Cội Rễ

Chương 20

 

Hai cha con nán lại làng cuối cùng lâu quá nên phải đi nhanh hơn và vất vả hơn để tới nơi vào lúc mặt trời lặn như Ômôrô đã hẹn các ông anh. Tuy vã mồ hôi và đau đớn, Kunta lại thấy việc giữ cái bọc đội đầu cho cân là dễ dàng hơn trước và nó cảm thấy một sức mạnh mới trào lên mỗi khi lời trống thông báo tràn ngập không trung truyền tin là các ông già kể sử, các jaliba, các bô lão và nhiều nhân vật quan trọng khác đã tới thị trấn trước mặt đại diện cho những làng quê xa như Karantaba, Kutakunđa, Pixamya và Jonkakonđa, mà phần lớn Kunta chưa bao giờ nghe nhắc tới. Tiếng trống nói rằng một ông già kể sử từ vương quốc Uuli đã tới đó thậm chí có cả một hoàng tử cho vua cha miền Bara phái đến nữa. Trong khi sải nhanh đôi chân nứt nẻ trên con đường vừa nóng vừa bụi, Kunta ngây ngất thấy các bác nó thật trứ danh và được lòng dân biết mấy. Chẳng mấy chốc, nó gần như chạy, chẳng những để bám sát Ômôrô mỗi lúc một rảo bước nhanh hơn, mà còn vì những giờ cuối này dường như bất tận.

Cuối cùng, mặt trời vừa bắt đầu chuyển sang màu đỏ thắm trên đường chân trời phía tây, thì Kunta phát hiện thấy khói tỏa lên từ một làng không xa ở phía trước. Làn khói lan rộng theo hình tròn báo cho Kunta biết là người ta đang đốt vỏ cây bao-báp khô để xua muỗi. Có nghĩa là làng đang tiếp những khách quan trọng. Nó cảm thấy hoan hỉ. Cha nó đã tới đích! Chẳng mấy chốc, nó bắt đầu nghe thấy tiếng thì thùm như sấm của một cái trống tôbalô lớn của những cuộc lễ – nó đoán là trống được đánh lên khi mỗi nhân vật mới đi qua cổng làng. Quyện lẫn vào đó là tiếng bập bùng của những trống tantăng nhỏ hơn và tiếng la hét của những người nhảy múa. Rồi con đường đến một chỗ ngoặt và làng hiện ra với làn khói bốc cao. Và bên một bụi rậm, hai cha con trông thấy một người, người này cùng lúc ấy cũng nhìn thấy họ và bèn vừa chỉ vừa vẫy như thể anh ta được bố trí ở đó để chờ một người đàn ông sắp tới cùng một đứa con trai vậy. Ômôrô vẫy lại, người đó lập tức ngồi thụp xuống gióng trống loan báo: “Ômôrô Kintê và con trai đầu lòng”.

Kunta cảm thấy như chân không chạm đất. Phút chốc cây lữ khách hiện ra, trang hoàng bằng những băng vải dài và con đường mòn thoạt kỳ thủy chỉ vừa một lối đi, giờ đã được mở rộng ra bởi bao bàn chân – chứng tỏ làng đã đông đảo dân và trở nên tấp nập. Tiếng trống tantăng mỗi lúc một to hơn và đột nhiên đám người nhảy múa xuất hiện trong trang phục lá cây và vỏ cây, hò la, chồm lên, quay tròn và giậm chân, dẫn đầu mọi người khác đi qua cổng làng chào đón các vị khách quý. Trống làng tôbalô giọng trầm bắt đầu rộn lên khi hai bóng người rẽ đám đông chạy tới. Đằng trước Kunta, cái bọc đội đầu của Ômôrô đột nhiên rơi bịch xuống đất và Ômôrô chạy về phía họ. Kunta chưa kịp hiểu ra thì cái bọc của chính nó đã rơi xuống và nó cũng chạy bổ tới.

Hai người đàn ông nọ và bố nó đang ôm ghì lấy nhau và đấm nhau thùm thụp. “Và đây là cháu trai của chúng ta đấy ư?” cả hai người bế thốc Kunta lên và ôm hôn nó giữa những tiếng reo vui. Cuốn băng hai cha con về phía làng, đoàn người đông đảo ra đón khách hô to những lời chào mừng khắp bốn phía, nhưng Kunta không trông thấy, nghe thấy ai ngoài hai bác nó. Đã đành là họ giống Ômôrô rồi, nhưng nó nhận thấy cả hai có phần thấp hơn, to ngang hơn và vạm vỡ hơn bố nó. Đôi mắt ông bác cả Jannê như hiêng hiếng nhìn ra xa và cả hai ông cử động thoăn thoắt gần như loài thú. Cách nói của họ cùng nhanh hơn bố nó, khi họ dồn dập hỏi thăm về làng Jufurê và về Binta.

