Chở chỗ “pí ngô” đó trên xe tới đổ vào một căn nhà to gọi là “kho”, Kunta thấy một số người da đen đang cưa một cây lớn thành những khúc dày dặn, rồi lấy rìu và nêm chẻ thành củi để trẻ con xếp thành những dãy dài cao bằng đầu chúng. Ở một chỗ khác, hai người đang phơi trên sào mảnh những chiếc lá to tướng mà mũi Kunta mách cho hay là cái thứ thuốc lá bẩn thỉu của kẻ vô đạo; trước đây anh đã ngửi thấy nó một lần trong một chuyến đi cùng với cha.
Trong khi đánh xe đến nhà “kho”, đi đi về về mấy chuyến, anh thấy nhiều thứ được phơi khô để sau này dùng, y như ở làng mình. Một số phụ nữ đang lượm một thứ cỏ dày màu nâu – anh nghe thấy họ gọi là “lá xô thơm” – và buộc thành bó. Và một số loại rau quả trồng ở vườn được tãi ra phơi trên những tấm vải. Ngay cả rêu, do bọn trẻ con lượm về nhúng vào nước sôi, cũng được phơi khô, anh không hiểu tại sao họ lại làm thế.
Dạ dày anh quặn lên khi đi qua một cái chuồng, lại phải mắt thấy tai nghe mấy con ủn ỉn nữa bị giết. Anh nhận thấy lông chúng cũng được phơi khô để dành – có lẽ dùng làm vữa trát tường – song điều khiến anh thực sự buồn nôn là việc nhìn thấy bọng đái của chúng được moi ra, thổi phồng lên, buộc túm hai đầu và treo lên phơi khô dọc theo một hàng rào, chỉ có Chúa Ala mới biết cái đó nhằm mục đích vô đạo gì.
Khi hái và vào kho xong xuôi khoản “pí ngô”, Kunta cùng một số khác được phái đến một lùm cây, họ được lệnh rung các cành thật mạnh cho các hạt mọc trên đó rụng xuống đất để bọn trẻ thuộc lứa kafô đầu nhặt vào rổ. Kunta nhặt một hạt giấu vào quần áo để lúc nào có một mình, ăn thử xem; cũng không đến nỗi nào.
Khi nhiệm vụ cuối cùng được hoàn thành, họ lại được cất cử vào những công việc sửa chữa cần thiết. Kunta giúp một người khác sửa lại một hàng rào. Và cánh phụ nữ thì bận bịu tổng vệ sinh ngôi nhà trắng lớn và các lều của chính họ. Anh trông thấy một số trong bọn họ giặt đồ, thoạt tiên đem đun sôi trong một cái chậu lớn màu đen rồi lấy một miếng sắt tây rúm ró xát trong nước xà phòng; anh ngạc nhiên không hiểu tại sao không ai trong đám họ biết giặt quần áo cho phải lối bằng cách đập vào các tảng đá.
Kunta nhận thấy ngọn roi của “xú-ba-dăng” xem chừng đã thưa đi nhiều, ít quật xuống lưng người hơn trước, anh cảm thấy trong không khí có một cái gì tương tự như vào thời kì toàn bộ thu hoạch đã nhập kho an toàn ở Jufurê. Thậm chí, trước cả lúc tù và thổi báo hiệu kết thúc ngày làm việc, một số người da đen đã bắt đầu tí tửng, đú đởn ca hát với nhau. “Xú-ba-dăng” thấy vậy thường quay ngựa và vung roi lên, nhưng Kunta dám chắc hắn chỉ dọa thế thôi chứ thật tình cũng không định đánh. Và chẳng mấy chốc các người khác cũng hòa theo, rồi cả cánh phụ nữ nữa – họ hát những câu Kunta không hiểu gì cả. Lòng anh đầy ghê tởm đối với cả bọn đến nỗi, cuối cùng khi hồi tù và báo cho mọi người ai về lều nấy, anh thấy dễ chịu hẳn.
