Cuộc đời chìm nổi của thuyền trưởng Blood

Chương 18

Chuyện xảy ra ở Maracaybo đáng được coi là tuyệt tác trong cuộc đời cướp biển của thuyền trưởng Blood. Mặc dù trong bất kỳ trận đánh nào của chàng, mà Jeremy Pitt đã mô tả tỉ mỉ đầy cảm kích trong các ghi chép của mình, đều dễ dàng nhận thấy những biểu hiện tài năng quân sự của Peter Blood, nhưng tài năng của nhà chiến thuật và chiến lược ấy được thể hiện rực rỡ hơn cả là trong các trận đánh ở Maracaybo, kết thúc bằng cuộc phá vây thắng lợi thoát khỏi cái cạm bẫy mà Don Miguel de Espinosa giăng ra.

Trước đó Blood đã rất nổi tiếng, nhưng tiếng tăm ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với vinh quang lớn lao mà chàng giành được sau trận chiến đấu này. Đó là vinh quang mà không một tướng cướp biển nào có được, kể cả Morgan lừng danh.

Ở Tortuga, nơi Blood lưu lại mấy tháng để trang bị lại những tàu mà chàng vừa cướp được của cái hải đội định tiêu diệt mình, chàng đã thành thần tượng sùng bái của đám dân "huynh đệ hải hồ" náo nhiệt. Nhiều cướp biển đã có vinh dự to lớn được chiến đấu dưới cờ chỉ huy của Blood. Điều đó đã cho chàng khả năng ít người có được là chọn lựa kỹ càng ê-kíp cho những tàu mới trong hải đội của mình, và trong lần ra khơi sau đó dưới quyền chỉ huy của chàng đã có tất cả năm chiếc tàu được trang bị tuyệt vời và hơn một nghìn cướp biển. Đó không chỉ đơn giản là vinh quang mà còn là sức mạnh. Ba chiếc tàu vừa cướp của Tây Ban Nha đã được chàng đổi tên với ít nhiều khôi hài thâm thúy thành "Clotho", "Lachesis" và "Atropos"[1] như muốn biến những con tàu của mình thành kẻ quyết định số phận của những tên Tây Ban Nha nào sau này sẽ phải gặp chàng trên biển.

Ở Châu Âu, tin tức về hải đội ấy tiếp sau tin đại bại của viên đô đốc Tây Ban Nha ở Maracaybo đã làm chấn động dư luận. Tây Ban Nha và Anh đều hết sức lo lắng, mặc dù những lo lắng ấy có những nguyên nhân khác nhau, và nếu chịu khó lục lọi các văn kiện ngoại giao thời ấy về vấn đề này thì bạn sẽ thấy rằng chúng khá nhiều và không phải lúc nào cũng đúng.

Còn về Don Miguel de Espinosa, thì ngài gần như đã phát rồ. Việc thất sủng sau những thất bại do thuyền trưởng Blood giáng xuống đầu suýt nữa đã khiến viên đô đốc Tây Ban Nha mất trí. Công bằng mà nói không thể không thông cảm với Don Miguel. Căm hận trở thành thức ăn hàng ngày của con người bất hạnh ấy, còn khát vọng báo thù thì đục ruỗng ngài như một lũ dòi. Như điên dại, ngài rong ruổi trên sóng nước Caribe tìm kiếm kẻ thù của mình; và, không tìm thấy chàng, ngài tấn công tất cả các tàu Anh và Pháp mà ngài gặp trên đường để thỏa mãn phần nào khát khao báo thù đó.

Nói nôm na thì viên thủy sư đô đốc uy vũ và là một trong những ông lớn quý  tộc danh tiếng nhất Tây Ban Nha ấy đang điên đầu; và, đuổi theo các tàu cướp biển, chính ngài cũng biến thành cướp biển. Dĩ nhiên triều đình có thể lên án đô đốc vì những vụ cướp biển của ngài. Nhưng cái đó thì có ý nghĩa gì với con người từ lâu đã phải gánh chịu tội lỗi mà không hề có hy vọng được khoan thứ. Nhưng giá ngài bắt được và treo cổ thuyền trưởng Blood lên thì có lẽ nước Tây Ban Nha sẽ châm chước hơn đối với những việc mà viên đô đốc của mình đang làm lúc này, cộng với những gì mà ngài đã làm trước đấy, tức là đã để mất mấy chiếc tàu hạng nhất và tên cướp biển khét tiếng kia tuột khỏi tay mình.

Và, không thèm đếm xỉa đến thực tế là bây giờ Blood đã có trong tay một ưu thế áp đảo, ông lớn Tây Ban Nha vẫn lì lợm đi tìm bằng được tên cướp táo gan kia trên mặt biển mênh mông không bờ bến. Suốt một năm ròng những cuộc tìm kiếm của ngài đều uổng công vô ích. Rốt cuộc thì ngài cũng đã gặp Blood, nhưng trong một cảnh ngộ rất lạ lùng.