Cuối cùng, Xalum đấm yêu lên đầu Kunta: “Từ dạo đặt tên cho nó, bọn ta chưa gặp nhau. Và bây giờ, nhìn nó mà xem! Cháu được mấy vụ mưa rồi, Kunta?”

“Thưa bác, tám ạ”, nó lễ phép trả lời.

“Sắp sửa rèn cặp trưởng thành được rồi đấy!” bác nó kêu lên.

Khắp xung quanh lũy tre làng cao vút, có chất đống những bụi gai khô và giấu kín trong đó là những chông nhọn để đâm què mọi ác thú hoặc gian phi đến cướp phá. Nhưng Kunta không để ý đến những thứ đó mà đối với mấy đứa trẻ trạc tuổi nó đang ở quanh đấy, nó chỉ liếc mắt ngó qua. Nó hầu như không nghe thấy tiếng náo động của lũ vẹt và khỉ trên đầu cũng như tiếng sủa của bầy chó uôlô dưới chân, khi hai ông bác đưa cha con nó một vòng quanh ngôi làng mới đẹp đẽ. Mọi nhà đều có sân riêng, Xalum cho biết thế, và kho chứa lương khô của mọi phụ nữ đều được dựng ngay bên trên chỗ nấu ăn để khói bếp giữ cho gạo, mạch và kê khỏi bị sâu bọ.

Kunta hầu như phát chóng mặt vì nỗi cứ phải ngoắt đầu lia lịa theo dõi những điều lý thú, hết cảnh này đến mùi kia hoặc âm thanh nọ. Nghe lỏm thấy người ta nói bằng những thổ ngữ Manđinka mà thỉnh thoảng nó mới hiểu một chữ là một điều vừa mê say vừa bối rối. Giống như mọi người Manđinka khác – trừ những người có học vấn như arafang – Kunta hầu như không biết gì về ngôn ngữ của các bộ lạc khác, kể cả những bộ lạc lân cận. Nhưng nó đã bỏ khá nhiều thì giờ quanh quẩn bên gốc cây lữ khách nên có thể phân biệt được người nào thuộc bộ lạc nào. Người Fula có khuôn mặt trái xoan, tóc dài, môi mỏng và các nét sắc cạnh, với những sẹo dọc ở hai bên thái dương. Người Uôlôf cực đen và rất dè dặt, người Xêrahuli da sáng hơn và thân hình nhỏ nhắn. Còn người Jôla thì không trộn lẫn vào đâu được – toàn thân đầy sẹo và mặt lúc nào cũng như khoác một vẻ dữ tợn.

Kunta nhận ra người của tất cả các bộ lạc ấy trong ngôi làng mới, nhưng ngoài ra còn có những người nó không nhận ra. Một số lớn tiếng mà cả với những thương nhân mang hàng đi bán. Nhiều bà già rao những tấm da thuộc và các phụ nữ trẻ mà cả những trâm cài đầu làm bằng gỗ xizau và bao-báp. Tiếng rao: “Côla! Côla vừa đẹp vừa thắm!” thu hút một đám người mà số rằng ít ỏi còn lại đã ố vàng vì nhai hạt côla.

Thân thiện chen vai thích cánh giữa mọi người, Ômôrô được giới thiệu với cả một dòng bất tận dân làng và những nhân vật quan trọng từ nhiều nơi kỳ thú. Kunta ngạc nhiên thấy hai ông bác nói thành thạo những thứ tiếng xa lạ của họ. Tự buông mình theo dòng thác người trôi chảy, biết chắc có thể tìm thấy bố và các bác bất cứ lúc nào nó muốn, phút chốc Kunta bỗng ở giữa đám nhạc công đang diễn tấu cho tất cả những ai muốn nhảy múa. Sau đó, nó nếm món thịt linh dương quay, bò nướng và lạc hầm do phụ nữ trong làng cung ứng hậu hĩ trên các bàn dưới bóng cây bao-báp cho bất cứ ai muốn thưởng thức. Thức ăn kể cũng tươm đấy, Kunta nghĩ bụng, nhưng chả ngon bằng những món bổ béo vào dịp hội mùa do các bà mẹ ở Jufurê nấu.

