- Bất ngờ là việc hàng đầu, thưa các ngài, - hắn tuyên bố với những người dự họp - Chúng ta sẽ chiếm thành trước khi nó kịp chuẩn bị phòng thủ và bằng lợi thế đó không để bọn Tây Ban Nha chuyển hết của cải ở đấy vào sâu trong đất liền. Tôi đề nghị ngày hôm nay, lúc trời vừa tối, ta sẽ để một toán lên phía bắc thành phố để thực hiện nhiệm vụ đó. - Đoạn hắn trình bày cặn kẽ các chi tiết kế hoạch của mình.
Các sĩ quan của de Rivarol nghe hắn với một vẻ kính cẩn và khâm phục. Còn Blood thì không giấu giếm sự coi thường của mình đối với kế hoạch ấy bởi vì chàng là người duy nhất trong số những người có mặt tại đây biết rõ cần phải làm gì. Hai năm trước, chàng đã dự kiến tấn công Cartagena và đã tiến hành trinh sát rất kỹ. Còn những đề nghị của tên nam tước thì chỉ dựa hoàn toàn vào bản đồ.
Về phương diện địa lý cũng như về mặt chiến lược, thành Cartagena nằm ở một vị trí rất đặc biệt. Nó là một hình tứ giác, mặt phía nam ăn ra vụng trong tạo thành một trong hai lối ra vào thành.Từ hướng đông và hướng bắc, thành phố được che chắn bởi những quả đồi. Lối ra vụng ngoài đi qua một luồng hẹp có tên gọi là Boca Chica hay "Cổ Lọ" nhỏ, được bảo vệ bởi một pháo đài. Một doi đất dài, bẹp, rậm rì cây cối đâm thẳng ra hướng tây tạo thành một đập chắn sóng thiên nhiên của Cartagena. Còn ngay gần vụng trong cũng có một doi đất nữa nằm vuông góc với đập chắn sóng tự nhiên và chạy về hướng đông vào đất liền. Gần đến đất liền doi đất ấy sụt xuống thành một con lạch rất hẹp nhưng sâu, tạo nên một chiếc cổng vào vụng trong an toàn. Lối ra vào được bảo vệ bởi một pháo đài mạnh. Về hướng đông và hướng bắc Cartagena là đất liền nhưng chúng ta không quan tâm đến nó làm gì. Khác với những hướng khác được che chở rất kín, về hướng tây và tây bắc thành phố trực tiếp ăn thông ra biển và ngoài những bức tường đá thấp, không còn một chướng ngại nào nhìn thấy được nữa. Tuy nhiên cái vẻ bề ngoài đó là giả tạo và lúc lập kế hoạch de Rivarol đã bị đánh lừa bởi cái vẻ ngoài có thể chiếm ngon lành thành phố từ hướng không có gì bảo vệ ấy.
Khi nam tước thông báo rằng bọn cướp sẽ có vinh dự là đội tiên phong công thành theo kế hoạch của hắn, Blood buộc phải giải thích cho hắn hiểu có những khó khăn gì đang chờ đợi họ.
Thuyền trưởng mỉm cười châm biếm khi nghe de Rivarol thông báo về việc dành vinh dự tiên phong cho bọn cướp. Đó chính là điều chàng đã dự kiến trước. Bọn cướp biển phải gánh chịu mọi nguy hiểm, còn danh tiếng, vinh quang và toàn bộ của cải chiếm được sẽ về tay de Rivarol.
- Tôi đành lòng phải từ chối cái vinh dự mà ngài có nhã ý dành cho chúng tôi vậy, - thuyền trưởng lạnh lùng tuyên bố.
Wolverstone hầm hừ tán thành, còn Hagthorpe thì gật đầu. Yberville, giống như tất cả, cũng bực mình vì thói kiêu ngạo của người đồng hương của mình và không bao giờ nghi ngờ sự đúng đắn của chàng trùm cướp cả. Các sĩ quan Pháp có mặt tại đó tỏ thái độ vênh váo kiêu kỳ, ngạc nhiên nhìn chòng chọc vào chàng đầu lĩnh cướp, còn de Rivarol thì hỏi chàng với một vẻ thách thức.
- Thế nào? Ông lẩn tránh à? Ông nói rằng ông từ chối thi hành mệnh lệnh của tôi có phải không?
