Chàng thanh niên: Trước hết, chúng ta hãy cùng xác định các vấn đề cần tranh luận. Thầy nói rằng: "Con người có thể thay đổi." Không chỉ thế, ai cũng có thể hạnh phúc.
Triết gia: Đúng vậy, không có ngoại lệ.
Chàng thanh niên: Chúng ta sẽ tranh luận về hạnh phúc sau, trước hết, tôi xin hỏi về "thay đổi". Con người ai cũng mong muốn thay đổi. Tôi cũng vậy, và có lẽ nếu ra hỏi những người qua đường ngoài kia, họ cũng có cùng câu trả lời. Tuy nhiên, tại sao mọi người lại đều muốn thay đổi.
Câu trả lời chỉ có một, là vì người ta không thể thay đổi. Nếu có thể dễ dàng thay đổi, sẽ chẳng ai mất công "mong được thay đổi" cả.
Con người dẫu có muốn cũng không thể thay đổi được. Chính vì thế, mới có không biết bao nhiêu người bị lừa bịp bởi các tôn giáo mới, các buổi hội thảo tự khai sáng kỳ quặc rao giảng về việc có thể thay đổi con người. Tôi nói không đúng sao?
Triết gia: Vậy tôi xin hỏi ngược lại cậu. Tại sao cậu cứ khăng khăng rằng con người không thể thay đổi?
Chàng thanh niên: Tại sao ư? Vì thế này. Trong đám bạn tôi, có một cậu cứ giam mình trong phòng suốt bao năm nay. Cậu ấy muốn ra ngoài và nếu được cũng muốn có một công việc nữa. Cậu ấy rất muốn "thay đổi" bản thân mình hiện giờ. Với tư cách bạn bè, tôi xin đảm bảo cậu ấy là một người rất chăm chỉ và sẽ có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cậu ấy sợ ra khỏi nhà. Chỉ cần bước một bước ra ngoài là tim cậu ấy bắt đầu đập nhanh, chân tay run lẩy bẩy. Đó hẳn là một chứng bệnh tâm thần. Muốn thay đổi cũng không thể thay đổi.
Triết gia: Theo cậu, lý do gì khiến cậu ấy không thể ra ngoài?
Chàng thanh niên: Tôi không rõ lắm. Có thể là do quan hệ với cha mẹ, hoặc cậu ấy từng bị sỉ nhục ở trường, ở nơi làm việc dẫn đến sang chấn tâm lý. Hoặc có khi ngược lại, là do cậu ấy được nuông chiều thái quá. Nói tóm lại tôi cũng không tiện dò hỏi kỹ quá khứ và hoàn cảnh gia đình cậu ấy.
Triết gia: Tóm lại là, trong quá khứ của người bạn cậu, đã xảy ra một sự kiện trở thành nguyên nhân gây sang chấn tâm lý hay gì đó. Và kết quả là cậu ấy không thể ra ngoài được nữa. Ý cậu là vậy phải không?
Chàng thanh niên: Tất nhiên là vậy. Trước mọi kết quả đều có nguyên nhân. Có gì lạ cơ chứ.
Triết gia: Vậy, giả sử nguyên nhân cậu ấy không dám ra khỏi nhà là do hoàn cảnh gia đình hồi nhỏ. Giả sử cậu ấy lớn lên đã bị cha mẹ ngược đãi, và không hề biết đến tình yêu thương. Vì vậy, cậu ấy sợ tiếp xúc với người khác, không dám ra khỏi nhà. Chuyện có thể là như thế chăng?
Chàng thanh niên: Nhiều khả năng là như thế. Chuyện đó hẳn sẽ gây ra sang chấn nặng nề.
Triết gia: Và cậu nói "Trước mọi kết quả đều có nguyên nhân". Nghĩa là cậu cho rằng tôi của lúc này (kết quả) là do các sự kiện trong quá khứ (nguyên nhân quyết định). Tôi hiểu như vậy có đúng không?
Chàng thanh niên: Tất nhiên.
Triết gia: Nếu hiện tại của tất cả mọi người đều do các sự kiện trong quá khứ quyết định như cậu nói thì chẳng phải sẽ lạ lắm sao?
Như vậy thì, nếu những người bị cha mẹ ngược đãi khi còn nhỏ mà lại không có kết quả giống như người bạn của cậu, tức là không giam mình trong phòng, thì sẽ không hợp lý. Quá khứ quyết định hiện tại, nguyên nhân chi phối kết quả là như vậy phải không?
Chàng thanh niên: ... Thầy muốn nói điều gì?
Triết gia: Nếu chỉ chú ý đến nguyên nhân trong quá khứ, giải thích sự việc chỉ bằng nguyên nhân, vậy thì sẽ rơi vào quyết định luận. Nghĩa là cho rằng hiện tại rồi cả tương lai của chúng ta đều đã được quyết định bởi những sự kiện trong quá khứ, không thể thay đổi được. Có phải vậy không?
Chàng thanh niên: Vậy ý thầy muốn nói là quá khứ chẳng liên quan gì?
Triết gia: Đúng vậy. Đó là quan điểm của tâm lý học Adler.
Chàng thanh niên: Rõ rồi. Vậy là điểm mâu thuẫn giữa chúng ta đã rõ. Nhưng, thưa thầy, theo như thầy vừa nói thì cậu bạn tôi không dám ra ngoài nữa chẳng vì lý do gì cả sao? Bởi thầy nói rằng những sự kiện trong quá khứ chẳng liên quan gì. Tôi xin lỗi, nhưng chuyện đó tuyệt đối không thể. Phải có lý do nào đó đằng sau việc cậu ấy cứ giam mình trong phòng chứ. Nếu không sẽ không hợp lý!
Triết gia: Đúng vậy. Phải có lý do nào đó. Vì vậy, tâm lý học Adler nghĩ về mục đích trong hiện tại chứ không phải về nguyên nhân trong quá khứ.
Chàng thanh niên: Mục đích trong hiện tại?
Triết gia: Không phải bạn cậu "lo lắng nên không dám ra ngoài" mà ngược lại, tôi cho rằng cậu ấy không muốn ra ngoài nên tạo ra cảm giác lo lắng.
Chàng thanh niên: Sao cơ?
Triết gia: Nghĩa là, bạn cậu đã có mục đích "không ra ngoài" trước rồi mới tạo ra cảm giác lo lắng, sợ hãi làm phương tiện để đạt được mục đích đó. Tâm lý học Adler gọi đó là "thuyết mục đích".
Chàng thanh niên: Thầy đùa sao! Tự tạo ra cảm giác bất an và sợ hãi ư? Thầy đang nói rằng bạn tôi giả bệnh sao?
Triết gia: Không phải là giả bệnh. Nỗi lo lắng, sợ hãi bạn cậu cảm nhận được là thật. Sẽ có lúc, cậu ấy còn khổ sở vì đau đầu như búa bổ hay bị những cơn đau bụng dữ dội giày vò. Những triệu chứng đó cũng là thứ được tạo ra để đạt được mục đích "không ra ngoài".
Chàng thanh niên: Không thể thế được! Luận điệu này quá phi lý!
Triết gia: Không. Đây chính là sự khác nhau giữa tư duy theo "thuyết nguyên nhân" và "thuyết mục đích". Những điều cậu nói đều dựa trên thuyết nguyên nhân. Nếu cứ tiếp tục dựa dẫm vào nguyên nhân thì chúng ta sẽ mãi mãi không thể tiến thêm bước nào cả.