Năm Giáp Tuất lại có một biến cố trọng đại xảy ra ngay tại kinh thành Oudong. Đó là vụ mưu hại thái hậu Ngọc Vạn lần thứ hai.
Vào một đêm cuối tháng 6, trời mưa lớn và tối đen như mực. Trời đã khuya mà thái hậu không thể nào chợp mắt được. Theo thói thường, những lần bị mất ngủ như thế, thái hậu gọi vài nữ tì đến đấm bóp hoặc kể chuyện để bà dỗ giấc. Nhưng đêm này, tự nhiên thái hậu cảm thấy không cần đến họ, bà cần yên tĩnh để suy tư, hoài niệm...
Theo luật đời mạnh được yếu thua, nếu Thuận Hóa không kiêm tính Chân Lạp thì nước Xiêm, nước Diến Điện, nước Trung Hoa cũng kiêm tính thôi. Một nước quá nhỏ yếu như thế làm sao có thể đứng vững được? Nhất là khi chính nó lại có sức hấp dẫn vô cùng vì cái màu mỡ của đất đai, cái phong phú của tài nguyên và sự thuần hòa lý tưởng về khí hậu. Vả lại, Thuận Hóa đang thời kỳ sung sức, có đủ chúa thánh tôi hiền, qua lại gần gũi thuận lợi. Nếu Thuận Hóa không làm việc đó kịp, chờ khi thời cơ đã qua thì chính Thuận Hóa cũng sẽ ôm hận đợi diệt vong vậy! Nhờ cái ý niệm phục vụ sự lớn mạnh, trường tồn cho tổ quốc trong bà quá mạnh mẽ ban đầu, Ngọc Vạn đã nhiều phen vượt qua cái tình cảm yếu đuối của tấm lòng nhân đàn bà. Bà đã đạt được nhiều thành quả lớn lao bất ngờ. Nhưng khi nghĩ đến tương lai các con, bà lại thấy thối chí chùn chân thậm tệ.
Ngọc Vạn nhận sứ mệnh và đã hứa hoàn thành sứ mệnh với chính cha mình. Sứ mệnh đó không dễ gì bày tỏ cho ai biết được. Mười mấy năm rồi không có dịp gặp lại cha, bà vẫn lặng lẽ thực hành từng bước những lời cha dặn. Khi bà vú Minh Nguyệt còn sống, thỉnh thoảng bà có thể chia sẻ với bà này vài điều cho tâm trí nhẹ bớt. Bây giờ thì Ngọc Vạn phải giữ kín cả một khối bí mật đầy ắp. Người đời sau ai hiểu nỗi lòng bà không?
Nghĩ tới hai con, Ngọc Vạn càng thấy đau đớn: Mẹ làm sao tự thú được với hai con rằng chính mẹ đang âm mưu đoạt lấy tổ quốc, cơ đồ của chính hai con? Hai con cũng như cha của hai con đều quá yêu mẹ, quá tin mẹ, có bao giờ ngờ tới chuyện đó được!!!
Thái hậu nhớ lại một lần bà dắt hoàng tử Nou, lúc đó mới lên năm, dạo chơi trong vườn ngự uyển. Trong lúc hai mẹ con đang ngắm hoa nhìn trái bỗng nghe tiếng quạ kêu quang quác trên trời. Hai mẹ con cùng nhìn lên thì thấy hai con chim chèo bẻo thân hình nhỏ nhắn đang đuổi cắn một con quạ lớn hơn. Con quạ chỉ biết vừa kêu la vừa né tránh bay trốn chứ không dám chống cự. Nhưng hai con chèo bẻo cứ đón đầu đón đuôi đuổi cắn miết không chịu tha. Hoàng tử Nou ngạc nhiên hỏi mẹ:
- Sao hai con chim con lại đuổi cắn con chim mẹ vậy hở mẹ?
Ngọc Vạn giải thích:
- Tuy chúng cùng lông màu đen cả nhưng không phải cùng giống đâu con! Không phải chim con cắn chim mẹ đâu! Hai con chim nhỏ là chim chèo bẻo, con chim lớn là con quạ đó.
- Thế vì sao con chèo bẻo lại cắn con quạ?
- Có lẽ vì con quạ ăn cắp trứng của chèo bẻo.
- Thế vì sao chèo bẻo nhỏ thế mà lại không sợ quạ?
Hoàng hậu nhìn con một chút rồi nói:
- Vì chèo bẻo là giống chim anh hùng, không chịu để ai ức hiếp!
