Dấu binh lửa

MỘT NGHỀ NGHIỆP NGUY HIỂM

Bây giờ tôi đang  ở Trung Tâm Huấn Luyện tân binh, công việc không có gì khó khăn, nhưng hai tháng qua đã làm cho tôi mệt thật sự — Sự mệt nhọc không phải ở công việc, nhưng ảnh hưởng của những việc làm nhỏ nhặt nơi trung tâm này gây nên một sự khốn khổ kỳ lạ. Tôi thấy rõ nghề nghiệp này quả là đáng sợ, kéo con người xuống hố sâu tuyệt vọng không cùng.

 Tôi dạy lính về kỹ luật, làm đại đội trưởng khóa sinh, dẫn tân binh đi học, đi ăn, cho đi phép, dạy tập chào, tập đi, tập đứng. Nếu tôi chỉ làm ngần ấy thứ với một sự bình thường thì chẳng nói làm gì, đằng này tôi chỉ huy với một nhiệt tâm được hướng dẫn bởi tàn ác kinh khiếp ngụy trang một cách khéo léo. Có thể nói chắc chắn rằng tôi không phải loại người có ác tính và cũng không bao giờ trở nên tàn ác được dù dưới một ảnh hưởng nào. Suốt hai năm chỉ huy vừa qua tôi chỉ đánh lính một lần, người bị đánh chính là thằng bé đi theo tôi bị đánh vì tội đánh bạc. Tôi đánh nó mấy roi kiểu anh đánh em. Nhưng những ngày ở trung tâm này thì khác, tôi tàn bạo một cách hiểm độc, tôi nghĩ ra những hình phạt quái lạ, mới mẻ, ảnh hưởng đến trí não cùng thân thể người bị phạt đến vô cùng. Tân binh vắng mặt bất hợp pháp hai ngày, tôi phạt hai giờ “bó chả” — Tên lính thọ phạt được nhét vào trong một lồng sắt, tay và chân đút vào trong bốn lỗ thủng của chiếc gông, xong trùm lên cái poncho. Người lính bị đóng khung trong bốn chiếc lỗ, không nhúc nhích vào đâu được, và độc hại nhất là hơi nóng dưới lớp áo mưa. Tinh quái hơn nữa, tôi đặt trước mặt kẻ bị phạt cái đồng hồ, người bị phạt có cảm giác như bị đè nặng dưới một cực hình không giới hạn.

 Tôi biến chế ra những hình phạt để áp dụng cho từng loại người một, tôi khôn ngoan thâm hiểm một cách bệnh hoạn y như những tên có nhiệm vụ tra tấn tù nhân trong các trại tập trung. Kinh khủng hơn hết là tâm trạng bình thản lạnh lùng, vẻ sáng suốt tàn ác mà tôi có được khi ra lệnh phạt. Tôi lý luận một cách thông minh — Phạt thật nặng một số ít để làm gương cho số đông, tập cho tân binh chịu đựng những cứng rắn và tàn bạo của đời lính, đau đớn ở quân trường chỉ là những bước đầu để tôi luyện tâm hồn người lính mới, chiến trường của tương lai gần sau đó sẽ bi thảm và tàn khốc gấp bội! Tôi tin tưởng vào định đề này. Chỉ huy trưởng trung tâm cũng nghĩ như thế và nhất là tân binh, kẻ thọ nạn trong cuộc phiêu lưu của lý luận tàn bạo trên lại chấp nhận tích cực hơn ai hết. Tôi không phạt oan một người nào, không cau có nổi giận, hình phạt không xảy đến như kết quả của cơn giận dữ, nhưng là một khôn ngoan sâu độc, để bắt kẻ có lỗi phải nhận hình phạt kèm mặc cảm phạm tội nặng nề.

