“Tui tưởng nó ra đấy mấy anh từ sớm”, Ađa, mẹ Nâuơ, nói với Catô.
“Không, tui đã định cho nó một trận vì tội ngủ trưa mà”, Catô nói. Catô đến nắm tay đập thình thình vào cánh cửa đóng kín của căn lều trước đây là chỗ ở của ông lão làm vườn, mà Nâuơ mới thừa kế vào dịp sinh nhật lần thứ mười tám. Giựt toang cửa, Catô lao vào, giận dữ quát: “Nâuơ!” Anh trở ra, vẻ lo lắng. “Cái thằng lạ thật!” anh bình tĩnh nói. Rồi ra lệnh cho mọi người nhanh chóng đi lục soát các lều, nhà tắm, nhà kho, cánh đồng.
Tất cả những người khác chạy tản đi khắp phía; Kunta tình nguyện sục tìm ở chuồng ngựa. “NÂUƠ! NÂUƠ!” ông gọi to nhằm báo hiệu cho kẻ nào có thể nghe thấy, mặc dù ông biết không cần phải làm thế, trong khi những con vật trong khoang ngừng nhai mẻ cỏ khô buổi sáng, giương mắt ngỡ ngàng nhìn ông. Rồi nghé mắt qua cửa chuồng, không thấy ai tới, Kunta vội vã quay trở vào, leo nhanh lên vựa cỏ khô, ở đây ông phủ phục xuống cầu nguyện lần thứ hai xin Chúa Ala phù hộ cho Nâuơ trốn thoát.
Catô lo lắng phái số lực điền còn lại đi làm, bảo họ là chút xíu nữa anh và bác vĩ cầm sẽ ra ngay; bác vĩ cầm đã khôn ngoan tình nguyện giúp việc làm đồng từ khi mất khoản thu nhập bằng việc kéo đàn ở các cuộc khiêu vũ.
“Chắc nó chạy rồi”, bác vĩ cầm thì thào với Kunta khi họ đứng ở sân sau.
Thấy Kunta hầm hừ, Bel nói: “Nó chưa bao giờ vắng mặt và nó không lủi đêm đâu”.
Thế rồi Catô nói ra cái điều thiết yếu nhất trong trí tất cả mọi người. “Đến phải trình mấy ông chủ thôi, lạy Chúa lòng lành!” Sau một cuộc tham khảo ý kiến vội vàng, Bel khuyên là để mexừ Uolơ điểm tâm xong hẵng thưa, “ngộ nhỡ thằng nhỏ chỉ xả hơi ở đâu đó, rồi đâm hoảng không dám lẻn về trước khi trời tối, sợ bọn tuần cha đường bắt”.
Bel bưng cho ông chủ những món điểm tâm ưa thích – đào hộp trộn kem đặc, giăm bông sấy bằng gỗ hồ đào, trứng bác, yến mạch lứt, hương táo hâm nóng và bánh bơ tròn dúng nước sữa – và chờ cho ông gọi tách cà phê thứ hai rồi mới nói.
“Thưa ông...” bà nuốt đánh ực “... thưa ông, Catô nhờ tui thưa mấy ông hình dư thằng nhỏ Nâuơ sáng nay không có đây ạ!”
Ông chủ đặt tách cà phê xuống, cau mày. “Vậy thì nó đâu? Nhà chị định nói với tôi là nó đi đâu uống rượu say mềm hoặc mò gái và chị cho rằng hôm nay nó sẽ lén về, hay là chị nghĩ nó tìm cách chạy trốn?”
“Thưa ông chủ, bọn tui chỉ nói”, Bel run rẩy, “là xem dư nó không có đây và bọn tui đã lùng sục khắp nơi”.
Mexừ Uolơ ngắm nghía tách cà phê. “Tôi sẽ hạn cho nó đến đêm nay – không, đến sáng mai – trước khi tôi ra tay hành động”.
“Thưa ông chủ, nó là một thằng nhỏ tốt, sinh ra và được nuôi nấng ngay tại đây, trên đất của ông, cả đời nó làm việc tốt, không bao giờ gây một phút rối ren cho ông hay bất kỳ ai...”.
