Cọng Rêu Dưới Đáy Ao

Chương XV

Dễ chừng anh đã hút đến năm, sáu điếu thuốc lá cuốn, hút hết điếu này cuốn điếu khác. Anh vừa hút vừa mê mẩn nghe hai cán bộ bộ đội nói chuyện với nhau, trong đó có một cậu tên là Thắng. Qua câu chuyện anh biết được hai cậu này ở quê huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Anh thấy trên cổ Thắng có một cái sẹo, nếu đúng cậu ta thuở nhỏ mang biệt danh là “Thắng sẹo” thì hồi kháng chiến chống Pháp anh đã từng đóng quân trong nhà. Anh vờ nói một tiếng vu vơ: “Thắng sẹo”. Thắng quay sang nhìn anh có vẻ tò mò: “Sao bác này lại biết mình là Thắng sẹo?” Anh mạnh dạn hỏi chuyện thì hoàn toàn đúng như anh dự đoán.

“Thế bác là bác Hiền à?”

“Vâng…”

“Bác Hiền thật à? Sao cháu lại được gặp bác ở đây?”

“Làng bác ở gần đây”.

“Làng bác ở gần đây?”

Anh chỉ tay:

“Đấy… làng bác ở dưói chân núi Hai Vai. Hồi đóng quân trong nhà, bác vẫn thường kể cho cháu nghe sự tích ông thần Núi cháu có nhớ không, chính là núi này!”

“Cháu nhớ rồi! Cháu nhớ rồi! Ai xui cho bác cháu mình lại được gặp nhau?”

Cuộc gặp gỡ bất ngờ trong quán nước chè xanh bên đường số Bẩy hôm ấy đã trở thành” sự kiện” trong chuỗi ngày buồn tủi của anh, một “sự kiện” dẫn dắt anh đến một cuộc sống thoải mái hơn nhưng cũng mang anh đến với nỗi bất hạnh lớn.

Cánh đây chừng mười lăm năm, Thắng mới mười một tuổi, đơn vị bộ đội đóng quân tại Hạ Hoàn, anh Hiền ở trong nhà Thắng. Tình quân dân thắm thiết, Thắng suốt ngày quấn quýt với các chú vệ quốc đoàn. Anh Hiền dạy hát, kể chuyện cổ tích cho Thắng nghe… Thế rồi anh Hiền cùng đơn vị ra chiến dịch. Gia đình Thắng không hy vọng có ngày anh trở lại. Thời buổi chinh chiến… Hai bác cháu gặp lại nhau tại quán nước hoàn toàn là một điều bất ngờ. Thắng thường rẽ vào nhà anh chơi, nhiều hôm ăn cơm và ngủ lại. Thắng không ngờ người đại đội trưởng năm ấy, đi giày chân chì, mặc áo bốn túi, mang súng lục, bây giờ lại sống khổ cực như thế này. Mỗi lần vào chơi, Thắng thường biếu anh một món quà có giá trị về vật chất: một cái chăn hoa, một cái màn tuyn, thậm chí cả tiền…

Qua lại nhiều lần, Thắng đem lòng yêu mến cô con gái đầu của anh, tình cảm giữa bác cháu càng bền chặt hơn. Ngoài tình cảm đứa cháu với chú bộ đội năm xưa, còn cộng thêm tình cảm của bố vợ với con rể, Thắng chu cấp cho gia đình anh một số vật dụng cần thiết.

Cuộc sống khốn khó của anh có lẽ dễ chịu hơn một chút, nhưng chỉ cần dễ chịu hơn một chút là anh đã cư xử rộng rãi với mọi người. Như một quán tính của phong cách thời kỳ tại ngũ, gặp bạn bè là anh moi đồng tiền cuối cùng trong túi để đãi nhau, bây giờ cũng vậy. Có một ít cà phê, ai đến anh cũng mời, kể cả những bác nông dân không biết uống cà phê. Có một chai mật ong, anh cũng mang cho người đau dạ dày, cho trẻ em sơ sinh đánh tưa lưỡi, cho phụ sản mất máu. Không có ai để cho thì anh gọi ông bạn láng giềng sang pha mật vào rượu cùng uống cho vui. Có một cân bột sắn dây, anh đổ tất tần tật vào nồi để nấu chè cả nhà cùng ăn, ăn không hết thì ai vào chơi anh cũng mời ăn một bát… Bá bắt được con lươn, mang đến cho anh để nấu ăn bữa tối, anh giữ kỳ được Bá ở lại cùng ăn, nể quá Bá đành nhận lời. Nhưng lúc ngồi vào mâm, anh rót rượu định vui với Bá vài chén, Bá chối đây đẩy: “Tôi có biết uống rượu đâu”. Anh đặt chén xuống, chạy sang gọi chú cu Thọ. Chú nghiện rượu, uống hết cả chai, anh chỉ uống hai lưng chén, nhưng anh cảm thấy vui lắm vì có người cùng “đối tửu” với mình.

Do một thời gian dài đi đây đi đó, giao lưu nhiều với bạn bè, anh lấy cái vui của tình bằng hữu để làm một trong những điểm tựa của đời mình. Khi có tiền anh chi tiêu thoải mái cho đến hết thì thôi. Suốt mấy năm ở nhà, túng thiếu, sự giao lưu đó bị hạn chế, anh cảm thấy bức bối khó chịu như cái cống bị tắc, nay có được ít tiền anh lại buông ra, không có bạn hữu thì có bà con làng xóm. Cách chi tiêu đó hoàn toàn không phù hợp với tính cách của người làng tôi vốn tằn tiện từng đồng xu, từng hạt gạo. Một số cán bộ địa phương vào chơi được anh mời uống cốc cà phê, uống chén rượu, pha mật ong hoặc nhai kẹo mè xửng nhưng ra khỏi ngõ là thì thầm với người khác: “Cái lão Hiền này lấy tiền ở đâu ra mà ăn chơi sang như vậy”.