Nét mặt ngây thơ của hoàng tử Nou bỗng rạng rỡ lên:
- Con cũng anh hùng, phụ vương đã nói với con như thế. Mai sau làm vua con cũng đánh những nước lớn ức hiếp nước mình.
Hoàng tử Nou nói thế rồi hớn hở nhìn mẹ. Ngọc Vạn nhìn con hơi cười qua con mắt. Không biết thẩm ý thẩm tình sao đó, cậu bé đùa nghịch nhìn mẹ nói luôn:
- Con cũng sẽ đuổi đánh cho ông ngoại vừa chạy vừa kêu như con quạ!
Ngọc Vạn giật nẩy mình. Bà đánh hoàng tử Nou một bạt tai nẩy lửa:
- Hỗn!
Rồi bà ôm mặt ngồi phịch xuống khóc nức nở. Hoàng tử Nou bị đánh đau điếng nhưng không dám khóc. Cậu hoảng hốt chạy lại xin lỗi mẹ:
- Con xin lỗi mẹ. Con nói đùa chứ con không dám đánh ông ngoại đâu!
Nhưng Ngọc Vạn vẫn tiếp tục khóc và cậu bé vẫn nằn nì xin lỗi.
Các nữ tì thấy vậy bèn đến đưa hai mẹ con về cung. Sau đó Ngọc Vạn còn tiếp tục khóc thầm và suy nghĩ mung lung rất nhiều ngày vì chuyện ấy. Bà khóc vì thương đứa con thơ vô tư không bao giờ hiểu được bụng dạ mẹ mình. Bà lo vì biết đâu đấy chẳng là cái điềm do một đấng thiêng liêng nào đã đặt lời vào miệng trẻ...
Mới đó mà đã bao nhiêu năm rồi, Ngọc Vạn đã thành một thiếu phụ ngoài ba mươi. Tuy đã qua một thời được chồng hết lòng yêu quí, chiều chuộng, bây giờ thì sống gần các con, nhưng lúc nào bà cũng cảm thấy mình đang ở vào một hoàn cảnh cô đơn khác thường. Cái thứ tình cảm cao quí nhất của thuở ban đầu, dĩ nhiên Ngọc Vạn đã dành hết cho Đình Huy... Với vua Chey, tuy ân ái rất mặn nồng nhưng bà vẫn tự nghĩ bao giờ bà cũng thiếu hẳn thứ tình yêu thành thật với ông ta. Nhiều lần Ngọc Vạn muốn điên lên vì những mâu thuẫn này. Bà đã chịu không biết bao nhiêu sự ray rứt, hối hận... Những lúc bình tĩnh để suy ngẫm, Ngọc Vạn nhận thấy mình đã đóng một vai tuồng phải nói là kỳ quặc và khó khăn nhất trong lịch sử nhân loại. Đó là sự vặn vẹo, dối trá tình yêu với một kẻ chân thật, trung thành và hết lòng tin tưởng mình. Nàng Ngọc Lâm phải dối gạt Lập Bạo vì Lập Bạo cố ý hại chúa của nàng. Tây Thi phải dối gạt Phù Sai vì Phù Sai chà đạp tổ quốc của nàng. Tôn phu nhân lấy Lưu Bị theo kế hoạch của Chu Du nhằm lôi kéo, hãm hại Lưu Bị nhưng rồi bà lại thật tình yêu Lưu Bị và lại cứu Lưu Bị khỏi cơn hiểm nghèo... Chỉ có Ngọc Vạn là từ đầu chí cuối phải đánh lừa một người chồng thành thật, thiết tha yêu bà, tin tưởng, rộng lượng với đồng bào của bà. Dưới mắt bà, vua Chey hoàn toàn vô tội, đáng thương nhất trong những người đàn ông bị lường gạt! Ông là một vị vua hết lòng vì nước vì dân, can đảm, chan chứa tình người. Ông chỉ phạm một cái lỗi là quá tin người mình yêu thương! Giờ thì ông không còn nữa nhưng bà biết mình không dễ gì quên được hình bóng ông. Lúc nào ông cũng hiển hiện trong tâm trí bà trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Khi ông còn sống, bà thường nghĩ rằng bà chỉ đóng kịch yêu ông hoặc quá lắm là chỉ thương hại ông. Nhưng cái tình yêu vô bờ bến của vua Chey dành cho bà đã chinh phục thẩm thấu tới tâm khảm của bà. Bà dần trở thành thật sự yêu ông, thật sự muốn được phụng sự ông với tất cả chân tình. Nhưng rồi cái màn phụng sự tổ quốc quá dày vẫn ngăn cách bà khiến bà không thể nào đáp ứng được tình yêu của ông theo ý nguyện... Ôi, từ khi sang đất nước này, đời ta trở thành hoàn toàn dối trá, đóng kịch triền miên mà không thể dừng được! Sao ta phải khổ đến thế này?