Ông nhìn thẳng vào Bel: “Nếu nó định trốn thì nó sẽ phải hối”.
“Vâng, thưa ông chủ”. Bel chạy ù ra sân, kể cho những người khác những điều ông chủ vừa nói. Nhưng Catô và bác vĩ cầm vừa hối hả đi về phía cánh đồng, mexừ Uolơ đã gọi Bel trở lại và bảo cho chuẩn bị xe.
Cả ngày, trong khi đánh xe cho ông ta từ nhà bệnh nhân này sang nhà bệnh nhân khác, Kunta cứ bay bổng từ hoan hỉ - khi nghĩ đến Nâuơ chạy trốn – đến quằn quại khi nhớ lại những gai góc, bụi rậm và bày chó. Và ông cảm thấy là Kitzi đang trải qua những nỗi hy vọng và đau đớn như thế nào.
Đêm ấy, khi xúm xít lại với nhau, ai nấy đều nói rất khẽ, gần như thì thầm.
“Thằng nhỏ í đã bỏ đây đi rồi. Trước đây, tui đã nhìn thấy cơ sự này trong mắt nó”, thím Xuki nói.
“Ờ, tui biết nó chả phải đồ trẻ dại chỉ tính chuyện lén đi uống rượu cho say”, bà chị Manđi nói.
Ađa, mẹ Nâuơ, khóc cả ngày đã khan tiếng. “Thằng bé nhà tui rành là chả bao giờ nói mấy tui về chuyện chạy trốn cả! Lạy Chúa, các ông các bà xem liệu rồi ông chủ có bán nó đi không?” Không ai dám trả lời.
Khi trở về lều, vừa vào đến bên trong, Kitzi đã òa khóc; Kunta cảm thấy bất lực, lưỡi líu lại như bị cột chặt. Nhưng chẳng nói một câu, Bel đến gần bàn, quàng tay ôm cô con gái đang nức nở và kéo đầu cô áp vào bụng mình.
Sáng thứ ba, vẫn không thấy tăm hơi Nâuơ, và mexừ Uolơ sai Kunta đánh xe cho mình lên quận lỵ, tại đó ông đến thẳng nhà giam quận Xpotxylvania. Sau khoảng nửa tiếng, ông trở ra cùng với quận trưởng cảnh sát, đột ngột ra lệnh cho Kunta buộc ngựa của quận trưởng cảnh sát vào sau xe, rồi đưa họ về. “Ta sẽ thả ông quận trưởng cảnh sát xuống lộ thung lũng”, ông chủ nói.
“Dạo này bọn nhọ chạy trốn nhiều đến nỗi khó mà đếm xuể - chúng nó thà liều náu cầu may trong rừng còn hơn là bị bán xuống miền Nam...” quận trưởng cảnh sát nói khi xe bắt đầu lăn bánh.
“Từ khi tôi có đồn điền đến nay” mexừ Uolơ nói, “Tôi chưa bao giờ bán một tên người làm nào trừ phi có kẻ phá lệ luật của tôi và chúng biết rõ điều đó”.
“Nhưng thưa bác sĩ, họa hoằn lắm mới có tên nhọ biết đánh giá các ông chủ tốt, ngài biết đấy”, quận trưởng cảnh sát nói: “Ngài bảo thằng ấy khoảng mười tám tuổi phải không ạ? Phải, tôi đoán nó cũng giống như phần lớn bọn lực điền cỡ tuổi nó, nhiều phần là nó định lên miền Bắc”. Kunta cứng người lại. “Nếu nó là một tên nhọ hầu hạ trong nhà, thì bọn này thường thường bẻm mép, nhanh mồm nhanh miệng, chúng thích giả bộ là dân nhọ tự do hoặc giả nói dối bọn tuần tra đường là chúng đi công cán cho chủ, đánh mất giấy thông hành, tìm cách tới được Richmơnđ hoặc một thành phố nào khác, ở đó chúng có thể lẩn vào đám đông nhọ dễ dàng hơn và có khi tìm được việc làm nữa”. Quận trưởng cảnh sát dừng một lát. “Ngoài mẹ nó ở chỗ ngài, cái thằng nhỏ ấy có ai thân thích khác ở đâu đó mà nó có thể tìm đến không?”.
