Cọng Rêu Dưới Đáy Ao

Chương XIV

Không hề bộc lộ một phản ứng gay gắt nào, anh đặt chiếc va ly đựng quần áo và tư trang xuống góc nhà, đặt cái bọc đựng vải vóc xuống góc nhà, đặt cái hộp đựng đồ nghề vào góc nhà. Rồi đứng nhìn các thứ đồ đạc ấy. Rồi bước ra hiên, rồi bước ra sân. Rồi đi ra vườn. Rồi lại quay vào nhà. Rồi lại đứng nhìn các thứ đồ đạc ấy. Chỉ nhìn thôi. Không suy nghĩ, không lo toan, không dự định.

Mệt mỏi sắp xếp một vài thứ đồ dùng cần thiết, chợt thấy chiếc ba lô bị thủng, anh đặt dưới mũi kim, chồng mảnh vải lên rồi vá. Vá kiểu hai vai áo Vệ quốc đoàn hồi kháng chiến. Chân anh đạp máy chạy, và cái mũi kim cứ nhảy lên nhảy xuống đều đặn khâu những đường chỉ thành vòng tròn. Vòng tròn hẹp dần cho đến tận cùng vào tâm điểm, rồi đường chỉ lại mở rộng dần ra cho đến tận vòng ngoài cùng rồi đường chỉ lại hẹp dần cho đến tận cùng tâm điểm… Cứ như vậy, lặp đi lặp lại nhiều lần. Một miếng vá nhỏ bằng bàn tay mà anh khâu đến hàng tiếng đồng hồ, cho đến khi miếng vá dày cộm lên.

“Chú Hiền lại mang máy về nhà may!” Bà con báo cho nhau biết như một tin thời sự nhất của thôn xóm. Lác đác vài ba người mang vải đến may áo may quần. Anh không nhận. Có người năn nỉ lần này lượt khác anh cũng không nhận. Vạn bất đấc dĩ anh mới may quần áo cưới cho một cặp gái trai nào đó sắp làm lễ thành hôn. Họ trả tiền anh nói “trả bao nhiêu cũng được”. Thỉnh thoảng anh nhận may cho một người trong họ tộc, không lấy tiền. Bà con lại tìm cách trả cho anh với lời lẽ khéo léo:

“Cháu nó làm được cân nếp, đem biếu chú”.

“Cha cháu vừa ở Phủ Quỳ, mang được hai chai mật ong bảo cháu mang biếu bác một chai”.

“Nhà cháu về nghỉ phép đem theo một cân cà phê. Cháu không biết uống, chú lấy mà dùng”.

Mỗi ngày chiếc máy khâu hoạt động chừng vài tiếng đồng hồ, mũi kim nhảy lên nhảy xuống đều đặn. Tiếng máy lách tách đều đều buồn tẻ.

Thừa thãi thời gian, thừa thãi sức lực, thừa thãi trí tuệ, anh thường ra chơi ở quán cắt tóc của ông Phan, nghe người này người kia nói dăm ba câu chuyện vu vơ. Nhưng anh chỉ ngồi nghe như thế được chừng dăm hôm. Ngứa ngáy chân tay, ngứa ngáy đầu óc, anh lại nghĩ ra một việc gì đó để làm. Làm một việc gì không thu lại nhiều tiền, không mang tiếng là “giàu hơn người khác”.

Sao mình lại không cắt tóc như ông Phan? Cắt vào buổi trưa, cắt vào buổi chiều, cắt vào buổi tối, mọi người nghỉ ngơi sau khi mệt mỏi cày cuốc ngoài đồng.