Thấy một số phụ nữ ở chỗ bờ giếng đang sôi nổi bàn tán chuyện gì, Kunta ghé đến, dỏng tai, giương mắt hóng chuyện: nghe đồn một vị giáo trưởng rất vĩ đại chỉ còn cách đây nửa ngày đường, cùng với tùy tòng làm cuộc hành trình tới mừng ngôi làng mới, vì nó được sáng lập bởi các con trai của vị thánh nhân quá cố Kairaba Kunta Kintê. Một lần nữa, Kunta lại sướng rơn khi nghe thấy tên ông nội mình được nhắc tới một cách thành kính đến thế. Không ai trong đám phụ nữ nhận ra nó, bởi vậy sau đó, nó nghe thấy họ nói về hai ông bác nó. Đã đến lúc các ông ấy nên bớt chu du thiên hạ và định cư để lấy vợ sinh con đẻ cái, một người phụ nữ nói. “Điều rắc rối là biết bao gái tơ muốn làm vợ các ông ấy” một người khác nói.

Cuối cùng, đến gần tối mịt, Kunta mới mon men đến chỗ mấy đứa con trai trạc tuổi nó, lòng cảm thấy rất áy náy. Song bọn này xem ra không để bụng gì về chuyện từ nãy đến giờ nó chỉ sán quanh những người lớn. Chừng như chủ yếu, chúng chỉ ước ao được kể cho Kunta biết làng mới của chúng đã ra đời như thế nào. “Tất cả các gia đình chúng tớ đã trở thành bạn của các bác cậu ở đâu đó trong các chuyến du lịch của hai ông”, một thằng nói. Tất cả những gia đình này đều không vừa lòng với cuộc sống của họ ở nơi cũ, vì lý do này, khác. “Ông nội tớ không có đủ chỗ cho gia đình mình cùng gia đình các con sống chung bên nhau”, một thằng nói. “Bôlông chúng tớ không phải là nơi trồng lúa tốt”, một thằng khác nói.

Kunta được biết: Các bác nó bèn bảo bạn bè rằng họ biết có một nơi lý tưởng mà họ định xây dựng một ngôi làng tại đó. Và thế là các gia đình của bạn bè Jannê và Xalum liền thu xếp lên đường cùng với bầy đàn dê, gà, gia súc thân thuộc, các tấm thảm cầu nguyện và những của cải khác.

Chẳng mấy chốc trời đã tối và Kunta ngắm những đống lửa của khu làng mới được nhóm lên bằng những que củi và cành cây mà các bạn mới của nó đã lượm về lúc ban ngày. Vì đây là dịp lễ mừng, nên tất cả dân làng và qua khách sẽ cùng ngồi xung quanh nhiều đống lửa, chứ không theo tục lệ thông thường quy định rằng đàn ông đàn bà và trẻ con phải ngồi riêng rẽ ở từng đống lửa loại nào ra loại nấy. Người ta cho biết alimamô sẽ cầu phước cho cuộc tụ hội, rồi Jannê và Xalum sẽ bước vào giữa vòng người kể chuyện về những chuyến du lịch và phiêu lưu của họ. Cùng đứng giữa vòng tròn với họ, sẽ là vị khách lớn tuổi nhất đến mừng làng, một cụ già từ thượng nguồn xa xôi của sông Fulađu. Có tiếng xì xào rằng ông cụ đã sống trên một trăm vụ mưa và sẵn sàng chia sẻ sự thông thái của mình với bất cứ ai muốn lắng nghe.

Kunta chạy đến ngồi với bố cạnh đống lửa vừa đúng lúc nghe thấy alimamô cầu kinh. Sau đó, không ai nói gì, trong mấy phút. Dế kêu inh ỏi và những ngọn lửa nghi ngút khói chiếu những vệt bóng nhảy nhót trên các bộ mặt quây tròn xung quanh. Cuối cùng, cụ già da khô quắt lên tiếng: “Hàng trăm vụ mưa trước cả thời xa xưa nhất trong trí nhớ của ta, tiếng đồn về một trái núi vàng ở châu Phi lan truyền sang đến tận bờ bên kia biển lớn. Đó là điều đầu tiên khiến bọn tubốp mò sang châu Phi!” Chẳng có núi vàng nào cả, cụ nói, nhưng người ta đã tìm thấy vàng nhiều vô kể ở những dòng suối và những giếng sâu đào xuyên xuống mỏ, thoạt tiên tại miền bắc Ghinêa, rồi sau đó trong các khu rừng thuộc Gana. “Người ta không bao giờ nói cho bọn tubốp hay nguồn vàng ở đâu” – cụ già nói “bởi vì cái gì tubốp biết, chẳng mấy chốc tất cả đều sẽ biết”.