Ta làm sao mà từ bỏ được hành động dối trá đây? Ta đang sống với các con ta mà không thể không dối trá với các con ta, đau đớn thay! Ta phải tiếp tục dối trá với chính những con người mình banh da bét thịt sinh ra! Dù muốn dù không thì ta cũng đang mưu đồ cướp đất nước của các con ta, éo le thay! Ta thật sự đang đưa đẩy chính con cháu của ta đến chỗ diệt vong! Tại sao ta phải hành động như vậy? Tại sao ta phải hành động như vậy? Nghĩ đến đó, thái hậu bất đồ hét lên:
- Trên thế gian này còn người đàn bà nào gặp hoàn cảnh như ta nữa không?
Thế rồi thái hậu úp mặt xuống gối mà khóc nức nở.
Bỗng nhiên thái hậu Ngọc Vạn cảm thấy rùng mình. Bà bỗng quay mặt lại và giật thót người khi thấy một kẻ lạ bịt mặt bận đồ chẽn đen đang dí mũi cây trường kiếm vào cổ bà.
- Ngươi là ai? Muốn gì?
- Ta là thần chết! Ta đến đây để kết thúc cuộc đời của một con ác phụ!
Lúc đó bên ngoài trời đang đổ mưa sầm sập. Thái hậu biết rằng nếu có kêu lên chắc cũng chẳng ai nghe. Ở gần thái hậu thường chỉ có mấy nữ tì, trong trường hợp sống chết này họ đâu có làm gì được. Qua giây phút hoảng hốt, thái hậu lấy lại được bình tĩnh, bà nói:
- Ngươi đến thật đúng lúc! Ta cũng đang muốn chết đây! Tuy nhiên, ngươi hãy cho ta biết ta đã làm gì mà gọi ta là ác phụ?
Tên thích khách thụt mũi kiếm lui một chút, nói:
. Ngươi dùng sắc đẹp để mê hoặc vua Chân Lạp buộc ngài phải làm theo ý muốn bất chánh của ngươi như vậy không phải là ác phụ sao?
Thái hậu cười to:
- Ta đây lấy chồng cưới hỏi đàng hoàng, việc phải việc trái vợ chồng đều bàn bạc thỏa thuận nhau mà làm, ngươi lại cho là bất chánh ư? Còn ngươi rõ là một kiếm sĩ, lại lựa lúc nửa đêm mưa gió để leo tường khoét vách vào đây, dí kiếm vào cổ một người đàn bà yếu đuối như ta mới dám nói chuyện vậy là chánh đáng lắm sao?
Tên thích khách có vẻ hổ ngươi, thu thanh kiếm về trong thế phòng hờ:
- Được lắm, bà hãy ngồi dậy để ta hỏi chuyện một chút!
Thái hậu chưa kịp ngồi dậy thì lại thấy một người mặc đồ chẽn đen khác xuất hiện gần đó:
- Sao anh không ra tay cho rồi còn dùng dằng gì nữa?
Tên đứng gần thái hậu đáp:
- Ta nghe đồn bà thái hậu đẹp lắm, ta cũng muốn chiêm ngưỡng một chút xem sao rồi ra tay cũng không muộn!
Tên thích khách thứ hai nói:
- Ra tay nhanh lên! Trời sắp tạnh rồi đấy!
Thái hậu Ngọc Vạn cũng thét lớn:
- Hãy giết ta ngay đi! Còn chần chờ gì nữa?
Tên thích khách thứ nhất cười:
- Nôn nóng làm gì, trước sau bà cũng được toại nguyện mà! Bà đẹp như tiên sa thế kia hèn gì! Không ngờ ta lại phải ra tay hủy diệt một bông hoa tuyệt thế như vầy! Tiếc thay! Tiếc thay! Ta hỏi bà...
- Choeng!
Một tia chớp lóe sáng giữa thái hậu và tên thích khách cùng với tiếng binh khí chạm nhau chát chúa vang lên làm cả hai giật nẩy mình dội người lui.
- Thái hậu chớ sợ! Chúng tôi đến cứu thái hậu đây!
