Ông Kế hiền Toại, chết đã lâu rồi, mà trong quận Chợ Gạo từ già chí trẻ ai cũng còn nhớ cái tên của ông.
Ông làm chức Kế hiền là chức của. Hội tề trong làng xã đặt đặng khi nào đình miễu hư tệ, hoặc khi nào cúng tế thánh thần thì góp tiền cho dễ, chớ không phải ông cầm quyền chính trị hay là ông ban đức rưới nhơn, nên thiên hạ cảm oai hồi, nghĩa, mà ghi tạc tên ông vào trí. Đến bây giờ người ta còn nhớ ông là nhớ người giàu to, song sự giàu ấy không có ích cho dân trong làng trong xóm chút nào hết, thậm chí con trong nhà là người kế nghiệp nối dòng, mà cũng không nhờ được. Ông sanh trưởng tại làng Mỹ Hội, nhà ông ở dựa bên lộ đá Mỹ Tho xuống Chợ Gạo.
Ông làm bạn với bà Võ Thị Hiền sanh được hai người con, một người con trai lớn tên là Trần Thượng Chí, với một người con gái nhỏ tên là Trần Thị Ngọc, người lớn sanh trước người nhỏ ba năm.
Khi con lớn của ông được 15 tuổi, thì vợ ông mất. Lúc ấy, ông đã làm giàu rồi, mà tuổi của ông lại trên bốn mươi, nếu ông nghĩ công vợ, thương phận con, ông ở góa mà hưởng sự nghiệp nuôi con thơ, thì có lẽ ông là một người sung sướng hơn hết trong làng trong tổng. Không hiểu tại trời khiến gia tài của ông phải tiêu tan, hay là tại ông không muốn cho hai đứa con của ông được hưởng nhờ công lao của vợ chồng ông, mà vợ mới chết ít tháng thì ông lại lo toan chấp nối. Chớ chi ông chấp nối mà ông lựa chỗ hiền đức xứng đôi vừa lứa, thì cũng cho là phải. Ngặt vì ông nói sự nghiệp to mà con cháu ít là điều vô phước, nên ông tính chọn người trẻ tuổi mà cưới đặng kiếm con thêm.
Hồi đó ai điềm chỉ cho ông không biết, mà ông ra Rạch Miễu ông cưới cô Lê Thị Nho mới có 18 tuổi, nghĩa là lớn hơn con trưởng nam của ông có 3 tuổi. Cô Lý Thị Nho vốn là con nhà hồi trước cũng có ăn, nhưng vì bị kiện thưa sao đó mà phải suy sụp, nên cực chẳng đã, cô phải ưng người lớn tuổi mà giàu có, đặng nương dựa tấm thân. Cô đã có sắc mà lại lanh lợi, bởi vậy ông cưới cô về thì ông yêu cô vô cùng.
Cách một năm, cô sanh cho ông được một đứa con trai. Ông mừng húm, bèn đặt tên là Trần Thượng Tứ. Ông càng ngày càng thương yêu, càng tin cậy vợ mới, các việc trong nhà ông đều phú thác cho vợ hết thảy, thậm chí chìa khóa tủ sắt ông cũng giao cho vợ giữ.
Cô Lý Thị Nho trẻ tuổi mà cao trí; được chồng già yêu trọng mà cô không đỏng đảnh như gái khác, cô càng nhỏ nhẹ, càng cung kỉnh, càng lo sợ, chẳng những là cô hết lòng xem xét việc trong nhà mà thôi, mà cô lại còn săn sóc con ghẻ con ruột cũng như nhau, chồng muốn điều chi thì cô làm cho chồng vừa ý hết thảy,
Chừng Trần Thượng Chí khôn lớn, ông Kế hiền mới lo cưới vợ cho con. Theo thế thường thì con lớn phải ở chung với cha, đặng hôm sớm lo săn sóc phụng sự cha, khi cha già yếu thì thay mặt cho cha mà phụng tự ông bà. Không hiểu cô Lý Thị Nho nói làm sao, mà cưới vợ cho Thượng Chí rồi, ông Kế hiền lại mua một mẫu vườn cũng dựa lộ, song ở ấp dưới, rồi cất một cái nhà ngói nhỏ ba căn vách ván mà cho con ra riêng.
