Chàng thanh niên: Lúc nãy thầy đã nói "một quan niệm khác". Nhưng tôi nghe nói chuyên môn của thầy là triết học Hy Lạp cơ mà?
Triết gia: Đúng vậy, từ hồi mười mấy tuổi tôi đã làm bạn với triết học Hy Lạp. Với những người khổng lồ tri thức từ Sokrates đến Platon, Aristoteles. Hiện tại tôi đang dịch tác phẩm của Platon và có lẽ đến cuối đời tôi cũng không ngừng tìm hiểu về Hy Lạp cổ đại.
Chàng thanh niên: Thế "một quan niệm khác" là gì vậy?
Triết gia: Đó là một trường phái tâm lý học hoàn toàn mới do Alfred Adler, bác sĩ tâm thần học người Áo sáng lập vào đầu thế kỷ 20. Hiện nay, chúng ta thường gọi là "Tâm lý học Adler".
Chàng thanh niên: Chà, thật bất ngờ. Chuyên gia về triết học Hy Lạp lại nghiên cứu cả tâm lý học sao?
Triết gia: Tôi không rõ các trường phái tâm lý học khác thì như thế nào. Nhưng có thể nói tâm lý học Adler rõ ràng là một tư tưởng, một quan điểm học thuật gần gũi với triết học Hy Lạp.
Chàng thanh niên: Nếu là tâm lý học của Freud hay Jung thì tôi cũng hiểu được ít nhiều. Đó đúng là một lĩnh vực nghiên cứu thú vị.
Triết gia: Đúng vậy, Freud và Jung cũng nổi tiếng ở nước ta. Adler vốn là thành viên tích cực trong Hiệp hội phân tâm học Vienna do Freud đứng đầu. Nhưng ông đã tách ra do xung đột về quan điểm và khởi xướng "Tâm lý học cá nhân" dựa trên lý thuyết của riêng mình.
Chàng thanh niên: Tâm lý học cá nhân? Lại là một từ ngữ nghe thật lạ. Tóm lại, nhân vật Adler đó là đệ tử của Freud phải không?
Triết gia: Không, không phải đệ tử. Mọi người thường hay hiểu nhầm như vậy nhưng cần phải phủ nhận điều này. Adler và Freud tuổi tác khá gần nhau và mối quan hệ giữa họ là giữa hai nhà nghiên cứu bình đẳng. Về điểm này, ông khác hẳn với Jung, người kính trọng Freud như cha đẻ. Ở Nhật Bản, khi nói tới tâm lý học, mọi người chỉ nghĩ đến Freud và Jung, nhưng trên thế giới, tên của Adler cũng được đề cập đến như là một trong ba người khổng lồ của tâm lý học, ngang hàng với Freud và Jung.
Chàng thanh niên: Thì ra là vậy. Hiểu biết của tôi chưa đến nơi đến chốn rồi.
Triết gia: Cậu không biết Adler cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả. Chính Adler đã nói thế này: "Có lẽ sẽ đến lúc chẳng còn ai nhớ tới tến tôi. Có lẽ mọi người thậm chí sẽ lãng quên cả sự tồn tại của trường phái Adler." Nhưng, ông cũng nói, như thế cũng chẳng sao. Bởi vì nếu sự tồn tại của trường phái Adler bị lãng quên, có nghĩa là tư tưởng của ông đã thoát ly khỏi lĩnh vực học thuật và trở thành một thứ nhận thức phổ biến (common sense) của mọi người.
Chàng thanh niên: Tức là, nó là không đơn thuần chỉ còn là một lĩnh vực học thuật vị học thuật?
Triết gia: Đúng vậy. Dale Carnegie, tác giả nổi tiếng với các tác phẩm bán chạy tầm cỡ thế giới như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống cũng đánh giá Adler là: "Một nhà tâm lý học vĩ đại đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về con người và năng lực tiềm tàng của con người", và tác phẩm của ông phản ảnh rõ nét nhiều tư tưỏng của Adler. Tương tự, ngay cả cuốn Bảy thói quen của người thành đạt của Stephen Covey cũng có những nội dung rất gần với tư tưởng của Adler. Nghĩa là, tâm lý học Adler được đón nhận như chân lý, như đỉnh cao của lĩnh vực khám phá con người, chứ không phải một bộ môn học thuật khô khan. Tuy nhiên, thời đại này vẫn chưa theo kịp tư tưởng được cho là đi trước cả trăm năm của Adler. Quan điểm của ông tiên phong đến mức như vậy đó.
Chàng thanh niên: Như vậy tức là quan niệm của thầy không chỉ dựa trên nền tảng triết học Hy Lạp mà còn cả quan điểm của tâm lý học Adler?
Triết gia: Đúng là như vậy.
Chàng thanh niên: Tôi hiểu rồi. Tôi xin hỏi một điều nữa, về vị thế căn bản của thầy. Thầy là Triết giahay là nhà tâm lý học?
Triết gia: Tôi là một nhà triết học. Là một người sống trong triết học. Và đối với tôi, tâm lý học Adler là một tư tưởng ngang hàng với triết học Hy Lạp, đó là một quan điểm triết học.
Chàng thanh niên: Được rồi. Vậy tôi xin bắt đầu tranh luận.