Con người ngày xưa mộc mạc chân chất còn như vậy thì con người hiện đại lại càng phải cần hơn hai gương mặt để tồn tại. Các chính khách, các doanh nhân… thậm chí phải có tới vô số gương mặt để đối phó với mọi tình huống, lúc thì quần chúng, lúc thì hội họp, lúc thì thượng cấp, lúc thì nhân viên, lúc thì đối tác, lúc gặp bạn bè, lúc phải thượng đội, lúc thì hạ đạp, lúc ở nhà với vợ con, lúc với thư ký hoặc bồ nhí……mỗi một trường hợp phải có một gương mặt sao cho phù hợp. Người bình thường….làm những công việc bình thường lắm khi cũng cần phải có vài gương mặt, tối thiểu là hai gương mặt để còn khả dĩ sinh tồn trong một cái xã hội đầy phức tạp.
Thế còn Thần Chết? không lẽ để tồn tại Thần Chết cũng phải cần đến nhiều gương mặt?
………………………………………………………..
Đó là một ngày đẹp trời, phải nói là một ngày rất đẹp thì mới đúng, trời quang, mây tạnh, làn gió thổi vi vu mát rượi, mục đồng dắt trâu về thong dong như trong cảnh thần tiên. Khu đây gọi là khu Mả Lò, con đường đây là con đường đất đỏ, ngọn gió này là gió từ phương nam thổi lại….phía dưới là cánh đồng đang vào mùa dưa bắt đầu chín tới, những trái dưa gang vàng ươm nằm ngổn ngang dưới ruộng nom như những con heo con đang nô giỡn. Hai bên đường nở rộ những bụi hoa dại trắng trắng li ti, lá cây nhiều khi lại bị phủ một lớp bụi màu đỏ lựng. những bụi cỏ may hồng hồng phất phơ trong gió. Lúc bấy giờ ĐHC và hai người bạn đang ngồi trên thảm cỏ, dưới một cây gòn cao vợi, những trái gòn nở xòe, bông gòn bị gió thổi bay phơ phất trong không gian càng làm cho cảnh vật thêm màu huyền ảo... Công việc vừa hoàn tất, đã có thể yên tâm mà uống vài xị đế hay ngả lưng nằm trên thảm cỏ mà ngắm bầu trời xanh cao vút.
Ngồi đối diện là Tư Hường, một tay gạo cội trong nghề “đào mồ khoét mả”, nhưng đừng tưởng là y nghèo, y thuộc loại cũng có của ăn, của để. Y từng đi vòng quanh châu Á, châu Âu,...từng ở bên Thái, bên Miên, nhất là y lại từng đi vào cái thời còn bế quan tỏa cảng, người Việt lúc đó như con ếch ngồi trong cái giếng, chẳng biết thế giới là cái gì… Y mơ được đặt tay lên vách Kim Tự Tháp là y đặt tay lên thật, mơ được đặt chân lên Giáo Đường Đỏ là y đặt chân lên thật. Chỉ có một lần y bị xộ, đó là cái lần y lén lút qua Ấn độ, được mấy ngày thì bị trục xuất về lại. Lần đó thiên hạ đã xầm xì “thằng Tư qua bển vào một ngôi đền Balamon tính chôm đồ quý, bị bắt quả tang phải quỳ lạy như tế sao” – “nó qua đó tính theo học Phép thuật, gặp phải Pháp sư cao tay rờ phía sau ót thấy có cái bướu “phản chủ”, cái tướng “lừa thầy phản bạn” nên đâu có thèm nhận…” – miệng lưỡi thế gian thêu dệt đủ thứ chuyện, còn Tư Hường thì chỉ cười khì “linh hồn ông cụ chắc hết độ tớ rồi…”. Tính y khoái bình dân, lúc nào cũng mặc một