Cội Rễ

Chương 91

Một sáng chủ nhật, đi ngược con đường về phía xóm nô, Joóc cảm thấy có cái gì không ổn, khi nó không thấy mẹ nó hoặc bất kỳ ai khác đứng quanh lều Kitzi để đón nó như trước đây họ vẫn nhất nhất làm thế trong suốt bốn năm nó ở với bác Mingô. Rảo bước, nó tới lều mẹ và sắp giơ tay gõ thì cửa bật mở và Kitzi kéo giật nó vào, đóng nhanh cửa lại sau lưng, mặt căng thẳng vì sợ hãi.

“Bà chủ có trông thấy con không?”

“Con không thấy bà ấy, mẹ ạ! Có chuyện gì thế?”

“Lạy Chúa! Ông chủ nghe tin có một nhọ tự do nào đó ở Saletơn, miền Nam Calini, tên là Đemnác Vêxi, cầm đầu hàng trăm nhọ sẵn sàng giết vô kể người da trắng ngay đêm nay, nếu không đã bắt được cả bọn. Ông chủ vừa đi khỏi đây chưa lâu, làm dư hóa dại, huơ khẩu súng ngắn, dọa giết bất cứ ai bà chủ trông thấy ra ngoài lều trước khi ông í ở một cuộc họp tổ chức lớn gì gì đấy trở về!”.

Kitzi men theo vách lều đến khi có thể nhìn qua khung cửa sổ duy nhất về phía đại sảnh. “Bà í không còn ở chỗ lúc nẫy bà í đứng ngó ra! Có dễ bà í đã trông thấy mầy đến, và bà í đi trốn đấy!” Việc bà chủ Liơ trốn nó, nghe thật vô lý, khiến nỗi kinh hoàng của Kitzi lây sang Joóc phần nào. “Chạy trở về mấy lũ gà đi con. Ông chủ mà bắt được mầy ở đây, không biết ông í sẽ giở trò gì!”

“Con sẽ ở lại đây nói chuyện mấy ông chủ, mẹ à!” Nó thầm nghĩ rằng trong một cực hạn như thế này, nó có thể bằng cách nào đó, gián tiếp nhắc ông chủ nên nhớ ông ta là bố ai, và điều đó hẳn sẽ kìm bớt cơn giận của ông ta, chí ít là một phần nào.

“Mầy điên rồi hay sao? Ra khỏi đây!”. Kitzi đẩy Joóc về phía cửa lều. “Cút! Hiểu chưa!”. Đang cơn tam bành lục tặc, ông í mà bắt được mày ở đây, lại khổ bọn tau. Mày cứ luồn qua dững bụi cây đằng sau chuồng xí cho đến khi khuất tầm nhìn bà chủ!”

Kitzi dường như sắp lên cơn cuồng loạn. Hẳn ông chủ phải hung dữ hơn bao giờ hết thì mới khiến chị khiếp hãi đến thế. “Thôi được, mẹ à”, cuối cùng, nó nói. “Cơ mà con không có phải luồn qua bụi cây nào hết, con chả làm gì ai sất. Con cứ đàng hoàng trở xuôi giữa đường y dư con đã đi ngược lên đây”.

“Thôi được, thôi được, chỉ cần mày đi đi!”

Quay trở về khu gà chọi, Joóc vừa mới kể xong cho bác Mingô những điều nó đã nghe thấy, đang cho câu chuyện của mình có vẻ ngớ ngẩn, thì có tiếng ngựa phóng nước đại tới. Hồi lâu, mexừ Liơ ngồi trên yên ngựa, mắt long lanh nhìn hai ông con, một tay cầm cương, tay kia cầm khẩu súng ngắn, và lão dồn cơn thịnh nộ lạnh lùng vào những lời ném vào mặt Joóc: “Vợ tao đã trông thấy mày, vậy là tất cả bọn mày đã biết việc gì đã xảy ra!”

“Vâng, thưa ông…” Joóc thấy nghẹn ở cổ, nó trừng trừng nhìn khẩu súng ngắn.

