Cỏ dại

Chương 5 -

Chương 5 -

Sang năm sau, tôi phải đi học. Nhiêu khê lắm, cái sự đi học.

Vào quãng tháng ba tháng tư mùa mưa rào, mùa đom đóm và mùa ma trơi. Chặp tối, lũ trẻ thập thò đầu xóm, đứng bíu nhau chơi trò gọi ma. Hú ma trơi! Mặt giời đã lặn. Chó cắn đã khuya. Ba thằng râu ria. Về ăn cơm sốt! Hú... ú... oà. Rồi tiếng hú lẫn trong tiếng mưa.

Cái đêm hôm trước tôi đi học buổi đầu tiên cũng có trận mưa thật to. Mà cái việc đi học, đối với một thằng tôi nhát như cáy, cố nhiên là một việc ghê gớm mới mẻ nhất trong tâm tưởng đứa bé bảy tuổi. Bởi thế, mỗi lần nhớ lại thuở ấy, ký ức tôi bao giờ cũng phảng phất cả trận mưa rào.

Những trận mưa lớn đầu mùa hạ. Đột nhiên một buổi những đám mây lớn đen xịt, lổm ngổm vần vũ đầy trời. Gió nam giật mãi, bỗng mát lạnh hơi nước. Đằng xa miên man rạt rào khua động. Mưa đã xuống bên kia sông.

Gió càng điên đảo trong cành cây. Ngoài đường cái, người chạy táo tác. Trẻ con la ơi ới. Có lẽ sắp được xem mưa, các chú bé thích quá kêu rối rít. Cùng chung với chúng tôi một nỗi vui ngơ ngẩn, mấy con chó cũng nhảy cỡn, nhay xích ống, ăng ăng sủa.

Lẹt đẹt... Lẹt đẹt.. Mưa giáo đầu. Những giọt nước to lăn xuống mái phên nứa. Vừa mấy giọt nước lách cách, bây giờ đã bao nhiêu nước rào rào xiên xuống, lao vào bụi cây. Con gà trống ướt lướt thướt hai đầu cánh nhấp nhô chạy tìm chỗ trú.

Mưa buông sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước toả trắng xoá. Trong nhà, bỗng tối sầm. Mùi âm ấm ngòn ngọt lại như ngai ngái. Cái mùi là lạ, man mác của những trận nước mưa mới đầu mùa. Tiếng giọt gianh đổ ồ ồ, ào ạt ọc lên trong những rãnh nước sâu. Mảnh sân đất đã ngập mấp mé. Nước chảy đỏ bốn bề sân, được một lúc bỗng trong vòm trời tối thâm, vang một hồi ầm ừ rền rền. Tiếng sấm, tiếng sấm mưa mới. Ngoài ngõ xóm, nghe có tiếng chân người lép nhép chạy, vác thúng đi bắt cá rô rạch trên các bờ ao.

Trời bớt xám, rạng dần. Đến khi chim chào mào bay ra hót ríu ran, thì lại quang quẻ như lúc nãy. Vòm trời dịu trong vắt, mới mẻ hơn. Mặt trời chói lọi trên chòm lá bưởi ướt lấp lánh. Trận mưa to chỉ còn sót lại ở mảnh sân lênh láng và những giọt gianh vàng khè lích rích nối nhau từ các mái rơm xám rỏ xuống đất.

Những trận mưa mới cho tôi một cảm giác bỡ ngỡ những ngày đầu đi học.

Việc học của tôi được định từ trong tết Nguyên Đán, có một lá thư của thày tôi từ Sài Gòn gửi về. Thày tôi bảo u tôi cho tôi đi học, nhân tiện đương có một ông giáo quen dạy ở trường học làng trên.

Trước hết tôi cho cái việc đi học làm thường nhưng rồi cứ lo dần. Tôi đã biết có mấy người lớn cùng trẻ con trong làng đi học. Cố nhiên, rồi tôi cũng cắp sách và mặc áo dài. Nhưng tôi ngẫm nghĩ, tôi vẫn có điều khác họ vì đầu tôi chưa bờm nuôi để tóc rẽ đường ngôi. Đầu tôi cạo nhẵn xung quanh. Phía đỉnh, xế ra đằng sau, lê thê một chòm tóc hoa roi dài đụng xuống vai. Từ độ biết sắp đi học, tôi mới nảy ra so sánh. Cuối năm ấy, có người thợ bờm đầu xách hòm vào xóm, u tôi gọi vào cạo đầu cho tôi.