Tối tối, Kunta thường ngồi một mé ngay bên trong cửa lều, gót chân dán xuống nền đất nện để đôi còng sắt đỡ chà vào cổ chân mưng mủ. Nếu thoáng chút gió nhẹ, anh thích cảm thấy nó thổi trên mặt mình và nghĩ đến tấm thảm lá óng vàng và đỏ ối mà sớm hôm sau anh sẽ thấy dưới những hàng cây. Những lúc như vậy, tâm trí anh lại phiêu diêu về với những buổi tối mùa gặt ở Jufurê, mọi người ngồi quanh những đống lửa đêm, mặc muỗi và các côn trùng khác quấy nhiễu, vẫn mải mê trò chuyện, những cuộc hàn huyên dài thỉnh thoảng điểm mấy tiếng báo và linh cẩu gầm rú xa xa.
Anh chợt nghĩ ra một điều: có một thứ anh không nghe thấy, và kể từ khi rời Châu Phi đến giờ, chưa từng nghe thấy, đó là tiếng trống. Có lẽ bọn tubốp không cho phép những người da đen này được có trống thì phải, lý do chắc là như vậy. Nhưng tại sao lại thế? Phải chăng vì bọn tubốp biết và sợ rằng tiếng trống sẽ làm bốc máu mọi người trong làng, kỳ cho tới lúc con nít và người già rụng răng cũng lao vào nhảy múa điên cuồng? Hoặc nhịp điệu trống sẽ thôi thúc các tay đô vật đạt những kì tích về thần lực? Hoặt giả tiếng đập trống có thể phát động các chiến sĩ nộ khí xung thiên lăn xả vào kẻ địch? Hay có lẽ đơn giản là bọn tubốp sợ không dám cho phép một hình thức giao lưu có thể vượt qua khoảng cách từ trại này sang trại khác mà chúng không hiểu được?
Song những người da đen vô đạo này hẳn cũng không hiểu lời trống hơn gì lũ tubốp. Tuy nhiên, rất miễn cưỡng, Kunta bắt buộc phải thừa nhận rằng có thể họ chưa đến nỗi hoàn toàn không cứu chuộc nổi. Mặc dầu đầu óc tối tăm, một số điều họ làm vẫn mang tính chất Phi thuần túy và anh dám chắc chính họ cũng hoàn toàn không tự giác về điểm này. Chẳng hạn, cả đời, bao giờ anh cũng thấy là những tiếng kêu biểu lộ tình cảm như nhau phải đi đôi với những bộ điệu tay và nét mặt như nhau. Và cái cách những người đen này cử động thân mình cũng giống hệt thế. Cái điệu cười của họ khi tụ họp riêng với nhau cũng chẳng khác gì – thoải mái, rung toàn thân y như mọi người ở Jufurê.
Và Kunta được gợi nhớ tới Châu Phi ở như cái cách phụ nữ da đen nơi đây lấy dây buộc tóc thành những bím rất chặt – mặc dầu phụ nữ Châu Phi thường hay trang điểm bím tóc của mình bằng những hạt nhiều màu. Và phụ nữ ở đây cũng thắt nút những tấm vải trên đầu, tuy buộc không được ngay ngắn cho lắm. Thậm chí một số đàn ông da đen cũng tết tóc thành những bím ngắn như một số người ở Châu Phi.
Kunta cũng nhìn thấy hình ảnh Châu Phi trong cái cung cách trẻ con da đen ở đây được luyện vào khuôn phép lễ độ và kính trọng người bề trên. Anh thấy hình ảnh Châu Phi trong cách các bà mẹ bế con, cho đôi chân nhỏ mũm mĩm của chúng quặp lấy bụng mình. Anh nhận thấy cả những tục lệ nho nhỏ như cách cụ già tối đến thường ngồi xỉa răng xỉa lợi bằng một cái que nhỏ đầu nghiền nát – ở Jufurê các cụ thường dùng rễ cỏ chanh. Và Kunta phải thừa nhận rằng niềm say mê hát múa cao độ của những người đen này thì đặc Phi, không thể lầm lẫn được, mặc dầu anh khó mà hiểu được làm sao họ có thể làm thế trên đất tubốp này.