Nghĩ ra việc là anh triển khai ngay, xuống ngã ba Diễn Châu, lên ô tô đò, vào Vinh mua dao kéo, tông đơ, lược, xà phòng, gương. Chẳng cần quảng cáo ầm ĩ, sẵn có ông thợ cắt tóc gần nhà là người làng rủ nhau đến. Trưa mùa hè đặt cái ghế dưới khóm tre đầu ngõ vừa cắt tóc hoặc xem cắt tóc vừa nói chuyện phiếm. Vui mà lại gọn việc, muốn để tóc dài thì anh lại để tóc dài, muốn để tóc ngắn lại để tóc ngắn, muốn húi cua thì lại húi cua. Con gái muốn sửa tóc mái cũng được, chiều tất mọi người. ông thợ này dễ tính lắm, chẳng phải là ông thợ muốn câu khách, mà cốt sao cho vui.

“Ông Hiền cắt tóc đẹp ra phết! Chẳng kém gì ông Phan”, người làng bàn tán như vậy. Trời phú cho tư chất thông minh, học theo người khác rất nhanh. Anh lại dễ tính, ai đưa mấy hào cũng được, ai cắt chịu cũng được. Ai quên thì thôi, khóm tre đầu ngõ dân dần trở thành một tụ điểm để bà con đánh trâu ngồi nghỉ ngơi, hóng gió nồm và hả những cơn tức giận lặt vặt. Họ nói với nhau về ông chủ nhiệm này ăn hối lộ, ông chủ nhiệm kia bắt kế toán viết phiếu chi tiền để làm nhà, ông đội trưởng này cứ rình nhà ai có giỗ là vờ vào gọi đi họp để ngồi chén, ông đội trưởng kia gian lận ghi tăng công điểm công nợ. Rồi họ đọc những câu ca mỉa mai: “Mỗi người làm việc bằng hai để cho chủ nhiệm mua đài mua xe, mỗi người làm việc bằng ba để cho chủ tịch xây nhà xây sân…”

Tiếng đồn lên đến tai Đảng uỷ và lên đến cả huyện: ông Hiền mở hiệu cắt tóc để làm nơi tụ tập cho cho bà con nói xấu chính quyền, nói xấu chế độ.

Có người mách lại với anh. Anh lập tức dẹp ngay cái công việc cắt tóc. Lãnh đạo xã chưa kịp bàn biện pháp trừng trị thì anh đã tự “trừng trị” mình trước.

Buổi trưa. Bình thường như những buổi trưa khác. Lục tục người kéo đến khóm tre bác Niệm phành phạch quạt mo. Chú Nhân vắt áo trên vai, chú Thọ đánh trần trùng trục… Có cả các bà: bà Nghi, bà Hao, bà Luyên, bà Nhuyên… mặc kệ các ông các bà nói chuyện trên trời dưới đất, anh Hiền phủi sạch ghế đẩu:

“Nào, chú chắt Tồn, tôi ưu tiên cả buổi trưa này dành cho chú, cái đầu của chú phải đẹp nhất làng”.

Chú chắt Tồn cởi cả áo, ngồi ngay ngắn. Anh cầm tông đơ húi một đường từ trước trán qua đỉnh đầu ra sau gáy, rồi lại húi một đường từ thái dương bên này qua đỉnh đầu sang thái dương bên kia tạo thành một hình chữ thập trắng hếu. Chú chắt Tồn giật nẩy mình: “anh cắt kiểu gì lạ thế”? Mọi người cũng trố mắt nhìn:

“Ô! Kiểu đầu lạ quá!”

“Một kiểu tóc độc đáo nhất thế giới!”

“Kiểu đầu này là kiểu Mỹ hay kiểu Tây!”

“A, đầu sư, đầu sư cụ!”

Anh Hiền ngừng tay cười:

“Tôi chọn cái đầu chú chắt Tồn để cắt tóc một lần cuối cùng. Sau cái đầu chú chắt Tồn, tôi bỏ nghề cắt tóc. Ba tháng sau, bốn tháng sau, năm tháng sau, chú mới phải đi cắt tóc. Chú giữ cái đầu trắng để làm kỷ niệm. Nào chú ngồi im để tôi cắt tiếp”.

