Và bệnh tật bắt đầu làm phù chân một số người lớn tuổi. Lại có những người khác lên cơn sốt, mồ hôi toát ra đầm đìa và rét run bần bật. Cả lũ trẻ, chân hoặc tay phồng lên từng đám nhỏ nhanh chóng lan rộng ra và mỗi lúc một đau hơn, rồi những chỗ phồng nứt toác, rỉ ra một thứ nước hồng hồng chẳng mấy chốc thành nước vàng đặc sệt, hôi thối, thu hút đàn ruồi vo ve bu đến.
Vết đau hở toác to tướng ở chân Kunta, một hôm, làm nó vấp rúi trong khi đang cố chạy nhổng. Ngã đau, nó được các bạn vực dậy, điếng người và chảy máu trán, kêu rống lên. Vì Binta và Ômôrô đi làm đồng, bọn trẻ hối hả mang nó đến lều bà nội Yaixa, đã nhiều ngày nay, không thấy bà xuất hiện ở lều trẻ.
Nom bà rất yếu, bộ mặt đen gầy ruộc và rã rượi, mình đẫm mồ hôi dưới tấm da bò trên chiếc chiếu tre. Nhưng khi trông thấy Kunta, bà bèn vùng dậy lau cái trán rỉ máu của nó. Ôm chặt lấy cháu, bà sai những đứa trẻ khác chạy đi kiếm cho bà mấy con kiến còng kơlêlalu. Khi chúng trở lại, bà nội Yaixa bóp chặt hai mép da bị toạc lại với nhau, rồi lần lượt ấn từng con kiến dũi đang giãy giụa vào vết thương. Trong khi mỗi con kiến tức tối cắm đôi càng vào lớp thịt hai bên vết toác, bà khéo léo dí bẹp thân nó, để cái đầu ở nguyên chỗ, cho đến khi vết thương được khâu liền lại.
Cho những đứa trẻ kia lui, bà bảo Kunta nằm xuống nghỉ bên cạnh bà trên giường. Nó nằm mà nghe bà nặng nhọc thở trong khi bà nín lặng một lát. Rồi bà nội Yaixa khoát tay về phía một chồng sách trên giá cạnh giường. Cất giọng chậm rãi và dịu dàng, bà kể cho Kunta nghe thêm về ông nội, theo lời bà, là chủ nhân của những cuốn sách kia.
Tại đất nước quê hương Moritanya, khi Kairaba Kunta Kintê đến tuổi ba mươi vụ mưa[1], thầy dạy ông, một giáo trưởng, ban phước cho ông, phong thành một thánh nhân, bà nội Yaixa nói vậy. Ông nội Kunta đã kế tục một truyền thống gia đình các bậc thánh nhân trở ngược về trước hàng mấy trăm vụ mưa trên vùng đất Mali cổ xưa. Hồi còn là một thanh niên thuộc lứa kafô thứ tư[2], ông đã xin vị giáo trưởng già nhận là môn đồ và trong suốt mười lăm vụ mưa sau đó đã viễn du cùng bầu đoàn của thầy gồm thê thiếp, nô lệ, môn đồ và trâu bò, dê trong cuộc hành hương từ làng này qua làng khác phụng sự Chúa Ala cùng thần dân của người. Trên những nẻo đường mòn lầm bụi và những vũng khe lầy lội, dưới nắng thiêu và mưa lạnh, qua những con thung xanh và những vùng đất hoang lộng gió – bà nội Yaixa kể – họ hì hụi từ Moritanya đi về phương Nam.
Được phong là thánh nhân, Kairaba Kunta Kintê liền một mình lang thang nhiều tuần trăng qua các nơi thuộc đất nước Mali cổ xưa như Kêyla, ĐJila, Kangaba và Timbúctu, kính cẩn phủ phục trước các vị thành nhân già rất vĩ đại, cầu xin các vị ban phúc cho mình thành công, điều mà tất cả các vị đều sẵn lòng ưng thuận. Thế rồi Chúa Ala đã đưa bước chân bậc thánh nhân trẻ tuổi theo hướng Nam, cuối cùng tới Gămbia, nơi ông dừng chân đầu tiên ở làng Pakali N’ Đing.
Trong một thời gian ngắn, thấy kết quả mau chóng của những lời ông cầu nguyện, dân làng liền hiểu ra rằng vị thánh nhân trẻ tuổi này dã được ân sủng đặc biệt của Chúa Ala. Trống con, trống cái mách lẻo loan tin đi xa và chẳng bao lâu, các làng khác tìm cách lôi kéo ông đi khỏi bằng cách phái sứ giả đến dâng gái tân làm vợ và nào là nô lệ, nào là trâu bò, nào là dê. Và ít lâu sau, ông đi thật, lần này tới làng Jiffarong, nhưng đó chỉ là do Chúa Ala gọi ông đến đó, vì làng Jiffarong chẳng có gì nhiều nhặn làm lễ vật ngoài lòng biết ơn đối với những lời cầu nguyện của ông. Chính tại đây, ông đã nghe nói đến làng Jufurê, nơi mà dân đang đau ốm và ngoắc ngoải vì thiếu một trận mưa lớn. Và thế là cuối cùng, ông tới Jufurê – bà nội Yaixa kể – tại đó, năm ngày liền không ngừng, ông đã nguyện cầu cho đến khi Chúa Ala trút xuống trận mưa lớn cứu thoát cả làng.
Được biết việc làm vĩ đại của ông nội Kunta, đích thân vua xứ Barra, hồi ấy cai quản vùng này của Gămbia, chọn một nữ đồng trinh tặng bậc thánh nhân trẻ tuổi làm vợ đầu, tên là Xireng. Kairaba Kunta Kintê lấy Xireng sinh ra được hai con trai đặt tên là Jannê và Xalum.
Lúc này, bà nội Yaixa đã ngồi dậy trên chiếc giường tre của mình. “Chính khi đó”, bà nói mắt long lanh, “ông đã trông thấy Yaixa này múa điệu xêôruba! Hồi ấy, ta mới mười lăm vụ mưa”. Bà toét miệng cười, phô hai hằng lợi rụng hết răng. “Ông chẳng cần đến vua để chọn vợ thứ!”. Bà nhìn Kunta. “Chính từ bụng ta mà ông đã cho ra đời bố Ômôrô của cháu đó”.
Đêm hôm ấy, trở về lều của mẹ, Kunta nằm thao thức hồi lâu nghĩ về những điều bà nội Yaixa kể. Đã nhiều lần, Kunta được nghe về người ông nội thánh nhân đã cứu cả làng bằng lời cầu nguyện của mình và về sau đã được Chúa Ala gọi về trời. Nhưng đến bây giờ, Kunta mới thực sự hiểu rằng con người đó là cha của cha nó, rằng Ômôrô đã biết ông như nó biết Ômôrô, rằng bà nội Yaixa là mẹ Ômôrô cũng như Binta là mẹ nó. Một ngày kia, nó cũng sẽ gặp một người đàn bà như Binta để mang trong bụng một đứa con trai của chính nó. Và lại đến lượt đứa con trai đó…
Trở mình và nhắm mắt lại, Kunta thong thả dõi theo những ý nghĩ đó vào tận trong giấc ngủ.
Chú thích
[1] Nhân dân ở đấy tính tuổi theo vụ mưa; khu vực nắng cháy này của Châu Phi mỗi năm chỉ có một vụ mưa.
[2] Tức là từ 15 đến 20 tuổi.