Rồi đã định xuống ngựa, mexừ Liơ lại thay đổi ý kiến, và ngồi nguyên, mặt vằn lên những nét giận dữ, lão bảo hai ông con: “Vô số người da trắng tốt lẽ ra đã chết đêm nay, nếu không có một tên nhọ kịp thời báo cho ông chủ nó biết. Chứng tỏ không bao giờ có thể tin bọn nhọ chúng mày được!” mexừ Liơ vung tay làm bộ điệu với khẩu súng ngắn. “Không thể biết được có những gì trong đầu chúng mày, khi chúng mày ở riêng biệt một mình nơi đây. Nhưng chỉ cần chúng mày để hé cho tao ngờ ngợ bất cứ điều chi kỳ cục, tao sẽ cho đầu bọn bây nổ tung nhanh như chớp!” Nhìn thẳng vào bác Mingô và Joóc với vẻ hung ác, mexừ Liơ quay ngựa và phóng ngược đường cái trở về.

Phải mấy phút sau, bác Mingô mới động đậy. Rồi bác nhổ toẹt một cách dữ tợn và đá tung những nan gỗ hồ đào mà bác đang đan thành một cái giỏ mang gà chọi. “Mình có làm cho một người da trắng đến nghìn năm cũng vẫn là thằng nhọ!” bác cay đắng thốt lên. Joóc không biết nên nói gì. Mở miệng ra toan nói nữa rồi lại ngậm lại, bác Mingô đi về phía lều mình, nhưng tới cửa, bác quay lại nhìn Joóc. “Nghe tau đây nhỏ! Mầy cứ tưởng mầy là cái gì đặc biệt đối với ông chủ, dư mà chả có gì là quan trọng đối với dững người da trắng giận dữ, hốt hoảng! Mầy đừng có dại mà lỉnh đi đâu cho tới khi chuyện này êm đi, mầy nghe thấy tau nói chứ? Tau nói thật tình: đừng có dại!”

“Thưa bác, vâng!”

Joóc nhặt cái giỏ bác Mingô đang đan dở và ngồi xuống một gốc cây cụt gần đó. Ngón tay nó bắt đầu đan những nan gỗ hồ đào lại với nhau, trong khi nó cố tập hợp ý nghĩ lại. Một lần nữa, bác Mingô lại đoán đúng những gì đang diễn ra trong đầu nó.

Joóc cáu tiết vì đã tự cho phép mình tin rằng mexừ Liơ sẽ không đối xử với mình như một ông chủ. Lẽ ra đến bây giờ nó phải hiểu rõ hơn rằng thậm chí chỉ nghĩ về ông chủ như là cha nó cũng đã đau đớn – và vô ích – biết bao. Nhưng nó hết sức mong muốn được biết một người nào đó mà nó cảm thấy có thể tâm sự được về điều đó. Người đó không phải là bác Mingô – bởi vì như thế có nghĩa là thừa nhận với bác Mingô rằng nó biết ông chủ là cha nó. Cũng vì lý do đó nó không thể nói được với Malizi, Xerơ hoặc bác Pompi. Nó không dám chắc là họ có biết chuyện ông chủ với mẹ nó hay không, nhưng nếu một người biết thì tất cả đều sẽ biết bởi vì bất cứ ai biết được điều gì về nhau đều đem kể lại sau lưng người trong cuộc, và nó với Kitzi đâu phải ngoại lệ.

Thậm chí nó cũng không thể nêu cái vấn đề đau đớn này với mẹ nó được – sau khi mẹ đã tỏ ra hết sức hối hận vì đã chủ động nói với nó về điều đó.

Sau bao nhiêu năm ấy, Joóc tự hỏi mẹ thực sự cảm thấy như thế nào về toàn bộ cái điều đau đớn ấy, và bây giờ, theo như nó thấy, mẹ và ông chủ đều làm như không hề biết đến sự tồn tại của nhau nữa, chí ít là về phương diện đó. Thậm chí chỉ nghĩ đến mẹ đã từng với ông chủ như kiểu Tseriti – và gần đây nữa – Bulơ – với mình những đêm nó lẻn đi khỏi đồn điền cũng đủ khiến nó xấu hổ.

