- Chúng tôi đã đợi cô suốt từ sáng - Trưởng đồn cảnh sát bảo khi nghe tôi giải thích lý do tới đồn.
Trưởng đồn là một người khá lực lưỡng, tôi biết ông ta từ lâu, và tuy là một người cha trong gia đình và đã quá ngũ tuần nhưng tôi đã nhận thấy là trong thời gian gần đây ông ta có cảm tình đặc biệt với tôi. Tôi đặc biết nhớ chiếc mũi to tướng lỗ chỗ như bọt biển của ông ta, làm cho khuôn mặt có dáng vẻ buồn buồn. Tóc ông ta lúc nào cũng rối bù, con mắt lim dim cứ như ông ta mới ở trên giường bước xuống. Cặp mắt xanh lơ ấy nhìn tựa như qua những kẽ hở trên chiếc mặt nạ, vì khuôn mặt đầy đặn hồng hào, nhăn nheo của ông ta chẳng khác gì một chiếc mặt nạ, còn da cứ như lớp vỏ của một loại cam cuối mùa là thứ cam to đấy nhưng múi lại nhão nhoét.
Tôi đáp là không thể tới sớm hơn được, ông ta đưa cặp mắt xanh lơ nổi rõ trên khuôn mặt như trái cam của mình, im lặng nhìn tôi trong giây phút, rồi hỏi với vẻ mặt của một kẻ mưu phản:
- Bây giờ cô cho biết tên hắn.
- Làm sao tôi biết được.
- Thôi đi, đừng làm bộ không biết gì nữa đi.
- Thề là tôi không biết thật mà - Tôi ép tay lên ngực và bảo - hắn chặn tôi lại ở Corso... thật ra... hắn có thái độ kỳ quặc thế nào ấy, nhưng tôi không để ý.
- Làm sao hắn lại có mối mình trong nhà cô, khi cô đi vắng?
- Tôi có hẹn gấp nên phải bỏ đi.
- Hắn nghĩ rằng cô đi báo cảnh sát, cô có biết chuyện đó không?... Và hắn hét toáng lên là cô đã đi tố giác.
- Có, tôi biết ạ.
- Thế như vậy thì cô sẽ còn phải trả giá cho chuyện đó đấy.
- Rồi để xem.
- Thế cô không biết là - Ông ta đưa mắt tò mò nhìn tôi và hỏi - con người đó rất nguy hiểm và có thể ngày mai, để trả thù cô và trả thù cho việc - như hắn nghĩ - cô tố giác, hắn sẽ bắn cô như bắn các nhân viên cảnh sát, ư?
- Biết chứ ạ.
- Nếu vậy sao cô không muốn nêu tên hắn ra?... Chúng tôi sẽ bắt hắn và cô sẽ được sống yên ổn.
- Thì tôi đã bảo với ông là tôi không biết hắn mà... hay hớm gì đâu... lẽ nào tôi lại có thể biết tên tất cả những người đàn ông tôi dẫn về nhà?
- Thế mà chúng tôi - Ông ta lớn tiếng nói, rồi cúi xuống vẻ rất kịch - chúng tôi biết tên hắn đấy.
Tôi biết rằng ông ta nói dối, nên bình tĩnh đáp:
- Nếu các ông đã biết tên hắn thì cần gì phải quấy rầy tôi? Cứ việc bắt hắn và thế là hết chuyện.
Ông ta lẳng lặng nhìn tôi trong giây phút, nhận thấy cặp mắt do dự và băn khoăn của ông ta cứ thường dừng lại nơi thân hình tôi, tôi hiểu rõ rằng sự nhiệt thành trong công việc đã nhường chỗ - ngoài ý muốn của ông - cho lòng dục vọng đã có từ lâu.
- Và chúng tôi còn biết rõ một điều nữa - Ông ta nói tiếp - một khi hắn bắn và tẩu thoát mất chắc chắn phải có lý do...
- Tôi cũng tin như vậy.
- Thế cô có biết lý do đó không?
- Tôi không hề hay biết gì hết... một khi đến tên còn chẳng biết nữa thì làm sao biết được những chuyện khác cơ chứ?
- Chúng tôi biết rất rõ cả những chuyện khác nữa cơ đấy - Ông ta bảo. Ông ta nói tất cả những điều đó như một cái máy, chắc ông ta mãi nghĩ tới chuyện khác, tôi tin chắc rằng ông ta sắp đứng dậy và tiến đến bên tôi.
- Chúng tôi biết rất rõ hắn và sắp tóm cổ được hắn... chỉ trong vài ngày nữa... có lẽ chỉ vài giờ nữa thôi.
- Càng tốt cho các ông.
Ông ta đứng dậy như tôi đã nghĩ, đi vòng quanh bàn tiến lại gần tôi, rồi cầm lấy cằm tôi và bảo:
- Nào, nào, cô biết rõ tuốt, thế tại sao không muốn nói... cô sợ gì?
