Công Nữ Ngọc Vạn

Chương 5

 

Tuy nguyện vọng được đáp ứng, nhưng chúa Sãi lại vô cùng lúng túng. Chúa có bốn người con gái mà một cô đã gả chồng, hai cô đã hứa hôn mất rồi. Chỉ còn một cô gái út là Ngọc Đỉnh quá nhỏ, còn dại khờ, biết tính sao đây?

 Trước tình thế này, chúa Sãi cứ băn khoăn ăn ngủ không yên. Vương phi thấy chúa quá quan tâm đến việc cầu hôn của vua Chân Lạp thì ngạc nhiên nói:

 - Mình có con thì mình gả, không có thì thôi, việc gì phu quân phải áy náy? Nếu vua Chân Lạp tha thiết xin cưới cho được một công nữ thì bảo hãy đợi năm ba năm nữa Ngọc Đỉnh lớn lên đã! Nước mình đang lúc cường thịnh thế này chẳng lẽ họ dám sinh sự sao?

 Chúa Sãi cười:

 - Ái phi chỉ nhìn theo cái nhìn thông thường mà chưa biết nhìn thẳng vào đại cuộc. Cả ngàn năm, cả vạn năm hàm rồng mới há ra một lần, nếu không kịp đặt huyệt để rồng ngậm miệng rồi hối sao kịp? Ta băn khoăn vì điều đó chứ đâu phải băn khoăn vì ngại sức mạnh của Chân Lạp!

 Công nữ Ngọc Vạn nghe cha nói, lòng hăng hái của tuổi trẻ bị kích thích, mắt nàng sáng rỡ lên:

 - Con hiểu ý phụ vương! Bình sinh con vẫn nuôi ước vọng nắm được một cơ hội như vầy để thỏa mộng giúp nước. Thường tình việc công vẫn nặng hơn tình riêng, hay là mình có cách nào tạm gác việc Trần lang lại để làm việc đó được chăng?

 Chúa Sãi lắc đầu:

 - Không được đâu! Mình mới khởi nghiệp đã thất tín với ngay chính những người gần gũi mình thì làm sao mà thu phục được nhân tâm? Còn ai chịu hết lòng trung thành với mình nữa? Ta đã nghĩ ra cách khác rồi. Có thể ta phải lựa trong số các cháu ta một hai người đem làm con nuôi rồi gả cho vua Chân Lạp. Chỉ ngại như thế e phải mất công giáo huấn một thời gian, cơ hội có thể vuột mất!

 Mọi người im lặng. Chúa Sãi lại trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng chúa đứng phắt dậy:

 - Thôi, được rồi! Ta sẽ đem Ngọc Khoa gả cho vua Chân Lạp, còn với vua Chiêm mới hứa hôn hai tháng, ta có thể thay Ngọc Đỉnh cho cũng xong!

 Vương phi nói:

 - Phu quân cho phép thiếp nói, thiếp trộm nghĩ, phu quân đã quyết giữ chữ tín với Trần lang sao bây giờ không giữ chữ tín với vua Chiêm Thành chứ? Hơn nữa, phu quân vẫn thường nhận xét Ngọc Đỉnh quá khờ khạo, gả cho vua Chiêm có tội cho nó không?

 Chúa Sãi cười nói:

 - Ái phi chưa hiểu rõ việc này đâu. Chân Lạp sở dĩ cầu thân với ta cũng chỉ vì người Xiêm quá lấn áp họ. Họ muốn mượn sức ta để đối chọi với người Xiêm. Đất đai Chân Lạp thì còn rộng mênh mông, rất phì nhiêu. Ta đang muốn phát triển lãnh thổ của ta về hướng đó. Nếu chậm trễ để lọt vào tay người Xiêm rồi thì khó khăn cho ta lắm. Họ cầu hôn với ta tức là trời giúp ta cơ hội ngàn năm một thuở. Còn Chiêm Thành bây giờ chỉ còn như một cái chậu trong tầm tay ta, nếu ta có được một phần đất Chân Lạp tự nhiên cái chậu Chiêm Thành lọt hẳn vào lòng nước ta không cần tốn sức. Bởi vậy, ta cần có một người con làm hoàng hậu nước Chân Lạp hơn là một hoàng hậu nước Chiêm. Việc thủ tín với gia đình Trần lang tức thủ tín với tay chân quanh ta là điều cần thiết, còn vua Chiêm đâu phải là kẻ thật lòng trung thành với ta! Nó chỉ chịu khuất phục ta vì sức mạnh, cần gì phải thủ tín! Cho rằng Ngọc Đỉnh quá dại khờ là ta chỉ nói Ngọc Đỉnh không đủ sức khuynh loát "đức ông chồng" thôi, nhưng Ngọc Đỉnh lấy một ông vua nằm trong tay áo của ta thì sự dại khờ ấy hoàn toàn vô hại. Bây giờ chắc ái phi hiểu rồi chớ!

