ôi thấy như Poirot biến thành một người khác. Anh nhanh nhẹn chồm đứng dậy. Tôi cũng đứng lên theo, chưa biết chuyện gì.
Chúng ta gọi taxi. Bây giờ mới chín giờ … Vẫn còn đến một chỗ được.
Tôi theo anh xuống thang gác.
Đến đâu?
Biệt thự Huân tước Edgware.
Tôi không nói gì. Poirot ngồi cạnh tôi trong xe taxi vẻ sốt ruột.
Đến nơi, một quản gia mới ra mở cửa. Poirot xin gặp tiểu thư Carroll. Trong lúc hai chúng tôi đi theo người quản gia lên thang gác, tôi thầm nghĩ, anh chàng quản gia trước, trẻ đẹp như thiên thần trên núi Olympe, trốn đi đâu? Cho đến nay cảnh sát vẫn chưa biết anh ta ở chỗ nào. Tôi sợ hãi thầm nghĩ, có khi anh ta cũng chết rồi không biết chừng.
Cô thư ký Carroll xuất hiện tươi cười làm tôi thấy lòng nhẹ đi. Poirot nói:
Tôi rất mừng lại được gặp bà ở đây. Tôi đã nghĩ, có thể bà không còn ở trong cái nhà này nữa rồi.
Geraldine nhất định không cho tôi đi. Trong lúc bối rối này cô ấy rất cần có ai bên cạnh để che chở và an ủi, đồng thời tránh cho cô ấy khỏi phải tiếp xúc với những người khác.
Thưa bà Carroll, ngay từ phút đầu gặp bà, tôi đã có cảm giác bà là người phụ nữ rất đáng quý. Tôi cảm phục nghị lực của bà. Còn tiểu thư Geraldine Marsh thì rõ ràng cô ấy quá non nớt về sự đời.
Geraldine là một thiếu nữ mơ mộng, không biết gì thực tế. Từ nhỏ cô ấy đã thế rồi. May mà cô ấy không phải lo kiếm sống.
Nhưng xin ông cho biết, ông Poirot, khuya như thế này ông vẫn đến đây hẳn có chuyện quan trọng? Vậy tôi có thể làm gì giúp ông?
Tôi muốn hỏi lại cho chính xác vài việc. Tôi hy vọng bà có trí nhớ tốt, thưa bà Carroll.
Làm thư ký thì không thể có trí nhớ tồi được.
Tháng Mười một năm ngoái Huân tước Edgware có sang Paris không?
Ông chờ một chút để tôi xem lại.
Cô thư ký Carroll ra bàn giấy, mở ngăn kéo, lấy ra cuốn sổ ghi hàng ngày, lật trang.
Huân tước sang Paris ngày 3 tháng Mười một và về ngày 7. Ngày 27 cũng tháng Mười một Huân tước lại đi và ngày 4 tháng Mười hai thì về.
Huân tước sang Paris làm gì?
Lần thứ nhất để xem một số bức tượng nhỏ cổ xưa mà ngài định mua. Lần thứ hai để làm gì thì tôi không biết.
Tiểu thư Geraldine Marsh có đi cùng với cha không?
Không bao giờ Geraldine đi với ngài Huân tước, thưa ông Poirot. Vào thời điểm ấy, Geraldine đang học nội trú tại một tu viện ở Paris. Tôi không biết ngài Huân tước có nghĩ đến chuyện đến thăm con gái không.
Và bà cũng không cùng đi với Huân tước?
Không … Nhưng ông hỏi những thứ ấy để làm gì? Ông muốn tìm cái gì chăng?
Poirot không trả lời vào câu hỏi mà đưa luôn ra câu hỏi khác:
Tiểu thư Geraldine Marsh rất yêu anh họ, ông Ronald Marsh phải không?
Đúng thế. Nhưng tôi chưa hiểu ông muốn biết điều gì?
Tiểu thư Geraldine đến gặp tôi cách đây vài hôm. Bà biết chuyện ấy chứ?