Cái vòng đi luẩn quẩn của anh đã đến tột cùng luẩn quẩn. Chỉ trong chừng mười năm mà anh trải qua bao nhiêu nghề, làm bao nhiêu công việc khác nhau: cắt tóc, thợ xây, dậy học, viết khẩu hiệu, mở hiệu thuốc, sửa nhà… Có thời kỳ anh huy động toàn tâm toàn lực để trau dồi một nghề thật thành thạo là nghề thợ may, rồi cũng thất bại. Biết làm gì bây giờ? Khi đã đi đến cuối đường hầm của cái vòng luẩn quẩn, đầu óc anh chợt lóe lên tia sáng của lí trí, anh đã tìm được một công việc vừa nhàn nhã vừa thu được ít tiền, vừa có ích cho bà con địa phương. Gương mặt anh tươi tỉnh hẳn lên. Người có thể tin cẩn để anh trao đổi, bàn bạc là Bá.

“Có lần tôi xuống Thịnh Mỹ chơi và dự một đám cưới thấy người ta dùng loa để hò hát, bà con rất thích và đến dự rất đông. Hỏi ra mới biết cái loa và bộ ăm-li là của người bạn thân của tôi. Ông bạn cho biết là bộ ăm-li ấy được dùng trong nhiều trường hợp, đám cưới nào cũng thuê. Đại hội Đảng bộ cũng thuê, đại hội xã viên cũng thuê, đội văn công xã cũng thuê trong các đêm biểu diễn… Tôi định mua một bộ ăm-li bác thấy có được không?”

Bá hưởng ứng ngay lập tức:

“Hay! Hay!”

“Liệu có ai gây khó dễ gì không hả Bá?”

“Chú nói buồn cười, chú làm một công việc có lợi cho cả làng, cả xã mà lại có người gây khó dễ. Với lại cả làng, cả xã này ai chẳng biết chú túng thiếu bây giờ chú sắm được bộ ăm-li người ta mừng cho chú.”

Nghe Bá nói, anh Hiền càng yên tâm. Anh vào tận Vinh để tìm mua cho được một bộ ăm-li mang về. Chưa kịp nghỉ ngơi cơm nước gì anh đã bắc loa, mở ăm-li tiếng loa vang cả xóm. Mọi người kéo nhau đến đầy nhà đầy sân.

“Chú Hiền có cái máy nói nghe rất to”.

“Ông Hiền tài lắm chúng mày ơi! Cái máy của ông mở ra thì khắp xóm nghe được”.

“Bác Hiền biết cắt tóc, biết máy may, bây giờ có cả máy nói chỉ cần ghé mồm vào nói nho nhỏ là cái máy phát ra hàng trăm người cùng nghe”.

Tiếng đồn “ông Hiền có máy nói” loang ra khắp xóm, khắp làng, khắp xã. Chẳng hiểu là có lợi lộc gì không, có thu được đồng tiền, đồng nong nào không nhưng trước hết anh thấy vui. Anh vui với mọi người, mọi người cùng vui với anh, cái niềm vui ấy làm cho cuộc sống của anh bớt nặng nề. Anh mang bộ ăm-li đi thử trong một vài đám cưới. Người đến dự khá đông, chủ yếu là đến để xem “cái máy nói của ông Hiền”. Xúm quanh cái máy nói, ông Giản hát một bài dân ca, ông Định hát mấy câu vọng cổ, ông Việt lên giọng hát dăm câu tuồng trong vở “Thuý Văn Long”, ông Hoe Nghi gân cổ diễn lại vai Triệu Tử Long… Đám cưới kéo dài từ chập tối cho đến quá nửa đêm mọi người đã ra về, ông cu Đính vẫn rán ngồi thêm để thử lại giọng của mình có còn trong như hồi còn trai. Ông Đoàn Hệ vốn là con hát cũ đã bỏ nghề hơn ba chục năm không ngủ yên được, chạy tới ghé vào máy ôn lại mấy làn điệu trong vở chèo “Đặng Xuân”…

Bà con lại càng đến chơi đông đúc ở nhà anh Hiền. Sắp đến Tết, Thắng biếu anh hai tút thuốc lá “Ba số”. Anh chẳng để dành cứ đặt giữa bàn ai đến cũng hút. Người này nói với người kia “Ông Hiền có thuốc lá Ba số từ nước Anh đưa sang ngon nhất thế giới”. Thuốc lá ngon nhất thế giới tội gì mà không đến hút một điếu cho khoái đời! Người này rủ người kia tới nhà ông Hiền để thưởng thức thuốc lá ngon nhất thế giới. Người đã quen hút thuốc lá đã đành, nhưng người chưa hề bao giờ ngậm điếu thuốc lá hoặc điếu thuốc lào cũng phì phèo một điếu ba số. Thậm chí có người cả đời chuyên rít ống điếu cũng xoè diêm châm lửa ngậm ba số. Điếu thuốc đang cháy dở, đặt xuống cầm ống điếu rít một hơi rồi lại ngậm ba số, rồi lại rít thuốc lào, rồi lại ngậm ba số, rồi lại rít thuốc lào, rồi lại ngậm ba số… Trong vòng dăm hôm là hai tút thuốc hết vèo.