Anh cầm tông đơ húi sạch trơn cả cái đầu chú chắt Tồn y như đầu sư, rồi biếu luôn cả cái tông đơ. Việc đã rồi, chú chắt Tồn không hề tỏ ý tức giận, mà lại còn tỏ ý khoái chí: “mùa hè đầu trọc cũng mát”. Mới hôm qua, mới sáng nay, mới lúc nẫy cái đầu của chú vãn còn xanh tóc rẽ ngôi, bỗng chốc sạch trơn như củ chuối. Chú vác cái đầu trọc sang chơi nhà này nhà kia rồi đi họp đội, đi làm đồng, chú cũng vác cái đầu trọc ấy. “Đây là cái đầu cuối cùng trong nghề cắt tóc của anh Hiền. Cắt xong, anh ấy còn cho tôi cả tông đơ”, nghe chú nói, có người ngầm hiểu được cái éo le của tâm lý anh, chạnh lòng thương…

Chiều hôm ấy, anh đem cho tất tần tật mọi dụng cụ cắt tóc: người thì cái kéo, người thì cái dao, người thì cái lược… rồi trải chiếu dưới gốc khế đầu hồi nhà, nằm thượt như một cái xác, đầu gối lên hòn gạch, anh muốn ngủ một giấc thật dài nhưng không ngủ được. Mấy đứa nhóc hàng xóm trèo lên cây duối xem anh ngủ như một người kỳ lạ. Chúng nó chạy về mách với bố mẹ: “Bác Hiền nhắm mắt ngủ mà mặt cứ nhăn nhúm lại, hai bàn tay nắm chặt, răng nghiến kèn kẹt, nước mắt chảy ra ròng ròng”.

Mỗi ngày chiếc máy khâu hoạt động chừng vài tiếng đồng hồ, mũi kim nhảy lên nhảy xuống đều đều. Tiếng máy lách tách, đều đều buồn tẻ…

Hôm nay anh may tấm áo bằng vải bạt cho bà Nhuyên mặc đi cấy vào mùa rét. Gọi là áo, nhưng không có ống tay, không có khuy chỉ là một tấm vải dày và rộng, vừa đủ che phía trước và phía sau, có lỗ ở giữa để chui đầu. Tấm vải bạt này anh đem từ Việt Bắc về, để quên trong đáy hòm, lục ra thấy cứt gián bám đầy, anh đem giặt và phơi nắng. Nhân bà Nhuyên mang mấy cái áo rách, nhờ anh rọc những mảnh lành, chắp lại chồng hai tầng may thành chiếc áo dày để mặc lúc ra đồng cấy lúa, anh chợt nhớ tới tấm vải bạt.

“Bà cầm về cái mớ bùi nhùi này, tôi biếu bà một cái áo rét vừa ý bà”. Anh cắm cúi may. Đường kim chạy quanh mép vải, rồi chạy ngang chạy dọc, chạy lên chạy xuống. Niềm vui nho nhỏ, niềm vui tẩn mẩn trong người anh cứ hiện dần thành hàng chục, hàng trăm đường chỉ, làm cho tấm vải dày cộp như tấm mo nang…

“Ông Hiền ở nhà không?”

Nghe tiếng người bạn thân từ Yên Thành xuống, anh ngó đầu nhìn ra:

“Vào đây!”

Anh pha nước cho bạn uống, rồi ra sân nhìn cái xe đạp cọc cạch của bạn, lặng lẽ quay vào xách cái hộp gỗ dưới gầm giường.

“Ông làm gì đấy?”

“Tôi sửa cái xe đạp cho ông để ông đi cho nhẹ”.

“Ờ hay nhỉ, bây giờ tôi mới biết ông Hiền chữa xe đạp”.

