Triết gia: Trước hết là về điều lúc nãy cậu nói rằng "Sự tự ý thức luôn kìm hãm, không cho phép tôi hành động tùy ý muốn". Có thể, đó cũng chính là điều mà nhiều người khác đang trăn trở. Nào, chúng ta hãy một lần nữa trở về xuất phát điểm và cùng nghĩ về "mục đích" của cậu. Cậu muốn đạt được điều gì khi tự kìm hãm những hành động tùy ý của mình?
Chàng thanh niên: Tôi chỉ có một mong muốn, là không bị cười nhạo, không bị nghĩ là kẻ ngốc.
Triết gia: Nghĩa là, cậu không tự tin vào cái tôi thuần khiết của mình như nó vốn có đúng không? Và cậu cố né tránh thể hiện cái tôi vốn có ấy trong quan hệ với người khác. Bởi vì, dám chắc là nếu chỉ có một mình trong phòng, cậu có thế hát vang, nhảy nhót theo điệu nhạc, hoặc ăn nói hùng hồn.
Chàng thanh niên: Ha ha ha... Thầy nói cứ như thể đã gắn camera theo dõi tôi ấy nhỉ! Nhưng... Ừm... Đúng thế đấy. Khi chỉ có một mình tôi có thể hành động tùy ý.
Triết gia: Một mình thì ai cũng có thể hành động như một ông vua. Tức là điều này cũng là một vấn đề cần được xem xét từ góc độ quan hệ giữa người với người. Bởi vì không phải cậu thiếu một "cái tôi thuần khiết", mà chẳng qua cậu chỉ không thể hiện được nó ra trước mặt người khác mà thôi.
Chàng thanh niên: Vậy thì tôi phải làm gì?
Triết gia: Vẫn là cảm thức cộng đồng thôi. Cụ thể là cậu phải chuyển từ cố chấp vào bản thân (self interest) sang quan tâm đến người khác (social interest) để xây dựng được cảm thức cộng đồng. Muốn làm được vậy, cần bắt đầu từ ba điểm sau: "Chấp nhận bản thân", "Tin tưởng người khác" và cuối cùng là "Cống hiến cho người khác".
Chàng thanh niên: Ô, lại thêm một loạt từ ngữ mới nhỉ! Chúng có nghĩa gì vậy?
Triết gia: Trước hết, tôi sẽ giải thích về "chấp nhận bản thân". Đêm đầu tiên, tôi đã dẫn ra với cậu một câu nói của Adler rằng: "Điều quan trọng không phải là anh được trao cho cái gì, mà là anh sử dụng cái đó như thế nào." Cậu còn nhớ không?
Chàng thanh niên: Tất nhiên tôi vẫn nhớ.
Triết gia: Chúng ta không thể vứt bỏ, cũng không thể đem đổi vật chứa là "bản thân" này. Nhưng, điều quan trọng là "sử dụng vật chứa ấy như thế nào". Phải thay đổi cách nhìn đối với chính "bản thân", nghĩa là thay đổi cách sử dụng nó.
Chàng thanh niên: Thầy muốn nói, tôi phải trở nên tích cực, khẳng định rõ bản thân, luôn hướng về phía trước trong mọi việc phải không?
Triết gia: Không cần cậu phải cố trở nên tích cực khẳng định bản thân đâu. Cậu cần chấp nhận bản thân chứ không phải là khẳng định bản thân.
Chàng thanh niên: Không phải khẳng định bản thân, mà là chấp nhận bản thân?
Triết gia: Đúng vậy. Hai điều này khác hẳn nhau. Khẳng định bản thân nghĩa là dù không thể vẫn cứ tự ám thị mình rằng "Tôi có thể", "Tôi mạnh mẽ". Suy nghĩ này sẽ dẫn tới phức cảm tự tôn, tức là cách sống lừa dối chính bản thân mình.
Ngược lại, chấp nhận bản thân nghĩa là, giả sử ta không thể làm được một điều gì đó thì ta sẽ chấp nhận nguyên vẹn "cái tôi không thể làm được điều đó", từ đó tiếp tục cố gắng để có thể làm được điều đó. Ta không lừa dối mình.
Nói dễ hiểu hơn thì, khi chỉ đạt được điểm 6, nếu cậu tự an ủi rằng "Chẳng qua lần này không gặp may thôi, chứ thực lực của mình phải được 10 điểm", đấy là khẳng định bản thân. Còn nếu chấp nhận điểm 6 là điểm 6, rồi từ đó suy nghĩ xem "Làm thế nào để giành được điểm 10?", đấy là chấp nhận bản thân.
Chàng thanh niên: Tức là nếu có bị điểm 6 cũng không cần phải bi quan?
Triết gia: Tất nhiên rồi. Không ai là không có khuyết điểm. Như tôi đã nói với cậu khi giải thích về ham muốn trở nên vượt trội hơn, rằng con người ta, ai cũng luôn ở "trạng thái muốn mình tiến bộ hơn nữa".
Nói cách khác, điều này có nghĩa là không có ai đạt điểm 10 tuyệt đối. Chúng ta hãy chủ động thừa nhận điều đó.
Chàng thanh niên: Ừm... Nghe thì có vẻ tích cực, nhưng trong đó vẫn mơ hồ có nét tiêu cực nhỉ.
Triết gia: Thế nên tôi gọi đó là "sự từ bỏ mang tính khẳng định".
Chàng thanh niên: Sự từ bỏ mang tính khẳng định ư?
Triết gia: Giống như trong việc phân chia nhiệm vụ vậy. Ta phải phân biệt rõ "thứ có thể thay đổi" với "thứ không thể thay đổi". Chúng ta không thể thay đổi "thứ mình được trao cho". Nhưng điều chúng ta có thể thay đổi là "sử dụng thứ đó như thế nào". Vậy thì, thay vì chú tâm tới "thứ không thể thay đổi", ta chỉ còn cách chứ tâm tới "thứ có thể thay đổi" thôi. Đó chính là sự chấp nhận bản thân mà tôi muốn nói tới.
Chàng thanh niên: ... Thứ có thể thay đổi với thứ không thể thay đổi ư?
Triết gia: Đúng vậy. Hãy chấp nhận những thứ không thể thay đổi được. Hãy chấp nhận "cái tôi" như nó vốn có, sau đó, huy động "can đảm" để thay đổi những thứ có thể thay đổi. Chấp nhận bản thân là như vậy đó.
Chàng thanh niên: Ừm... Nói đến mới nhớ, trước đây, nhà văn Kurt Vonriegut cũng đã trích dẫn điều tương tự: "Lạy Chúa! Xin hãy ban cho con sự điềm tĩnh để đón nhận những điều không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều có thể và trí tuệ để luôn phân biệt được hai điều này" trong tiểu thuyết Lò sát sinh số 5.
Triết gia: Đúng, tôi có biết. Đấy là câu nói nổi tiếng được truyền tụng từ lâu trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, Lời cầu nguyện của nhà thần học Mỹ Reinhold Niebuhr.
Chàng thanh niên: Thậm chí, ngay cả câu đó cũng dùng đến từ "can đảm". Tôi đã đọc tưởng đến thuộc lòng rồi mà bây giờ mới lần đầu tiên nhận ra.
Triết gia: Đúng vậy. Không phải là chúng ta thiếu năng lực. Chúng ta chỉ thiếu "can đảm" mà thôi. Tất cả đều là vấn đề "can đảm".