Ông Giáo Chuột làm thầy giáo hồi nào, dạy trường nào ở đâu không ai biết. Cách chừng 20 năm trước, người ta thấy ông lại hỏi mướn một miếng đất phía trên chợ Mỹ Tho, dựa mé sông Cầu Quây, rồi ông cất một cái nhà lá nhỏ mà ở. Lúc ấy không thấy có vợ con chi hết, mà nói chuyện với người trong xóm ông hay khoe tài ông dạy bọc giỏi, bất luận con nít sáng dạ hay là tối dạ, hễ giao cho ông dạy trong ba tháng thì biết đọc chữ quốc ngữ lẹ làng, bởi vậy người ta chắc ông làm thầy dạy học, nên kêu ông là “thầy giáo”. Nay ông đã trên 50 tuổi rồi, tóc bạc hoa râm, răng rụng hết mấy cáì, mà ông lại mang bịnh hút, làm cho hình dạng ông ốm, da mặt ông dùn, coi bộ ông già nên người ta mới kêu ông là “ông Giáo”.
Khi ông mới về ở đó, thì nhà cửa ông dọn dẹp tầm thường, cách ăn ở ông không hời hợt cho lắm. Ông ở đó được vài năm, rồi ông dắt một người đàn bà về ở với ông, mà người đàn bà ấy lại có bồng một đứa con gái mới sanh chừng một vài tháng. Người lối xóm cũng không biết người đàn bà ấy là ai, song cách ít ngày nghe ông kêu người ấy bằng “mình”, nghe kêu con ấy bằng “con” thì người ta mới hay là vợ của ông.
Từ ngày có hai mẹ con người đàn bà ấy về ở, thì ông mua sắm đồ đạt trong nhà lần lần; cách ít năm ông triệt cái nhà lá mà cất nhà ngói ba căn, nền đúc, cửa cuốn, vách tường, ông ở cho tới bây giờ đó. Còn đứa con gái tên là Hẩu, được chín mười tuổi, thì người mẹ chết, để con nhỏ lại cho ông nuôi. Từ ấy ông mới khởi cho vay đặt nợ, nhà ông khách mới thường tới lui, song không thấy ông đem người đàn bà nào khác về nhà mà ở nữa. Đến ngày nay cô Hẩu đã được mười tám tuổi rồi, cô kêu ông bằng “ba”, ông kêu cô bằng “con”, cha con ở với nhau, không nghe ông tính gả cô lấy chồng, mà cũng không nghe cô phiền trách ông việc gì hết.
Thầy thông Hằng dắt cậu Thượng Tứ vô nhà ông Giáo Chuột, đi dọc đường thầy sợ ông Giáo Chuột đã đóng cửa ngủ rồi. Chừng xe ngừng, thầy dòm vô nhà, thấy cửa còn mở, đèn còn sáng, thầy bèn nói với cậu rằng: “May quá, ông già còn thức. Để xe đây, hai anh em mình vô”. Thượng Tứ dục dặc, muốn để cho thầy thông Hàng vô một mình. Thầy thông không chịu, thầy ép cậu phải đi theo và thầy hứa hễ vô nhà thầy lãnh nói giùm, cậu khỏi nói tiếng chi hết.
Hai người bước vô tới sân, thấy cô Hai Hẩu mặc quần lục soạn trắng, áo bà ba cũng bằng lụa trắng, đương ngồi trên một cái ghế mây dựa bụi cau vàng mà ăn mía. Thầy thông Hàng tới lui nhà nầy thường, bởi vậy thầy ngó thấy cô Hai Hẩu thì thầy hỏi rằng: “Có ông Giáo ở nhà hay không cô Hai?”. Cô Hai Hẩu đứng dậy cúi đầu mà chào và đáp rằng: “Thưa, có ba tôi ở trong nhà”.
Trăng tỏ rạng, lại thêm bóng đèn trong nhà dọi ra nữa, bởi vậy cậu Thượng Tứ thấy mặt cô Hai Hẩu rõ ràng, thiệt là quốc sắc thiên hương, cái tiếng “bảnh” của thầy thông Hàng nói hồi nãy đó là đúng chớ không phải nói dối.
Hai anh em bước vô nhà, thấy ông Giáo Chuột nằm vích đốc trên cái giường phía tay trái đương làm thuốc á phiện mà hút, mình mặc áo lá, còn quần thì vén ống lên trên bắp vế. Ông Giáo Chuột thấy có khách, lật đật buông ống hút, ngóc đầu dậy mà dòm.
