Bác Mingô biết rất rõ rằng cái tên Tom Liơ, trong khắp cả chiều dài chiều rộng quận Caxuel, tượng trưng cho sự phất lên địa vị cao sang của một người da trắng nghèo, một chủ gà cự phách xuất thân là một tay chơi hạ cấp với một con gà hay. Hơn một lần, y đã nói với bác Mingô là y xiết bao trìu mến nhìn lại những ngày đầu đói rét ấy: y tuyên bố rằng những rạo rực buổi ấy chí ít cũng ngang với tâm trạng xúc động thú vị của y trong mọi cuộc thi đấu “chủ lực” lớn y đã tham gia kể từ đó trở đi. Những khác biệt đáng kể duy nhất – mexừ Liơ nói – là các cuộc thi đấu “chủ lực” lớn bao gồm một lớp người cũng như gà ưu đẳng hơn và các khoản tiền đánh cá cao hơn gấp bội; người ta có thể thấy những tay chơi gà chọi giàu thật là giàu được hoặc mất cả gia tài cơ nghiệp trong vòng một trận đấu. Các cuộc thi đấu hạ cấp là dành cho những người chỉ có thể đưa ra chọi một hoặc hai hoặc ba gà, thường thường là loại hai, loại ba những người da trắng nghèo, da đen tự do hoặc nô lệ.
“Cái gì khiến lão nghĩ rằng nó có thể điều khiển gà trong một bãi chọi?” mexừ Liơ hỏi.
Bác Mingô nhẹ hẳn người khi không thấy ý kiến nào phản đối đề nghị của bác: “À, ông biết đấy, thằng nhỏ í theo dõi sát các cuộc đấu ở các bãi chọi trong năm, sáu năm nay, ông chủ ạ và cái í đem cộng với cái khiếu gà bẩm sinh của nó, tui tin chắc nó chỉ cần được dạy bảo thêm chút ít thôi. Mà cho dù có thua, thì cũng chỉ mất những gà bị loại trong số ta có ở đây thôi, cách nào thì ông cũng chả mấy dùng đến bọn nó nữa, ông chủ à”.
“Ư hự” ông chủ lẩm bẩm, xoa cằm vẻ tư lự. “Thôi được, ta thấy cái đó không có gì hại. Ừ, sao lại không lấy da bọc cựa cho mấy con bị loại và giúp nó tập chọi suốt mùa hè nhỉ? Nếu đến mùa sau, nó ra dáng khơ khớ, phải, ta sẽ đặt cược vào nó chút ít để đánh cá vài trận”.
“Nhất định rồi, thưa ông chủ!” bác Mingô mừng rơn, vì hàng tháng nay, trong sự biệt lập như giữa rừng sâu của khu gà chọi, bác và Joóc đã cho đám gà loại chọi thử, tất cả đều được bọc cựa bằng một thứ bao da nhẹ do bác Mingô sáng chế để tránh gây tử thương. Vốn là người cẩn thận, ông lão không mạo hiểm gợi ý với ông chủ trước khi tự mình xác định chắc chắn rằng gã học việc tài ba tỏ ra có tiềm năng chân chính để phát triển thành một tay luyện đấu thực sự là cừ. Trong thâm tâm, bác nghĩ, với kha khá kinh nghiệm đấu “hạ cấp”, một ngày kia, Joóc có thể trở nên thành thạo như mexừ Liơ trong việc xử lý gà tại bãi chọi. Như bác Mingô đã nói, ngay cả những con bị loại khỏi một đàn tốt như đàn của ông chủ, cũng vẫn hơn những con thường được đem xung trận trong những cuộc đấu hạ cấp mùa nào cũng được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau, đột xuất và không chính thức, ở khắp quận. Chung quy, bác Mingô thấy hầu như không có cách nào khiến Joóc trượt cả.
“Thế nào nhỏ, mày chỉ bết đứng há hốc mồm ra đấy thôi ư?” bác Mingô hỏi vậy khi bác báo tin cho Joóc, chiều hôm đó.
“Cháu chả còn biết nói gì”.
“Tau chưa bao nghĩ mình còn sống tới ngày thấy mày không có gì để nói”.
“Cháu… quả không biết cảm ơn bác dư thế nào cho phải”.
“Có bao dêu răng mày phô ra hết dư vầy, thôi khỏi cần cám ơn. Ta bắt tay vào việc thôi”.