Cô thư ký lộ vẻ sửng sốt:
Không. Geraldine kể những gì với ông?
Tiểu thư Geraldine thú nhận, hay tôi đoán thấy như thế, là tiểu thư rất yêu ông Ronald Marsh.
Nếu vậy tại sao ông còn hỏi tôi?
Bởi tôi muốn biết ý kiến của bà.
Lần này, cô thư ký Carroll quyết định trả lời:
Theo tôi nhận xét thì Geraldine mê ông anh họ.
Bà không thích vị Huân tước mới ấy hay sao?
Tôi không nói thế. Cậu Ronald làm tôi thấy không liên quan gì đến cậu ấy, chỉ có vậy thôi. Tất nhiên cậu ấy dễ tính, nhưng tôi thích Geraldine yêu một chàng trai khác kia.
Công tước Merton chẳng hạn?
Tôi không biết tính tình ông Công tước. Tôi chỉ biết ông ấy tôn trọng các phận sự cho xứng đáng với danh hiệu đại quý tộc của dòng họ. Vả lại ông ấy đang mê bà Jane Wilkinson… Tôi biết bà Quận chúa rất thích con trai bà ấy lấy Geraldine. Khốn nỗi các ông con trai có bao giờ chịu lấy người mà mẹ họ chọn cho đâu.
Bà có tin ông Ronald Marsh cũng yêu tiểu thư Geraldine không?
Trong tình thế hiện nay của cậu ấy thì chuyện hôn nhân không được đặt ra nữa.
Vậy là bà tin rằng ông Ronald, tức là vị tân Huân tước Edgware, sẽ bị kết án và chịu hình phạt?
Tôi không tin cậu ấy có tội.
Nhưng ông ấy vẫn bị kết án?
Cô thư ký Carroll không đáp. Poirot nói và đứng dậy:
Tôi không giữ bà thêm nữa. Nhân tiện xin hỏi, bà có biết cô diễn viên Carlotta Adams không?
Tôi đã được xem cô ấy biểu diễn trên sân khấu … Quả là một nghệ sĩ tài ba!
Đúng thế, cô ấy diễn rất giỏi … À đôi găng tay của tôi đâu rồi nhỉ?
Cúi xuống lấy đôi găng tay, Poirot đụng vào chiếc kính mắt của cô thư ký Carroll để cạnh đấy; làm nó rơi xuống sàn nhà. Anh xin lỗi rồi cúi xuống nhặt lên, trả lại cô ta.
Xin lỗi đã làm mất thời giờ của bà. Tôi đến gặp bà chỉ định xem có dấu biểu gì về cuộc xích mích giữa ông Huân tước và một người nào khác xảy ra năm ngoái tại Paris. Như vậy là tôi không thấy; vậy mà tiểu thư Geraldine lại khẳng định dứt khoát rằng anh họ cô ấy, ông Ronald, vô tội! Chào bà.
Hai chúng tôi ra đến cửa ngoài thì cô Carroll gọi chúng tôi lại.
Ông Poirot, cái kính trắng này không phải của tôi. Tôi đeo vào chẳng nhìn thấy gì hết.
Sao vậy?
Poirot ngạc nhiên nhìn cô thư ký của cố Huân tước. Rồi anh kêu lên:
Tôi nhầm. Cái kính này trong túi tôi rơi ra, lúc tôi cúi xuống để nhặt kính của bà. Hai cái kính giống nhau quá.
Họ đổi kính cho nhau.
Ra đến ngoài đường, tôi kêu lên:
Poirot, anh có đeo kính bao giờ đâu?
Hastings, anh nhanh trí quá đấy!
Vậy cái kính này là trong xắc của Carlotta Adams?
Đúng thế.
Làm sao anh lại nhầm với kính của cô thư ký Carroll được?
Trong số những người chúng ta quen biết, cô ấy là người duy nhất đeo kính cận.
Nhưng đấy không phải kính cô ấy!
