Mặc dù bà nội Yaixa yếu ớt cất tiếng phản đối rằng mình sắp bình phục, Binta cứ quét trước căn lều và dọn dẹp đồ đạc cho ngăn nắp. Và hai mẹ con ra về sau khi dựng bà nội Yaixa ngồi dậy trên giường để ăn bát cháo với chút bánh mùa đói kém do Binta làm bằng cái thứ bột vàng vàng phủ trên những quả đen của cây bồ kếp dại.
Rồi một đêm, Kunta thức giấc, thấy mình đang bị bố lay lấy lay để. Binta đang thốt ra những tiếng rên rẩm khe khẽ trên giường và, cũng ở trong lều, bà già Nyô Bôtô và chị bạn Jankay Turay của Binta đang lăng xăng vội vã. Ômôrô hối hả đưa Kunta qua làng và chú bé, ngỡ ngàng không hiểu đó lá chuyện gì, chẳng mấy chốc đã chìm đắm trở lại trong giấc ngủ trên chiếc giường trong lều bố.
Sáng ra Ômôrô lại đánh thức Kunta dậy và bảo: “Con mới có một em trai đấy”. Ngái ngủ lồm cồm quỳ dậy và rụi mắt, Kunta nghĩ bụng rằng đây ắt là một cái gì đặc biệt lắm nên mới khiến người bố, bình thường vốn nghiêm nghị, thích thú đến thế. Đến chiều, Kunta đang đi với lũ bạn cùng lứa tuổi, tìm xem có cái gì ăn được, thì già Nyô Bôtô gọi lại và đưa nó đến thăm Binta. Vẻ người rất mệt nhọc, chị ngồi trên mép giường, dịu dàng vuốt ve đứa bé trong lòng. Kunta đứng một lúc ngắm thật kỹ cái vật nhỏ đen đủi, nhăn nheo ấy, rồi nó nhìn hai người đàn bà đang cười với vật đó và chợt nhận thấy cái chỗ phình to quen thuộc trên bụng Binta đột nhiên biến mất. Lặng lẽ trở ra ngoài không nói một câu, Kunta đứng yên một hồi lâu, thay vì quay lại với lũ bạn, nó đến ngồi một mình đằng sau lều bố, và ngẫm nghĩ về những điều đã trông thấy.
Kunta tiếp tục ngủ ở lều của Ômôrô trong bảy đêm sau – mà hình như không ai để ý hoặc quan tâm đến, vì họ còn lo cho đứa bé mới đẻ. Nó đã bắt đầu nghĩ rằng mẹ không cần nó nữa – hay cả bố cũng thế – cho đến khi vào chiều tối ngày thứ tám, Ômôrô gọi nó đến trước lều mẹ nó cùng với tất cả mọi người khác còn khỏe mạnh ở Jufurê để công bố cái tên chọn cho đứa bé sơ sinh là Lamin.
Đêm hôm ấy, Kunta ngủ yên và ngon lành – trở về giường của chính mình bên cạnh mẹ và em trai mới đẻ. Nhưng trong vòng mấy ngày, vừa mới lại sức, Binta liền bắt đầu ẵm lấy đứa bé sau khi nấu nướng và dọn thức gì đó cho Ômôrô và Kunta ăn sáng và gần như ở suốt ngày tại lều bà nội Yaixa. Qua vẻ lo lắng trên mặt của cả Binta lẫn Ômôrô, Kunta biết là bà nội Yaixa ốm rất nặng.
Một buổi chiều tà, vào mấy ngày sau, nó và các bạn cùng tuổi đi hái những trái xoài, rốt cuộc, cũng đã chín. Rập lượt vỏ màu vàng da cam vào tảng đá gần nhất, chúng cắn, bươi một đầu mấp ra để ép mạnh vào múp lớp thịt mềm ngọt bên trong. Chúng đang vơ hàng rổ táo khỉ và đào dại thì bỗng nhiên Kunta nghe thấy tiếng gào của một giọng quen thuộc vọng lại từ phía lều bà nội. Toàn thân nó run lên vì đó là giọng mẹ nó cất lên trong tiếng hò chết chóc nó đã từng nghe thấy bao lần trong những tuần gần đây. Nhiều phụ nữ lập tức hòa vào thành một tiếng tru tréo chẳng mấy chốc đã lan ra khắp làng. Kunta chạy quáng quàng như người mù về phía lều bà nội.