Nhưng rồi, rỉ ra từ những ngóc ngách trí nhớ, chợt đến với nó cái hồi ức về một đêm đã lâu khi nó mới ba, bốn tuổi: Đêm ấy, thức giấc, nó cảm thấy giường chuyển động, rồi nằm im, khiếp hãi, mắt mở to nhìn trừng trừng vào đêm tối, lắng nghe tiếng ổ rơm sột soạt và tiếng của người đàn ông nằm cạnh nó. Nó đã nằm đó, kinh hoàng, cho đến khi người đàn ông đứng dậy; nghe thấy tiếng “cạch” của một đồng tiền ném trên mặt bàn, tiếng bước chân, tiếng cửa lều đóng sầm lại. Trong một quãng tưởng như bất tận, Joóc đã cố kiềm những giọt nước mắt nóng bỏng, nhắm tịt mắt thật chặt như để xua đi những gì nó đã nghe và trông thấy. Song, những điều đó cứ luôn luôn trở lại như một đợt sóng gây lộn mửa, mỗi khi nó tình cờ nhận thấy trên một cái giá trong lều mẹ một bình thủy tinh đựng những đồng tiền chồng chất lên ước chừng hai phân rưỡi. Thời gian qua, độ dày của lớp tiền đồng tăng lên, cho đến khi, rốt cuộc, nó không dám nhìn thẳng vào cái bình nữa. Rồi dạo nó độ lên mười, một hôm nó nhận thấy cái bình không ở chỗ ấy nữa. Mẹ chẳng bao giờ ngờ là nó có biết chút gì về chuyện đó và nó nguyện sẽ không bao giờ để mẹ hay.

Tuy rất tự ái không muốn nhắc đến chuyện đó, Joóc cũng đã có lần suy tính, toan nói với Tseriti về người cha da trắng của mình. Nó nghĩ là Tseriti có thể hiểu. Trái ngược với Bulơ đen nhánh như than, Tseriti là một mulatô có nước da sáng hơn Joóc nhiều, thuộc loại mà người ta thường gọi là “nhuôm nhuôm”. Chẳng những Tseriti chừng như không hề buồn phiền mảy may về màu da của mình, cô còn cười vui vẻ tự thú với Joóc rằng cha cô là người giám thị da trắng ở một đồn điền lớn trồng lúa và chàm ở Nam Carôlina có tới hơn trăm nô lệ; cô đã sinh ra và được nuôi lớn lên tại đó, đến mười tám tuổi thì bị đem bán đấu giá và được mexừ Tig mua về làm hầu gái ở đại sảnh. Về chuyện màu da, Tseriti chỉ phát biểu là cô đã để lại Nam Carôlina một người mẹ và một đứa em trai hầu như là da trắng thực sự. Cô kể là bọn trẻ con da đen đã trêu chọc nó không thương tiếc, cho đến khi bà mẹ bảo nó quát lại những đứa hành tội nó: “Kền kền đẻ tau trong trứng! Mặt trời nóng ấp ra tau! Chúa cho tau màu da này, việc gì đến bọn nhọ đen chúng bay!” Từ bấy giờ trở đi – Tseriti nói - em trai cô được yên thân.

Nhưng vấn đề màu da của Joóc – và duyên do như thế nào – giờ đây bị che lấp bởi nỗi thất vọng khi nhận ra rằng cuộc mưu toan nổi dậy ở vùng Sacletơn xa xôi nhất định sẽ trì hoãn việc hoàn mãn một ý mà nó đã phát triển rất kỹ trong đầu bao lâu nay. Trên thực tế, sau gần hai năm, cuối cùng nó đã đi đến quyết định là thử nêu ý đó với bác Mingô. Nhưng bây giờ mà nói với bác ấy cũng chẳng nghĩa lý gì, vì toàn bộ vấn đề tùy thuộc ở chỗ mexừ Liơ có tán thành ý kiến đó hay không, nó biết mexừ Liơ vẫn còn giận dữ, khó bề tiếp cận để hỏi han điều gì, trong một thời gian nữa. Tuy sau độ một tuần, ông chủ thôi không mang theo khẩu súng ngắn nữa, nhưng mỗi ngày ông ta chỉ thanh tra xem xét bầy gà một thoáng ngắn ngủi và, sau khi nghiêm nghị dặn dò bác Mingô, lại phóng ngựa đi, mặt vẫn hầm hầm như lúc đến.