Mấy tháng nay anh mua bộ đồ nghề chữa xe đạp. Chẳng cần ai hướng dẫn, cứ tò mò táy máy, bàn tay anh trở nên thành thạo. Cũng biết vá săm, cũng biết khâu mép lốp. Biết thay má phanh, riết dây phanh. Rồi cũng biết thay nan hoa và cân vành… Nghĩa là anh có thể mầy mò sửa chữa hầu hết các bộ phận của một chiếc xe.

Trong làng hiện có hơn mười chiếc xe đạp, hai xe tương đối tốt của hai ông cán bộ. Còn lại toàn là xe tòng tọc dùng để đi buôn chè, chở cát, chở củ nâu, thậm chí còn dùng để chở đá bán cho các gia đình xây nhà. Sau mỗi chuyến thồ thế nào cũng có xe hỏng. Họ lại dắt xe đến nhờ anh chữa. Có người nhờ chữa xe là anh thích lắm, chắc chắn không phải thích vì được tiền, mà thích vì được làm việc, được nâng tay nghề. Một trường hợp nào bị hỏng phúc tạp, kỳ cạch chữa được là anh mừng ra mặt. Anh cưỡi lên xe, đạp một vòng quanh sân, có khi cao hứng đạp một vòng quanh làng, không có gì trục trặc là anh sung sướng trao xe cho khách: “Thử làm một chuyến thồ chè xanh từ Đô Lương về, nếu thấy tốt thì chú hãy đưa tiền”.

Bạn bè vào chơi, trước hết anh xem cái xe đạp xem có hư hỏng gì, anh chữa xong mới ngồi nói chuyện. Trường hợp hỏng nhẹ thì không sao, nhưng có trường hợp xe quá cọc cạch, ngứa mắt không chịu được, anh sửa cho hoàn chỉnh: lắp pê-đan, thay chắn bùn, thay dây phanh, thậm chí thay may-ơ… Bạn trả tiền anh bảo “quà của tôi tặng ông”.

Tình cờ anh bạn ở Yên Thành đi Vinh, định rẽ vào chơi với anh một chốc rồi đi tiếp. Không ngờ anh ngắm nghía cái xe rồi tháo tung để lau dầu mỡ mãi đến tận tối mới xong. Anh bạn đành phải ngủ lại, một sự tình cờ lại hoá may. Anh Hiền bắt bạn ngồi lên xe đạp một vòng quanh sân xem đã vừa ý chưa. “Hết ý ông ạ, nhẹ như cái xe mới toanh”.

Lại một hôm khác có người bạn từ Quỳnh Lưu vào chơi, run rủi thế nào mà cái còi xe máy bị hỏng, anh tí toáy chữa rồi bóp thử, còi vẫn không kêu, lại tí toáy chữa toát mồ hôi.

“Thôi Hiền ạ, chốc nữa tôi xuống ngã ba Diễn Châu, thợ họ chữa một chút là xong thôi mà”.

“Tôi đã mó tay vào rồi thì phải làm kỳ được”.

Và anh hì hục chữa tiếp, chữa cho đến khi còi phát ra tiếng kêu.

Từ đó anh nảy ra ý sắm đầy đủ bộ đồ nghề sửa xe máy. Cả làng Hậu Luật chỉ mới có một chiếc xe máy của chú cu Xí. Mà cũng không mấy khi chú có ở nhà. Chú thường xuyên lên nông trường Tây Hiếu để tìm nguồn hàng, mỗi tháng ở nhà vài ngày, chẳng cần nhờ anh chữa xe. Vậy thì anh sắm đồ nghề để làm gì? Chẳng làm gì cả, chẳng có mục đích. Không có ai mang xe đến sửa thì anh lại xách bộ đồ nghề ra sân, ngồi một mình đập miếng sắt này, giũa tấm thép kia. Mỏi tay thì ngồi nghỉ tại chỗ, cuộn thuốc lá hút, rồi lại đập đập, mài mài, ngắm ngắm nghía nghía. Lắm lúc dường như hai cánh tay anh làm việc không phải do sự điều khiển của bộ óc, mà là do bản năng đòi hỏi được lao động.