Ngày 15 tháng 9 năm 1688 có ba chiếc tàu rong ruổi trên mặt biển Caribe.

Chiếc thứ nhất là kỳ hạm "Arabella" lẻ loi. Cơn bão trong khu vực quần đảo Antilles Nhỏ đã tách thuyền trưởng Blood ra khỏi hải đội của mình. Gió đông nam mùa ấy thổi từng cơn đã đưa "Arabella" đến eo Đầu Gió. Blood đang vội trở về Tortuga, nơi gặp gỡ duy nhất của những người đi biển lạc nhau.

Chiếc tàu thứ hai là chiếc galleon Tây Ban Nha đồ sộ "Milagrosa" cùng với vị đô đốc thù dai Don Miguel. Chiếc frigate hậu bị "Hidalga" thì mai phục ở bờ tây nam đảo Haiti.

Chiếc thứ ba và là chiếc cuối cùng trong những tàu mà chúng ta quan tâm là một tàu chiến Anh. Ngày hôm ấy nó đang thả neo trong cảng St. Nicholas của Pháp ở bờ tây bắc đảo Haiti. Nó đi từ Plymouth đến Jamaica và chở theo một hành khách rất quan trọng - huân tước Julian Wade. Huân tước Sunderland, một người họ với huân tước Wade, đã giao cho ngài một nhiệm vụ khá quan trọng và khá tế nhị, liên quan trực tiếp đến các cuộc trao đổi công hàm bày tỏ sự không hài lòng giữa Anh và Tây Ban Nha.

Triều đình Pháp cũng như Anh hết sức bực mình vì những hoạt động của bọn cướp biển đã làm xấu thêm những quan hệ vốn đã căng thẳng với Tây Ban Nha. Cố gắng một cách vô vọng nhằm chặn đứng các cuộc cướp phá trên biển, hai chính phủ đòi thống đốc các thuộc địa của mình phải thẳng tay hết sức với bọn cướp biển. Tuy nhiên, các thống đốc, như thống đốc Tortuga, người đã vớ bẫm trong những vụ làm ăn lén lút với bọn cướp biển, hoặc như thống đốc phần Haiti thuộc Pháp, đều cho rằng không nên tiêu diệt bọn cướp biển, mà ngược lại phải khuyến khích chúng vì chúng đảm nhiệm vai trò một lực lượng kìm hãm uy lực và tham vọng của Tây Ban Nha. Vì lẽ đó, các thống đốc không ai bảo ai, đều cố tránh dùng đến những biện pháp quyết liệt có khả năng buộc bọn cướp biển phải chuyển sang hoạt động ở khu vực khác.

Cố gắng thực hiện yêu cầu cương quyết của vua James là bằng bất kỳ giá nào cũng phải làm nguôi lòng Tây Ban Nha mà sự bất bình cực điểm của chính phủ nước này đã được sứ thần của họ bày tỏ nhiều lần. Thượng thư ngoại vụ Anh, huân tước Sunderland đã phải cử một người cương quyết làm thống đốc Jamaica. Con người cương quyết ấy là một chủ đồn điền có thế lực nhất Barbados - đại tá Bishop.

Tên đại tá nhậm chức thống đốc một cách đặc biệt hăm hở, bởi hắn đang nóng lòng trả món nợ riêng với Blood. Bỏ lại những đồn điền, nguồn thu nhập lớn của mình, ngay khi đặt chân đến Jamaica, Bishop lập tức tỏ ra cho bọn cướp biển biết rằng hắn không định giao du gì với chúng hết. Dân anh chị trên biển nhiều tay phải gian nan. Chỉ duy một tên cướp biển, cựu nô lệ của ngài cựu chủ đồn điền, là không chịu rơi vào tay hắn mà cứ luôn luôn tuột khỏi tay hắn. Chàng vẫn tiếp tục gieo rắc hoang mang cho bọn Tây Ban Nha trên biển cũng như trên bộ. Những cuộc tập kích và đột kích táo bạo của chàng đã làm quan hệ căng thẳng giữa Anh và Tây Ban Nha không sao cải thiện nổi, một việc đặc biệt khó chịu trong những năm mà tình trạng hòa hoãn ở Châu Âu được gìn giữ một cách khó khăn đến như vậy.

Phát điên phát dại không chỉ vì sự bực tức tích lại từ ngày này sang ngày khác, mà còn vì những lời khiển trách bất tận của Luân Đôn về sự bất lực đối với Blood, đại tá Bishop đã bắt đầu tính tới việc bắt sống địch thủ của mình ngay tại sào huyệt Tortuga. Thật may phúc cho chính Bishop là hắn đã từ bỏ ý định điên rồ ấy. Không chỉ các thành lũy thiên nhiên vững chắc của hòn đảo đã ngăn hắn lại mà những cân nhắc kỹ lưỡng cũng cho hắn thấy rằng ý đồ tảo thanh bọn cướp tại Tortuga rất có thể bị nước Pháp hiểu như một cuộc tập kích ăn cướp và một hành động có tính chất sỉ nhục nghiêm trọng đối với một nước bạn bè. Tuy nhiên, đại tá Bishop vẫn thấy rằng nếu không áp dụng biện pháp kiên quyết thế nào đó thì hoàn toàn không thể thay đổi được gì hết. Hắn đã bày tỏ ý nghĩ ấy trong bức thư gửi huân tước thượng thư ngoại vụ.