Mãi về sau Joóc mới thực sự nhận thức đầy đủ tầm nghiêm trọng của cái điều suýt xảy ra ở Sacletơn, khi mà, sau hai tuần nữa – bất chấp lời cảnh cáo của bác Mingô – cu cậu thấy mình không còn đủ sức cưỡng lại sự cám dỗ, lẻn đi thăm một trong hai cô bồ. Một cách xốc nổi, nó quyết định dành ưu tiên cho Tseriti lần này, do nhớ lại cô nàng bao giờ cũng cuồng nhiệt với mình như con hổ cái. Chờ cho bác Mingô ngáy, nó rảo cẳng chạy gần một tiếng đồng hồ qua các cánh đồng đến lúc tới chỗ ẩn ở lùm cây hồ đào, từ đó nó vẫn chúm miệng tu huýt gọi người tình. Khi đã huýt còi bốn lần mà vẫn không thấy cái tín hiệu “thẳng tiến” quen thuộc – một ngọn nến lập lòe vẫy thoáng chốc ở cửa sổ Tseriti – nó bắt đầu lo lo. Đúng lúc sắp sửa rời chỗ nấp, định cứ lẻn bừa vào thì nó thấy có cái gì chuyển động trong lùm cây, hướng về phía nó. Đó là Tseriti. Joóc lao tới ôm chầm lấy, nhưng Tseriti chỉ để cho nó ôm hôn rất ngắn rồi đẩy ra ngay.

“Có chuyện gì thế, em bé?” nó hỏi, mùi thân thể thơm như xạ của cô gái khiến nó bừng bừng đến nỗi hầu như không thấy thoáng run rẩy trong giọng nói của cô.

“Anh là anh dại dột nhất, bi giờ mà dám lẩn quất, bọn tuần cha bắn bỏ vô khối nhọ đấy!”

“Ờ, thế thì ta vào lều em vậy!” Joóc nói, lại đưa tay quàng lấy thân Tseriti. Nhưng một lần nữa, cô lại giãy ra.

“Anh làm dư anh không nghe thấy gì về chuyện nổi loạn í!”

“Anh biết là có một vụ dư thế, có vậy thôi”…

“Thế thì em nói cho anh nghe” và Tseriti kể là cô nghe lỏm thấy ông bà chủ nói rằng người cầm đầu, một thợ mộc da đen tự do, đọc thông Kinh Thánh, tên là Đenmac Vêxi đã bỏ bốn năm bày mưu tính kế trước khi tâm sự với bốn người bạn thân cận; mấy gã này giúp anh ta chiêu mộ và tổ chức hàng trăm người da đen tự do và nô lệ ở thành phố. Bốn tốp vũ trang khá mạnh chỉ chờ hiệu lệnh là chiếm các kho vũ khí cùng các tòa nhà chủ chốt khác trong khi những nhóm khác sẽ đốt tất cả những gì có thể đốt ở trong thành phố và giết mọi người da trắng họ bắt gặp. Lại có cả một đoàn xà ích da đen sẽ lái những xe bò, xe ngựa, xe chở không lá chắn, xe mui, phóng bạt tử khắp nơi để làm rối loạn và ngăn không cho người da trắng tập hợp lại. “Dưng mà sáng chủ nhật í, một nhọ khiếp đảm đã báo cho ông chủ hắn biết dững chuyện bố chí để xảy ra vào lúc nửa đêm hôm í, thế rồi người da trắng túa ra khắp nơí, bắt bớ, đánh đập và tra tấn dân nhọ bắt khai ra dững tên nổi loạn. Đến bi giờ, họ đã treo cổ hơn ba mươi nhọ và đâu đâu họ cũng ruồng bố dân nhọ, i dư ở vùng này bi giờ, cơ mà dữ nhất là ở Nam Calini. Đuổi các nhọ tự do ở Sacletơn, đốt nhà họ, cả dững cha cố nhọ nữa, đóng cửa nhà thờ của họ, viện cớ rằng thay vì giảng đạo, họ lại đi dạy cho nhọ biết đọc biết viết”…

Joóc lại cố gắng lôi Tseriti về phía lều. “Anh có nghe em nói không nào?” cô nói, hoang mang cao độ “Anh về đi kẻo có tên tuần cha nào trông thấy anh, nó bắn đấy!”

Joóc cãi rằng bên trong lều cô là an toàn, chẳng sợ tuần cha tuần bố gì cả, đồng thời cũng làm nguôi dịu được nỗi cuồng si của nó đối với cô, nguyên nhân thúc đẩy nó bất chấp nguy cơ bị bắn bỏ, liều mạng tới đây.

“Em đã biểu anh mà, KHÔNG!”

