Cuộc đời chìm nổi của thuyền trưởng Blood

Chương 17

Trên boong đuôi của "Arabella", dưới những tia nắng mai rực rỡ, một cuộc họp được triệu tập vội vàng. Thuyền trưởng Blood chủ tọa, tinh thần chàng hoàn toàn sa sút. Nhiều năm sau chàng đã thổ lộ cho Pitt rằng đó là ngày nặng nề nhất trong cả cuộc đời chàng. Chàng đã tiến hành trận đánh với một tài nghệ đáng tự hào và đã đánh tan kẻ địch đông gấp bội. Mặc dù vậy Blood vẫn hiểu rõ sự vô ích của chiến thắng ấy. Chỉ với ba phát đạn rất trúng đích của một pháo đội mà họ không hề hay biết gì về sự tồn tại của nó, đã đủ để kẻ địch chuyển bại thành thắng. Họ thấy rõ rằng bây giờ họ phải chiến đấu để giành lấy tự do, mà nó chỉ có thể có được sau khi hạ xong cái pháo đài án ngữ lối ra biển.

Thoạt tiên thuyền trưởng Blood đã nóng nảy đề nghị bắt tay ngay vào việc sửa chữa các tàu và lập tức lặp lại cuộc đột phá ra biển. Nhưng các chiến hữu đã can ngăn chàng từ bỏ ý định liều lĩnh ấy: làm như vậy thì có thể mất hết. Rồi sau khi đã bình tâm, thuyền trưởng Blood phân tích lại tình hình một cách tỉnh táo: "Arabella" không thể ra khơi được, "Infanta" phải vất vả lắm mới không chìm, còn "San Felipe" thì đã hư hại nghiêm trọng từ trước khi bọn cướp chiếm được. Rốt cuộc Blood phải đồng ý rằng họ không còn cách nào hơn là quay về Maracaybo và trang bị lại các tàu trước khi thử đột phá ra biển một lần nữa.

Họ đã đi đến quyết định như vậy. Và thế là những kẻ chiến thắng vừa bị đánh bại trong một trận đánh ngắn ngủi nhưng rất tệ hại đã quay về Maracaybo. Sự tức giận của Blood bị thói bi quan đen tối của Cahusac kích động thêm. Chóng mặt vì chiến thắng dễ dàng và thần tốc trước một kẻ địch mạnh hơn hẳn, gã người Breton lại rơi ngay vào nỗi tuyệt vọng khủng khiếp, lan cả sang phần lớn bọn cướp biển người Pháp.

- Thế là hết, - hắn bảo Blood. - Lần này thì chúng ta đi đứt.

- Cái đó tôi đã được nghe anh nói từ trước rồi, - thuyền trưởng Blood cố nhẫn nhịn bảo hắn. - Mà hình như anh cũng biết có chuyện gì đã xảy ra. Không ai có thể phủ định được một điều là chúng ta đã quay về với nhiều tàu và nhiều súng hơn. Anh thử nhìn những con tàu của chúng ta xem.

- Thì tôi vẫn đang nhìn chúng đây.

- Thế thì tôi không thèm nói chuyện với giống sâu bọ đớn hèn như thế này đâu!

- Anh dám gọi tôi là thằng hèn hả?

- Tất nhiên!

Gã Breton thở hổn hển gườm gườm nhìn kẻ lăng nhục mình. Tuy vậy hắn không thể buộc chàng phải thỏa mãn lòng tự ái của hắn được vì tấm gương Levasseur vẫn sờ sờ ra đó, và vì biết cái cách mà thuyền trưởng Blood sẽ thỏa mãn hắn. Bởi vậy, hắn chỉ lầm bầm giận dỗi:

- Anh nói thế là quá đáng lắm đấy nhé! Anh lộng hành quá rồi!

- Này Cahusac, hễ mỗi khi có chuyện gì không được trôi chảy như bữa tiệc chiêu đãi là y như rằng anh lại mở mồm kêu ca, tôi đã ngấy đến tận cổ rồi. Nếu anh muốn tìm một cuộc sống êm đềm thì đừng đi biển, lại càng đừng nên đi biển với tôi, bởi vì với tôi chẳng bao giờ có chuyện êm đềm được. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với anh.

Cahusac chửi bới om sòm, bỏ về hội ý với đồng bọn để quyết định xem phải làm gì.

Còn Blood, vẫn không quên bổn phận thầy thuốc của mình, đến thăm thương binh và ngồi lại ở đó đến tối. Sau đấy chàng lên bờ, đến dinh thống đốc và ngồi vào bàn viết cho Don Miguel một bức thư đầy vẻ khiêu khích, nhưng hết sức lễ độ bằng thứ tiếng Tây Ban Nha bóng bẩy:

"Thưa quan lớn, sáng nay Ngài đã thấy rõ tôi có thể làm được gì, - chàng viết. - Mặc dù ngài trội hơn gấp đôi về người cũng như về tàu và pháo, nhưng tôi đã đánh chìm và bắt sống các tàu trong hải đội của Ngài đang tìm diệt chúng tôi ở Maracaybo. Bây giờ thì Ngài không thể thực hiện những lời đe dọa  của mình được, dù tàu "Santo Nino" mà Ngài đang chờ đợi từ La Guayra có đến kịp đi nữa. Đã có ít nhiều kinh nghiệm, Ngài có thể dễ dàng hình dung ra chuyện gì xảy ra sau đây. Tôi không muốn quấy quả Ngài bằng bức thư này, thưa quan lớn, nhưng tôi là người nhân đạo và rất ghét đổ máu. Bởi vậy, trước khi làm cỏ cái pháo đài mà Ngài cho là bất khả xâm phạm, cũng như mới vừa đây tôi đã xóa sổ cái hải đội mà Ngài cũng cho là vô địch, bởi lòng nhân ái sơ đẳng, tôi xin cảnh tỉnh Ngài một lần cuối cùng. Nếu Ngài để chúng tôi tự do ra khơi, nộp năm chục nghìn peso và một trăm đầu gia súc để chuộc thì tôi sẽ vị tình không hủy diệt thành Maracaybo và sẽ giữ nó nguyên vẹn với cùng với 40 tù binh mà tôi đã bắt được. Trong số này có những nhân vật rất quan trọng mà tôi buộc phải giữ như những con tin cho đến khi chúng tôi ra được ngoài khơi, sau đó họ sẽ được thả về trong những chiếc thuyền mà tôi đã tịch thu để dùng vào việc ấy. Còn nếu Ngài, thưa quan lớn, vì thiếu khôn ngoan mà cự tuyệt những điều kiện nhân nhượng của tôi và buộc tôi phải đánh chiếm pháo đài, dù việc đó có làm nhiều người phải thiệt mạng oan, thì tôi xin báo trước cho Ngài rõ chớ có chờ tôi nương tay. Tôi sẽ bắt đầu trước hết bằng việc biến thành Maracaybo kỳ diệu thành đống gạch vụn...".

Viết xong thư, Blood sai đưa viên phó thống đốc Maracaybo bị bắt ở Gibaranta đến chỗ mình. Sau khi thông báo cho ông ta rõ nội dung bức thư, chàng phái ông ta đem nó đến cho Don Miguel.

Blood đã tính rất đúng rằng viên phó thống đốc Maracaybo là người quan tâm đến việc này hơn hết trong tất cả dân chúng Maracaybo, chắc ông ta phải cứu thành phố bằng mọi giá.

Sự việc đã xảy ra đúng như thế. Viên thống đốc khi đưa thư của Blood gửi Don Miguel quả nhiên đã thêm thắt vào đó những yêu cầu tha thiết của mình.

Nhưng Don Miguel không thèm nghe những lời van xin cầu khẩn ấy. Quả thật hải đội của hắn phần bị bắt, phần bị đánh chìm, nhưng viên đô đốc tự an ủi mình rằng đó là hắn bị đánh úp và thề không bao giờ để xảy ra chuyện đó nữa. Không ai có thể chiếm nổi pháo đài. Dù thuyền trưởng Blood có san bằng Maracaybo đi nữa, nhưng rồi thế nào cũng bị đền tội một cách tàn khốc một khi dám mò ra biển (mà sớm muộn rồi tên kẻ cướp ấy cũng phải làm như thế)!

Viên phó thống đốc cực kỳ tuyệt vọng. Ông ta nổi nóng và to tiếng với đô đốc. Nhưng tên đô đốc lại còn nóng nảy hơn nhiều.

- Nếu ông là một trung thần của Đức Hoàng thượng và không để cho bọn cướp biển khốn nạn ấy đến được đây - cũng như tôi sẽ không để chúng thoát khỏi đó - thì chúng ta đâu có đến nỗi rơi vào tình thế khó khăn như thế này. Bởi vậy tôi yêu cầu ông đừng nói với tôi những lời nhút nhát ấy nữa. Không đời nào lại có chuyện thỏa hiệp với thuyền trưởng Blood, và tôi sẽ thực hiện bổn phận của mình trước Đức vua. Ngoài ra, tôi còn những món nợ riêng với thằng khốn kiếp ấy và tôi định thanh toán sòng phẳng với hắn. Hãy về mà bảo với đứa đã sai ông đến đây như vậy!

Viên phó thống đốc đã đem câu trả lời ấy của tên đô đốc về tòa nhà đẹp đẽ của mình ở Maracaybo mà thuyền trưởng Blood cùng đám đầu lĩnh cướp biển đang chiếm cứ. Tên đô đốc đã tỏ ra không chút nao núng sau tai họa  vừa xảy ra, đến nỗi viên phó thống đốc đã cảm thấy xấu hổ và lúc chuyển lời phúc đáp của hắn cho Blood, ông ta đã tỏ ra hết sức ngang ngược mà giá viên đô đốc được trông thấy hắn phải rất hài lòng.