Bức thư mà về thực chất đã lột tả một cách chính xác tình hình thực tế ấy làm Lord Sunderland điên đầu. Ngài hiểu rằng một vấn đề khó chịu như thế này không thể nào giải quyết bằng những phương pháp bình thường và trong việc đó không thể không dùng đến những phương tiện đặc biệt. Ngài nhớ đến Morgan, kẻ trong thời Charles II đã được thu dụng phụng sự Đức vua, và ngài nghĩ rằng phương pháp giải quyết vấn đề theo kiểu phủ dụ tên cướp biển như vậy có thể là có ích trong đối sách dành cho thuyền trưởng Blood. Đức ngài đã tính rằng hành động đi ngược lại luật pháp của Blood hoàn toàn có thể giải thích không phải bởi xu hướng đồi bại bẩm sinh của chàng, mà chỉ vì sự cần thiết sống còn, và chàng buộc phải theo đuổi nghề nghiệp cướp biển chỉ vì những sự kiện đã buộc chàng phải tới Barbados, và rằng bây giờ có thể Blood sẽ vui mừng nếu có cơ hội để từ bỏ một nghề không phải là không nguy hiểm.

Xuất phát từ nhận định ấy, Sunderland mới cử người bà con của mình là Lord Julian Wade đến Jamaica, trao cho ngài những tấm chứng chỉ sỹ quan đã được hoàn tất nhưng còn để trống họ tên. Vị thượng thư đã cho ngài những chỉ dẫn tỉ mỉ nên xử sự như thế nào, đồng thời lại cho ngài toàn quyền hành động nhằm thực hiện những chỉ thị đó. Là một tay gian hùng lọc lõi và một chính khách cáo già, Sunderland khuyên người bà con của mình rằng nếu không thể lung lạc nổi Blood hoặc vì một lý do nào đó Wade thấy không bõ thu phục chàng về phụng sự đức vua thì nên làm việc với các sĩ quan của Blood và lôi kéo họ, làm suy yếu Blood đến mức Bishop có thể dễ dàng đánh bại chàng.

"Royal Mary", chiếc tàu đang chở vị sứ thần khá có giáo dục, hơi phóng đãng và cự kỳ lịch duyệt ấy của Lord Sunderland, đã bình yên đến được St. Nicholas - bến đỗ cuối cùng trước khi tới Jamaica. Ngay từ ở Luân Đôn, Lord Julian đã tính rằng trước hết là ghé thăm quan thống đốc ở Port Royal rồi sau đó mới đi gặp tay cướp biển khét tiếng ở Tortuga. Nhưng trước khi làm quen với quan thống đốc, Lord Julian đã may mắn làm quen được với cháu gái Bishop đang ở St. Nicholas thăm họ hàng và trốn cái nóng khủng khiếp không sao chịu nổi về mùa này ở Jamaica. Sau vài tháng lưu lại đây, bây giờ nàng trở về và lời yêu cầu của nàng xin được dành một chỗ trên tàu "Royal Mary", lập tức được chấp nhận ngay.

Huân tước Julian rất mừng với sự có mặt của nàng trên tàu. Cuộc hành trình vừa rồi rất lý thú, từ giờ thậm chí lại thêm màu sắc thơ mộng nữa. Số là đức ông cũng thuộc vào loại khách hào hoa, coi cuộc đời mà không được tô điểm bằng sự hiện diện của đàn bà thì chỉ là sự tồn tại lay lắt thảm hại và vô nghĩa.

Tiểu thư Arabella Bishop, một cô gái thẳng thắn, chân thực, không kiểu cách, với những cử chỉ thoải mái gần như của một cậu bé, giá như ở Luân Đôn thì dĩ nhiên nàng không thể lọt vào mắt xanh của Lord Julian hay kén chọn, một thanh niên hai mươi tám tuổi, có chiều cao hơn mức trung bình nhưng vì có thân hình gầy gò, nên trông lại càng cao. Mặt đức ông hơi dài, nhợt nhạt, với cái miệng lẳng lơ và những đường nét tinh tế đóng khung trong bộ tóc giả vàng óng, còn đôi mắt xanh nhạt thì làm cho đức ông có vẻ mơ mộng, hay đúng hơn là có vẻ buồn buồn. Sở thích tinh tế và sành sỏi trong khoản này đã hướng sự chú ý của ngài vào những cô gái kiểu khác - những cô õng à õng ẹo, yếu đuối nhưng đầy chất đàn bà. Sự quyến rũ của tiểu thư Bishop là không thể chối cãi. Tuy nhiên chỉ những ai có trái tim phúc hậu và lý trí sắc sảo mới có thể đánh giá hết được sự quyến rũ ấy, chứ đằng này huân tước Julian tuy không phải là một gã cục súc nhưng cũng không đủ chất tinh tế sắc sảo. Nói như vậy không phải tôi có ý ám chỉ điều gì có thể làm hoen ố thanh danh của đức ông đâu.