- Tôi chẳng sợ gì cả - Tôi nói - Tôi không biết gì hết...ông bỏ tay ra.
- Nào nào - Ông ta nhắc lại, nhưng vẫn phải quay về chỗ bàn và nói tiếp: - May cho cô là tôi thấy thích cô... tôi biết cô là một cô gái tốt... cô có biết muốn buộc cô khai, một kẻ ở cương vị tôi sẽ xử sự như thế nào không? Sẽ tống cô vào một chốn lạnh lẽo trong một thời gian... hoặc ra lệnh đưa cô vào nhà giam San Galino.
Tôi đứng dậy và bảo:
- Tôi không có thời gian... nếu ông không còn gì hỏi tôi nữa...
- Thôi được rồi, cô về đi... nhớ phải lựa khách cho cẩn thận đấy... những chính khách và những người khác.
Tôi làm ra vẻ không nghe thấy những lời cuối nói ra với giọng đầy bóng gió và vội vã rời khỏi tòa nhà đáng ghét này.
Ra tới phố, tôi lại suy nghĩ đến Sonzogno. Viên cảnh sát khẳng định điều tôi đã dự đoán: Sonzogno tin chắc rằng tôi đã tố giác gã, do đó chắc chắn gã sẽ trả thù tôi. Tôi hoảng sợ, không phải sợ cho bản thân mà cho Mino. Sonzogno tàn nhẫn khi bắt gặp Mino bên tôi. Tôi sôi nổi tưởng tượng ra cái cảnh Sonzogno rút súng lục ra bắn, tôi lao tới giữa gã và Mino để bảo vệ Mino, tôi chứ không phải anh trúng đạn. Nhưng tôi thấy thú vị khi nghĩ rằng cả Mino cũng bị thương, chúng tôi hấp hối bên nhau, máu chúng tôi hòa trộn vào nhau. Song tôi nghĩ rằng nếu hai chúng tôi cùng bị giết một lúc thì không gây xúc động bằng nếu hai chúng tôi cùng tự vẫn.
Tôi bước về nhà, đầu óc mê mải với những suy nghĩ ấy. Bỗng tôi thấy hoa mắt, buồn nôn, toàn thân mệt mỏi vô cùng. Tôi lê bước bước vào tiệm sữa. Từ đây về tới nhà còn dăm bước nữa song tôi không đủ sức vượt qua được thậm chí cái đoạn đường ngắn ngủi làm vậy, tôi sợ bị ngã.
Tôi ngồi bên chiếc bàn kê cạnh cửa ra vào bằng kính và do khó ở tôi nhắm mắt lại. Tôi vẫn thấy buồn nôn và choáng váng, tình trạng này còn trầm trọng hơn do cứ phải nghe tiếng chiếc ấm cà phê xì hơi tưởng như từ nơi xa xôi dội lại làm tim nhói đau. Tôi cảm thấy qua mặt và hơi thở ấm áp của làn không khí ngột ngạt và bị đốt nóng, thế nhưng tôi vẫn bị lạnh. Chủ tiệm sữa biết tôi, ông ta không rời khỏi quầy hàng hỏi to:
- Một tách cà phê, signorina Adriana nhé?
Tôi mở mắt, gật đầu vẻ đồng ý.
Cuối cùng, tôi hồi tỉnh và uống cốc cà phê của chủ tiệm bưng ra đặt trên chiếc bàn con trước mặt tôi. Thật ra, thời gian gần đây tôi vẫn cảm thấy khó ở trong người như vậy, nhưng không đến nỗi rõ rệt như lần này. Tôi không để ý tới sự thay đổi đó còn là vì đầu óc lúc nào cũng quẩn quanh nghĩ tới những sự việc đặc biệt và buồn phiền. Song lúc này, suy nghĩ kỹ và so sánh sự khó ở đó với tình trạng sức khỏe sa sút trông thấy của tôi xảy ra chính trong tháng này, tôi nhận thấy nỗi nghi hoặc mà tôi vẫn cố xua đuổi nhưng vẫn tồn tại ở một nơi sâu kín trong nhận thức của tôi, là có thực.
"Không còn nghi ngờ gì nữa - Tôi chợt nghĩ - mình sẽ có con".
