Đảo Tường Vy

Chương 2

Bố đã 56 tuổi, mặc áo khoác rộng đứng trong đại sảnh sân bay. Nom ông béo và già đi. Máy bay của cô tới trễ, làm ông phải chờ ở đó gần hai tiếng đồng hồ. Đó là buổi trưa, ánh nắng phương Nam mang theo hơi ẩm ấm áp, khác hẳn cái lạnh khô phương Bắc. Bố đi ra từ một góc nhỏ và lạnh. Trên mặt nở nụ cười dịu dàng. Cô chỉ về nhà vào dịp Tết, ở lại hai, ba ngày. Nụ cười của bố. Vui sướng khi nhìn thấy cô. Lòng trắng trong mắt bố đục ngầu. Cô để ý tới lòng trắng trong mắt bố. Tim cô khẽ đập mạnh.          

Cô lại nhớ lại cảnh này. Khi thấy ông, tim cô cũng đau thắt lại như vậy nhưng không thể nói gì. Chỉ có được một câu, Bố đợi lâu rồi phải không, rồi đi thẳng ra cửa. Bố đi theo sau. Do bệnh chân tái phát, đi lại khó khăn. Nhưng ông vẫn vui sướng như thế.

Họ không ôm nhau. Khi cô đang học trung học, nhà trường họp phụ huynh, chân của bố đã không thể leo lên nổi cầu thang. Cô có ý thức đỡ bố, nhưng bị ông đẩy ra. Ông không bao giờ muốn để lộ sự yếu ớt trước mặt cô.         

Năm 17 tuổi, bố đưa cô đi du lịch. Họ đi Tô Châu. Trên xe lửa, bố đọc báo, hết trang này sang trang khác, kêu soạt soạt. Cô ngồi trước mặt ông, mặc đồng phục học sinh váy xanh áo trắng, nhìn ra ngoài cửa sổ. Dưới chân tháp, mỗi người tự chụp một tấm hình. Ở quán cơm nhỏ, bố gọi sườn và rau xanh, gắp sườn vào bát cô. Ông không biết phải làm thế nào mới giúp cô vui vẻ. Họ ăn trong im lặng. Tới đêm, cô ngủ trong căn phòng đơn tối tăm ở khách sạn, quay mặt vào tường khóc.

Rồi cô để ông lại thành phố cách cô rất xa, đem mình đặt vào một thành phố cách ông rất xa. Cuộc sống của cô là phiêu bạt tha hương. Hết thành phố này lại thành phố khác. Viết văn. Người lạ. Nguy hiểm. Không an toàn. Đàn ông. Giã từ. Còn có cả nỗi đau dài dằng dặc.        

Họ không chuyện trò. Nỗi đau của họ như tấm gương soi vào nhau, thấy rõ đối phương. Thương xót cho nhau nhưng không thể giơ tay ra chạm tới. Không bao giờ kể lể. Cãi nhau, không hiểu nhau, lạnh nhạt, cố chấp. Chỉ có thể duy trì bằng cách như vậy. Chính như vậy. Có một số người. Họ yêu quý nhau như vậy. Tình yêu của họ cách trở hai bờ, chỉ có thể nhìn nhau, không thể sát gần.       

Tô này, kiểu tình cảm như vậy, giống như bệnh chân của bố mình cùng những tàn phế bẩm sinh, tuổi càng lớn càng đau. Có lúc là nỗi ngượng ngùng, không thể đụng vào. Nỗi đau đớn đó. Phảng phất như định mệnh.

Họ tới rạp xem một bộ phim Hàn Quốc. Rạp duy nhất ở Đại Lải trên một quả núi, có một cái tên rất xa vời, được gọi là Một phần ba lại bốn. Hoặc là Một phần bốn lại ba. Cô không nhớ rõ. Chỉ nhớ trong rạp chiếu nóng bức và tối tăm đó, cô đã rớt nước mắt. Những giọt lệ chẳng liên quan tới bộ phim  hài trên màn ảnh cũng như tới dúm khán giả ít ỏi trong cái rạp trống trải, cũng không liên quan tới Tô đang ngồi trầm lặng bên cạnh.      