 Vương phi bấy giờ mới vỡ lẽ, nói:

 - Quả thật thiếp không thể nào lường được những tính toán của phu quân.

 Chúa Sãi quay sang công nữ Ngọc Vạn:

 - Đáng tiếc một người có tâm có chí như con bây giờ gặp dịp tốt thế này mà đành bó tay! Thật là trớ trêu!

 Ngọc Vạn ngồi đăm chiêu một lát rồi thưa:

 - Như phụ vương đã từng nói, lúc này chúng ta còn đang cần tranh thủ sự hòa dịu của nước Chiêm để yên lòng đối phó một cuộc tấn công có thể xảy tới của họ Trịnh phải không? Vậy tại sao chúng ta không cố gắng giữ lấy sự ngoại giao toàn vẹn với nước Chiêm? Nếu phụ vương cho phép, con xin được điều đình với Trần lang. Con vẫn nghĩ "Tổ quốc trên hết, dân tộc trước hết". Trần lang là kẻ trượng phu quân tử, con tin rằng chàng cũng đồng ý như thế. Nếu con làm nên được một việc gì đáng kể sau này, tất nhiên Trần lang cũng có phần vinh dự trong đó. Phụ vương cứ tin ở con, chàng cũng sẵn sàng hi sinh như con!

 Chúa Sãi nói:

 - Ta biết con tuổi trẻ, tinh thần đang sung mãn, hăng hái, nhiệt thành muốn theo đuổi lý tưởng của mình cho kỳ được. Nhưng thực tế có khi việc lại chẳng chiều người. Có thể có lúc nào đó con sẽ hối hận, khi đó không thể đổ lỗi cho ai được đâu!

 Vương phi góp lời:

 - Việc này hết sức trọng đại, sao phu quân không đưa ra bàn bạc với các quan, biết đâu họ sẽ cho những ý kiến thật hay?

 Chúa Sãi lắc đầu:

 - Khó lắm! Nếu chuyện này đem bàn bạc rộng rãi thì làm sao giữ kín? Lỡ chuyện lộ ra đối phương nghe biết ta còn thi thố gì được! Vả lại, dân trí vẫn nhiều hạng khác nhau, nếu có kẻ cho rằng ta trọng lợi khinh nghĩa thì liệu họ có còn giữ được lòng kính nể, trung thành với ta không? Thiếu kính nể thì sẽ đi đến khinh nhờn, dần dần đẻ ra lòng phản loạn...

 Ngọc Vạn thưa:

 - Không nên bàn bạc với ai nữa. Con tin rằng con sẽ hoàn thành việc này một cách tốt đẹp. Việc này hoàn toàn do ý muốn của con, dẫu sau này có xảy ra việc gì con quyết không ân hận. Xin phụ thân cho con được toại chí!

 Chúa Sãi nghe Ngọc Vạn nói với vẻ tự tin, vui mừng nói:

 - Thế thì con ta chẳng thua kém gì Huỳnh Thị vợ của Gia Cát Lượng đâu nhé! Nếu con làm được việc ấy thì thật là một kỳ công! Phải, một đệ nhất kỳ công trong lịch sử Đại Việt! Nhưng để con phải hi sinh cả mối lương duyên ta không đành lòng. Ta không bao giờ muốn can dự đến việc chia uyên rẽ thúy, nỗi khổ ấy ta đã từng nếm nên ta rất rõ. Ta không dám khuyến khích hay thúc ép con đâu! Con toàn quyền làm chủ sự suy nghĩ và hành động của mình...

 - Phụ vương cứ tin con đi! Chỉ cần phụ vương và mẫu phi đừng cản trở hành động của con, ngay cả khi hành động ấy có thể bị coi là quái gở, chắc chắn con sẽ không để cho phụ phương phải thất vọng!

 - Ta rất tin con! Cha mẹ sẽ không gây trở ngại cho bất cứ việc gì con làm. Nhưng chuyện này nếu không tế nhị, ta khó thoát được tiếng thất tín, phi nghĩa, con phải cẩn trọng cho lắm mới được.