Tôi trả tiền cà phê, rồi bước ra khỏi tiệm sữa. Tình cảm tôi lúc này thật phức tạp, dù thời gian trôi qua đã lâu rồi nhưng tôi khó lòng giải thích nổi nó. Tôi đã có lần bảo họa vô đơn chí, cái tin này - vào lúc khác và trong những hoàn cảnh khác - chắc chắn tôi sẽ vui mừng đón nhận nó, còn bây giờ, trong hoàn cảnh hiện nay, tôi thấy nó là một nỗi bất hạnh lớn. Nhưng phải thú nhận rằng do tuân theo một sự vận động không kìm nén được và bí ẩn của tâm hồn, tôi biết cách tìm ra được điều thú vị ngay cả trong những trường hợp khó chịu nhất. Lần này chuyện đó không khó khăn lắm, lòng tôi tràn đầy hy vọng và vui mừng mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể thấy tim mình rộn lên khi biết mình sắp có con. Thật ra đứa con tôi ra đời trong điều kiện không như ý muốn của tôi, nhưng dẫu sao đây cũng là con tôi, tôi sinh ra nó, tôi sẽ dạy dỗ nó và sẽ tự hào về nó. "Con cái là con cái - Tôi nghĩ - không nỗi nghèo khó nào, không khó khăn nào, không một tương lai mờ mịt nào có thể ngăn cản được niềm vui của người đàn bà - thậm chí nghèo khổ và cô đơn nhất - khi biết rằng mình sẽ cho ra đời một đứa con".
Ý nghĩ ấy an ủi tôi rất nhiều, nên sau giây phút lo âu và chán nản đớn hèn, tôi lại cảm thấy bình tĩnh và vững dạ như mọi khi. Ông bác sĩ trong cửa hàng thuốc thường trực mà hồi lâu mẹ lôi tôi tới để xác minh xem tôi có ngủ với Gino không hiện nhận khám cho bệnh nhân gần tiệm sữa. Tôi quyết định tới chỗ ông ta. Chưa đến giờ khám nên không thấy một bệnh nhân nào ở phòng ngoài cả, ông bác sĩ biết rõ tôi và cởi mở đón tiếp tôi, tôi tuyên bố, giọng kiên quyết:
- Thưa bác sĩ, tôi gần như tin chắc rằng mình đã có mang.
Ông ta phì cười vì biết rõ công việc của tôi, ông ta hỏi:
- Cô buồn à?
- Không buồn chút nào, ngược lại vui là đằng khác chứ ạ.
- Để xem.
Ông ta hỏi dăm ba câu về tình trạng khó ở của tôi, rồi bảo tôi nằm xuống chiếc đi-văng trải vải dầu, khám cho tôi xong, sau đó vui vẻ bảo:
- Lần này thì đích thị rồi.
Tôi vui tới mức nghe những lời khẳng định nỗi ngờ vực của tôi, lòng thấy thanh thản chứ không hề buồn phiền và nói:
- Tôi cũng biết vậy... song đến để được khẳng định thêm.
Ông ta vui vẻ xoa tay tựa như mình là bố đứa trẻ không bằng và đứng chân nọ đổi chân kia, vui vẻ và thông cảm đưa mắt nhìn tôi. Tôi còn bị một nỗi nghi ngờ nữa dằn vặt, tôi muốn giải quyết nó.
- Có từ bao giờ ạ?
- Khoảng hai tháng, trên dưới một chút... cô hỏi làm gì? Muốn biết bố nó là ai à?
- Tôi biết rồi - Tôi đáp và tiến về phía cửa ra vào.
- Nếu cô cần gì cứ việc đến đây nhé - Ông ta mở cửa và bảo - khi nào ở cữ... tôi cam đoan rằng cô sẽ sinh ra một thằng cu tuyệt vời.
Như viên cảnh sát trưởng, ông ta có cảm tình với tôi. Nhưng khác với viên cảnh sát, tôi cảm thấy thích ông ta. Như tôi đã nói trước đây, ông ta còn trẻ và đẹp trai, có nước da ngăm ngăm, khỏe mạnh và lực lưỡng, ria đen, mắt ngời sáng, răng trắng, hoạt bát và vui vẻ tựa như một chú chó săn. Tôi thường đến để ông ta khám bệnh cho, ít nhất nửa tháng một lần, và để tạ ơn ông ta vì không lấy tiền của tôi, tôi đã hai hoặc ba lần hiến thân cho ông ta ngay trên chiếc đi-văng trải vải dầu này mà ông ta vừa khám bệnh cho tôi. Ông ta là người tế nhị, và đôi lúc, dưới hình thức vui đùa và thân ái đã không nài ép chuyện đó. Ông ta khuyên tôi đủ điều, tôi nghĩ rằng ông ta phần nào yêu tôi.