- Theo chỗ tôi hiểu thì ngài triệu tập chúng tôi lên đây để thảo luận kế hoạch công thành kia mà.
- Ồ không đâu, thưa ngài thuyền trưởng, tôi gọi các ngài lên đây để nhận mệnh lệnh của tôi. Tôi đã suy tính và quyết định tất cả rồi. Có lẽ bây giờ thì ngài hiểu rồi chứ?
- Tôi hiểu quá rồi! - Blood bật cười, - Nhưng còn ngài thì ngài có hiểu tí gì không? - Rồi không để tên nam tước kịp mở mồm, chàng nói tiếp: - Ngài đã suy tính và quyết định tất cả ư? Nhưng nếu cái quyết định của ngài chỉ nhằm thí phần lớn nhân lực của chúng tôi thì tôi sẽ nói cho ngài rõ những điều tôi đã biết để ngài thay đổi quyết định của mình. Ngài ngỡ rằng hướng bắc nơi nó ăn thông ra biển là yếu huyệt của Cartagena. Nhưng chẳng nhẽ ngài không tự hỏi mình một câu rất hợp lý thế này: tại sao bọn Tây Ban Nha lúc xây dựng thành phố đã mất công bố phòng mặt nam mà lại để hở hẳn mặt bắc ra như vậy?
De Rivarol không đáp bởi vì thực ra đến bây giờ hắn mới buộc phải nghĩ đến chuyện đó.
- Bọn Tây Ban Nha không phải ngốc nghếch như ngài tưởng đâu, - Blood tiếp - Hai năm trước khi chuẩn bị tập kích Cartagena, tôi đã cho trinh sát thành phố. Mặc giả làm người da đỏ tôi đã cùng các thương nhân da đỏ thân quen đến đây và ở suốt một tuần lễ trong thành phố, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng tất cả lối ra vào của nó. Từ phía mà thành phố có vẻ dễ bị tấn công nhất, bọn Tây Ban Nha đã được bãi cạn che chở. Nó ăn ra ngoài biển đến hơn nửa dặm và không cho phép các tàu vào gần đến mức hỏa lực trên tàu có thể gây thiệt hại cho thành phố.
- Nhưng chúng ta sẽ đổ quân bằng xuồng, thuyền độc mộc và thuyền đáy bằng cơ mà! - một viên sĩ quan nóng nảy kêu lên.
- Ngay cả trong lúc biển lặng, sóng vỗ bờ cũng có thể cản trở các ngài thực hiện cuộc đổ bộ ấy, - Blood bác lại. - Và đồng thời cũng phải lưu ý rằng chúng ta không thể yểm hộ nhóm đổ bộ bằng pháo tàu. Quân ta có nguy cơ bị pháo ta bắn vào lưng.
- Nếu chúng ta tiến hành cuộc tấn công vào ban đêm thì việc gì phải có pháo binh yểm trợ cả, - de Rivarol nói. - Toán quân của ngài sẽ lên đến bờ trước khi bọn Tây Ban Nha kịp trở tay.
- Đó là ngài dựa trên cơ sở ở Cartagena chỉ có lũ con lừa và bọn mù thôi. Chẳng nhẽ ngài nghĩ rằng chúng đã không đếm được các cột buồm của chúng ta và không tự hỏi mình một câu hỏi rất hiển nhiên: ai đến đây làm gì thế?
- Nhưng nếu chúng coi hướng bắc là an toàn như ngài nói, - tên nam tước nóng nảy kêu lên, - thì chúng sẽ đâm ra chủ quan cho mà xem!
- Nó không làm chúng chủ quan mà trái lại, nó sẽ không phụ lòng tin cậy của chúng. Mọi ý đồ đổ bộ lên hướng đó đều sẽ bị thiên nhiên làm thất bại.
- Nhưng chúng ta vẫn cứ thực hiện ý đồ ấy! - tên nam tước vẫn khăng khăng ngoan cố bởi vì thói kiêu ngạo không cho phép hắn nhượng bộ ai trước mặt đông đủ ba quân.
- Được thôi, - thuyền trưởng Blood nói, - nếu những lời tôi nói không thuyết phục được ngài thì ngài cứ việc hành động. Tất nhiên đó là quyền ngài. Nhưng tôi sẽ không đưa người của mình vào chỗ chết mười mươi đâu.