Thầy thông Hàng liền hỏi rằng: “Ông mạnh giỏi ông Giáo há?” Ông Giáo lồm cồm ngồi dậy, rút cặp mắt kiếng và ngó thầy thông Hàng mà nói rằng: “Ủa! Thầy thông! Vậy mà tôi không biết chớ!”. Ông thấy có một thầy lạ đi theo thầy thông, ông không biết là ai, ông sợ thất lễ nên lật đật bước lại giá áo[1] lấy một cái áo lụa trắng mà mặc, rồi mời khách ngồi lăng xăng. Thầy thông Hàng nói rằng: “Ông đừng có làm chộn rộn thất công. Ông nằm xuống đó mà hút đi, để hai anh em tôi nhắc ghế lại ngồi dựa bên giường đây nói chuyện chơi cũng được mà”. Thầy để ba ton với nón nỉ trên bàn, rồi hai tay xách hai cái ghế mây mà đi lại chỗ ông Giáo hút.
Ông Giáo cười và nói rằng: “Ờ, muốn như vậy cũng được. Thôi mời hai thầy đi ngay lại đây nói chuyện chơi. Xin lỗi, cho tôi làm điếu thuốc cho rồi, kẻo để lâu nó chai”. Thầy thông Hàng đáp rằng: “Được, được, ông cứ việc làm đi mà”. Ông Giáo leo lên giường, mang cặp mắt kiếng vô rồi nằm xuống cầm cây tiêm mà nhồi tiếp điếu thuốc. Thầy thông Hàng để hai cái ghế dựa bên giường, thầy mời cậu Thượng Tứ ngồi đó, còn thầy leo lên giường nằm ngang với ông Giáo.
Ông Giáo tay cầm thuốc, mà miệng hỏi rằng: “Thầy đây mới đổi lại hay là ở đâu lại thăm thầy?”. Thầy thông đáp rằng: “Cậu Tư đây là em của thầy Ban Biện Chí ở dưới Mỹ Hội, ông không biết hay sao?”.
Ông Giáo ngóc đầu mà dòm Thượng Tứ rồi nói rằng:
- Vậy hay sao? Tôi biết thầy ban lắm, thẩy ghé thăm tôi hoài, còn cậu đây thuở nay tôi chưa gặp lần nào, nên tôi không biết.
- Cậu lên đi chơi với tôi; xe chạy ngang qua đây, thấy ông còn thức, nên tôi rủ cậu ghé thăm ông chơi.
- Trăng bữa nay tỏ quá.
- Ông muốn đi chơi hay không? Như ông muốn thì hút hết ít điều rồi đi chơi với hai đứa tôi. Có xe hơi của cậu Tư đây.
- Tôi già cả rồi, theo mấy ông sao kịp. Hút đã rồi thì lo ngủ, chớ chơi bời giống gì.
Ông lăng điếu thuốc đúng rồi, ông gắn vô nồi và mời hai thầy hút. Khách cứ từ hoài, ông mới ngồi vô đèn mà kéo.
Lúc ấy có một con nhỏ ở trong nhà bưng hai tách nước đem lại để trước mặt Thượng Tứ, còn cô Hai Hẩu thì đi guốc lốp cốp ở phía đằng kia. Thượng Tứ tới nhà lạ, mà lại tới mà vay bạc, bởi vậy cậu bợ ngợ, không biết chuyện chi mà nói, nghe cô Hai Hẩu đi guốc thì cậu cứ day lại mà ngó hoài.
Ông Giáo Chuột nằm hút, mà ông liếc mắt thấy Thượng Tứ dòm con ông mấy lần, ông nghi thầy thông Hàng dắt cậu này tới đặng coi con ông, ông toan kiếm chước mà đuổi đi phứt cho rồi, bởi vậy ông hút hết điếu thuốc rồi ông liền nói với thầy thông Hằng rằng:
- Còn một trăm đồng bạc của tôi đó thầy tính sao thầy thông? Quá kỳ đã gần nửa tháng rồi, thầy cho tôi đặng tôi xài chớ.
- Thua muốn chết, làm sao mà trả được, ông! Xin ông chịu phiền đầu năm lãnh tiền viết bộ rồi tôi sẽ trả, chớ biết làm sao bây giờ.
- Lúc này tôi túng quá. Thầy phải lo cho tôi xài chớ.