“Không có ai, theo chỗ tôi biết”.
“À, thế ngài có biết liệu nó có vớ được con bé nào ở đâu đó, bởi vì cái đám hoẵng đực mới lớn ấy đang căng nhựa, dậm dà dậm dựt, thấy hơi gái là chúng bỏ mặc la lừa của ngài giữa đồng mà phới liền.
“Theo tôi biết thì không”, ông chủ nói. “Nhưng ở chỗ tôi, có một con bé, con mụ nấu bếp của tôi, còn trẻ măng, khoảng mười lăm, mười sáu gì đó, nếu tôi đoán không lầm. Tôi không biết hai đứa có vụng trộm đưa nhau vào đụn rơm đụn rạ gì hay không?
Kunta gần như nghẹn thở.
“Tôi biết có những đứa mười hai tuổi đã bĩnh ra tí nhau đen”, quận trưởng cảnh sát cười hềnh hệch. Bọn gái nhọ ấy, khối đứa hấp dẫn cả đàn ông da trắng, và bọn con trai nhọ sẵn sàng làm mọi sự!”
Phẫn uất sôi sục, Kunta nghe thấy giọng mexừ Uolơ đột nhiên lạnh băng. “Tôi hết sức hạn chế tiếp xúc cá nhân với các nô lệ của tôi đến mức tối thiểu và không biết cũng như không quan tâm đến chuyện riêng tư của họ!”
“Dạ, dạ, tất nhiên”, quận trưởng cảnh sát vội vàng nói.
Nhưng rồi giọng ông chủ dịu đi: “Tuy nhiên, theo cách nghĩ của ông thì thằng nhỏ này có thể lẻn đi gặp một đứa con gái ở đồn điền nào khác. Tôi không biết và tất nhiên đám kia dù có biết cũng chẳng nói ra. Trên thực tế, mọi sự đều có thể xảy ra – có khi là một cuộc ẩu đả nào đó; nó có thể sống dở chết dở ở đâu đấy. Thậm chí cũng có thể là một tên nào trong số da trắng nghèo chuyên đánh cắp nô lệ đã vớ được nó cũng nên. Điều đó đang tiếp diễn ở quanh đây, như ông biết đấy; thậm chí một số lái buôn võ sĩ cũng tham gia vào chuyện này. Cả về điểm này, tôi cũng không biết chắc. Nhưng người ta nói với tôi đây là lần đầu tiên thằng nhỏ này vắng mặt”.
Tác phong lúc này đã thận trọng hơn, quận trưởng cảnh sát nói: “Ngài vừa nói với tôi là nó sinh ra ở chỗ ngài và chưa hề đi đâu xa?”.
“Tôi đồ rằng thậm chí nó không biết đi đường nào để đến Richmơnđ, chứ chưa nói chi đến miền Bắc”, ông chủ nói.
“Tuy nhiên, bọn nhọ trao đổi với nhau vô khối thông tin”, quận trưởng cảnh sát nói. “Chúng tôi đã bắt được một số và đánh đến phải khai ra rằng coi như chúng mang trong đầu những bản đồ chỉ rõ nên chạy đâu và trốn ở đâu, theo lời chúng được mách bảo. Hàng loạt chỉ dẫn như thế có thể truy nguồn gốc xuất phát từ đám da trắng yêu dân nhọ như các hội Quâycơ và Giám lý. Nhưng vì thằng này chưa bao giờ tìm cách chạy trốn và cho đến nay chưa hề gây cho ngài chuyện rắc rối nào khác, nên tôi thấy có thể cuộc là chỉ hai đêm nữa trong rừng sẽ khiến nó phải mò về, gần chết vì sợ và đói. Với một thằng nhọ, động lực mạnh mẽ là một cái bụng đói. Và như vậy, ngài sẽ đỡ phải bỏ tiền đăng bố cáo ở Gazét hoặc thuê mấy tên chuyên nghề bắt nhọ mang chó đi truy tầm nó. Theo kinh nghiệm của tôi, xem ra nó không giống cái bọn nhọ sừng sỏ ngoài vòng pháp luật hiện vẫn thậm thụt ra vào các vùng đầm lầy, rừng rú, giết gia súc và lợn của dân chúng như giết thỏ”.