Vợ chồng Thượng Chí săn sóc miếng vườn, làm vài dây ruộng, tuy không làm giàu được, song năm nào cũng đủ ăn, khỏi cậy nhờ cha. Chừng Thượng Chí đúng tuổi, làng tổng vị con nhà giàu nên cử làm Hương chức. Anh ta làm làng được 6 năm, kế có việc quan trên muốn cử một vị Ban Biện để giúp với Cai tổng trong việc tuần phòng. Thượng Chí tính ra tranh chức ấy, ngặt vì trong nhà không có tiền dư, nên phải lên năn nỉ với cha mà xin 5 ngàn đồng bạc. Ông Kế hiền kêu vợ mà nói rằng:
Thằng Hai nó xin 5 ngàn đặng nó tranh chức Ban Biện. Má nó tính sao? Bà Kế hiền cười mà đáp rằng: Ông có bạc dư thì ông cho nó chớ tôi có tiền bạc gì đâu mà ông hỏi tôi. Mà tôi nghĩ ở dưới nầy ham tranh đua với người ta mà làm gì. Làm Ban Biện chém giết ai được hay sao mà phải vác bạc ngàn ra lo.
Ông Kế hiền ngồi lặng thinh một hồi rồi nói với con rằng: “Tao năm nay mắc cất nhà có bạc dư ở đâu. Như mầy muốn làm Ban Biện thì mầy làm sao mầy làm, chớ tao không thế giúp được.”
Thượng Chí biết cha không thiếu gì bạc mà tại mẹ ghẻ nên cha không cho. Anh ta buồn ý, nên trở về nhà đi vay 5 ngàn mà lo chức Ban biện. Ai cũng biết ông Kế hiền Toại là một nhà đại phú, bởi vậy con trưởng nam của ông đi vay bạc, ai lại không cho. Thượng Chí vay bạc thiệt là dễ, mà có bạc nhiều rồi tranh chức Ban biện lại càng dễ hơn nữa.
Bà Kế hiền nghe Thượng Chí được cấp bằng Ban Biện thì bà cười mà nói với chồng rằng : Tôi nghe nói thằng Hai nó giận gay ông nên nó đi vay tiền mà lo chức Ban Biện đó đó. Nó không cần tiền của ông, nó cũng làm được. Thằng thiệt cứng cỏi quá! Nếu nó tập cái tánh đó, tôi sợ chừng ông trăm tuổi già ông để ruộng đất lại cho nó bao nhiêu, chủ nợ họ lấy hết. Ông còn sờ sờ đây mà nó dám đi vay; chừng ông chết rồi thì nó còn kể gì nữa
Ông Kế hiền châu mày đáp rằng; đồ khốn nạn, nó muốn mạt thây kệ nó! Thôi, để tôi lo cho thằng Tứ ăn học, đặng ngày sau nó nối nghiệp cho tôi. Thằng Chí nó muốn ngỗ nghịch thì nó làm sao nó làm.
Nhà giàu lớn, con trưởng nam xin ít ngàn đồng bạc đặng làm cho nở mặt nở mày với người ta, mà ông không chịu cho, rồi lại nghe lời vợ nhỏ thêu dệt mà tỏ ý ghét con nữa, bao nhiêu đó cũng đủ thấy ông thương vợ nhỏ hơn là con dòng lớn, và sự quán suất gia đình đã về tay bà vợ nhỏ lâu rồi. Mà ông có thêm con trai nhỏ, nên ông bớt thương con trai lớn đã đành; có một điều ai cũng lấy làm kỳ là ông có một chút con gái, là cô Trần Thị Ngọc, ông gả cho Hà Trung Hậu, là con của Hội đồng Thế ở Chợ Gạo, mà từ ngày ông gả lấy chồng rồi, thì ông không ngó ngàn gì tới nữa. Đã biết bên chồng của cô nọ giàu có lớn cũng như ông, nên cô chẳng hề khi nào về rút rỉa như con người ta, nhưng mà ông đành lòng làm ngơ, con rể tới thăm chẳng có một lần nào ông cầm một đồng bạc mà cho chúng nó đi xe.