 Nhưng không phải là như vậy, dù có lý luận khôn ngoan, né tránh đến tuyệt kỹ, đằng cuối đường của sự tàn bạo kể trên, tôi thấy được khuôn mặt của thù hận. Đúng, tôi thù hận! Sau trận Đồng Xoài khi nhìn xác chết của những người bạn, những kẻ đã từng cười, từng nói, đã sống với tôi trong hai năm, những người đó đột nhiên chết đi, không phải chết lành lặn, nhưng chết tàn bạo và bi thảm. Họ chết ghê tởm như những xác chết qua ngày thứ bảy, thân thể đầy dòi bọ lúc nhúc; mùi thối đọng lại trên từng mỗi chân lông, trên mọi dây thần kinh của khứu giác nằm lì lợm trong trí nhớvà hơi thở. Suốt mười ngày liên tiếp của tháng Sáu, tôi chỉ ăn được bánh ngọt, và từ những ngày ấy cho đến giờ tôi uống rượu như một tên bợm chính cống. Thù hận mọc khu rừng xum xuê theo cơn tàn phá của cơn say hàng ngày. Người ở thành phố, những người lính không đi hành quân, và gần gũi nhất là đám tân binh ngu ngơ hỗn độn dưới quyền, tất cả đều có khả năng khêu gợi thù hận bệnh hoạn khi tôi nghĩ đến cảnh chết khốn nạn của bạn bè — Nỗi thù hận nhìn thấy những người có hạnh phúc vì được sống! Ly rượu không phải là nguyên nhân nhưng là một tính chất, một cách diễn tả sự cuồng nộ. Tôi không say nhưng men rượu giúp những cảm xúc biến thành cực đoan hung bạo lạ lùng. Tôi đã đứng ở đường Trần Quốc Toản để đợi giết một người. Suốt hai ngày dưới mưa và nắng Sài Gòn, người bị nung chín bởi y định giết người — Cơn giải thoát phải có cho một giấc mơ hãi hùng. Lòng tôi không thoáng xúc động khi nghĩ đến cảnh chiếc đầu của người ấy vỡ nát dưới viên đạn của tôi. Kết quả không thực hiện được ý định vì một sự xô xát xảy ra tại địa điểm đứng rình. Thế giới bên ngoài với những trận đánh lộn hàng ngày không đủ sức giải tỏa niềm hung hăng ẩn dấu trong lòng, tôi trở về trung tâm với đám tân binh, được yểm trợ lý luận khôn khéo của bổn phận — Tôi tàn bạo như cơn mộng du đỏ lửa.

 Nỗi ngụy tín cùng với sự tàn bạo lạ lùng trên không thể kéo dài. Những buổi chiều mưa ở  trên căn gác tồi tàn đường Kỳ Đồng, khi lũ bạn đã đi vắng, tỉnh giấc sau cơn ngủ trưa nồng hơi rượu, chợt rùng mình vì gió lùa qua hàng cửa trống trải. Những lúc cô đơn đó, cơn tỉnh ngủ mở ra sự hiền hậu cố hữu của tâm hồn. Tôi sợ hãi như một người có bộ óc vàng chỉ còn sót lại một chút dính tay. Những lúc sực tỉnh này, tôi quyết định xin ra tiểu đoàn tác chiến để tìm thấy lại những biểu lộ tình thương ấm áp như trong những chiều nơi sườn đồi, người lính tơi tả gầy gò đang cố gắng nấu cho tôi một bữa cơm dưới chiếc lều đơn sơ. Những lúc sực tỉnh này tôi mới thấy tình yêu là một vật cao quý và mầu nhiệm — Kết quả như một quá trình nẫy nỡ của tình thương và hy vọng. Tình yêu, một phẩm vật đã lâu tôi không có.

 Những ngày ở trong trung tâm này, tôi còn hiểu thêm được một điều: Khi chỉ huy một đám đông phải quên con người ở trong đó. Lính xin đi phép vì con đau nặng; tân binh trên nguyên tắc không được đi phép, tổng số trăm người, tôi là sĩ quan kỹ luật chỉ trông nom họ trong vòng hai tháng làm sao kiểm soát được tình trạng của mỗi người, thế nên phải từ chối. Nhưng nếu nhỡ con người lính đau nặng thật và chết không thấy mặt bố... Lỗi ở ai? Tôi không chịu đựng được sự tham gia vào tội ác vô tình tàn ác đó. Cái nghề này đưa tôi đến chỗ khổ sở như tình cảnh của một nhà độc tài, phải nghiêng hẳn về phía của đa số. Cứng rắn, độc đoán,  hình như đấy là những đức tính cần thiết của một người chỉ huy tốt. Tôi từng nhìn một vài ông lính già; đầu hớt cao cử chỉ gò bó, ăn nói cộc lốc, năm tháng nhà binh đã ngấm vào người tạo thành một lối sống không chuyển dịch. Hạ sĩ nhất hay trung sĩ từ mười năm lính trở lên đều có một linh hồn phẳng lì như phiến gạch, sau đôi mắt u tối của họ, đố ai biết nỗi vui buồn giận dữ trong lòng. Kêu lên trình diện để rầy la vì tội không kiểm soát lính. Người đứng im không nhúc nhích; nghe hay không nghe? Phản đối hay đồng ý với lời buộc tội? Chào, quay đằng sau, đi về. Tôi chưa đến nỗi vậy, nhưng tâm hồn bây giờ giống như một mảnh đất nóng đỏ đang nguội tàn dần. Đằng sau những ồn ào tôi thấy được nỗi buồn rì rầm có thật.

 

 

Tháng 11-1965. Sài gòn.