Tôi đã bảo với ông bác sĩ là biết rõ bố của đứa trẻ. Thực ra lúc đó tôi cảm thấy điều đó hơn là biết rõ. Nhưng khi đi ngoài phố, điểm lại trí nhớ và tính lại ngày tháng, linh cảm của tôi biến thành niềm tin. Tôi chợt nhớ rằng cách đây khoảng hai tháng, tôi vừa thấy sợ vừa có cảm giác khoái cảm, điều đó đã làm buột ra khỏi lồng ngực tôi một tiếng kêu dài ai oán, tiếng kêu đầy hấp hối và khoái cảm tột độ dội lên trong căn phòng ngủ tối om và tôi đi đến kết luận là bố đứa trẻ chỉ có thể là Sonzogno. Tất nhiên là tôi có mang với Sonzogno - một tên giết người tàn bạo và táng tận lương tâm - thì thật là khủng khiếp và càng đặc biệt khùng khiếp hơn khi nghĩ rằng đứa bé có thể giống bố và thừa hưởng bản tính của bố nó. Mặt khác tôi buộc phải thú nhận rằng Sonzogno có quyền được hưởng quyền làm cha. Sonzogno là người duy nhất trong tất cả những người gần gũi với tôi thực sự chiếm đoạt được tôi, đã lợi dụng mặt thầm kín và tối om của thể xác tôi, mà không hề gây nên một lời phản kháng nào trong trái tim tôi. Và sự việc tôi hãi hùng và khiếp đảm trao thân cho gã ngoài ý muốn của bản thân tôi mà không bác bỏ mà ngược lại, khẳng định toàn bộ sức mạnh và sự phức tạp trong quyền lực của gã đối với tôi. Cả Gino, Astarita cũng không làm thức tỉnh trong tôi cái cảm giác về quyền lực tự nhiên là vậy, tuy tôi căm thù nó. Tất cả những điều đó làm tôi thấy kỳ lạ và đồng thời gớm khiếp, nhưng cuộc sống là như vậy: tình cảm là điều duy nhất không thể phủ nhận, không thể cự tuyệt và không thể phân tích tới cùng được. Cuối cùng tôi kết luận là yêu một người, có con với một người, và nói theo một cách khác chính xác hơn, bố của đứa con tôi là Sonzogno, còn ít chính xác hơn thì tôi căm ghét, lẩn tránh gã và chỉ yêu mỗi mình Mino.
Tôi chậm rãi bước lên cầu thang và nghĩ tới một cuộc sống mà từ nay tôi mang trong bụng mình. Vào tới phòng ngoài, tôi nghe thấy tiếng nói chuyện từ phòng may vọng ra. Tôi ngó về hướng đó và ngạc nhiên khi thấy Mino ngồi bên bàn bình tĩnh trò chuyện với mẹ đang chuẩn bị khâu may. Đèn đang cháy giữa phòng, nhờ có vật đối trọng nên có thể thay đổi vị trí của đèn, còn phần lớn căn phòng may chìm trong bóng tối.
- Chào anh - Tôi từ từ bước vào phòng và bảo.
- Chào em, chào em - Mino đáp, giọng khàn khàn và do dự. Ngó nhìn anh, tôi thấy mắt anh long lanh nên suy nghĩ rằng anh đang say. Ở một đầu bàn thấy có trải khăn, trên bày hai bộ đồ ăn, do mẹ thường ăn ở bếp nên tôi cho rằng bộ đồ ăn thứ hai dành cho Mino.
- Chào em - Anh nhắc lại - Anh đã mang đồ đạc của anh tới rồi đó... ở đằng kia kìa... anh đã làm quen được với mẹ em rồi đấy... thưa signora, chúng ta đặc biệt hiểu lẫn nhau, có phải thế không ạ?
Tim tôi thắt lại khi nghe cái giọng mỉa mai và suồng sã ấy. Tôi mệt lử buông mình xuống ghế và nhắm mắt lại trong giây phút.Tôi nghe tiếng mẹ đáp:
- Ấy là anh nói chúng ta hiểu nhau... nhưng nếu anh có nhận xét xấu về Adriana... thì chúng ta sẽ không bao giờ thỏa thuận được với nhau đâu.
- Về điểm đó thì cháu đã nói gì nhỉ? - Mino làm bộ ngạc nhiên thốt lên - Đã nói là Adriana rất hợp với cuộc sống hiện nay của cô ấy... là thích hợp một cách tuyệt vời với cuộc sống ấy... như vậy thì có gì là xấu ạ?
- Không đúng thế đâu - Tôi nghe tiếng mẹ phản đối - Adriana không hợp với cuộc sống ấy... người đẹp như nó thì phải xứng đáng với một cuộc sống tốt đẹp hơn cơ, tốt đẹp hơn nhiều... anh không nhận thấy rằng Adriana là một trong những cô gái xinh đẹp nhất khu tôi, có lẽ, toàn thành Rome nữa ấy chứ?... Nhiều cô xấu thua kém trăm lần, thế mà lại sống sung sướng hơn... còn Adriana xinh đẹp như nàng tiên lại chẳng có gì cả... tôi biết tại sao rồi.
- Tại sao ạ?
- Tại vì em nó quá tốt bụng... thế đấy... tại vì em nó xinh đẹp và tốt bụng... nếu em nó xinh đẹp và độc ác thì mọi chuyện đã khác rồi.
- Thôi đủ rồi, đủ rồi - Tôi bảo, do chán ngấy cuộc tranh cãi này và đặc biệt chán ngấy cái giọng của Mino rõ ràng cố tình chế giễu mẹ - con đói rồi, bữa tối xong chưa hả mẹ?