Nói cho phải ông Kế hiền Toại bỏn sẻn với mọi người chớ không phải hẹp với con dòng lớn còn rộng với con vợ nhỏ. Chừng Thượng Tứ đúng tuổi ông gởi lên học trên Mỹ Tho, mỗi ngày ông cho phép ăn bánh có 5 xu mà thôi, mà chiều thứ bảy đi về thì ông bắt đi bộ, chớ ông không cho tiền đi xe. Nếu Thượng Tứ không phiền, ấy là vì có mẹ đút nhét, cha cho mỗi tuần ba cắc mà mẹ lén đưa thêm ba đồng bởi vậy bánh hàng đã phủ phê mà chiều thứ bảy lại mướn xe kéo mà về gần tới nhà rồi mới chịu xuống xe đi bộ cho cha đừng biết.
Chừng Thượng Tứ được 19 tuổi, đương học trên Sàigòn, thì ông Kế hiền phát bịnh, Bà Kế hiền thấy ông đã quá 60, mà ương yếu như vậy thì bà lo sợ, nên bà òn ỹ khóc lóc xin ông hãy tính giùm việc tương lai cho bà, chớ nếu ông không tính trước rủi ông cỡi hạc chầu trời, thì chắc thầy Ban BiệnThượng Chí dùng quyền trưởng nam mà thâu hết sự nghiệp rồi mẹ con bà không có chỗ mà dung thân.
Ông Kế hiền lắc đầu nói rằng:
- Tôi chưa chết đâu mà bà lo. Nói cùng mà nghe, ví dầu tôi có chết đi nữa, bà là vợ thứ, có hôn thơ hôn thú hẳn hòi, bà ăn huê lợi mãn đời rồi các con mới có phép tương phân tài sản được; thằng Chí nó nói giống gì đưọc mà bà sợ.
- Tôi là đàn bà, tôi không biết luật phép. Tôi sợ kiện thưa lắm. Nếu ông thương mẹ con tôi xin ông tính giùm trước cho yên. Thà là có giấy trắng mực đen vậy cho dễ.
- Bây giờ bà muốn làm sao?
- Thương ghét cũng nhờ ông, chớ tôi đâu dám muốn sự gì.
- Tôi chết rồi bà lấy chồng khác hay không?
Bà Kế hiền nghe ông hỏi như vậy thì bà khóc rống lên, rồi bà ngồi tấm tức tắm tửi mà nói rằng: “Vợ chồng ở với nhau hơn 20 năm nay, bây giờ tôi mới biết ông không thương tôi. Tôi tiếc vì con tôi nó còn khờ dại quá, chớ chi mà nó có gia thất như người ta, thì tôi chết phứt cho rồi, sống làm chi mà chồng nghi như vầy, thiệt xấu hổ hết sức”.
Ông Kế hiền nói rằng:
- Không phải tôi không thương bà. Bà năm nay mới có 38 tuổi, còn trẻ quá, tôi sợ ở góa mà nuôi con không được, bởi vậy tôi phải hỏi cho chắc đặng tôi có tinh chớ.
- Nếu ông muốn tôi chết thì tôi chết liền bây giờ cho ông coi, đặng ông hết nghi nữa!
- Chết làm chi? Bà không hiểu ý tôi. Vì tôi lo cho phận con, nên tôi mới hỏi như tôi chết bà ở vậy mà nuôi con hay là cải giá. Tôi lo về sau chớ nào phải tôi ghen tương gì hay sao? Tôi chết rồi thì bà làm sao tự ý bà, dầu bà lấy chồng khác, tôi lại cản được hay sao mà ghen.
- Tôi thề trên có trời dưới có đất, hễ thằng Tứ nó học xong, tôi cưới vợ cho nó rồi thì tôi chết theo ông liền. Tôi lo cho con, chớ thân tôi mà kể gì. Tôi có phải như người ta vậy đâu. Tôi ăn cơm với muối cũng được, tôi không ham việc chi hết. Tôi sợ là sợ cho thằng Tứ, chừng ông nhắm mắt theo ông theo bà rồi thân nó đói rách tội nghiệp mà thôi chớ. Chưa gì mà tôi coi ý anh với chị nó hầm hầm, cha chả, chừng ông mất rồi nó chịu sao nổi.
Ông nằm thiêm thiếp không nói nữa. Bà ngồi một bên thút thít khóc hồi. Ông thấy vậy bèn nói rằng: “Thôi, để thủng thẳng ít bữa rồi tôi sẽ tính”.