Mùa hè ấy, hàng ngày, Joóc và bác Mingô bỏ ra ít nhất một giờ vào lúc chiều muộn, ngồi xổm đối diện nhau hai bên một bãi chọi tạm thời, đường kính và chiều sâu nhỏ hơn kích thước chính quy nhưng cũng đủ để luyện tập. Sau mấy tuần ông chủ xuống quan sát một buổi tập. Kinh ngạc trước sự mau lẹ và phản ứng sắc nhạy bên bãi chọi mà Joóc tỏ ra trong khi điều khiển gà, ông ta bèn mách nước cho gã một số ngón riêng của mình.
“Mày muốn gà mày nhảy trước chứ gì? nom tao đây”. Cầm lấy con gà của bác Mingô, ông ta nói: “Được, trọng tài đã hô “chuẩn bị!” rồi. Mày đang ở dưới bãi giữ gà mày – nhưng đừng có nhìn nó! Hãy dán mắt vào môi trọng tài! Muốn biết đích xác đến một phần tích tắc khi nào hắn sắp nói: ‘Buông gà!’ chứ gì? Đó là khi môi hắn bặm chặt vào nhau”… Mexừ Liơ mím môi. “Đúng lúc ấy mày buông tay ra – mày sẽ nghe thấy ‘Buông gà!’ đúng lúc gà mày lao ra đầu tiên!”
Một số buổi chiều, sau khi luyện xong và nhốt những con gà loại về chuồng, bác Mingô ngồi nói cho Joóc biết là trong thi đấu “hạ cấp” cũng có thể đạt được vinh quang và tiền tài. “Hệt dư đám da trắng nghèo hò la cổ vũ cho ông chủ thắng cuộc, tau đã thấy ối nhọ được cổ vũ ở các cuộc đấu hạ cấp. Và trong một trận thắng, có thể được tới mười mười hai đôla, có khi hơn nữa nhỏ ạ!”
“Cháu chả bao giờ có lấy một đôla, bác Mingô ạ! Cũng chả biết mặt mũi một đôla nó ra làm sao nữa!”
“Tau cũng chả bao giờ có dều đôla. Thực tế, tau cũng chả cần đến nó nữa. Cơ mà ông chủ bểu sẽ đặt cược mầy một số tiền cá, mà nếu mầy thắng trận nào, ông í có thể để cho mày hưởng một ít…”.
“Bác đoán ông í làm thế à?”
“Tau hy vọng thế là vì tau bết ông í ắt phải khoái cái sáng kến làm khỏe cánh của mày, nó bỏ dều tền vào túi ông í mà. Có đều là nếu ông í làm thế, lệu mầy có bết đàng mà dành dụm dững gì mày kếm được không?”
“Nhất định chứ! Chắc chắn cháu sẽ để dành!”.
“Tau thậm chí nghe nói có dững nhọ được cuộc trong thi đấu hạ cấp và dành đủ tền mua lại tự do cho mình, thoát khỏi tay chủ”.
“Mua cả cho cháu lẫn mẹ cháu!”.
Lập tức, bác Mingô đứng dậy khỏi gốc cây cụt bác đang ngồi; nỗi ghen tị buốt nhói bác vừa cảm thấy, chẳng những đã đến hoàn toàn bất ngờ mà còn xáo đảo sâu sắc tận trong lòng đến nỗi bác khó tìm ra lời đối đáp. Thế rồi bác chợt nghe thấy mình sẵng giọng: “Ờ, chắc chả có gì là bất khả!” Đột nhiên muốn thoát ra khỏi cái cảm giác rằng ý thức của bác chia sẻ một mối tình thương mến thực sự gần gũi, không được đáp lại ngang xứng, bác rảo bước đi về lều mình để mặc Joóc bối rối nhìn theo.