Tôi ngồi xoạc chân trên chiếc ghế đẩu bắc giữa sân. Lần này, bác thợ không lấy cái bình sắt có quả bóng cao su bơm nước phun phè phè trên đầu, trước khi đưa lưỡi dao cạo sồn sột. Tôi được đổi mốt mới. Bác xoa phấn quanh cổ tôi, rồi cái kéo tóc tách, chiếc tông đơ tành tạch, tành tạch cùng hai bàn tay uốn éo. Tôi ngồi yên, nghe sự ngạc nhiên mới lạ trên thóp.

Một chốc, bác giơ một miếng gỗ tròn có răng cưa xát thực mạnh, quanh chỏm đầu tôi, nhiều không biết là bao nhiêu lần. Bụi gầu bay trắng lốp. Tôi xệch miệng, nhẹo mặt, đau nghiêng ngả theo đà tay bác xát. Đến lúc bác buông đầu tôi ra, tôi mở mắt, bác lấy cái gương cho tôi soi. Tôi ngơ ngác dần dần mới nhận được mình. Đầu tôi trọc hếu, rớm mấy vết máu, mất hẳn cái núm tóc quen thuộc trên đỉnh. Tôi sờ tay ra đằng sau gáy, thấy thiêu thiếu một cái gì. Luôn mấy hôm băn khoăn vơ vẩn nhớ cái tóc hoa roi.

Qua Tết, chần chừ mãi, ăn hết cả bánh chưng, tôi vẫn chưa đi học. Vì chưa có sách. U tôi bảo còn đợi ông lão "đổi sách, bán sách”. Tôi cũng biết lão "sách, sách" ấy rồi.

Lão có chòm râu rườm rà vàng ệch. Lão đội nón mê và cầm quạt mo nang. Tấm áo nâu của lão ngắn ngủn, nhưng rộng thùng thình, có giải bơi chèo buộc hai vạt. Lão quảy đôi bồ lớn sơn đen. Không hiểu ở đâu đến, cứ lâu lâu, lão lại qua xóm tôi. Lão rao: "Ai đổi sách, bán... sách”. Nhưng chúng tôi chỉ nghe được hai tiếng “sách, sách” thực to. Có khi, đã đi xa hoặc mới vào đầu xóm, ở ngoài cánh đồng đã nghe tiếng lão văng vẳng:... sách... sách...

Ông lão "sách, sách" quảy đôi bồ bí mật vào nhà tôi, một buổi trưa. Lão đỗ xuống, mở cái mẹt nắp ra. Có biết bao nhiêu giống sách. Sách xếp từng lớp cao. Những cuốn sách chữ nho bìa nâu, xung quanh mép đen. Những quyển sách quốc ngữ mới, bìa xanh, bìa vàng, đặt thứ tự, chồng lên nhau. Ông lão cúi xuống bồ, lấy một quyển sách nhỏ, mỏng, đưa cho u tôi và nói giá sáu xu. Nhưng rồi cò kè, ngã đúng giá, chỉ có năm xu.

Cuốn sách vẽ hai cái cột trụ thực to, giữa có đủ mấy mươi trăm học trò đội mũ cắp sách nghiêm chỉnh đứng thành dãy dài, từ hình to bằng ngón tay đội mũ cho đến hình bé chỉ như chiếc tăm.

Cho đến tháng ba tháng tư thì u tôi đã sắm cho tôi được đủ mọi thứ để đi học. Một quyển sách mở lòng. Một tập giấy lớn đóng bìa đỏ choé. Một lọ mực tím vẽ con giơi dang hai cánh với một cái bút có ngòi mới tinh tươm. Và, oai nhất là cái mũ. Mũ bọc vải màu đồng bóng loáng từng múi xung quanh chóp. Vành bên trong, lót một lượt vải xanh biếc. Úp mũ vào mặt, ngửi thơm những mùi mới hăng hắc. Mũ ấy, u tôi mua ngoài Kẻ Chợ.

