Chương 4 -
U tôi sinh được một em gái tôi. Em kém tôi ba tuổi, tên nó là Hồ. Cái Hồ.
Em tôi đây. Nó đương đứng trước mặt tôi, trong bức ảnh nhỏ mà chúng tôi chụp với u, từ năm tôi lên tám. Bức ảnh xung quanh in hình hoa nổi. Mười mấy năm trước ảnh đã đổi sang màu vàng nhạt. Những vết ố mất thuốc nhằng nhịt xung quanh sắp ăn hoen cả vào hình chúng tôi. U tôi ngồi giữa. Tôi đứng một bên, lễ mễ những áo lĩnh, giầy tây, vòng bạc, cá bạc thũng lẵng đeo cổ. Hồ đứng ngang với tôi, phía tay trái u. Một bàn tay nó đặt trên lòng áo u tôi cho u tôi nắm lấy. Nó thấp lũn chũn, cũng đóng áo thùng lụa chuội đen nghiêm chỉnh, thõng trước ngực một chìa khoá bạc. Bộ nó có vẻ thẹn. Vầng trán rộng dưới làn tóc tơ mướt mịn xén đều.
Mặt nó hơi cúi, nhác khuôn mặt nhẹ nghiêng như hình một trái mơ non. Nhưng mắt nó nhìn gườm lên. Đôi mắt đen láy nổi ngời trong khổ mặt rất đỗi dĩnh ngộ. Đôi mắt quằm quặm rất quái, tôi cũng hãi đáo để.
Cái gì mà tôi chẳng hãi. Tôi sợ cả cái mặt đất lồi lõm dưới hai bàn chân. Lên năm tuổi, tôi chưa dám bước chân xuống đất. Suốt ngày, tôi ngồi nhòm nhõm trên tấm phản trước hè. Ngồi chán, thì nằm. Tôi nằm ngửa, xem những con nhện gầy bé mà chân rất dài, đang rung tơ mạng trong hóc cột.
Những buổi tối, những buổi tối mà ánh sáng ngọn đèn ba dây sáng trưng mọi người trong nhà ngồi quây quần trên ghế và trên phản. Tôi nằm khoèo dưới chân bà ngoại tôi. Tay tôi mò máy xem cái chân của bà tôi một cách hết sức vớ vẩn. Bàn chân bà tôi, kể cái chân cũng quái thực. Gót thì bè ra, nẻ từng khía từng múi như múi quả cà bát. Bà tôi đi chân đất từ thuở bé cho đến già, hèn chi bây giờ có những vệt nứt nở. Thế mà những buổi tối mùa đông rét mướt, bà tôi vẫn dầm cả hai chân vào chậu nước lá cải rừng đun nóng để ngâm nẻ. Bàn chân răn reo khô xác, gờ mốc trắng. Hai chiếc ngón chân cái ngoẹo ngang chìa đầu sang nhìn nhau. Ông tôi vẫn bảo bà tôi là giống đời cổ, “người đời Giao Chỉ”, nên mới có hai cái ngón chân kỳ quái này. Do hai ngón chân ngang ra ấy, không đôi guốc nào vừa được chân bà tôi. Người đi guốc cuộc cuộc, nửa gót lồng trong quai, nửa gót nằm ngoài đất. Tôi cũng chăng thấy bà tôi đi guốc mấy. Buổi tối, lúc sắp đi ngủ, bà tôi mới rửa chân. Những khi tôi nằm xem chân bà, các dì tôi hay rang ngô rang để cả nhà cùng ăn nhấm nhót cho vui. Tôi ham ăn ngô rang lắm, nhưng lại không thích nhai. Dì Niêm cứ nhá từng búng ngô lớn, lè ra tay rồi bỏ vào miệng tôi. Tôi há hoác mồm, đớp từng nắm ngô nát nhuyễn như chú quạ con há mỏ nuốt mồi của mẹ mớm. Ngồi bên trường kỷ, ông tôi cười tủm tỉm, nói: "Tướng đại lãn như mày thì ngày sau chỉ đến đi làm cái nghề làm mõ tay phải đập tay trái thôi, con ạ?” Ăn chán, tôi ngồi tôi hát nghêu ngao:
Con ngòi mày chòi cây cau
Hỏi thăm chú chụa đi đâu vắng nhà.
