Dao Kề Gáy

Chương XXII

Docsach24.com

ôi và Poirot đang ở nhà. Tôi nói:

 Sao lại...

Poirot ngắt lời tôi:

 Tôi xin anh, Hastings! Bây giờ chưa phải lúc! Chưa phải lúc!

Rồi anh vớ mũ, chụp lên đầu và lao ra ngoài như cơn lốc. Anh chưa quay lại thì khoảng một giờ sau, thanh tra Japp đến.

 Ông Poirot đi rồi à?

Thấy tôi gật đầu, ông ta lau trán. Trời hôm nay nóng khủng khiếp.

 Tôi chưa hiểu ông ấy phát rồ hay sao? Ông Hastings này, khi thấy Poirot bước đến bên hắn ta nói: “Riêng tôi thì tin!” Tôi hốt hoảng.

Tôi cũng gần như vậy và tôi nói vối viên thanh tra như thế. Ông ta bèn nói tiếp:

 Sau đấy Poirot cắt nghĩa với ông thế nào?

 Anh ta không nói gì hết. Lúc về đến nhà, tôi định hỏi thì Poirot đã chụp mũ lên đầu rồi vội vã lao ra khỏi nhà đi đâu không biết.

 Ông ta bỏ đi đấy, - Japp nói.

Tôi nghĩ rất có thể như thế. Thanh tra Japp nhiều lần báo tôi biết rằng anh bạn tôi dễ rơi vào trạng thái gọi là “hâm”. Lần này quả tôi không sao hiểu được thái độ của Poirot: đúng lúc giả thuyết của anh ta được chứng thực thì anh ta lại bác bỏ nó. Thanh tra Japp nói tiếp:

 Xưa nay tôi thấy Poirot nhiều lúc điên điên khùng khùng thế nào ấy. Tôi công nhận anh ta rất có tài, nhưng người ta thường nói, từ thiên tài đến điên rồ chỉ có một bước chân đấy sao? Poirot thích những thứ khó khăn phức tạp. Những- vụ án đơn giản không hấp dẫn anh ấy. Cho nên nhiều khi Poirot cố tình phức tạp hóa vấn đề...

Đúng lúc đó Poirot về. Anh không nói một lời, chỉ lặng lẽ bỏ mũ, cẩn thận đặt lên bàn bên cạnh cây can rồi ngồi xuống ghế nệm.

 Ông đấy à, ông Japp? Thật đúng lúc! Tôi đang định đi gặp ông.

Thanh tra Japp im lặng nhìn Poirot, chờ nghe anh ta nói tiếp. Quả nhiên Poirot bắt đầu nói, chậm và rành rọt:

 Nghe tôi nói đây, ông Japp. Chúng ta đi lầm đường rồi. Thật đáng buồn.

 Anh đau khổ về cái cậu trai trẻ ấy làm gì? Y đáng phải chịu như thế.

 Tôi băn khoăn không phải về anh ta, mà về ông.

 Tôi làm sao?

 Nhưng lỗi do tôi. Tôi đã gợi ý để ông điều tra theo hướng đó. Chính tôi đã hướng chú ý của ông về phía Carlotta Adams và nói với ông về bức thư cô ấy gửi cho em gái bên Mỹ. Chính tôi đã lái ông đi theo hướng đó.

 Đúng là tôi bị ông lái. Vì chính ông đi theo hướng đó nên tôi mới đi theo.

 Có thể. Nhưng nếu vì vậy mà ông phải mất đi đôi chút uy tín thì tôi vô cùng ân hận.

Thanh tra Japp có vẻ thích thú. Ông ta cho rằng Poirot ghen với uy tín của ông ta do ông ta chính là người tìm ra hung thủ. Ông ta nói:

 Tôi hiểu. Và tôi hứa sẽ nói rõ cho mọi người biết rằng tôi đạt được vinh quang một phần là nhờ ông.

 Thế ra ông vẫn chưa hiếu hay sao, Japp? Tôi đâu quan tâm đến vinh quang? Và tôi xin cảnh báo  

ông, thứ đang chờ chúng ta chưa chắc đã là cành nguyệt quế mà là thất bại thảm hại của cả tôi lẫn công lý.

Thanh tra Japp phá lên cười.