Lúc ấy thái hậu mới nhận ra được có hai người lạ khác cũng bịt kín mặt từ đâu trên rường nhà đồng loạt nhảy xuống. Một người dùng kiếm đánh vẹt mũi kiếm của tên thích khách đang đàn áp thái hậu, một người sấn tới chận bước tên thích khách thứ hai đang định tiến lại giúp đồng bọn. Thế rồi hai cặp vung kiếm đánh nhau kịch liệt.
Thái hậu thấy mình đã thoát ra khỏi tầm nguy hiểm, bà đứng dậy kêu lớn:
- Có giặc! Có giặc! Thị nữ đâu cả rồi sao không báo động lên?
Nhưng không có ai đáp lời bà. Thái hậu lại kêu nhiều lần nữa. Mặc cho thái hậu gào thét khàn cả cổ, vẫn tuyệt nhiên không có một lời đáp ứng ngoại trừ tiếng vũ khí chạm nhau. Bên ngoài trời vẫn mưa sầm sập. Giờ thì thái hậu biết chắc những người hầu hạ của mình đã bị mấy tên thích khách thanh toán cả rồi. Làm sao bây giờ? Chạy trốn ư? Chắc gì thoát khỏi nguy hiểm! Lại còn thể diện của một vị quốc mẫu nữa! Thái hậu hết sức sốt ruột nhưng bà biết mình không thể làm gì khác hơn là đứng đấy để chứng kiến cuộc chiến... Nếu trời tạnh may ra kẻ hầu hoặc lính canh còn nghe được tiếng binh khí chạm nhau. Nhưng trời sao đêm nay mưa lớn và dai quá!
- Quân triều đình đến rồi!
- Hãy bắt cho được tên thích khách!
Đang sốt ruột, thái hậu Ngọc Vạn bỗng mừng rỡ nghe tiếng kêu lớn của những người đang quần thảo nhau. Bấy giờ bà mới để ý nghe những tiếng chân chạy rầm rập và tiếng người la ó mỗi lúc một gần.
- Rút lui!
- Đừng có hòng thoát thân!
Thái hậu thấy cả bốn người đang lâm chiến bỗng lần lượt phi thân lên rường nhà. Một vung ngói trên mái bị hất tung để lộ một khoảng không lớn làm nước mưa và hơi gió lạnh tạt vào cung... Một người hình như thoát mất, còn ba người nhảy trở lại bên trong đánh nhau quyết liệt. Tiếng chân, tiếng người đã náo động ngay trước cửa cung. Cũng vừa lúc đó, một tiếng rú vang lên, một thanh kiếm cùng bàn tay văng tới ngay cạnh nơi thái hậu đang đứng. Người bị thương đang lảo đảo lãnh thêm một cú đấm nữa rồi ngã xuống nằm yên.
Thái hậu đang bàng hoàng thì một trong hai người chiến thắng tiến đến trước mặt thái hậu nói:
- Triều đình sẽ giải quyết tên này. Thái hậu hãy bảo trọng! Đình Huy xin tạm biệt!
- Trời ơi! Đình Huy! Đình Huy! Lại là chàng! Xin nán lại giây lát. Em muốn thấy mặt chàng một chút...
Nhưng hai bóng người đã vút lên rường nhà mất dạng.
°
Cuộc mưu sát thái hậu Ngọc Vạn bất thành nhưng đã làm chấn động triều đình Oudong. Tất cả mười người hầu hạ thân tín của thái hậu đều bị hạ sát. Tên thích khách bị chặt một bàn tay và bị bắt không phải người xa lạ mà là một võ tướng tại triều, cũng là người hoàng tộc: Nặc Xạ Năng. Hoàng thân Outey ra lệnh băng bó thuốc men cho tên tội phạm đồng thời cũng cử người đến nhà y để canh chừng.
Hôm sau, hoàng thân Outey đích thân thẩm vấn tội phạm. Nặc Xạ Năng dù đã bị chặt đứt một bàn tay vẫn phải mang gông, chân bị xiềng, canh giữ cẩn thận khi đưa ra công đường. Trước mặt vị hoàng thân phụ chánh, hắn vẫn tỏ ra ngạo mạn, bất cần, không chào, không chịu quì. Bọn nha lại phải ấn cổ Nặc Xạ Năng bắt quì xuống.
Hoàng thân Outey hỏi:
- Tại sao mày muốn ám sát thái hậu?