Tuy ông nói ông tính mà không nghe ông tính với ai hết, chỉ có nghe bà vợ cứ òn ỹ nói dây ruộng nầy tối dây ruộng kia xấu, dây ruộng nầy phải chia cho con mình, dây ruộng kia phải trí phần dưỡng lão. Bà òn ỹ ít bữa rồi ông sai trẻ đi mời Hương chánh Dung, là người thông thạo 2 tuồng chữ, đến đặt giùm tờ chúc ngôn cho ông. Bà Kế hiền thấy Hương chánh Dung đến thì bà niềm nở tử tế, bà lén hứa với Hương chánh hễ đặt tờ rành rẽ thì bà sẽ thưởng công một trăm đồng bạc.
Hương chánh Dung nghe có lợi thì ham, không kể chi là công lý, bởi vậy ông Kế hiền nói sơ lược đại ý của ông cho anh ta nghe rồi anh ta đặt tờ, chẳng những là đặt y theo lời ông dặn mà thôi, mà anh ta lại còn thêu dệt thêm chút đỉnh cho bà có lợi nữa.
Tờ chúc ngôn đặt trọn một tuần lễ mới xong, đại khái nói như vầy: “Các con tuy 2 dòng, song vốn một cha sanh ra, bởi vậy dầu dòng chánh hay là dòng thứ cũng đồng con hết thảy nên hưởng gia tài phải hưởng đồng với nhau, ông Kế hiền đứng bộ cộng hết thảy được 500 mẫu điền. Ông trích ra 50 mẫu để làm phần hương hỏa của ông và bà vợ lớn, trí cho Trần Thượng Chí ăn huê lợi mà phụng tự. Ông trích ra 50 mẫu nữa để làm phần hương hỏa cho ông bà, trí cho Trần Thượng Tứ ăn huê lợi mà phụng tự. Ông trích thêm 100 mẫu để làm phần dưỡng lão cho vợ thứ là Lý Thị Nho, hễ bà sống thì bà hưởng huê lợi, chừng nào bà chết thì chia làm 2 phần, một phần về Trần Thượng Tứ ăn mà cúng quảy mẹ, còn một phần thì về hai người con dòng chánh. Còn lại 300 mẫu ông chia đồng cho ba con, trai gái mỗi đứa đều cũng được hưởng 100 mẫu”.
Tờ chúc ngôn làm như vậy coi cũng chẳng thiệt hại hai đứa con dòng chánh cho lắm. Nhưng đoạn sau ông lại biểu thêm mấy câu rằng: Cái nhà ông ở đó lập làm nhà thờ giao cho Thượng Tứ ở mà phụng tự. Còn những ruộng đất ông chia cho các con đó, tuy mọi người đều được cải tên đứng bộ phần của mình, nhưng mà huê lợi phải để cho vợ thứ là Lý Thị Nho hưởng trọn đời chừng nào Thị Nho chết rồi, các con mới đưọc hưởng, nếu các con đứa nào không tuân ý cha, chừng cha chết rồi mà sanh chuyện kiện thưa, thì phải mang tội bất hiếu và bị cất phần ăn”.
Chừng tờ làm xong rồi, ông Kế hiền mới cho kêu các con về ký tên và mời làng tổng đến thị nhận. Người con gái, là Trần Thị Ngọc, đọc tờ rồi cô khóc lóc than phiền cha chia không công bình; cô nói rằng công mẹ cô cực khổ mới gầy dựng ra sự nghiệp, mà bây giờ anh của cô hưởng không bằng con dòng thứ. Cô lại nói mẹ ghẻ của cô còn trẻ tuổi, lời giao chừng nào mẹ ghẻ qua đời rồi anh em cô mới được hưởng huê lợi, thế thì anh em cô không trông mong hưởng của cha mẹ đtrợc, bởi vì cô sợ anh em cô chết hết, mà bà kế mẫu cũng chưa qua đời. Cô làm lẫy xin cha giao hết ruộng đất cho bà kế mẫu làm chủ, anh em cô không lãng làm chi.
Làng tổng ai nghe mấy lời phiền ấy cũng cho là hữu lý, duy có một mình ông Kế hiền ổng lại cho là lời ngỗ nghịch, ổng nhiếc om sòm, làm giận làm hờn, rồi lại rầy lây đến thầy Ban biện Thượng Chí, ông nói rằng thầy bày mưu cho em kháng cự với ông.