Chú chuạ đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú ngòi.
Lưỡi tôi ngọng líu, đến năm lên mười tôi vẫn chưa nói sõi nổi hai tiếng anh em. Cứ ăn nhem, ăn nhem ơi! Một hôm u tôi cho tôi nửa xu. Tôi buộc đồng xu vào giải rút, rồi ngồi đầu tường đợi hàng kẹo xóc.
Ngày ấy có những người bán kẹo xóc đi rong các làng. Bác mặc quần áo nâu bạc, mặt mày rám nắng đen thủi. Một bên nách, cắp một cái mâm gỗ vuông, trên phủ kín tờ nhật trình. Lưng bác đèo bốn thanh gỗ buộc thừng dằng vào nhau như kiểu bốn cái chân ghế tréo. Túi bác đựng nhiều mảnh giấy vụn cắt vuông. Một tay bác cầm chiếc ống bằng sắt tây tròn dài tựa ống nứa, trong đựng mấy chục cái tăm tre to, dài thò lên miệng. Vừa đi bác vừa lấy điệu tay nhịp nhàng xóc chiếc ống. Những chiếc tăm nhẹ nhảy lên thụt xuống, rỗ vào đáy ống, phát ra nhiều tiếng xô động, rền rền, ròn ròn, lao xao. Xóc... Xóc...
Tai trẻ nghe đã quen, hiểu. Hàng kẹo xóc, hàng kẹo xóc đã vào. Chúng chạy ra. Bác hàng kẹo xóc còn đứng lại trước ngõ, xóc liền mấy xóc nữa đánh tiếng rõ ràng cho cả xóm thực biết là ta đã đến đây. Rồi bác đút cái ống vào túi áo: hạ thanh gỗ trên lưng xuống. Bốn thanh gỗ liền khoẹo ra một cái gọng. Bác hàng kẹo đặt chiếc mâm gỗ lên.
Mấy cái mặt trẻ ngơ ngác, láu lỉnh đã lấp ló, ngấp nghé xung quanh vành mâm. Bấy giờ bác ta mới mở tờ nhật trình đậy mâm ra. Ôi trời, gớm sao mà lắm kẹo? Các thứ kẹo! Góc bên này ngổn ngang một đàn kẹo vịt. Những con vịt trắng viền đỏ, trên lưng cõng thêm một nhách vịt con. Ở giữa, một đống kẹo bi, kẹo đạn tròn xoe, vàng óng và trong suốt như thuỷ tinh. Ở bên, rặt kẹo dồi chó. Những miếng kẹo vỏ trắng lòng đen, tựa miếng dồi chó, thỉnh thoảng điểm một củ lạc thật bùi, nhá ngọt quánh răng. Kẹo đạn thì ròn tan, kẹo vịt cõng con để ngắm cũng thích, ăn nhấm từng tý lại ngon hơn.
Thứ nào cũng chinh một, xu đôi. Xóc... Xóc... Tôi nghe đích tai lắm rồi.
Tôi chạy ra đầu ngõ, thấy bác hàng kẹo xóc thực. Nhưng bác ta cắp cái bàn kẹo đương lừng lững đi ra, tôi réo:
- Coi coi!
Bác hàng kẹo không biết tôi gọi, cứ đi tự nhiên. Rồi bóng bác khuất bên những bụi cây cúc tần. Tôi chưng hửng. Tôi lụi cụi chạy vào, oà khóc.
- Có thế mà cũng nhè!