°

Mỗi ngày chiếc máy khâu hoạt động chừng vài tiếng đồng hồ, mũi kim nhảy lên nhảy xuống đêu đều, buồn tẻ. Tiếng máy lách tách đều đều buồn tẻ…

Hôm nay anh xé bộ quần áo cũ hồi ở Việt Bắc để máy túi đựng sách cho cháu đi học. Quần áo đã sờn nhưng lọc ra từng mảnh để chắp lại thành cái túi thì còn tốt chán. Anh may thành hai ngăn: một ngăn để sách vở, một ngăn để bút mực, bút chì, thước, tẩy. Ngồi may mỏi lưng, anh lại chuyển sang việc khác: thổi lò rèn. Tuổi ấu thơ, anh học ở trường tiểu học Thái Xá. Cạnh trường là chợ Mới. Góc chợ có lò rèn của cố Nuôi, cứ trống điểm ra chơi là anh chạy vù ra lò rèn, mê mải xem thằng Nuôi thụt bễ và cố Nuôi ngồi gõ búa lên đe. Anh về đòi cha cho bỏ học để được đi thụt bễ như thằng Nuôi… một kỷ niệm vu vơ chợt đến với anh, và một ý định vu vơ cũng ùa đến ngay lúc đó: Mình thử mở lò rèn xem sao! Cái gì mà chẳng làm được, giờ lại đang thừa thì giờ, thừa sức lực. Một ý định chừng như ngộ nghĩnh và điên rồ, thế mà anh làm thật. Lấy đất sét ngoài ruộng để đắp lò, nhưng không làm được ống bễ, anh dùng quạt mo cau để quạt lửa. Mấy đứa bé đến chơi, thấy vui vui cũng cầm quạt để quạt than…

Ở Hà Nội tôi nhận được bức thư của anh dặn tôi mua một cái quạt con cóc. Có phải dễ dàng mà mua được đâu, hàng hiếm, mậu dịch bán phân phối về từng cơ quan. Nghĩ thương anh, tôi chờ công đoàn cơ quan nhận hàng và nài bán cho tôi cái quạt con cóc giá 35 đồng rồi mang về tận nhà. Dạo đó làng lại vừa mới có điện, tuy điện phập phù lúc có lúc không nhưng cũng là dịp tốt để anh thể nghiệm dùng quạt điện thổi lò.

Khởi đầu công việc, anh nhặt nhạnh tất cả dao cùn vứt lung tung ở xó nhà, góc bếp, gầm giường, rèn giũa lại. Thành công được cái dao đầu tiên, anh đưa cho mẹ thái rau lợn. Mẹ cầm con dao bật chợt nấc lên một tiếng, rồi gục mặt xuống đầu gối. “Tội nghiệp con quá, con làm hết việc này đến việc nọ mà chẳng nên cơm cháo gì. Thôi cũng được, con cứ làm luôn tay luôn chân còn hơn ngồi không, ngồi không người nó ì ra. Nghĩ ngợi lung tung sẽ sinh ra bệnh này bệnh nọ. Mẹ nẫu gan nậu ruột những tưởng nuôi con khôn lớn để nhờ vả con, ai ngờ… ai ngờ gần mười năm nay, cửa nhà lục đục, sa sút bắt đầu từ việc nó bỏ cơ quan nhà nước. Nó nhận ra lỗi lầm của nó, thế mà người ta cứ truy bức nó mãi. Chỉ mong sao nó làm được việc gì đó ổn định, đừng ai soi mói bắt bẻ nó, để mẹ sống yên tuổi già”.

Mẹ cầm con dao anh trao mà chỉ thấy buồn, chẳng vui một chút nào. Nhưng anh, anh thấy vui thật sự. Mình tự làm ra sản phẩm để dùng sao không vui, mặc dầu niềm vui bột phát ấy có thể chỉ loé lên rồi tắt ngay.

