Dao Kề Gáy

Chương XXI

Docsach24.com

gồi trong xe taxi đến đại lộ Regent Gate, Poirot vẫn giữ bộ mặt buồn bã và bối rối. Cuối cùng anh nói:

- Thôi được, chúng ta xem thử anh ta nói thế nào.

Đến tòa biệt thự của cố Huân tước Edgware tại đại lộ Regent Gate, chúng tôi được người ta báo rằng gia đình vừa ăn xong bữa trưa. Thanh tra Japp bảo muốn gặp tân Huân tước Edgware. Gia nhân dẫn chúng tôi vào phòng đọc sách.

Vài phút sau, Ronald Edgware bước vào, vẻ tươi tỉnh. Nhưng khi thanh tra Japp nói rõ mục đích cuộc thăm viếng này, mặt Ronald sa sầm và anh ta mím chặt môi. Anh ta nói:

- Chà, ra sự việc như thế đấy.

Anh ta kéo một chiếc ghế và ngồi xuống, nói:

- Thưa ông thanh tra, tôi muốn thú nhận với ông một điều.

- Mời ông nói.

- Có thể ông sẽ cho tôi là điên rồ, nhưng không sao, tôi vẫn kể ra... Trước tiên, vì tôi chưa mất hẳn tỉnh táo, tôi đoán bằng chứng ngoại phạm của tôi đã không đứng vững. Các ông tin vào lời khai của hai vợ chồng Dortheimer và bắt tên tài xế taxi đến để thẩm vấn. Đúng vậy không?

Thanh tra Japp lạnh lùng đáp:

- Chúng tôi đã biết những hành động của ông tối hôm đó.

- “Xưa nay tôi vẫn vô cùng cảm phục Sở Cảnh sát thành phố London. Tuy nhiên các ông phải hiểu rằng nếu định gây án, không đời nào tôi nhờ một tài xế taxi chở tôi về nhà và chờ tôi ngoài đường. Ông có nghĩ đến điều đó chưa? Ôi, tôi thấy ông Poirot đã hiểu tôi. Nhưng, thưa ông thanh tra, tôi đoán được ông sẽ trả lời tôi ra sao rồi. Ý tưởng gây án đột nhiên hiện ra trong óc tôi. Khi tôi đứng đợi bên cạnh xe, đột nhiên tôi nghĩ: “Làm đi, và đừng để hỏng việc!”

Sự thật khác hẳn: tôi đang rất khổ sở vì túng tiền. Điều này ai cũng biết. Hôm sau tôi cần có một khoản tiền lớn. Trong tình thế nan giải đó, tôi đến cầu cứu ông chú. Tôi nghĩ ông ấy không yêu gì tôi, nhưng để cứu vãn danh dự gia đình, ông ấy sẽ đồng ý cho tôi tiền. Người có tuổi thường dễ mủi lòng, nhưng ông chú tôi lại không như thế. Ông ấy từ chối.

Hay hỏi vay ông bà Dortheimer? Tôi thừa biết không đời nào họ chịu nhả tiền. Còn lấy con gái họ thì tôi không thể. Cô ấy quá thông minh, không đời nào chịu lấy một thằng như tôi làm chồng. Tình cờ tôi gặp em họ tôi, cô Geraldine ở nhà hát nhạc kịch. Hai anh em chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nhưng cô ấy vẫn rất tốt đối với tôi hồi tôi sống ở nhà ông chú, cha cô ấy. Tôi bèn kể với Geraldine về nỗi bế tắc của tôi. Ông chú tôi đã kể qua cho cô ấy biết. Vốn sẵn tấm lòng phúc hậu, cô ấy nhận cho tôi số ngọc trai của cô ấy để tôi đem cầm lấy tiền trả nợ. Số nữ trang ấy Geraldine được toàn quyền xử lý vì là tài sản cô ấy thừa kế của mẹ cô ấy”.

Ronald ngừng lại một chút... tôi có cảm giác niềm xúc động làm anh ta nghẹn lại... hoặc anh ta đóng kịch, nhưng nếu như thế thì anh ta đóng kịch quá giỏi.