Cáu tiết, cuối cùng Joóc đẩy rúi cô về phía sau, “Được, vậy thì xéo!”. Nó cay đắng chạy trở lui con đường lúc nãy, phẫn uất nghĩ giá mình đến Bulơ ngay từ đầu, vì bây giờ đã quá muộn không kịp nữa rồi.

Sáng ra, Joóc nói với bác Mingô: “Đêm qua, cháu lén thăm mẹ cháu, cô Malizi kể cho cháu nghe dững chuyện cô í nghe ông chủ nói mấy bà chủ về vụ nổi loạn nọ”… Tuy không chắc bác Mingô có tin câu chuyện đó hay không, nó cứ kể tiếp những điều Tseriti đã nói, và ông lão nghe rất chăm chú. Để kết thúc, Joóc hỏi: “Làm sao mà dân nhọ ở quanh đây lại bị bắn vì chuyện gì gì đó ở mãi tận Nam Calini, bác Mingô?”

Bác Mingô nghĩ một lúc rồi mới nói: “Tất tật người da trắng sợ dân nhọ ta lúc nào đó tổ chức lại mấy nhau cùng nổi dậy”…Bác khịt mũi giễu cợt. “Cơ mà dân nhọ thì chả bao giờ làm gì cùng mấy nhau”. Bác ngẫm nghĩ một lát nữa, “Cơ mà cái chuyện bắn, giết mầy nói rồi sắp êm đi, dư bao giờ cũng vẫn vậy, khi nào họ giết và ruồng bố nhọ tạm đủ, khi nào họ làm một lô một lốc dững luật lệ mới, khi nào họ chán ngấy phải trả công không cho hàng sâu hàng sốc dững cùng đinh da trắng làm tuần cha”.

“Tất cả dững cái đó mất bao lâu?” Joóc hỏi, vừa nói xong đã thấy đó là một câu hỏi ngu xuẩn biết mấy và cái lườm nhanh của bác Mingô chứng tỏ điều đó”.

“Phải, rành là cháu hỏi thế thì ai trả lời được nhỉ!” Joóc im bặt, quyết định chờ đến khi nào mọi sự trở lại bình thường với mexừ Liơ, mới nêu ý kiến của mình với bác Mingô.

Trong hai tháng sau, mexừ Liơ bắt đầu dần dần trở lại cư xử ít nhiều giống như con người cũ – gắt gỏng hầu hết thời gian, nhưng không nguy hiểm. Và ít lâu sau, một hôm Joóc quyết định là đã đúng lúc.

“Bác Mingô ạ, từ lâu, cháu đã nghên cíu cái này”… nó mào đầu. “Cháu tin rằng cháu có một ý có thể giúp cho gà của ông chủ thắng nhiều trận hơn bi giờ”. Bác Mingô nhìn, tựa hồ một dạng điên loạn đặc biệt nào vừa nhiễm vào gã giúp việc mười bảy tuổi vạm vỡ của mình. Joóc nói tiếp: “Cháu đã năm năm đi các cuộc chọi gà lớn với bác và ông chủ. Áng chừng hai mùa trở lại đây, cháu bắt đầu nhận thấy một điều mà từ đấy cháu đã theo dõi thật sát. Xem ra dững loạt gà của mỗi ông chủ đều có cách đánh riêng”. Cọ cọ mũi đôi giày thô vào nhau, Joóc tránh không nhìn vào con người đã luyện gà chọi từ bao lâu trước khi nó đẻ. “Chúng ta luyện cho gà của ông chủ thật khỏe, thật bền hơi để thắng nhiều trận chỉ nhờ dai sức hơn dững con kia. Dưng cháu đã đếm kỹ - phần lớn dững lần ta thua là khi có con nào đó bay cao hơn gà của ông chủ và đánh cựa từ bên trên trúng đầu nó. Bác Mingô ạ, cháu chắc nếu gà ông chủ cánh khỏe hơn, dư ta có thể làm được thế bằng một loạt bài đặc biệt luyện cánh thì cháu tin là nó sẽ nhảy cao hơn dững gà khác và giết được nhiều hơn cả bi giờ”.

Dưới vầng trán nhăn nheo, cặp mắt sâu của bác Mingô nhìn soi mói lớp cỏ giữa hai đôi giày của Joóc và của bác. Hồi lâu bác mới nói: “Tau thấy mầy định nói gì rồi. Tau cho là mầy phải nói mấy ông chủ”.

