Cuốn sổ lớn

CHƯƠNG 10

Chuyện này xảy ra cách đây ba năm.

Lúc ấy vào buổi tối. Bố mẹ chúng tôi nghĩ chúng tôi đang ngủ. Trong một phòng khác, họ nói về chúng tôi.

Mẹ nói:

— Chúng nó không chịu xa nhau.

Bố nói:

— Chúng sẽ chỉ xa nhau trong giờ học mà thôi.

Mẹ nói:

— Chúng không chịu.

— Chúng sẽ phải chịu. Điều đó cần thiết cho chúng. Mọi người đều nói như thế. Các giáo viên, các nhà tâm lý. Thoạt đầu sẽ có khó khăn, nhưng chúng sẽ quen với điều đó.

Mẹ nói:

— Không, không bao giờ. Em biết chúng nó mà. Chúng nó chỉ là một người và cùng là một người.

Bố nói lớn tiếng hơn:

— Nói cho đúng, vậy là không bình thường. Chúng nghĩ cùng một điều, chúng làm cùng một việc. Chúng sống trong một thế giới khác. Trong một thế giới của riêng chúng. Mọi sự như thế là không lành mạnh lắm. Thậm chí nó làm anh lo lắng. Đúng thế, chúng nó làm anh lo lắng. Chúng nó thật kỳ quặc. Chẳng ai biết chúng nó suy nghĩ cái gì. Chúng nó quá già dặn so với tuổi chúng nó. Chúng nó biết quá nhiều.

Mẹ cười:

— Anh sẽ không phiền trách chúng vì sự thông minh của chúng đấy chứ?

— Chẳng có gì đáng buồn cười cả. Tại sao em lại cười?

Mẹ trả lời:

— Trẻ sinh đôi bao giờ cũng có vấn đề, nhưng điều đó chẳng phải là một bi kịch. Mọi thứ rồi sẽ đâu vào đấy cả thôi.

Bố nói:

— Đúng, mọi thứ sẽ đâu vào đấy nếu chúng ta chia cách chúng nó ra. Mỗi cá nhân phải có một cuộc sống của riêng mình.

Vài ngày sau, chúng tôi bắt đầu đến trường. Mỗi đứa ở một lớp khác nhau. Cả hai đứa đều ngồi hàng ghế đầu.

Chúng tôi cách xa nhau bằng cả chiều dài của nhà trường. Khoảng cách ấy thật quái dị, nỗi đau đớn không thể chịu nổi. Giống như người ta cắt mất nửa thân thể của chúng tôi. Chúng tôi mất thăng bằng, chúng tôi chóng mặt, chúng tôi té xuống, chúng tôi bất tỉnh.

Chúng tôi tỉnh dậy trong chiếc xe cứu thương đang chở chúng tôi đến bệnh viện.

Mẹ đến tìm chúng tôi. Mẹ mỉm cười và nói:

— Các con sẽ ngồi chung một lớp kể từ ngày mai.

Về đến nhà, Bố chỉ nói với chúng tôi:

— Những thằng giả đò!

Chẳng bao lâu sau đó, ông ra mặt trận. Bố là một phóng viên, một đặc phái viên chiến trường.

Chúng tôi đi học được hai năm rưỡi. Các thầy giáo rồi cũng ra mặt trận; các cô giáo đến dạy thay cho họ. Sau đó, trường đóng cửa vì có quá nhiều lần báo động và máy bay thả bom.

Chúng tôi đã học đọc, viết, làm toán.

Ở nhà Bà Ngoại, chúng tôi quyết định tiếp tục học mà không cần thầy, chỉ tự học.