- Ông mà túng nỗi gì không biết.
- Thiệt chớ.
- Ối! Ông nói ai mà tin cho nổi! Ông đưa chìa khóa cho tôi mở tủ sắt, nếu không có trên mười ngàn đồng bạc thì chém tôi, tôi cũng chịu.
- Đâu mà có. Tháng này mà tiền bạc đâu có nhiều dữ vậy.
- Phải. Tháng này họ chưa trả bạc cho ông. Mà tôi biết trong nhà ông có bạc nhiều lắm mà. Nầy, ông Giáo, cậu Tư đây có chuyện cần dùng gấp, nên cậu cậy tôi nói với ông làm ơn giúp cho cậu một ngàn đồng bạc. Ông tính coi có giúp được hay không?
Ông Giáo Chuột ngồi dậy, rót một hớp nước trà mà uống, ông liếc ngó Thượng Tứ rồi nói rằng: “Tháng này trễ quá, bạc tôi cho ra hết rồi còn đâu mà giúp. Sao không hỏi Xã tri, nó có bạc thiếu gì?”.
Thầy thông Hàng cũng ngồi dậy đáp rằng:
- Hỏi thứ Chà khó lòng quá, ai mà thèm hỏi. Ông giúp giùm cho cậu Tư đi mà. Bộ ông sợ hay sao? Cậu là con của ông Kế Hiền ở dưới Mỹ Hội. Ông Kế Hiền mất rồi, bây giờ phần ăn của cậu tới mấy trăm mẫu điền, chớ phải ít hay sao. Còn bên vợ cậu còn giàu hơn bên cậu nữa; trời ơi, cho vay chỗ như vầy mà ông dục dặc, vậy chớ ông đợi ai vay ông mới cho?
- Cậu Tư đây có vợ rồi hay sao?
- Chớ sao! Cậu cưới con của ông Hội đồng ở bên chợ Ông Văn đã hơn một tháng nay, ông không nghe hay sao?
- Ông Hội đồng nào? Ông Hội đồng Thưởng phải hôn?
- Phải.
- À, à, hôm trước tôi có nghe nói. Bất nhơn quá, vậy mà tôi quên chớ.
Ông Giáo Chuột ngó Thượng Tứ một hồi rồi hỏi cậu rằng:
- Cậu hỏi bạc làm chi? Ở nhà thiếu gì tiền, cậu cần dùng sao không lấy bạc nhà mà xài, lại đi vay hỏi?
- Tôi có việc xài riêng, nên không muốn lấy bạc nhà.
- Cậu hỏi rồi có mợ đứng giấy hay không?
- Một mình tôi cũng chắc mà, cần gì phải có vợ đứng giấy.
- Cậu hỏi bạc tháng hay bạc năm?
- Ông cho vay một ngàn; qua tháng giêng tháng hai, hễ góp lúa bán rồi, thì tôi trả cho ông.
- Tôi cho vay thuở nay thì tôi buộc phải có đủ vợ chồng đứng giấy; mà hễ vay từ một ngàn sấp lên thì phải thế chưn bằng khoàn đất. Nếu vợ không đứng giấy thì khó quá. Còn tôi nghe nói ông Kế hiền có lập di chúc chia ruộng đất cho các con rồi, song trong tờ ông lại giao huê lợi để cho bà Kế hiền ăn mãn đời rồi các con mới được hưởng. Nếu vậy thì cậu đứng bộ ruộng đất, mà cậu có góp lúa được đâu.
- Không. Má tôi đã giao huê lợi phần ruộng hương hỏa 50 mẫu cho tôi rồi. Mùa này tôi góp huê lợi đó tôi xài.
- Khó quá! Tôi muốn có mợ đứng giấy với cậu thì tốt hơn.
- Không. Không được. Như ông ngại, thì để tôi lục tờ tương phân tôi giao cho ông.
- Cái đó tự nhiên phải có mới được. Mà tôi còn muốn cho có đủ vợ chồng đứng giấy nữa chớ.
Thầy thông Hàng nghe ông Giáo cứ nài vợ của Thượng Tứ đứng giấy hoài, thầy mới xen vô mà can rằng:
- Ông Giáo né, không phải cậu Tư tính sang đoạt của ông nên cậu không chịu cho mợ đứng giấy. Y vay mà dắt vợ theo lòn thòn coi kỳ quá, tại vậy nên cậu không chịu. Như ông ngại, thôi để tôi đứng bảo lãnh cho, được hôn?