cái quần kaki cũ xì, sờn rách, còn cái áo thì đố ai biết là màu gì. Y lại nghiện thuốc hạng nặng, hai túi quần cất hai gói, túi áo ngực cũng cất một gói, còn trên mép lúc nào cũng phì phèo, hết điếu này châm điếu khác liên tục, chẳng cần phải dùng tới cây quẹt. Cuộc đời của y là cả một kho tư liệu, kỳ lên Đức Hòa, Đức Huệ tham quan mấy di chỉ khảo cổ, dẫn ĐHC vào trong chợ Đức Hòa ăn tô cháo cá với rau đắng, y nói “ tớ khoái nhất là vào trong chợ, không phải để mua đồ mà là để nhìn ngắm…chợ là một xã hội thu nhỏ, ở đó có tất cả mọi thứ thượng vàng hạ cám. Muốn hiểu rõ con người của một vùng nào đó thì khi đến nơi đó chỉ cần vào trong chợ, quan sát…đặc biệt quan sát những người đàn bà là có thể hiểu được vùng đất đó như thế nào…” – “đàn bà không lẽ quan trọng như thế..?” – “hiển nhiên rồi, chú thấy đó, đàn bà đẻ ra…đàn ông mà, mấy ông tướng ra trận hét ra lửa chứ ở nhà cũng sợ mấy bà một phép. Ở cái xứ mà đàn bà ra đường phải trùm kín mít thì đàn ông là hổ, là sói…còn ở xứ mà đàn bà tha hồ tung tác, ăn mặc hở hang thì đàn ông là cú, là quạ….Chú cứ nhìn xem, đàn bà ở chợ này còn lam lũ lắm, quanh năm mặc cái quần lãnh đen, cái áo bà ba bạc màu, nhưng họ vẫn cố mà bươn chải buôn bán để nuôi gia đình con cái, nuôi mấy ông chồng say xỉn…..Họ cực khổ hơn đàn ông nhiều.…”. Xem ra không phải ngẫu nhiên mà Tư Hường tuy rất giỏi nhưng không thăng quan tiến chức được, y có cái lối ăn nói rất vạ miệng nên Sáu Vĩnh kể “có lần định đề bạt lên trưởng phòng, nó viện lý do này lý do khác lần khần hoài, cuối cùng để thằng khác nhanh chân hơn chụp mất cơ hội”. Sáu Vĩnh đây chính là người ngồi bên cạnh, y cũng tài giỏi lắm, thuộc loại tay ngang, không có ăn học nhiều nhưng nhờ trời phú cho tư chất thông minh, hoạt bát nên xem ra thành công hơn Tư Hường. Y to cao, đẹp trai, mồm mép nên có cái diễm phúc lọt vào mắt cô con gái rượu của một quan chức. Cô con gái tuy nhan sắc tầm thường nhưng được cái rất biết chiều chồng, săn sóc từng ly từng tý, còn mua cho Sáu Vĩnh chiếc Cúp Nữ Hoàng đỏ chói chiều chiều chạy đi uống cà-phê cho thiên hạ lác cả mắt. Mua là thế nhưng lại sợ chồng có bồ bịch nên chị ta kiểm soát rất kỹ, chỉ phát tiền đủ uống ly cà phê và 5 điếu con mèo hút trong ngày. Vì thế sau lưng y cũng khối kẻ dèm pha, ghanh ghét “thứ đồ chó chui gầm chạn ấy mà…chứ hay ho gì?”