Thầy Ban biện lấy làm phiền trong lòng, nhưng vì thấy cha có bịnh, thầy không dám cãi lẽ với cha. Thầy rầy áp em, rồi thầy giận lẫy, nên lấy viết ký tên phứt vào tờ chúc ngôn tương phân cho vừa lòng cha. Hà Trung Hậu, là chồng của cô Ngọc, sợ mang tiếng xúi vợ tranh gia tài, lại thấy Thượng Chí đã ký tên, nên nói với vợ rằng: “Cha mẹ là trờì biển, mình làm con chẳng nên phiền trách. Cha sanh mình và nuôi mình cho nên vai nên vóc, ơn ấy trọng quá, mình đã có làm điều chi mà đền bồi chút đỉnh hay chưa? Nay cha có bịnh sao mình lại làm cho cha buồn như vậy? May cha có ruộng đất để lại cho minh, mình chê nhiều chê ít, ví như cha nghèo để nợ lại cho mình, rồi mình nói thế nào nữa? Tôi khuyên mình đừng có trái ý cha. Ở đời, giàu nghèo tại ông trời, mình ham cho nhiều mà nếu ông trời không cho hưởng, thì mình cũng không giữ được đâu mà ham”.
Cô Trần Thị Ngọc cầm viết ký tên, mà cô khóc và kêu mẹ cô nghe rất ghê gớm. Tổng làng ai thấy tình cảnh như vậy cũng đều động lòng.
Tờ chúc ngôn tương phân đem đóng bách phân cầu chứng cải bộ vừa xong, thì ông Kế hiền Toại mất.
*
* *
Ông Kế hiền Toại kiến thức theo xưa, cư xử theo xưa, thậm chí cái nhà của ông ở ông cất kiểu coi cũng xưa quá. Năm trước ông cất cái nhà tốn hơn mười ngàn đồng bạc. Hồi vỡ gỗ, ông tính cất ba căn hai chái bắt vần, nhờ có bà vợ ngăn cản, nói rằng cất rộng minh mông như nhà chợ ở sao cho hết, ông mới tóp bớt cái vòng chung quanh, duy còn để ba căn với hai chái. Nền xây cao tới một thước, cột gõ tròn năm tay, đuôi kèo chạm bát tiên, cửa cuốn gạch bán nguyệt. Nhà coi thì cao ráo khoản khoát, nhưng mà ở trong thì rộng minh mông. Phía trước dọn ba bàn thờ lót ba bộ ván gõ, gần cửa cái để một bộ ghế trường kỷ. Phía sau cũng lót ván gõ, hai cái buồng hai bên thì để hai cái giường cây với cái tủ áo và một cái tủ sắt lớn chớ chẳng có chứng dọn vật chi khác.
Từ khi ông mất rồi, Thượng Tứ mắc ở học trên trường, bà Kế hiền ở nội, phía sau, còn phía trước bà đóng cửa hồi, bởi vậy ván ghế bụi đóng lớp lâu lớp mới coi mốc thích.
Hôm nọ Thượng Tứ gởi thơ về nói cho mẹ hay rằng lúc nầy chàng sửa soạn thi bằng cấp tốt nghiệp. Bà Kế hiền nằm đêm thầm vái cho con thi đậu, đặng có tiếng tăm một chút, rồi bà lo vợ cho con. Bà vái và trông gần mười ngày rồi bà không được tin tức chi hết.
Một buổi chiều, bà Kế hiền ăn cơm rồi, bà đương nằm trên võng đưa tòn ten mà trông tin con, thình lình con Mang, là đứa ở của bà, nó chạy vô thưa cho bà hay rằng cậu Tư về. Bà lật đật đứng dậy bước ra cửa sau, thiệt quả thấy Thượng Tứ ở ngồi cửa ngõ đương xâm xâm đi vô, sau lưng lại có một người vác rương đi theo. Bà cười ngỏn ngoẻn mà hỏi rằng: “Sao con về con không đánh dây thép cho má hay trước đặng má sai bầy trẻ lên Mỹ đón xe lửa mà rưởc?”
Thượng Tứ thấy mẹ đã không mừng, mà nghe mẹ hỏi cũng không trả lời, cứ lầm lũi đi vô nhà. Bà Kế hiền và đi theo con và hỏi nữa rằng: “Hôm trước con nói con thi, vậy mà con thi đậu hay không, sao con không gởi thơ nữa cho má hay, để má trông dữ quá”. Thuợng Tứ cùng quằn đáp rằng: “Thi rớt rồi, gởi thơ làm giống gì”. Cậu và nói và quăng cái nón lên ván, rồi chấp tay sau đít đi qua đi lại, tiếng giày Tây chạm trên gạch tàu nghe lốp bốp. Bà Kế hiền nghe tin chẳng lành ấy thì bà ngơ ngẩn, liền bước lại ván ngồi lấy trầu têm ăn, mà mặt mày buồn hiu.