- Thầy ăn chịu vào đâu mà bắt thầy bảo lãnh?
- Phải. Tôi không ăn chịu vào đâu. Mà như ông có sợ thì tôi ký tên giùm cho cậu đặng ông tin.
Ông Giáo Chuột ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi ông nói để chậm chậm ít ngày cho ông tính lại coi rồi ông sẽ trả lời. Hai người khách xin ông làm ơn tính giùm cho gấp rồi đồng đứng dậy cáo từ mà về. Thượng Tứ liếc mắt kiếm cô Hai Hẩu, mà không thấy cô, thì cậu lấy làm thất vọng, nên lên xe mà còn ngó chừng vô nhà.
Xe chạy khỏi nhà, Thượng Tứ mới nói với thầy thông Hàng rằng: “Ông già có con thiệt ngộ, mà hỏi bạc ổng làm khó quá, không biết chừng nói con ổng, ổng làm khó đến bực nào nữa”.
Thầy thông cười mà đáp rằng:
- Cậu coi tôi nói láo hay nói thiệt hử? Tôi nói cô Hai Hẩu ngộ lắm mà. Cậu muốn hôn?
- Trời ôi! Hỏi bạc còn không xong, muốn con ổng sao được.
- Hỏi bạc thì hỏi, còn muốn con ổng thì muốn, có hại gì mà sợ.
- Muốn lắm chớ, ngặt vì tôi có vợ rồi, sợ cô đó cổ không chịu.
- Cậu để thủng thẳng rồi tôi sẽ tính cho. Đời nầy hễ có tiền thì muốn cái gì mà lại không được cậu.
- Thầy làm sao cho tôi trai gái được với cô đó thì tôi khoái lắm, tôi thưởng thầy mấy trăm tôi cũng thưởng.
- Chắc hôn?
- Sao lại không chắc.
- Nói chơi với cậu, chớ con người ta là con nhà giàu, lại là con gái mới lớn lên, ai mà làm mai cho được.
Thượng Tứ nghe nói như vậy, có lẽ cậu thất vọng nên cậu không nói nữa, cứ cầm tay bánh xe mà chạy xuống phía nhà ga xe lửa. Thầy thông Hàng biểu cậu ngừng đặng vô nhà hàng uống rượu chơi. Trong túi cậu Tư còn hai đồng bạc, song cậu nghĩ hai người uống hai ly rượu không lẽ trên số tiền ấy được, bởi vậy cậu đậu xe dựa lề đường rồi dắt thầy thông vô nhà hàng.
Thầy thông kêu bồi biểu đem hai cái mạc-ten[2] nước suối, Thượng Tứ nói mình không biết uống rượu nên biểu cho xi-rô[3]. Thầy Thông la lớn rằng: “Ê! Cái gì lại uống xi-rô! Đàn ông phải tập uống rượu nới người ta chớ. Bồi, cứ việc đem mạc-ten đây”. Thượng Tứ nghe nói như vậy thì không từ nữa, phải ráng mà uống đặng tập làm người thạo đời.
Thầy thông Hàng thấy Thượng Tứ uống mà châu mày thì thầy cười và nói rằng:
- Cậu mới uống lần đầu, cậu chưa biết ngon. Để cậu uống ít lần đây rồi cậu coi, khoái lắm.
- Uống, tôi sợ say rồi cầm bánh xe về không được chớ.
- À! Phải a. Chưa biết uống thì tự nhiên phải say. Ối! Mà có say thì ở trên nầy chơi rồi sáng mai sẽ về, hại gì.
- Bữa nay tôi ở chơi không được.
- Sao vậy? Cậu cũng húy phụ nữa hay sao?
- Không phải húy phụ. Trời ơi, tôi chớ phải ai hay sao. Thứ vợ mà tôi kể gì, thây kệ[4] nó. Tại bữa nay tôi có việc riêng ở chơi không được. Để chừng tôi vay bạc được rồi thầy coi tôi chơi mà.
- À, cái chuyện hỏi bạc đó, cậu để tôi lo cho. Ông Giáo Chuột làm bộ, bất quá ổng ăn tiền lời mắc, ổng buộc tôi bảo lãnh, chớ gì. Để sáng mai tôi xin sao lục tờ tương phân[5] giùm cho cậu rồi tôi đem cho ổng coi. Trong vài bữa cậu lên đây rồi tôi trả lời cho cậu. Mà cậu nhớ tờ chúc ngôn tương phân làm hồi nào hay không? Phải biết ngày tháng xin sao lục mới được.