Chiều ba mươi tết Thắng về lại biếu bổ sung một tút nữa thế là anh Hiền vẫn có loại “thuốc lá ngon nhất thế giới” để tiếp tiếp khách trong ngày Tết. Bà con làng xóm chẳng tham lam gì điếu thuốc, nhưng tò mò muốn biết “thuốc lá ngon nhất thế giới” nó như thế nào, mùi vị nó ra làm sao, rít vào thì ngây ngất đến mức nào, kéo nhau đến chơi Tết. Anh Hiền pha cà phê mời họ nhấp một chút, rót rượu mời họ nhấp một chút. Tất cả đều nhạt nhẽo. Sự huyên truyền đánh lừa họ, cảm giác đánh lừa họ, họ thấy cái loại “thuốc lá ngon nhất thế giới” quả là tuyệt vời và hút một cách vô tư, mấy đồng chí cán bộ xã cũng đến chơi Tết và rít vài ba điếu cho vui, nhưng ra khỏi ngõ là thì thầm với nhau “cái lão Hiền lấy tiền ở đâu ra mà ăn chơi sang như vậy”. “Cái cậu Thắng hay lui tới nhà ông Hiền là bộ đội không quân thường xuyên đem xăng máy bay về cho ông Hiền để ông Hiền bán lấy tiền tiêu xài. Một lít xăng máy bay trị giá vài triệu đô la”. Tin tung ra thất thiệt, một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn…

Đùng đùng một buổi sáng mùa xuân năm 1984 anh Hiền bị khám nhà!

Anh Hiền bị khám nhà!

Anh Hiền bị khám nhà!

Thành phần đội khám nhà bao gồm: trưởng công an huyện, trưởng công an xã, một đại diện đơn vị của Thắng. Chỉ dăm bẩy phút sau là tin đã truyền đi khắp làng Hậu Luật, rồi lan truyền sang các làng Vân Tập, Thanh Lý, Xuân Viên. Một tin thời sự hệ trọng và nóng hổi: anh Hiền trữ xăng máy bay bị khám nhà.

Trữ xăng máy bay là tội nặng lắm, kho xăng máy bay của nhà nước có bộ đội tinh nhuệ đặc biệt bảo vệ suốt ngày suốt đêm, sao ông Hiền lại có. Thế mới biết là tay Hiền ghê gớm. Cái cậu Thắng ấy là bộ đội không quân, có lẽ cậu ta làm nhiệm vụ bảo vệ kho xăng. Nhưng cậu Thắng phải là chỉ huy đơn vị bảo vệ kho xăng thì mới lấy được xăng, chứ chiến sĩ trơn thì làm sao mà lấy được.

Xăng máy bay là hàng quốc cấm, là mặt hàng tuyệt mật quân sự, tay Thắng dám liều mạng đánh cắp, gan thật! Loại xăng mà làm cho máy bay bay được trên trời đắt hơn vàng, nhà nước ta phải đem mấy cân vàng mới đổi được một cân xăng.

Nghe nói quân đội ta tấn công vào Sài Gòn có phát hiện được kho xăng máy bay của Mỹ, một anh giải phóng quân thấy Nguyễn Văn Thiệu đang xoè bật lửa định đốt thì anh hô lên một tiếng rất to, Nguyễn Văn Thiệu nhảy lên máy bay trực thăng chuồn ra nước ngoài như chó cụp đuôi… Phen này thì chắc chắn ông Hiền phải ngồi tù mọt xương. Ông ta bị tù vì cái tội trữ xăng máy bay thì cả làng này không ai nhỏ một giọt nước mắt. Chẳng trách mấy lâu nay ông ta sống xa hoa, khi nào cũng có kẹo mè xửng, cà phê, rượu Tây, lại có tiền mua được bộ ăm-li, lại có cả loại thuốc lá ngon nhất thế giới…

À, nghe nói cái kho xăng của thằng Mỹ ở Sài Gòn nằm sâu trong lòng đất mấy trăm mét chỉ có Bộ chính trị biết. Khi cần lấy xăng thì một đơn vị bộ đội đặc biệt cho vòi thọc sâu xuống rồi hút lên. Cho nên cái đám bộ đội đặc biệt ấy cũng không rõ đích xác cái kho xăng máy bay nằm ở chỗ nào. Đảng mình đưa người đến gác kho xăng là chọn kỹ lắm, xét lý lịch mấy đời, ba bốn cấp duyệt lý lịch, sao lại để lọt được vào cái tay Thắng. Tài giỏi như Liên Xô mà gián điệp Mỹ còn lọt vào được, huống hồ chi là ta…

Đàn bà, đàn ông, cụ già, thanh niên, trẻ con đứng chật cả sân, đứng tràn ra cả ngoài ngõ, tràn ra cả đường làng. Họ xô nhau vào gần để được nhìn tận mắt cái xăng máy bay nó ra làm sao mà lại đưa được máy bay trên bầu trời. Ông trưởng công an xã tuýt còi liên tục, giơ hai tay nói dõng dạc:

“Mời bà con lui ra để cơ quan nhà nước làm việc”!

Khoảng chừng năm phút ông lại tuýt còi một lần, mặt đầy vẻ quan trọng:

“Yêu cầu đồng bào không được đến gần để cơ quan nhà nước làm việc… Yêu cầu đồng bào không được hút thuốc, không được bỏ diêm, bỏ bật lửa trong túi. Mỗi người tự kiểm soát mình, người này kiểm soát người kia. Ai có diêm, có bật lửa thì ném xuống ao, chỉ sơ suất một li một tí là xăng máy bay bốc cháy, không những tiêu tan thành tro cái làng này, mà cả cái xã này, tổng này, huyện này… Yêu cầu đồng bào giữ trật tự để cơ quan nhà nước làm việc.

Bà con lại chen chúc, tự nguyện lui ra một chút, họ vừa trố mắt nhìn”cơ quan nhà nước làm việc” vừa bàn tán:

“Bác Hiền sao lại dại thế. Bác cũng đi làm cán bộ nhà nước, cũng chỉ huy quân đội sao lại dám cả gan trữ hàng quốc cấm trong nhà”.

“Ông ta là phần tử bất mãn, phần tử chống đối cho nên ông ta trữ xăng máy bay là để chống đối chính quyền”.

“Tôi thấy bác Hiền có bướng bỉnh gì đâu, có ngang ngạnh gì đâu, sao bác lại liều mạng thế”.

“Lại khổ lây cả bác gái hiền lành, hiếu thảo…”

“Khổ lây cả con gái”.