 Ngọc Vạn mừng rỡ nói:

 - Cám ơn phụ vương đã tin ở con. Con sẽ cố gắng hết sức mình!

°

 Sau khi bàn chuyện với chúa Sãi, Ngọc Vạn hân hoan trở về. Nàng lập tức mời vú Minh Nguyệt đến phòng riêng.

 - Cô chín có chuyện gì mà trông hớn hở thế?

 Bình thường ở trong phủ chúa vú Minh Nguyệt và những người hầu vẫn quen gọi công nữ Ngọc Vạn bằng đại danh từ thân mật là cô chín.

 - Con có một chuyện muốn bàn với vú. Rất quan trọng!

 - Chuyện gì cô chín cứ nói, tôi lúc nào cũng sẵn sàng nghe mà!

 - Con hỏi thật nhé, vú có muốn thành một người đàn bà lưu danh thiên cổ không?

 Vú Minh Nguyệt cười hóm hỉnh:

 - Bộ cô chín ban cho tôi phép tiên chắc? Mụ đầy tớ tuổi gần kề miệng lỗ như tôi làm sao mà mơ chuyện lưu danh thiên cổ chớ!

 Ngọc Vạn cũng cười, nàng nhỏ nhẹ:

 - Con nói thật mà vú! Con dự tính làm một việc kinh thiên động địa mà chỉ có vú mới có thể giúp con được thôi! Vú không ngại chứ?

 Vú Minh Nguyệt lại cười:

 - Việc kinh thiên động địa mà tôi lại giúp được cô chín? Cô chín muốn gì cứ nói, đừng đùa nữa làm tôi sốt ruột lắm!

 - Thế vú vẫn thương con, coi con như con của vú đấy chứ?

 Vú Minh Nguyệt xua tay:

 - Ấy chớ, cô chín đừng nói thế làm tôi mang tội chết! Tôi có khi nào không thương mến kính trọng cô chín đâu!

 Ngọc Vạn bước lại ngồi cạnh vú Minh Nguyệt, rồi thình lình xoay người cúi úp mặt mình vào bụng vú, ôm vú mà nhõng nhẽo:

 - Vú phải coi con như là con của vú con mới nói được!

 Vú Minh Nguyệt cảm động cúi xuống một tay ôm một tay vuốt lưng cô chủ nhỏ:

 - Thôi được rồi, cô chín! Cô chín muốn gì tôi cũng chìu hết!

 Thế là Ngọc Vạn đem hết tất cả nguyện vọng của mình kể ra với vú Minh Nguyệt. Vú lặng im nghe từ đầu chí cuối. Nghe xong, bà đẩy Ngọc Vạn ngồi dậy rồi nghiêm giọng hỏi:

 - Thế bây giờ cô chín tính sao với Trần lang?

 - Chính đó là điều con phải nhờ đến vú. Phụ vương cho phép con được tùy tiện lo tính nhưng chuyện không đơn giản đâu vú. Con rất thương chàng, không bao giờ con có bụng phụ chàng, nhưng giờ gặp cơ hội giúp nước ngàn năm một thuở, bỏ qua thì đáng tiếc lắm. Đây là dịp có thể mở rộng đất nước của mình, con nhất định phải dấn thân mới được. Việc này mà thành thì chính là việc lưu danh thiên cổ đó vú! Cho nên con muốn tìm cách giãi bày để chàng thông cảm, chàng khỏi hiểu lầm rằng con vì ham địa vị, danh vọng mà phản bội chàng! Vú cố gắng giúp con nhé!

 - Cô chín muốn tôi giúp thế nào đây?

 - Vú giúp con đến gặp thẳng chàng để nói chuyện, được không?

 Vú Minh Nguyệt tròn mắt:

 - Đến gặp chàng? Cô chín không sợ tai tiếng ư? Tôi giúp cô chín để rồi chúa đuổi tôi ra khỏi phủ đi ăn mày mất!

 Ngọc Vạn nhìn bà vú cười:

 - Vú đừng ngại! Phụ vương cho phép con được tùy tiện hành xử rồi mà!

 - Dù chúa cho phép đi, nhưng mình phải đề phòng tai tiếng chứ! Chắc chắn là thầy trò mình không thể công khai đến nhà chàng. Mà nếu đi bất ngờ, đến nhà gặp lúc chàng đi vắng cũng mất công, hoặc giả, chàng có nhà nhưng gặp lúc có nhiều người, việc nói năng cũng bất tiện. Tốt hơn hết, cô chín hãy viết một cái thiếp đưa tôi đi trước hẹn với chàng, như thế có phải không?