- Ra thế kia đấy! Blood bình thản mỉm cười mặc dù trái tim của chàng nhói đau, bởi vì dù sao chàng vẫn đã tính sẽ nhận được câu trả lời khác. - Thôi được, tôi lấy làm tiếc là ngài đô đốc ương gàn như vậy. Chính vì thế mà ông ta đã mất hải đội của mình. Tôi ghét tàn phá và đổ máu. Nhưng biết làm sao được. Sáng mai chúng tôi sẽ đưa củi đến đây. Có lẽ đến lúc tận mắt trông thấy đám cháy thì ngài đô đốc mới chịu tin rằng Peter Blood biết giữ lời. Ông có thể lui, Don Francisco.

Mất nốt chút ít dũng khí còn lại, viên phó thống đốc bị bọn áp giải điệu ra, chân bước không vững.

Khi ông ta vừa ra khỏi, Cahusac mặt tái mét nhảy chồm dậy và vừa vung vẩy đôi tay run lẩy bẩy, vừa the thé gào lên:

- Trời tru đất diệt tôi đi! Anh nói sao bây giờ nào? - Rồi không đợi Blood trả lời hắn tiếp: - Tôi biết thừa rằng lão đô đốc ấy không dễ dọa  mà. Hắn đã dồn chúng ta vào bẫy và biết rõ điều đó, còn anh thì lại đi làm hỏng tất cả vì bức thư ngu xuẩn của anh.

- Nói hết chưa? - Blood ung dung hỏi khi gã người Pháp dừng lại để lấy hơi.

- Chưa.

- Thế thì đừng bắt tôi phải nghe những lời mê sảng của anh nữa. Anh chẳng có gì mới để mà nói cả.

- Nhưng còn anh thì nói sao? Anh có thể nói được cái gì nào? - Cahusac rít lên.

- Quỷtha ma bắt anh đi! Tôi tưởng anh có đề nghị gì đó kia chứ. Nhưng nếu anh chỉ lo mỗi một việc là cứu lấy mạng mình thì tốt hơn cả anh và đồng bọn của anh hãy xéo đi. Tôi dám chắc tên đô đốc Tây Ban Nha sẽ rất hài lòng được biết quân số của chúng tôi giảm bớt đấy. Để chia tay nhau, chúng tôi sẽ cấp cho các anh một chiếc thuyền. Hãy đến gặp ngay Don Miguel bởi vì đằng nào các anh cũng chẳng có ích gì.

- Để người của chúng tôi quyết định đã! - Cahusac rống lên rồi cố nén cơn điên, hắn trở về với nhóm của mình.

Sáng sớm hôm sau đến tìm Blood, hắn trông thấy chàng một mình ở sân trong. Blood đang đi bách bộ, đầu cúi gằm. Vẻ đăm chiêu của chàng bị Cahusac hiểu nhầm là sự chán nản.

- Chúng tôi quyết định chấp nhận đề nghị của anh đấy, thuyền trưởng! - hắn nói với giọng thách thức.

Tay vẫn chắp sau lưng, thuyền trưởng Blood dừng lại và hờ hững liếc nhìn tên cướp biển. Cahusac giải thích:

- Tối hôm qua tôi đã gửi thư cho đô đốc Tây Ban Nha và bảo rằng tôi sẽ ly khai anh nếu ông ta để chúng tôi rời khỏi đây theo đúng danh dự nhà binh. Tôi vừa nhận được trả lời của ông ta. Đô đốc đã chấp nhận đề nghị của chúng tôi với điều kiện chúng tôi không được mang theo gì. Người của tôi đã xuống thuyền và chúng tôi sẽ ra đi ngay bây giờ.

- Chúc thượng lộ bình an, - Blood gật đầu đáp rồi quay đi, tiếp tục những suy nghĩ bị gián đoạn của mình.

- Đó là tất cả những gì anh muốn nói với tôi đấy à? - Cahusac thốt lên hỏi.

- Tôi có thể nói thêm với anh vài câu, - Vẫn quay lưng về phía Cahusac, Blood nói, - nhưng tôi biết anh sẽ không hài lòng.

- Thật à? Thế thì vĩnh biệt, thuyền trưởng! - Rồi hắn cay cú nói thêm: - Tôi tin rằng chúng ta sẽ không còn trông thấy nhau nữa.

- Tôi không chỉ tin mà còn mong thế, - Blood đáp.

Cahusac rủa độc rồi chạy ra ngoài. Ngay sáng hôm ấy hắn và đồng bọn đã ra đi, cả thảy chừng sáu mươi tên. Xem ra chúng khá bực vì đã để Cahusac dụ dỗ được mình rút về với hai bàn tay trắng mặc dù Yberville đã hết sức can ngăn. Tên đô đốc đã giữ lới hứa và để chúng tự do đi qua, điều mà một người biết rõ bọn Tây Ban Nha như Blood thậm chí cũng không ngờ đến.

Bọn Cahusac vừa đi khỏi thì có người vào báo rằng phó thống đốc xin chàng tiếp ông ta. Những suy nghĩ ban đêm đã tỏ ra có ích cho Don Francisco. Những suy nghĩ ấy càng làm ông ta biết lo lắng hơn cho số phận của thành Maracaybo cũng như bực mình hơn với thái độ trơ như đá tên đô đốc.

Thuyền trưởng Blood tiếp ông ta rất lịch sự.