Tại một cuộc đấu “chủ lực” lớn đầu mùa năm 1824, cùng đi với mexừ Liơ, bác Mingô được một ông già luyện gà bác quen từ nhiều năm nay cho biết một cuộc đấu “hạ cấp” sẽ được tổ chức vào chiều thứ bảy tới, ở phía sau cái chuồng ngựa lớn của một đồn điền địa phương. “Tui cho rằng nó sẵn sàng hơn bao giờ hết”, sau đó bác Mingô nói với ông chủ như vậy. Sáng thứ bảy, như đã hứa, mexừ Liơ tới và đếm hai mươi đôla bằng giấy bạc lẻ và tiền đồng đưa cho bác Mingô. “Các ngươi biết chính sách của ta đấy”, ông ta nói với cả hai. “Nếu sợ không dám cá vào gà mình thì đừng có đưa nó ra chọi làm gì! Nếu không cá gì thì chẳng bao giờ được gì hết! Ta vui lòng mất bất kỳ cái gì các người mất, nhưng ta bỏ tiền ra và các ngươi chọi gà của ta, nên ta phải được một nửa bất kỳ khoản thắng cuộc nào, hiểu không? Và nếu có gì khuất tất trong chuyện tiền nong của ta - thậm chí ta chỉ ngờ vậy thôi, - ta sẽ đánh tróc bộ da đen của các ngươi để lấy lại!” Nhưng hai ông con có thể thấy rõ ràng ông ta chỉ làm bộ dữ tợn khi thực sự vui vẻ, nên đồng thanh: “Vâng, thưa ông chủ!”
Đi quành góc chuồng ngựa quét vôi xám, cố không để lộ nỗi hồi hộp của mình, Joóc trông thấy khoảng hai chục tay đấu gà “hạ cấp” người da đen đang đi quanh quanh, cười cười nói nói ở mé một bãi chọi rộng và nông. Nhận ra khoảng một nửa trong số đó đã từng dự các cuộc đấu lớn cùng với chủ, cũng như nó, Joóc mỉm cười vẫy chào và gật đầu với những người khác mà quần áo nhiều màu sắc và vẻ nghênh ngang độc lập của họ khiến nó đoán chắc đó là những người da đen tự do. Đưa mắt nhìn một số tương đương người da trắng nghèo ở đối diện bên kia bãi chọi, nó ngạc nhiên thấy mình cũng biết mấy tay trong bọn họ và lòng đầy tự hào, nó thoáng nghe thấy gã nọ bảo gã kia: “Hai tên nhọ của Tom Liơ đấy”. Lát sau, các tay đấu gà “hạ cấp”, cả da đen và da trắng, bắt đầu cởi những bọc lót cỏ khô, lôi ra những con gà kêu nhặng xị và bắt đầu xoa bóp cho chúng mềm chân dẻo cánh trong khi bác Mingô bước quanh bãi chọi và nói một điều gì đó với người trọng tài to mập mặt đỏ, người này gật đầu, đưa mắt nhìn Joóc.
Gã trai trẻ đang khẩn trương xoa bóp cho con gà tơ của mình thì bác Mingô trở lại và bắt đầu săn sóc con kia cũng được mang theo cùng chuyến. Joóc mơ hồ cảm thấy không thoải mái vì sự gần gũi hơn bao giờ hết về thể xác với đám người da trắng nghèo vốn chỉ gây sự với người da đen, nhưng nó nhớ lại trên đường đến đây, bác Mingô đã nói với nó rằng đấu gà “hạ cấp” là điều duy nhất, theo bác biết, mà những người da trắng nghèo và người da đen cùng làm chung với nhau. Luật lệ qui định là chỉ hai người da trắng hoặc da đen xuất gà ra chọi nhau nhưng bất kỳ ai cũng có thể tự do cá thắng hoặc cá thua trên bất kỳ con nào trong trận.
Xoa bóp xong cho gà dẻo chân mềm cánh, sau khi đặt nó trở lại trong bao tải, Joóc lại say sưa nghe, ngắm thêm sự náo động xung quanh và thấy mấy tay đấu gà “hạ cấp” nữa vác những bao tải đầy hối hả đi về phía chuồng ngựa trong khi trọng tài bắt đầu vẫy tay.
“Được rồi, ổn định nào! Ta bắt đầu cho gà ra đấu! Jim Catơ! BenKpenx! Lại đây và lắp cựa thép cho gà!”.
Hai người da trắng gày gò, ăn vận tồi tàn, tiến tới cân gà, rồi lắp cựa thép cho chúng giữa những tiếng hò lác đác, đặt cá hai mươi lăm đồng rưỡi. Riêng về phần Joóc, nó thấy cả hai không con nào trên mức nhàng nhàng so với hai con loại khỏi đàn của ông chủ đang nằm trong bao tải của nó và bác Mingô.