 Ngọc Vạn cười sung sướng:

 - Vú thật chu đáo quá, cám ơn vú.

°

 Đình Huy cầm tấm danh thiếp đọc lui đọc tới lòng đầy thắc mắc. Có việc gì quan trọng đến công nữ phải thân hành đến đây? Nàng vốn nghiêm trang chững chạc đâu có chịu làm việc gì khinh xuất bao giờ?

 - Thưa vú, trong phủ chúa có chuyện gì lạ không?

 Vú Minh Nguyệt  ngẫm nghĩ rồi nói:

 - Tôi nghe hôm kia có phái đoàn sứ giả nước gì đó... à, nước Chân Lạp, đến triều cống. Ngay tối hôm ấy, nhà chúa hội mọi người trong gia đình ngồi lại bàn luận chuyện gì tôi không rõ. Tôi chỉ biết chúa cũng như công nữ Ngọc Vạn đều có vẻ suy nghĩ băn khoăn lắm. Phái đoàn Chân Lạp hiện vẫn còn đang ở lại tại công quán.

   Đình Huy giật mình. Nước Chân Lạp? Chàng chỉ nghe phong phanh là nước này mới giao hiếu với chúa Nguyễn trong thời gian gần đây thôi. Bây giờ họ yêu sách đòi hỏi gì hay gây chiến tranh chăng? Công nữ đến gặp chàng để động viên tinh thần khiến chàng ra lính? Hay là chúa muốn cử chàng theo sứ thần đi đáp lễ? Những ý nghĩ ấy đã khiến chàng nôn nóng muốn biết ngay chuyện gì sẽ xảy ra.

 - Vú trình với công nữ, ngày mai tôi ở nhà một mình, rất hân hạnh được đón tiếp công nữ bất cứ lúc nào.

 Sáng hôm sau, thầy trò Ngọc Vạn đã dùng ngựa để đến nhà Đình Huy, một ngôi nhà ở gần dinh phò mã Nguyễn Hữu Vinh. Dọc đường hai người không gặp ai, họ rất hài lòng. Khi đến nơi, Đình Huy đã chờ sẵn bước ra đón chào:

 - Có gì quan trọng khiến công nữ phải lặn lội đến tệ xá thế này?

 - Chuyện dài lắm, vào nhà muội sẽ trình bày cho huynh rõ.

 Đình Huy tự mình pha trà mời khách. Sau khi chủ khách an vị, Ngọc Vạn quay sang nói với vú Minh Nguyệt:

 - Bây giờ vú chịu khó đem ghế ra trước hiên ngồi chơi... Có ai vào vú ngăn lại rồi báo cho công tử hay nhé...

 Đình Huy nói: 

 - Nhà tôi vắng người, công nữ có thể nói chuyện thoải mái mà không sợ ai quấy rầy. Chắc có chuyện gì quan trọng lắm thưa công nữ? Tôi đang nóng lòng nghe đây!

 - Muội cũng xin đi thẳng vào vấn đề để huynh khỏi bồn chồn. Chính là vấn đề tình duyên của đôi ta và quyền lợi tối thượng của tổ quốc, dân tộc!

 Đình Huy giật mình:

 - Chiến tranh xảy ra rồi ư? Công nữ muốn tôi đăng lính xuất trận chứ gì?

 Công nữ Ngọc Vạn như có vẻ nhịn cười, đợi xem Đình Huy sẽ dự đoán thêm điều gì nữa chăng. Ngưng một chốc, thấy Ngọc Vạn không nói gì, nghĩ rằng mình đã đoán đúng, Đình Huy nói tiếp với giọng trầm tĩnh:

 - Kẻ trượng phu gặp thời loạn thì gắng ra sức lập công lớn để lưu danh thơm với đời là chuyện tất nhiên. Tôi đâu có ngại, há lẽ vì bận bịu tình riêng mà không sốt sắng với việc công!

 Ngọc Vạn nở nụ cười tươi như hoa, một nụ cười khó thấy ở nàng công nữ luôn trầm ngâm nghiêm nghị này:

 - Huynh thật xứng đáng bậc đại trượng phu, muội cảm kích vô cùng. Như vậy, nếu vì việc nước mà phải hi sinh đến tình duyên đôi ta, chắc huynh cũng vui vẻ chứ?