- Chúc ông một buổi sáng tốt lành, Don Francisco! Tôi hoãn buổi hoa đăng đến tối. Ban đêm trông sẽ ngoạn mục hơn.

Don Francisco, một ông lão còm cõi, dễ bẳn gắt, tuy dòng dõi cao quí nhưng dũng cảm thì chẳng bằng ai. Được Blood tiếp, ông ta vào việc luôn.

- Thưa thuyền trưởng Blood, tôi muốn xin ông lui việc tàn phá thành phố lại ba hôm nữa. Trong thời gian ấy xin phép để tôi đi thu góp tiền chuộc - năm chục nghìn peso và một trăm đầu gia súc - mà Don Miguel đã từ chối không chịu nộp cho ông.

- Nhưng ông lấy đâu ra mới được chứ? - Blood hơi ngỡ ngàng hỏi.

Don Francisco lắc đầu.

- Đó là việc của tôi, - ông ta đáp, và đồng bào của tôi sẽ giúp tôi trong việc đó. Ông hãy tha tôi ra với lời hứa danh dự, tôi xin để con trai tôi lại đây làm con tin.

Thấy Blood không nói gì, viên phó thống đốc bèn ra sức van vỉ thuyền trưởng chấp nhận lời thỉnh cầu của ông ta. Nhưng Blood đã gằn giọng ngắt lời:

- Thề có tất cả các thánh thần, tôi rất ngạc nhiên thấy ông đem cái chuyện hoang đường ấy ra mà bịp tôi đấy, Don Francisco! Ông biết chỗ có thể gom được tiền chuộc nhưng lại không chịu cho tôi biết. Thế ông có nghĩ rằng ông chỉ chịu mở miệng khi phải ngồi trên thùng thuốc nổ đã châm ngòi rồi không?

Don Francisco hơi tái mặt, nhưng vẫn lắc đầu.

- Morgan, L’Ollonais và bọn hải tặc khác làm thế, nhưng thuyền trưởng Blood thì không thể như vậy. Nếu không biết rõ điều đó thì tôi đã không cầu khẩn ông như thế này.

- A, lão bợm già! - Peter Blood phá lên cười. Ông định trông chờ vào lòng độ lượng của tôi đấy phải không?

- Vào danh dự của ông, thưa thuyền trưởng!

- Danh dự của một tên cướp biển à? Không, chắc là ông điên rồi!

Nhưng Don Francisco vẫn khăng khăng:

- Tôi tin ở danh dự của thuyền trưởng Blood. Người ta bảo rằng ông chiến đấu như một đấng trượng phu.

Thuyền trưởng Blood lại phá lên cười, nhưng lần này tiếng cười của chàng có pha lẫn vị nhạo báng, và cái đó đã làm Don Francisco lo ngại cho kết quả của cuộc nói chuyện. Ông ta không thể ngờ rằng đó là Blood nhạo báng chính mình.

- Thôi được, - thuyền trưởng nói. - Đành phải thế thôi vậy, Don Francisco. Tôi cho ông ba ngày như ông yêu cầu.

Được giải thoát, Don Francisco đi ngay để thực hiện phận sự của mình, còn thuyền trưởng Blood thì lại tiếp tục nghĩ đến chuyện cái tiếng tăm hiệp khách ở mức độ mà nó có thể dung hòa với thành tích của một tên cướp biển đôi khi cũng có thể có ích.

Chiều ngày thứ ba, viên phó thống đốc Maracaybo trở về cùng với những con lừa thồ tiền và những thỏi kim loại quí. Phía sau là đàn gia súc một trăm con do các nô lệ da đen lùa theo.

Gia súc được giao cho những tay cướp biển trước đây làm nghề săn bắn và biết cách ướp thịt để dành. Gần suốt một tuần lễ chúng phải xoay trần bên bờ sông để xẻ và ướp thịt.

Trong khi việc dự trữ lương thảo và sửa chữa tàu bè đang được tiến hành, thuyền trưởng Blood vẫn không ngừng suy tính về vấn đề quyết định số phận của chàng. Những người da đỏ đi do thám về báo cho chàng biết rằng bọn Tây Ban Nha đã dỡ được ba mươi khẩu pháo từ tàu "Salvador" và vì thế hỏa lực pháo binh vốn đã mạnh ở pháo đài đã được tăng cường thêm một pháo đội nữa. Cuối cùng, hy vọng rằng trên thực địa chàng sẽ dễ dàng suy tính hơn, thuyền trưởng Blood quyết định tự mình đi điều tra lấy. Dưới màn đêm, cùng với hai người da đỏ vốn căm ghét bọn Tây Ban Nha tàn bạo, chàng liều mạng chèo thuyền qua đảo, rồi nấp trong những bụi cây lúp xúp phủ kín bờ, chàng nằm lại ở đấy đến sáng. Sau đó Blood một mình lặn lội đi thám sát hòn đảo và bò vào gần pháo đài, còn gần hơn khoảng cách mà sự thận trọng cho phép.

Nhưng chàng vẫn coi thường nguy hiểm để kiểm tra lại những nghi ngờ đã nảy sinh trong chàng.