- Nhưng nếu tôi ra lệnh cho ngài... - tên nam tước đã lên tiếng.
- Nghe đây, nam tước! - Blood gạt đi không chút kiêng nể. - Người ta thu dụng chúng tôi không chỉ vì lực lượng của chúng tôi mà còn vì sự hiểu biết và kinh nghiệm của chúng tôi trong các trận đánh kiểu này nữa. Tôi đã dành cho ngài quyền sử dụng kinh nghiệm và hiểu biết của tôi, xin nói thêm rằng trước đây tôi đã phải bãi bỏ cuộc tấn công Cartagena mà tôi đã dự định bởi vì không đủ lực lượng chiếm cảng - cửa ngõ duy nhất của thành phố. Bây giờ thì lực lượng của chúng ta sẽ làm cho điều đó có thể trở thành hiện thực được.
- Đúng, nhưng trong lúc chúng ta tiến hành việc đó, bọn Tây Ban Nha sẽ đem ra khỏi thành phố một phần của cải đáng kể. Chúng ta phải đánh úp chúng thật bất ngờ mới được.
- Trên quan điểm cướp biển thì những suy luận của ngài dĩ nhiên là rất thuyết phục. Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng nếu ngài muốn cho bọn Tây Ban Nha một trận để chúng hết vênh váo và cắm cờ Pháp lên các pháo đài của thành phố này thì việc mất một phần của cải không làm cho ngài lo mới phải.
Rivarol cắn môi. Hắn cau mày căm tức nhìn chàng cướp biển vẫn phớt tỉnh như không.
- Còn nếu tôi ra lệnh cho ngài thì sao? - hắn hỏi. - Hãy trả lời tôi câu hỏi đó! Ai chỉ huy cuộc viễn chinh này, tôi hay ngài?
- Này, ngài làm tôi ngấy lắm rồi đấy - Thuyền trưởng Blood nói và quay phắt sang phía de Cussy lúc này đang rất khó xử và nhấp nhổm như ngồi bàn chông. - Thưa ngài thống đốc, ngài hãy làm chứng cho ông tướng kia thấy rằng tôi có lý đi nào!
Đang ủ ê tư lự, de Cussy bỗng sực tỉnh:
- Nhân những điều thuyền trưởng Blood vừa trình bày...
- Mẹ khỉ! - Rivarol gầm lên. - Ra là ở đây chỉ rặt một lũ nhát. Nghe đây, ông thuyền trưởng! Ông sợ không dám đánh trận này thì để đấy tôi. Thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ đổ bộ lên bờ thành công. Nếu đúng thế - mà chắc chắn là thế, thì ngày mai ông sẽ phải nghe những lời chẳng hay ho gì đâu. Tôi đã quá rộng lượng rồi đấy, thưa ông! - Và hắn kênh kiệu phẩy tay. - Cho phép ông lui.
Bị sai khiến bởi sự ngoan cố ngu xuẩn và thói hám danh của mình, dĩ nhiên de Rivarol đã được một bài học đích đáng. Chiều hôm đó hải đội của hắn tiến vào gần bờ. Ba trăm người, trong đó có hai trăm da đen (tức là toàn bộ số người da đen tham gia cuộc viễn chinh), đã lợi dụng bóng đêm bơi vào bờ trên những chiếc xuồng và thuyền độc mộc. De Rivarol buộc phải thân chinh chỉ huy đám đổ bộ, mặc dù điều đó không làm hắn thích thú gì.
Sáu chiếc thuyền đầu tiên bị sóng vỗ bờ cuốn lên ném vào vách đá và bị đập vụn trước khi những người ngồi trên đó kịp nhảy xuống nước. Tiếng sóng ầm ầm đập vào bờ đá và tiếng kêu cứu của những người đang chết chìm là những tín hiệu rất có sức thuyết phục đối với các đội thuyền khác. Nam tước de Rivarol chỉ huy cuộc đổ bộ lập tức ra lệnh thu quân rời khỏi khu vực nguy hiểm và cứu người chết đuối. Cuộc phiêu lưu ấy đã phải trả giá khá đắt: gần năm chục người chết và mất sáu thuyền cùng với đạn dược.
Lúc trở về tàu, de Rivarol giận điên người nhưng không khôn ngoan lên được tý nào. Hắn không phải loại người có thể trở nên thông thái nhờ kinh nghiệm sống. Bực tức với tất cả và kiệt sức vì thất vọng, hắn lăn ra ngủ.