- Xong rồi, mẹ dọn ngay ra đây.
Mẹ đặt chỗ đang khâu dở trên bàn và vội vã bước ra khỏi phòng. Tôi đứng dậy và đi theo mẹ xuống bếp.
- Chúng ta mở nhà trọ à? - Mẹ làu bàu khi thấy tôi lại gần - Xuất hiện ở đây cứ như ông chủ ấy... đưa vali vào phòng con... đưa tiền cho mẹ chi tiêu.
- Sao, mẹ không hài lòng à?
- Mẹ thấy như trước hóa hay.
- Thôi được rồi, mẹ coi như chúng con là vợ chồng chưa cưới của nhau... mới lại tạm trong vài ngày, anh ấy có ăn đời ở kiếp đâu.
Cứ như thế tôi tuôn ra một thôi một hồi và để động viên mẹ, tôi ôm hôn mẹ rồi quay về phòng mình.
Tôi nhớ mãi bữa ăn tối đầu tiên của Mino ăn ở nhà tôi tối ấy. Anh nói đùa suốt, song vẫn không quên ăn và ăn rất ngon miệng. Nhưng những lời nói đùa của anh tôi thấy lạnh hơn băng tuyết và đắng hơn ngải cứu. Rõ ràng anh mải suy nghĩ một điều, nó thấm vào não, cuốn quanh người tựa một cây gai leo, những lời bỡn cợt chỉ khơi lại vết thương và càng làm nó loét sâu hơn, mỗi lời khơi lại một cơn đau điếng người. Anh nghĩ tới những gì đã tiết lộ với Astarita: thật ra, tôi chưa bao giờ thấy một người ân hận về hành vi của mình. Ngay từ lúc nhỏ các cha cố đã nhồi nhét cho tôi rằng ăn năn hối hận sẽ được xóa tội, nhưng trái hẳn lại, Mino xem ra cứ bị giày vò mãi trong nỗi ăn năn, không lúc nào dứt và nó cứ đè nặng trĩu khôn nguôi trong người anh. Tôi nhận thấy anh khổ sở vô cùng và bản thân tôi, cũng đau khổ chẳng kém gì và thậm chí còn hơn vì không đủ khả năng xua tan hoặc làm giảm bớt nỗi đau ấy.
Chúng tôi im lặng ăn món thứ nhất. Sau đó bưng các món ra, mẹ đứng bên bàn và nói về giá cả của thịt thì Mino ngẩng đầu lên và bảo:
- Đừng lo signora ạ... từ nay cháu sẽ lo chuyện đó, ngày một ngày hai cháu sẽ được nhận vào làm ở một chỗ khá tươm.
Lời anh nói gây hy vọng cho tôi. Mẹ hỏi:
- Một chỗ nào vậy?
- Ở bên cảnh sát - Mino lấy giọng nghiêm trang đáp - một người bạn của Adriana... signor Astarita thu xếp cho cháu đấy... - Tôi buông dao và nĩa xuống rồi chăm chú nhìn anh. Anh vẫn nói tiếp: - Họ thấy cháu có đầy đủ mọi phẩm chất để làm việc ở sở cảnh sát.
- Có lẽ đúng vậy đấy - Mẹ nói - song tôi không tài nào yêu thích nổi mấy ông cảnh sát... con trai chị thợ giặt dưới nhà cũng là nhân viên cảnh sát đấy... anh có biết các chàng trai làm việc tại kho ximăng gần đây tuyên bố gì với anh ta không? "Bây giờ cậu tránh xa bọn này ra, bọn này chẳng muốn quen biết cậu nữa đâu...". Sau nữa, bên cảnh sát lương ít lắm.
Mẹ bĩu môi khinh bỉ, rồi bưng đĩa của anh đi thay vào đó là một đĩa thịt.
- Nhưng vấn đề không phải là công việc ấy - Mino phản đối và lấy một miếng thịt rán - trong trường hợp cụ thể này cháu đang nói về một chỗ quan trọng... tế nhị... bí mật... ê, ê, quái thật!... Lẽ nào cháu học hành lại đâm vô ích à?... Chẳng là cháu sắp tốt nghiệp trường đại học mà... cháu biết ăn nói... dân nghèo mới vào cảnh sát chứ không phải những người như cháu.
- Có lẽ đúng vậy đấy - Mẹ láy lại - Ăn đi con - mẹ nói tiếp khi bỏ vào đĩa tôi một miếng thịt to nhất.
Mino bảo:
- Không phải có lẽ đâu, mà đúng như vậy đấy - Anh im lặng một lát rồi lên tiếng: - Chính phủ biết rõ đâu đâu cũng có tội phạm... không chỉ người nghèo mà cả trong giới giàu sang nữa... để theo dõi bọn nhà giàu cần phải có học, biết trò chuyện như họ, biết cách ăn mặc như họ, tóm lại là được họ tin... đấy cháu được giao công việc ấy đấy... cháu sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, sống trong những khách sạn lịch sự, đi trên các toa tàu hạng nhất, mặc quần áo do các thợ nổi tiếng cắt, nghỉ ngơi tại các nhà điều dưỡng, các nhà trọ trên núi sang trọng nhất... quái quỷ thật... bác tưởng cháu là ai nào?