“Tôi hy vọng là ông nói đúng”, mexừ Uolơ nói, “nhưng dù sao đi nữa, tiên chưng là nó đã phá luật lệ của tôi bằng cách bỏ đi mà không được phép, nên tôi sẽ bán nó xuống miền Nam ngay lập tức”, Kunta bóp chặt dây cương đến nỗi móng tay bấm sâu vào lòng bàn tay. “Vậy là ngài đang lỏng tay để cho một khoản từ nghìn hai đến nghìn rưởi đôla chạy rông đâu đó” quận trưởng cảnh sát nói. “Ngài đã viết mô tả hình dáng, đặc điểm của nó tôi sẽ bảo đảm chuyển tới bọn tuần tra đường của quận và nếu chúng tôi bắt được nó – hoặc nghe tin gì – tôi sẽ báo cho ngài biết ngay”.
Sáng thứ bảy, sau bữa điểm tâm, Kunta đang chải cho một con ngựa bên ngoài chuồng thì chợt nghe như có tiếng tu huýt của Catô. Ông nghênh nghênh đầu và lại nghe thấy hồi nữa. Ông vội vàng buộc ngựa vào một cái cọc gần đấy và tập tễnh bước rảo trên con đường về lều. Từ cửa sổ đằng trước, ông có thể nhìn thấy hầu như bao quát từ chỗ đường cái cắt ngang lối xe chạy về đại sảnh. Ông biết hiệu còi của Catô cũng đã báo động cho Bel và Kitzi trong đại sảnh.
Thế rồi ông trông thấy chiếc xe lăn bánh trên lối vào – và thất kinh nhận ra viên quận trưởng cảnh sát nắm dây cương. Lạy Chúa Ala từ bi, phải chăng Nâuơ đã bị bắt? Trong khi theo dõi quận trưởng cảnh sát xuống xe, bản năng được rèn luyện bao lâu của Kunta thúc ông mau chạy ra cho con ngựa mệt đứt hơi của khách uống nước và xoa bóp cho nó, nhưng tựa hồ ông đã bị tê liệt ở nơi ông đứng ngó trân trân qua cửa sổ lều, trong khi viên quận trưởng cảnh sát hối hả bước hai bậc một lên thềm đại sảnh.
Chỉ mấy phút sau, Kunta trông thấy Bel gần như loạng choạng lao ra cửa sau. Bà bắt đầu chạy – và một dự cảm khủng khiếp bóp lấy tim Kunta ngay trước lúc bà gần như giựt phăng cánh cửa lều khỏi bản lề.
Mặt bà rúm ró, vằn vèo vệt nước mắt. “Quận trưởng cảnh sát mấy ông chủ tra hỏi Kitzi” bà tru lên.
Câu nói làm ông tê điếng. Trong một lúc ông chỉ trừng trừng nhìn bà, vẻ không tin, nhưng rồi, túm lấy bà lắc thật mạnh, ông hỏi: “Hắn í mún gì?”.
Giọng thé lên, nghẹn lại, vỡ ra, bà cố kể cho ông nghe rằng quận trưởng cảnh sát vừa vào nhà một tí, ông chủ đã hét lớn gọi Kitzi đang dọn buồng ông trên gác, xuống ngay. “Khi tui nghe thấy ông í la lối mấy nó từ nhà bếp, tôi ù té vào hành lang phòng khách, chỗ tui vẫn đứng nghe trộm, dưng tui không thể hiểu ra cái gì rõ ràng, trừ một điều là ông í đang tức điên”... Bel hào hển và nuốt khan. “Rồi lại nghe thấy ông chủ rung chuông gọi tui và tui chạy về để làm như thể từ nhà bếp tới. Dưng ông chủ lại đang đợi ở cửa ra vào, tay nắm quả đấm cửa đằng sau mình. Chưa bao giờ thấy ông í có cái vẻ giống dư ông í nhìn tui lúc bấy giờ. Ông í lạnh dư băng biểu tôi ra khỏi nhà và cứ ở ngoài đến khi nào có người gọi!” Bel đi đến khung cửa sổ nhỏ, đăm đăm nhìn ngôi đại sảnh, không thể tin rằng điều mình vừa nói đã xảy ra thật sự “Lạy Chúa, quận trưởng cảnh sát muốn gì con tui?” bà hỏi, nghi nghi hoặc hoặc.