Trước đó rất lâu, cô cũng như vậy, rất dễ thoát ra cảnh thực bên mình, rơi vào sự tĩnh mịch mênh mang vô bờ. Do vậy, cô luôn luôn không nhớ nổi những người khác nói gì với mình. Cô chỉ nhớ dư vị và âm thanh đã đối diện trong một khoảnh khắc nào đó. Cô rất dễ mất tập trung.

Khi ra khỏi rạp, đèn đóm ở chợ đêm và đám người bên ngoài đang nhảy nhót. Khách sạn cao cấp kiểu Pháp lấp lánh ánh sáng. Gái gọi bên hồ đi giầy cao gót, im lặng chờ đợi. Tiệm tơ lụa bầy kín tơ và vải bốn phía. Bên con đường mấp mô, quán cà phê ngoài trời kín đầy nam thanh nữ tú bản xứ.      

Tô đề nghị. Chúng mình ra chợ đi. Chợ rất nhiều hàng hoá, từ trà, hoa tươi tới đồ khô, dâu tây. Khắp nơi đều là người và rác. Những cơn sóng âm thanh lớn dồn lại thành nước hồ, ụp lên người không tài nào thở nổi. Oi bức. Bóng đêm. Mồ hôi. Âm thanh. Thuốc lá. Mùi. Da tay. Thực phẩm. Cánh hoa bị dẫm thành bùn nát.

Tô đi lên cầu, gập người xuống thành cầu để chụp cảnh đường phố người đông đúc. Hai bên là những kiến trúc cao lớn, cổ kính, cách nhau bởi một con đường có ánh đèn mờ soi toả. Tất cả đều là hàng quán vỉa hè và du khách. Hỗn loạn, bẩn thỉu, tệ nạn lan tràn. Tô trông rất hưng phấn. Chiếc máy ảnh trong tay cô liên tục loé lên những tia sáng chói mắt.       

Tô ơi, hãy để cho chúng ta đi tới tận cùng của thế giới.       

Nửa đêm, cô đáp máy bay từ Bắc Kinh về nhà. Trong điện thoại, mẹ nức nở kể bố lâm bệnh nặng. Chuyến bay của cô lại trễ giờ, đợi ở sân bay tới đêm khuya. Xuất phát cùng lúc còn có chuyến bay từ Bắc Kinh tới Đại Liên, một tiếng sau, chìm dưới đáy biển. 112 người chết. Hôm đó là ngày 7 tháng 5.

Trên máy bay, cô mệt và đói. Đã qua cái tuổi 25, vẫn một mình, không đem lại hôn nhân và cháu chắt cho bố. Không an ủi bố được chút nào. Cô muốn đưa ông về Bắc Kinh. Giữ lại bên mình. Chăm sóc ông. Co rúm người trên ghế, cô nhắm mắt. Nhìn thấy gương mặt vui mừng của bố ở sân bay. Nhưng cô biết, lần này bố cô sẽ không xuất hiện nữa. Ông đang bị bệnh. Nhìn thấy cô, ông sẽ mừng biết bao.       

Chìm đắm trong giấc ngủ mơ màng. Nhìn thấy bố đưa cô đi mua quần áo. Bố nói với mẹ, Con gái học trung học rồi, phải mặc quần áo đẹp. Ông dắt cô ra phố, đi từng tiệm một. Đó là một ngày đông. Cô chọn hai chiếc áo khoác. Một chiếc áo khoác lông cừu có nút gỗ bọc tơ. Có cả khăn quàng nữa. Cô nhân viên bán hàng vừa giúp cô thay đồ, vừa nức nở khen bố cô, Sao lại có ông bố tốt thế nhỉ! Đúng là một ông bố tuyệt vời. Yêu con gái quá đi mất.