Sáng hôm sau hắn bị dựng dậy bởi những tiếng đại bác giòn giã. Đầu đội mũ ngủ, chân đi dép lê, hắn chạy vội lên boong lái và trông thấy một cảnh tượng lạ lùng càng làm cơn giận của hắn bốc cao. Bốn chiếc tàu cướp biển giương hết buồm đang vận động một cách khó hiểu cách Boca Chica chừng nửa dặm và cách hải đội Pháp cũng khoảng ngần ấy. Lẩn trong những đám khói súng, chốc chốc chúng lại nhả từng loạt đạn vào cái pháo đài lớn hình tròn án ngữ con lạch hẹp - cửa ngõ vào vụng tàu. Những khẩu pháo trên pháo đài bắn trả mãnh liệt, tuy nhiên bọn cướp vận động bằng buồm rất linh hoạt và bắn cực kỳ chính xác, hỏa lực của chúng trùm lên pháo đài đúng vào lúc quân phòng thủ nạp lại đạn. Mỗi lần nổ một loạt pháo, các tàu cướp biển liền quay ngoắt lại làm cho các pháo thủ trên pháo đài chỉ nhìn thấy hoặc mũi hoặc lái của các tàu cướp biển. Cách vận động như vậy tài tình đến nỗi trong khoảnh khắc trước khi bọn Tây Ban Nha nổ súng, các tàu cướp biển đã kịp xếp thành đội hình hàng dọc vuông góc với pháo đài và các cột buồm của chúng tạo thành một đường thẳng.
De Rivarol vừa lẩm bẩm vừa chửi rủa vừa theo dõi trận đánh do Blood tự ý tiến hành. Các sĩ quan trên tàu "Victorieuse" cũng kéo hết lên lái và đến lúc de Cussy cũng vừa lên đến nơi thì tên nam tước đã không còn kiềm nổi cơn giận đến nghẹt thở của hắn nữa. Đúng ra mà nói thì chính de Cussy tự chuốc lấy cơn giông tố ấy. Ông ta bước đến bên tên nam tước, hào hứng xoa tay và tỏ vẻ hết sức hài lòng trước những hành động quyết liệt của những kẻ mà ông ta đã chiêu mộ.
- Thế nào, ngài de Rivarol, - ông ta cười vui vẻ, - ngài thấy tên Blood ấy cũng biết việc đấy chứ, hả? hắn sẽ cắm cờ nước Pháp lên đỉnh pháo đài trước bữa sáng cho mà xem.
Tên nam tước quay phắt lại gầm lên:
- Ngài bảo nó biết việc ư? Đầu óc chim sẻ của ngài làm sao mà hiểu được rằng việc của hắn là thi hành mệnh lệnh của tôi! Tôi có ra lệnh như thế không đã nào, mẹ kiếp? Cứ để đấy, xong việc rồi tôi sẽ trị tội vô kỷ luật của hắn.
- Xin lỗi ngài nam tước, nhưng các hành động của anh ta là đúng đắn nếu như chúng đưa lại thành công.
- Đúng đắn à? Ô, ma quỉ! Chẳng nhẽ một hành động vô kỷ luật của một người lính mà gọi là đúng đắn hay sao?! - Tên nam tước nổi khùng nhìn các sĩ quan của hắn, những kẻ cũng ghét Blood không kém.
Nhưng trận đánh giữa bọn cướp biển và lính Tây Ban Nha vẫn tiếp diễn. Pháo đài đã bị hư hại nặng nề. Song cả những chiếc tàu của Blood, mặc dù chúng vẫn động hết sức tài tình nhưng vẫn bị hỏa lực của pháo đài gây những tổn thất nghiêm trọng. Cầu ngang mạn phải của "Atropos" vỡ nát, và một viên đạn đã nổ tung trong khoang lái. "Elizabeth" bị hư hại nặng ở khoang mũi, còn trên "Arabella" thì cột buồm giữa bị chém gãy. Đến cuối trận đánh thì "Lachesis" bị loại khỏi vòng chiến.
Rõ ràng là tên nam tước rất khoái trá trước cảnh ấy.
- Cầu trời cho bọn Tây Ban Nha dìm chết hết những chiếc tàu ghê tởm ấy đi!