Làm xong con dao thứ nhất, anh lại làm con dao thứ hai, thứ ba. Anh ra sân nói vọng sang nhà bác Niệm: “Bác đem con dao cùn sang đây tôi rèn lại cho mà dùng”. Bác Niệm cầm sang con dao rựa. Anh Học Thảo, chú chắt Tồn, anh Học Phác cầm được con dao mót lúa lưỡi đã mòn vẹt đến quá nửa. Anh hì hục đập búa, rèn, giũa, mài. Cái quạt con cóc chạy vù vù thổi tung bụi than, khói bay mù mịt và bụi phủ đầy lên giường chiếu. Nóng quá anh đánh trần, mồ hôi chảy ròng ròng vết bụi, ánh lửa lò ánh lên da thịt anh gầy lép, chứ không căng phồng các bắp như cơ thể cố Nuôi cầm búa nện đe ở góc chợ Mới hồi trước. Không hiểu anh lao động mệt nhọc như thế để làm gì? Anh cũng không tự biết được mục đích việc làm của mình. Dường như anh làm để xả hơi, cũng có thể anh vung sức ra như một đứa trẻ hiếu động.

“Bác Hiền ơi! Bác nung lại con dao cho em để băm củ chuối”.

Nghe tiếng bà cụ Thọ, gương mặt anh tươi cười:

“Bà đưa vào đây, tôi làm ngay bây giờ”.

Anh nhìn con dao đã gỉ câm gỉ điếc từ đời nảo đời nào.

“Được! Tôi làm lại được! Bà cứ về, lúc nào xong tôi sẽ cầm sang tận nhà”.

Anh đổ thêm than vào lò. Cắm điện cho quạt chạy, nung đỏ lưỡi dao, cạo sạch gỉ rồi lại nung, rồi gõ búa, rồi nung, rồi gõ búa. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, anh làm tiếp. Khi đã hình thành một lưỡi dao mới, không hiểu sao anh lại đập cho cả con dao ấy nhào lại một cục, rồi cầm búa đập dẹt ra và giũa thành một con dao mới. Ra thềm cuộn thuốc lá hút, anh nhìn theo làn khói có vẻ khoái chí. Hút hết điếu thứ nhất anh lại cuộn điếu thứ hai, hút hết điếu thứ hai anh lại cuộn điếu thứ ba. Trong người cảm thấy sảng khoái, anh vào lò, cầm con dao ngắm nghía, không hiểu tại sao anh lại đập cho cả lưỡi dao xoắn lại như một cái que, rồi cầm búa đập bẹp thành một lưỡi dao thuôn dài, sống dao dày thêm và gõ đều đều cho phía lưỡi thật mỏng và sắc…

Niềm vui không mục đích ấy cũng lại tắt một cánh nhanh chóng như tàn thuốc lá. Lò nguội than. Đồ nghề nằm ngổn ngang, sắt vụn bừa bãi xung quanh cái lò bằng đất sét. Anh đứng nhìn chúng lộn xộn mệt mỏi như đống tàn binh thua trận, tất cả những đồ lề ấy được dồn vào một góc cùng với đồ nghề sửa xe máy và xe đạp, đủ loại, đủ cỡ: búa to, búa nhỏ, kìm to, kìm nhỏ, cờ-lê to, cờ-lê nhỏ, tua-nơ-vít to, tua-nơ-vít nhỏ…

°

Mỗi ngày chiếc máy khâu hoạt động chừng vài tiếng đồng hồ, mũi kim nhảy lên nhảy xuống đều đều, buồn tẻ. Tiếng máy lách tách đều đều buồn tẻ…

Nhưng rồi cái nhịp điệu buồn tẻ ấy cũng không còn nữa, anh bán máy khâu đi để sửa chữa nhà cửa.