Nhưng nói gì thì nói Arabella Bishop vẫn là một gái trẻ trung hấp dẫn, nàng xuất thân từ một gia đình rất gia giáo, mà ở vĩ độ hẻo lánh nơi Lord Julian đang có mặt lúc này, thì bản thân sự kiện đó đã là một điều hiếm có rồi. Về phần mình, với tước hiệu và địa vị, vẻ hào hoa và những cử chỉ của một nhà quý  tộc cung đình sành sỏi, ngài là hiện thân của cái thế giới rộng lớn mà Arabella chỉ được nghe kể mà thôi vì chủ yếu nàng sống ở quần đảo Antilles. Có nên ngạc nhiên hay không về việc cả hai người cảm thấy quan tâm tới nhau ngay khi "Royal Mary" còn chưa kịp ra khỏi St. Nicholas? Mỗi người đều có nhiều điều mà người kia không biết để kể, Lord Julian có thể thỏa mãn trí tưởng tượng của nàng bằng những câu chuyện thú vị về cung đình St. James, mà nhiều chuyện trong số đó ngài đã dành cho mình một vài trò hào hùng hay ít ra thì cũng khá nổi bật. Còn nàng thì có thể làm phong phú thêm trí tuệ của ngài bằng những tin tức quan trọng về Tân thế giới, nơi ngài mới đến lần đầu.

St. Nicholas còn chưa kịp khuất hẳn thì họ đã trở thành những người bạn tốt và sau khi thay đổi ít nhiều ấn tượng ban đầu về nàng, đức ông nhận ra sức quyến rũ của tính thẳng thắn và chân thành đã cho phép nàng đối xử với mọi người đàn ông như đối với anh em mình. Và có nên ngạc nhiên không khi được biết rằng Lord Wade, vì đang mải nghĩ đến những việc liên quan đến sứ mệnh của mình, nên một lần ngài đã đem chuyện thuyền trưởng Blood ra nói với nàng.

- Không biết đã có bao giờ tiểu thư trông thấy tay Blood ấy chưa? - Ngài hỏi "Arabella" lúc hai người đi dạo ở đuôi tàu. - Trước đây có thời hắn đã là nô lệ trong đồn điền của ông chú tiểu thư mà.

Tiểu thư Bishop dừng lại, tựa vào lan can sau lái nhìn về bờ đất đã khuất dạng dưới chân trời. Một lúc sau nàng mới đáp bằng một giọng bình thản đều đều:

- Tôi rất hay gặp ông ta và biết ông ta rất rõ.

- Thế à?! Lẽ nào lại thế!

Trạng thái trầm tĩnh mà Lord Julian đã dày công rèn luyện cho mình có phần bị xáo động nên ngài không nhận thấy đôi má Arabella Bishop ửng hồng, mặc dù ngài vẫn tự cho mình là người tinh ý.

- Tại sao lại không? - "Arabella" hỏi bằng một giọng dửng dưng gượng gạo.

Nhưng vẻ bối rối ấy trong giọng nói của nàng Wade cũng không nhận thấy nốt.

- Phải rồi, phải rồi, - đang mải nghĩ ngợi về việc mình, ngài gật gù, - dĩ nhiên tiểu thư có thể đã biết hắn. Vậy thì theo tiểu thư hắn là người thế nào?

- Lúc ấy tôi đã kính trọng ông ta như một người hết sức bất hạnh.

- Tiểu thư biết chuyện của hắn à?

- Ông ta đã kể cho tôi nghe. Tôi đã quý  trọng ông ta chính vì sự kiên nhẫn kỳ diệu mà ông ấy đã chịu đựng nỗi bất hạnh của mình. Tuy nhiên, sau những việc ông ta làm, tôi bắt đầu thấy ngờ ngợ không biết có đúng như thế thật hay không.

- Nếu tiểu thư nghi ngờ về sự bất công của triều đình khi xét xử vụ bạo loạn Monmouth đối với hắn, thì tất cả những điều Blood kể cho tiểu thư nghe đều đúng sự thật. Người ta đã xác minh rõ rằng hắn không tham gia vào cuộc nổi loạn của Monmouth và đã bị xét xử theo điều luật mà có thể hắn không biết, còn các quan tòa thì lại coi phản ứng tự nhiên của hắn là sự phản nghịch. Nhưng xin lấy danh dự mà thề rằng ít nhiều hắn đã báo được thù.

- Vâng, - nàng đáp khẽ, - nhưng chính sự báo thù ấy đã làm hại ông ta đấy.