. Y lấy vợ đã hơn năm sáu năm mà chưa tòi ra được mống con nào làm sau lưng y lắm kẻ nhiều phen khoái chí “cái thứ ăn ở thất đức nên làm sao mà có con được…”…miệng lưỡi thiên hạ đúng là sắc như đao như kiếm, hiểm độc như rắn như rết…khi cần nhờ vả thì ngọt còn hơn mật ong chính hiệu, còn khi đã ghét rồi thì ôi thôi…đến ma quỷ cũng còn phải cong đuôi mà chạy. Thế mà Tư Hường lại nói “chúng nó chửi mình như vậy nên mình còn đất mà sống, còn những kẻ cứ khen mình tới tới thì phải coi chừng, chết lúc nào không biết…”. Quần thảo với y cũng nhiều phen, từ Sài Gòn đến Mỹ Thơ, qua Long An, rồi Cần Thơ, Sa Đéc, Cà Mau… Bôn ba hết mảnh đất chín rồng, đụng đủ thứ mả hồi, mả dựng, mả kết, mả táng, mả xuôi, mả ngược, mả miêu, mả ngựa… rồi Bù Đăng, Bù Đốp, đến Đăkmin, Đăklắc… xuống tới miền Đông “Mã Đà Sông Bé anh hùng tận”, đến Mỹ Sơn, Hội An, Sa Huỳnh…ghé thăm Cố đô đang hồi tàn tạ “rường xưa mối cũ giờ đã đổ, chỉ có lại đây miếng gạch thừa…”. Qua tận Bắc Thái, Hà Giang, nhìn những dãy núi đá cao vời vợi mà bàng hoàng khiếp sợ…rồi lên Lai Châu, Sơn La…Chùa Hương, Chùa Thầy, nhìn nam thanh nữ tú dập dìu:
Gái chưa chồng trông hang Cắc cớ
Trai chưa vợ trẩy hội chùa Thầy
Đến Kinh Đông, Kinh Bắc,… mò đến tận xứ “non xanh nước biếc” mà chiêm ngưỡng cái giếng ngày nào đã vớt được một viên ngọc lưu ly to bằng cái đấu bảy màu lung linh huyền ảo tương truyền chính là “truyền quốc ngọc tỷ” của Thái hậu Dương Vân Nga dâng cho Lê Hoàn, để rồi rơi vào tay Lê Long Đỉnh cũng phải chịu cảnh mất nước…“thế viên ngọc ấy đâu rồi nhỉ?” – “chỉ có trời biết, chỉ có đất biết…nếu anh nói cho chú biết thì đầu anh chắc không còn trên cổ…”. Dấu chân Tư Hường dẫm nát cả mọi miền, tiếng xấu có ở khắp nơi “bọn nó nói tớ mà đái trúng cây chuối là cây chuối có bầu đó…” – “thế anh có để rơi rớt nơi nào không?” – “hồi xưa ở Cà mau có quen một bà… thôi đừng nhắc chuyện cũ mà làm gì!”.
Chuyện cũ thì không nhắc nữa, mà bây giờ nhắc sang chuyện mới….
Cái ngày đẹp trời nhiều khi lại là cái ngày định mệnh. Ai có thể biết trước được định mệnh sẽ tới vào lúc nào? thần chết sẽ gõ cửa vào lúc nào? Trời hôm ấy đẹp quá nên sáu tay du kích xã đào thật hăng hái…từng nhát cuốc từ trên xuống băm nát luôn một phiến đá thạch anh trắng dày độ 02 ly, ngang khoảng tám tấc, dài chừng một mét rưỡi. Đúng ra chỉ có 5 người thôi, vì Hai Đụi đã xỉn quắc, lủi ra bụi chuối nằm một đống. Mới chỉ có 9 giờ sáng mà không hiểu sao mấy tay du kích đều đã ngà ngà cả. Bảy Bụng nói: “Hồi hôm nhậu tới khuya nên sáng ra đây cuốc đất cho nó giã bớt rượu, hổng dè đào hăng quá nên khi thấy có cái gì trăng trắng mới dừng lại thì đã băm nát nó rồi…” – Tư Hường không có ở đó, Sáu Vĩnh cũng không có ở đó, chỉ có ĐHC và “Lý Thông” chịu trách nhiệm giám sát công trình, thấy đã xong việc rồi nên bỏ đi uống cà phê, không dè… Lý Thông than thở “chỉ sơ sẩy một chút thôi là có chuyện…”. Mà quả thật, công việc đã xong rồi, đã kết thúc, mấy tay du kích say xỉn, rảnh rang rủ nhau đào bới lung tung ở bên ngoài không dè lại lại trúng phải một di tích mới, khác hẳn di tích vừa hoàn thành nên cũng chưa biết nó là cái gì?