“Ông Hiền mà bị tù lần này thì lý lịch chắc chắn năm đời sau chưa rửa được!”

Thương vong linh ông Quyên, ông Đoan ăn ở đức độ, gia đình lại bị cái tai hoạ như thế này!

“Số trời cả! Ông cụ chuyên làm nghề trị bệnh cứu người, đến đời này thì đứt mạch…”

“Tôi nghe nói mộ cố tổng Quyên để sai hướng, ông Đoan đã nhờ thầy địa lý xem hướng, xoay lại ngôi mộ”.

“Nhưng mà khi có phong trào rời mồ mả, tập trung mồ mả, mất tiệt cả mộ cụ kỵ, ông bà…”

“Tập trung mồ mả là tập trung cả cái làng này, sao không có ai bị tai hoạ, mà chỉ có ông Hiền bị khám nhà!”

“Mỗi người bị tai hoạ một kiểu khác nhau. Ông Hối bị tai nạn tàu hoả, ông Lộc bị giải ngũ thì ôm lại cái máy khâu rỉ, nay ốm mai ốm. Ông Huân thì bị cái tai hoạ “Quốc dân Đảng” phải ngồi tù.

“Cả cái làng này thì đói rạc rày. Mấy năm nay con cháu chẳng đứa nào được học đại học…”

“Còn bác Chắt Kế nữa, khổ thân bác…”

Vô hình trung cuộc khám nhà anh Hiền trở thành một cuộc họp tổng kết những vấn đề tâm linh của làng xóm. Cuối cùng người ta toàn bàn nhiều nhất về bác chắt Kế. Thương bác, khổ thân bác, vì nước vì dân vào tù ra đầy, đến khi giành được chính quyền thì bác triệt để duy vật, thực hiện đời sống mới ra lệnh phá hết đình chùa miếu mạo, cho nên gia đình bác bị thần thánh, tổ tiên trừng phạt nặng. Một đoàn con không có ai mở mày mở mặt ra được. Anh con cả thành đạt nhất, làm giám đốc ngân hàng Nghệ An thì bị chết bệnh…

Tiếng xì xào bàn tán trao đổi râm ran khắp trong sân ngoài ngõ, chuyển chủ đề khám nhà sang chủ đề tâm linh. Ông công an huyện huýt một hồi còi dài, chói tai: “Bà con giữ trật tự để cơ quan Nhà nước làm việc”.

Im lặng được một lát thì cô em gái tôi xồng xộc từ ngoài ngõ chạy vào. Cô lấy chồng sang Hà Trang, nghe tin anh Hiền bị khám nhà, ba chân bốn cẳng chạy về. Cách đây một tháng, cô có gửi anh Hiền cất giữ một chỉ vàng, vì nhà cô ở gần đường quốc lộ, sợ bị mất cắp… Cô rẽ đám người, khóc lóc thảm thiết, vô tận nhà để tìm cho được chỉ vàng. Nhưng ông công an ngăn lại, cô ngồi bệt xuống đất, gào thét: “Chỉ vàng ấy là của tôi, không phải của anh Hiền, tôi van các ông Nhà nước cho tôi xin. Gia sản nhà tôi có chỉ vàng là quý nhất. Mất chỉ vàng thì tôi không biết lấy gì mà sống…”.

Chị cả tôi lấy chồng ở Đông Én, tất ta tất tưởi chân nam đá chân chiêu, chạy qua cánh đồng về tới nhà thì mặt tái mét như người mất máu, đầu tóc xoã xượi, áo xộc xệch. Chị xộc vào cửa, quỳ xuống, chắp tay lạy: “Tôi van xin các ông chức trách nhà nước, thằng Hiền có tội tình chi mà các ông khám nhà khám cửa ông bà cha mẹ tôi để lại. Tôi van xin các ông cán bộ cấp trên soi xét cho thấu đáo, cậu Hiền có phản dân phản nước thì các ông bắt, nhưng cậu ấy có phản ai đâu có làm hại ai đâu”.

Ông công an xã giữ chị lại ở cửa, rồi nắm tay chị kéo ra: “Bà không phải lo. Chúng tôi làm việc công minh chính trực theo pháp luật nhà nước”. Hình như ông ta nhìn thấy thân hình tiều tụy của chị, mủi lòng thương, không nỡ quát mắng, không nỡ kéo mạnh tay, lúc đầu gọi là “bà” sau gọi là “chị” xưng “em”: “Em có làm gì quá tay đâu chị. Em chỉ làm theo lệnh của cấp trên”. Chị ngồi bệt ngay ở cửa. Thân hình đã gầy gò, bây giờ càng gầy gò. Hai bàn tay chị ôm mặt vuốt nước mắt. Nhiều người nhìn chị, cũng khóc theo…

Ba người đàn bà xấp xỉ gần bằng tuổi chị vào ngồi cạnh. Chị đưa mắt mệt mỏi nhìn: “Các em ạ…” - “Em là đội viên của chị đây mà” - “Em cũng là đội viên của chị đây mà”… Đây là những bạn gái cùng lứa tuổi, đã từng đi hát phường vải với nhau trong những đêm trăng. Hồi chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền, bác Chắt Kế có tổ chức một trung đội nữ tự vệ do chị Đoan - tên của chị cả tôi - làm trung đội trưởng. Có nhiều đêm, trung đội nữ tự vệ họp ở nhà tôi và ngủ lại ở nhà tôi. Các chị thương nhau, gắn bó với nhau đến bây giờ…

“Ba em dìu chị vào trong nhà…”. Chị định thắp hương lên bàn thờ thì ông công an huyện giật tay chị: “Cấm lửa! Cấm lửa! Cấm lửa!” Chị và ba người bạn kia cùng chắp tay vái, không có hương khói gì cả.

