vùng Xuân Thới Thượng đã cắt cổ ba ông Trưởng Ấp - Anh chiến đấu vì điều này làm anh phẫn nộ.

 Thủ đô nhảy múa, hò hét, chuyển động ồn ào sau lưng anh, họ nhân danh người Lính, nhân danh Tổ Quốc. Mặc kệ, anh sống xây lưng về nó - Sài gòn - Thủ đô bạo động và dối trá. Thành phố đè lên vai anh.

 

 

Tháng 4-1966. Bà Điểm.