Bây giờ mẹ há hốc mồm nghe anh nói. Chẳng là mẹ bị hoa mắt trước sự hào nhoáng ấy.
- Nếu vậy - Cuối cùng mẹ nói - tôi chẳng biết nói gì hơn nữa.
Tôi thôi không ăn nữa. Bỗng tôi hiểu rõ rằng mình chẳng nên ngồi nán lại xem trình diễn vở hài kịch u buồn này.
- Con bị mệt, con về phòng mình đây - Tôi sẵng giọng nói, bước ra khỏi phòng may.
Trong phòng ngủ, tôi ngồi thu lu ngoài mép giường và ôm mặt khẽ thút thít khóc. Tôi nghĩ tới chuyện không may xảy ra với Mino, tôi đứa con rồi sẽ sinh và tôi cảm thấy cả chuyện may rủi, cả đứa con cứ lớn lên ngoài ý muốn của tôi, tôi chẳng có ảnh hưởng đến chúng, chúng tồn tại và chẳng còn biết làm gì được với chúng. Một lát sau., Mino bước vào, tôi liền đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng để anh không thấy nước mắt tôi và tôi len lén lau mắt. Anh châm thuốc hút và nằm ra giường. Tôi ngồi xuống bên anh và nói:
- Anh Mino... em van anh... đừng trò chuyện với mẹ như vậy nữa, anh.
- Tại sao?
- Vì mẹ chẳng hiểu gì cả đâu... còn em hiểu tất, mỗi lời nói của anh tựa như dao đâm vào tim em.
Anh không nói gì và lẳng lặng hút thuốc. Tôi lấy áo lót của mình ở ngăn kéo tủ commốt ra, lấy kim và chỉ tơ, ngồi bên đèn mạng áo. Tôi không muốn trò chuyện vì sợ rằng lại quẩn quanh với chuyện đó và hy vọng cảnh im lặng sẽ làm anh không bận tâm với những suy nghĩ đau buồn. Ai ngồi khâu cũng biết rõ rằng khâu vá đòi hỏi phải tập trung chú ý nhìn chứ không cần phải tập trung suy nghĩ. Do vậy, ngồi khâu, đầu óc tôi mải mê suy nghĩ, và mối mũi chỉ đường kim làm tôi có cảm giác mình đang chắp nối những suy nghĩ của bản thân. Lúc này tôi cũng như Mino đều bị ám ảnh bởi cùng một ảo giác, tôi không thể không nghĩ tới những gì anh nói với Astarita và hậu quả do hành vi của anh gây nên. Song tôi cố lãng quên, vì do một tác động không thể giải thích được, tôi hướng suy nghĩ của anh vào chính ngay chủ đề ấy, do đó buộc anh cảm thấy rõ hơn nỗi bất hạnh của mình. Vì vậy tôi quyết định nghĩ tới điều gì đó tươi sáng, vui vẻ, dễ chịu nên tập trung suy nghĩ về đứa con mà tôi mong đợi và quả đó là một vệt sáng duy nhất trong cuộc đời buồn tẻ của tôi. Tôi hình dung lúc nó hai, ba tuổi, đấy là lứa tuổi đáng yêu nhất, lúc đó trẻ con ngộ nghĩnh và đặc biệt đến là đáng yêu, và hình dung thấy nó sẽ làm gì và bi bô gì và tôi sẽ giáo dục nó ra sao, tôi thấy lòng mình thực sự vui hẳn lên và thậm chí đã quên đi trong chốc lát Mino và nỗi bất hạnh của anh. Tôi khâu xong chiếc áo lót và bắt tay vào sửa chiếc khác, tôi nghĩ bụng nếu tôi khâu trước đỡ phần nào tã lót cho đứa con thì sẽ làm cho không khí trong giờ phút dài đằng đẵng sống bên Mino đỡ căng thẳng. Song cần phải may vá sao cho không một ai nhận thấy gì hết, hoặc cần phải tìm ra một lý do thỏa đáng nào đó. Tôi quyết định bảo Mino là tôi may tã lót để tặng chị hàng xóm quả thật sẽ có con, tôi thấy như vậy rất hợp tình hợp lý, mới lại tôi đã kể cho Mino nghe về chị ta và cảnh nghèo túng của chị. Tôi mải mê suy nghĩ đến nỗi khẽ cất tiếng hát lúc nào không biết nữa. Tôi có tài cảm thụ nhạc điệu, tuy giọng không khỏe nhưng thanh sắc dễ chịu, đoán nhận ra ngay khi trò chuyện. Tôi hát bài "Ngôi biệt thự buồn" khá phổ biến vào thời đó. Khi cắn chỉ, tôi rời mắt khỏi đồ khâu thì nhận thấy Mino đang nhìn tôi chăm chăm. Tôi sợ anh quở rằng lúc này mà vẫn còn hát được nên đành im.