Cái mỏm đồi nơi Blood bò lên nằm cách tiền đồn chừng một dặm. Từ đấy sự bố phòng bên trong pháo đài trông rõ như lòng bàn tay. Bằng ống nhòm, chàng đã khẳng định được những nghi ngờ của mình: đúng, quả nhiên tất cả khẩu pháo của tiền đồn đều hướng ra biển.

Hài lòng với kết quả, chàng quay về Maracaybo và đưa ra đề nghị tấn công pháo đài từ phía bờ đảo trông vào đất liền để Pitt, Hagthorpe, Yberville, Wolverstone, Dyke và Ogle thảo luận. Lợi dụng bóng tối, họ sẽ chuyển quân sang đảo, tấn công bất ngờ vào bọn Tây Ban Nha và đánh tan quân đồn trú trước khi chúng kịp di chuyển lại pháo để đánh trả.

Đề nghị của Blood được tất cả các sĩ quan đón tiếp một cách lạnh nhạt, trừ Wolverstone, một người vốn vẫn ưa mạo hiểm, nhưng Hagthorpe thì gạt phắt ngay.

- Đó là một hành động nông nổi, Peter ạ - gã lắc đầu nói. -Anh đã nghĩ đến chuyện chúng ta không thể áp sát pháo đài ở khoảng cách có thể xung phong chưa? Bọn Tây Ban Nha không những kịp phát hiện ra chúng ta, mà còn kịp di chuyển pháo nữa là khác. Mà dù có bí mật áp sát pháo đài đi nữa thì chúng ta cũng không mang pháo theo được và chỉ có thể trông cậy vào binh khí nhẹ mà thôi. Chẳng nhẽ anh lại nghĩ rằng ba trăm tay liều mạng - sau việc Cahusac đào ngũ thì quả thực họ chỉ còn có thế - mà có thể tấn công được một kẻ địch đông gấp đôi có công sự che chở hay sao?

Những người khác - Dyke, Ogle, Yberville và ngay cả Pitt nữa - nhao nhao đồng tình với Hagthorpe. Blood chăm chú nghe những lời phản đối và cố gắng biện bạch rằng chàng đã tính đến mọi khả năng, đã cân nhắc mức độ mạo hiểm...

Rồi đột nhiên Blood im bặt, nghĩ ngợi một thoáng rồi trong ánh mắt chàng chợt bừng lên một tia hào hứng. Chàng gục đầu suy tính gì đó một lúc, mồm lẩm nhẩm hết "được" lại "không", rồi chàng ngẩng lên, mạnh dạn nhìn các sĩ quan của mình, nói lớn:

- Phải! Tất nhiên các anh nói đúng, như vậy quả là mạo hiểm. Nhưng tôi đã nghĩ ra cách rồi. Cuộc tấn công mà chúng ta dự tính chỉ là để nghi binh thôi. Tôi có một kế hoạch thế này, chúng ta bàn xem!

Blood nói nhanh, mạch lạc, và chàng nói đến đâu vẻ mặt của các sĩ quan càng sáng lên đến đấy. Và lúc chàng chấm dứt lời phát biểu ngắn gọn của mình thì tất cả cùng đồng thanh kêu lên rằng họ sẽ thoát hiểm.

- Ấy, cái đó phải chứng minh đã, - chàng nói.

Họ quyết định ngay sáng hôm sau sẽ rời khỏi Maracaybo bởi vì mọi việc chuẩn bị lên đường đã hoàn tất và không còn gì giữ chân đoàn cướp biển nữa.

Tin chắc vào sự thành công của mưu kế, thuyền trưởng ra lệnh thả hết con tin và thậm chí cả các nô lệ da đen mà mọi người ai cũng coi là chiến lợi phẩm hợp pháp. Điều phòng ngừa duy nhất đối với các tù binh được thả là tất cả bọn họ bị nhốt vào ngôi nhà thờ rộng xây bằng đá và khóa trái cửa lại. Những tù binh này sẽ được dân chúng trong thành phố cứu ra lúc nào họ trở về.

Nhét tất cả những của cải đoạt được xuống hầm tàu, bọn cướp giương buồm tiến ra phía cửa biển, mỗi tàu kéo theo sau ba chiếc xuồng.

Trông thấy những cánh buồm của bọn cướp biển sáng rực lên trong ánh nắng trưa, tên đô đốc khoái trá xoa đôi tay dài ngoẵng, khẳng khiu và cười nham hiểm.

- Có thế chứ! - hắn đắc chí nói. - Chính chúa trời đã xua chúng vào tay ta. Sớm muộn gì chuyện đó cũng phải xảy ra. Nào, các ngài hãy nói xem, - hắn quay sang bọn sĩ quan đang đứng sau lưng mình - Chẳng phải ta đã liệu việc như thần đó sao? Vậy là hôm nay tất cả những tai ách mà tên khốn kiếp Don Pedro Sangre - như hắn đã một lần tự xưng với ta - gây ra cho các thần dân của Đức vua Công giáo sẽ chấm dứt.