Bố ngồi trên cái ghế dài bên cạnh. Do đi lại nhiều, chân ông lại đau. Ông ngắm con gái thử quần áo. Ông không đưa cô đi xem phim, cũng chưa từng dắt cô đi ăn kem, chưa bao giờ ôm cô. Đó là một vài lần rất hiếm hoi họ ở bên nhau. Cô nhớ rất rõ. Chiếc áo lông cừu đó cô mặc đã gần tám năm. Rất thích. Mãi cho đến khi chỗ lông cừu bị thủng lỗ chỗ. 

Khi vội vã tới bệnh viện đã hơn mười một giờ đêm. Giường bố đặt trên hành lang ngoài phòng trực. Cô nhìn thấy ông trước. Nhìn thấy cái đầu đầy những mạch máu căng to của ông, thấy ống dưỡng khí cắm trong miệng ông. Đầu như có chớp điện lướt qua, không nói nổi câu nào. Tất cả đều quá muộn. Cô biết không thể mang bố đi được nữa.

Mẹ nói, Xuất huyết não. Bảy giờ sáng nay, ăn sáng xong, vẫn chưa có việc gì, chỉ vừa đứng lên một cái. Đưa vào viện cấp cứu, sau khi lấy hết máu đọng, não vẫn liên tục chảy máu. Bác sĩ đành bó tay, nói, Kết quả vẫn như thế. Cô có hiểu không? Có rõ không? Cô đáp, Rõ. Cô vẫn kiên trì ép bác sĩ làm phẫu thuật lần hai. Mẹ khóc. Đừng bắt tội bố con nữa. Lại phải mổ đầu lần nữa, ông lấy làm sao chịu nổi? Cô ương bướng, Chúng ta vẫn phải làm. Nhất định phải làm. Cần thiết phải vậy.       

Cô trải một tờ báo lên sàn xi măng ngoài phòng phẫu thuật, ngồi lên đó chờ đợi. Ngoài cửa đã đầy người chờ. Không khí đục ngầu, ngột ngạt. Cô dựa vào tường, im lặng, không ăn không uống, lặng lẽ rớt nước mắt. Đợi suốt chín tiếng đồng hồ. Cô không thể để bố chết. Cô phải mang ông đi.

Lần cãi nhau cuối cùng. Cô bỏ việc, tìm việc ở Thượng Hải. Cô muốn ra đi. Cô nói với bố, Con muốn rời khỏi căn nhà này. Con nhất đinh phải đi. Cô xúc động tới mức toàn thân run rẩy. Không ăn cơm, cả đêm mất ngủ. Bố im lặng. Không nói một câu, mặt đột nhiên xuất hiện rất nhiều nếp nhăn. Bất lực. Bi thương. Cũng giống như sau khi cô về nhà ăn Tết, lại muốn đi. Bố tiễn cô, vừa nhìn con, đợi cô vào hẳn khu vực kiểm tra, vẫn còn ngong ngóng. Vẫn nét mặt đó. Cô biết ông rất buồn. Hẳn ông lại ân hận tại sao để cô phải đi xa nghìn dặm như vậy.       

Cô nói, Bố ơi, sau này bố tới Bắc Kinh sống cùng con. Con sẽ đưa bố đi khám bệnh. Chúng ta đi du lịch. Bố nói, Con cứ ổn định cho mình trước. Nhưng cũng cười vui sướng. Đôi mắt của bố, lòng trắng đã đục. Người đàn ông già nua. Nụ cười của ông như trong tấm hình đen trắng trước đây, vầng trán rộng, khoé miệng trong sáng. Đó là nội dung cuộc trò chuyện cuối cùng giữa họ.

Họ đi tới một dãy hàng ăn gần khu trung tâm. Người dân địa phương xếp đầy bàn ghế gỗ thâm thấp, bày bán rất nhiều đồ ăn: ngô nướng bằng than, thơm phức, có chỗ hơi cháy. Từng tô lớn ốc và vỏ ốc, nấu cùng rau xanh và gừng, 10.000 đồng Việt Nam một đĩa. Uống cùng bia. Đầy thùng sữa đậu nành tươi và nước luộc ngô, cho thêm chút đường trắng. Hột vịt lộn còn nguyên hình hài, luộc xong dùng thìa múc ra ăn, thấy rõ tim gan và da thịt. Cơm trắng với thịt bò, tôm tươi và rau xanh. Các bà mẹ trẻ mang theo con đi bán hàng. Phụ nữ Việt Nam đều thực thà và chăm chỉ. Trên bậc thềm bên quảng trường có người ăn mày trùm bao tải lên ngủ. Cô gái bán đồ thủ công trên vỉa hè đang hút thuốc.      