- Làm hại ạ? - Wade bật cười. - Chỗ này thì chưa chắc tiểu thư đã đúng đâu. Tôi nghe nói hắn đã phát tài, biến tất cả những của cải cướp được của Tây Ban Nha thành vàng của Pháp và đang cất giữ nó ở Pháp. Về chuyện ấy thì đã có ông bố vợ tương lai d’Ogeron của hắn lo cho rồi.

- Bố vợ tương lai? - "Arabella" hỏi, mắt mở to kinh ngạc. - D’Ogeron? Thống đốc Tortuga?

- Chính ông ta đấy? - Lord Julian khẳng định. - Tiểu thư thấy không, thuyền trưởng Blood có người bảo hộ chắc chắn đấy chứ. Phải thú thực rằng tôi hết sức thất vọng với những tin tức mà tôi thu thập được ở St. Nicholas, bởi vì cái đó sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện sứ mệnh mà người bà con của tôi là Lord Sunderland đã ủy thác cho kẻ đầy tớ ngoan ngoãn của tiểu thư đây giải quyết. Tất cả chuyện ấy không làm tôi hài lòng, nhưng quả là đúng như thế thật. Nhưng tôi thấy hình như tiểu thư chưa được biết điều đó thì phải.

Nàng lặng lẽ gật đầu rồi quay mặt đi nhìn làn nước cuồn cuộn sau lái. Nhưng khi nàng lại lên tiếng thì giọng nàng đã trở lại bình thản và lãnh đạm.

- Tôi không biết phải hiểu chuyện này ra sao. Nhưng nếu như vậy thật thì bây giờ ông ta đã không phải đi ăn cướp nữa. Nếu ông ấy... nếu quả thật ông ta yêu một người đàn bà và định lấy người đó và nếu ông ta giàu có như ông nói thì việc gì ông ta lại phải liều thân và...

- Tiểu thư nói đúng. Tôi cũng nghĩ như vậy lúc chưa hiểu ra là có chuyện gì. - người bạn đàm đạo quý  phái của nàng ngắt lời. - Nhưng mọi việc ở đây đều do d’Ogeron thu xếp. Ông ta tham lam không chỉ cho mình mà còn cho con gái mình nữa. Về công nương d’Ogeron thì người ta đã cho tôi biết rằng đó là một ả tính nết hoang dã, hoàn toàn xứng đôi với một người như Blood. Tôi đang lấy làm lạ rằng tại sao hắn chưa cưới ả và đưa ả lên tàu mình để cùng đi ăn cướp. Ả đâu phải non nớt gì trong chuyện ấy. Và tôi cũng kinh ngạc trước sự kiên nhẫn của Blood đấy. Chẳng là hắn đã giết một người để tranh đoạt tình cảm của cô gái kia mà.

- Giết người? Vì cô ta? - Giọng "Arabella" lạc hẳn đi.

- Vâng, một tên cướp biển người Pháp tên là Levasseur. Gã người Pháp này là người tình của cô gái và đồng thời là đồng đảng của Blood. Trong một chuyến phiêu lưu nào đó, Blood nhăm nhe chiếm tình yêu của cô gái và để giành được nó, hắn đã giết Levasseur. Chuyện như thế này tất nhiên là rất đáng ghê tởm. Nhưng biết làm sao được? Dân ở đây có đạo lý khác chúng ta...

"Arabella" ngước khuôn mặt tái nhợt như xác chết lên nhìn ngài. Đôi mắt nàng sáng rực lên khi nàng gay gắt cắt ngang ý định thanh minh cho Blood của Lord Julian.

- Phải chắc là ngài nói đúng? Đây là một thế giới có đạo lý khác nếu bọn đồng đảng vẫn để hắn sống sau chuyện ấy.

- Ồ, tại sao kia? Tôi nghe nói vấn đề cô gái đã được giải quyết bằng một cuộc đấu công minh.

- Ai nói với ngài thế?

- Một tay người Pháp tên là Cahusac mà tôi đã gặp trong quán rượu ngoài cảng St. Nicholas. Hắn là thuyền phó dưới trướng Levasseur và có mặt trong cuộc đọ kiếm khi tên này bị giết.

- Thế cô gái có đứng ở đó khi hai tên đánh nhau không?

- Có. Cô ta cũng ở đó, và Blood đã đưa cô ta đi ngay sau khi khử xong tên đồng đảng.

- Và bọn thủ hạ của tên bị giết vẫn cứ để cho hắn đi được ư? (ngài nhận thấy vẻ hồ nghi trong giọng nàng). - Ồ, tôi không tin cái chuyện bịa đặt ấy và sẽ không bao giờ tin đâu!

- Tôi kính trọng tiểu thư chính vì thế, thưa tiểu thư Bishop. Tôi cũng không tin cho đến khi Cahusac giải thích cho tôi rõ tất cả mọi chuyện.