Anh vẫn nhìn tôi và nói:
- Em hát nữa đi!
- Anh thích nghe em hát à?
- Ừ.
- Em hát dở lắm.
- Không quan trọng.
Tôi lại vừa khâu vừa hát cho Mino nghe. Như mọi cô gái khác trên đời này, tôi đã học thuộc nhiều bài hát và buổi "biểu diễn" ở nhà của tôi khá phong phú vì tôi có trí nhớ rất tốt và tôi nhớ cả những bài hát tôi nghe từ hồi còn nhỏ. Tôi hát hết bài này đến bài kia, vừa hát xong bài này lại tiếp thêm bài khác. Thoạt đầu tôi hát khe khẽ, sau say sưa nên hát to, gửi gắm tất cả tình cảm của mình vào bài hát. Bài hát nọ tiếp nối bài hát kia, chẳng bài nào trùng bài nào, chưa hát hết bài nọ tôi đã nghĩ xem hát bài nào sau. Mino chăm chú nghe tôi hát, mặt anh bình thản, và tôi thấy vui vì đã làm cho anh lãng quên những suy nghĩ buồn phiền. Tôi liền nhớ ngay là hồi còn nhỏ, một bận tôi đã đánh mất một thứ đồ chơi mà tôi thích, thế là tôi khóc một hồi lâu, muốn an ủi tôi, mẹ ngồi xuống giường tôi và hát những bài quen thuộc. Mẹ hát không hay, lạc giọng nhưng dẫu sao thoạt đầu tôi đã thấy an tâm và nghe mẹ hát như Mino nghe tôi hát vậy. Nhưng một lát sau, tôi lại nghĩ tới cái đồ chơi đã mất và tâm trạng lãng quên dịu ngọt khi nghe mẹ hát bị xua tan, nên cuối cùng không nhịn được tôi lại bật khóc, sốt ruột mẹ tắt béng đèn và bỏ đi để mặc tôi khóc trong căn phòng tối, tùy muốn khóc đến bao giờ thì khóc. Tôi biết rằng khi tình cảm nhẹ nhõm giả dối khi nghe tôi hát qua đi, Mino lại rơi vào tâm trạng đau khổ, và nghe những bài hát xốc nổi và đa cảm của tôi, lòng anh lại cảm thấy bị giày vò gấp đôi. Tôi đã không nhầm. Tôi hát một tiếng liền, sau đó anh đột ngột cắt ngang:
- Thôi đủ rồi... anh chán ngấy các bài hát của em rồi.
Anh quay lưng lại phía tôi, quay lưng lại như muốn ngủ.
Tôi nhìn thấy trước cái kết cục ấy nên không giận. Tuy nhiên, từ nay trở đi tôi chẳng trông mong gì ngoài những điều khó chịu, và tôi sẽ ngạc nhiên nếu mọi chuyện tốt đẹp. Tôi đứng dậy và bỏ những thứ đã mạng vào ngăn kéo, rồi lẳng lặng cởi áo xống và giở chăn nằm xuống giường cạnh Mino. Chúng tôi quay lưng vào nhau, im lặng hồi lâu. Tôi biết Mino chưa ngủ và đang suy nghĩ mỗi một chuyện, hiễu rõ điều đó và nhất là cảm thấy nỗi bất lực của bản thân, tôi thấy trong lòng nổi lên cả một cơn lốc những suy nghĩ lo âu và tuyệt vọng. Tôi nằm nghiêng, mắt nhìn vào góc phòng, đầu óc vẫn mải suy nghĩ. Một trong hai chiếc vali mà Mino đưa từ nhà bà góa tới nằm trong góc ấy. Chiếc vali cũ bằng da màu vàng dán đầy nhãn tên đủ màu của các khách sạn. Nổi bật giữa nhưng nhãn ấy là một nhãn hình chữ nhật, trên minh họa biển xanh lơ, một tảng đá đỏ lớn và ở dưới có ghi: Capri. Trong căn phòng tranh tối tranh sáng, cái vệt xanh lơ ấy nổi bật giữa các đồ vật lờ mờ và sẫm màu, tôi thấy đấy không phải là một vệt nữa mà là một ô cửa sổ con qua đó tôi nhìn thấy rõ bờ biển xa xa. Tôi bỗng buồn buồn nhớ biển vào mùa xuân, trong làn nước sinh động, mọi vật, thậm chí dù gớm ghiếc và không có hình thù, cũng đều được rửa sạch, trau chuốt, mài tròn, nhỏ bớt đi, trở nên đẹp đẽ và sạch sẽ. Tôi bao giờ cũng yêu thích biển, thậm chí cho dù đó là bờ biển quen thuộc đầy những người ở Ostia. Khi trông thấy biển lòng tôi bao giờ cũng rộn lên một tình cảm tự do, biển cả làm dịu mắt tôi thì ít, mà do nhạc điệu kỳ diệu và vô tân của sóng đã làm thính giác tôi khoan khoái. Tôi nghĩ tới biển và rất muốn đắm mình vào làn nước trong vắt không những rửa sạch người tôi mà cả tâm hồn tôi nữa, làm cho lòng tôi tràn đầy vui sướng và nhẹ nhõm. Nếu được Mino đưa ra biển thì có lẽ cái vô tận ấy, sự chuyển động vĩnh viễn ấy và tiếng ầm ầm không lúc nào ngớt ấy sẽ có thể làm được điều mà tình yêu của tôi chịu bó tay. Tôi bỗng lên tiếng hỏi:
- Anh đã ở Capri rồi à?