Họ ngồi xuống, gọi hai đĩa ốc không rõ tên. Gió mát từ xa thổi tới, đập lên tấm vải căng lên nóc lều loạt soạt. Đêm trên núi cao, bắt đầu thấy hơi lạnh trong gió. Họ uống rượu. Hút thuốc lá địa phương Việt Nam.

Tô hỏi: Cậu thấy bất an phải không?      Cô nói, Chỗ này toàn người địa phương, khách Tây rất ít. Họ không tới đây. Họ không tới những nơi nguy hiểm.      

Tô nói, Cậu không có thói quen gần gũi với người khác. Có lẽ họ quá gần cậu.      

Cô nói, Mình không biết.      

Cậu đi ra ngoài không bao giờ trò chuyện với người khác sao?      

Mình không biết nên bắt đầu ra sao... Cậu có để ý đám con gái Nhật đi du lịch một mình không? Bọn họ cũng luôn im lặng, nom rất nghiêm trang. Người phương Đông luôn có thói quen thu lại tình cảm của mình.

Trước đây mình có đọc được ba câu, nói như thế này. Khi làm việc, không nhớ tới báo thù. Khi yêu, không nhớ nổi những tổn thương đã qua. Khi khiêu vũ, không biết đến sự tồn tại của người khác.      

Cậu có làm được như vậy không?      

Mình đã không làm việc trong suốt một thời gian dài. Cũng suốt một thời gian dài không yêu và khiêu vũ. Cô đáp.     

Vậy cậu làm gì?     

Đi. Chỉ đi thôi. Đi trong im lặng.

Cảnh trong phim như thế này: một thị trấn nhỏ tha hương trên úi cao, hai người phụ nữ xa lạ tình cờ gặp nhau, ngồi trong một dãy hàng ăn đầy âm thanh huyên náo và ánh đèn vàng vọt. Bên cạnh hơi nóng của thức ăn, trẻ con, phụ nữ, những cành hồng dài ngoẵng sắp khô héo. Điếu thuốc trong tay người phụ nữ. Vỏ bia rỗng. Gió lớn rú rít và âm thanh tiếng Việt.     

Họ đi du lịch một mình. Mỗi người đều có lịch sử và quá khứ, không nhắc tới bao giờ, cũng giống như những kẻ du hành tỉnh táo nhưng tỏ ra trĩu nặng. Một người phụ nữ rớt nước mắt trong rạp chiếu bóng tối tăm và oi bức. Một phụ nữ khác khom mình trên cầu chụp xuống cảnh phiên chợ hỗn loạn bẩn thỉu. Họ đều im lặng. Những lời than thở biến thành ánh nắng lấp lánh giữa đôi môi. Xuyên qua một rừng cây rậm rạp, âm u.

Ngôn ngữ cuối cùng lại là thứ cấm kị. Bị quên lãng, bị kìm chế, bị đè nén. Chúng ta trò chuyện với chính mình hoặc với người xa lạ. Ngôn ngữ không tài nào vượt qua nổi rào cản thời gian. Chỉ có đau khổ mới đủ sức vượt qua mọi thứ vĩnh hằng.

Vào cái đêm trước khi bố mất, cô ngồi bên ông mãi tới khuya. Phía đầu hành lang có một cửa sổ, có thể thấy nước mưa xối xả ụp xuống. Đêm khuya vẫn có bệnh nhân cấp cứu, là một người đàn ông bị xe tải đâm phải. Đầu anh ta chảy máu, nhưng khắp người nom vẫn còn nguyên vẹn> Bác sĩ nhanh chóng chụp ống dưỡng khí lên mặt anh, tiến hành truyền dịch. Chiếc băng ca chở anh đặt ngay gần giường bố. Một chân anh ta không thấy giày.     