Tâm trí Kunta đang quờ quạng tuyệt vọng, cố tìm cái gì để làm. Liệu ông có thể chạy ra đồng, ít nhất cũng là để báo động cho những người đang làm việc ở đó? Nhưng linh tính của ông bảo rằng mọi chuyện đều có thể xảy đến trong lúc ông đi khỏi.
Trong khi Bel đi qua rèm vào buồng ngủ, gào đến vỡ phổi cầu xin đức Chúa Jêxu, ông phải ráng hết sức mới kiềm chế nổi mình khỏi lồng lộn lao theo vào mà hét rằng giờ đây hẳn bà đã thấy rõ những gì ông đã ra công nói với bà trong gần bốn mươi vụ mưa về cái nỗi quá khờ khạo đi tin tưởng hão vào lòng tốt của ông chủ - hoặc bất cứ tubốp nào khác – để rồi bị lừa trắng mắt ra.
“Phải quay lại đấy!” đột nhiên Bel kêu lên. Bà lao qua rèm và ra khỏi cửa.
Kunta nhìn theo bà khuất vào trong nhà bếp. Bà định làm gì đây? Ông chạy ra đuổi theo bà và nghé nhìn qua tấm cửa che. Nhà bếp vắng tanh và cửa trong sập đóng lại. Ông vào, rón rén đi ngang qua bếp. Đứng đó, một tay đặt lên cửa, tay kia nắm chặt, ông căng tai ra ngóng từng tiếng động nhỏ nhất – nhưng chỉ nghe thấy có tiếng thở hổn hển của chính mình. Thế rồi ông nghe thấy: “Ông chủ?” Bel gọi khẽ. Không có ai trả lời. “Mexừ?”, bà lại gọi, lần này to hơn, gay gắt. Ông nghe thấy cửa phòng khách mở ra.
“Kitzi của tui đâu, mexừ?”
Ông ta nói, vẻ chai đá. “Chúng ta không thể để một đứa nữa chạy trốn”.
“Tui quả không hiểu nổi ông, thưa ông chủ”, Bel nói nhỏ đến nỗi Kunta phải cố hết sức mới nghe rõ. “Con bé hồ dư không ra khỏi sân của ông”.
Ông chủ bắt đầu nói cái gì, rồi lại ngưng bặt. “Có thể là chị thực sự không biết nó đã làm gì”, ông ta nói. “Thằng nhỏ Nâuơ đã bị bắt, nhưng trước đó, nó đã đâm trọng thương hai người tuần tra đường bắt bẻ nghi vấn chiếc giấy thông hành giả nó mang theo. Sau khi bị đánh gục bằng vũ lực, cuối cùng nó đã thú nhận rằng giấy thông hành không phải do tôi mà do con gái chị viết. Kitzi đã thừa nhận như vậy với ông quận trưởng cảnh sát”.
Im lặng một hồi lâu tê tái, rồi Kunta nghe thấy một tiếng thét và những tiếng chân chạy. Khi ông mở phanh cửa, Bel lao như tên bắn qua mặt ông – gạt ông sang bên với sức mạnh của một người đàn ông – và vụt ra cửa sau. Hành lang vắng tanh, cửa phòng khách đóng. Ông chạy ra theo sau bà, đến cửa lều thì đuổi kịp.
“Ông chủ sắp bán Kitzi, tui biết!” Bel bắt đầu la thét và một cái gì đứt phựt trong ông. “Phải đi giành lấy nó!” ông nghẹn ngào nói và tập tễnh lao về phía đại sảnh, vào nhà bếp, cố chạy nhanh hết sức mình, theo sau không xa là Bel. Tức điên người, ông giựt toang cửa trong và xăm xăm chạy dọc hành lang vắng ngắt.