Người vác cái rương bước rồi lum khum để dựa cửa. Thượng Tứ không thèm ngó tới, để anh nọ đứng xớ rớ một hồi lâu rồi mới nói rằng: “Má cho một đồng bạc đặng trả tiền xe chút má”. Bà Kế hiền đi mở tủ lấy bạc mà trao cho con. Thượng Tứ cho người vác rương tiền rồi người ấy xá mà lui ra.
Thượng Tứ ăn cơm rồi leo lên võng mà nằm. Bà Kế hiền nằm trên bộ ván gần đó, chắc là trong trí bà lo lung lắm, nên bà gát tay qua trán mà ngó ngọn đèn, bà không nói chuyện chi hết. Mấy đứa ở dọn dẹp xong rồi, bèn coi đóng cửa trước cửa sau chặt chịa đặng đi ngủ.
Chẳng hiểu bà Kế hiền lo tính làm sao, mà cách một hồi lâu bà vùng ngồi dậy và nói rằng:
- Thôi, nếu con không chịu học nữa, con muốn cưới vợ, thì để má kiếm vợ cho.
- Má kiếm ở đâu? Nè, tôi nói trước cho má biết, tôi không thèm thứ con gái ở đồng đa má. Má phải cưới con gái ở chợ, biết nói chuyện, thông chữ nghĩa, tôi mới chịu. Con gái đồng quê mùa quá, ai chịu cho nổi.
- Mình ở đồng thì cưới con gái ở đồng, chớ kiếm đồ ở chợ về rồi nó biết làm giống gì.
- Má tính cưới vợ cho tôi đặng má bắt trèo cau hay là phát cỏ hay sao?
- Ai mà tính kỳ cục như vậy. Mà đều mình ở ruộng ở vườn, mình phải kiếm đứa biết công việc theo ruộng vườn, đặng nó coi sóc việc nhà, chớ cưới đứa ở chợ, nó biết đánh bóng sửa dáng, có biết việc gì đâu mà coi sóc. Má nghe nói ông Hội đồng Thưởng ở trên chợ Ông Văn còn một đứa con gái út năm nay mười tám tuổi mà chưa có chồng. Để má mượn thầy coi tuổi, như tốt thì má đi coi rồi má cậy mai nói mà cưới cho con.
- Má thấy con đó hay chưa?
- Má nghe họ nói chớ chưa ngó thấy. Họ nói con nhỏ đó giỏi dắn khéo léo lắm.
- Không được đâu má. Con gái vườn quê mùa khó chịu lắm. Tôi muốn má nói con ông Phán Hương má cưới cho tôi. Cô ấy ngộ mà dễ thương lắm.
- Ông Phản Hương nào ở đâu? Sao con biết?
- Ổng ở trên Xóm Gà, phía trong Bà Chiểu một chút. Tôi có một đứa anh em bạn học, nó ở gần nhà ổng. Chúa nhựt tôi hay vô nhà nó tôi chơi nên tôi thấy con của ông Phán.
- Ông Phán đó giàu hay nghèo?
- Má hỏi chuyện đó làm chi không biết! Giàu làm chi, mà nghèo rồi sao? Hồi trước ổng làm việc sở Trường tiền. Bây giờ ổng hưu trí rồi về ở Xóm Gà. Tôi thấy ổng ở một cái nhà lá ba căn, vách ván sạch sẽ, thấy vậy thì hay vậy, chớ ai coi trong tủ ổng được mà biết ổng giàu hay nghèo.
- Con là con nhà giàu có, con phải lựa chỗ cho xứng đáng mà cưới vợ. Má nghe nói ông Hội đồng Thưởng giàu hơn mình nhiều lắm, mà ổng không có con trai, có hai đứa con gái, đứa lớn gả lấy chồng rồi, nó về ở theo bên chồng nó, còn đứa nhỏ, vợ chồng ổng cưng lắm, tính gả bắt rể, nếu con sa vào đó con no lắm.
- Tôi nghèo cực gì mà phải chui đầu theo bên vợ đặng ăn chực? Tôi không thèm đâu.