Chỉ như vậy, cô muốn nhìn thấy anh thở hổn hển. Ra sức thở, như muốn xé tung lá phổi trong lồng ngực. Như thể muốn lôi linh hồn trong đó ra giải thoát. Trong hành lang tĩnh mịch, ngoài tiếng mưa rơi, chỉ còn tiếng thở đó, lúc lên lúc xuống như theo quy luật.      

Năm phút sau, anh ta được phủ khăn trắng.

Lúc đó bố vẫn đang còn. Hơi thở của ông vẫn mạnh, đầu ống dưỡng khí trong miệng vẫn động đậy. Cô bắt đầu có cảm giác có lẽ bố sẽ không thể mở mắt ra lần nữa. Cô đứng bên giường ông. Họ cách nhau mong manh giữa sự sống và cái chết. Ông phải để cô lại một mình. Kế hoạch mà cô tự vạch ra bỗng trống trơn hết thảy. Cứ ngỡ còn thời gian chuộc lỗi và bù đắp, nào ngờ như dòng nước trôi, cứ trơn tuột qua kẽ tay, biến mất. Không bao giờ còn nữa.       

Cô còn nhớ đã quỳ gối trên sàn xi măng cạnh giường bệnh của bố. Trong hành lang tĩnh mịch giữa đêm khuyên, vùi đầu vào đống chăn chiếu mà cầu xin. Thần thánh ơi, xin các ngài hãy độ lượng tha thứ cho tội lỗi của con. Cô nghe thấy tiếng mình, mơ hồ và nặng nề, xuyên qua trần ải.       

Con người đáng thương. Đáng thương thay. Trên cái thế giới này, chúng ta đê tiện, yếu ớt, giẫy giụa như vậy.

Ngoại trừ phục tùng số mệnh ra, chúng ta đành bất lực.      

Tô này, mọi thứ mà chúng ta bỏ ra không bao giờ chuộc lỗi nổi.      

Cô ngước nhìn Tô. Mắt cô rất sáng, ươn ướt, như thể nước mắt luôn lấp loé. Cô đề nghị, Chúng mình kêu thêm một đĩa ốc xào đi. Chỉ cần cậu không sợ đau bụng.

Không sao. Tớ có mang thuốc theo. Tô đáp. Nếu chúng mình sợ quá nhiều, sẽ có rất nhiều thứ không thể nào vượt qua được. Một nhiếp ảnh gia người Mỹ, Joel Peter Witkin, từ nhỏ sinh trưởng trong một khu dân cư nghèo ở New York. Năm lên sáu, được tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn xe hơi, đầu một đứa bé gái bị nghiến rời, lăn tới chân cậu bé. Ấn tượng ấu thơ đó đã tác động tới sáng tác của ông sau này. Tất cả các tác phẩm của ông đều tìm kiếm bạo lực, đau khổ, cái chết, ám chỉ con người kỳ dị hoặc bệnh tật của nhân loại. Có phóng viên hỏi ông tại sao không muốn chụp những thứ trong sáng, có phải cảm thấy như vậy sẽ dung tục không? Ông đáp, những thứ thoải mái mát mắt rất dễ làm, nhưng giống như việc dùng máy chụp hình tự động, tôi không thể nào thoả mãn được. Các tác phẩm của tôi có nhu cầu hướng về ánh sáng, nhưng trước tiên phải trải qua bóng tối.

Tớ rất thích câu nói này. Tô nói. Tớ cũng là một nhà nhiếp ảnh, nhưng tớ không chụp những tấm hình như kiểu Joel. Tớ không chụp những người đàn ông tự tử bằng tin hoàn, những con chó chết đầy quả dại trong vết thương, những người sống què quặt, những chiếc đầu lâu thần chết đang hôn nhau. Thời gian xuyên qua tối tăm nếu quá dài sẽ khiến chúng ta thấy lạnh lẽo.     

Cậu luôn muốn chụp những gì?     