 Đình Huy hơi khựng lại. Chàng chưa hiểu rõ ngụ ý của Ngọc Vạn.

 - Ta cứ làm tròn trách nhiệm đối với tổ quốc xong, tự nhiên tình nhà sẽ giữ được. Nếu trong khi gánh vác trách nhiệm, lỡ gặp chuyện bất ưng thì cũng là lẽ thường thôi!

 Ngọc Vạn ngẫm nghĩ một chốc rồi nói:

 - Huynh nghĩ sao về trường hợp Huyền Trân công chúa đời Trần? Khi công chúa về Chiêm, lòng công chúa đau đớn tới mức nào huynh có tưởng tượng nổi không?  Và nỗi lòng người ở lại - ý trung nhân của công chúa nữa, huynh cảm thấy thế nào? Như thế có phải là một sự hi sinh to lớn không?

 Đình Huy chợt hiểu, sửng sốt:

 - Chẳng lẽ... Xin công nữ nói rõ ràng hơn chút nữa!

 Ngọc Vạn trở lại thái độ nghiêm nghị cố hữu:

 - Huynh đã đoán đúng. Một sự cố quan trọng đã gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời chúng ta. Thú thật, chọn được một người như huynh để làm bạn đời, muội thỏa nguyện lắm. Muội vẫn mong ước chúng ta được sống hạnh phúc bên nhau cho đến ngày răng long đầu bạc. Nhưng bây giờ đất nước đang đứng trước một vận hội mở mang tốt đẹp ngàn năm một thuở mới có, không nên bỏ qua. Đáng tiếc là rất khó tìm một người mấu chốt để nắm bắt cơ hội này. Chỉ có muội mới có thể đóng trọn vẹn vai tuồng đó, không thể thay ai vào được. Vì quyền lợi của cả một dân tộc, muội thấy chúng ta nên hi sinh chút tình riêng của mình, đó là việc người xưa đã làm, huynh nghĩ thế nào?

 Đình Huy bàng hoàng, cố kềm chế một sự bất mãn:

 - Có nghĩa là công nữ lại làm cái sứ mạng như công chúa Huyền Trân? Người Chân Lạp cũng chịu nhường đất làm của hồi môn?

 - Chưa, họ chỉ cầu hôn, không nói đến chuyện nhường đất. Nhưng việc đó sẽ đến nếu muội về đất Chân Lạp! Đó là cái giá để muội phải nghĩ đến chuyện hi sinh mối tình to lớn, đẹp đẽ của đôi ta.

 Đình Huy im lặng giây lát, cố nuốt những uất nghẹn xuống cổ. Chàng cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề. Thì ra giá trị của chàng đối với Ngọc Vạn nào có khác chi một món hàng! Chàng hỏi lại:

 - Như vậy là công nữ đã dứt khoát chọn con đường sang Chân Lạp? Công nữ chỉ cần cho một người nào đó báo cho tiểu sinh hay là được rồi, cần gì phải nhọc công thân hành đi lại? Hôm nay công nữ đến đây là để giã từ tiểu sinh?

 Ngọc Vạn nhìn Đình Huy với ánh mắt tha thiết, nói:

 - Huynh chớ hiểu lầm muội. Muội bao giờ cũng rất trân trọng với mối tình của huynh. Hình bóng huynh không bao giờ lu mờ trong tim óc muội. Nhưng muội còn phải nghĩ đến việc đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, nghĩ đến tiền đồ của đất nước. Muội tin rằng huynh sẽ không coi muội nghĩ như vậy là quấy! Để chứng minh cho lòng muội trân quí tình huynh tới mức nào, thương yêu huynh tới cỡ nào, muội đã vượt bỏ tất cả mọi phép tắc lễ nghi xưa nay mà đến đây, không ngoài mục đích sẵn sàng chìu ý huynh bất cứ điều gì nếu huynh muốn...

 Ngọc Vạn ngập ngừng một chút rồi quyết liệt:

 - Một lời hứa hôn là thành vợ chồng rồi! Cứ coi như hôm nay, muội... đã là của chàng... Nếu huynh cho phép, muội...