Ba gian nhà này tuy nhỏ hẹp, nhưng nó đã chứng kiến bao nhiêu biến cố lịch sử của cái làng nhỏ hẹp này. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, ba gian nhà luôn luôn được sử dụng như nhà công cộng: trụ sở uỷ ban xã, trụ sở huyện đội, trụ sở của ban chỉ huy các đơn vị vệ quốc đoàn đóng trong làng, nơi hội họp và là nơi ngủ tập trung của tự vệ, nơi mở lớp bình dân học vụ, một thời kỳ dài phải đục tường đục cột để thưng cót làm kho chứa thóc thuế nông nghiệp… Cán bộ huyện, cán bộ tỉnh về làng về xã hoặc qua lại trên đường đi công tác thường nghỉ lại nhà tôi. Mẹ và chị Hiền lo toan chu đáo nơi ăn chốn ngủ. Nhiều hôm chị Đoan phải từ nhà chồng về giúp mẹ nấu nướng. Cán bộ hồi ấy rất xuề xoà, ăn uống dễ dãi: có cơm ăn cơm, có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn, thịt, cá, rau, cà, mắm muối ăn tất. Có hôm chị phải luộc khoai trong nồi to rồi đổ ra rổ, hơi khói bốc lên thơm ngọt, các anh cán bộ ngồi xúm xít quanh rổ khoai, vui lắm. Vừa ăn vừa kể chuyện quân ta thắng lớn ngoài mặt trận…

Các chị vái xong, cùng ngồi trước bàn thờ… Ba gian nhà bây giờ như thế này ư? Các ông chức trách nhà nước lôi ra tanh bành đồ đạc: giường chiếu, chăn màn, quần áo, nồi niêu… Ba gian nhà đã từng cưu mang cách mạng, đùng một cái, trở thành đối tượng nghi ngờ để cách mạng khám xét.

Bà con nhốn nháo ngoài sân, từ nãy đến giờ không chú ý theo dõi mấy ông chức trách nhà nước mà chăm chắm nhìn mấy chị ôm nhau khóc. Chị Đoan bỗng gào lên: “Nhà này là nhà của tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi, cầu xin các ông chức trách đừng lục soát tanh bành nữa”. Ông công an huyện trừng mắt: “Bà giữ trật tự để chúng tôi làm việc”. Ông cầm cái loa ném ra sân kêu xoang xoảng. Bà con lại nhốn nháo hút mắt vào đó:

“Đã thấy xăng máy bay chưa?”

“Cho tôi vào nhìn xăng máy bay một chút”.

“Xăng máy bay có nhiều không?”

“Đã tìm thấy đâu mà nhiều với ít”.

“Có vũ khí quốc cấm không?”

“Làm cóc gì có vũ khí quốc cấm”.

“Thế thì khám làm cái đ. gì!”

“Ôi giời ơi, chuyện người lớn mà như chuyện trẻ con”.

“Ôi giời ơi, chuyện nhà nước mà như chuyện các bà láng giềng đổ vạ cho nhau”.

“Xuỵt… xuỵt… xuỵt… Đừng có bẻm mồm bẻm mép mà mang vạ vào thân, tù mọt gông!”

“Việc nhà nước để các ông chức trách làm, ta tham gia vào làm gì. Việc gì kệ người ta!”

Vòng người đứng lộn xộn, xô nhau, hỏi nhau, cãi nhau, rối rít tít mù. Hàng trăm cặp mắt đăm đắm nhìn theo ông bộ đội và ông công an khuân đồ đạc và lật dở từng thứ. Các ông khám rất kỹ: giũ tung màn, giũ tung chăn, giũ tung quần áo, giũ tung giường chiếu…

“Làm gì có xăng trong vải vóc mà khám kỹ thế?”

“Người ta khám xem có đồ quốc cấm không!”

“Tinh vi lắm các bà ơi, bọn phản động còn đóng xăng máy bay thành từng cục nhỏ để cất giấu vào chỗ kín”.

“Im đi! Im mà theo dõi!”

Tiếng người cứ rì rầm bàn cãi nhau từ trong sân ra ngõ, ra đường làng, rồi từ đường làng vào ngõ, vào sân.

Anh Hiền ngồi im thin thít ở góc nhà, không nói năng, không phản ứng, không tuân theo, không cưỡng lại, như một vật vô tri cùng với những vật vô tri khác: bàn, ghế, giường, tủ… Gần hai tiếng đồng hồ rồi, anh cứ ngồi bất động như vậy. Anh công an xã đi qua, anh hỏi:

“Tôi hút thuốc được không?”

“Nhỡ ra bốc cháy thì sao?”

“Làm gì có xăng mà bốc cháy”.

“Anh cứ khum tay lại mà hút, đừng cho hai ông kia thấy…”

Thời gian khám nhà đã kéo dài đến ba tiếng, rồi bốn tiếng đồng hồ. Anh bộ đội và hai anh công an có vẻ thất vọng: Không tìm thấy xăng máy bay thì bẽ mặt lắm! Anh bộ đội ghé vào tai anh trưởng công an huyện thì thầm một điều gì đó. Trưởng công an huyện lôi ra tám hộp sơn đặt giữa sân, vờ nói một câu bâng quơ, cốt để cho mọi người xung quanh nghe: “Sơn là vật liệu xây dựng, thuộc loại hàng quốc cấm”. Anh bộ đội giơ cao cái loa to: “Loại loa to này cũng thuộc hàng quốc cấm. Ai cho phép tư nhân dùng loại loa to này”.

Anh trưởng công an xã tỏ vẻ khó chịu, nói lẩm bẩm một mình: “Làm ăn như cái con c… Mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa”.

Vở bi hài kịch đã “thắt nút” và bây giờ phải “mở nút”. “Mở nút” cách nào đây? Bà con đến xem kịch, hồi hộp chờ đợi để được nhìn thấy xăng máy bay, nhưng không tìm được xăng máy bay, lại đến lúc hồi hộp chờ đợi ba vị chức trách nhà nước “mở nút” cho chính họ. Họ không cần biểu diễn cho khán giả xem, vì khán giả tự đến chứ họ có mời đâu. Nhưng họ cũng cần phải làm một động tác nào đó để chứng tỏ họ đúng. Ba vị chụm đầu lại, nói cho nhau nghe, nhưng lại cố nói to để bà con nghe:

“Sơn là thuộc mặt hàng nhà nước quản lý”.