Biển. Ngoài biển ra, vẫn là biển mà thôi.     

Họ nói, từ Huế tới Hội An, giữa chặng đường đi có qua Lăng Cô. Và đoạn từ Lăng Cô tới Hội An thuộc về một trong năm mươi địa danh cần phải đi trong cuộc đời.

Xe chạy ngoằn ngoèo quanh con đường núi. Ở một đầu bên núi cao chính là bãi biển tĩnh mịch bao la xanh ngăn ngắt. Trời nắng nhạt, mặt biển sẫm màu như địa ngục. Soi bóng những dãy núi nhấp nhô. Càng tới đỉnh núi, thời tiết càng ẩm ướt lạnh giá. Từng đám mây lớn trùm lên núi. Khi chiếc xe xuyên qua núi, sương mù ụp xuống. Bãi biển. Núi cao. Từng tầng mây trên đỉnh núi. Rừng cây xanh thẫm. Làng chài. Ánh nắng trên biển.    

Chuyến du lịch Việt Nam thực ra là cuộc hành trình rong ruổi dọc đường biển. Men theo biển. Từ Bắc tới Nam.    

Tô nói, Đó là thứ rất gần với tinh thần chúng ta. Hoặc nói theo cách khác, chúng ta phải luôn sống trong đó.

Đêm cuối cùng. Mọi máy móc xung quanh bố đều ngừng hoạt động. Do nước tràn vào não, đầu bố sưng to khác hẳn người thường. Tấm lưới trắng chụp trên đầu quá chật, đứt bung từng sợi. Phía trái còn sợi chỉ khâu lúc phẫu thuật, giờ đã bị máu nhuộm thành đen. Phẫu thuật làm tổn thương tới thần kinh khiến da mắt trái của ông biến thành màu xanh tím. Miệng vẫn cắm ống dưỡng khí. Khi cô y tá dứt miếng băng keo dính ống dưỡng khí ra, môi ông bỗng trắng nhợt.       

Bác sĩ trực ban đo điện tâm đồ cho ông. Trên mảnh giấy trắng nhỏ hẹp chỉ thấy một đường vạch ngang. Đó là xác nhận của bệnh viện rằng đã chết.

Cô cứ đứng một bên, giơ tay ra, đỡ lấy cằm bố, cố khép đôi môi ông lại. Phần da mà lòng bàn tay chạm vào vẫn mềm mại, hơi lún phún râu. Nỗi cô độc sâu thăm thẳm bao trùm lấy cô trong tích tắc. Cô nghe thấy tiếng bác sĩ trực và y tá đang trò chuyện,cười đùa. Bệnh nhân ở phòng bên đang cãi nhau và khóc lóc. Một người phụ nữ nông thôn sau khi phẫu thuật không chịu nổi đau đớn, cứ chửi hết những người thân bên cạnh. Trong không khí có hơi ẩm của nước mưa và bụi bẩn. Nhưng âm thanh mà cô nghe thấy được và duy nhất rõ ràng là, Bé con, sờ vào râu của bố này. Một trưa hè hồi nhỏ, bố cho cô leo lên người ông, sờ vào cằm ông. Những sợi râu xanh cứng ngăn ngắn, cọ vào lòng bàn tay ngưa ngứa. Lúc đó họ còn ở nhà cũ, trên sàn gỗ trải chiếu. Bố còn là một người đàn ông trẻ trung, sạch sẽ và tuấn tú.      

Đó là một khoảng thời gian ngắn ngủi nhất họ đã từng đem lại niềm vui và nỗi niềm an ủi cho nhau. Cô lớn rất nhanh, biến thành một cô gái ương bướng. Còn bố rất nhanh chóng trở nên trầm lặng, ít nói bởi gánh nặng và công việc vất vả.