Nhưng cái điều bắt đầu thực sự làm trái tim anh dịu đi đối với những con người kì lạ này là việc trong suốt tuần trăng vừa qua, chỉ khi nào có mặt “xú-ba-dăng” hoặc “me-xừ”, họ mới tiếp tục tỏ ra ồn ào không ưa anh. Những lúc Kunta đến bất cứ chỗ nào chỉ có những người đen với nhau, phần đông đều vội vàng gật đầu với anh và anh nhận thấy vẻ quan tâm của họ đối với cổ chân trái anh mỗi ngày một trầy loét thêm. Mặc dù bao giờ cũng lạnh lùng lờ họ đi và tiếp tục lặc lè bước qua, đôi khi, sau đó, anh thường bất chợt thấy mình gần như tiếc rằng đã không gật đầu đáp lại họ.
Một đêm, Kunta đã ngủ rồi song lại thức giấc, như dạo này anh thường hay thế; anh nằm trừng trừng nhìn vào đêm tối và cảm thấy rằng Chúa Ala, vì một lý do nào đó, đã muốn anh phải ở nơi đây giữa cái bộ tộc lạc lõng của một đại gia đình da đen gốc gác tông môn bắt nguồn từ tổ tiên xa xôi; nhưng khác với anh, những người đen ở nơi này không mảy may biết mình là ai và quê hương bản quán mình ở đâu.
Cách nào đó thật kì dị, Kunta cảm thấy sự có mặt của vị thánh nhận ông nội anh ở đâu đây và anh với tay quờ vào đêm tối. Thực ra có gì đâu mà sờ soạng, mà tìm, thế nhưng anh vẫn cất cao giọng nói với bậc thánh nhân Kairaba Kunta Kintê, cầu khẩn Người cho biết mục đích sứ mệnh của anh ở đây là gì, nếu như anh có một sứ mệnh nào đó. Anh giật mình khi nghe thấy tiếng nói của chính mình. Cho tới lúc này trên đất tubốp anh chưa bao giờ thốt lên một tiếng nào với ai ngoài Chúa Ala, trừ những tiếng kêu bật ra khi bị roi quật vào người.
Sáng hôm sau, khi nhập vào những người khác xếp hàng đi làm, suýt nữa Kunta buột miệng nói “Monia” (1)(Good morning hay gọn hơn, morning: lời chào buổi sáng, người da đen đọc trệch đi) như anh vẫn nghe thấy họ chào nhau hàng ngày. Song tuy giờ đây, anh đã biết khá nhiều chữ tubốp không những đủ để hiểu phần lớn những điều người ta nói với anh, mà còn đủ để làm cho người khác hiểu ý mình phần nào, một cái gì đó vẫn khiến anh quyết định tiếp tục giữ kín kiến thức đó.
Kunta chợt nghĩ ra là những người da đen này che đậy những tình cảm thực sự của mình đối với bọn tubốp cũng cẩn thận y như anh giấu kín sự thay đổi thái độ của anh đối với họ vậy. Bây giờ, anh đã nhiều lần chứng kiến bộ mặt tươi cười của họ chuyển thành cay gằn ngay khi một tên tubốp ngảnh đầu đi. Anh đã thấy họ chủ tâm đánh gẫy dụng cụ làm việc, rồi làm ra vẻ hoàn toàn không biết việc đó xảy ra thế nào khi “xú-ba-dăng” chửi rủa thậm tệ khi biết sự vụng về của họ. Và anh đã thấy những người da đen ngoài cánh đồng, tuy tỏ ra lăng xăng hối hả mỗi khi có bọn tubốp bên cạnh, thực tế vẫn dây dưa kéo dài gấp đôi thời gian cần thiết trong bất cứ công việc gì họ phải làm.