Rồi Jannê nói. Theo lời ông, ở nhiều nơi có một thứ quý gần như vàng, là muối. Chính mắt ông và Xalum đã thấy muối và vàng đổi ngang cân lượng nhau. Muối kết thành từng phiến dày dưới một số bãi cát xa và ở một số nơi khác, nước biển đọng lại thành ruộng muối, hình thành những tảng khối sau khi khô dưới nắng.

“Ngày xưa, đã từng có một thành phố muối”, cụ già nói. “Thành phố Tagaza, dân thành phố đó xây nhà và đền chùa bằng những khối muối”.

“Xin cụ hãy kể về những con vật kỳ dị có bướu mà trước kia cụ đã nói tới”, một bà già dáng dấp cỗ lỗ đánh bạo ngắt lời và yêu cầu như vậy. Bà khiến Kunta nhớ đến bà nội Yaixa.

Đâu đó, trong đêm, một con linh cẩu cất tiếng gào trong khi mọi người cúi về phía trước trong ánh lửa rung rinh. Đến lượt Xalum nói. “Những con vật gọi là lạc đà ấy sống ở một vùng cát trắng mênh mông vô tận. Chúng dựa vào mặt trời, trăng sao và gió mà lần đường đi qua vùng cát. Jannê và tôi đã cưỡi những con vật đó trong suốt bao tuần trăng, ít khi phải dừng lại để kiếm nước”.

“Nhưng nhiều lần phải dừng lại để đánh cướp!” Jannê nói. “Có lần chúng tôi tham gia một đoàn gồm tới mười hai nghìn lạc đà”, Xalum kể tiếp. “Thực ra, đó là nhiều đoàn nhỏ hơn hợp lại cùng đi để phòng chống cướp”.

Kunta thấy trong khi Xalum nói thì Jannê dỡ rộng một tấm da thuộc lớn ra. Ông già khoát một cử chỉ sốt ruột ra hiệu cho hai thanh niên bật dậy ném thêm mấy cành củi khô vào đống lửa. Trong ánh lửa bùng lên, Kunta cùng những người khác có thể theo dõi ngón tay Jannê di chuyển trên một hình vẽ kỳ lạ. “Đây là Châu Phi”, ông nói. Ngón tay ông phác một khoảng mà ông bảo là “vùng biển lớn” phía tây, rồi “sa mạc lớn”, một chỗ lớn gấp mấy lần toàn bộ Gămbia mà ông chỉ vào mé dưới bên trái của hình vẽ.

“Các tàu tubốp chở đồ sứ, gia vị, vải vóc, ngựa và vô số thứ do người làm ra, tới bờ biển phía bắc châu Phi”, Xalum nói. “Rồi lạc đà và da lừa mang những hàng đó vào nội địa, tới những nơi như Xifilmaxa, Gađamê và Marakêta”. Ngón tay di động của Jannê chỉ chỗ những thành phố ấy. “Trong khi đêm nay chúng ta ngồi đây”, Xalum nói, “biết bao người đội những bọc nặng xuyên qua rừng sâu, tải những hàng của châu Phi chúng ta – ngà voi, da, ô-liu, chà là, hạt côla, bông, đồng đỏ, đá quý – về những con tàu của bọn tubốp”.

Những điều Kunta nghe thấy làm đầu óc nó quay cuồng và nó nguyện thầm, một ngày nào đó nó cũng sẽ mạo hiểm tới những nơi kỳ thú đó.

“Giáo trưởng”. Từ đằng xa, trên con đường mòn, người đánh trống cảnh giới nện rền vang tin đó. Một đoàn chào mừng chính thức nhanh chóng tập hợp thành hàng – Jannê và Xalum với tư cách là những người sáng lập làng, rồi đến hội đồng bô lão trưởng lễ arafang, rồi đến các đại diện danh dự của các làng khác, trong đó có Ômôrô, còn Kunta được xếp vào với những đứa cùng tầm cao với nó trong số thiếu niên của làng. Các nhạc công dẫn đầu tất cả tiến về cây lữ khách lựa bước sao cho ra đó vừa đúng lúc vị thánh nhân tới nơi. Kunta nhìn chòng chọc vào ông già râu bạc, da đen nhánh đi đầu đoàn người dài đặc, mệt mỏi. Đàn ông, đàn bà và trẻ con đều đội những bọc to, nặng, trừ một số người lùa đàn gia súc và, theo ước lượng của Kunta khoảng hơn một trăm con dê.