Bên cạnh là một đống người đang khóc than. Cô mặc quần áo mới cho bố. Cơ thể bố nặng trịch rất nhanh. Nhưng người vẫn còn ấm. Cô tháo chiếc khăn trùm đầu vẫn quàng quanh cổ phủ lên bụng bố. Cô hy vọng bố ra đi với bộ quần áo mà ông ưa thích, nhưng họ lại mua về bộ đồ mới. Nhân viên nhà xác đặt bố lên xe đẩy. Đẩy ra hành lang, đẩy vào thang máy, đẩy khỏi cổng lớn, đẩy trên con đường xi măng dưới trời mưa, đẩy qua công trình đang xây dựng bụi bay mù mịt. Cuối cùng đẩy vào một khu nhà cũ nát phía sau bệnh viện. Cùng với độ xóc của chiếc xe, xác bố lắc lư không nguôi. Cô đỡ đầu bố, sợ ông ngã lăn xuống do quá nặng. Xem ra bố chẳng có chỗ dựa nào hết.

Nhà xác trống trơn như cái nhà kho. Bên trong có một khoang lạnh lẽo, dùng để đốt đồ tế. Có chiếc bàn cũ để bày đồ cúng và một dãy ghế dài trống trải. Họ đặt bố lên cái kệ xi măng. Trên tường có hai chiếc quạt thông gió chuyển động chậm chạp. Nước mưa rơi xuống, phát ra những tiếng tách tách. Cửa ra vào có lỗ thủng, gió lạnh ẩm ướt tràn vào, có thể nhìn thấy rõ những chiếc lá cây bóng láng do được nước mưa rửa sạch sẽ và con đường nhựa trong đêm khuya đang dần trầm lặng.       

Tất cả đã có thể kết thúc rồi.       

Họ uống hết chai rượu cuối cùng. Trên đất vương vãi đầy mẩu thuốc lá. Tô nói, Để tớ đưa cậu đi xem nhà thờ. Đại Lải có một nhà thờ Thiên chúa giáo xây dựng từ năm 1931. Cậu sẽ hiếm có cơ hội ngắm nhìn nhà thờ trên đỉnh núi.

Cô mua một chiếc bắp nướng. Bẻ làm đôi, đưa cho Tô một nửa. Bắp bốc hơi nóng thơm nức, nhấm vào giữa môi, mềm và nóng. Cô nhấm từng hột một như hồi bé. Lòng hưng hửng. Một niềm vui đơn giản, rất bình dân. Tô khoác vai cô. Cô ấy cũng vui. Nhưng cả hai đều là người không biết phải diễn đạt niềm vui ra sao. Thế là chỉ biết hối hả đi trên con đường lên núi đã tối.       

Cô chợt nhớ ra, rất lâu rồi không hề có bạn. Không có một ai thân thiết.       

Tô này, mình chưa bao giờ có thể ngỡ rằng lần ở bên nhau lâu nhất, bình tĩnh nhất giữa hai bố con lại là lúc trong nhà xác lạnh lẽo của bệnh viện.

Lúc đêm khuya, chỉ có hai người, mình và bố. Mỗi lần đến đúng giờ, một giờ, hai giờ, ba giờ... mình lại nhỏm lậy dập đầu trước ông. Vì theo cách nói của tập quán, bố đã đi rồi, càng đi càng xa dần. Ông muốn ăn, muốn uống, muốn mang theo ít tiền đi đường. Thế là mình không ngớt đốt giấy tiền, thắp thêm nhang và rập đầu trước bố giã biệt.       

Hai bố con cứ ở bên nhau êm ả như vậy. Trên người bố đắp cái vỏ chăn. Nom ông giống như một đứa trẻ. Một đứa trẻ ngoan, trầm lặng, bị bỏ quên trong đêm tối. Một đứa trẻ cô đơn. Mình đứng bên cạnh, vuốt ve người bố. Bờ vai, lồng ngực, tay, bàn chân, cái đùi bị thương tật, cái đầu khâu chỉ còn dính máu tươi. Mình lại vuốt ve gương mặt bố. Vầng trán, cái mũi, đôi mắt, bờ môi, cái cằm. Còn khung xương, phần da thịt, khuôn mặt vẫn tinh tường như thế. Chỉ tội không còn hơi ấm. Bố nặng nề như thế, lạnh lẽo như thế.