Cùng lúc với tiếng hô: “Buông gà!” hai con vật lao ra, nhảy bật lên không rồi lại hạ xuống, quay cuồng và đánh dứ - theo cảm giác của Joóc, đây chỉ là chọi thông thường, không có chút kịch tính ly kỳ nào như nó bao giờ cũng cảm thấy cùng với bác Mingô và ông chủ ở các cuộc đấu lớn. Cuối cùng khi một con đánh một cựa làm con kia bị thương nặng ở cổ, cũng vẫn phải mất hàng phút nữa mới kết liễu, mà với một con gà thượng hạng thì chỉ cần vài giây, Joóc biết thế. Nó nhìn người thua cuộc rời bãi, cay đắng nguyền rủa vận đen đủi của mình, nắm chặt chân con gà chết. Trong trận thứ hai, rồi trận thứ ba, cả những con thắng lẫn con thua đều không tỏ ra có ngọn lửa chiến đấu và cái phong cách thượng võ mà Joóc thường thấy, nỗi bồn chồn của nó giảm tới mức là trong khi trận thứ tư xẹp dần, cu cậu gần như vênh váo đợi lượt mình vào bãi chọi. Nhưng khi đến lượt, tim nó lại lập tức bắt đầu đập nhanh hơn.
“Tốt, tốt! Bây giờ đến lượt nhọ của ông Romz với một con xám đốm và nhọ của ông Liơ với một con đỏ! Lắp cựa đi!” Joóc đã nhận ra gã da đen chắc nịch, đối thủ của mình, từ lúc tới đây: trên thực tế, trong mấy năm qua, họ đã từng nói chuyện ngắn ngủi với nhau tại các cuộc đấu “chủ lực” lớn. Giờ đây, cảm thấy đôi mắt bác Mingô dán chặt vào mình, Joóc hoàn tất thủ tục cân gà, rồi quỳ xuống, mở cúc túi yếm của chiếc quần lao động và rút ra bộ cựa bọc kín. Trong khi buộc cựa vào chân gà, nó nhớ lại lời dặn của bác Mingô “đừng hờ quá kẻo có thể bị lỏng ra và tuột xuống, đừng chặt quá kẻo nó làm gà tê chân và bị chuột rút”. Hy vọng là mình thực hiện vừa độ chặt, Joóc nghe thấy quanh mình những tiếng cá: “Năm mươi xu con đỏ!”… “chơi!”… “Một đôla con xám!”… “Cân!”… “Bốn đôla con đỏ”. Đó là bác Mingô dõng dạc hô tiếng cá lớn nhất vượt xa mọi tay khác, dấy lên nhanh chóng một loạt tiếng xôn xao hưởng ứng. Joóc có thể thấy sự náo nức của đám đông dâng lên cùng với nỗi hồi hộp của chính bản thân. “Chuẩn bị!”
Joóc quỳ xuống, giữ chắc con gà của mình trên mặt đất, cảm thấy mình nó rung lên trong niềm háo hức lao ra tấn công.
“Buông gà!”
Nó đã quên mất không theo dõi môi người trọng tài! Lúc tay nó bật lên thì con gà kia đã vun vút xông tới. Luống cuống lùi lại, Joóc kinh hãi nhìn con gà của mình bị đánh vào mạng sườn, loạng choạng mất thăng bằng, rồi lại tiếp thêm một cựa vào sườn bên phải, nhanh và mạnh đến nỗi nó quay lông lốc. Nhưng nhanh chóng hồi sức, nó quay lại tấn công trong khi một mảng lông thấm máu đen sẫm lại. Hai con gà nhảy lên xoắn vào nhau, gà của Joóc bay cao hơn, nhưng khi nhào xuống, không hiểu sao lại đá trượt, chúng làm động tác giả, rồi lại nhảy lên, lần này thì xấp xỉ cao bằng nhau, cả hai vung cựa nhanh đến nỗi không mắt nào theo dõi kịp. Trong vài phút tưởng như bất tận, tim Joóc ngừng đập trong khi hai con gà xông vào mổ, đánh dứ, bất thình lình lao lên và nhảy chồm chồm khắp bãi chọi. Nó biết gà mình hẳn đang yếu sức vì mất máu liên tục, mặc dầu vẫn chống trả những đợt tấn công của con xám đốm. Rồi bất thình lình, một nhát cựa vung đánh nhoáng, thế là xong và con gà của Joóc lăn ra run cầm cập, giãy chết. Joóc hầu như không nghe thấy những tiếng hò reo và nguyền rủa của những người đánh cá, trong khi đó nhấc con gà hấp hối ra khỏi bãi chọi. Nước mắt trào ra, Joóc đang chen lấn qua đám đông những người kinh ngạc trố mắt nhìn thì bác Mingô nắm lấy khuỷu tay nó, thô bạo đẩy dúi ra tới một chỗ không ai có thể nghe thấy.