Đến trưa thì Tư Hường mới lặc lè xuất hiện, nhìn hiện trường vừa đào y lắc đầu nói “cũng may Sáu Vĩnh đi Hn họp gấp rồi, chuyện này nhớ bỏ qua đừng ghi vào nhật ký đào” – “Nhật ký đào” là một phần quan trọng của công việc khảo cổ, đòi hỏi người giám sát lúc nào cũng phải ghi từng chi tiết quá trình đào bới. Khi gặp hiện vật thì đo độ sâu, xác định vị trí, địa tầng để từ đó mới rút ra kết luận và sau này xác định được hiện vật nói lên điều gì, là thật hay giả…Bọn Tư Hường, Sáu Vĩnh, Lý Thông chỉ là những chuyên gia đánh mướn, còn chủ nhiệm công trình thực ra là một người khác, người này chẳng mấy khi xuất hiện vì thế cái “nhật ký đào” tha hồ vặn vẹo sao cũng được.
Lúc bấy giờ chỉ còn có Tư Hường, Lý Thông và ĐHC. Tư Hường chép miệng nói “công trình đã nhiệm thu rồi…chỗ này là nằm bên ngoài di chỉ nên nếu đào thì cũng hết kinh phí, hơn nữa muốn đào tiếp thì cũng phải xin giấy phép khai quật, chờ xin được cái giấy phép thì mấy tay du kích xã cũng đào tung chỗ này thành cái ao rồi…”. Lý Thông ngồi săm soi mấy miếng đá thạch anh vỡ vụn, thực ra y chỉ có cái tên là Thông thôi, còn họ là Nguyễn, Trần, hay Trương…gì đó – “việc đã như vậy rồi không đào nữa cũng không được, tuy thời gian đã hết nhưng cũng có thể kéo dài thêm năm ba ngày, hiện trường nới rộng thêm chút ít cũng không ai biết gì, tiền bạc cũng còn đủ để chi phí…”.
Chiều hôm đó, trong lúc ngồi uống cà phê, Tư Hường nhả khói liên tục, phiến đá thạch anh đúng là một kỳ tích, nhất là nếu nó có khắc hay ghi chữ gì đó, hoặc có ghi dấu hiệu, ký tự trấn yểm cái gì đó bên dưới…bây giờ nó chỉ còn là một đống nát vụn, không còn biết đó là gì? Tư Hường gặp chuyện này y rất bực bội, càng bực bội y càng hút dữ, nhả khói còn hơn cái máy tàu nữa.
Đến tối, Lý Thông kêu ĐHC ra nói nhỏ “hồi chiều tui đã hỏi ra được chỗ đó là gì rồi….ông có nghe kể chuyện ở đây có một đứa con gái tên là Đẹt bao giờ chưa?”
Nghe nói đến cái tên Đẹt, bất giác rùng cả mình. Đối với những nhóm chuyên đi đào mộ, đào cổ vật thì điều đáng sợ nhất, khủng khiếp nhất chính là gặp phải những ngôi mộ có “thần giữ cửa”,… nếu gặp thì cầm chắc là chết, mà là một cái chết không toàn thây, toàn mạng, nhiều khi chết cả nhà, cả làng, cả xóm….Biết là kinh khủng như thế mà khi gặp vẫn cố đào bới, tìm kiếm chỉ vì chính những nơi như vậy mới có được những đồ thật trân quý, những món đồ độc nhất vô nhị, lòng tham đúng là làm con người mờ mắt, làm con người trở nên không biết sợ….
Có nghe phong phanh về chuyện con nhỏ này, hình như nó trong băng chuyên đi đào trộm mộ của Huỳnh Đỏ thì phải?
Ông có biết là cả băng đó chết hết rồi không?