Nặc Xạ Năng ngang bướng trả lời:
- Tôi tưởng ông biết hơn tôi chớ! Ông làm tể tướng mà để người nước ngoài tự do kinh doanh buôn bán, mở xưởng thợ này thợ nọ thao túng ngay trên thủ đô nước mình sao chẳng có chút lo xa? Tướng lãnh Đại Việt thì đóng quân trên đất Prey Kor của ta mà thu thuế, dân Đại Việt thì rải ra sống khắp miền đất phì nhiêu Thủy Chân Lạp của chúng ta, sao lại thế? Thế lực họ mỗi ngày mỗi vững gốc chắc rễ như vậy liệu sau này vùng đất đó có còn thuộc chủ quyền của ta nữa không? Tôi muốn giết con ác phụ Ngọc Vạn chính là để diệt trừ đầu mối làm mất nước Chân Lạp vậy!
Hoàng thân Outey quát:
- Tên hỗn láo! Mày không thấy chính nhờ người Việt mà lâu nay bọn Xiêm tàn ác không còn dày xéo, giết hại đồng bào ta không? Người Việt ngoài việc giúp đỡ ta chống giặc và sinh sống lương thiện với dân ta, họ có làm gì đáng trách đâu? Còn bọn Xiêm lúc nào cũng chực tiêu diệt dân tộc ta, nếu người Việt không kịp giúp ta, giờ này chúng ta còn yên ổn ngồi đây được chăng? Một quá trình lịch sử rành rành như vậy mày không thấy sao? Nếu không dựa vào người Việt ta còn biết dựa vào ai nữa?
Nặc Xạ Năng thở dài:
- Đầu óc ông không khai mở được nữa rồi! Ta chỉ tiếc hận tên Tàu kia vì mê xem nhan sắc con ác phụ, dùng dằng không chịu hạ sát nó liền để mầm họa vẫn còn đó. Ta thua cuộc rồi. Đừng hỏi lôi thôi gì nữa, hãy đem chém ta đi!
Hoàng thân Outey lại hỏi:
- Mày nói tên thích khách đồng đảng với mày là tên Tàu nào?
Nặc Xạ Năng lộ vẻ giận dữ:
- Tên háo sắc ấy chắc chuồn về Tàu rồi! Dẫu ta có nói ông cũng không thể tìm ra hắn đâu. Ta thua cuộc rồi, ông hãy chém ta đi!
Hoàng thân Outey cười:
- Đâu có dễ dàng như thế được! Ta phải tìm ra đầu mối bọn phản loạn. Nếu mày không chịu nói, ta sẽ cho áp dụng cực hình với mày!
Nặc Xạ Năng cười gằn:
- Bây giờ tôi là tù, ông muốn làm gì thì cứ làm!
Hoàng thân nghiêm mặt:
- Ừ, ta cũng muốn xem mày cứng tới mức nào!
Rồi ông thét lớn:
- Quân bây! Chuẩn bị hình cụ!
Hoàng thân vừa dứt lời thì tên công sai đứng bên tội phạm chợt kêu ú ớ:
- Coi kìa! Coi kìa! Ông ta...
Mọi người nhìn lại. Nặc Xạ Năng đã đổ nghiêng người xuống nền nhà, mắt trợn ngược, miệng trào máu lênh láng. Mấy người công sai vội vàng xúm lại vực tội phạm dậy xem chuyện gì đã xảy ra. Một lát sau, họ thưa:
- Bẩm, tội phạm đã cắn lưỡi chết rồi!
Hoàng thân Outey giận dữ nói:
- Thế là mất tiêu manh mối! Làm sao tìm được tên Tàu nào đó đây? Hãy vứt xác nó ra đồng hoang cho quạ tha chó gặm!
Sau đó, ông lại giận dữ sai người đến bắt người nhà của Nặc Xạ Năng với hi vọng điều tra thêm được chút gì. Nhưng một lát sau, bọn người được sai đi về báo:
- Bẩm hoàng thân, không hiểu ai đã giết sạch cả nhà Nặc Xạ Năng mất rồi! Tám mạng lớn nhỏ nằm ngổn ngang, máu me loang đầy nhà.
Hoàng thân Outey thất vọng nói:
- Thế là mất sạch bằng chứng! Hãy đem chúng mà thiêu chung một giàn, còn nhà cửa, của cải đem sung công hết!
Trước khi chết, Nặc Xạ Năng đã vô tình tiết lộ mập mờ kẻ đồng đảng với hắn là một người Tàu. Vì thế, một số người nghi ngờ người Tàu kia là một vị võ sư ở nhà đại thần Sơn Cun. Ông võ sư này được nuôi để dạy võ cho con cháu viên đại thần. Nghi ngờ thôi chứ chẳng mấy ai dám đặt vấn đề! Ở Oudong có quá nhiều người Tàu dễ gì điều tra ra được. Rốt cuộc vụ án đành phải cho chìm xuồng luôn.