“Loa cỡ to cũng vậy, do nhà nước quản lý”.

“Nhà nước quản lý tức là hàng quốc cấm”.

“Hàng quốc cấm mà tư nhân tàng trữ là phạm pháp”.

“Lập biên bản đi!”

Anh bộ đội đọc như đọc chính tả. Trưởng công an huyện ghi như cậu học trò ghi theo lời thầy giáo. Còn trưởng công an xã thì cứ đứng ngẩn tò te. Biên bản lập xong, họ gọi anh Hiền đến ký. Anh chẳng cần đọc kỹ, chẳng cần xem qua, cầm bút ký xoẹt một chữ, như thể một ngôn ngữ động tác chứa đầy tâm trạng bất lực: mình có vạch cái sai của họ thì họ vẫn dùng quyền lực để làm nhục mình!

Anh bộ đội bảo trưởng công an huyện, trưởng công an huyện bảo trưởng công an xã, trưởng công an xã ngồi úp mặt bó lại tám hộp sơn, cái loa cùng một đống chăn màn quần áo lếch thếch vác ra khỏi ngõ và đưa xuống huyện. Bà con nhìn theo, ngơ ngác:

“Có thế thôi à?”

“Xăng máy bay đâu?”

“Làm cóc gì có xăng máy bay”.

“Không có xăng máy bay thì khám làm đ. gì!”

“Tịch thu chăn màn quần áo để làm cái đ. gì!”

“Khổ cái ông Hiền! Cái số khổ là cứ bị tai nạn liên tục!”

° ° °

Trong vòng một tháng sau khi xảy ra vụ tai biến, một số bà con ở quê ra Hà Nội, đến cơ quan tôi, kể lại rất tỉ mỉ về diễn biến của nó. Hầu hết đều tường thuật một cách khách quan sự việc. Người có trình độ văn hoá thì vừa tường thuật vừa phân tích.

Nghe nói có vài người vừa ghen ăn ghét ở vừa có định kiến sâu sắc với anh Hiền, bàn với nhau, bố trí chặt chẽ, dựng lên vở bi hài kịch này. Họ dò hỏi được địa chỉ đơn vị của Thắng, viết một bức thư gửi ra đơn vị tố cáo Thắng đem vũ khí cho anh Hiền bán để ăn tiêu xả láng. Đơn vị cử người về gặp công an huyện, rồi cùng công an xã, tổ chức khám nhà, bất chấp pháp luật!

Thời gian khám kéo dài đến bốn, năm tiếng đồng hồ, không hề tìm thấy một chút xăng máy bay nào, một thứ vũ khí nào. Họ bẽ mặt, đành bó một cục chăn màn quần áo mang xuống trụ sở công an huyện cùng với tám hộp sơn và một cái loa. May mà lúc đó anh Hiền đã mang bộ ăm-li đi chữa, nếu không thì họ cũng cuỗm tất!!!

Anh bộ đội sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ”, nhẹ nhàng trở về đơn vị ở tận tít xa ngoài Bắc. Công an xã cũng đã “hoàn thành nhiệm vụ” làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Phần hậu quả, công an huyện gánh tất! Hậu quả ở đây cũng chẳng có gì nặng nề, vì nếu mình làm sai chẳng có ai trị được mình, chẳng có ai bỏ tù mình. Gia đình ông Hiền kiện? Nếu có kiện thì cũng hơi phiền một chút thôi, chẳng sao! Cái hậu quả phiền toái nhất là đống đồ dùng của ông Hiền mang về trụ sở, xử lý ra sao? Trưởng công an huyện bây giờ mới biết mình dại dột. Dại dột đi khám nhà công dân theo cái lệnh vu vơ của một ông bộ đội ở đâu đâu về. Nhưng dại dột hơn là sau khi khám không tìm thấy xăng máy bay, không tìm thấy vũ khí thì thôi, đằng này mình lại làm theo cái lệnh vu vơ của ông bộ đội là ôm chăn màn quần áo của ông Hiền về trụ sở. Ông bộ đội đã nhẹ cánh xa bay. Ông công an xã thì làm theo lệnh của mình, chẳng chịu trách nhiệm gì cả. Chỉ còn lại mình! Chỉ còn lại mình! Xử lý cái đống đồ dùng của ông Hiền ra sao bây giờ?

May quá, đứa em gái của anh Hiền lù lù xuống huyện. Không phải nó xuống để kiện cáo gì. Cũng không phải xuống để xin mang đồ đạc về. Nó nhũn nhặn xin công an được mang chăn màn quần áo ra phơi nắng, vì dạo này khí trời ẩm, nếu để trong góc nhà lâu ngày sẽ bị mục. Phơi chừng hai tiếng đồng hồ, nó ngồi góc sân để canh giữ, rồi xếp lại gọn gàng, mang vào góc phòng trụ sở. Công an trưởng hơi có vẻ thất vọng. Cứ tưởng là nó phơi xong sẽ xin mang về nhà thì lấy cớ đó để cho nó mang về, mình còn được chút tiếng là “thương người”. Ai ngờ nó lại sợ sệt, ngoan ngoãn mang vào trụ sở rồi cúi đầu “cháu chào bác” và run rẩy bước ra khỏi cửa.