Nghe nói con Đẹt cũng chết lâu rồi mà?” – “mới chết hồi năm ngoái, nó là đứa chết cuối cùng trong cái băng đó thì phải…”
Nghe Lý Thông nói đến đó, bất giác nhớ lại hồi chiều bỗng dưng Tư Hường hỏi một câu rất vu vơ “chú có nhớ hồi ra Bắc đào nhằm ngôi mộ bên dưới cây Gạo không?” - Tư Hường kinh nghiệm quá nhiều, hồi sáng đào phải phiến đá thạch anh kỳ lạ y đã nghi là đào nhằm phải một ngôi mộ cổ rồi, có điều không hiểu sao toàn bộ ngôi mộ này lại bị chìm trong lòng đất mới là kỳ? Từ vụ này y mới liên tưởng đến lần ra Bắc, lần đó cũng đào nhằm phải một cái quan tài chôn luồn dưới gốc một cây Gạo.
Lúc đó là buổi chiều, tiết trời mới chuyển sang đông, bầu trời bao phủ một màu xám xịt, làn gió se se lạnh, mưa phùn rơi lất phất. Tư Hường và ĐHC đứng bên cái giếng làng – Cái giếng làng bên cây gạo to lớn xù xì – Từ lâu đã nghe đồn cây Gạo này ma dữ lắm… Xung quanh giếng mọc đầy những bụi cây duối dại, thường hay có rắn Mai Gầm trong những bụi duối dại như thế này.
Ngôi làng này là làng G, nằm bên cạnh là hai làng T và N – cả ba ngôi làng này cùng có một con đường lát gạch nho nhỏ chạy xuyên qua, con đường làng này rất quanh co, khúc khuỷu. Đình làng G nom thật cổ kính, trước cổng lát ba phiến đá to, bên cột có hai con nghê đá nằm chầu. Đình không một bóng người, phía sau có một cây đa cổ thụ, ngoài sân lại có một cây bàng, vào mùa này lá cây chuyển sang màu đỏ lựng, lá rụng đầy sân càng làm tăng cảm giác buồn bã thê lương. Trời chưa tối mà đã thấy đóm đóm bay lập lòe, lập lòe. Bên cạnh đình là cái giếng làng, gọi là giếng nhưng nó to như cái ao vậy, có bậc thang bằng gạch đi xuống hẳn hoi. Mặt nước trong veo, phẳng lặng như một tấm gương, chỉ có một vài đám bèo hoa nhỏ. Ngày xưa khi quân pháp bắt được một người vệ quốc quân, khi đi ngang qua đây ông đã nhảy xuống cái giếng này tự tử. Nghe đồn ông vệ quốc quân này rất linh hiển, mấy lần trẻ con nghịch ngợm rớt xuống giếng, lúc sắp chết đuối lại được ông đẩy lên bờ.
Phải chi mà là mùa hè thì đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bông hoa Gạo có màu đỏ ối, còn vào mùa này cây đã trở nên trơ trụi, gốc cây xù xì nom càng thêm phần ma quái. Cây Gạo này ma nổi tiếng, có lần, vào một buổi tối, tay bí thư chi bộ xã đi ngang qua thấy một cái cục tròn đỏ lòe trên cây, cái cục đỏ đó đột nhiên phóng xuống lao thẳng vào, báo hại tay bí thư chi bộ lần đó phải chạy thục mạng, rớt cả cái túi dết lẫn đôi dép râu. Đó là thời kỳ chiến tranh, chuyện ma quỷ chỉ là đồn thổi thôi chứ đố ai dám nói, dám kể, còn bây giờ cái người mời Tư Hường đến mọi người gọi là ông Cả Quận.
Tư Hường đâu có thích chuyện đi tìm của cải chôn giấu, đằng sau cái của cải đó nhiều khi là cả một tội ác, đến khi mang được nó lên rồi thì sự tranh giành nó lại tạo thêm nhiều cái ác khác nữa, - nếu bạn là người mang nó lên, không lẽ bạn không phải trả nghiệp? Thế nhưng điều gì đã khiến Tư Hường xuống giúp Cả Quận, phải nhiều năm sau việc này mới có thể biết rõ.