Nhưng trời đã không nghe lời khẩn cầu của hắn. Hắn vừa dứt lời thì một tiếng nổ khủng khiếp vang lên rồi một nửa pháo đài bắn tung lên trời. Một trong những viên đạn pháo của bọn cướp biển đã rơi trúng kho thuốc súng.
Khoảng hai tiếng đồng hồ sau trận đánh, thuyền trưởng Blood ung dung và hào hoa như vừa mới dự khiêu vũ về, bước lên boong thượng tàu "Victorieuse". Ra đón chàng là de Rivarol, vẫn còn mặc nguyên đồ ngủ.
- Xin được phép báo cáo, thưa ngài nam tước, chúng tôi đã chiếm được pháo đài ở Boca Chica. Quốc kỳ nước Pháp đã phấp phới bay trên tháp pháo đổ nát và đường tiến quân của hải đội đã khai thông.
De Rivarol đành nén giận và vì thế suýt nữa hắn chết ngạt. Các sĩ quan của hắn xôn xao biểu lộ sự hào hứng nên hắn cùng không tiện quát lác chàng. Nhưng mắt hắn vẫn nguyên vẻ tức tối và bộ mặt hắn trắng bệch vì điên cuồng.
- Ông gặp may đấy, ông Blood, - hắn nói, may là trận đánh đã thành công. Trong trường hợp thất bại thì ông sẽ phải trả giá đắt đấy. Lần sau thì xin ông hãy vui lòng đợi lệnh tôi, bởi vì ông sẽ không có bằng chứng để biện bạch như hôm nay nữa đâu.
Blood mỉm cười để lộ hai hàm răng trắng bóng và nghiêng mình:
- Bây giờ tôi sẽ rất mừng được nhận mệnh lệnh của ngài, thưa tướng quân, nhằm phát huy ưu thế của chúng ta. Hy vọng ngài sẽ hiểu sự thần tốc lúc này là quan trọng như thế nào.
De Rivarol ngơ ngác nhìn chàng: trong cơn nóng giận hắn đã hoàn toàn quên bẵng mất rằng cần phải chỉ huy việc triển khai trận công thành.
- Vào buồng tôi ngay! - hắn hống hách ra lệnh cho Blood, nhưng chàng đã ngăn hắn lại.
- Tôi nghĩ rằng tốt nhất ta nên nói luôn ở đây, thưa tướng quân, khi mà toàn cảnh chiến trường đang bày ra trước mắt như trên sa bàn thế này. - Chàng đưa tay chỉ vụng biển, vào địa thế quanh nó và vào thành phố lớn nằm cách bờ biển không xa. - Nếu ngài không cho rằng tôi quá tùy tiện, tôi xin phép đưa ra một đề nghị...- Chàng im bặt.
De Rivarol nhìn chàng chòng chọc, ngờ rằng chàng giễu mình, nhưng vẻ mặt chàng cướp biển vẫn không hề thay đổi và đôi mắt sắc sảo của chàng vẫn bình thản.
- Thôi được, chúng tôi nghe đây, - tên nam tước cao ngạo đồng ý.
Blood chỉ cái pháo đài ở lối vào vụng trong mà các tháp pháo của nó bị che lấp sau hàng cọ đang nghiêng ngả trong gió trên doi đất hẹp. Chàng cho biết pháo đài này hỏa lực yếu hơn nhiều so với pháo đài ngoại vi mà họ đã chiếm được. Nhưng đồng thời lạch vào ở đây cũng thu hẹp lại và muốn qua được con lạch thì trước hết nhất thiết phải đánh chiếm pháo đài. Chàng đề nghị đưa các tàu Pháp vào vụng trong và từ đó oanh kích pháo đài, cùng lúc ấy ba trăm tên cướp biển đem theo pháo đổ lên bờ phía đông vụng biển đằng sau hòn đảo um tùm những khóm cây thơm nức. Khi cuộc pháo kích từ biển vào vừa bắt đầu, bọn cướp sẽ tấn công pháo đài từ phía sau. Blood cho rằng bọn Tây Ban Nha sẽ không thể chống cự được. Sau đó đội quân của de Rivarol ở lại giữ pháo đài, còn Blood cùng với những người của chàng sẽ tiếp tục tấn công và chiếm nhà thờ Nuestra Senora de la Poupa nằm trên một ngọn đồi cao về phía đông thành phố. Chiếm xong cao điểm ấy, họ sẽ khống chế con đường duy nhất chạy từ Cartagena vào sâu nội địa và chặn đường rút của bọn Tây Ban Nha để chúng không thể đánh tháo tiền bạc châu báu.