Người làng gặp tôi, kể chuyện xong, đều khuyên tôi một ý giống nhau. Tôi nên về để giải quyết việc đó cho dứt điểm. Trời rét, bố con anh Hiền không có chăn đắp. Vùng ta nhiều muỗi, không có màn thì khó ngủ lắm. “Tuỳ chú, chú ở Hà Nội gần mặt trời, hiểu rõ luật pháp, hiểu rõ ý đồ Trung ương, chú nên về giải quyết thế nào cho nó xong. Tội nghiệp bố con ông Hiền lắm…”

Tôi nghĩ bụng, đây là chuyện rủi ro của gia đình mình. Thời buổi này còn lắm chuyện oan trái gấp vạn lần. Luật pháp không rõ ràng. Nếu có một ít văn bản luật pháp, thì dân cũng chẳng hiểu luật là gì, mà viên chức của nhà nước, kể cả người làm việc ngay trong ngành luật pháp cũng chẳng hiểu luật pháp nó ra làm sao. Nếu mình bới to ra chuyện này, chắc chắn chẳng đi đến đâu, mà mình thì mất sức, mất của, mất thì giờ.

Bà con làng xóm tìm đến gặp tôi, kể chuyện cho tôi nghe, rồi khuyên bảo tôi. Tôi cảm thấy chán, ê chề. Tôi ngồi im, nghiến chặt hai hàm răng, nuốt nước bọt khan. Vừa giận vừa thương anh. Sao anh sửa nhà sửa cửa, đào giếng làm gì? Sao được đồng tiền nào anh cũng vung ra, mời người này người nọ uống cà phê, hút thuốc lá Ba số để những người đầu óc hẹp hòi họ hiểu nhầm anh, hoặc cố tình hiểu nhầm anh… Nhưng thương anh thì nhiều hơn. Thương anh mà đành bó tay nhìn cuộc đời anh cứ tuột dần tuột dần, rồi còn tuột xuống nữa. Không biết sẽ tuột đến cái vực sâu thăm thẳm nào, anh ơi!

Tôi vốn không muốn xáp mặt với những chuyện lôi thôi, rắc rối, nhất là những chuyện rắc rối đó lại xảy ra trong bối cảnh xã hội hiện thời. Nhưng đây là chuyện của người anh ruột mình, người anh ruột luôn luôn gặp những điều bất hạnh, chẳng lẽ mình vô tình quay mặt?

Tôi về quê. Tôi phải về quê…

° ° °

Tôi xuống ô tô khách ở ngã ba Diễn Châu lúc bốn giờ chiều. Ngã ba cách làng sáu ki lô mét. Theo thói quen, đợi trời tối hẳn tôi mới về làng, vì về lúc còn sáng tôi cảm thấy sợ. Sợ nhìn thấy cảnh quê tiêu điều, đền chùa miếu mạo đã bị tàn phá, cổ thụ đã bị triệt hạ. Nay lại thêm một cái sợ nữa: nhìn thấy cửa nhà tan hoang sau cơn tai biến.

Không theo quốc lộ số Bảy, rẽ con đường chính vào làng, mà tôi tạt ngang cánh đồng lúa, mấp mô qua các bờ ruộng. Bước vào nhà, thấy dáng người anh tiều tuỵ ngồi một mình bên ngọn đèn. Anh nhận ra tôi ngay, nhưng không vồn vã, chỉ hỏi một câu, giọng trầm trầm vừa đủ tôi nghe:

“Xí đã về à… Ăn cơm chưa?”

“Em ăn rồi”.

Anh pha trà. Hai anh em ngồi uống nước. Im lặng một lát, anh nói:

“Vừa rồi xảy ra chuyện buồn cười…”

Rồi anh im lặng. Tôi cũng im lặng. Người tôi buồn buồn tê tê. Cha mất rồi. mẹ mất rồi. Chị và em gái lấy chồng xa. Tôi không ngờ gia cảnh đến nông nỗi này. Xót xa cho thân phận của anh.

“Ngày mai em xuống công an huyện nói họ trả đồ đạc cho anh. Không có chăn màn, đêm rét không ngủ được”.

Tự nhiên trong người tôi có một luồng hơi nôn nao dồn từ bụng lên ngực rồi đọng cứng lại ở cổ. Một tháng nay anh không có chăn đắp. Nỗi cơ hàn đến thế này ư? Ai gây ra thảm cảnh này? Biết hỏi ai bây giờ? Biết kêu ai bây giờ?

“Em ạ, chính những người vào khám nhà mình cũng tự biết họ sai. Dân cũng biết họ sai. Nhưng không ai dám nói ra. Nếu mình có kêu ca, kiện tụng thì họ cũng trơ ra, có khi mình mang thêm vạ vào thân. Khối người còn phải chịu oan gấp vạn mình… Mai em xuống huyện, nói nhẹ nhàng với ông trưởng công an, đừng căng thẳng với ông ta…”

Đầu tôi nặng chìch chịch như một khối sắt đè xuống hai vai, nhồi nặn vào trong đó lẫn lộn giận, thương, bực tức, căm ghét, tự mình cũng chẳng biết giận ai, thương ai, bực tức ai, căm ghét ai.

Tôi cuốc bộ xuống huyện vào một buổi chiều. Đến trụ sở công an thì gặp ngay ông thủ trưởng. Tôi giới thiệu là người nhà của anh Hiền làng Hậu Luật. Đứng ngay ở cửa, ông hỏi một câu lạnh tanh:

“Anh gặp có việc gì?”

“Tôi muốn gặp đồng chí mười phút”.

Ông ngồi xuống ghế và chỉ vào cái ghế đối diện:

“Anh ngồi đây!”

Ông ngồi bên kia bàn. Và bên này là tôi, mặc bộ quần áo xanh cũ kỹ đã bạc màu, chân đi đôi dép cao su. Chắc hẳn ông nhìn tôi với ý nghĩ: anh chàng này làm công nhân ở đâu về! Trên bàn có một bộ ấm chén và hộp chè, nhưng ông ta không pha chè mời khách, mà cứ vòng tay đặt lên bàn, gương mặt khô khan:

“Có việc gì anh trình bày đi!”