- Chuyện thế nào? Thế nào? - Và cảm giác ngờ vực mới đây dường như đã tiếp thêm cho nàng hào hứng lập tức tiêu tan. Tay nàng bám chặt lan can như chỉ sợ rơi xuống biển, mặc dù lúc ấy mặt biển yên tĩnh hiếm thấy.

Sau này, mỗi khi nhớ lại thái độ của nàng trong những giây phút ấy, Wade nhận thấy nó hơi lạ lùng. Nhưng lúc đó ngài không để ý gì cả.

- Blood đã mua của chúng quyền giữ cô gái cho mình. Hắn mua sự đồng ý của chúng bằng những viên ngọc trai trị giá hơn hai chục ngàn peso. - Wade cười khinh bỉ, - Giá hời đấy! Thề danh dự rằng chúng là một lũ khốn kiếp mạt hạng... Xin tiểu thư thứ lỗi. Những chuyện kiểu này không phải dành cho phụ nữ.

Nàng nhìn đi chỗ khác và ngạc nhiên thấy trời, thấy biển, thấy những xà ngang của con tàu bỗng trở nên mờ ảo như nàng nhìn chúng qua làn nước mắt. Nhưng rồi mấy giây sau "Arabella" thu hết chút nghị lực còn lại và hỏi bằng một giọng đã không còn bình thản như trước nữa:

- Nhưng gã người Pháp đã kể cho ngài nghe câu chuyện bẩn thỉu ấy để làm gì? Chắc hắn phải thù ghét thuyền trưởng Blood lắm?

- Tôi không nghĩ vậy đâu, - Lord Wade dài giọng chậm rãi đáp. - Tôi không nghĩ thế. Hắn chỉ kể lại cho tôi... có thể nói là một chuyện dung tục, một giai thoại tầm thường trong đời bọn cướp biển.

- Dung tục! - nàng kêu lên. - Lạy Chúa tôi!

- Tiểu thư Bishop, dám thưa với tiểu thư rằng tất cả chúng ta đều chỉ là loài dã man dưới một lớp vỏ văn minh rất mỏng manh. Nhưng theo Cahusac thì tay Blood kia là một người có tài. Trước đây hắn đã từng là cử nhân y khoa.

- Vâng, đúng thế, - nàng lẩm bẩm rất khẽ.

- Hắn đã từng phục vụ trong các hạm đội và quân đội ngoại quốc. Cahusac bảo, mà lúc đầu không tài nào tôi tin nổi rằng hắn đã từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của de Ruyter.

- Cả cái đó cũng đúng, - nàng nói và thở dài nặng nề. - Xem ra thì gã Cahusac của ngài biết hắn rất rõ. Hỡi ơi!

- Tiểu thư thấy tiếc vì chuyện đó à?

"Arabella" quay lại thoáng nhìn huân tước Julian, và ngài nhận thấy mặt nàng tái nhợt, còn cặp mắt nàng thì sáng rực như đang lên cơn sốt.

- Tất cả chúng ta đều thương tiếc cho cái chết của một con người mà chúng ta từng kính trọng. Trước đây tôi đã coi hắn như một người bất hạnh nhưng cao thượng. Còn bây giờ... - Trên môi nàng thoát hiện một nụ cười yếu ớt méo xệch, - bây giờ tốt hơn hết là nên quên tất cả về con người ấy đi. - Đoạn nàng nói luôn sang chuyện khác.

Chỉ sau một thời gian ngắn, tình thân giữa Arabella Bishop và huân tước Wade đã trở nên sâu sắc và vững chắc hơn. Khả năng tạo ra một tình thân như vậy là thiên bẩm kỳ diệu của Arabella. Nhưng ngay sau đó đã xảy ra một sự kiện làm hỏng hết câu chuyện hứa hẹn sẽ là đoạn thú vị nhất trong cả cuộc hành trình của đức ông.

Cuộc du ngoạn thú vị của đức ông với cô gái hấp dẫn ấy lại vẫn do ngài đô đốc Tây Ban Nha điên khùng phá bĩnh lúc mới rời khỏi St. Nicholas hơn một ngày đường. Thuyền trưởng "Royal Mary" là một thủy thủ gan dạ. Anh ta không chút nao núng ngay cả khi Don Miguel nổ súng. Thành mạn cao sừng sững của chiếc tàu Tây Ban Nha nổi rõ trên mặt nước là một mục tiêu ngon lành đến nỗi viên thuyền trưởng Anh quyết định đón tiếp một cách xứng đáng kẻ địch bất ngờ. Nếu tay chỉ huy con tàu Tây Ban Nha đã càn rỡ đến thế thì, được ngay, thuyền trưởng "Royal Mary" sẵn sàng thỏa mãn ý muốn ấy của hắn. Rất có thể ngày hôm ấy, nghiệp cướp biển của Don Miguel de Espinosa đã kết thúc một cách nhục nhã nếu như phát súng rủi của "Milagrosa" không làm nổ tung khối thuốc súng để trên mũi "Royal Mary". Tiếng nổ đã làm một nửa chiếc tàu Anh bay lên trời trước khi bắt đầu trận đánh. Tại sao lại có chỗ thuốc súng ấy trên mũi tàu thì không có một ai biết nổi. Viên thuyền trưởng dũng cảm đã không thọ hơn con tàu của mình và vì thế không thể tiến hành điều tra cho rõ được.