Thế là, mấy hôm nữa, tôi đi học. Các dì luôn luôn giễu tôi. Dì này bảo học "a b c không có nhà đi ở thuê". Dì kia hỏi tôi rằng đi học, ngày sau đỗ làm thông phán, ngồi trên xe cao su nhà, trông thấy dì rách rưới đi bên đường, bấy giờ có nhận dì hay không? Tôi nhận ngay chứ. Chẳng những vậy, tôi lại làm cho mỗi dì một cái nhà, dì Niêm cũng như dì Bảy, dì Tư.

Riêng tôi làm cho ông bà và u tôi ở một cái nhà tây ba tầng cao chót vót. Tối hôm ấy, tôi nằm khoe những chuyện "ngày sau, bao giờ cháu làm thông phán"... dớ dẩn. U tôi bảo:

- Tối nay, Cu đi ngủ sớm, mai đi học.

Đêm đó, trời lại đổ trận mưa rào lớn. Sáng hôm sau đường làng còn đọng những vũng nước đỏ ngầu. Trong cái ao đầu xóm trứng cóc chăng từng dãy dài trắng cả bãi cỏ ngâm nước và các gốc đám cây chút chít. Cóc mẹ nghển đầu lên mặt ao, kêu ệc ệc vang ầm.

Cả nhà xúm lại, như ai cũng chỉ có mỗi một việc sắm sửa cho tôi đi học. Làm cho tôi sợ. Tôi đi đôi giày tây có cổ, dây quấn chằng chịt lên tận cẳng. Tay tôi cắp hai quyển sách. U tôi vận áo nâu dài tề chỉnh. U cầm lọ mực và cái bút. Ông tôi bà tôi, các dì tôi và cả mấy người thợ cửi, thợ hồ trong nhà và hàng xóm đều đứng lố nhố đầu ngõ, như để tiễn tôi đi học, ai cũng cười cười. U tôi dắt tôi. Đôi giầy tôi kệt kệt bước ra.

Nhưng, kể từ lúc dì Niêm xỏ hai tay tôi vào cánh áo chéo go và u tôi đội cho cái mũ lên đầu, tôi nghĩ ngợi càng sợ. U tôi đưa tôi đi đâu bây giờ? Học hừ? Học à? Học thế nào? Phải đi lên trường học xa mãi tận trên chợ. Độ trước u bảo đi học, tôi vâng. U mua mũ, lại càng thích đi học. Bây giờ tôi thấy sợ.

Đội mũ, cắp sách, sợ hơn nữa. Đến đi giầy bước ra ngõ thì sợ quá. Song tôi vẫn bước theo cánh tay u dắt. U tôi không hay biết nỗi lo sợ của tôi, vừa đi vừa chào hỏi những người quen hai bên đường cái. Ra khỏi xóm là đầu làng, men theo con đường dốc nhỏ lên chợ. Bên trái luỹ tre xóm Ngoài. Tay trái con sông Tô Lịch như cái rãnh bùn, trên bờ mấy bụi tre cằn thưa thớt. Kề sát mặt sông, túp lều gianh nhà lò rèn ở cầu Dừa. Lão phó già kéo bễ phì phò và tiếng đập sắt kỳ cạch. Tới đầu chợ, sắp đến trường học. Trường học ở trong tam quan cửa đình. Tôi rụt bước, đi chậm lại. U hỏi:

- Sao thế?

Tôi mếu máo:

- Không đi học... Không đi học... hi hi...

U tôi nắm tay tôi, lôi tuột vào trong sân. Nhưng tôi càng hãi, lại cong người lại. Sách rơi lả tả xuống đất. Những người xung quanh đấy túm lại. U tôi nhặt hai quyển sách, đùng đùng kéo tôi trở về. Kéo về thì tôi chạy theo. Về đến đầu chợ u tôi đứng lại. U tôi dằn một ngón tay vào trán tôi, nói rít hàm răng:

- Mày không đi học thì tao đuổi lên đường Thành cho đi ăn mày?