Tôi ấm ức không nói được. Có thế mà cũng khóc. Không những thế, còn quá vậy nữa. Một buổi kia, dì Niêm dẫn tôi xuống ao. Dì cháu đứng trên cầu. Dì tôi trỏ xuống mặt nước:
- Cu kìa, có trông thấy gì dưới nước không?
- Không.
- Cái ngọ ngoạy ngoằn ngoèo đấy.
- Con gì thế?
- Con thuồng luồng.
- Hứ?
- Con thuồng luồng nó uốn khúc lên cầu ao cắn chân thằng Cu. Kìa nó lôi chân thằng Cu kìa.
Con thuồng luồng là bóng cây dừa. Mặt nước sóng sánh con thuồng luồng rung rinh, quẫy cựa theo đợt sóng. Nó đen trùi trũi dài ngoằng ngoẵng. Nó đương vào cắn chân tôi. Tôi khóc thét. Hai tay tôi bíu chặt áo dì Niêm. Từ hôm sau, tôi không dám mon men xuống ngắt lá xanh táo dưới bờ ao nữa.
Ai doạ đem tôi cho con thuồng luồng dưới ao cắn chân, tôi kêu lên chu chéo.
Cái Hồ thì hóm lắm. Nó lau láu như bà cụ non. Hồ ưa mặc áo dài và rất thích đi guốc. Lúc nào, nó cũng đi guốc. Đôi guốc gỗ bé tí tẹo, gót gõ lẹt xẹt. Nó bước lù khù, hai bàn tay nắm nhau, chắp ra sau lưng. Khi nào ông tôi cầm chổi quét lá ngoài sân đất, nó cũng đi theo. Nó thơ thẩn hỏi ông. Ông quét đến đâu, nó đứng theo đấy. Lúc ông tôi quét xong, đã vun gọn đống rác lại. Hồ lễ mễ vác cái chổi sể cùn cất ra một góc sân.
Buổi chiều, Hồ đòi u tôi rửa chân tay kỹ lưỡng. Nó đi ra đầu ngõ. Nó nói:
- Cháu ra ngõ đón “anh” cháu đây.
Anh tức là thày tôi. Chúng tôi gọi thày u bằng anh với chị. Thường thường các nhà hiếm không dám gọi nhận thẳng cha mẹ, sợ ma quỷ bắt nên cho trẻ gọi chệch ra như thế.
Trong nhiều gia đình, con cái kêu cha mẹ là chú, thím, bác... Chúng tôi được bảo thuộc những tiếng anh, chị và xưng là cháu, từ thuở bập bẹ biết nói.
- Anh Cu có ra ngõ đón anh không?
Sâm sẩm tối, thày tôi đi làm về. Hồ đã quen lệ ấy. Nó ra lấp ló ngoài đầu ngõ, ôm hai tay lên bờ tường gạch, nhòm đường cái.
Chẳng mấy khi tôi dám thò đầu ra ngõ. Tôi sợ những đứa trẻ trong xóm. Tôi khiếp nhất con mẹ mìn mà bà tôi vẫn tả hình dạng nó. Nó đội chiếc nón rách. Nó đeo cái bị to, trong đựng toàn kẹo bột. Gặp trẻ con, nó giơ kẹo, cười cười: "Em ơi em, lại chị cho cái kẹo này, ngon thật ngon". Ăn kẹo vào, mê tít, mụ dắt đi đâu cũng theo. Mụ đem sang bên Tàu, bán trẻ con cho chú khách thuốc ê. Khách thuốc ê làm thịt, cắt hai cái tai, quay lên như lợn quay... Cái Hồ đứng ngõ, tôi chỉ luẩn quẩn trong sân, ngồi bên hòn đá trước hè, nhìn vẩn vơ.