- Con đừng có nói dại. Con giàu mà được vợ giàu lớn nữa thì càng quí chớ.
- Ông Hội đồng đó gả con mà muốn bát rể, vậy chớ ổng đủ sức nuôi tôi hôn?
- Sao lại không đủ sức! Ổng giàu lớn lắm mà; người ta nói ổng giàu bằng ba mình lận.
- Tôi xài lớn lắm đa má à. Tôi sợ ổng chịu không nổi chớ.
- Nếu con xài lớn, mà sao con lại đòi cưới con ông Phán nào đó, ổng nghèo rồi tiền bạc đâu có cho con xài.
- Thà là cưới con ông phán nghèo, thì tôi xài tiền của tôi, chớ cưới con ông Hội đồng giàu, mà ổng lại giành phần nuôi rể nữa, thì ổng phải bao hết thảy chớ.
- Được mà. Má nghe nói vợ chồng ông Hội đồng cưng con nhỏ đó lắm, giao hết chìa khóa cho nó cầm, xuất phát trong nhà một tay nó hết thảy. Nếu cưới rồi mà con làm cho vợ chồng ông Hội đồng thương con, thì tiền bạc thiếu gì mà con lo. Con ăn ở cho khôn khéo thì người ta mua ruộng đất để cho vợ chồng con đứng bộ riêng nữa a.
- Tôi có vợ mà tôi ở theo bên vợ thì má ở nhà một mình rồi má làm sao?
- Đây qua Ông Văn mà xa xắc gì. Con chạy qua chạy lại dễ ợt, có sao đâu mà lo.
- Sao hồi nãy má nói má tính cưới vợ cho tôi đặng nó coi sóc việc nhà? Nếu cưới mà để nó ở bên nhà nó, thì có coi sóc việc gì được?
- Nói thì phải nói như vậy, chớ việc nhà mình cần gì phải nó coi. Cần cho nó coi việc nhà bên nó đó, thì cũng như nó coi vìệc nhà của mình; bởi vì nó không có anh em trai, gia tài của cha rnẹ nó đó tức thị gia tài của nó với của con.
- Tôi hiểu rồi. Má muốn cưới gia tài của ông Hội đồng Thưởng cho tôi.
- Hễ con có vợ giàu thì tự nhiên con được hưởng nhờ chớ sao.
- Má ham giàu quả!
- Giàu mà không ham, chớ ham giống gì?
- Có tiền đủ xài chơi cho sướng thân thì thôi, giàu mà làm gì!
- Thì phải giàu mới có tiền đủ mà xài chớ!
- Vậy chớ mình không có tiền hay sao? Cha chết cha để ruộng đất cho má hưởng huê lợi mỗi năm góp mười lăm mười bảy ngàn giạ lúa thiếu gì tiền mà phải ham nữa.
- Mình có chút đỉnh, nếu có thêm nữa thì càng tốt chớ sao con.
- Có nhiều rồi mà còn muốn có thêm nữa, còn những kẻ nghèo kia họ mới làm sao?
- Họ làm sao họ làm, hơi đâu mà lo cho họ.
Thượng Tứ nằm lặng thinh một hồi rồi mới nói rằng: “Tôi thấy họ nghèo tôi thương quá, như học ở trên trường có thằng Khả, con của ai ở Gò Công không biết, cha mẹ nó nghèo nên nó học mà coi bộ khổ không biết chừng nào. Nó bận áo vải quần vải mà rách rồi phải vá miếng nào miếng nấy bằng bàn tay. Từ đầu năm đến bãi trường không khi nào thấy nó cầm một miếng bánh mà ăn. Chúa nhựt cả trường ai cũng ra đi chơi, nó cứ ở lục thục trong truờng mà học, không dám đi đâu hết, có tiền đâu mà đi. Hôm thi rồi, nó được đậu mà nó không vui. Tôi thấy vậy tôi hỏi nó thì nó nói nó không có tiền nên không biết làm sao mà về, còn gởi thơ xin cha mẹ thì không biết cha mẹ có mà gởi lên cho hay không nên không dám xin. Tôi nghe nó than như vậy tôi động lòng, nên tôi còn tám đồng bạc tôi chia làm haì cho nó phân nửa. Nó cám ơn tôi quá mà nó lấy có hai đồng, nói rằng bao nhiêu đó thì đủ cho nó về tới nhà rồi, không cần nhiều hơn nữa. Không biết chừng tại cha mẹ thằng Khả nghèo, nên nó mới thi đậu đó đa má a”.