Tôi khóc rưng rức.

- Được, cứ đứng đấy mà khóc. Khóc xong, lên đường Thành tìm thằng Bòi Cẩu tao cho đi ăn mày từ ngày hôm nay.

U tôi xuống dốc chợ, đi về. Tôi lịch kịch giầy tây, chạy theo, vừa chạy vừa kêu:

- Cháu chừa rồi.

- Thế bằng lòng đi học chứ?

Vâng ạ... hi... hi...

Nhưng quay lên, sắp đến cửa trường, tôi lại co lại. Lại khóc rầm lên.

- Thôi thôi, cá không ăn muối cá ươn, bước ngay lên đường Thành kia với thằng Bòi Cẩu.

Tôi khóc sướt mướt chạy theo. Hai u con cứ đuổi nhau lên xuống như thế. Đến đầu làng, tôi trông thấy bà tôi ở bờ ao chạy ra. Dáng hẳn có ai đi chợ về qua ngõ, mau miệng, đã mách với bà tôi. Thấy bà, tôi bỗng khóc to hơn.

- Đấy, bà lại "binh" nó.

Rồi u tôi bỏ về, mặc tôi thút thít với bà. Nhưng không phải u tôi đi hẳn về nhà. U tôi ra đứng sau gốc đa, ngó lại. Bà tôi nói:

-- Bây giờ đi, nhớ? Bà đưa lên trường học, nhớ.

Tôi mếu máo thở không ra tiếng.

Tôi im, xiêu xiêu vì những lời dịu dàng của bà. Bà cầm bút mực, dắt tôi quay lên đầu chợ. Tôi lại lễ mễ, cắp sách đi.

Chốc chốc, tự dưng mủi lòng, thút thít khóc to mấy tiếng. Bà tôi nhẹ nhàng dỗ. Đã vào quá tam quan đình, bà tôi đứng lại lấy giải yếm chùi mắt cho tôi.

- Nín đi không có vào trường thì thày giáo cười cho.

Tôi cố nuốt mãi mới tạm nguôi cơn nghẹn. Bà tôi đưa tôi vào trường. Sau cùng ở giữa là đình làng hai con rồng đá chầu hai bên. Dọc theo con rồng đá xuôi ra ngoài - ngăn một nền sân gạch rộng - đối mặt nhau thông luôn hai hành lang. Một hành lang để cỗ đòn đám ma sơn then và một chiếc võng vong gỗ mộc, những đồ tống chung của hàng thôn. Bên kia là trường học.

Vừa đến sân, đã trông thấy lố nhố học trò áo dài đen trắng ngồi bàn trên, dưới thứ tự, dọc theo hành lang trường học, không có cửa, cũng không có bờ rào. Như cái quán cúng quan ôn.

Bà tôi vừa nhấc tôi lên thềm trường thì, trên các hàng ghế, học trò khoanh tay một loạt, lổm nhổm đứng dậy. Thày giáo Đức đi ra. Thày giáo mặc áo the dài, chít khăn lượt đen.

Không bao giờ tôi có thể nhớ được thày giáo Đức rõ ràng hơn hình ảnh ấy. Từ đấy, mỗi khi ở làng ngoại tôi, trong dịp đình đám hễ đêm hát chèo mà phường diễn trò Kiều, cứ vai Kim Trọng ra là tôi nhớ đến thày giáo Đức. Chàng Kim Trọng phong tình, mặt dồi phấn, áo the khăn lượt, tay xoè quạt đủng đỉnh tủm tỉm dạo quanh chiếu sàn rạp.

Bà tôi nói gì với thày giáo Đức, không biết. Chỉ mang máng cái mỉm cười của thày giáo Đức và tiếng ồn ào cả lớp học đầy hai con mắt thao láo. Bà tôi dẫn tôi lên đầu bàn nhất rồi bảo tôi:

- Cháu ngồi xuống đây.

Tôi phụng phịu trong nếp áo bà:

- Bà có ngồi thì cháu mới ngồi.