“Nếu bác cảm thấy thế, thì bác có thể nói với ông í được không?”

“Không. Mầy đã nghĩ ra. Ông chủ nghe mầy nói cái í cũng bằng dư nghe tau”.

Joóc cảm thấy nhẹ hẳn người vì ít nhất bác Mingô cũng không cười chê ý kiến đó, nhưng đêm đó, nằm thao thức trên chiếc ổ rơm hẹp, Joóc cảm thấy ngần ngại và sợ nói với mexừ Liơ.

Sáng thứ hai, khi ông chủ xuất hiện, cố gắng tự chủ, Joóc lấy hơi thật sâu và gần như bình tĩnh nhắc lại những điều đã nói với bác Mingô và nói thêm chi tiết về các cách đánh đặc biệt của mỗi lò gà… “Và nếu ông để ý, thưa ông chủ, đám gà của mexừ Greham đánh nhanh, hùng hục. Nhưng gà mexừ Mêc Grigo thì lại đánh rất thận trọng, tợ dư coi chừng. Hoặc là gà của đại úy Pibâuđi ra miếng thì chụm chân, chụm cựa lại, còn gà mexừ Haoớc lại đá song phi, hai chân xoạc rộng. Gà của mexừ Juét giàu xụ í đánh miếng thấp ở trên không, mổ dữ khi ở dưới đất”… Tránh nhìn vào mặt ông chủ, Joóc không thấy vẻ chú ý cao độ của ông ta. “Thưa ông chủ, điều cháu muốn nói ang áng là dư thế, nếu ông đồng ý để cháu với bác Mingô cho gà ông tập cả loạt bài luyện cánh khỏe mà bọn cháu có thể nghĩ ra được, thì dám chắc nó sẽ nhảy cao hơn lũ kia để đánh cựa từ bên trên và đừng hòng ai mau chóng bắt được miếng”.

Mexừ Liơ nhìn Joóc trừng trừng như chưa từng thấy nó bao giờ. Trong những tháng còn lại trước mùa chọi tới, mexừ Liơ bỏ nhiều thời gian hơn bao giờ hết ở khu luyện gà, quan sát và đôi khi tự tay tham gia cùng với bác Mingô và Joóc tung gà lên trên không mỗi lúc một cao. Mỗi lần rơi xuống, chúng đập cánh điên cuồng, cố đỡ cho khối trọng lượng từ năm đến sáu “pao”, nhờ đó cánh ngày càng khỏe.

Như Joóc đã tiên đoán, mùa chọi gà năm 1823 mở màn và diễn tiến qua các cuộc thi đấu “chính” liên tiếp, hết đợt này đến đợt khác, mà xem ra không ai phát hiện ra tại sao hoặc làm thế nào mà gà ông Liơ đạt được một tỷ lệ trận thắng cao hơn cả năm ngoái nữa. Kết thúc mùa chọi, cựa thép của chúng đã đánh tử thương ba mươi chín trong số năm mươi hai đối thủ.

Khoảng một tuần sau, một buổi sáng, mexừ Liơ tới – rất hân hoan – kiểm tra quá trình bình phục của nửa tá gà hạng ưu của ông ta đã bị thương nặng trong mùa đấu.

“Con này không chắc có qua khỏi, ông chủ ạ”, bác Mingô chỉ vào một con rũ rượi và tơi tả đến nỗi mexừ Liơ phải vội vàng gật đầu đồng ý. “Cơ mà tui hy vọng những con ở trong hai cái chuồng bên này sẽ khỏi tốt đến nỗi ông lại có thể cho nó ra chọi trong mùa tới cho mà xem”. Tiếp đó, bác Mingô khoa tay chỉ ba con cuối cùng đang dưỡng bệnh. “Những con này sẽ chả bao giờ đủ hoàn hảo để dự các cuộc đấu lớn, chủ lực nữa, cơ mà ta có thể dùng làm gà mồi, nếu ông chủ muốn, hoặc dù sao đem thịt cũng tốt”. Mexừ Liơ tỏ ra hài lòng với sự tiên đoán bệnh tình ấy và đã bắt đầu đi về phía con ngựa thì bỗng quay lại, thản nhiên bảo Joóc: “Những đêm mày lẻn khỏi đây đi mò gái, tốt hơn là mày nên thật cẩn thận đề phòng cái thằng nhọ hung dữ cũng mê cùng một con ấy”…