Giữa đám hỗn độn nhộn nhạo, Kunta trông thấy Ômôrô vẻ đầy đau đớn và già Nyô Bôtô đang khóc thảm thiết. Lát sau, trống tôbalô nổi lên và gã jaliba lớn tiếng kể những việc thiện trong cuộc đời dài của bà nội Yaixa ở làng Jufurê. Choáng người đến tê dại, Kunta cứ đứng thao láo mắt nhìn, trong khi những phụ nữ trẻ chưa chồng trong làng cầm những chiếc quạt rộng kết bằng cỏ quạt tung bụi từ đất lên, theo tục lệ mỗi khi có người chết. Xem chừng không ai để ý thấy Kunta cả.
Khi Binta và già Nyô Bôtô cùng hai phụ nữ la hờ khác bước vào trong lều, đám đông bên ngoài bèn quỳ xuống và cúi đầu. Kunta đột nhiên òa lên khóc, cả vì sợ lẫn vì buồn thương. Chẳng mấy chốc, những người đàn ông mang tới một cây gỗ lớn vừa mới xẻ xong và đặt xuống trước lều. Kunta dõi nhìn đám phụ nữ khiêng ra và đặt lên mặt bằng cây gỗ thi hài bà nội nó liệm kín từ cổ đến chân bằng một tấm vải bông trắng quấn vòng vèo.
Qua hàng nước mắt, Kunta thấy những người chịu tang đi bảy vòng quanh bà Yaixa, cầu khấn và tụng niệm, trong khi alimamô rền rỉ rằng bà đang viễn du về với Chúa Ala và tổ tiên mình trong cõi vĩnh hằng. Để bà có sức làm cuộc viễn du đó, những chàng trai chưa vợ trìu mến đặt những chiếc sừng trâu bò đựng đầy tro mới xung quanh thi thể bà.
Sau khi phần lớn những người chịu tang diễu qua, bà Nyô Bôtô cùng nhiều bà già khác bèn chiếm lĩnh vị trí cạnh đấy, nép sát vào nhau, khóc lóc, hai bàn tay ôm chặt lấy đầu. Kế đó, đám phụ nữ trẻ mang tới những tàu lá xiboa lớn nhất có thể kiếm được để che đầu cho các bà già khỏi bị mưa trong đêm thức canh thi hài. Và khi các bà già ngồi đó, các cỡ trống trong làng lên tiếng kể lể về bà nội Yaixa mãi đến khuya.
Trong buổi sáng mờ sương, theo tục lệ của tổ tiên, chỉ có đàn ông trong làng Jufurê – những người còn đủ sức đi được – tham gia vào đám tang đi đến chỗ chôn cất, cách làng một quãng không xa (nếu không thể, ắt chẳng có ai đi), vì lòng kính sợ của người Manđinka đối với linh hồn ông bà ông vải. Đi đằng sau những người khiêng thi hài bà nội Yaixa trên cây gỗ, là Ômôrô bế đứa trẻ sơ sinh Lamin và dắt chú bé Kunta khiếp đảm đến nỗi không dám khóc. Và đằng sau họ, là các đàn ông khác trong làng. Cái thi thể cứng đờ liệm bằng vải trắng được hạ xuống huyệt mới đào và phủ một chiếc chiếu mây đan dày. Rồi đến những bụi gai để ngăn lũ linh cẩu khỏi đào bới và phần còn lại của huyệt được lèn chặt bằng đá với một gò đất mới.
Sau đó, trong nhiều ngày, Kunta biếng ăn biếng ngủ, cũng chẳng buồn đi đâu với các bạn cùng lứa tuổi. Nó buồn đến nỗi một tối, Ômôrô phải mang con đến lều mình và ở đó, bên cạnh giường, nói với con dịu dàng, êm ái hơn bao giờ hết, kể cho nó nghe đôi ba câu chuyện để làm nhẹ bớt nỗi buồn của nó.
Anh bảo rằng ở mỗi làng đều có ba nhóm người. Trước hết là loại ta trông thấy trước mắt – đang đi đi lại lại, ăn ngủ và làm việc. Thứ hai là tổ tiên, giờ đây bà nội Yaixa đã nhập vào nhóm đó.
“Còn loại người thứ ba là những ai?” Kunta hỏi.
“Loại người thứ ba”, Ômôrô nói, “là những kẻ đang chờ ra đời”.