Ngay lập tức, những mệnh lệnh cần thiết được truyền xuống và chẳng mấy chốc pháo đài đã biến thành một ổ ong nhộn nhịp. Bọn pháo thủ tập hợp bên những khẩu đại bác, những tên khẩu đội trưởng cầm trong tay những cây bùi nhùi nghi ngút khói, nhưng hải đội cướp biển đang trên đường tiến đến Las Palomas không hiểu sao lại đi chệch sang hướng tây. Bọn Tây Ban Nha lúng túng theo dõi kiểu hành quân lạ lùng của những tàu cướp biển.

Cách pháo đài chừng một dặm rưỡi và cách bờ đảo chừng nửa dặm, nghĩa là ở ngay mép bãi cạn, cả bốn chiếc tàu bắt đầu thả neo đúng vào chỗ bọn Tây Ban Nha vẫn còn nhìn rõ nhưng lại ngoài tầm của những khẩu pháo bắn xa nhất trên pháo đài.

Tên đô đốc đắc chí cười.

- A ha! Bọn chó Anh này hoảng rồi! Thề có Chúa chúng có đủ lý do để nghĩ như vậy!

- Chúng sẽ chờ ở đó đến tối, - cậu cháu hắn phán đoán, toàn thân run lên vì kích động.

Don Miguel mỉm cười nhìn cậu ta.

- Nhưng đêm tối thì có ích gì cho chúng trong cái lạch hẹp này, dưới những họng pháo của ta? Cháu cứ yên tâm, Esteban, đêm nay chúng ta sẽ rửa thù cho cha cháu, tức là cho em trai ta.

Hắn đưa ống nhòm lên và không dám tin ở mắt mình khi thấy những chiếc xuồng mà bọn cướp kéo theo sau bây giờ đã được lôi lại sát các tàu. Hành động ấy hắn không hiểu ra sao cả, nhưng bước tiếp theo lại càng làm hắn ngạc nhiên hơn: dập dềnh ở phía mạn bên kia những chiếc tàu một lúc, từng chiếc xuồng đầy lính có vũ trang đầy đủ lại lần lượt xuất hiện, rồi vòng qua con tàu, chúng tiến thẳng về phía đảo. Những chiếc xuồng chèo đến các bụi cây rậm phủ kín bờ đảo tới tận mép nước. Tên đô đốc trố mắt dõi theo những chiếc xuồng cho đến khi chúng khuất hẳn trong lùm cây ven bờ:

- Chuyện quỷ quái gì thế nhỉ?! - hắn hỏi bọn sĩ quan của mình.

Không ai đáp lại câu hỏi của hắn, cả bọn đều ngơ ngác nhóng mắt ra xa. Hai ba phút sau, vẫn không rời mắt khỏi mặt nước, Esteban kéo áo tên đô đốc rồi trỏ tay kêu lên:

- Chúng kia rồi, bác kìa!

Theo tay cậu ta chỉ, quả nhiên thấy những chiếc xuồng ló ra. Chúng đang chèo ngược về phía tàu, nhưng trong xuồng lúc này ngoài các tay chèo không còn thấy bóng dáng ai nữa. Bọn cướp biển có vũ trang đã ở lại trên bờ.

Những chiếc xuồng trở về tàu rồi lại chở sang Las Palomas một toán lính vũ trang khác. Cuối cùng một viên sĩ quan Tây Ban Nha phát biểu:

- Chúng định tấn công ta từ phía đất liền và chắc là muốn công phá pháo đài.

- Đúng thế - tên đô đốc mỉm cười. - Ta đã đoán ra ý đồ của chúng rồi. Nếu thánh thần muốn trừng trị ai thì trước hết Ngài làm kẻ đó mất trí đã.

- Hay là chúng ta kéo ra đánh phủ đầu chúng? - Esteban nói sôi nổi.

- Đánh phủ đầu? Qua các bụi cây kia ư? Để chúng tỉa dần ta đi hay sao?

Không, ta sẽ đợi chúng tại đây. Và một khi chúng vừa bắt đầu tấn công, ta sẽ diệt chúng ngay tức khắc. Các ngài chớ nghi ngờ điều đó.

Tuy nhiên đến chiều thì tên đô đốc không còn tự tin như vậy nữa. Trong thời gian đó những chiếc xuồng đã đi về sáu chuyến để đưa quân lên bờ và, như Don Miguel tận mắt trông thấy qua ống nhòm, chúng đã chuyển lên ít nhất là mười hai khẩu pháo.

Hắn đã thôi không dám cười nữa. Quay lại đám sĩ quan, hắn nói, nửa bực dọc, nửa lo lắng:

- Đứa chết tiệt nào dám bảo ta rằng bọn cướp biển không qua ba trăm tên? Chúng đã đưa ít nhất gấp đôi số đó lên bờ rồi.

Tên đô đốc ngạc nhiên, nhưng sự ngạc nhiên của hắn có lẽ phải tăng gấp đôi nếu có ai bảo hắn rằng trên bờ đảo Las Palomas không có lấy một tên cướp biển và một khẩu pháo nào. Don Miguel chịu không đoán nổi rằng những chiếc xuồng ấy chở vẫn chỉ những người ấy: lúc vào thì chúng đứa đứng đứa ngồi trên xuồng, nhưng lúc ra thì cả bọn nằm dán xuống lòng xuồng nên từ xa trông cứ như trong xuồng không có ai cả.