Ông chủ và viên quận trưởng cảnh sát xoay hẳn người lại, mặt lộ vẻ nghi hoặc, khi cửa phòng khách bật mở tung. Kunta dừng phắt lại đó, đôi mắt cháy rực, đằng đằng sát khí. Bel thét lên đằng sau ông: “Con bé của bọn tui đâu? Vợ chồng tui đến đòi nó!”
Kunta thấy tay phải viên quận trưởng cảnh sát luồn tới bao súng trong khi ông chủ sôi lên: “Cút ra!”
“Đồ nhọ các ngươi điếc lòi hử?” Bàn tay viên quận trưởng cảnh sát đang rút khẩu súng lục và Kunta căng người định chồm tới giằng lấy – đúng lúc giọng Bel run lên đằng sau ông: “Dạ, thưa ông...” – và ông cảm thấy bà kéo tay ông một cách tuyệt vọng. Thế rồi chân ông chuyển động giật lùi qua cửa – và đột nhiên cánh cửa đóng sầm đằng sau họ, tiếng khóa lách cách trong ổ.
Trong khi ngồi thu lu với vợ ngoài hành lang, chìm ngợp trong nỗi nhục, họ nghe thấy ông chủ và viên quận trưởng cảnh sát rì rầm nói chuyện căng thẳng... rồi tiếng chân chuyển động, xô đẩy nhẹ... rồi tiếng Kitzi khóc và tiếng cửa trước đóng đánh sầm.
“Kitzi! Kitzi con! Lạy Đức Chúa Lời, xin đừng để họ bán Kitzi của con!” Bel đâm bổ ra lối cửa sau với Kunta theo sau lưng, những tiếng la thét của bà vọng ra đến chỗ đám lực điền khiến họ chạy tới. Catô tới vừa kịp nhìn thấy Bel điên cuồng tru tréo, chồm lên vật xuống trong khi Kunta cố ghì bà xuống đất. Mexừ Uolơ bước xuống các bậc thềm, trước viên quận trưởng cảnh sát đang kéo theo ở đầu chuỗi dây xích một Kitzi khóc sướt mướt, kéo co mình về đằng sau.
“Mẹ! Mẹẹẹẹẹẹ!” Kitzi gào lên.
Bel và Kunta từ dưới đất chồm dậy và lồng lên chạy vòng sườn nhà, lao tới như hai con sư tử. Viên quận trưởng cảnh sát rút súng, chĩa thẳng vào Bel: bà dừng phắt lại. Bà nhìn Kitzi trừng trừng. Bel rứt câu hỏi ra khỏi họng: “Con có làm cái việc họ nói không?” Họ nhìn vẻ đau đớn của Kitzi trong khi đôi mắt khóc đỏ hoe của cô trả lời một cách câm lặng – phóng tia nhìn từ Bel và Kunta sang quận trưởng cảnh sát và ông chủ - nhưng không nói gì.
“Ôi, lạy Chúa tôi!” Bel rú lên. “Ông chủ, xin hãy rủ lòng thương! Nó không chủ làm thế! Nó không có biết mình làm gì! “mămzen” An là người dạy nó viết!”.
Mexừ Uolơ nói lạnh như băng: “Pháp luật là pháp luật. Nó đã phá luật lệ của tôi. Nó đã phạm một tội ác. Có thể nó đã góp phần vào một vụ giết người. Tôi nghe nói một trong những người da trắng ấy có thể chết”.
“Nào con bé nó có đâm người í đâu, ông chủ, nó đã làm việc cho ông từ khi nó đủ nhớn để mang bô cho ông. Còn tui đã nấu nướng, hầu hạ tay chân cho ông hơn bốn mươi năm nay, và anh í...” khoa tay chỉ vào Kunta, bà lắp bắp, “anh í đánh xe chở ông đi khắp nơi khắp chốn, cũng gần lâu dư thế, ông chủ, tất cả những cái í chả nhẽ lại không đáng kể vào đâu hay sao?”
Mexừ Uolơ không muốn nhìn thẳng vào bà. “Các người làm công việc của mình. Còn nó sẽ bị đem bán – có thế thôi”.