Anh cũng bắt đầu hiểu ra rằng những người đen này có một kiểu giao lưu chỉ riêng họ biết với nhau thôi, cũng như thứ ngôn ngữ xira kangô bí mật của người Manđinka vậy. Đôi khi trong lúc làm việc ngoài đồng, Kunta thoáng thấy họ khẽ làm một cử chỉ nhanh bằng tay hoặc bằng đầu. Hoặc giả một người trong bọn thốt lên một tiếng ngắn gọn, nghe thật lạ lắm; từng lúc từng lúc với những quãng cách không lường trước được, một người khác rồi một người khác nữa lại lặp lại tiếng kêu đó, bao giờ cũng ngoài tầm nghe của “xú-ba-dăng” trong khi hắn cưỡi ngựa quanh quất đây đó. Và đôi khi, có mặt Kunta ở ngay giữa bọn họ, những người này cất tiếng hát một bài gì đó khiến cho anh, dù không hiểu lời vẫn biết rằng một thông điệp đang được truyền đi, như kiểu tốp phụ nữ đã làm thế trên con xuồng lớn để loan tin cho cánh đàn ông.
Khi bóng tối phủ lên các túp lều và ánh đèn thôi không lấp lánh ở các cửa sổ ngôi nhà lớn nữa, đôi tai rất thính của Kunta thường phát giác ra tiếng sột soạt lẹ làng của một, hai người đen luồn lách khỏi “xóm nô” – và mấy giờ sau lại lẻn trở về. Anh thắc mắc không biết họ đi đâu, và để làm gì và tại sao họ lại điên rồ quay trở về. Và sáng hôm sau, ngoài đồng, anh cố đoán xem ai đã hành động thế, dù đó là ai mặc lòng, anh nghĩ mình có thể tin cậy họ.
Tối tối, sau “bữa dạ chúc”, đám người đen thường ngồi quanh đống lửa nhỏ của bà bếp già cách chỗ Kunta hai căn lều và cảnh đó khiến lòng Kunta tràn ngập nỗi sầu nhớ Jufurê, chỉ khác cái là ở đây phụ nữ ngồi lẫn với đàn ông và một số người, cả nam lẫn nữ, phì phèo hút những tẩu thuốc lá vô đạo, thỉnh thoảng lại lập lòe mờ mờ trong bóng tối đang gom lại. Ngồi ngay bên trong cửa ra vào, hết sức lắng tai, Kunta có thể nghe thấy tiếng họ trò chuyện trùm lên tiếng dế nỉ non và tiếng cú rúc trong rừng xa. Tuy không hiểu lời, anh vẫn cảm thấy nỗi cay đắng trong giọng họ.
Bây giờ, ngay cả trong đêm tối, Kunta vẫn hình dung ra được bộ mặt của bất cứ người da đen nào đang nói. Tâm trí anh đã sắp xếp giọng nói của từng người trong số hơn chục người lớn tuổi vào với tên của bộ lạc mà anh cảm thấy họ có nhiều nét giống nhất. Anh biết những ai trong bọn họ thường hành động khinh suất, những ai ít khi hé miệng mỉm cười thậm chí gần bọn tubốp cũng không.
Những cuộc họp mặt buổi tối ấy có một khuôn mẫu chung mà Kunta đã thuộc. Người nói đầu tiên thường thường là bà già nấu bếp trong ngôi nhà lớn. Bà diễn lại những điều “me-xừ” và “bà đầm” nói. Rồi đến gã da đen to lớn đã tóm được anh, bắt chước “xú-ba-dăng” và anh ngạc nhiên nghe những người khác hồ như chết nghẹn vì cố nén cười, sợ bọn ở trong ngôi nhà trắng lớn nghe thấy.
Nhưng rồi tiếng cười lắng dần và họ ngồi quanh chuyện trò với nhau. Kunta nghe thấy giọng một số người đầy vẻ thảng thốt bất lực, một số khác lại phẫn nộ, mặc dầu anh chỉ hiểu tí chút về những điều họ bàn luận. Anh có cảm giác là họ đang hồi tưởng lại những điều đã xảy ra trước đây trong đời họ. Đặc biệt một số phụ nữ đang nói bỗng òa lên khóc. Cuối cùng, cuộc trò chuyện lặng đi khi một trong số phụ nữ cất tiếng hát và mọi người hòa theo. Kunta không hiểu lời – “Không ai biết những nông nỗi tôi đã trải” – song anh cảm thấy rõ nỗi buồn trong tiếng hát.