Hồ đứng ngoài ngõ cho tới lúc trong nhà mọi người nghe thấy tiếng guốc nó lạch cạch trên lớp gạch vỡ lơn nhổn đầu ngõ. Ai cũng biết hiệu: thế là thày tôi đã về. Nó chui đầu vào cái vạt áo sau của thày tôi, vừa lách cách chạy, vừa reo inh ỏi trong khi thày tôi cởi áo, trật khăn treo lên mắc. Đến lúc thày tôi ngồi vào mâm, thì Hồ đã chõm choẹ bên cạnh, nói chuyện tíu tít. Tôi thì ngồi im thin thít ngoài hòn đá. Chán hòn đá tôi vào đứng góc nhà, ngó quanh quất tìm đôi guốc, rồi đem guốc ra sân, dì Niêm đến rửa chân cho. Chân đã sạch, tôi linh lỉnh leo lên giường nằm hát. Con ngòi... con ngòi mày chòi cây cau...
Cái gì Hồ cũng láu. Ai cũng yêu nó. Động một tý, nó nói: “Nghịch rác sân, ông lại đánh cháu bây giờ!”. Tôi chỉ ngắt lá cây si quấn lại làm kèn thổi te te. Thế mà nó cũng mách. Ai cũng chỉ yêu nó. Chẳng ai chơi với tôi. Tôi chỉ chơi một mình.
Tôi chơi một mình...
Ngày tháng lần lữa, lặng lẽ trẻ con quanh quẩn thế không biết đâu những việc của người lớn.
Cho tới độ ấy, thày tôi đã thôi việc. Tại làm sao thôi việc hay mất việc hàng "bánh tây ngoài Kẻ Chợ" tôi không được rõ. Hình như thày tôi sắp đi đâu xa.
Rồi thày tôi đi. Nhưng đi lúc nào, tôi cũng không biết.
Chỉ còn nhớ như buổi hôm ấy, một buổi chiều mùa hạ. Hồ và tôi rửa chân rồi, hai đứa vào ngồi trong phản. Bên khung cửi đã lên đèn đầu hôm, tiếng thoi đưa lạch cạch. Chiếc đèn ba dây giữa nhà ló ngọn sáng loè. Ngoài sân, muỗi bay như chấu táp vào mặt, kêu o o vang vào tận trong nhà.
Bỗng Hồ trỏ tay lên khe cửa hỏi u tôi.
- Cái áo của "anh" cháu treo kia đâu rồi?
Trong hóc cột, trên mẩu cuộn chỉ gỗ, không có tấm áo the thâm. Thường đi làm về bao giờ thày tôi cũng treo áo vào chỗ ấy, rồi lồng cái khăn xếp lượt lên trên. Bây giờ, lạ, không thấy. Hồ hỏi. U tôi bảo:
- Bố mày đi Kẻ Chợ. Mai về.
Nhưng cứ "mai" mãi, không thấy bố về. Thỉnh thoảng chợt nhớ. Hồ lại trỏ tay lên khe cửa, hỏi:
- Cái áo đâu?
Rồi cũng quên dần. Hồ mải mê đi theo, xem ông quét sân. Tôi ngồi bậc đá, quấn kèn tổ sâu, thổi te te. Vài năm sau tôi mới biết là hồi đó thày tôi vào làm ăn trong Sài Gòn.
U tôi kể rằng, đêm trước hôm thày tôi đi, chúng tôi cũng có biết, - nói là Hồ biết thì công bằng hơn, bởi vì tôi đã ngủ lâu rồi. Hồ cứ hỏi: "Mai anh đi đâu?" Thày tôi trả lời: "Con ở nhà ngoan nhé? Chóng về mua quà cho". Đến lúc đi ngủ. Hồ nằm cuộn tròn ngay dưới chân thày tôi. "Giữ chân không cho mai đi. Giữ được chân đây rồi?". Một lát Hồ ngủ, hai tay buông chân bố lúc nào không biết.
Gà gáy, thày tôi đi, chúng tôi đều đã ngủ yên. Thày tôi nhổ trên lòng bàn tay mỗi đứa một bãi nước bọt. Để đi xa, đỡ nhớ chúng tôi. Thày tôi xuống Hải Phòng rồi đi tàu thuỷ vào Nam Kỳ.
Năm ấy, tôi lên sáu.