Bà Kế hiền thở ra mà đáp rằng:
- Con biết thương người ta, sao con không bắt chước người ta? Người ta nghèo cực mà người ta còn học được, còn con học tốn hao của cha mẹ không biết bao nhiêu, mà sao con học không nên?
- Tại má a.
- Sao mà tại má?
- Tại má có tiền nhiều quá, má cho tôi hoài nên tôi mắc lo ăn xài, có học hành gì được.
- Thôi, từ rày sắp lên má không cho con đồng nào nữa hết, cho con tiền thì con hư chớ có ích gì.
- Ý, sao được! Từ hồi nào tới bây giờ tôi xài quen rồi, má không cho nữa sao được. Mà bây giờ cha mất rồi, tiền bạc về một tay má trước sau gì má cũng phải để cho tôi chớ để cho ai, chuyện gì mà hà tiện không cho tôi xài. Má mua cho tôi một cái xe hơi đi chơi má, mua xe nhỏ nhỏ, chừng vài ba ngàn. Có xe đặng tôi tập cầm bánh rồi chiều chiều tôi chở má lên Mỹ chơi chớ.
- È! Mua xe cộ làm gì nà.
- Ủa, có tiền thì xài cho sungg sướng tấm thân, chớ hà tiện rồi chừng chết đem theo được hay sao?
- Sợ xài hết tiền rồi mà cũng chưa chết mới khổ chớ.
- Thuở nay tôi tính trong trí tôi hoài, hễ ngày nào tôi hết tiền tôi chết liền, chớ sống mà nghèo khổ thì sống làm chi.
- Con khéo nói bậy! Con đừng có se sua ăn xài lắm, người ta nói.
- Ai nói? Nói cái gì?
- Con xài phí se sua lắm rồi anh Hai với chị Ba con nó phân bì chớ.
- Của tôi thì tôi xài, chớ tôi xài của ảnh chỉ hay sao mà ảnh chỉ nói?
- Của thì là của chung, nhờ cha con thương mẹ con mình, để cho má ăn huê lợi mãn đời mà nuôi con, nếu mình làm quá anh chị con nó phiền biết hôn?
- Má cho ảnh chỉ xài chung với thì có phiền gì được.
- Cha chả! Ai có sức đâu mà bao cùng hết vậy cho nổi.
- Tiền bạc của cha làm ra, anh Hai với chị Ba cũng là con, thì phải cho ảnh chỉ hưởng chút đỉnh chớ.
- Nói chư con vậy sao được. Vậy chớ tờ di chúc của cha con đó, con không thấy hay sao? Chừng nào má chết rồi, ai muốn làm sao thì làm, chớ má còn sống thì má góp huê lợi, má không cho ai hết.
- Má làm như vậy thì anh Hai con ảnh lấy gì ảnh xài?
- Nó làm sao nó làm, má biết đâu. Để mãn tang rồi má giao 50 mẫu đất hương hỏa cho nó. Nó ăn cái đó mỗi năm cũng được gần vài ngàn giạ lúa, còn gì nữa.
- Còn phần hương hỏa của tôi, má giao cho tôi không?
- Không được. Con ở chung với má thì để má góp lúa đặng cúng quảy ông bà, giao cho con làm gì?
- Má nói để má cưới vợ cho tôi rồi đễ tôi theo ở bên vợ. Vậy thì tôi có ở nhà đâu mà cúng quảy ông bà?
- Hễ tới đám giỗ thì vợ chồng con về cúng.
- Thì má phải để cho tôi góp lúa ruộng phần hương hỏa, tôi cúng mới được chớ. Nếu má không cho tôi ăn phần đó thì tôi lấy giống gì tôi xài.
- Con ở bên vợ thì con xài tiền bên vợ chớ.
- Coi kỳ lắm nà. Má không cho tôi thì tôi không thèm cưới vợ đâu. Mà không thôi phải cưới con, ông Phán Hương cho tôi thì tôi mới chịu, chớ tôi không ưng con ông Hội đồng.
- Ờ, thôi để má cưới vợ cho con rồi má sẽ cho con ăn phần hương hỏa.
- Đuợc như vậy thì tôi mới chịu.
Hai mẹ con nói chuyện với nhau tới khuya rồi mới đi ngủ.