Joóc đực người ra, sửng sốt đến nỗi phải mất cả một giây sau, nỗi giận dữ mới kịp bùng lên trong nó đối với sự phản thùng hiển nhiên của bác Mingô. Nhưng rồi nó thấy mặt bác Mingô cũng không kém ngạc nhiên, trong khi ông chủ nói tiếp: “Bà Tig nói với vợ tao tại cuộc họp câu lạc bộ khâu may của họ rằng bà ta không thể hình dung ra cái gì đã xảy đến với con hầu gái da nâu vàng của mình; mãi gần đây một đứa trong đám nhọ mới mách bà ta là con nhỏ rạc người vì bắt nhân tình hai tay với mày và một thằng nhọ xấu, nhiều tuổi hơn mày…”. Mexừ Liơ cười khúc khích: “Tao chắc hai đứa mày phải cày nát con bé ấy!”.

Tseriti! Bắt nhân tình hai tay! Giận dữ nhớ lại đêm hôm ấy, cô ả đã khăng khăng chặn lối không cho nó vào lều mình như thế nào, Joóc cố gượng tủm tỉm và cất tiếng cười bứt rứt; bác Mingô hòa theo, cũng gượng gạo như vậy. Joóc cảm thấy choáng người. Giờ đây ông chủ đã khám phá ra chuyện nó lẻn đi ban đêm, liệu rồi ông ta sẽ làm gì nó?

Sau khi dừng lại để cho Joóc chờ đợi cơn thịnh nộ của mình, mexừ Liơ ứng xử ngược hẳn lại, kỳ lạ đến mức khó tin – ông ta nói với một giọng gần như là giữa cánh-đàn-ông-chúng-ta-với-nhau: “Mẹ kiếp, chừng nào mày làm việc đâu vào đấy, mày cứ tiếp tục săn lùng lấy một cái hĩm nào đó. Có điều là đừng để thằng nào băm mày ra từng mảnh – và đừng có để người ta tóm cổ trên đường cái, nơi bọn tuần tra thường nổ súng bắn nhọ”.

“Không, thưa ông. Dất khoát không”… Joóc bối rối quá không biết nói gì. “Rành là quý hóa, thưa ông chủ”…

Mexừ Liơ trèo lên mình ngựa, đôi vai rung rung khiến hai người luyện gà đoán là ông ta đang cười một mình trong khi phóng ngựa trên đường.

Cuối cùng, còn một mình trong lán đêm ấy, sau khi chịu đựng thái độ lạnh lùng của bác Mingô suốt phần còn lại trong ngày, rốt cuộc được tự do trút nỗi lòng bị xúc phạm lên đầu Tseriti, Joóc nguyền rủa cô ả và nguyền sẽ chuyển sự quan tâm (mà rõ ràng là cô ả không xứng đáng được hưởng) sang Bulơ tuy kém cuồng nhiệt nhưng chắc chắn là trung thành hơn. Nó cũng nhớ đến cô gái cao cao, nước da màu vỏ quế đã liếc nó tại một cuộc đú đởn bí mật nó bắt gặp trong rừng, một đêm nó đang vội vã đi về nhà. Lý do duy nhất khiến nó không thử cô ta ngay tại trận, là vì nó quá say thứ rượu uýtxki trắng hạng xoàng cô ta mời nó, đến nỗi chật vật lắm nó mới loạng choạng về được đến nhà vào lúc rạng đông. Nhưng nó nhớ cô ta có xưng tên là Ôphêliơ, thuộc quyền sở hữu của mexừ Juét giàu nứt đố đổ vách, nghe nói có tới trên nghìn gà chọi và gia đình còn cai quản nhiều đồn điền kếch xù ở các bang Jojiơ và Nam Carôlina, ngoài cái đồn điền ở quận Caxuel này. Kể đi bộ thì cũng xa đấy, nhưng hễ gặp cơ hội đầu tiên, Joóc quyết định sẽ phải làm quen kỹ hơn với cái cô gái làm đồng nom ngon mắt ấy mà mexừ Juét thậm chí có lẽ cũng không biết là thuộc quyền sở hữu của ông ta.