Triết gia: Lâu không gặp cậu.
Chàng thanh niên: Vâng, có lẽ đến cả tháng nay rồi. Từ hôm đó đến giờ, tôi cứ nghĩ mãi về cảm thức cộng đồng.
Triết gia: Thế cậu thấy sao?
Chàng thanh niên: Cảm thức cộng đồng quả là một cách nghĩ hấp dẫn. Chẳng hạn như cảm giác thuộc về nơi nào đó là nhu cầu căn bản rnà chúng ta luôn có, cảm giác "mình có thể ở đây". Tôi nghĩ, đó là một chiêm nghiệm tuyệt vời, khẳng định rằng chúng ta là những sinh vật mang tính xã hội.
Triết gia: Một chiêm nghiệm tuyệt vời. Nhưng...?
Chàng thanh niên: Ha ha... Thầy tinh thật đấy! Tôi vẫn còn thấy mắc mứu. Nói thật, tôi vẫn hoàn toàn không hiểu những chuyện vũ trụ thế này thế nọ, và cảm thấy những lời đó đầy màu sắc tôn giáo và hơi hướm thờ cúng.
Triết gia: Khi Adler phát biểu khái niệm cảm thức cộng đồng, ông cũng vấp phải rất nhiều sự phản đối như vậy. Rằng "Tâm lý học đáng lẽ ra phải là một môn khoa học, nhưng Adler ngay từ đầu lại đi nêu ra vấn đề về "giá trị" ", và rằng "Một thứ như vậy thì không phải là khoa học".
Chàng thanh niên: Thế rồi, tôi đã thử tự mình suy nghĩ xem tại sao mình lại không hiểu, và tôi nghĩ vấn đề là ở trình tự. Vì bỗng chốc xem xét ngay đến nào là vũ trụ, nào là vật vô sinh, nào là quá khứ với tương lai thì không thể hiểu được.
Đúng ra, đầu tiên phải lý giải cái "tôi" cho thật rõ. Tiếp đó là suy xét mối quan hệ một đối một, nghĩa là quan hệ với người khác kiểu "tôi với anh". Và cuối cùng, ta sẽ cảm nhận được cộng đồng rộng lớn.
Triết gia: Đúng vậy. Trình tự rất hợp lý đấy.
Chàng thanh niên: Trong đó, điều đầu tiên tôi muốn hỏi thầy là "cố chấp vào bản thân". Thầy nói rằng, hãy thôi cố chấp vào cái "tôi", chuyển sang "quan tâm tới người khác". Quan tâm tới người khác là một điều quan trọng. Điều này là sự thực và tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng chúng ta bản chất là luôn nghĩ đến bản thân, chỉ nhìn thấy bản thân mình thôi.
Triết gia: Thế cậu đã thử suy nghĩ xem tại sao mình lại nghĩ đến bản thân chưa?
Chàng thanh niên: Tôi đã thử. Nếu tôi giống như một kẻ ái kỷ, lúc nào cũng tự yêu bản thân, mê mẩn chính mình thì có lẽ đã dễ giải quyết. Vì khi đó, "hãy quan tâm tới người khác" sẽ là một lời chỉ trích thích đáng. Nhưng tôi lại không phải là một kẻ ái kỷ, mà là một người duy thực (realist) ghét bản thân. Chính vì ghét bản thân nên tôi lúc nào cũng chăm chăm đến bản thân. Chính vì thiếu tự tin nên tôi mới ý thức quá mức về bản thân.
Triết gia: Cậu cảm thấy mình ý thức quá mức về bản thân vào những lúc như thế nào?
Chàng thanh niên: Chẳng hạn như lúc ngồi họp, tôi không dám giơ tay phát biểu. Tôi hay lo hão, kiểu như "Hỏi câu này, không khéo bị cười cho", "Ý kiến không đúng trọng tâm có thể bị bẽ mặt" và cứ thế do dự. Không những vậy, ngay cả đến một câu nói đùa với mọi người, tôi cũng e ngại. Sự tự ý thức kiểu ấy luôn kìm hãm tôi, nhất cử nhất động đều bị bó buộc. Sự tự ý thức của tôi không cho phép tôi hành động tùy ý muốn.
Tôi cũng không cần thầy trả lời đầu. Lại vẫn một câu "Hãy can đảm lên" phải không? Nhưng, câu đó hoàn toàn chẳng ích gì với tôi. Bởi đây là vấn đề có trước cả lòng can đảm.
Triết gia: Được rồi! Lần trước, tôi đã nói với cậu khái quát về cảm thức cộng đồng, còn hôm nay, chúng ta sẽ giải thích sâu hơn nhé.
Chàng thanh niên: Vậy thì, câu chuyện sẽ đi tới đâu?
Triết gia: Có lẽ sẽ đề cập tới chủ đề "Hạnh phúc là gì?"
Chàng thanh niên: Ồ...! Ý thầy là đi sâu vào cảm thức cộng đồng sẽ có hạnh phúc sao?
Triết gia: Không : cần vội trả lời đâu. Điều cần thiết với chúng ta bây giờ là đối thoại.
Chàng thanh niên: Ha ha ha...! Được thôi! Chúng ta bắt đầu nào!