- “Tôi nhận sự hy sinh của Geraldine. Nhưng tôi tự thề với bản thân sẽ làm lao động cật lực để lấy tiền chuộc lại. Lúc đó Geralđine cất số nữ trang ấy ở nhà này. Thế là hai chúng tôi quyết định nhảy taxi về đây.

Chúng tôi để xe đỗ bên kia đường. Geraldine xuống xe, và do có chìa khóa, cô ấy vào nhà dễ dàng, không ai biết. Lấy xong số nữ trang, cô ấy đưa tôi. Nhưng vẫn có thể có rủi ro, thí dụ một gia nhân nào đó nhìn thấy Geraldine, cô thư ký Carroll thường chín rưỡi mới đi ngủ, rồi chú tôi có thể nán lại khuya trong phòng đọc sách...

Trong lúc Geraldine đi vào nhà, tôi đứng chờ ngoài đường, cạnh xe taxi. Chốc chốc tôi lại nhìn về phía nhà xem cô em tôi đã ra chưa. Bây giờ tôi sắp kể đến cái phần của câu chuyện mà các ông có thể tin hoặc không tin. Đó là một người đàn ông đi trên hè đối diện với tôi. Tôi nhìn theo và rất ngạc nhiên thấy người đó trèo lên bậc cửa số nhà 17 rồi vào nhà, Tôi không dám chắc hoàn toàn đấy là số nhà 17, vì ở quá xa khó nhìn thấy chính xác. Dù sao nỗi ngạc nhiên của tôi cũng rất lớn bởi hai lẽ. Một là người đó vào nhà bằng một chiếc chìa khóa, thứ hai tôi nhận ra đấy là một nghệ sĩ đang nổi tiếng.

Tôi bèn quyêt định xem ông ta vào đấy làm gì. Tình cờ tôi có trong tay chìa khóa số nhà 17. Chẳng là cách đây ba năm tôi tưởng đã đánh mất nó, nhưng gần đây tôi đã tìm thấy nó, cách đấy hai ngày. Tôi định sáng hôm ấy trả lại cho chú tôi, nhưng rồi trong lúc tranh cãi ầm ĩ với ông ấy tôi quên mất. Mãi đến tôi, lúc thay quần áo để đi xem nhạc kịch, tôi mới thấy nó vẫn nằm trong túi.

Sau khi bảo tài xế chờ, tôi sang đường, rồi dùng chiếc chìa khóa kia mở cửa ngoài. Gian sảnh không có một ai và tôi không thấy dấu vết nào của người ban nãy vào nhà. Tôi đứng đó một lúc nhìn xung quanh rồi đi về phía phòng đọc sách. Người đàn ông hình như đang ở trong đó với chú tôi. Tôi áp tai vào cánh cửa, nhưng không nghe thấy gì.

Tôi bèn nghĩ rằng chắc ông ta vào số nhà khác chứ không phải vào đây... đại lộ Regent Gate có rất ít đèn đường và phố rất tối. Tôi bỗng nghĩ, mình đuổi theo người lạ kia làm gì? Lỡ chú tôi ra hành lang và nhìn thấy tôi có phải phiền không, ông lại tưởng tôi định mưu đồ chuyện gì mờ ám. May thay không ai nhìn thấy tôi.

Lúc quay ra đến cửa thì cũng đúng là lúc Geraldine xuống hết thang gác, tay cầm sợi dây chuyền bằng ngọc trai.

Cô ấy rất ngạc nhiên thấy tôi ở trong nhà. Khi ra đến ngoài, tôi giải thích cho Geraldine hiểu tại sao tôi lại vào đó. Chúng tôi vội vã trở lại nhà hát nhạc kịch, ngồi vào chỗ đúng lúc màn mở. Không ai chú ý đến việc chúng tôi vắng mặt lúc nãy. Phòng khán giả rất ngột ngạt và nhiều khán giả bỏ ra ngoài cổng để thở”.