“Mày dư thằng ngu!” bác rít lên. “Đi bắt con gà kia để đánh trận sau thôi!”.
“Cháu chẳng được tích sự gì cả, bác Mingô ạ. Làm cho con gà của ông chủ bị giết rồi!”
Mingô có vẻ không tin. “Đã chọi gà thì bao giờ cũng có một bên thua. Mày không bao giờ thấy ông chủ thua sao? Thôi, bây giờ quay lại bãi đi!” Nhưng cả dọa dẫm lẫn động viên dỗ dành đều không đủ để lay chuyển gã trai trẻ và cuối cùng bác thôi không gặng nữa. “Thôi được! Tau về biểu ông chủ là chúng ta sợ mất vía không dám gỡ lại tền của ông í!”.
Giận dữ, bác Mingô quay trở về phía đám đông quanh bãi chọi. Tuy xấu hổ, Joóc vừa ngạc nhiên vừa lấy làm may là những tay đấu “hạ cấp” kia hầu như không để mắt tới nó, mà dồn cả chú ý vào trận đấu sau. Hai trận nữa qua trước khi trọng tài lại gọi: “Nhọ của Tom Liơ!”. Ngượng chín người, nó nghe thấy Mingô cá mười đôla và có người nhận theo cuộc, trước khi ông lão thả con gà thứ hai của ông chủ. Nó đánh hay, giết địch thủ trong vòng không đầy hai phút.
Những cố gắng của bác Mingô để an ủi Joóc trong khi hai ông con cuốc bộ về phía đồn điền, không ăn thua mấy. “Chúng ta được hai đôla, sao mà mày lại cứ đi đưa đám làm vậy?”
“Thua xấu hổ quá thôi – mấy lị chắc ông chủ chả mấy muốn cháu đánh thua gà ông í nữa”…
Thấy chú tập sự dường như đinh ninh là mình trở thành kẻ chiến bại ngay từ trước khi khởi đầu, bác Mingô hoang mang đến nỗi, sau ba ngày Joóc quanh quẩn buồn rũ như muốn đất nứt ra, nuốt gọn với mình, bác quyết định phải nói với mexừ Liơ về chuyện đó. “Ông chủ, xin ông nói với thằng nhỏ í một tiếng. Xem vẻ nó nghĩ thua một trận là điều nhục nhã!”. Lần sau đến thăm khu gà chọi, ông chủ lại gần Joóc “Tao nghe nói mày không đành tâm cam chịu một trận thua là nghĩa thế nào?”
“Thưa ông chủ, để cho gà của ông bị giết, cháu cảm thấy thật ghê gớm!”
“Ấy thế mà tao còn muốn mày đem chọi hai mươi con nữa cơ!”
“Dạ, thưa ông”. Ngay cả với lời trấn an của ông chủ, Joóc vẫn lừng chừng chưa thật vững tâm.
Nhưng khi Joóc thắng cả hai gà trong khi thi đấu “hạ cấp” tiếp theo thì cu cậu bắt đầu ra dáng và huênh hoang như chú gà đắc thắng của mình. Sau khi hãnh diện vơ những món tiền cá, bác Mingô kéo Joóc sang bên và thì thầm: “Mày cứ vênh váo cái đầu rồi lại thua cho mà xem!”.
“Bác Mingô để cháu cầm tất cả số tiền kia tí thôi!” anh chàng thốt lên, hai tay khum vào nhau chìa ra.
Trong khi Joóc dán mắt vào xấp giấy bạc một đôla nhàu nát và một lô tiền đồng nữa, bác Mingô cười nói: “Mày mang tiền về cho ông chủ, cả hai cùng thích!”.
Trên đường về, Joóc cố gắng – có dễ đến lần thứ một trăm – thuyết phục bác Mingô đến thăm xóm nô để gặp mẹ mình, các cô bác Malizi, Xerơ và Pompi. “Ông chủ chỉ có sáu chúng ta là nhọ công, bác Mingô ạ, vậy ít nhất chúng ta cũng phải quen biết nhau chớ! Nhất định là họ thích gặp bác. Mỗi lần đến đấy, cháu đều nói chuyện về bác suốt, dưng mà các người í cảm thấy dư là bác không thích họ hay là thế nào í!”