“Chỉ có dững người da trắng hạng rẻ mạt lớp dưới mới chia sẻ gia đình người ta!” Bel thốt lên. “Ông không phải loại í”.
Giận dữ, mexừ Uolơ ra hiệu cho quận trưởng cảnh sát bắt đầu lôi xềnh xệch Kitzi một cách thô bạo về phía chiếc xe chở.
Bel chặn ngang đường họ. “Vậy thì bán cả tui và bố nó cùng với nó luôn thể! Đừng có chia cắt chúng tui!”
“Xê ra!” Quận trưởng cảnh sát miệng sủa, tay đẩy rúi bà sang bên. Gầm lên, Kunta chồm tới như một con báo, vung hai trái đấm nện viên quận trưởng cảnh sát ngã xuống đất.
“Cứu con với, Fa!” Kitzi thét lên. Ông ghì chặt quanh thân cô và bắt đầu điên cuồng giựt dây xích.
Khi báng khẩu súng lục của viên quận trưởng cảnh sát nện vào phía trên tai Kunta, đầu ông như nổ tung trong khi ông quỵ hai đầu gối xuống. Bel lao tới viên quận trưởng cảnh sát, nhưng hắn vung tay gạt bà mất thăng bằng ngã phịch xuống trong khi hắn đẩy Kitzi vào sau xe và đóng khóa đánh tách vào dây xích. Nhanh nhẹn nhảy tót lên ghế ngồi, quận trưởng cảnh sát ra roi quất ngựa và chiếc xe lắc lư chuyển bánh về phía trước trong khi Kunta lồm cồm bò dậy. Mắt hoa, đầu đập thình thình, bất chấp súng, ông loạng choạng đuổi theo chiếc xe chở đang tăng tốc độ.
“Mămzen An!... Mămzen Annnnnnnnnn! Kitzi kêu thất thanh. “Mămzen Annnnnnnn!” Những tiếng gào vọng lại hoài không dứt, như lơ lửng trên không trung đằng sau chiếc xe đang lăn bánh nhanh về phía đường cái.
Khi Kunta bắt đầu vấp rúi rụi, hồng hộc thở không ra hơi, chiếc xe đã đi cách nửa dặm; ông dừng lại, đứng nhìn theo một lúc lâu cho đến khi bụi đã lắng xuống và con đường trải ra vắng tanh đến cuối tầm mắt ông.
Ông chủ quay lưng và đầu cúi gằm, bước rất nhanh trở vào nhà, qua trước mặt Bel đang rúm người nức nở trên bậc thềm cuối cùng. Như người mộng du, Kunta chậm chạp bước tập tễnh lộn về trên đường xe chạy – chợt trong óc ông lóe lên một hồi ức và đến gần đại sảnh, ông cúi xuống bắt đầu nghiêng ngó quanh. Xác định những vết rõ nhất do đôi chân trần của Kitzi để lại trên lớp bụi, rồi vốc lấy những nốt chân đó đầy hai lòng bàn tay, ông chạy ù về lều: tổ tiên xưa bảo rằng nắm bụi quý đó cất giữ ở một nơi chắc chắn sẽ bảo đảm cho Kitzi trở về nơi cô đã in dấu chân. Ông lao qua cửa lều mở sẵn, đôi mắt lướt nhanh khắp phòng và dừng lại trên quả bầu đựng những hòn sỏi đặt trên một cái giá. Nhẩy bổ tới đó, trong cái khoảnh khắc trước khi buông rời hai bàn tay chụm lại cho bụi rơi vào trong quả bầu, ông bỗng hiểu ra sự thật: Kitzi của ông đi rồi, nó sẽ không trở lại. Ông sẽ chẳng bao giờ gặp lại Kitzi của ông nữa.
Mặt rúm lại, Kunta tung mớ bụi lên phía nóc lều. Nước mắt tóe ra, tay vớ lấy quả bầu nặng giơ lên trên đầu, miệng há rộng trong một tiếng thét câm lặng, ông dồn hết sức ném quả bầu xuống và nó vỡ tan tành trên nền đất nện, 662 hòn sỏi tượng trưng cho ngần nấy tháng của 55 vụ mưa đời ông bay tung tóe, thia lia khắp nơi.