Ronald ngừng một lát rồi nói tiếp:

- “Hẳn các vị sắp hỏi tôi, tại sao tôi không khai ra tất cả những chuyện đó ngay từ đầu? Vậy tôi cũng xin hỏi lại các vị: khi người ta có khá đủ lý do để nghi ngờ anh thì anh có khai ra chuyện anh lẻn vào tòa biệt thự ấy ban đêm hay không? Hẳn là không chứ gì?

Tôi biết rằng ngay trường hợp các vị có tin chúng tôi, Geraldine và tôi, thì chúng tôi cũng sẽ phải chịu vô số điều phiền lòng. Kết quả là chúng tôi không có cách gì giúp các vị tìm ra hung thủ: chúng tôi có nhìn thấy gì, nghe thấy gì đâu? Riêng tôi thì cho đến nay tôi vẫn tin rằng chính thím Jane đã tự tay giết chú tôi. Nhưng can thiệp vào làm gì? Tôi đã kể các vị nghe cuộc cãi nhau giữa chú tôi và tôi và tình trạng rất cần tiền của tôi, bởi hai sự kiện đó sớm muộn rồi các vị cũng biết. Nếu tôi cố tình giấu các vị những sự kiện đó thì các vị sẽ phải nghiên cứu kỹ về bằng chứng ngoại phạm của tôi. Hai ông bà Dortheimer tin rằng tôi không hề ra khỏi nhà hát ở phố Covent Garden. Việc tôi và cô em họ Geraldine ra ngoài trong giờ giải lao không hề làm họ nghi ngờ. Còn cô Geraldine thì luôn khẳng định rằng chúng tôi không ra khỏi nhà hát một lần nào”.

- Tiểu thư Geraldine Marsh có đồng tình với ông trong việc giấu diếm kia không?

- “Có. Sau đấy tôi đến gặp Geraldine và khuyên cô ấy bằng mọi giá không được lộ ra với ai là đêm hôm ấy, trong giờ giải lao, hai chúng tôi có ghé về nhà ở đại lộ Regent Gate, mà chỉ nói là chúng tôi ra phố Covent Garden đi bách bộ và trò chuyện. Geraldine hiểu và hứa sẽ không lộ ra với ai.

Tất nhiên tôi biết các vị không coi lời thú nhận của tôi hôm nay là có giá trị, vì quá muộn. Nhưng tôi cam đoan với các vị sự thật là như thế. Tôi có thể nói tên và địa chỉ hiệu kim hoàn nhận cho chúng tôi cầm số nữ trang của Geraldine. Rồi cô em họ tôi sẽ xác nhận những điều tôi nói ra hôm nay là đúng sự thật”.

Thanh tra Japp nói:

- Theo ông, bà Jane Wilkinson là hung thủ đã giết ngài Huân tước? Ông khẳng định như thế.

- Ông cũng nghĩ như thế chứ gì, sau khi nghe lời khai của người quản gia?

- Thế còn cuộc đánh đố của ông với cô Carlotta Adams?

- Cuộc đánh đố với cô Carlotta Adams? Đánh đố nào?

- Ông chối việc ông hứa trả cô ấy mười ngàn đô la nếu cô ấy giả làm bà Jane Wilkinson rồi đến gặp ông Huân tước mà ông này tưởng đấy là vợ mình thật?

Ronald tròn xoe mắt ngạc nhiên:

- Tôi hứa trả Carlotta Adams mười ngàn đô la? Tôi lấy đâu ra số tiền lớn ngần ấy? Chính cô ấy nói với các vị thế à? Ôi, xin lỗi, tôi quên mất là cô ấy đã chết.

Poirot đáp:

- Đúng, cô Carlotta Adams đã chết.

Ronald chăm chú nhìn chúng tôi, từng người một. Mặt anh ta tái đi, nỗi kinh hoàng hiện lên trong cặp mắt. Anh ta lẩm bẩm:

- Tôi không còn hiểu thế nào nữa! Tôi đã khai đúng sự thật với các vị, nhưng tôi thấy không vị nào tin.

Điều làm tôi ngạc nhiên vô cùng là Poirot lên tiếng:

- Riêng tôi thì tin!