Trong chớp mắt "Royal Mary" đã bị biến dạng, mất điều khiển và bập bềnh bất lực trên mặt nước, thuyền trưởng và một phần thủy thủ đoàn thì tử trận. Và trước khi các thủy thủ Anh còn sống sót kịp trấn tĩnh thì bọn Tây Ban Nha đã xông vào áp mạn bắt sống tàu.

Lúc Don Miguel bước sang tàu "Royal Mary", Arabella Bishop đang ở trong buồng thuyền trưởng, Lord Julian thì đang cố gắng an ủi nàng bằng những lời cam đoan rằng mọi việc sẽ đâu vào đó. Bản thân Julian Wade cũng cảm thấy không yên, vẻ mặt ngài hơi nhợt hơn bình thường. Tất nhiên không thể bảo rằng ngài nhát gan. Nhưng ý nghĩ về trận giáp chiến không rõ với ai, mà lại ở trên con tàu gỗ chòng chành bất kỳ lúc nào cũng có thể bị nhấn chìm xuống đáy biển, quả là hết sức khó chịu đối với một tay gan dạ trên đất liền. Rất may là tiểu thư Bishop không cần đến sự an ủi yếu ớt mà Lord Wade có thể dành cho nàng. Dĩ nhiên nàng cũng hơi tái mặt, đôi mắt nâu của nàng mở to hơn bình thường. Nhưng cô gái đã tự kiềm chế rất khá. Cúi xuống bên bàn thuyền trưởng, nàng vẫn còn đủ tự chủ để trấn an cô hầu gái da nâu đang nằm phủ phục dưới chân mình.

Cửa buồng bật mở và Don Miguel cao lớn, rám nắng với chiếc mũi diều hâu, bước vào. Lord Julian quay phắt lại, tay đặt lên đốc gươm.

Nhưng tên Tây Ban Nha không lôi thôi dài dòng, nói luôn vào việc:

- Đừng có dại dột! - hắn gắt. - Tàu của ngài đang chìm đấy.

Đằng sau lưng Don Miguel là mấy người đội mũ sắt, và chỉ chớp mắt Lord Julian đã hiểu ngay tình thế, ngài nhẹ nhàng bỏ tay khỏi đốc gươm, và lưỡi gươm lại nhẹ nhàng chui vào vỏ, Don Miguel mỉm cười, phô cả hai hàm răng trắng bóng và chìa tay về phía thanh gươm.

- Xin phép ngài! - hắn nói.

Lord Julian do dự nhìn Arabella.

- Tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn, - nàng nói một cách hoàn toàn tự chủ.

Đức ông nhún vai và trao gươm.

- Còn bây giờ thì xin mời các vị sang tàu tôi, - Don Miguel bảo ngài và ra khỏi buồng.

Không ai nghĩ đến chuyện khước từ lời mời được nói bằng giọng sai khiến cả. Thứ nhất, tên Tây Ban Nha dùng vũ lực để bắt ép họ, thứ hai, ở lại con tàu đang chìm là một việc vô nghĩa. Họ chỉ nán lại vài phút để Arabella kịp thu dọn mấy thứ đồ đạc, còn Lord Wade thì vơ vội cái xắc tài liệu của mình.

Các thủ thủy sống sót còn lại trên đống gỗ vụn trước đó không lâu được gọi là "Royal Mary" được tùy nghi tự quyết định số phận. Họ có thể tự cứu bằng những chiếc xuồng, nếu xuồng không đủ thì họ còn cơ hội tóm được một mảnh cột buồm nào đó để giữ nổi trên mặt nước, cùng lắm thì chìm quách xuống đáy cho nhẹ nợ. Còn Lord Wade và Arabella Bishop bị đưa sang tàu Tây Ban Nha thì chỉ vì giá trị của họ quá rõ ràng dưới con mắt của Don Miguel. Hắn nhã nhặn tiếp họ trong ngăn buồng rộng rãi của mình và yêu cầu cho hắn được hưởng vinh hạnh biết tên họ của hai người.

Vẫn còn bị ảnh hưởng bởi điều khủng khiếp vừa trải qua, Lord Luliơn phải khó khăn lắm mới bắt mình xưng tên được. Nhưng ngay lập tức ngài yêu cầu cho mình biết ai đã tấn công "Royal Mary" và bắt giữ thần dân của Đức vua Anh. Wade rất khó chịu và bực tức với chính mình và với tất cả mọi thứ xung quanh. Ngài hiểu rằng không làm điều gì thất thố trong tình thế khó khăn mà số phận đã xô đẩy ngài đến ấy, nhưng đồng thời ngài cũng chẳng có gì hay ho để mà hãnh diện cả. Thực ra tất cả chuyện này sẽ không có ý nghĩa gì đáng kể nếu như người chứng kiến lối ứng xử của ngài không phải là một tiểu thư. Ngài quyết tâm ngay trong dịp thuận lợi đầu tiên phải thay đổi ấn tượng của nàng về mình.