 Thưa ông Poirot kính mến! Tôi sẵn sàng đón nhận vinh quang hay thất bại trong vụ án này. Tiếng tăm của nó sẽ rất lớn đấy, tôi tán thành. Nhưng tôi phải nói ông biết cách suy nghĩ của tôi. Rất có thể do nhờ một luật sư giỏi, vị tân Huân tước Edgware sẽ trắng án, bởi khó có thể biết trước các vị thẩm phán sẽ làm ăn ra sao, nhưng ngay trong trường hợp ấy tôi cũng bất cần. Thứ quan trọng là mọi người đều biết chúng ta đã tìm ra hung thủ đích thực, cho dù tòa án không chấp nhận như thế và tha cho hắn.

Poirot nhìn viên thanh tra cảnh sát bằng cặp mắt khoan dung:

 Điều đáng buồn là ông vẫn chưa lúc nào nghĩ rằng ông có thể sai. Ồng quá tự tin và luôn miệng nói: “Dễ ợt ấy mà”.

 Ôi, về chuyện đó thì không! Tôi xin cảnh báo ông phải dè chừng cái tật coi mọi thứ đều phải phức tạp. Tại sao chúng không được phép dễ dàng?.. Xin hãy trở lại các nhân vật của chúng ta. Chắc ông đang muốn biết tôi đã làm những gì?

 Tất nhiên.

 Thoạt tiên tôi thẩm vấn tiểu thư Geraldine Marsh, lời khai của cô ấy rất khớp với lời khai của Ronald, vị Huân tước Edgware mới. Có thể hai người là đồng phạm, nhưng tôi không tin. Anh ta tác động quá mạnh đến cô em họ. Khi biết tin ông anh họ bị bắt, cô ấy ngất đi.

 Còn cô thư ký Carroll thì sao?

 Cô ấy không hề bất ngờ chút nào.

Tôi chen vào:

 Thế số ngọc trai? Câu chuyện về sỗ nữ trang ấy có đúng không?

 Hoàn toàn đúng. Ngay hôm sau, Ronald đã nhận được một khoản tiền rất lớn nhờ đem cầm số nữ trang ấy. Theo tôi, chuyện ấy không liên quan đến vụ án mạng. Tôi cho rằng ý tưởng gây án nẩy ra trong đầu y lúc y gặp cô em họ trong nhà hát nhạc kịch. Đang bế tắc về tài chính, y tính thực hiện vụ giết người, chính vì thế y giữ chìa khóa trong túi. Trong khi y tâm sự với cô Geraldine, y nhận ngay ra rằng, nếu kéo được cô em vào cuộc, cô ấy sẽ là một con chủ bài nữa bảo đảm an toàn cho y. Đánh vào sự mềm yếu trong tình cảm của cô Geraldine, y gạ cô cho y mượn số nữ trang, cô ấy nghe theo và hai ngươi cùng đi. Ngay từ lúc Geraldine vào nhà, Ronald đã lập tức đi theo, rồi lẻn vào phòng đọc sách, ông chú y hẳn đang ngủ gà ngủ gật trong ghế nệm. Thế là y thực hiện vụ án chỉ trong vòng hai giây, rồi lập tức chuồn ra. Y không ngờ lại gặp cô em ngay dưới chân cầu thang.

“Sáng hôm sau, y đem cầm số nữ trang kia. Khi biết tin về vụ án mạng, y thuyết phục cô em họ giữ tuyệt đối bí mật chuyện hai anh em lẻn về nhà đêm hôm ấy.

Poirot hỏi:

 Nếu như thế, tại sao Ronald lại nói ra?

 Y thay đổi ý kiến. Hoặc có thể y cho rằng cô em họ sẽ khai. Geraldine là cô gái thần kinh rất yếu.

 Đúng thế, -Poirot tán thành. - Tiểu thư Geraldine rất dễ bị kích động. Nhưng sao ông không nghĩ rằng trong lúc nghỉ giải lao ở nhà hát nhạc kịch, nếu đại úy Ronald Marsh đến nhà ông chú một mình thì đơn giản hơn nhiều? Anh ta chỉ việc lấy chìa khóa mở cửa, lẻn vào, rồi sau khi giết ông chú lại quay ra, về nhà hát coi như không có chuyện gì xảy ra... Cớ gì anh ta bảo taxi đợi bên ngoài rồi vào cùng với một cô gái yếu thần kinh, để bất cứ lúc nào cô ấy cũng có thể xuống nhà và bắt gặp ông anh họ?

Thanh tra Japp cười gằn:

 Nếu vào địa vị tôi hoặc ông thì chúng ta hành động như thế. Vì tôi và ông biết suy nghĩ hơn gã đại úy Ronald Marsh dại dột kia... Với lại, nếu y vô tội thì tại sao có chuyện đánh cuộc với Carlotta Adams?