Cả Quận là người có vai vế trong làng nên ông ta mới làm được chuyện này. Gốc là địa chủ thứ thiệt, cái thời “cải cách ruộng đất” Cả Quận chỉ bị “vặt” trụi râu trụi tóc, còn cái mạng không hiểu sao lại may mắn không bị “vặt” nốt. Nhưng mấy lần đấu tố cũng đủ làm Cả Quận sợ đến vãi cả linh hồn, đi không dám ngẩng mặt, nói không dám mở miệng… Sau này ông ta có hai người con trai đi bộ đội hy sinh trong thời chống Mỹ, nên gia đình nghiễm nhiên trở thành “gia đình liệt sĩ”, thoát được cái tiếng là “địa chủ cường hào ác bá”. Còn bây giờ thì cái gốc địa chủ của ông ta càng được mọi người trong làng nể trọng. Dòng dõi địa chủ có khác, đi đứng đâu cũng đường bệ, nói năng lại khoan thai, lúc nào cũng có đầu có cuối, đâu phải tự nhiên mà ai cũng gọi là Ông Cả Quận. Ngoài hai người con đã mất, ông ta còn một người con trai bị khèo từ nhỏ tên là Quýnh, mọi người trong làng gọi là “Quýnh khèo”. Còn một cô con gái phải nói là đẹp nhất làng, nhưng bây giờ vẫn chưa có chồng. Cô ta luôn phải ở tuốt nhà sau nấu cơm, rửa bát, nuôi lợn, quét nhà… Cả Quận không cho lên nhà trên, khi nào cần lắm ông ta mới gọi “cái Quý đâu rồi, mau lên cho thầy bẩu”, thì lúc đó cô Quý “đẹp người đẹp nết” mới dám đi lên. Cái đầu óc phong kiến hạng nặng của Cả Quận phun ra một câu xanh rờn “Đàn bà mà được cái tích sự gì, chỉ thêm rách việc”.
Buổi sáng ngồi uống chung trà, Cả Quận mới bảo “ thằng Quyền, thằng Quyết đi bộ đội, hi sinh trong chiến trường miền Nam nên được tiếng là gia đình liệt sĩ, chính quyền vì chuyện này trở nên dễ chịu, chứ như hồi xưa làm gì cũng khó. Hồi đó có được manh áo vá, bát cơm ăn với bắp chuối là may rồi, nhiều khi cả gia đình quây lại ăn cơm độn với sắn, chỉ có mấy trái cà pháo. Bây giờ khá hơn thì chỉ còn mỗi thằng Quýnh thì lại vừa khèo vừa khùng, vừa khùng vừa khèo. Có lẽ do hồi nhỏ nó hay chơi bên cây Gạo. Nhà ở ngay cạnh cái cây này, vào mùa hoa rụng nó suốt ngày theo đám trẻ con nhặt hoa Gạo rơi, miệng nói lảm nhảm, hỏi đến thì nó giả nhời “con nói chuyện với cây gạo”, có lẽ nó bị con ma cây gạo nhập cũng nên…”.
Cả Quận tin rằng xung quanh ngôi nhà chắc chắn có chôn dấu của quý, bởi vì suốt bao nhiêu năm nay ông ta nằm mơ thấy nó, bây giờ về già, ông lại càng cố tìm để chết đi còn được nhắm mắt. Cũng có mấy nhóm đến đây tìm rồi, nhưng nghe hơi có ếm “thần giữ cửa” đều chối từ. Có nhóm đào được nửa chừng trong bọn bỗng có người lăn ra chết bất đắc kỳ tử nên cũng xin thôi. Cả Quận đành phải nhờ đến Tư Hường. Lần đó đào ở bên cạnh gốc cây Gạo, sâu xuống hơn năm mét thì bất ngờ gặp một cỗ quan tài chôn nghiêng 45 độ, một phần của cỗ quan tài đen sì này luồn sâu vào bên trong gốc cây, không lẽ của cải chôn giấu ba đời nhà Cả Quận lại là cái cỗ quan tài này?
Nếu thế thì dòng họ nhà Cả Quận tuyệt tự là phải rồi.