“Cả mầy lẫn họ đều phải bết rằng tau làm sao ghét ai được nếu tau thậm chí không quen người í!” Bác Mingô nói. “Thôi cứ giữ nguyên như cũ, như vậy họ đỡ phải phiền hà vì tau mà tau cũng không phải bận tâm đến họ!”
Và một lần nữa, khi tới đồn điền, bác Mingô lại đi con đường vòng tách xa xóm nô.
Mắt Kitzi tròn xoe khi trông thấy mớ giấy bạc và tiền đồng trong tay Joóc. “Lạy Chúa, mày lấy đâu ra lắm thế, con trai?” chị hỏi và gọi Xerơ tới coi thử.
“Vậy chứ bao nhiêu đấy?” Xerơ hỏi.
“Cháu chả biết, cô ạ, dưng mà ở chỗ í còn nhiều hơn nữa”.
Xerơ nắm lấy bàn tay rảnh của Joóc đến khoe món bở với bác Pompi.
“Giá tau cũng kiếm cho mình một con gà chọi có phải hơn không”, ông già nói “Dưng mà, nhỏ này, đây là tiền của ông chủ!”
“Ông í cho cháu một nửa!” Joóc hãnh diện giải thích. “Thật vậy, cháu phải đến giao phần cho ông í ngay bây giờ”.
Đến nhà bếp, Joóc phô tiền cho Malizi thấy, rồi xin gặp ông chủ.
Khi mexừ Liơ bỏ chín đôla được cá vào túi, ông ta cười ha hả: “Mẹ kiếp, tao ngờ là Mingô tuồn cho mày những con gà hay nhất, còn những con loại thì để cho tao!”.
Joóc ngây ngất cả người.
Trong cuộc đấu hạ cấp lần sau, Joóc lại thắng bằng hai con gà bữa trước, và chuỗi thắng lợi liên tiếp của Joóc kích thích trí tò mò của mexừ Liơ đến nỗi cuối cùng, ông ta đành vi phạm những quy định tự đề ra cho mình không được dự các cuộc đấu hạ cấp.
Việc ông chủ tới bất ngờ gây ra những tiếng xì xào và những cái huých nhau vội vã trong đám đấu thủ hạ cấp. Thấy ngay cả bác Mingô và Joóc cũng sờ sợ và không tự tin, mexừ Liơ bắt đầu cảm thấy áy náy vì việc mình đã đến. Rồi, nhận ra rằng mình cần phải chủ động, ông bèn cười nhăn nhở và vẫy chào một trong những người da trắng nghèo lớn tuổi. “Chào Jim!” Rồi một người khác “Ê, Pitờ!” Họ cười đáp lại, ngạc nhiên thấy ông ta còn nhớ tên mình. “Ê, Đevờ!” ông ta tiếp tục. “Tôi thấy hình như bao nhiêu răng còn sót lại của anh đã bị mẹ đĩ đá văng đi nốt rồi thì phải – hay là tại rượu uytxki hạng bét?”.
Giữa tiếng cười rộ, người ta hầu như quên bẵng cuộc đấu hạ cấp và xúm lại quanh con người đã xuất thân nghèo hèn như bất kỳ ai trong bọn họ rồi bỗng trở thành một huyền thoại đối với họ.
Tràn đầy kiêu hãnh, Joóc ẵm gà dưới cánh tay và bỗng nhiên khụng khiệng diễu quanh ra bãi chọi, làm cả bác Mingô lẫn mexừ Liơ đều sững sờ. “Được! Được!” nó nói to tướng, “bất cứ người nào có tiền hãy sắp ra! Cứ cá đi, đừng lo, bao nhiêu cũng được, nếu tui không theo nổi, đã có ông chủ tui nhất định cân hết, ông ấy giàu thế cơ mà!” Trông thấy ông chủ tủm tỉm cười, Joóc càng cao giọng hơn: “Đây tui chỉ đánh gà loại của ông ấy mà cũng được bất cứ con nào ở đây! Nào, lại đây!”
Một giờ sau, sau khi quảng bá rùm beng trận thắng thứ hai, Joóc được hai mươi hai đôla và mexừ Liơ gần bốn mươi do nhận những khoản cá ngoại phụ mà một số người nài ép thêm. Ông ta thật lòng không thích lấy tiền của những người mà ông biết là nghèo rớt mồng tơi như ông thuở xưa, nhưng ông biết là từ đấy cho đến hết năm, họ sẽ đi khoe rằng họ đã mất gấp mười lần thế vì đánh cá với Tom Liơ.