 "Cứ coi như hôm nay, muội... đã là của chàng!?" Thật ư? Nhìn thấy vẻ bối rối, khẩn thiết trên gương mặt nàng công nữ, chàng thư sinh thừ người ra, những uất ức trong chàng tan biến mất, chàng vừa ngạc nhiên vừa cảm động khoa tay:

 - Xin lỗi muội, huynh suy nghĩ hơi nông nổi trong chốc lát. Cám ơn muội đã đối xử quá tốt với huynh. Chỉ một lời này đủ để cho huynh ghi khắc tấm chân tình của muội suốt đời. Nhưng chẳng lẽ muội đến đây... không sợ tai tiếng sao?

 - Muốn làm việc lớn còn câu chấp gì đến tiểu tiết? Chuyến phiêu lưu này của muội làm cho huynh mất mát quá nhiều, dẫu muội có đền bù một chút nào cũng chẳng có thấm vào đâu?

 Đình Huy giữ thái độ nghiêm trang suy nghĩ, rồi xuống giọng hơi buồn:

 - Mình đã nói đến hi sinh thì cũng nên hi sinh cho trót. Huynh chẳng đòi hỏi gì ở muội cả. Huynh chỉ mong muội đem hết sức mình để làm được gì có lợi cho tổ quốc thì chính huynh cũng là người chịu ơn của muội rồi. Huynh cầu chúc cho muội hoàn thành sứ mạng một cách tốt đẹp.

 Ngọc Vạn nhìn Đình Huy qua đôi mắt tràn lệ, giọng tha thiết:

 - Chàng! Muội biết chàng thiệt thòi quá nhiều, muội thật tình muốn đền bù... Mình sẽ nhớ nhau muôn vạn kiếp.

 Đình Huy rút khăn lau nước mắt cho Ngọc Vạn nhưng vẫn giữ vẻ nghiêm trang:

 - Mình hiểu nhau là được rồi! Huynh sẽ ghi khắc muôn đời mối chân tình này! Huynh cầu mong và tin tưởng muội sẽ tạo được những thành tích thật vinh quang cho đất nước, thế là huynh cũng được vinh dự lắm! Thôi, muội hãy về để lo công việc!

 Ngọc Vạn lúc ấy đã trấn tĩnh tình cảm lại được, nói:

 - Huynh là một người cao thượng, muội rất cảm phục. Dù mai này đem thân ngàn dặm ra đi, xin trời đất chứng giám, muội vẫn ghi khắc tình huynh mãi mãi...

 Nói đến đây nàng lấy ra một túi gấm màu hồng, bên ngoài có thêu một chữ "Ngọc" rất đẹp, trao cho Đình Huy:

 - Trong này chỉ có một vuông lụa với mấy giòng chữ của muội, muội định nếu vì một lý do gì không gặp mặt huynh được sẽ nhờ nó chuyển đạt ý nguyện của muội đến huynh. Cái túi này do chính tay muội may thêu, giờ xin gởi huynh coi như kỷ vật!

 - Cám ơn muội đã tặng cái túi càn khôn thâu gồm chí cả trong thiên hạ này. Huynh sẽ trân trọng giữ kỷ vật này bên mình mãi mãi.

 Nói xong, Đình Huy lấy vuông lụa ra xem. Đó là một bài thơ chữ nôm gồm ba đoạn như sau:

 Tự thuở Huyền Trân may áo cưới,

 Một vùng hoang địa bỗng dâng hương,

 Anh-tôn thánh chúa mưu kỳ diệu

 Mở nước mà không dụng chiến trường!

 Tình cảm gia đình đành gác lại,

 Tình yêu đôi lứa cũng hi sinh,

 Tấm lòng công chúa ôi cao cả,

 Che chở biên dân sống thái bình!

 Ngày xưa Trưng, Triệu vung gươm bén,

 Công chúa thay gươm bởi má hồng,

 Trời nếu còn thương hàng nữ kiệt,

 Ắt rằng sớm gặp lại chàng Chung!

 Đình Huy đọc thơ xong, nói:

 - Tấm lòng của muội đâu thua kém người xưa! Nhưng cái may mắn của chàng Trần Khắc Chung huynh đâu dễ tìm lại được?

 Nàng công nữ chớp mắt mấy cái rồi lại nấc lên, nghẹn ngào:

 - Muội mang nợ huynh quá nhiều, xin hẹn kiếp sau đền đáp, huynh hãy bảo trọng nhé, muội về!

 - Ừ, muội về, nhớ muội mãi mãi!

 Vú Minh Nguyệt cùng Ngọc Vạn đã lên ngựa nhưng đôi trai gái vẫn còn bịn rịn nhìn nhau ngậm ngùi...