Sau rốt, vẳng đến một giọng mà Kunta biết là của người cao tuổi nhất trong bọn họ, ông lão ngồi trong chiếc ghế đu, đan đồ bằng rác ngô và thường thổi tù và. Những người khác cúi đầu và ông lão bắt đầu chậm rãi đọc những câu gì mà Kunta đoán là một thứ kinh cầu nguyện, mặc dầu chắc chắn không phải là dâng lên Chúa Ala. Song Kunta nhớ lại lời vị thủ chỉ già đã nói trên con xuồng lớn: “Chúa Ala biết mọi thứ tiếng.” Trong khi cuộc cầu nguyện tiếp tục, Kunta lại nghe thấy vẫn cái tiếng kỳ lạ nọ thốt lên giật giọng từ miệng ông lão và những người khác: “Ôi, lạy Chúa!”. Anh băn khoăn tự hỏi “ôi, lạy Chúa!” đây có phải là Chúa Ala của họ không.
Mấy ngày sau, những cơn gió đêm bắt đầu thổi, lạnh hơn mọi cái lạnh mà Kunta từng cảm thấy, và buổi sáng trở dậy, anh bỗng thấy những chiếc lá cuối cùng đã rời cành. Trong khi run rẩy đứng xếp hàng ra đồng anh ngạc nhiên thấy “xú-ba-dăng” lại điều tất cả vào nhà kho. Cả “me-xừ” và “bà đầm” cũng ở trong đó cùng với bốn tubốp khác mặc quần áo đẹp đứng xem và hoan hô trong khi những người đen được chia thành hai nhóm, đua nhau rút ra và quẳng sang bên những vỏ khô trắng từ đống ngô đã thu hoạch.
Rồi cả tubốp và da đen – chia thành hai nhóm – ăn uống no say. Sau đó ông già cầu kinh lúc đêm cầm lấy một thứ đàn dây – nó gợi cho Kunta nhớ đến đàn kora cổ ở quê nhà – và dùng một thứ gậy nhỏ kéo đi kéo lại trên dây đàn tạo ra một thứ nhạc rất kỳ lạ. Những người đen khác đứng dậy và bắt đầu nhảy như điên trong khi đám tubốp ngồi xem, kể cả “xú-ba-dăng”, vui vẻ vỗ tay đánh nhịp và hò la bên cạnh. Mặt đỏ lên vì phấn khích cả đám tubốp bỗng nhiên đứng dậy và trong khi những người đen rạt sang bên, chúng vừa vỗ tay vừa tiến ra giữa sàn và bắt đầu nhảy một cách vụng về trong khi ông già kéo đàn như điên và đám người da đen nhảy chồm chồm vỗ tay và la hét như được xem cuộc biểu diễn lớn nhất trong đời mình vậy.
Điều đó khiến Kunta nghĩ đến một câu chuyện được bà già Nyô Bôtô yêu dấu kể cho nghe từ hồi anh còn thuộc lứa kafô đầu. Bà kể chuyện ông vua một làng tập hợp tất cả các nhạc công và ra lệnh cho họ chơi những bản hay nhất để ông nhảy múa cho nhân dân, kể cả những người nô lệ xem. Toàn thể dân làng đều vui thích, ra về tất cả đều cất cao giọng hát vang trời và chẳng bao giờ có một ông vua khác như thế.
Hôm ấy, trở về lều, suy nghĩ về những điều đã trông thấy, Kunta chợt thấy là, theo một cách kỳ lạ, mãnh liệt và rất sâu sắc nào đó, người da đen và bọn tubốp cũng có mặt nào cần đến nhau. Không phải chỉ trong lúc nhảy múa ở nhà kho, mà cả trong nhiều dịp khác, anh đã cảm thấy rằng bọn tubốp sung sướng nhất khi chúng ở gần bên những người đen – kể cả khi chúng đánh họ.