Và tôi đứng yên. Bà tôi phải ngồi xuống cùng ghế, tôi mới dám nép một bên. Trống tan học, bà tôi dắt tôi về. Buổi học chiều, cũng lại cảnh hai bà cháu ngồi cạnh nhau. Hôm sau lại những hôm sau nữa, sau nữa. Mỗi sáng, tôi tề chỉnh sách mũ và lọ mực, bà tôi lại đưa tôi lên trường và ngồi cùng một bên. Cái lệ ấy kéo dài đến nửa tháng.

Tuy vậy, tôi vẫn chưa quen anh bạn nào. Tôi nhai hai mươi bốn chữ cái trong miệng đủ cho tai tôi nghe. Bốn mép sách cong dần như những chiếc lá đa khô. Tôi ngồi, mắt gườm mặt bàn, thỉnh thoảng mới dám lé nhìn lên tường có tờ giấy dài kẻ dòng chữ: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" mà đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu nghĩa là gì. Ngoài sân, cây cối um tùm. Ngay chỗ tôi ngồi, qua ngoài mấy bước, mấy cây nhãn lớn. Một cây ngả dài đẩy nghiêng cả một quãng tường gạch vồ. Đằng cuối, một cây nhót tây lá to như lá bàng đứng cạnh một cây ngâu hoa li ti vàng lợt lợt. Những anh học trò lớn cứ truyền cành ngâu sang cây nhót nhanh thoăn thoắt. Quá trước cửa bên kia, thon von một hàng cau và mấy cây đại cổ thụ, khòng lưng, đàn dê ngoài chợ vào trèo lên đứng ngẩn ngơ. Vào những ngày mùa, hoa đại rải rác rụng trắng sân. Nhưng không bao giờ chúng tôi dám nhặt. Vì hoa đại ấy của bà Tú Hin. Bên cây đại già dựa cuối hành lang có một tấm bia đá to, đấy là bia bà Tú Hin. Bà Tú Hin là một con ma to lắm rất hay trêu trẻ con. Không đứa nào dám lảng vảng lại gần bia bà Tú Hin. Góc sân phía ấy, rau sam và cỏ gấu mọc xanh um. Những chiếc hoa đại thơm phức cánh xoè trắng nõn, vàng phớt, mỗi buổi sáng lại rơi đầy trên cỏ. Những lúc học trò vào lớp, sân hết người đứng, từng đàn chim sẻ trên hai mái nhà, trong hóc đình lại ríu rít xuống nhảy nhô nhốp đuổi nhau chí choé.

Tôi ngồi đã thuộc những hóc mái nào nhiều chim sẻ hay đứng cãi nhau. Tôi đếm trong sân có mấy cây cau, cây nhãn cây đại. Tuy thế, tôi vẫn chẳng dám quen ai. Một buổi kia ngồi trong lớp, tôi chợt nghe mình buồn buồn đi đái. Ối, đích thực. Thôi chết! Có những đứa lên khoanh tay, thò đầu bên bàn thày, thưa xin thày cho con đi giải. Thày cho đi ngay. Nó chạy tít cuối sân, phía mấy nhà đầu xóm, đứng dạng xuệch hai cẳng. Tôi chỉ việc lên thưa thày một câu, cũng sẽ được hả hê như vậy. Nhưng tôi không dám. Tôi ngồi yên, đôi chốc nheo mắt nhìn trộm thày giáo. Và tôi đành đờ đẫn nhăn nhó chịu khổ như thế cho tới lúc trống tòm tòm tan học.

Tôi loi thoi cắp sách về. Thường lệ, đi học về, tôi để sách xuống phản, rồi đứng dang thẳng hai tay. Biết hiệu, dì Niêm chạy lại cởi khuy áo cho tôi. Nhưng hôm ấy, đặt sách trên phản rồi tôi xuống bếp. Dì ngồi quay tơ trong nhà gọi:

- Cu lên dì cởi áo cho nào.

Không thấy Cu lên. Dì xuống bếp thấy Cu đứng bần thần ngó ông đầu rau. Dì nhắc vạt áo sau của Cu thấy ướt sũng. Dì hỏi:

- Sao áo Cu ướt thế này?

Cu ta oà khóc.

- Thằng Cu đái ra quần rồi, cả nhà ơi?