 

Bằng những động tác nhanh nhẹn, vị thánh nhân cầu phước cho đoàn người chào mừng lúc này đã quỳ phục xuống và bảo họ đứng dậy. Rồi Jannê và Xalum được đặt biệt ban phước và Jannê giới thiệu Ômôrô, và Xalum vẫy Kunta chạy lên theo họ. “Đây là con trai đầu lòng của con”, Ômôrô nói, “nó mang tên ông nội chí thánh của nó”.

 

Kunta nghe thấy vị giáo trưởng nói những câu bằng tiếng Arập trên đầu nó – mà nó chẳng hiểu chi cả, trừ tên ông nội nó – và nó cảm thấy ngón tay vị thánh nhân chạm vào đầu nó nhẹ nhàng như một cánh bướm rồi nó chạy về đám trẻ cùng lứa tuổi trong khi vị giáo trưởng tới gặp những người khác trong đoàn đón khách, nói chuyện với họ như một người bình thường vậy. Bọn trẻ trong nhóm Kunta bèn tản ra chằm chằm nhìn vào dãy dài người nào vợ, nào con, nào môn đồ, nào nô lệ đi cuối đoàn diễu hành.

 

Bầu đoàn thê tử của vị giáo trưởng nhanh chóng rút vào các nhà khách. Đám môn đồ ngồi xuống đất và mở bọc hành trang, lôi ra nào sách, nào bản thảo – tài sản của sư phụ họ, vị thánh nhân – và bắt đầu đọc to lên cho những người xúm lại quanh họ nghe. Kunta nhận thấy đám nô lệ không vào trong làng cùng với những người khác. Ở lại bên ngoài lũy tre, những người nô lệ ngồi xếp xuống cạnh chỗ họ đã căng dây quây đám gia súc và đàn dê. Họ là những nô lệ đầu tiên mà Kunta thấy tách rời khỏi mọi người khác.

 

Vị thánh nhân hầu như không nhích đi được vì có biết bao người phủ phục quỳ quanh mình. Dân làng cũng như các vị khách quý đều áp đầu xuống đất và kêu than nỗi niềm của mình với người, một số ở gần còn định sờ vào y phục của người nữa. Một số xin người tới thăm làng mình để cử hành những lễ đạo bị xao nhãng từ lâu. Một số yêu cầu những quyết định pháp lý, vì theo Hồi giáo, pháp luật và tôn giáo là bạn đồng hành. Nhiều người cha xin đặt cho những đứa con mới lọt lòng những cái tên có ý nghĩa. Nhân dân ở những làng không có arafang hỏi liệu có thể nhờ một trong các môn đồ của vị thánh nhân dạy dỗ con cái của họ chăng.

 

Nhưng môn đồ này giờ đây đang bận rộn bán những vuông nhỏ da dê phơi khô, rồi bao nhiêu bàn tay tới tấp giơ những mảnh đó về phía vị thánh nhân để xin dấu của người. Một mảnh da dê có dấu thánh đem khâu vào một cái bùa xaphi quý giá như của Kunta đeo ở cánh tay trên, sẽ đảm bảo cho người đeo nó luôn được gần dũi Chúa Ala. Với hai đồng tiền vỏ ốc mang theo từ Jufurê, Kunta mua một miếng da dê vuông và hòa vào đám người chen chúc xô lại hần vị giáo trưởng.

 

Kunta thoáng nghĩ tằng ông nội nó hẳn cũng giống như vị Thánh nhân này, có quyền thay Chúa Ala mang mưa đến cứu một số làng đang sắp chết đói, như Kairaba Kumta Kintê đã từng cứu Jufurê thưở xưa. Các bà Yaixa và Nyô Bôtô thân yêu của nó đã kể cho nó nghe như vậy từ khi nó đủ khôn lớn để hiểu. Nhưng bây giờ mới là lần đầu tiên nó thực sự hiểu tầm vĩ đại của ông nó – và của đạo Hồi. Chỉ có bây giờ, Kunta nghĩ, một con người duy nhất sắp được phán bảo cho biết tại sao hắn đã quyết định tiêu hai đồng tiền vỏ ốc quý giá và hiện đang cầm mảnh da dê khô hình vuông của mình chờ đến lượt xin dầu thánh. Nó sẽ mang miếng da dê ân phước về nhà giao cho bà Nyô Bôtô và yêu cầu bà giữ hộ cho đến đúng thời đúng lúc khâu nó vào một lá bùa xaphi quý giá đeo vào cánh tay đứa con trai đầu lòng của chính nó.