- Tôi là Don Miguel de Espinosa, - tên Tây Ban Nha giễu cợt đáp, - thủy sư đô đốc của Đức vua Tây Ban Nha.

Lord Julian sững người vì ngạc nhiên.

Nếu Tây Ban Nha đã làm om sòm lên vì những cuộc cướp bóc của tên phản nghịch Blood thì bây giờ đến lượt nước Anh sẽ nói gì?

- Vậy xin ngài cho biết vì cớ gì ngài lại hành động như một tên cướp biển đê tiện như thế? - Wade lên tiếng hỏi, rồi sau đó nói tiếp: - Tôi nghĩ rằng ngài biết rõ hậu quả của việc ngài làm hôm nay như thế nào và người ta sẽ hỏi tội ngài một cách nghiêm khắc ra sao, vì xương máu mà ngài đã làm đổ và vì bạo lực mà ngài đã lạm dụng đối với quý  nương đây cũng như đối với tôi chứ?

- Tôi không hề lạm dụng bạo lực với các vị, - tên đô đốc cười khẩy như một kẻ đã nắm hết trong tay tất cả chủ bài. - Ngược lại, tôi đã cứu mạng các vị...

- Cứu mạng chúng tôi? - Mất một lúc Lord Julian không nói lên lời trước sự láo xược ấy. - Vậy ngài nói thế nào về những sinh mạng đã bị ngài sát hại? Thề có Chúa, ngài phải trả giá đắt về chuyện này cho mà xem!

Don Miguel vẫn tiếp tục mỉm cười.

- Có thể, - hắn nói, - mọi cái đều có thể. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn bây giờ thì các vị phải trả giá đắt cho tính mạng của mình đấy. Đại tá Bishop có một tài sản lớn. Còn ngài, thưa quý  huân tước, chắc chắn ngài cũng giàu lắm. Tôi sẽ suy nghĩ về vấn đề này và sẽ định tiền chuộc cho các vị.

- Rốt cuộc thì ông vẫn là một tên cướp biển khát máu đáng nguyền rủa như tôi đã nghĩ! - Wade nổi nóng. - Thế mà bây giờ ông vẫn còn láo xược tự xưng là thủy sư đô đốc của Đức vua Tây Ban Nha! Để rồi xem Đức vua của các ông sẽ nói thế nào về chuyện này.

Đến đó thì viên đô đốc nhăn mặt và cái mặt nạ nhã nhặn của hắn bị xé toạc, để lộ ra cơn điên giận mà hắn vẫn cố nén từ nãy đến giờ.

- Ta đối xử với bọ chó Anh tà đạo như chúng đối xử với người Tây Ban Nha! - hắn gào lên. - Các người là bọn trộm cướp, là quỷsứ điạ ngục! Ta còn đủ dũng khí để hành động nhân danh cá nhân ta, còn các người... các người, hỡi bọn súc sinh phản phúc kia, các người suỵt bọn Morgan, bọn Blood, bọn Hagthorpe của các người đánh lén chúng ta, gỡ bỏ trách nhiệm mà các người phải chịu vì những trò bỉ ổi của bọn chúng! Các người rửa tay hệt như Pilate[2].- Hắn phá lên cười độc địa - Nhưng bây giờ Tây Ban Nha sẽ sắm vai Pilate. Nó sẽ không phải chịu trách nhiệm gì, tội vạ đâu đã có ta gánh hết, sứ thần của các người cứ việc tới Escurial kêu ca về những hành động cướp biển của Don Miguel.

- Thuyền trưởng Blood không phải là đô đốc nước Anh! - Lord Julian kêu lên.

- Nhưng làm sao ta biết thực hư thế nào? Làm sao Tây Ban Nha biết được? Chẳng nhẽ các người cũng biết nói thật ư, bọn Anh tà đạo kia!

- Thưa ngài! - Lord Julian tực giận kêu lên và cặp mắt ngài tóe lửa. Theo thói quen, ngài đưa tay đến chỗ thường đeo thanh gươm của mình, sau đó ngài nhún vai và mỉm cười khinh bỉ. - Tất nhiên ông có thể sỉ nhục một kẻ tay không, một tù binh của các ông mà không sợ bị trừng trị. Cái đó phù hợp với kiểu xử sự của ông và tất cả những gì tôi đã được nghe về sự trung tín Tây Ban Nha.

Bộ mặt tên đô đốc đỏ bầm. Hắn đã vung tay định đánh Wade nhưng lại ghìm được - có thể là do ảnh hưởng của những lời hắn vừa nghe, - hắn quay phắt đi ra khỏi phòng, không đáp lại một lời.