Cơn hoảng sợ mỗi lúc một tăng trong đám lính Tây Ban Nha trước trận đánh ác liệt không thể tránh khỏi đã bắt đầu lây sang cả tên đô đốc.

Bọn Tây Ban Nha sợ đánh đêm vì chúng biết rằng tay thuyền trưởng Blood đáng gờm ấy có trong tay một lực lượng lớn gấp đôi trước đó.

Và đến xẩm tối thì bọn Tây Ban Nha đã làm cái mà Blood trông đợi: chúng bắt đầu xúc tiến các biện pháp đánh trả một cuộc tấn công từ phía bờ mà đám cướp biển đã dàn dựng một màn chuẩn bị công phu như thế. Bọn Tây Ban Nha hùng hục như trâu kéo những khẩu pháo nặng nề vẫn được bố trí để khống chế lối đi hẹp ra biển.

Vừa kêu ca rên rỉ, mình mẩy nhễ nhại mồ hôi, bị thúc giục bởi những lời chửi rủa dậm dọa  và những ngọn roi của bọn sĩ quan, chúng vội vã và hốt hoảng kéo những khẩu trọng pháo của mình qua hết khu vực pháo đài chuyển sang hướng trông vào đất liền. Cần phải bố trí lại toàn bộ. Để chuẩn bị đánh trả cuộc tấn công đang sắp nổ ra bất cứ lúc nào.

Và khi màn đêm buông xuống, bọn Tây Ban Nha ít nhiều đã chuẩn bị phòng thủ xong. Chúng đứng bên những khẩu pháo của mình, lo sợ cuộc công thành sắp đến. Sự gan góc đến mức rồ dại của lũ quỷ điên trong toán cướp của thuyền trưởng Blood từ lâu đã lan truyền trên suốt dải bờ biển xứ Main...

Nhưng trong khi chúng đang chờ đợi cuộc tấn công thì hải đội cướp biển được màn đêm che chở đã lợi dụng triều xuống lặng lẽ nhổ neo. Mò mẫm dò đường bằng dây đo sâu, bốn chiếc tàu không đèn không lửa âm thầm kéo ra cửa biển hẹp. Thuyền trưởng Blood ra lệnh hạ hết buồm, trừ các buồm chính mũi được nhuộm đen vẫn giương lên để bảo đảm cho tàu cơ động.

Đi trước là "Elizabeth" và "Infanta" mạn áp mạn cùng tiến. Lúc chúng đi ngang qua pháo đài, bọn Tây Ban Nha vì đang mải theo dõi hướng trong bờ nên chỉ thấy hình dáng lờ mờ của những con tàu trong bóng đêm, chỉ nghe tiếng đập khe khẽ của mũi tàu cắt nước và tiếng nước xoáy ở đuôi tàu. Và ngay lúc ấy, giữa màn đêm tĩnh mịch bỗng dội lên tiếng gầm điên khùng bất lực mà chắc chưa ai được nghe kể từ ngày xảy ra cuộc náo loạn ở tháp Babel[4].

Để làm tăng thêm sự hoảng loạn của bọn Tây Ban Nha, đúng lúc được nước triều đang rút nhanh đẩy ngang qua pháo đài, "Elizabeth" nhằm thẳng vào pháo đài nổ một loạt đạn bằng tất cả những khẩu pháo mạn trái.

Mãi đến lúc ấy tên đô đốc mới hiểu rằng hắn đã bị lừa và con chim đã bình yên sổ lồng, mặc dù hắn còn chưa rõ việc ấy xảy ra như thế nào. Trong cơn giận dữ điên cuồng, Don Miguel ra lệnh đưa những khẩu pháo vừa phải vất vả lắm mới chuyển đi được kia về vị trí cũ. Trong toàn bộ số vũ khí hùng hậu nhưng bây giờ đã trở nên vô dụng hắn chỉ để lại mấy khẩu pháo yếu ớt bảo vệ lối ra biển. Tên đô đốc xua vội bọn pháo thủ đến những khẩu pháo đó. Và phải mất thêm mấy phút quý  báu nữa, rốt cuộc chúng cũng phát hỏa được.

Đáp lại là một loạt pháo kinh hồn của "Arabella" lúc này đã giương hết buồm. Bọn Tây Ban Nha đang tức điên, thoáng nhìn thấy thân tàu sơn đỏ của nó rực lên trong quầng lửa loạt pháo kích. Tiếng dây kéo buồm nghiến kèn kẹt chìm trong tiếng nổ, và "Arabella" mất hút như một bóng ma.

Lẫn trong bóng tối che chở mình tránh những phát đạn hỗn loạn hú họa  của bọn Tây Ban Nha, những chiếc tàu đang rút lui không bắn thêm một phát nào để khỏi lộ vị trí của mình đối với bọn Tây Ban Nha đang luống cuống và ngơ ngẩn vì bị lừa.