Chứ sao nữa? Chính vì thế cô ấy mới nhận ra không phải kính cô ấy vẫn đeo.
Chúng tôi đi chậm rãi qua phố xá. Đêm nay khí trời ngột ngạt nên chúng tôi chưa muốn về nhà vội.
Lát sau, tôi hỏi:
Những câu anh hỏi về Paris rõ ràng chẳng ích lợi gì.
Không hẳn như thế.
Chúng ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp cho cái tên bí hiểm bắt đầu bằng chữ D. Trong số những người chúng ta quen biết, không ai có tên bắt đầu bằng chữ D…À, có … lạ chưa? Chàng diễn viên Donald Ross. Và cậu ta cũng lại bị giết rồi.
Đúng thế. Anh ta cũng đã chết, - Poirot nói. Tôi nhớ lại cái đêm ba chúng tôi đi dạo.
Poirot, anh còn nhớ không?
Nhớ gì, anh bạn?
Donald Ross nói với chúng ta rằng họ có mười ba người cùng ngồi một bàn, và anh ta là người đầu tiên đứng lên.
Poirot không đáp. Tôi nói khẽ:
Buồn cười đấy chứ? Cái chết của anh ta trùng với con số mười ba kia. Sao anh cười, Poirot?
Không có gì đặc biệt đâu. Chỉ là tôi nhớ đến một câu đố tôi nghe được hôm trước. Câu đố thế này: ai là kẻ có hai chân, có lông vũ và sủa như chó?
Tất nhiên con gà mái rồi, - tôi đáp, hơi thấy tự ái. – Tôi biết câu đố ấy từ khi còn học lớp một.
Hastings, anh quá thông thái đấy. Lẽ ra anh phải nói: “Mình không biết”, thế rồi tôi nói: “Con gà mái. Bấy giờ anh mới kêu lên: “Nhưng con gà mái có sủa đâu?” Và tôi bèn nói thêm: “Thì tôi thêm cái chi tiết thứ ba ấy cho khó đoán mà lại” Lời giải cho chữ D. kia có khi cũng kiểu như thế.
Vớ vẩn.
Chính thế. Đối với đại đa số con người, nhưng không phải đối với tất cả. Ôi, tôi có thể hỏi ai về điều đó được nhỉ?
Chúng tôi đi nganh qua một rạp chiếu phim lớn. Khán giả đang lục tục ra, bàn tán về bộ phim họ vừa xem. Một cô gái thở dài:
Tuyệt vời. Bryan Martin đóng hết sẩy! Hễ phim nào có anh ta đóng, tôi đều phải đi xem cho bằng được. Cậu thấy anh ta phi ngựa xuống dốc rồi chứ? Vừa kịp để đỡ những tờ giấy.
Bạn cô ta không có vẻ hào hứng lắm;
Nhưng cốt chuyện thì dở quá. Giá như họ thẩm vấn Ellis ngay, theo cách thông thường người ta vẫn làm thì …
Đoạn sau chúng tôi không nghe rõ. Hai chúng tôi đi qua đường sang bên kia phố. Lên đến hè, tôi quay đầu lại, thấy Poirot còn đứng lại giữa đường, xung quanh xe cộ chạy ầm ầm … Hoảng sợ quá, tôi nhắm mắt lại. Tôi nghe thấy tiếng phang rít và lời văng tục của người tài xế. Poirot vẫn thản nhiên tiến về phía tôi.
Tôi kêu lên:
Anh điên đấy à, Poirot?
Không. Tôi … vừa nảy ra một ý nghĩ.
Giữa lúc đang qua đường? … Suýt nữa anh mất mạng rồi đấy!
Điều ấy không quan trọng! Ôi, anh bạn … Tôi vừa mù vừa điếc, vừa mê đi. Bây giờ thì tôi đã tìm ra lời giải đáp cho tất cả các câu hỏi … Đúng thế, cả năm câu. Thật đơn giản … đơn giản như những câu đố của trẻ con vậy …