Poirot nói, giọng mơ màng:

 Có thể chính Ronald đã nói về cô ấy... Không, không thể như thế! Vậy ông nghĩ sao về cái chết của Carlotta Adams, ông thanh tra?

 Tôi cho đấy là chuyện ngẫu nhiên... một sự trùng hợp ngẫu nhiên... Hành vi ấy của Ronald Marsh không dính dáng đến vụ án. Bằng chứng ngoại phạm của anh ta thời gian sau khi xem hát là không thể bác bỏ. Ronald đã ở lại nhà hai ông bà Dortheimer đến một giờ sáng... Nếu không có sự trùng hợp ngẫu nhiên kia, anh ta dễ dàng mua sự im lặng của người phụ nữ đó bằng một khoản tiền nữa và dọa cô ấy là nếu cô ấy lộ ra vụ giết người thì sẽ bị tù.

 Vậy ông cho rằng cô Carlotta Adams chịu để một phụ nữ khác bị treo cổ trong khi lời chứng của cô ấy có thể cứu được bà ta?

 Bà Jane Wilkinson sẽ không bị treo cổ. Những lời khai của các vị khách trong bữa tiệc ở nhà Huân tước Montagu đủ để chứng thực là bà ấy vô tội.

 Nhưng hung thủ không biết bà Jane Wilkinson có mặt trong bữa tiệc. Hắn tin rằng cảnh sát sẽ cho rằng bà ta là hung thủ và hắn tin rằng cô Carlotta Adams sẽ không nói gì.

 Ông Poirot thân mến, vậy là ông cho rằng Ronald Marsh vô tội? Và ông tin vào câu chuyện một người đàn ông khác đã lẻn vào nhà Huân tước Edgware gây án, mà theo Ronald Marsh thì chính là ngôi sao điện ảnh Bryan Martin?

 Đúng là Bryan có thể ngạc nhiên khi thấy Ronald vào nhà ông chú anh ta vói một chiếc chìa khóa.

 Nhưng không may, hoặc may mắn không biết, anh chàng Bryan Martin lại không có mặt ở London tối hôm đó. Anh ta dẫn một phụ nữ đi ăn tối ở thị trấn Moseley, mãi quá mười hai giờ đêm hai người mới về London.

 Người phụ nữ đó cũng là diễn viên? — Poirot hỏi.

 Không. Đó là một cô chủ hiệu thời trang, bạn của Carlotta Adams. Và anh phải công nhận lời khai của cô chủ hiệu thời trang ấy không có gì để chúng ta phải nghi ngờ.

 Tôi tán thành.

Thanh tra Japp cười:

 Cuối cùng ông đã hết lý. Người vào nhà Huân tước Edgware đầu tiên chính là Ronald, trước y không hề có ai vào.

 Vậy ai là “D., Paris, tháng Mười một”? - Poirot hỏi.

Thanh tra Japp nhún vai:

 Chuyện ấy cũ rích, xảy ra từ sáu tháng trước đó. Và không dính dáng chút nào đến vụ án mạng Huân tước Edgware.

 Sáu tháng! - Poirot lẩm bẩm và mắt anh lóe lên một tia sáng. - Mình ngu quá!

 Ông ấy nói gì thế? — Thanh tra Japp hỏi.

Poirot đứng phắt dậy, dí ngón tay vào ngực viên thanh tra cảnh sát:

 Ông nghe tôi nói đây. Tại sao chị giúp việc của Carlotta Adams lại không nhận ra cái hộp nhỏ bằng vàng kia? Tại sao cả cô chủ hiệu thời trang Driver cũng không nhận ra cái hộp nhỏ ấy?

 Theo ông thì tại sao?

 Bởi cái hộp ấy cô Carlotta Adams mới có gần đây. Người ta mới tặng cho cô ấy. “Paris, tháng Mười một”... chính thế... cái ngày tháng ấy hẳn gợi lại một kỷ niệm nào đó. Nhưng cái hộp thì mới được tặng

gần đây!.. Tôi đề nghị ông, ông Japp, hãy điều tra xung quanh chuyện này. Cái hộp bằng vàng ấy không

phải mua tại đây mà mua ở nước ngoài... Có lẽ ở Paris. Tôi đề nghị ông điều tra hộ cả con người bí

hiểm có tên là “D.” ấy là ai?

 Cũng được, không hại gì. Thú thật tôi không thú gì cái nhận định của ông, nhưng tôi sẽ làm.

Viên thanh tra cảnh sát chào chúng tôi rồi ra về.