- Ừ.
- Ở đấy đẹp không?
- Đẹp... rất đẹp.
- Anh này - Tôi quay người lại, ôm cổ anh và nói - tại sao chúng ta không đi Capri, anh... hoặc tới một vùng biển nào đó?... Ở đây, tại Rome, lúc nào anh cũng nghĩ tới những chuyện khó chịu... nếu anh được thay đổi không khí thì em tin rằng anh sẽ nhìn mọi việc bằng con mắt hoàn toàn khác... anh sẽ thấy nhiều điều hiện nay anh không nhận thấy... em nghĩ rằng việc ấy sẽ rất có lợi cho anh.
Anh không đáp gì hết, hình như anh suy ngẫm những lời của tôi. Sau đó anh nói:
- Anh không cần phải ra biển... Ở ngay đây, như em bảo, anh có thể thấy mọi vật hoàn toàn khác... muốn vậy, anh phải làm theo lời em khuyên là đành cam chịu mọi bề với điều anh đã làm, lúc đó anh có thể thực sự tận hưởng trời, đất, em và mọi thứ khác nữa... em cho rằng anh không biết thế giới này tuyệt đẹp sao?
- Nếu vậy - Tôi lo ngại nói - anh cam chịu đi... anh thấy không bõ à?
Anh bật cười.
- Cần phải suy nghĩ như vậy từ trước, như em ấy... cam chịu ngay từ đầu... những kẻ nghèo khổ, ngồi sưởi nắng trên các bậc thềm nhà thờ, họ cam chịu ngay từ đầu... còn anh đã muộn lắm rồi.
- Nhưng tại sao?
- Có những người cam chịu, có những người không cam chịu... rõ ràng anh thuộc loại người thứ hai... - Tôi im lặng không biết nói gì. Một lát sau anh nói tiếp: - Còn bây giờ em tắt đèn đi... anh cởi quần áo... đến lúc ngủ rồi đấy.
Tôi làm theo lời anh, anh cởi quần áo trong tối và nằm xuống bên tôi. Tôi những muốn ôm anh, nhưng anh xô tôi ra và nằm co quắp ở mép giường, lưng quay về phia tôi. Tôi buồn khổ trước thái độ thô bạo của anh và cũng nằm co chân lại, lòng cảm thấy trống trải khủng khiếp, tôi chờ đợi giấc ngủ kéo đến. Tôi lại nghĩ tới biển và muốn chết đuối luôn. Nỗi đau, có lẽ, kéo dài vỏn vẹn một khoảnh khắc, sau đó, cái xác tắt thở của tôi còn trôi nổi trên sóng, bầu trời mênh mông vô tận trải dài trên đầu tôi. Hải âu mổ mắt tôi, mặt trời đốt nóng ngực và bụng, cá rỉa lưng tôi. Cuối cùng, tôi chìm nghỉm và chúi đầu xuống nước, và một dòng nước xanh lơ cuốn trôi tôi đi về một chốn nào đó. Nó sẽ cuốn trôi tôi trong nhiều năm tháng dưới lòng biển, giữa các tảng đá ngầm, các bầy cá, tảo rong, làn nước mặn trong suốt luôn vuốt ve trán, ngực, chân tôi, sẽ cuốn đi những bộ phận của cơ thể tôi, chuốt dần nó và làm cho nó nhỏ gọn lại. Và một ngày nào đó sóng ầm ầm sẽ hất lên bờ cái phần còn lại của tôi: một nắm xương trắng và mảnh dẻ. Tôi khoan khoái hình dung dòng nước cuốn tóc tôi lôi xuống đáy, khoan khoái nghĩ rằng tôi chỉ còn là một đám xương trắng mất hình hài của con người được rửa sạch nắm lại bên các tảng đá nhẵn thín bên bờ biển. Và biết đâu đó ai đó sẽ vô tình giẫm lên xương tôi và biến nó thành bụi trắng. Thích thú trước những bức tranh buồn thảm ấy, cuối cùng tôi ngủ thiếp đi.