Người ta thấy nhơ nhớ gã Joóc tự kiêu, vỗ ngực đề cao mình, khi gã không xuất hiện ở bốn cuộc đấu hạ cấp sau đó trong quận Caxuel vì bác Mingô lại bị một trận ho dữ dội và Joóc không nỡ để ông thầy già thui thủi ở nhà với đàn gà mà đi một mình. Nhưng ngay cả khi bác Mingô đã đơ đỡ, bác vẫn chưa đủ sức đi bộ suốt chặng đường để đến dự cuộc đấu sắp tới – nhưng bác đề nghị Joóc cứ đi.
“Mầy đâu phải con nít! Giá có gái ở đây lại chả nhanh dư chớp!”.
Thành thử Joóc đi một mình, mỗi tay xách một bị phồng to, đựng một con gà loại. Khi nó xuất hiện trong tầm mắt những tay chọi gà vốn đã cảm thấy thiêu thiếu sự có mặt rôm rả của nó trong thời gian gần đây, một người trong bọn kêu to: “Nhìn coi! Cái thằng ‘Joóc gà’ đến kìa!” Tất cả phá lên cười và nó cũng cười theo.
Trên đường về - trong túi, tiền được cá còn rủng rẻng hơn cả những lần trước – càng nghĩ, nó càng thích âm điệu của cái tên ấy. Nó có một vẻ thính nhạy nhất định.
“Con cuộc là tất cả ở đây không ai đoán được họ đặt tên con là gì tại cuộc đấu hạ cấp!” vừa tới xóm nô, nó nói luôn.
“Chịu, tên gì?”
“Joóc-Gà”.
“Lạy Chúa tôi!” Xerơ kêu lên.
Mặt Kitzi long lanh đầy yêu thương và tự hào, “Được” chị nói, “Rành là cũng gần gần đúng dư ai nấy đều tả cảnh mầy bi giờ!”
Thậm chí cái biệt hiệu ấy cũng làm cho mexừ Liơ thú vị khi bác Mingô kể cho ông ta nghe; bác nhăn nhó nói thêm: “Tui lấy làm lạ sao họ không gọi nó là ‘Joóc Nhè’ vì cái thói nó vuỗn khóc òa lên mỗi lần gà nó bị giết. Bi giờ nó được dều thế mà vuỗn chả khác gì hết! Hễ gà nó bị một cựa đánh chết là nó tóe nước mắt, khóc tu tu và ôm ghì lấy gà như thể là con đẻ nó. Ông đã nghe thấy hay trông thấy thế bao giờ chưa, ông chủ?”
Mexừ Liơ cười: “Ờ, chính ta nhiều lần cũng muốn khóc khi ta cá quá mức phải chăng và gà ta bị một cựa chí tử! Nhưng mà không, ta đồ chừng nó là đứa duy nhất xúc động mạnh như lão nói đấy, ta cho là nó quá gắn bó với gà”.
Sau đó không lâu, tại cuộc đấu “chủ lực” lớn nhất trong năm, ông chủ đang trở về xe, tay ẵm con gà vừa thắng trận chung kết, thì nghe có tiếng người gọi: “Ơ, ông Liơ!”. Quay lại, ông ngạc nhiên thấy nhà chơi gà quý tộc Joóc Juét miệng mỉm cười, chân sải bước về phía mình.
Mexừ Liơ cố lấy giọng thản nhiên: “Ồ, ông Juét đấy à”.
Rồi họ bắt tay nhau. “Ông Liơ, tôi sẽ rất thẳng thắn như trong giới thượng lưu và giới chọi gà chúng ta với nhau. Tôi vừa mới mất tên luyện gà. Bọn tuần tra đường bắt hắn đêm hôm nọ vì không có giấy thông hành. Chẳng may, hắn toan chạy trốn và bị bắn bị thương nặng không chắc có qua khỏi.”
“Tôi lấy làm buồn khi nghe tin đó… tôi muốn nói, buồn cho ông chứ không phải cho tên nhọ”. mexừ Liơ nguyền rủa cho sự lúng túng của mình và đoán thử điều gì sắp tiếp theo. Hẳn nhà quí tộc cần tới Mingô.