- Làm hồi tháng giêng, tháng hai gì đó, tôi không nhớ chắc.
- Được, được. Biết tháng thì đủ rồi. Hễ tôi chi ít đồng bạc thì họ kiếm như chơi, có khó gì. Cậu đừng lo, để đó tôi tính cho.
- Thầy làm ơn tính giùm mau mau nghé.
- Mau mà...
Hai người nói chuyện tới đó, kế có ba thầy đi ngang, thấy thầy thông Hàng ngồi trong nhà hàng thì ghé vô mà bắt tay. Thầy thông Hàng tiến dẫn cậu Thượng Tứ cho ba thầy ấy mà nói rằng: “Cậu đây là cậu Tư Mỹ Hội, em của thầy Ban biện Chí, mấy thầy biết hôn? Thôi, ngồi đây uống rượu nói chuyện chơi”. Ba thầy chào Thượng Tứ rồi kéo ghế mà ngồi. Thầy thông Hàng kêu bồi vang rân mà biểu đem ly lấy rượu thêm.
Thượng Tứ trong túi có hai đồng bạc, mà thấy thầy thông Hàng mời anh em bạn uống rượu lăng xăng, thì trong lòng không an, bởi vậy cậu nha nhổm muốn cáo từ mà về. Thầy thông Hàng với ba người kia nói chuyện không dứt, đã vậy mà người này tiếp với người nọ theo xưng tụng sự giàu có của cậu hoài, hỏi cậu mỗi năm góp lúa ruộng được bao nhiêu, mua xe hơi mấy ngàn đồng, đứng bộ đất mấy trăm mẫu, làm cho cậu không thế đứng dậy được, mà ngồi ở đó thì cậu chín ruột chín gan.
Chừng bớt nói chuyện, Thượng Tứ đứng dậy cáo từ thì thầy thông Hàng nói rằng: “Cậu về thì anh em tôi cũng đi, chớ ở đây làm gì. Thôi, uống cho hết rồi đi”. Mấy thầy bưng ly uống cạn rồi đội nón đứng dậy một lượt. Thượng Tứ liệu không đủ tiền mà trả tiền rượu, nên cậu làm lơ. Thầy thông Hàng ngó chừng cậu, không thấy cậu móc bóp phơi, thầy bèn vỗ túi và nói rằng: “Trời đất ơi, cái bóp tôi mất rồi! Báo hại dữ hôn! Chắc là rớt đâu ngoài xe”. Thầy lật đật chạy ra xe mà kiếm. Kiếm có hay không không biết, mà thầy dòm sơ sài rồi trở vô nói rằng: “Chắc là rớt trên nhà ông Giáo hồi nãy. Có vài chục đồng bạc, không nhiều nhõi gì. Thây kệ, để sáng tôi lên trển tôi kiếm. Nếu rớt ở đó thì còn đó, chớ không lẽ mất. Cậu Tư, cậu cho tôi mượn 5 đồng bạc trả tiền rượu rồi bữa nào tôi sẽ huờn lại cho”.
Thượng Tứ lấy làm hổ thẹn, bởi vậy cậu nói rằng:
- Trời ơi, bữa nay đi chơi tôi cũng quên đem bốp phơi theo. Tôi có 2 đồng mà thôi, trả sao đủ. Thầy nói với chủ tiệm để tôi viết bông[6] rồi mai tôi lên trả được hôn?
- Được mà.
Thầy thông Hàng kêu bồi hỏi bao nhiêu tiền rồi biểu đem giấy mực đặng cho Thượng Tứ viết bông. Thằng bồi cùng quằn song cũng vâng lời; mà trong lúc Thượng Tứ ngồi viết bông thiếu 5 ly rượu giá 4 đồng bạc, thì nó chạy ra coi số xe và tên chủ xe, làm cho Thượng Tứ giận lắm, song không dám rầy nó.
Việc tính xong rồi, mấy người mới bắt tay từ giã nhau. Thượng Tứ lên xe còn kêu vói mà nói với thầy thông Hàng rằng: “Chuyện đó thấy ráng giúp giùm mau mau nghe thầy thông. Tôi trông lắm đa”.
Thầy thông Hàng gặc đầu; xe rút chạy lên cầu quây.