Lúc trời tang tảng sáng cũng là lúc sắp chia tay. Có lẽ bố đã đi tới bờ bên kia rồi. Những lưu luyến tiễn biệt giữa chúng ta cũng sắp kết thúc. Mình vuốt ve bố hết lần này tới lần khác. Ôm chặt bố, áp đầu lên trái tim bố. Cách một lượt vải trắng nhưng mình vẫn cảm nhận rõ hơi lạnh từ người bố dần toả ra. Đó là vật chứng bố dành tặng cho tình cảm của mình. Một cái xác. Ông trời đã đòi bố về. Người đàn ông duy nhất quan tâm tới mình, không bỏ rơi mình. Người đàn ông đã cho mình máu thịt. Người đàn ông đã từng bế mình chạy tới bệnh viện lúc canh khuya mỗi khi mình ốm sốt. Người đàn ông dắt tay mình đến trường. Người đàn ông bị mình bỏ rơi ở quê nhà đi nghìn dặm. Người đàn ông cô độc, làm việc lam lũ. Người đàn ông mà mình chưa từng báo đáp và an ủi. Bố đã bị gọi về. Chúng mình không còn lạnh nhạt và cố chấp nhau nữa. Không còn gặp gỡ và giã biệt nữa. Bố đã chết rồi.      

Mình không nỡ như vậy, Tô ạ.      

Mình không thể làm được gì, Tô ạ.

Một phần của thể xác mình đã chết. Không bao giờ được đáp lại nữa. Tô ơi, khi bầu trời bên ngoài bắt đầu sáng, mình thấy cả thành phố biến thành một cái túi đựng ẩm ướt hơi xanh lam. Trống trơn. Chẳng có gì cả. Một ngày mới ngay cận kề trước mắt. Mình thấy cô độc quá.      

Tô ơi, cậu có biết nỗi cô độc của riêng một người như thế nào không? Có nghĩa là tất cả mọi người xung quanh đều không có liên quan gì tới cậu cả. Tất cả mọi người đều biến mất.      

Thế là mình chỉ có thể khóc.       

Nhà thờ trong đêm. Chữ thập trên nóc nhà thờ trong đêm tối như một ngôi sao. Họ đẩy cánh cửa sắt, bước lên bậc tam cấp lớn bằng xi măng. Gió lớn lướt qua. Tô nói, trong nhà thờ có thuỷ tinh màu khắc hình Chúa và Đức mẹ. Nóc nhà rất cao, ánh nắng rọi vào như con đường mở ra từ thiên đường. Ban ngày tớ đã chụp hình ở đây.

Tô hỏi cô, Cậu có tin Thượng đế không?         

Cô đáp, Mình tin vào số kiếp. Tin vào cái quyền lực to lớn khống chế chúng ta. Cái quyền lực không bao giờ cho phép chúng ta kháng cự và chạy trốn.         

Tô nói, Hãy nghe âm thanh trong đêm. Cậu nghe thấy những gì?         

Cô đứng lặng trên bậc thềm. Đưa tay ra chạm phải ngón tay của Tô. Họ nắm tay nhau.        

Tô nói, Tớ chỉ có thể nghe thấy tiếng biển. Hồi nhỏ, mẹ tớ mở một tiệm tạp hoá ở một thị trấn nhỏ. Tớ ngủ ở gian quầy bên ngoài, mẹ và bố dượng ngủ gian trong. Sau đó, tớ vào thành phố, sống trong một căn hộ độc thân, đêm khuya dậy nấu mì gói. Mệt tới mức không tài nào tắm nổi, ngã lăn ra giường. Nhưng tớ chỉ luôn nghe thấy âm thanh của biển cả.

Cậu chưa từng gặp mặt bố đẻ sao?        

Ông đã chết trước khi tớ kịp ra đời. Toàn sống với mẹ và bố dượng thôi. Đối với tớ, khái niệm về bố đã không còn tồn tại nữa.         

Vì thế cậu vĩnh viễn không nhớ tới bố.         

Ừ. Vĩnh viễn.