Tất cả những cử chỉ bất nhã của ông không hề gợi trong tôi một chút khó chịu. Người tôi đã chai sạn bởi nhiều cuộc tiếp xúc với những nhà chức trách như thế này. Hơn nữa, cuộc tiếp xúc đang diễn ra nhằm mục đích tối cao là “được việc” cho anh Hiền, cho gia đình mình: xin lại đồ đạc mang về!

“Thưa đồng chí, việc khám nhà anh Hiền vừa rồi, tôi e rằng không đúng luật pháp nhà nước”.

Ông đốp lại ngay với lời lẽ nặng nề:

“Chúng tôi không làm điều gì sai pháp luật. Chúng tôi là những người thực hiện pháp luật nhà nước, sao anh lại bảo chúng tôi làm không đúng luật pháp nhà nước. Anh nói năng phải tôn trọng chúng tôi, tôn trọng cơ quan luật pháp của nhà nước chứ!”

Tôi chột dạ, biết mình đã nhỡ lời nói một câu chạm đến lòng tự ái nghề nghiệp của ông ta: “Tôi e rằng không đúng pháp luật nhà nước”. Tôi hạ mình:

“Xin lỗi đồng chí. Tôi nói điều gì hơi quá, đồng chí thứ lỗi cho…”

Tôi từ từ thò tay vào túi ngực, rút thẻ nhà báo, lễ phép đặt trước mặt ông. Ông không cầm nhưng đầu hơi cúi xuống, đôi mắt chăm chú đọc những dòng chữ trên tấm thẻ. Ông làm ra vẻ tự nhiên, nâng ấm chè rót và “ờ” một tiếng làm ra vẻ mình quên pha chè mời khách. Ông đứng dậy đổ bã chè, xóc ấm, pha ấm trà mới, rồi rót ra tách. Ông chỉ rót ra chiếc tách trước mặt tôi, chứ không rót ra cái tách trước mặt ông:

“Mời đồng chí uống nước!”

Tôi để ý, từ khi bắt đầu tiếp xúc, ông gọi tôi bằng “anh”, bây giờ ông chuyển một cách đột ngột,

gọi tôi bằng “đồng chí”. Tôi càng nhũn nhặn hơn, vòng tay đặt trên bàn nói từ tốn:

“Đồng chí làm việc cho Đảng, cho Chính phủ. Tôi cũng làm việc cho Đảng cho chính phủ. Trong quá trình làm việc, đồng chí có những cái đúng có những cái sai. Tôi cũng có những cái đúng cái sai, chẳng có ai hoàn hảo được. Việc khám nhà anh Hiền vừa rồi là sai hoàn toàn. Nếu tôi không thiện chí, tôi sẽ viết bài “Một vụ khám nhà phi pháp” in báo Nhân Dân, đồng thời tôi sang Bộ nội vụ trình bày sự việc này. Chắc chắn đồng chí không ngồi yên được ở đây. Nhưng tôi nghĩ đồng chí với tôi là đồng hương, phải giữ tình nghĩa với nhau, nếu đồng chí bị ngồi tù thì tôi cũng chẳng sung sướng gì. Cho nên tôi gặp để trao đổi với đồng chí…”

“Nói thật với đồng chí là tôi rất bị động trong việc này… Tôi… Tôi…”

“Tôi hiểu rồi. Đồng chí hoàn toàn không chủ động một chút nào trong việc khám xét nhà anh Hiền”.

“Bây giờ tôi trở thành người hứng chịu cái của nợ này. Chăn màn, đồ dùng của ông Hiền cứ chất một đống ở góc cơ quan. Trời lại ẩm, thỉnh thoảng con cháu nó xuống phơi, rồi lại chất vào đó. Chẳng lẽ cứ kéo dài mãi thế này?”

Tôi đỡ lời, mở cho ông một lối thoát, mà tôi cũng được việc:

“Đồng chí cho anh Hiền mang về đống đồ dùng đó cho nó xong”.

Ông trưởng công an gật gật đầu. Tôi đứng dậy chào, bắt tay ông, rồi “cảm ơn”… Tôi bước ra đến cổng trụ sở, ông chạy theo:

“Hay là đồng chí nói với con cháu ngày mai xuống nhận về tất cả các thứ này…”

“Xin cảm ơn đồng chí!”

Ngày mai. Đứa con gái anh Hiền xuống trụ sở công an huyện mang về các thứ đã bị tịch thu. Còn tôi, trở lại cơ quan.

Một tuần sau, có người làng ra Hà Nội, đến toà soạn tờ báo tôi công tác, báo tin cho tôi biết: Công an huyện còn giữ lại một cái loa, họ bảo cái loa này là loại loa to, tư nhân không được dùng, mà chỉ Nhà nước sử dụng trong các cuộc mít tinh và trong các cuộc đại hội long trọng!!!

Kỳ quặc! Kỳ quặc! Tôi tức điên người. Nhưng rồi tôi tự ghìm được… Nghĩ cho đến cùng, chẳng phải công an huyện tham lam muốn chiếm cái loa, mà có thể do họ kém hiểu biết hoặc do sĩ diện. Tôi bình tĩnh cầm bút viết bức thư cho ông trưởng công an huyện với lời lẽ nhã nhặn, đại ý:

Nhà nước ta không hề có một văn bản nào quy định kích thước các loại loa cho tư nhân dùng, Đảng dùng, Chính quyền dùng. Nếu đồng chí có dịp ra Hà Nội, tôi sẽ dẫn đến các hiệu giải khát để đồng chí xem họ dùng những chiếc loa rất to. Nếu không ra được Hà Nội, đồng chí vào Vinh, đến các hiệu giải khát, cũng thấy rõ điều đó. Tốt nhất là đồng chí nên trả lại anh Hiền cái loa cang sớm càng tốt…

Ít lâu sau, tôi nhận được tin mừng, anh Hiền viết bức thư vắn tắt một dòng: “Công an huyện đã trả cái loa”! 

 

Thế là tai qua nạn khỏi!