“Tất nhiên là thế.” Juét nói. Thành thử tôi đâm cần ít ra là một tay luyện gà tạm thời, một tên chí ít cũng biết đôi điều về gà chọi…” Ông ta ngừng một lát. “Trong những cuộc chọi gà của chúng ta, tôi để ý thấy ông có hai tên luyện gà. Tôi không dám nghĩ đến lão già dày dạn kinh nghiệm của ông, nhưng tôi tự hỏi liệu ông có vui lòng nhượng lại tên kia với một giá kha khá, cái thằng trai trẻ hiện đang chim chuột một con hầu gái ở chỗ tôi, theo như bọn nhọ của tôi mách…”
Sự ngạc nhiên của mexừ Liơ pha lẫn với phẫn nộ trước cái bằng chứng đó về sự gian trá của Joóc-Gà. Giọng ông ta như nghẹn lại: “À, tôi hiểu.”
Mexừ Juét lại mỉm cười, biết rằng mình đã làm ông kia rớm máu. “Xin để tôi chứng minh rằng tôi không muốn cò kè bớt một thêm hai”. Ông ta ngừng một lát. “Ba nghìn đôla có được không?”
Mexừ Liơ lảo đảo, không dám chắc là mình đã nghe đúng. “Rất tiếc, thưa ông Juét”, ông ta nghe thấy mình nói cộc lốc. Ông cảm thấy sướng rơn người vì có dịp cự tuyệt một nhà quý tộc giàu có.
“Thôi được”. Giọng Juét đanh lại. “Đề nghị cuối cùng của tôi: bốn nghìn!”
“Có điều là tôi không bán người luyện gà của mình, ông Juét ạ”.
Mặt nhà phú hộ chơi gà xìu xuống, mặt ông ta trở nên lạnh lùng.
“Tôi hiểu. Tất nhiên! Thôi chào ông!”
“Chào ông”, mexừ Liơ nói và họ đi về hai ngả đối lập.
Ông chủ trở về xe thật nhanh, nhưng không chạy, nỗi giận dữ dâng lên. Bác Mingô và Joóc-Gà thấy vẻ mặt ông ta bèn thận trọng ngồi yên, ngây đuỗn. Tới xe, ông ta vung nắm đấm dọa Joóc, giọng run lên vì tức giận. “Tao thì đánh rập óc mày! Mẹ kiếp, mày làm cái gì ở chỗ Juét – kể với lão ấy là ta luyện gà như thế nào hử?”
Joóc-Gà xám mặt lại: “Cháu chả kể với mexừ Juét gì hết, ông chủ ạ”… Gã chật vật lắm mới nói được. “Cháu chả bao giờ nói một câu nào mấy ông í, thưa ông chủ!” Vẻ kinh ngạc hoàn toàn và sợ hãi của gã khiến mexừ Liơ tin một nửa. “Mày định nói với tao là mày đi suốt đến đó chỉ để giăng gió với con ở nhà Juét hay sao, mẹ kiếp?” Cho dù đó là điều vô tội, ông ta biết mỗi lần đi như thế đều đem lại nguy cơ cho gã luyện gà tập sự của ông trước mưu lược của Juét và điều đó có thể dẫn đến mọi sự.
“Thưa ông chủ, lạy Chúa lòng lành”…
Một chiếc xe khác đang tiến sát lại, nhiều người trong đó gọi và vẫy chào ông chủ. Vừa vẫy tay đáp lại, mexừ Liơ vừa he hé miệng gượng mỉm cười và nhích ra tận đầu chiếc ghế băng, khẽ gắt bác Mingô khiếp đảm: “Quỷ tha ma bắt, đánh xe đi!” Suốt chặng đường về đồn điền tưởng chừng không bao giờ hết, không khí căng thẳng cơ hồ lấy dao cắt được. Sự căng thẳng giữa bác Mingô và Joóc-Gà trong phần còn lại của ngày hôm đó cũng không kém mấy tí. Đêm ấy, Joóc thao thức nằm, toát mồ hôi đoán trước hình phạt sắp tới.
Nhưng không có gì đến cả. Và mấy ngày sau, ông chủ nói với bác Mingô như không có chuyện gì xảy ra. “Tuần sau, ta phải đi đấu gà ở tận Vơjiniơ. Ta biết đi xe ngựa đường dài như thế không tốt gì cho bệnh ho của lão, cho nên ta chỉ mang theo thằng nhỏ thôi”
“Dạ, thưa ông chủ”
Bác Mingô đã biết từ lâu là ngày đó phải đến; chính vì thế mà ông chủ đã luyện thằng nhỏ để thay bác. Nhưng bác không ngờ là nó đến sớm thế.