Blood tính sao thì quả nhiên đúng vậy: luận chứng sau cùng của chàng đối với de Rivarol là có sức thuyết phục nhất. Lúc Blood chưa nói đến chỗ đó, tên nam tước cứ nhăm nhe dè bỉu kế hoạch của chàng, nhưng đến đây thì hắn lấy vẻ đăm chiêu, thậm chí còn chiếu cố khen ngợi kế hoạch của chàng và ra lệnh pháo kích pháo đài ngay không chậm trễ.
Chúng tôi thấy không cần thiết phải kể lại ở đây các tình tiết của trận đánh đó. Vì sai sót của các thuyền trưởng Pháp nên nó không được suôn sẻ lắm và hỏa lực của pháo đài đã đánh chìm mất hai tàu chiến Pháp. Nhưng sang buổi chiều, nhờ sự liều lĩnh quỷ khốc thần sầu của bọn cướp biển trong trận tấn công pháo đài từ phía sau lên nên rốt cuộc pháo đài đã đầu hàng. Trước khi trời tối Blood và người của chàng đã chiếm được cao điểm quan trọng Nuestra Senora de la Poupa khống chế cả thành phố và để lại đó mấy khẩu pháo.
Đến giữa trưa ngày hôm sau thì Cartagena đã gửi thư cho de Rivarol xin hàng.
Kiêu căng vênh váo trước chiến thắng mà hắn nhận hết công lao về mình, tên nam tước đưa ra điều kiện đầu hàng. Hắn đòi nộp toàn bộ tiền, hàng hóa và tất cả các báu vật công cộng. Dân chúng được quyền ở lại hoặc rời khỏi thành phố, nhưng những người ra đi bắt buộc phải nộp toàn bộ tài sản của mình, còn những người ở lại chỉ phải nộp một nửa và trở thành thần dân của vua Pháp. De Rivarol hứa không đụng đến các nhà nguyện và nhà thờ, nhưng đòi họ phải cho hắn các bản thống kê ghi rõ số tiền và các vật quý mà họ có.
Cartagena đành phải chấp nhận những điều kiện ấy bởi vì không còn cách nào khác. Ngày hôm sau, mùng năm tháng tư, de Rivarol tiến vào thành phố sau khi tuyên bố rằng nó là thuộc địa của Pháp và cử de Cussy làm thống đốc. Sau đó hắn trẩy sang đại giáo đường, nơi sẽ cử hành lễ tạ ơn nhân chiến thắng. Tất cả những chuyện đó mới chỉ là màn giáo đầu, bởi vì ngay sau đấy de Rivarol liền bắt tay vào việc cướp bóc. Sự kiện quân Pháp đánh chiếm Cartagena chỉ khác cuộc tập kích thông thường của bọn cướp biển ở chỗ bọn lính bị nghiêm cấm vào nhà dân, nếu trái lệnh sẽ phải chịu những hình phạt khắc nghiệt. Song trong thực tế thì bản mệnh lệnh nhân đạo ấy được ban bố không phải để bảo vệ tính mạng và tài sản của dân chúng chiến bại. De Rivarol sợ rằng nhỡ ra lại mất một đồng doubloon nào đó trong núi tiền lớn kia lạc đường rơi vào túi lính. Nhưng sau khi núi tiền ấy đã được gom xong, tên nam tước lập tức hủy bỏ các hạn chế và giao thành phố vào tay bọn lính mặc sức tung hoành. Chúng khuân đi cả những tài sản của bộ phận dân chúng đã trở thành thần dân của vua nước Pháp, mặc dù Rivarol đã hứa bảo đảm cho họ quyền bất khả xâm phạm và sự bảo hộ của quân lực Pháp.
Chiến lợi phẩm thu được nhiều khủng khiếp. Suốt trong bốn ngày liền hơn trăm con la tải số vàng cướp được từ thành phố ra cảng và từ đó được chuyển xuống tàu.
Chú thích:
[1] Cấp bậc sĩ quan hải quân, tương đương với chức đại tá.