Tự tay anh đào một cái hố giữa vườn để nung vôi, rồi nhờ đứa cháu biết võ vẽ ít nhiều về nề, cùng với anh”mở công trường xây dựng”, kéo dài trong ba tháng. Khi đứa cháu bận việc đồng áng, anh lụi cụi làm một mình. Khi đứa cháu rỗi lại sang xây với anh. Hai bác cháu có vẻ ăn ý với nhau, đánh trần làm cật lực. Mẹ tôi không vừa ý về việc sửa nhà, nhưng thấy anh và đứa cháu làm vất vả, mẹ nấu nồi khoai lúc nửa buổi. Bác cháu nghỉ giải lao, ngồi ăn khoai và uống nước chè xanh.

Mở đầu công việc, anh phá cái bệ thờ ở góc sân được xây từ thời ông nội để cúng trời. Vừa phá xong thì cha tôi bảo: “Nhờ cái bệ này mà nghề thuốc của ông được phát đạt, gia đình được thịnh vượng”. Anh không hề cãi lại một câu, lặng lẽ khuân gạch, khuân đá xây một cái bệ mới ngay tại vị trí cũ. Xây xong anh mua nải chuối, thắp hương khấn mời thần trời về ngự.

Công việc tiếp theo là anh xây lại một bức tường thấp để ngăn cách sân với vườn. Đứa cháu lên Phủ Quỳ hái thuê cà phê nửa tháng, anh phải xây một mình. Ông cụ Thọ đến chơi, thỉnh thoảng lại hướng dẫn anh và cầm bay xây giúp. Quãng nào xây hỏng, anh giơ chân đạp đổ, rồi xây lại. Cần mẫn ngày này qua ngày khác cuối cùng bức tường thấp hình thành. Anh đứng ngắm thành quả lao động của mình, gật gật đầu nhìn bức tưòng rồi đưa mắt nhìn ra xung quanh như thể tìm kiếm một sự hoàn chỉnh vô vọng.

Chưa vừa ý, anh xây thêm một đoạn tưòng phía bên trái để ngăn cách sân với chuồng trâu. Phía bên phải vốn trước đây có một bức tường để ngăn sân với vườn bác chắt Quý, anh đã phá đi cho thoáng đãng, nhưng hễ trời mưa to là đất vườn chảy sang, anh đành xây lại bức tường ấy nguyên như cũ.

Mé ngoài sân phía trước, anh đào một cái giếng, không may gặp phải mạch nước mằn mặn chua chua, không dùng để nấu cơm, nấu thức ăn và uống được cũng chẳng sao, giếng này để giặt giũ, rửa ráy. Anh đào cái giếng khác ở sau nhà và xây thêm một cái bể cạn bên cạnh để dự trữ nước khi giếng bị khô mạch. Sát bến nước, anh xây phòng tắm nhỏ, lúc đầu phòng tắm mở cửa ở ngay bên giếng nơi đứng thả gầu xuống múc nước, mười hôm sau thấy bất tiện anh lại bịt cửa ấy và mở cửa khác lấp sau khóm cây.

Đằng đẵng thời gian anh vung sức lực và trí não vào những việc loanh quanh luẩn quẩn, muốn dấn lên để những việc đó hữu ích, nhưng hữu ích làm sao được khi tâm trí anh đã quẫn mất rồi… à, anh nhìn cái đống rơm! Từ xửa từ xưa đến nay, người nông dân xây cây rơm ngay trên mặt đất, phần rơm dưới cũng bị mục nát, trâu bò không ăn được. Tại sao người ta không lót lớp đá trên đất rồi xây rơm lên? Như thế tiết kiệm được một ít rơm cho trâu bò ăn, một phát hiện mới của anh! Anh loay hoay khênh đá xếp thành một vòng tròn. Chuyển hòn đá sang bên này, chuyển hòn đá sang bên kia làm thế nào để các hòn đá khớp lại với nhau trên một đường kính chừng ba mét…