Các tàu hư hại không đáng kể. Nương theo gió nồm nhè nhẹ, hải đội của Blood đã vượt qua cửa biển và ra khơi.

Còn Don Miguel ở lại trên đảo thì hóa điên vì đã để mất một cơ hội tính sổ với Blood, một cơ hội tưởng như tuyệt vời nhưng bây giờ đã tuột khỏi tay, và nghĩ xem phải dùng lời lẽ như thế nào để báo cáo cho hội đồng tối cao của Đức vua công giáo về việc để Blood thoát khỏi Maracaybo với hai chiếc frigate hai mươi pháo vốn là của Tây Ban Nha, chưa kể đến hai trăm năm chục nghìn peso và đủ thứ của cải khác bị cướp đoạt. Blood đã đi thoát, bất chấp Don Miguel có trong tay bốn chiếc galleon và một pháo đài hùng mạnh cho phép quân Tây Ban Nha nhốt chặt bọn cướp trong một cái bẫy chắc chắn.

"Món nợ" của Peter Blood đã trở thành khổng lồ, và Don Miguel nghiến răng ngửa mặt lên trời thề rằng sẽ đòi bằng hết, dù có phải trả bằng giá nào.

Tuy nhiên, thiệt hại của đức vua Tây Ban Nha chưa phải thế đã hết. Chiều hôm sau hải đội của Blood đã gặp "Santa Nino" ở gần đảo Oruba. Con tàu đang giong hết buồm vội vã chạy đến Maracaybo tiếp ứng cho Don Miguel. Thoạt tiên bọn Tây Ban Nha cho rằng đó là hạm đội của Don Miguel đắc thắng trở về sau khi đánh tan bọn cướp. Nhưng khi nhóm tàu đến gần và trên cột buồm giữa của "Arabella" phấp phới lá cờ đuôi nheo của Anh - cảnh tượng ấy đã làm bọn Tây Ban Nha cực kỳ thất vọng - thì viên thuyền trưởng của "Santa Nino" nghĩ rằng, lòng dũng cảm không phải lúc nào cũng có ích, bèn hạ cờ trên cột buồm của mình.

Thuyền trưởng Blood ra lệnh thủy thủ đoàn của chiếc tàu Tây Ban Nha xuống xuồng và muốn ghé Oruba, muốn đến Maracaybo hay trèo lên chóp sừng quỷ sứ mặc lòng. Chàng tỏ ra đại lượng đến nỗi tặng luôn cho chúng những chiếc xuồng mà các tàu của chàng đang kéo theo.

- Ông sẽ gặp Don Miguel trong lúc ông ta đang không được vui lắm. Hãy chuyển giúp lời chào của tôi tới ngài đô đốc và bảo ông ta rằng tôi xin mạo muội nhắc nhở ông ta thế này: mọi tai họa  ụp xuống đầu ông ta đều do lỗi ở một mình ông ta mà thôi. Điều ác mà ông ta đã nhúng tay vào khi cho phép em mình tiến hành một cuộc viếng thăm không chính thức lên đảo Barbados đã quả báo gấp ba. Bảo ông ta hãy suy nghĩ hai ba lần trước khi để cho lũ quỷsứ của mình mò lên một khu dân cư nào đó của nước Anh.

Nói đoạn, chàng thả thuyền trưởng "Santo Nino" và bắt tay vào xem xét chiến lợi phẩm vừa chiếm được. Mở các cửa khoang, bọn cướp biển phát hiện thấy trong hầm tàu nhốt đầy người.

- Nô lệ, - Wolverstone thốt lên và lớn tiếng thóa mạ bọn Tây Ban Nha cho mãi đến khi từ trong đó chui ra Cahusac mắt nheo nheo chớp chớp lia lịa vì chói nắng.

Gã Breton nhăn nhó tất nhiên không chỉ vì nắng. Và bọn chui ra sau hắn - những gì còn sót lại từ thủy thủ đoàn của hắn - hết lời nguyền rủa Cahusac hèn nhát đã làm chúng phải một phen nhục nhã vì những người cứu chúng chính là những người mà chúng đã phản bội bỏ lại bất kể sống chết.

Ba hôm trước "Santa Nino" đã đánh đắm chiếc thuyền mà Blood đã hào hiệp tặng chúng. Cahusac suýt nữa thì bị treo cổ, nhưng hắn thoát được chắc chỉ để làm trò cười cho đám "hải hồ huynh đệ" trong nhiều năm sau đó mà thôi.

Và sau này, ở Tortuga người ta vẫn nhạo báng hỏi hắn:

"Thế mày giấu đi đâu số vàng của mày ở Maracaybo rồi hở?".

Chú thích:

[1] Một đường phố ở London - Anh.

[2] Một đường phố ở Madrit - Tây Ban Nha.

[3] Vận may trợ giúp kẻ có gan (tiếng La tinh).

[4] Theo Kinh thánh, các thánh thần đã làm cho những người xây dựng tháp Babel không hiểu tiếng nhau để ngăn chặn họ xây tháp cao đến tận trời.